Hôm nay,  

67. Nguyễn Trung Vẽ Tự Do Tuyệt Đối

11/05/201523:06:00(Xem: 15079)
Hội hoạ Việt Nam

NGUYỄN TRUNG
VẼ TỰ DO TUYỆT ĐỐI

NORA ANNESLEY TAYLOR

Lê Sông Văn giới thiệu, trích dịch

Việt báo xuân 2015Nguyễn Trung là tên tuổi hàng đầu của hội hoạ Việt Nam đã hơn nửa thế kỷ. Tranh của ông từng tham gia các cuộc triển lãm tại Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan (Hành lang Nghệ Thuật Thavibu) Đại Hàn, Ý, Pháp, Bắc Âu và Hoa Kỳ và và được sưu tập bởi các Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam, viện Bảo tàng Nghệ Thuật Singapore và viện Bảo tàng Mỹ Thuật Bassano del Grappa của Ý.

Gần đây, Menifique Art Museum và CUC Gallery đã cho xuất bản sách về cuộc đời và tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Trung. Sách bìa cứng, khổ lớn, 124 trang, với nhiều tác phẩm quan trọng đánh dấu từng thời kỳ trong quá trình sáng tạo của họa sĩ bao gồm cả những tác phẩm mới nhất của Nguyễn Trung trong năm 2014.

Người viết sách là Nora Annesley Taylor, giáo sư môn lịch sử, lý thuyết và phê bình nghệ thuật tại Học viện Mỹ Thuật Chicago.

Cả cuốn sách cho thấy một công trình nghiên cứu nghiêm túc về Nguyễn Trung.

Sau đây là những nhận định của Bora Taylor dịch, trích từ trang 103 của cuốn sách:

Suốt cuộc đời và sự nghiệp hội họa, họa sĩ Nguyễn Trung vẫn giữ cái nhìn riêng của mình về mỹ thuật. Đây chính là một thành quả lớn đối với một người nghệ sĩ đối diện với chiến tranh, nghèo đói, rồi bị ném vào một hệ thống xã hội chủ nghĩa quản lý nghệ thuật và tư tưởng con người.

Việt báo xuân 2015
Sách về cuộc đời và tác phẩm Nguyễn Trung tác giả Nora AnnesleyTaylor

Nhìn toàn bộ sự nghiệp và tác phẩm của ông khiến ta có thể phân loại, chia thành hai phần đối lập nhau (nghệ thuật tượng hình và nghệ thuật trừu tượng hay trước 1975 và sau 1975). Cũng có thể xem đây là tiến trình tự nhiên của bất kỳ một họa sĩ Việt Nam nào sinh sống ở Việt Nam vào thời điểm này. Tuy vậy, cách nhìn này vẫn không hoàn toàn đúng trong quá trình sáng tạo của ông, khi mà những tác phẩm của ông chuyển hóa cùng với thái độ của ông đối với tình huống, sự kiện đời mình. Điều khiến ông trở nên độc đáo trong lịch sử hội họa Việt Nam chính là chỗ ông vượt lên trên bất kỳ hệ thống phân loại nào.

Nói cách khác, khi Việt Nam chuyển từ thời thuộc địa đến cách mạng, rồi kinh tế thị trường, Nguyễn Trung không bị rơi vào bất cứ sự biến chuyển nào, ông vẽ với tâm thức riêng của mình. Có lẽ nên nhìn sự nghiệp của ông như một con đường riêng biệt ông đã đi qua, vừa độc lập với thời thế, vừa gắn bó mật thiết với công việc sáng tạo của mình.

Việt báo xuân 2015Có thể chia toàn bộ tác phẩm của ông thành bốn thời kỳ, mỗi thời kỳ đẻ ra một loạt tác phẩm cá biệt. Sau một thời gian dài chìm đắm, bước đột phá đầu tiên xảy ra trong thời gian ông ở Paris, năm 1990, khi ông lần đầu tiên có cảm giác "tự do", được giải thoát khỏi những nỗi đau của quá khứ và những hạn chế của hệ thống xã hội chủ nghĩa hiện tại. Điều này hiển hiện rất rõ trong những tác phẩm trưng bày ở Nhà Việt Nam (the 'Maison du Vietnam'). Một trong những họa phẩm triển lãm và được vẽ tại Paris trong thời kỳ này là tranh vẽ một người đàn bà khỏa thân, nhìn từ phiá sau lưng. Đường viền thân thể hòa vào không gian xung quanh người, ngoại trừ một vệt sáng ánh lên từ hậu cảnh. Tác phẩm này chính là cột mốc đánh dấu sự chuyển mình từ figurative (tượng hình) sang abstract (trừu tượng), và cũng cho thấy được thời điểm ông đã làm chủ được khả năng tạo ra sự chuyển động bằng cách tối giản đường nét của hình dáng cơ thể, báo hiệu sự rời bỏ hình tượng (figurative) hoàn toàn về sau này của ông.

Cột mốc thứ hai là lần triển lãm cá nhân mang tên "Revelations of Time and Self" ở Trang An Gallery, Hà Nội, năm 1999, được điều hành bởi nhà phê bình hội họa (curator) Judy Day, gồm một loạt tranh hoàn toàn khác biệt so với xu hướng hội họa vào thời điểm này.

Việt báo xuân 2015
Fish girl

Lúc bấy giờ, sau khi luật cấm vận được bãi bỏ, thị trường hội họa Việt Nam bùng nổ. Giá tranh tăng đến mức kỷ lục. Họa sĩ thi nhau bán tranh cho khách sưu tập nước ngoài. Thể loại được yêu chuộng và sưu tập gồm tranh phong cảnh đồng quê, chân dung thiếu nữ trong trang phục truyền thống áo dài, hoặc liên quan đến trường phái biểu hiện, tĩnh vật nhiều màu sắc vẽ những đồ vật có tính cách nghi lễ. Những bức tranh trừu tượng của họa sĩ Nguyễn Trung lúc đó chưa từng thấy ở Việt Nam. Đường cọ trắng mạnh mẽ in trên nền nâu đậm, tranh của ông đứng riêng rẽ, khác biệt hoàn toàn với các họa sĩ cùng thời. Từ cuộc triển lãm này, ta có thể thấy rõ rằng ông không quan tâm đến việc vẽ những hình ảnh rập khuôn về Việt Nam. Điều làm ông hứng khởi hơn là mày mò với chất liệu của màu sắc như chính nó là một khí cụ.

*

Vào thập niên 90, sau chuyến Paris, tác phẩm của ông đã đi một bước dài, vững vàng và tự tin hơn. Khi nghệ thuật Trừu Tượng không còn bị cấm đoán, ông đoạn tuyệt với Figuration (hình tượng). Khi những họa sĩ đương thời với ông chỉ mới phát hiện ra trường phái trừu tượng, hoặc những họa sĩ còn quá trẻ để nhớ lại thời mà nền hội họa ở miền Nam đã tiến bộ và hiện đại, thì họa sĩ Nguyễn Trung đã là một tay nghề vững chãi trong lĩnh vực này. Sự chuyển hướng sang Trừu Tượng đối với họa sĩ Nguyễn Trung không phải là theo thời, mà là đi tới cái chỗ tận tuyệt của cả một đời ký thác vào màu sắc và ánh sáng.

Trước đây ông cũng đã từng qua lại với trường phái này, nhưng vẫn còn lấn cấn với kỹ thuật, chưa bao giờ hoàn thiện được. Kinh nghiệm từ chuyến Paris đã giải thoát ông khỏi gánh nặng phải duy trì các hình thức nghệ thuật mà xung quanh nơi ông ở, người ta vẫn miệt mài "sản xuất". Ông bỏ đường nét để lấy không gian, khởi đầu một kiểu thư pháp tự do, phóng túng. Họa sĩ nói về những họa phẩm trừu tượng thời điểm này như những thử nghiệm bằng ánh sáng: tia nắng mặt trời xuyên qua kẽ nứt từ vách tường của một ngôi chùa, rạng đông trên sông Sài Gòn, ánh sáng phản chiếu từ những những món đồ sứ, ánh trăng xuyên qua cửa sổ vào những đêm khuya tại xưởng vẽ của ông. Về đêm, ánh sáng chỉ có thể nhìn thấy khi nó in trên nền tối.

Việt báo xuân 2015
Blue Buds, 1993
Một trong những họa phẩm điển hình và nổi bật cho thời kỳ này là "Lunar Arc (1992)" và "Blue Buds (1993)", cả hai họa phẩm này đều diễn tả thứ ánh sáng kỳ ảo đang trôi qua một nền nâu đậm, cái thứ ánh sáng "gọi hồn đi mất hút" trong một không gian thần kỳ được bày ra bởi một tài nghệ bậc thầy. Trong khi "Blue Buds" còn gợi nhắc hình nét người, thì "Lunar Arc" ngang dọc những mảng màu trắng nổi lên từ hốc nâu tối sẫm.

Như một nhà sư nhốt mình trong mật thất đọc kinh kệ, họa sĩ nguệch ngoạc, chấm phá, bôi xoá, gọt dũa, bào mòn chất màu lên khung bố. Ông muốn bản vẽ của mình phi thời gian, phi nơi chốn, phi hình thể. Ông đang đi tìm cái bản thể của nghệ thuật, một cái gì bén rể từ linh hồn, rồi bộc phát ra ngoài qua tư tưởng, cảm xúc, và chân thật.

*

Sau đây là phần lược thuật bài nghiên cứu công phu của bà Nora A. Taylor , theo thứ tự từng thời kỳ trong sự nghiệp hội hoạ Nguyễn Trung, với một vài chi tiết do người viết thêm bớt:

Khoảng cuối thập niên 90, ông bắt đầu thử nghiệm loạt tranh với chiều sâu bằng cách sử dụng vải, dây, hoặc những nét cọ dầy, chất liệu hỗn hợp bột giấy và sơn lên vải bố, khiến tranh có thêm chiều dày của một không gian ba chiều. Tác phẩm đáng kể nhất trong đợt thử nghiệm này chính là bức "White Echo", khổ lớn (180 cm x300 cm), ghi lại màu cháy xém của cánh đồng và màu trắng của ánh trăng. Những vòng tròn trắng được bao bọc bởi màu nâu cháy lập lại như một tiếng vọng trên khung bố trắng.


Việt báo xuân 2015
Lunar Arc, 1992
Thành tựu lớn và đáng kể nhất, một sự bất ngờ cho giới gallery và giới thưởng ngoạn tranh Nguyễn Trung, cho thấy sức mạnh sáng tạo phi thường nơi ông là loạt tranh vẽ tiếp nối nhau trong ba cuộc triển lãm cá nhân "White Series", "Black Board" và "Grey, White, Black" liên tiếp tại Quỳnh Gallery, Sài Gòn. Loạt tranh này cho thấy màu trắng là màu đã ám ảnh họa sĩ từ những năm cuối thập niên 90. Khởi đầu cái màu trắng đó là nền tảng nhấp nhô cho cả bức tranh, vẫn còn dính dáng đến loạt tranh trừu tượng trước với kỹ thuật đắp bột giấy. Rồi cũng cái màu trắng đó chuyển mình thành những vệt phấn trắng lúc thì rõ nét, lúc thì bị bôi xoá, ẩn hiện đầy tính thi ca trên bảng đen (Black Board). Ở đây, kỹ thuật dùng bột giấy tạo chiều dày đã hoàn toàn biến mất. Không gian trở lại hai chiều.

Trong cuộc phỏng vấn do người viết thực hiện cho báo xuân Việt Báo năm 2005, Nguyễn Trung đã nhắc đến loạt tranh "Bảng Đen" này như "một hồi ức về tuổi thơ, thuở còn bị ám ảnh về nỗi lo sợ phải lên bảng. Cái bảng đen ngự trị toàn lớp học cho đến nay thỉnh thoảng vẫn còn nằm mơ thấy thầy giáo gọi lên bảng. Hẳn nhiên hồi ức không còn nguyên vẹn mà đã bị bôi xoá gần như mất hết...". Ông cũng cho biết "Black Board" là loạt tranh đầu tiên, cũng như lần đầu tiên ông sử dụng oil stick.

Trong cuộc triển lãm thứ ba, "Xám, Trắng, Đen" (Grey, Black, White), với 19 bức tranh trừu tượng khổ lớn, có những tấm lên đến hai mét chiều rộng, những đường cọ đi lại thênh thang hơn, phóng khoáng hơn. Màu sắc trôi chảy tự do khiến ta nhớ đến mặt biển trắng với những ánh nâu thấp thoáng, luôn di chuyển và không ngừng thay đổi.

Khi được hỏi về loạt tranh trừu tượng này, về những hình dáng thân thể của đàn bà vẫn còn thấp thoáng đâu đó trong tranh ông, họa sĩ từ chối giải thích, ông chỉ nói: "Vết tích của hình hài, xác thịt vẫn còn đó, nhưng nay có lẽ là hiện thân của tự do".

Trong bài viết về tác phẩm Nguyễn Trung, nhà phê bình nghệ thuật Nora Taylor bình về loạt tranh này: "Đây chính là sự chín muồi. Những nhát cọ dứt khoát và những mảng màu trắng thênh thang là đỉnh điểm của cả một đời tìm kiếm điều trầm lặng và êm ả giữa muôn ngàn khốn khó".

Việt báo xuân 2015
Blackboard XIV 2004 (100cmx100cm Mixed media on canvas)

Nói về người họa sĩ tài ba này và những tác phẩm mới nhất của ông, bà Nora Taylor viết:

"Những bức tranh của ông lớn không vì chiều ngang dọc - Ông có thể vẽ tranh lớn hơn nữa, dày màu hơn nữa - nhưng sự lớn lao ở thành tựu này chính là linh hồn người họa sĩ phóng chiếu lên tác phẩm của ông. Trí óc thênh thang, hơi thở nhẹ nhàng, loạt tranh sau cùng này cho thấy, hơn hết thẩy các họa sĩ Việt Nam hiện thời, Nguyễn Trung đã sống còn tận lực, chiêm nghiệm và bền bỉ với công việc sáng tạo. Đây là những tác phẩm để đời. Suốt một cuộc đời, ông đã vẽ chân dung thiếu nữ từ lãng mạn đến khổ đau thời chiến, vẽ đô thị chuyển mình, để cuối cùng, vẽ tự do tuyệt đối, trôi chảy như khí trời tinh khiết".

*

Hoạ sĩ nói về bản thân và tác phẩm "Kẻ Mộng Du"

Trí nhớ tôi tồi lắm, vậy mà khi vẽ tôi luôn vẽ bằng trí nhớ. Giả như tôi phải phác chân dung một ai, tôi không tài nào vẽ được khi người đó ngồi trước mặt tôi. Với tôi, vẽ từ trí nhớ dễ dàng hơn, có thể lần mò tâm cảnh của đối tượng, và từ đó, tìm thấy điều cốt tủy. Khi vẽ, tôi cũng như thế. Cảm hứng của tôi không đến trực tiếp từ một khuôn mặt nào, một vật thể nào.

Việt báo xuân 2015
Hoạ sĩ Nguyễn Trung
Những tòa nhà cổ, nơi tàng trữ dấu vết thời gian, dấu vết con người, nét đẹp của phế tích, thường ám ảnh tôi. Ở đó ta có thể đọc thấy những mảnh đời đã in dấu, những câu chuyện lặng lẽ mà sinh động. Đạo phật tin vào duyên nghiệp, vào tiền kiếp, vào sự tái sinh ở kiếp sau. Những tòa nhà này cũng vậy, một ngày nào đó sẽ mục nát, sẽ bị hủy hoại, biến mất, rồi từ đó, những tòa nhà khác lại mọc lên, những câu chuyện khác lại bắt đầu, và dòng đời cứ trôi chảy như thế. Với tôi, thư pháp cũng chính là vẽ, là một bức họa với nét bút mạnh mẽ, linh hoạt. Màu sắc thì cô đọng, trắng và đen, như tâm thức tôi.

Công việc sáng tạo của tôi gắn liền với ký ức. Nhưng ký ức cũng chính là một cái bẫy, thứ cạm bẫy giam cầm tôi mãi mãi như định mệnh vậy. Phải chăng cái đẹp sống dậy qua những bi đát từ quá khứ?

Vào năm 1990, tôi sống trong phòng tranh của anh Nguyễn Cầm ở Paris. Một buổi sáng mùa đông tôi thức giấc và thấy mưa tuyết lần đầu. Trước mắt tôi là một bức tranh tuyệt vời nhất. Những con chim sẻ quanh quất tìm mồi, vết chim di vẽ lại trên tuyết những nét rực rỡ. Một tuyệt phẩm của thiên nhiên. Lần thứ hai tôi thấy tuyết là ở Mỹ, nhân kỳ triển lãm ở Pacific Gallery. Chúng tôi đi Grand Canyon và nằm trong tâm điểm một vòm đất trời màu trắng. Bức tranh vĩ đại của thiên nhiên đã gây ấn tượng mạnh nơi tôi. Tôi hằng muốn đem cái khung cảnh này vào tranh mình.

Sách Nguyễn Trung, ngoài hình ảnh những tác phẩm mới vẽ năm 2014, Nora AnnesleyTaylor còn đặc biệt giới thiệu đến hai tác phẩm tượng "Linh hồn của sen" và "Kẻ mộng du", được làm từ những đồ vật có sẵn (found object). Ở cả hai bức tượng này, cũng không khác gì tranh ông, cho thấy sự trầm lặng, tĩnh mịch của trí tuệ.

Việt báo xuân 2015
White echo, 1999, 180cm x 300cm (mixed media on canvas)

"Đối với hầu hết họa sĩ, Giá Vẽ là trụ cột nâng đỡ, là người bạn đồng hành suốt cuộc hành trình sáng tạo vừa thân yêu vừa thách đố. Chiếc giá vẽ này đã nuôi lớn những bức tranh từ phút phôi thai, khi mà sự giằng co của quá trình sáng tạo đang rối bời trên nó. Kẻ Mộng Du, chiếc giá vẽ của Nguyễn Trung, có cái cấu trúc đe dọa của cỗ máy chém và sự sầu đau của cái thủ cấp im lìm trong lớp vải lịm. Không phải màu áo tang đen của Tây Phương. Người Á Châu đưa đám trong màu áo trắng. Chiếc giá vẽ trong mảnh áo tang đang thao thức khóc thương cái chết. Hoặc, cũng có thể, rất ngược đời, nó cũng chính là một dụng cụ giết người. Hay có phải, cũng trên cái giá vẽ này, những mảnh vải bố trở nên yếu ớt? Phải chăng những sáng tạo yếu đuối đã đè nặng lên giá vẽ, và giết chính người cưu mang nó. Một cái giá vẽ vững chãi, chu toàn, có khả năng dẫn dắt đứa con tinh thần của nó được vuông tròn, cứng cáp giữa đời sống hỗn loạn. Có lẽ chiếc giá vẽ, trong vai trò của đấng sinh thành, có lúc bóp nghẹt chính tác phẩm nó đang trông đợi, dẫn đến cái chết của bản thân và cả họa phẩm. Một chiếc giá vẽ thua cuộc.

Việt báo xuân 2015"Kẻ Mộng Du" không chỉ phơi bày nỗi đau của quá trình sáng tạo, mà bản thân còn là một nạn nhân, một vết thương đang bị băng bó, mù lòa, bị bịt miệng. Dòng chảy của sáng tạo chưa từng yên nghỉ. Nó đi từng bước từng bước qua vùng vô thức, đu dây giữa hoan lạc và tuyệt vọng. Vật lộn với chất liệu, người họa sĩ cho phép khung bố của mình ăn thua đủ với cái giá vẽ đang cưu mang nó. Những mảnh dây vải bố, lúc này, như người phụ nữ bỗng chiếm được ưu thế, đã đảo lộn vai trò, buộc chặt giá vẽ vốn là bạo chúa của mình. Thất bại, chiếc giá vẽ mờ dần, chuyển thành màu trắng và cam chịu chờ đợi số phận.

Họa sĩ Nguyễn Trung, theo cách riêng của mình, đã bắt giam vật thể, và dành lại chức phận sáng tạo".

Nora AnnesleyTaylor

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Việt Báo kính chúc Quí vị Độc giả, Tác giả, Thân hữu, Thân chủ Năm Mới Ất Mùi 2015 An Lành, Thành Công, Tốt Đẹp.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.