Chuyến đi được mô tả là vô cùng quan trọng của ông đã bị các thành viên Quốc hội thuộc phe đối lập đã kích dữ dội.
Thành viên hàng ghế trước của đảng Tự do là Chris Pyne nói rằng: “Liên hiệp quốc thì luôn luôn ở đó. Điều quan trọng cho người Úc là cuộc sống hàng ngày của họ, xem họ có thể chi trả được nợ nhà, giữ được công ăn việc làm và có thực phẩm trên bàn ăn cho gia đình của họ hay không. Các ưu tiên của ông Rudd là sai trái”.
Phe Đối lập đã mài dũa sự tấn công của họ vào lịch trình bận rộn của ông Rudd và dán nhãn cho ông là “Kevin 747". Một thành viên hàng ghế trước khác của phe Tự do là Eric Abertz nói rằng: "Kevin 747 là Thủ tướng Úc chứ không phải là một vị hoàng đế. Ông Rudd không nên đi chơi ngoại quốc suốt như thế".
Thành viên hàng ghế sau của Tự do là Wilson Tuckey thì nói rằng Liên đảng có thể thắng trong cuộc bầu cử tới nếu ông Rudd cứ tiếp tục công du và triệu tập những cuộc tái xét duyệt thay vì đưa ra quyết định. Ông nói: “thực là đã tới lúc để xem ông Rudd đã làm được bất cứ điều gì khác hơn là đi công du ngoại quốc”.
Bộ trưởng Giao thông Anthony Albanese đã từ chối trả lời các câu hỏi về chuyến đi của ông Rudd để cho thành viên hàng ghế sau của đảng Lao động là Craig Thompson đơn độc bào chữa cho Thủ tướng. Ông Thompson nói rằng: “điều quan trọng là chúng ta có một vị Thủ tướng, người đưa nước Úc ra trước sân khấu chính trị toàn cầu”.
Trong khi ở New York, ông Rudd sẽ dành phần lớn thì giờ của mình để nói chuyện với các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu về việc làm cách nào để đối phó với vụ khủng hoảng tín dụng vốn đã tiếp diễn hơn một năm tính cho tới nay.
Trong khi đó thì thủ tướng Kevin Rudd nói rằng chuyến công du của ông tới Nữu Ước trong tuần này là một cơ hội để đáp ứng đối với cuộc khủng hoảng tài chính lần này. Ông Rudd nói rằng ông có mặt “đúng nơi và đúng lúc”. Ông nói với Đài truyền hình Số 7: “Theo định nghĩa thì một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đòi hỏi phải có một sự đáp ứng toàn cầu và điều này có nghĩa tôi cần phải có mặt ở nơi có hơn 100 nhà lãnh đạo chính phủ tại Nữu Ước trong vòng ba ngày. Chủ đề số một để thảo luận sẽ là đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính. Đó là một lý do chính tại sao tôi có mặt ở Nữu Ước và tôi tin rằng trách nhiệm của tôi là phải làm điều đó”.
Thủ lãnh Đối lập Liên bang, Malcolm Turnbull nói rằng thay vì như thế, ông Rudd nên chú trọng vào những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này đối với người dân thường.
Trong khi đó Thủ tướng Kevin Rudd khẳng định rằng có một sự khác biệt rất lớn giữa những gì xảy ra cho các cơ cấu tài chính tại Hoa Kỳ và tình trạng ở Úc.
Ông Rudd cũng đã mở một cuộc tấn công không giấu giếm lắm đối với Thủ lãnh Đối lập Malcolm Turnbull về đề nghị cần bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính địa phương.
Ông Rudd nói rằng đã có sự can thiệp đều đặn giữa Chính phủ, ngân hàng trung ương và các cơ chế khác đối với những đòi hỏi về tín dụng và tiền mặt.
Hôm cuối tuần, cơ quan hành pháp Hoa Kỳ đã công bố một ngân khoản $700 tỉ đô-la Mỹ ($840 tỉ đô-la Úc) để cứu cho các cơ cấu tài chính thoát ra khỏi ảnh hưởng nặng nề của những món nợ xấu từ cuộc khủng hoảng nợ mua bất động sản.
Thủ tướng Rudd đã rời Úc vào buổi chiều ngày Thứ Hai để đi Nữu Ước, nơi mà ông sẽ tổ chức các cuộc họp với chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Nữu Ước (New York Federal Reserve).