Tin Được Hay Sao" – Mõ Sàigòn
Triển Châu, người huyện Từ Liêm, tỉnh Sơn Tây, dạy học ở Quảng Ninh, nên thường xa nhà trong mươi tháng. Ngày nọ, Châu ngồi độc ẩm ở ngoài sân, bất chợt thấy én liệng vài vòng, bèn rúng động tâm can, thì thào bảo dạ:
- Én bay lượn cả năm, tết còn biết đường về. Phần ta là người dạy học. Lẽ nào không về mà coi được hay sao"
Nghĩ vậy, liền hộc tốc chạy vào thư phòng coi lịch, thời biết năm ngày nữa là lớp học đã xong, liền mát lạnh tim gan mà bảo bụng rằng:
- Cả năm trời cha mẹ không được thư. Giờ con… bỗng hiện về, thì không nói cũng biết rộn rã thân tâm, mừng vui hết biết!
Rồi bất chợt giật mình, trộm nghĩ: "Ta ở trọ nơi đây, thấm thoát đã gần hai năm chẵn, mà tiền nhà chỉ trả có một phần hai, thời nghĩ tới ngẫm lui cũng có phần lấn cấn. Đã có lần ta hỏi: "Thời buổi khó khăn. Đồng tiền như châu ngọc, mà bớt bạo thế này, là nghĩa làm sao"". Chủ nhà khoát tay đáp: "Thiếp từ ngày trở thành cô phụ đến nay, thui thủi một mình, may nhờ có chàng đến xẻ chia, khiến điện nước theo… biu cũng bớt đi phần gánh nặng. Đó là chưa nói gặp ngày giông bão, hoặc gió nóng mù trời, thời chàng lại giúp cho chống nơi này che nơi nọ, khiến chỗ ở của thiếp đang lạnh bỗng hóa thành ấm cúng, đang không biết giải quyết thế nào bỗng mưa tạnh gió ngưng, đang lộn xộn lung tung bỗng hóa thành ngăn nắp. Công ơn ấy thiếp còn chưa trả được - mà tính trọn… nguyên con - thì chẳng những thiếp không vui mà cõi tâm tư cũng vương nhiều khúc mắc!". Ta lại nói: "Gieo cà thì được cà. Gieo đậu thì được đậu. Gieo nhân nào thì gặt ngay trái đó. Tai hạ ở nơi này dạy học. Những mong cha mẹ ở phương xa - lỡ có bề gì cũng được người chăm sóc - nên ra sức là vậy. Nàng không hiểu, lại tính chuyện nghĩa ơn, thời khiến cho tai hạ thiệt vô cùng khó nghĩ. Chớ tự chốn thâm tâm, tai hạ mong nàng không giận, đặng luôn được tự nhiên, thì nghĩa cử đó cũng đủ cho tai hạ chơi tới bờ tới bến. Duy tiền nhà thời mong nàng cứ nhận, để tai hạ được vui. Chớ áy náy thì làm sao khoan khoái"". Chủ nhà nghe vậy, thời liếc ta một cái, rồi ngập ngừng đáp rằng: "Thiếp không cần tiền của chàng, mà là cần cái khác. Trí thức như chàng. Lẽ nào không hiểu mà tin được hay sao"". Nay ta về thăm cha mẹ, mà không làm tiệc giã từ, thì trước là không phải trượng phu, sau… khó thành quân tử!
Đoạn, chạy vào phòng trong, mở tráp ra, lấy bọc tiền ra đếm, rồi thảng thốt nói:
- Tiền xe pháo. Tiêu phí dọc đường. Quà cho cha mẹ, cọng thêm tiệc giã từ, thì với số dành dụm ít oi. Còn đâu đánh số"
Rồi thừ người ra mà suy nghĩ, bởi chưa biết tiến thoái thể nào, bất chợt nhớ đến… tình đôi khi còn nặng hơn tiền bạc, bèn mừng rơn nói:
- Thời buổi khó khăn, mà người ta dám bớt cho mình phân nửa tiền nhà, thì đủ biết vật chất không quan trọng, mà một khi người ta đã cho vật chất không quan trọng, thời cái tình cái nghĩa mới ngọt lịm thâm sâu. Ngàn năm in dấu!
Nghĩ vậy, liền hớn hở chạy qua thư phòng, lôi ra một tờ giấy hoa tiên. Nắn nót viết: Nước chảy đá mòn. Sắt mài riết cũng thành kim. Chỉ có ân nghĩa thâm sâu - dẫu… mài tới mài lui cũng còn nguyên như thế - Nay năm cũ sắp tàn, năm mới dợm qua. Lòng của kẻ ở phương xa bỗng nhớ về cha mẹ. Nhớ mái nhà đã lớn lên từ thơ bé. Nhớ tàu chuối bờ kè của năm tháng tập bơi. Nhớ món tôm rim nhớ luôn mùa nước mặn, khiến tâm hồn rộn lên niềm xao xuyến, như thể mưa nguồn như sấm chớp xẹt ngang. Như thác trên non xổ tung bầu tâm sự… Nay lẹ làng thu vén vội hành trang, nên không kịp tổ chức cái gì hết cả. Chỉ cầu xin ơn trên phù hộ, cho người ở lại được mạnh an, rồi ra giêng sẽ bừng vui ngày hội ngộ…
Đoạn, đọc lại một mạch thấy chẳng có gì sơ sót, toan gấp lại đặt trên bàn, bỗng giật mình trộm nghĩ: "Thôi chết! Thư thay tiệc giã từ gởi lại cho người ta, mà chỉ có một lời hò hẹn, thì thiệt là không đúng! Lại nữa, mình vừa nghĩ đến gia đình - vội tất bật ra đi - thì tránh đâu cho khỏi nỗi tủi thân của người đang ở lại" Về thăm cha mẹ là chuyện nhỏ, nhưng để mất đi nơi trú ngụ mới là chuyện lớn. Ta tuy không dám tự phong mình là người trí thức, lại càng không dám cho mình là người quân tử - nhưng nặng nhẹ cân phân - thì tự chốn tâm can cũng hiểu đôi phần đó vậy!". Đoạn, vói tay lấy cái bút, nhúng mực, viết tiếp: Người mà đã sống quen ngày tháng yên hàn, thì sợ nhất là đụng đến cung tên. Tai hạ từ ngày được nàng thương tình cho ở trọ, lại chăm sóc trong ngoài, khiến thời gian gần gũi tuy chẳng được bao lăm, nhưng điều bổ ích thu được chẳng bao giờ ít ỏi. Phẩm cách cao thượng, tấm lòng bao dung, và nhiệt huyết tràn trề của nàng, chắc chắn sẽ là ngọn hải đăng hướng dẫn đôi chân của tai hạ lần theo bước tới…