Hôm nay,  

Lương Tâm Và Nhiệm Vụ

17/08/200400:00:00(Xem: 5952)
Tuần rồi cộng đồng Việt Nam và Đại Hàn đã làm một cuộc tiếp đón dành cho thuyền trưởng Jeon Je Young, một ân nhân của 96 người tỵ nạn bằng thuyền Việt Nam. Thuyền trưởng Jeon Je Young đã ra tay cứu mạng sống cho nhóm người tỵ nạn Việt này dù chính sách của chiếc tàu ông đang chỉ huy không chấp nhận chuyện cứu người tỵ nạn. Nhưng vị thuyền trưởng người Nam Hàn này đã quyết định hành động theo trái tim của một con người có lương tâm. Ông quyết định cứu nhóm người tỵ nạn Việt Nam khốn khổ nầy. Và sau đó ông phải trả giá. Khi về bến, ông thuyền trưởng này bị tòa kết án 30 tháng tù treo, bị thu hồi bằng lái tàu và bị cho nghỉ việc vì hành động bác ái cứu người này. Gia đình ông lâm vào cảnh khốn đốn. Nhưng người thuyền trưởng giàu lòng nhân đạo này không bao giờ ân hận vì hành động nghĩa hiệp cứu người này. Ông thực sự là một con người đáng vinh danh và kính trọng. Trong sự mâu thuẫn giữa lương tâm và nhiệm vụ, ông thuyền trưởng đáng kính này đã theo tiếng gọi của lương tâm và cách hành xử thấm đẫm tình người này đã làm cho cuộc đời nhiều điên đảo xấu xa này bớt phần ô uế. Hành động hướng thượng của ông cho thấy trong cuộc đời ích kỷ, xấu xa này vẫn còn có một số người có lòng bác ái, từ tâm sẵn lòng ra tay cứu giúp người khác trong cơn hoạn nạn, trầm luân dù chuyện làm cao đẹp này nhiệm vụ không cho phép và sau đó đưa đến những nguy hiểm và bất lợi cho sự nghiệp bản thân và gia đình.
Câu chuyện vượt biển này được một thuyền nhân trên tàu là ông Nguyễn hùng Cường kể lại là sau khi chiếc thuyền dài 36 feet và rộng 13 feet chở 96 người rời Việt Nam (trong đó có một phụ nữ mang thai 8 tháng), đi được 4 ngày thì tàu bị hư máy và một cơn bão biển sắp ập đến. Mọi người trên tàu đều mong mỏi những chiếc tàu lớn trên biển cứu vớt họ, nhưng rồi có 50 tàu lớn đi qua mà chẳng có tàu nào đoái hoài đến thân phận thảm thương và số phận nguy cấp của họ. Chiếc tàu thứ 51 đi qua trong sự thất vọng cùng cực của họ. Nhưng 10 phút sau thì có chuyện ngạc nhiên tột cùng xảy ra. Chiếc tàu thứ 51 này quay trở lại để vớt họ lên tàu. Khi lên tàu họ được phát quần áo khô và thực phẩm. Đó là ngày 13 tháng 11 năm 1985. Người thuyền trưởng là ông Jeon Je Jong, đã làm việc 16 năm với hãng Koryo Wonyang Corp, thuyền ông trên đường trở về nhà từ biển Ấn độ dương với 25 thủy thủ và 350 tấn cá thu (tuna) vừa đánh bắt được. Sau khi đưa những thuyền nhân Việt lên tàu, ông được lệnh của thượng cấp phải bỏ tất cả thuyền nhân lại trên biển. Các thủy thủ trên tàu đã sửa soạn một số phao và dụng cụ cần thiết chuẩn bị thả thuyền nhân trở lại trên biển. Nhưng đây là lúc vị thuyền trưởng đáng kính Jeon Je Jong quyết định một chọn lựa khó khăn nhất trong đời ông: chấp nhận cứu những người tỵ nạn khốn khổ này dù chuyện làm này đi ngược với nhiệm vụ và đường lối của công ty và ông sẽ bị trừng phạt lúc về bến. Ông đã cứu được người và ông đã bị trừng phạt vì hành động nhân đạo cứu người này! Vì chuyện cứu người ngược với luật lệ của công ty, sau khi về bến, ông bị sa thải ngay lập tức và từ đó sống với tiền tiết kiệm dành dụm trước đây và phụ giúp công ăn việc làm của bạn bè thân.
Một trong những người nhận ơn cứu tử là ông Nguyễn hùng Cường sau này định cư ở Mỹ nhưng lúc nào trong lòng cũng mong gặp lại người thuyền trưởng ân nhân đã cứu ông và gia đình trong giờ phút thập tử nhất sinh. Sau này ở chỗ làm việc, ông Cường có quen một người đồng nghiệp người Đại Hàn là bà Xu Chan. Ông Cường có kể lại chuyện cho bà Xu Chan nghe và ngỏ ý muốn bà di tìm vị thuyền trưởng ân nhân năm xưa. Bà Xu Chan về Đại Hàn và nhờ người nhà đi tìm và đã tìm ra vị Thuyền trưởng Jeon Je Jong năm xưa.
Sau một thời gian thu xếp, ông Cường cùng với sự hỗ trợ của một số đoàn thể trong cộng đồng đã sắp xếp một chuyến du lịch dành cho vị ân nhân cùng vợ và con gái sang Hoa Kỳ. Trong buổi tiệc gặp gỡ, ông Jong đã lên diễn đàn ngỏ lời cám ơn tất cả cộng đồng Hoa Kỳ, Đại Hàn và Việt Nam tại Nam Cali đã dành cho ông và gia đình một sự đón tiếp quá sức cảm động và nồng hậu. Ông cho việc cứu 96 thuyền nhân Việt của ông trên biển gần 20 năm qua chỉ là một việc làm nhân đạo mà bất cứ ai cũng phải làm. Đó là lời nói khiêm tốn của vị thuyền trưởng có trái tim vĩ đại. Cuộc đời sẽ đẹp hơn nếu ai cũng có tấm lòng nhân hậu, bác ái như vị thuyền trưởng đáng quý và đáng kính này.
Nói đến chuyện ghi ơn người thuyền trưởng cao quý Jeon Je Jong thì cũng nên ghi nhận tấm lòng biết ơn và tìm cách trả ơn của người chịu ơn năm xưa là cựu thuyền nhân Nguyễn hùng Cường. Mặc dầu đã yên ổn với đời sống mới trên đất Mỹ nhưng ông Cường không bao giờ quên ơn cứu tử của vị thuyền trưởng người Đại Hàn năm xưa và tìm đủ mọi cách để tìm cho ra vị thuyền trưởng này để tạ ơn. Cách xử sự của ông Cường thật là đáng quý và đáng khen. Đó là cách sống có tình, có nghĩa, có trước có sau. Đó cũng là cách xử sự tiêu biểu của một người Việt Nam có truyền thống văn hóa. Thi ân thì bất cầu báo nhưng chịu ơn ai thì ngàn đời không quên và tìm đủ mọi cách để đền ơn, đáp lễ. Ở quận Cam (Orange county), hàng năm có những tổ chức tư nhân người Việt tổ chức một ngày để cung cấp thực phẩm miễn phí và tặng những phẩm vật cho những người Mỹ bản xứ vô gia cư để cám ơn nước Mỹ đã cưu mang người Việt trong những ngày tháng đầu định cư trên vùng đất hứa này. Người Việt dù đi lưu vong ở nước ngoài vẫn còn giữ được truyền thống biết ơn và tạ ơn của nền văn hóa Việt cao đẹp mà mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước đã hun đúc nên.
Trong chiến tranh Việt Nam chuyện Trung úy Calley đã đốc thúc binh sĩ dưới quyền tàn sát nhóm dân làng vô tội tại làng Mỹ Lai đã làm cho quân sử Mỹ bị hoen ố khó phai mờ. Nhưng bên cạnh viên sĩ quan cuồng sát Calley làm nhục quân đội Mỹ, có một sĩ quan không quân Mỹ tên Hugh Thompson đã có hành động can đảm cứu một số dân làng Mỹ Lai trong vụ thảm sát này.
Mới đây chương trình "60 minutes" của đài CBS ngày 9 tháng 5 năm 2004 có tường thuật về câu chuyện can đảm cứu người vị sĩ quan trực thăng giàu lòng nhân ái này. Hôm ấy là ngày 16 tháng 3 năm 1968, khi bay trực thăng đến làng Mỹ Lai để hỗ trợ hành quân, viên sĩ quan trực thăng Hugh Thompson đã nhìn thấy lính Mỹ lùa dân làng Mỹ Lai vào một con mương. Lúc đầu Thompson tưởng là có một trận đụng độ với Việt Cộng nhưng khi bay đến gần ông thấy rõ đây là một cuộc tàn sát dân lành không hơn không kém. Bất chấp nguy hiểm ông cho trực thăng bay xuống con mương để cứu 9 người dân lành. Ông báo cáo về thượng cấp về chuyện tàn sát của lính Mỹ nhưng thượng cấp đã tỏ ra muốn bưng bít câu chuyện thảm sát không hay này. Cùng bay với ông hôm ấy có người phụ tá tên Larry Colburn và ông Colburn đã chứng kiến từ đầu đến cuối hành động cứu người của Hugh Thompson.
Sau khi thông báo cho báo chí biết những chuyện tàn bạo xảy ra thì quân đội không đánh giá ông như một anh hùng mà coi ông như một kẻ phản bội. Kể từ đó máy bay trực thăng ông khi đi hành quân không còn được máy bay bạn theo hộ tống như trước nữa. Khi không còn được hộ tống như trước, ông sẽ không có được sự bảo vệ an toàn khi bay trực thăng hành quân. Khi làm như thế là thượng cấp ông muốn ông dễ bị ăn đạn kẻ thù hơn để trừng phạt chuyện làm không tuân lệnh thượng cấp nhằm bưng bít tội ác ở Mỹ Lai. Ông bị bắn rơi tổng cộng 5 lần và lần cuối thì bị gãy lưng. Ông nói thẳng là ông chấp nhận sự bắn giết trong chiến tranh nhưng chuyện tàn sát một cách lạnh lùng người dân vô tội thì đó là một chuyện khác. Ôâng đã làm đúng lương tâm của một con người nhưng dưới mắt thượng cấp thì ông lại vi phạm nhiệm vụ của một người lính. Ông đã đặt lương tâm cứu người lên trên nhiệm vụ quân đội. Ông bị đồng đội đối xử thù hằn và lạnh nhạt. Ông nhiều lần nhận được lời hăm dọa giết và có lần ông bước vào một hội quán nhà binh thì có một số những người lính trong hội quán bước ra ngoài vì không muốn nhìn thấy sự có mặt của ông.
Mới đây, Phóng viên Mike Wallace đã mời Hugh Thompson và người bạn đồng đội Larry Colburn về lại làng Mỹ Lai mới đây để gặp lại những người dân mà ông đã cứu bằng trực thăng trong ngày tàn sát kinh khiếp đó. Có một bà già trong làng, khi gặp hai ông Thompson và Colburn, đã nói trong nước mắt để cám ơn tấm lòng nghĩa hiệp cứu người của ông.
Sau này dần dần chính phủ và quân đội Hoa Kỳ đã nhận thấy sự thật và quyết định vinh danh ông và người bạn đồng đội Larry Colburn, Ông được mời đi diễn thuyết tại những nơi như Trường đại học võ bị West Point, Trường sĩ quan Hải quân và vinh dự nhất là ông được ghi tên vào Đài kỷ niệm không quân (Army aviation hall of fame).. Khi đi nói chuyện với các sinh viên sĩ quan, ông khuyên họ "Đã là một người lính thì phải hành động như một người lính".
Rõ ràng chỉ vì hành động cứu người mà ông đã bị chính tập thể quân đội của ông coi ông như một kẻ phản bội thời bấy giờ. Ông đã phải trả giá cho hành động nhân ái và cao thượng của mình. Nhưng dần dà qua năm tháng, chính phủ và quân đội Hoa Kỳ đã coi ông như một người hùng và quyết định vinh danh ông với những lễ nghi cao quý nhất dành cho một chiến sĩ quả cảm trong thời chiến. Còn tên sĩ quan cuồng sát Calley khi về Mỹ thì bị đưa ra tòa và bị phạt tù. Tổng Thống Nixon đã đứng ra ân xá cho tên Calley này sau một thời gian thọ án. Xem thế thì mới biết cái thiện bao giờ cũng thắng cái ác, dù cho hành động làm việc thiện cứu người vô tội có bị trả giá bằng sự trù dập của thượng cấp thì dần dà qua năm tháng, người ta cũng nhận ra được tấm lòng nhân ái, cao cả của người hiệp sĩ đi cứu người.
Hugh Thompson là một đóa hoa sen tỏa hương thơm ngát tình người và làm rạng danh quân sử Mỹ trong khi Calley là một đống bùn nhơ nhớp làm hoen ố thanh danh người lính Hoa Kỳ.
Năm 1993, cuốn phim "Schindler 's list" (Danh sách của Schindler) đoạt 7 giải Oscar trong đó có giải "Đạo diễn" dành cho đạo diễn lừng danh của cuốn phim này là Stephen Spielberg. Cuốn phim nói về cuộc đời của nhà tài phiệt người Áo tên Oskar Schindler, trong Thế chiến thứ 2, đã tìm cách cứu khoảng 1000 người Ba Lan gốc Do Thái khỏi những lò giết người của Đức quốc xã bằng cách thiết lập một xưởng làm việc nằm cạnh trại giam và thuê mướn những người Ba Lan gốc Do Thái làm việc với mục đích là mua thời gian, trì hoãn chuyện đưa những người này vào trại giết người của Đức quốc xã. Ông Schindler thiết lập một danh sách mướn người làm việc, do đó mà cuốn phim có tên là "Danh sách của Schindler" (Schindler's list).

Oskar Schindler là người gốc Áo có quê ở Zwittau, vùng này sau trở thành một vùng đất của nước Tiệp Khắc năm 1918. Ông là một nhà tài phiệt thuộc giới quý tộc ngay từ những năm đầu Thế chiến thứ 2 đã có một kế hoạch kiếm tiền từ vùng đất Ba Lan mới bị Đức quốc xã xâm chiếm bằng cách dùng thuê mướn những nạn nhân Do Thái từ cơ quan mật vụ SS. Những người Do Thái này vui lòng làm việc cho ông, lúc đầu chỉ là lý do được trả bằng những hàng hóa tiêu dùng, nhưng sau này lý do chính mà ông Schindler mướn họ là để tránh cho họ bị gửi đi những trại giết người. Những người Do Thái này bị tập trung và gửi đến trại lao động tên Plaszow, và vì thế mà ông Schindler cũng đến lập công xưởng ở gần trại thuê mướn họ làm việc để mua thời gian nhằm cứu họ khỏi bị đẩy vào những lò giết người. Ông Schindler coi như chơi trò xiếc đi dây khá nguy hiểm khi bên ngoài thì ông hành động như là một dịch vụ kiếm tiền, bên trong thì ông muốn cứu người Do Thái khỏi bị giết. Nếu bọn Phát-xít Đức khám phá ra nguyên nhân sâu kín trong chuyện mướn người của ông thì chắc chắn chúng sẽ trừng phạt ông. Ông luôn có quan niệm rằng chiến tranh không bao giờ tạo nên sự tốt đẹp cho con người mà chỉ tạo ra sự xấu xa, tồi tệ. Có chừng 6 triệu người Do Thái bị Đức quốc xã giết trong Thế chiến thứ 2. Dù ông Schindler có cứu được chừng 1000 người Do Thái thì đó cũng nói lên tấm lòng vị tha bác ái của ông. Người ta chỉ nhìn thấy tấm lòng nhân ái bao la của ông sau khi ông qua đời và cuốn phim "Schindler's list" (Danh sách của Schindler) đã mô tả chuyện làm cao cả cứu người Do Thái của ông từ đầu đến cuối bằng cách giả vờ mướn họ làm việc trong công xưởng của ông nằm cạnh những lò giết người. Đoạn cuối cuốn phim có quay cảnh những người Do Thái sau này lần lượt đến mộ của ông Schindler để thăm viếng tặng hoa thật cảm động. Lòng tốt nhân ái cứu người của ông được mọi người nhìn thấy sau khi ông qua đời. May mắn là bọn Đức quốc xã cũng không nhìn ra "kế hoạch mướn người để cứu người" Do Thái của ông, nếu chúng biết, chắc chắn ông sẽ phải bị trả giá rất đắt cho hành động làm bộ thuê mướn công nhân làm việc để cứu người của ông.
Sau khi phim "Schindler's list" được chiếu rộng rãi và tạo tiếng vang khắp thế giới, người ta lại phát hiện thêm một Schindler khác giàu lòng nhân ái và đã cứu chừng 6000 đến 7000 người Do Thái khỏi bàn tay tàn sát của Phát-xít Đức. Ông là một nhà ngoại giao Nhật có tên là Chiune Sugihara. Một người đã vì lương tâm đứng ra cứu người và bị trừng phạt bởi guồng máy ngoại giao vì ông đã bất tuân thượng lệnh đã giao phó nhiệm vụ cho ông.
Câu chuyện xảy ra vào năm 1940, lúc ấy quân đội Phát-xít Đức đang xâm lấn khắp mọi nơi, hàng ngàn người Ba Lan gốc Do Thái bỏ nhà chạy trốn vào nước Lithuania (Một nước sau này nằm trong Liên Bang Sô Viết và mới được độc lập sau khi Liên Bang Sô Viết tan rã). Đây là con đường chạy thoát duy nhất từ Ba Lan. Muốn chạy ra khỏi Âu Châu thì phải băng qua Liên Bang Sô Viết để tới vùng Vladivostok, rồi qua Nhật và sau đó đi đến Trung Hoa hay Bắc Mỹ. Hoa Kỳ và Anh lúc đó cũng từ chối nhận người tỵ nạn mới. Ông Chiune Sugihara lúc ấy làm Tổng lãnh sự của Nhật tại Vilnius, Lithuania.
Một buổi sáng có một đám đông chừng 200 người Ba Lan gốc Do Thái tụ tập trước tòa lãnh sự Nhật ở Vilnius nơi ông đang làm việc yêu cầu ông cấp cho visa để họ có thể rời nước. Ông đánh điện về nước tổng cộng ba lần xin chỉ thị thượng cấp ở Tokyo thì cả ba lần đều được ra lệnh là không được cấp visa cho nhóm người tỵ nạn trên để họ có thể qua Nhật rồi đi một nước thứ ba hầu trốn chạy sự tàn sát của Đức quốc xã.
Vào sáng ngày 31 tháng 7 năm 1940, Sugihara quyết định bất tuân thượng lệnh của chính phủ Nhật và bắt đầu cấp phát visa cho nhóm người tỵ nạn. Vào cuối tháng 8, văn phòng lãnh sự bị đóng cửa và Sugihara được lệnh phải đi đến Đức. Ngay cả khi ngồi trên xe lửa chuẩn bị rời ga, ông vẫn tiếp tục ký tên cấp phát visa cho đám người tỵ nạn khốn khổ. Ông nói với những người tỵ nạn đang đứng dưới sân ga, "Làm ơn tha thứ cho tôi, tôi không thể viết được thêm nữa. Tôi cầu nguyện cho quý vị được an toàn". Vào những giây phút cuối ông viết thêm được chừng 1600 visa, quăng ra ngoài cửa sổ cho đám đông bên dưới sân ga và coi như cứu thêm được chừng từ 2000 cho đến 6000 người Do Thái. Một cái visa di chuyển có thể dùng cho cả một gia đình. Trong vòng bảy tuần lễ sôi động từ đầu tháng 7 đến gần cuối tháng 8 ông làm việc 20 giờ mỗi ngày, và ký chừng 6000 đến 10000 cái visa cho những người tỵ nạn để họ có thể ra đi tìm sự sống. Ông bỏ cả ăn trưa để có thể ký càng nhiều càng tốt để cứu người. Khi hết những mẫu visa được in sẵn, ông cấp visa bằng giấy thường. Buổi tối bà vợ Yukiko phải thoa bóp bàn tay đau nhức của ông vì phải ký quá nhiều visa vào ban ngày. Bà khuyến khích ông rán cấp thêm visa vì mỗi cái visa ông ký ra là cứu được một mạng sống. Với cái visa này, người tỵ nạn có thể đi xe lửa tới Siberia, xuyên qua Vladivostok và cuối cùng đến được Nhật hay những quốc gia khác. Ở những nơi đó người tỵ nạn được đối xử tử tế trong thời kỳ chiến tranh. Dù Nhật có liên minh với Phát-xít Đức nhưng quốc gia Nhật ít có chuyện bài Do Thái. Ngay cả khi những người tỵ nạn thiếu thốn thực phẩm thì cũng được chia sẻ phần ăn. Sau chiến tranh nhiều người tỵ nạn này định cư tại Hoa Kỳ.
Sau chiến tranh chấm dứt, Sugihara lúc ấy đang làm việc tại Romania, bị quân Liên xô bắt và bị gửi đi trại tập trung chung với vợ và con trai ông trong vòng 18 tháng rồi mới được thả ra.
Sugihara trở về Nhật năm 1947, ông đến bộ Ngoại giao Nhật thời hậu chiến hy vọng sẽ được tiếp đón trong sự thông cảm và có thể được giao nhiệm sở mới. Nhưng rồi ông cũng giống như Thuyền trưởng Jeon Je Jong, ông bị bộ Ngoại giao Nhật cho nghỉ việc !
Ông sau đó sống trong bóng tối trong nhiều thập niên, làm nghề bán bóng đèn điện, rồi nhập cảng dầu. Thế giới không biết gì nhiều về ông cho đến năm 1968, khi có viên phụ tá kinh tế của Tòa đại sứ Do Thái ở Tokyo tên Joshua Nisri tìm cách mang ông Sugihara ra ánh sáng. Nisri là một thiếu niên Ba Lan hồi năm 1940, và là một trong những người tỵ nạn được ông Sugihara cứu.
Từ đó, câu chuyện thấm đẫm tình người bác ái của Sugihara dần dần thấm sâu vào ý thức của toàn thế giới.
Vào năm 1985, một năm trước khi ông qua đời. Chính phủ Do Thái vinh danh ông là "Người của công lý thế giới". Câu chuyện ông càng được lan truyền rộng rãi khi chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ ở Lithuania và những quốc gia Đông Âu. Vào năm 1991, khi làm lễ tuyên ngôn độc lập của Lithuania, một bức tượng được dựng lên và một con đường mang tên Sugihara. Năm 1997, có một cuốn phim tài liệu nói về cuộc đời ông có tên "Visas and Virtue" của hai người làm phim Chris Tashima và Chris Donahue đã đoạt một giải Oscar về thể loại phim ngắn sinh động (Live Action Short Category). Năm 2002, một tượng của ông được dựng lên ở khu phố nhỏ Tokyo ở thành phố Los Angeles. Bức tượng thể hiện hình thể một nhà ngoại giao đang ngồi trên một chiếc ghế, tay phải cầm một cái visa. Trong một bài diễn văn đọc năm 1985, ông Sugihara cho biết lý do đơn giản tại làm sao ông cấp visa cho những người tỵ nạn, "Tôi nghĩ ai cũng có cảm giác bất nhẫn khi nhìn thấy những người tỵ nạn van nài trong nước mắt". Con trai ông cho biết ông luôn là một người sống kín đáo và tốt bụng.
Những người như Thuyền trưởng Jeong Je Jong, hai phi công Mỹ Hugh Thompson va Larry Colburn, nhà tài phiệt Áo Oskar Schindler, nhà ngoại giao Nhật Chiune Sugihara đều có tấm lòng thuơng người sâu xa và đã ra tay cứu mạng sống họ. Họ đều hành xử với tinh thần "Thương người như thể thương thân", họ luôn tâm niệm "Dù xây chín bậc phù đồ. Không bằng làm phước cứu cho một người". Họ đặt chuyện cứu người là ưu tiên đầu vượt lên biên giới của chủ nghĩa, màu da, chủng tộc, bạn thù. Trừ nhà tài phiệt thương người Oskar Schindler không bị phiền toái gì trong chuyện cứu người của ông vì Phát xít Đức, cho tới ngày sụp đổ, không khám phá ra "âm mưu" cứu người Do Thái của ông, còn lại Thuyền trưởng Jong, hai sĩ quan Mỹ Thompson và Colburn cùng nhà ngoại giao Nhật Sugihara đều bị thượng cấp trừng phạt vì hành động cứu người cao cả của họ. Họ đã đặt lương tâm lên trên nhiệm vụ, họ cảm thấy thanh thản tâm hồn trong khi cứu người mà bỏ qua những sự chế tài sau này mà họ biết chắc là họ sẽ gặp phải. Đó là một điều nghịch lý mỉa mai. Nhưng rồi bản chất của con người cuối cùng đều hướng về điều thiện nên tất cả những người trên đều được vinh danh về những hành động cứu người cao cả của họ. Đó là phần thưởng tinh thần xứng đáng dành cho họ sau những ngày tháng bị trù dập, bỏ rơi vì hành vi từ bi, độ lượng của mình.
Mới đây, vào hai ngày 27 và 28 tháng 7 năm 2004, có chừng 400 người tỵ nạn Bắc Hàn được máy bay chở đến Nam Hàn từ Việt Nam. Những người Bắc Hàn này đã chạy qua Việt Nam từ phía Trung Cộng trước đây. Nhà nước Việt Nam đang làm ăn buôn bán với nước Đại Hàn nên dấm dúi cho người tỵ nạn Bắc Hàn được tạm thời ở lại và sau đó được đưa đi định cư tại Đại Hàn. Nhưng sau này khi chính phủ Cộng sản Bắc Hàn lên tiếng phản đối cho là những người dân Bắc Hàn bị bắt cóc thì chính phủ Việt Nam sợ hãi và không muốn làm mất lòng nước bạn xã hội chủ nghĩa lâu đời nên quyết định trả một số người tỵ nạn Bắc Hàn đến Việt Nam sau này về lại Trung Cộng, là chỗ người tỵ nạn Bắc Hàn đã đến trước khi vào Việt Nam. Những người tỵ nạn Bắc Hàn không may bị trả về này chắc sẽ cầm chắc cái chết vì sự tàn bạo của chế độ Cộng sản Bắc Hàn. Nhà cầm quyền Việt Nam đã không có nổi tấm lòng hy sinh cứu người của Thuyền trưởng Jong, của hai phi công Mỹ Thompson, của nhà tài phiệt Áo Schindler, của nhà ngoại giao Nhật Sugihara nên đã có một quyết định giết người là trả người tỵ nạn Bắc Hàn về lại quê hương của họ. Thật ra được nhồi sọ bởi chủ nghĩa Mác- Lê cực đoan và độc ác từ bé đến lớn nên họ mất đi cái tính thiện căn bản của con người và chỉ biết hành động theo lợi nhuận và theo nguyên tắc ngoại giao mà không lưu ý gì đến mạng sống của con người.
Gần đây đã nổ ra trận chiến lớn của Đại tướng chột mắt Lê đức Anh và Đại tướng cai đẻ Võ nguyên Giáp đã cho thấy Đảng Cộng sản của chúng trên đà sụp đổ không thể cứu vãn nổi. Bao nhiêu năm gìn giữ tình đồng chí sắt son chỉ là sự che đậy giả dối, và cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra và bây giờ là thời điểm chúng quyết tâm đấu đá, chém giết nhau quyết liệt vì quyền lợi cá nhân và phe nhóm. Tới giờ phút này thì không còn theo lý tưởng tốt đẹp gì nữa mà chỉ là giành chức vụ, giành ăn, tham nhũng, vơ vét bằng mọi cách cho đầy túi tham. Chúng đấu đá nhau trên tinh thần "trâu cột ghét trâu ăn" và 'lừa thầy phản bạn'. Thật ra Đảng của chúng là một thứ đảng cướp không hơn không kém thì chỉ sinh ra toàn bọn "đầu trâu mặt ngựa'' độc ác xấu xa thì cũng không làm ai ngạc nhiên. Đối với bọn mặt người dạ thú này thì "lương tâm không bằng lương thực". Mặc dù sống phè phỡn trên xương máu của dân chúng, chúng vẫn sẵn sàng giết nhau để thu vén lợi nhuận độc quyền cho phe nhóm mình. Cái chết đột tử của những tướng Hoàng văn Thái và Lê trọng Tấn trước đây là cũng do phe phái trong Đảng chơi nhau sát ván cả. Bổn phận của người đấu tranh là phải "đổ thêm dầu vào lửa" để chế độ chúng chóng sụp đổ, cho quê hương dân tộc có cơ hội sống trong tình thương nhân bản, trong tự do dân chủ và trong hòa hợp yêu thương.
Một chủ nghĩa ác độc cổ súy cho chuyện ác như chủ nghĩa Mác thì chỉ sinh ra toàn một bọn đầu trâu, mặt ngựa, bán nước hại dân như bọn bất tài vô tướng hiện nay đang ngồi ở Bắc bộ phủ là chuyện hiển nhiên thường tình thôi. Chắc chắn rằng sau khi chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ ở Việt Nam và một chế độ nhân bản được khai sinh ở Việt Nam thì sẽ sản sinh ra những con người luôn lo lắng thương yêu và cứu giúp người khác. Và khi làm như thế thì sẽ được công ty hay nhà nước của người ấy vinh danh hay trọng thưởng chứ không bị trù dập, bỏ rơi như những người có tấm lòng nhân ái được nhắc đến ở trên.
Nhân chi sơ bao giờ cũng tính bản thiện và cái thiện đó cần được ngày càng xiển dương bằng gương sáng và giáo dục để làm thăng hoa và tô điểm cho cuộc sống của con người thêm phần ý nghĩa đẹp đẽ.
Lawndale, một chiều hạ oi ả, êm đềm giữa tháng 8 năm 2004
TRẦN VIẾT ĐẠI HƯNG
(email: dalatogo@yahoo.com)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.