Hôm nay,  

97. Sàigòn- Cần Thơ 70 Năm & 40 Năm

11/05/201521:50:00(Xem: 17354)
Hồi ký 1945 -1975

SAIGON - CẦN THƠ
70 NĂM & 40 NĂM

BỒ ĐẠI KỲ

Nhà báo họ Bồ là một thành viên ban tuyển chọn giải chung kết Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Bẩy mươi năm trước, ông là cậu bé Sàigòn có má làm việc với chủ tiệm tây trong Sạc Ne tức thương xá Tax (Hình bên); có ba theo Thanh Niên Tiên Phong chống Pháp, làm giám đốc hãng đường Hiệp Hoà rồi bị Việt Minh giết. Trước 1975, ông là một Đại Tá Không Quân VNCH. Và rồi, tháng Tư...

Thú thật không bao giờ tôi nghĩ những biến cố mà tôi sắp kể ra đây đã xảy ra đến bảy chục năm. Chẳng lẽ tôi… già đến như vậy sao? Eo ơi!

Thuở đó, vào cuối năm 1944, gia đình chúng tôi, Ba, Má và ba chị em chúng tôi ở số 98 đường Gallieni. Chung quanh đó là nhà Bà Ngoại của chúng tôi ở bên kia đường, số 197 Gallieni, Dì Chín của chúng tôi ở số 183 Gallieni, bà Dì thứ Tư chúng tôi ở đường Colonel Grimaud, sau này là Phạm Ngũ Lão, và bà Dì thứ Sáu chúng tôi ở số 173 đường Frères Louis, sau này là Võ Tánh. Như quí vị đều biết, đường Phạm Ngũ Lão và Võ Thánh là hai con đường nằm hai bên nhà "Ga Xe Lửa Mỹ Tho" tại Sài Gòn.

Lúc đó lực lượng Đồng Minh bắt đầu dùng Không Quân để oanh-tạc các mục tiêu của Nhựt, và Ga Xe Lửa Mỹ Tho là một trong những mục tiêu chiến lược, có lẽ vì Đồng Minh muốn triệt hạ hệ thống hỏa xa là một phương tiện chuyển vận tối ưu của quân Nhật lúc đó. Năm đó, tôi học lớp Ba trường Bạch Vân, một trường tư thục nằm giữ anh à Ngoại và nhà của Dì Chín tôi. Đến khi cuộc oanh tạc đường xe lửa Mỹ Tho và Ga Sài Gòn bắt đầu xảy ra thường xuyên hơn thì đại gia đình chúng tôi bàn đến chuyện "tản cư". Và chúng tôi di tản về quê ngoại là Gò Công.

Tôi còn nhớ ban đầu Ba tôi định dùng chiếc xe hơi hiệu Petgeot 301 để di chuyển gia đình, nhưng vấn đề nhiên liệu và má tôi sợ đi xe hơi có thể bị "bỏ bom", nên cuối cùng chúng tôi di tản bằng xe thổ mộ, từ Sài Gòn xuống Cần Giuộc, và từ đó, bao xe từ chợ Gò Công lên, đón chúng tôi về Gò Công. Vì Ba tôi là "chân chạy", nên ông đòi lái một trong hai chiếc xe mô-tô hiệu AJS chạy theo. Ông cứ chạy trước, rồi ngừng lại nghỉ, chờ xe thổ mộ của má con chúng tôi tới, ông lại chạy tiếp, cho tới chợ Gò Công.

Việt báo xuân 2015
Tôi cũng có biết Bến Xe Ngựa ở chợ Gò Công, vì trước đó chúng tôi có đến bệnh viện Gò Công vài lần để thăm một người Ông Cậu, em của Bà Ngoại tôi, và có chân trong ban Hộ-Tề Làng Bình Xuân nằm nhà thương vì đau bao tử. Nhưng không hiểu tại sao tới Bến Xe Ngựa, Má, bà chị và đứa em gái của tôi mừng rỡ xuống xe, vì ngồi lâu tê chân tê cẳng, nhưng tôi lại không chịu xuống. Má tôi nói cách gì tôi cũng không xuống. Nhưng Ba tôi vốn là một người không có tính kiên nhẫn với con cái, nên muốn trừng trị cậu con trưởng nam "đang dở chứng" của ông một trận đòn đích đáng, thì ông đánh xe ngựa chắc cũng thương tôi, vì trong suốt chuyến hành trình, tôi đã ngồi gần ông, "nói chuyện" và hỏi ông đủ thứ, nên sợ tôi bị đòn tội nghiệp, mới cười và nói đùa "Chắc con muốn cưới vợ Gò Công hả? Để Cậu giới thiệu cho con một con nhỏ ở gần đây chịu hôn? Thôi bây giờ theo Má về đi, để Ba giận đánh đòn tội nghiệp. Hôm nào rảnh ra Bến Xe Ngựa kiếm Cậu, Cậu dẫn đến nhà con nhỏ đó chơi. Trời ơi con nhỏ nó 'ngộ' cách gì á nha! Giỏi đi con, đừng có khóc, con nhỏ nó chê mít ướt nó không thèm lấy đó".

Không biết tại sao tôi lại ngoan-ngoãn xuống xe ngay, để theo Ba Má tôi về Bình Xuân "lánh nạn". Đến đây, tôi phải xin quí vị độc giả cho tôi tạm dừng chuyện tản cư của gia đình tôi, để nói một chút, chỉ một chút thôi, về lời "tiên tri" của ông đánh xe ngựa. Quả nhiên về sau, rất lâu sau đó, tôi đã có một "người yêu đầu đời", không phải là người yêu đầu tiên, nhưng là người yêu đầu đời, vì đó là người mà tôi thương yêu nhất trong đời tôi, và người yêu của tôi là một cô gái Gò Công (cùng quê với Má tôi), và nhà của nàng ở không xa Bến Xe Ngựa! Lúc yêu nhau, tôi chợt nhớ tới chuyện xảy ra mấy chục năm trước, bỗng nhiên người tôi "nổi da gà", và nhớ tới ông đánh xe ngựa năm xưa mà tôi gọi bằng Cậu một cách thật thân tình. Không biết bây giờ "Cậu" ở đâu?

Má con chúng tôi yên ổn tạm trú ở nhà Bà Tám, em gái của Ngoại tôi, trong khi Ba tôi, đã bảo là chân chạy mà, ngày nào cũng về "thăm nhà", và thăm Ông, Bà Nội tôi trong Xóm Gà, trên đường đi lên Chợ Gò Vấp. Một hôm, Ba tôi trở về Bình Xuân, ngày nào ông cũng chỉ sáng đi và chiều về, và nói gì với Má tôi không biết, chỉ biết hai hôm sau, chúng tôi lại lên xe ngựa từ Chợ Gò Công, đến Cần Giuộc, rồi từ Cần Giuộc về nhà số 98 Gallieni, rôi dọn đồ đạc lên xe Peugeot 301 ngay để trực chỉ Xóm Gà, nơi Ba tôi đã muớn một "villa" của một người chủ là Pháp lai đang đi "lánh nạn", vì sợ Nhật bắt. Chúng tôi ở nhà kế bên nhà Ông Nội tôi cho đến cuối tháng 8 năm 1945 khi Má tôi sanh thằng Em Út của tôi vừa được 15 ngày. Đó là thời gian thần tiên nhất của đời tôi, vì nhà ông Nội tôi, cũng như quanh "villa" Ba tôi mướn, không biết cơ man nào là cây ăn trái: mãng cầu, mận, vú sữa, trái thị, ổi, sa-pôchê, xoài…, suốt ngày người anh bạn Dì của tôi và tôi chỉ leo cây, ăn trái cây cho đã, đến độ bỏ cơm luôn.

Thấy tôi suốt ngày chỉ có rong chơi, Má tôi sợ tôi quên hết chữ, nên xin cho tôi đi học trường Cô Năm Huấn, một trường tư thục do Cô Năm làm chủ, và Giám Đốc, cách nhà Ông Nội tôi độ một cây số. Chúng tôi học độ 1 tháng thì ông Thầy Giáo lớn tuổi của chúng tôi nghỉ dạy, và một Thầy Giáo trẻ tôi còn nhớ tên là Thầy Chi dạy chúng tôi. Thầy Chi dạy chữ thì ít, mà dạy ca hát thì nhiều, những bài hát như "Lên Đường", "Sinh Viên Hành Khúc", và những bài hát đấu tranh, được Thầy Chi dạy chúng tôi hát rất nhuần nhuyển. Độ một tháng sau, chúng tôi bắt đầu học "thể thao", nghĩa là kéo nhau ra miếng đất trống gần trường để Thầy Chi dạy những trò chơi tựa như Hướng Đạo, nhưng không phải trong tinh thần Hướng Đạo, mà trong tinh thần đấu tranh. Chúng tôi được Thầy khuyến khích kiếm mỗi đứa một cây tầm vông, mà nhà ai trong địa phương cũng có trồng làm hàng rào.

Thầy Chi dạy chúng tôi bài đánh gậy gọi là "Tấn Nhứt". Thầy nói chúng tôi phải học để giúp đỡ gia dình phòng khi đêm hôm có trộm đạo vào nhà, có thể đánh cho chúng chạy, và chúng tôi hăng hái học. Sau đó, Thầy Chi đi xa hơn một bước nữa, khuyến khích chúng tôi buộc một con dao nhọn vào đầu cây tầm vông để "diệt quân thù". Bọn con nít chúng tôi nghe "diệt quân thù" là khí thế bừng bừng, hô to những khẩu hiệu mà Thầy Chi đã dạy, và vài tháng sau, Thầy đã gọi chúng tôi là những "Thiếu Nhi Tiền Phong", phải "rèn luyện ý chí và nghị-lực để chờ ngày diệt quân thù, cứu nước". Chúng tôi như những con nghé mới mọc sừng, nên rất hăng, được chơi dao, chơi gậy, chẳng những không bị la rầy, lại còn được Thầy khuyến khích nữa, nên chúng tôi hăng hái vô cùng, chỉ chờ có "kẻ thù" hiện ra trước mặt là chúng tôi "diệt" chúng ngay.

Lúc lớn lên, chúng tôi mới thấy "họ" chuẩn bị thật nhịp nhàng, bằng cách mang Thầy Chi vào thế Ông Giáo già, đến những bài hát đấu tranh, ý chí diệt thù… Cho đến một hôm, Ông Nội tôi đi xe đạp ngang "sân tập" của chúng tôi, vì lúc đó, chúng tôi không còn học chữ trong lớp học nữa, mà chỉ học ca, học hát, học đánh roi, đánh gậy ngoài sân tập mà thôi, ghé lại, nói cho tôi biết là Má tôi đã sanh em bé rồi, tôi mới biết, vì lúc đó đầu óc tôi chỉ lo "diệt thù" và chống "phát-xít mà thôi" . Riêng Ông Nội tôi thì rất lo khi thấy chúng tôi chỉ phơi nắng suốt ngày ngoài sân tập nên báo cho Ba tôi biết. Nhưng hình như nhà tôi không ai biết là Ba tôi lúc đó cũng đang hoạt động rất hăng hái trong phong trào Thanh Niên Tiền Phong, vì có một hôm, tôi thấy ông mang về nhà một lá cờ màu vàng với ngôi sao đỏ ở giữa, lá cờ mà Thầy Chi đã từng cho chúng tôi coi, và giảng về ý nghĩa của nó cho chúng tôi nữa.

Một hôm, ông anh bạn Dì và tôi được chị tôi đánh thức sớm, vì có mấy ông Sĩ Quan người Nhật mà chúng tôi hay chào hỏi để tập nói tiếng Nhật, muốn gặp chúng tôi. Khi anh em tôi đến thì họ mang cho chúng tôi không biết cơ man nào là "quà", nào là bút chì, ngòi viết, mực, và nhiều thứ nữa, rồi họ nói là họ phải đi xa, rồi khóc với chúng tôi. Trong số các Sĩ Quan Nhật đó, có ông Watanabe, mà chúng tôi rất thích, và thường gọi là Cậu Hai Bạch, vì rất giống một người Cậu họ xa của chúng tôi.

Ông Watanabe hay cho chúng tôi quan sát mỗi khi ông bảo trì cây kiếm Sĩ Quan của mình, và chúng tôi đã mê man và ước ao sao khi mình lớn được đeo cây kiếm Sĩ Quan đó. Ông hỏi tôi có thích gì không, ông sẽ cho, và tôi đã không ngần ngại nói tôi thích cây kiếm của ông. Không biết tại sao, ông đã ôm chầm lấy tôi và khóc òa lên, làm cho tôi phải một phen sợ hết vía. Nhưng ông đã lắc đầu và nói không được, ông còn giải thích cho tôi rất nhiều, nhưng chữ Nhật của tôi lúc đó là thứ chữ Nhật ăn đong nên nào có hiểu ông nói gì.

Rồi chúng tôi đi học. Đến khi chúng tôi tan trường về nhà, thì không còn một người Nhật nào trong trại quân của họ cả. Chị tôi nói họ bị lùa lên xe, rồi những người da đen, râu ria xồm xoàm chở họ đi.

Vài hôm sau khi người Nhật ra đi, nhà tôi có rất đông khách, mặc dù Má tôi với em bé mới từ nhà Bảo Sanh về. Các ông khách của Ba tôi khá ồn ào,và trước khi đi về, có một ông đứng ngoài phòng khách nói lớn để Má tôi nghe "Anh Ba bây giờ đã là 'Giám Đốc Khám Đường' rồi đó nghe Bà Chị. Ai lôi thôi là ảnh 'nhốt' đó!". Sau khi khách khứa đã về, Ba tôi vào thăm Má tôi trong phòng và tôi nghe có tiếng nói chuyện ban đầu nhẹ nhàng, nhưng càng về sau càng to và càng có vẽ gay cấn, đến khi Ba tôi hầm hầm bước ra và đạp xe mô-tô rồi rồ máy chạy đi thì tụi tôi mới dám vô thăm Má.

Tôi thấy Má nằm trên giường, với chiếc khăn bông đắp trên mặt, đến khi tôi mở khăn ra thì thấy mắt Má tôi đỏ hoe và và mước mắt ràn rụa hai bên gò má. Tôi muốn hỏi thăm Má, mà không biết hỏi cái gì, hỏi làm sao, nên đành im. Chị tôi cũng không hơn. Và cứ như vậy đến một lúc sau đó, mấy chị em tôi lai lục đục ra ngoài khi bà bếp bưng cơm vào cho Má.

Một tuần sau đó, Bà Dì thứ Ba, mà chúng tôi gọi là Má Ba, cùng với Má con chúng tôi đi lên Trung Chánh tản cư, và tạm trú nơi nhà của Anh Ba con trai lớn của Má Ba chúng tôi (người con cả của Má Ba bị mất sớm), trong khi Ba tôi vẫn ở lại Sài Gòn để làm "Chúa Ngục", danh từ mà Ông Nội tôi đặt, vì Ông tôi cũng không thích việc Ba tôi cộng tác với "chế độ mới".

Má con chúng tôi ở Trung Chánh không biết bao nhiêu lâu, có lẽ từ 3 đến 6 tháng, vì khái niệm ngày giờ lúc đó đối với tôi rất mơ hồ, do sự không có đi học, nên không biết ngày tháng, thì Ba tôi xuất hiện trên một chiếc xe hơi Huê-Kỳ màu rượu Bordeaux bóng loáng hiệu Buick. Sau khi hỏi thăm cả nhà, ông ngỏ lời cám ơn gia đình nhà Vợ của anh Ba, con của Má Ba tôi, và "chất" cả nhà lên chiếc xe Buick do chính ông lái, để đi Hiệp Hòa, vì bây giờ ông là Giám Đốc Hãng Đường Hiệp-Hòa, chớ không còn là "Chúa Ngục" nữa.

Tới Hiệp Hòa, chúng tôi ở biệt thự của ông Dubois, Giám Đốc Hãng Đường trước kia, với tất cả các tiện nghi của một gia đình người Pháp trong thời bình. Đến độ hãng đường có nuôi rtiêng mấy con bò sữa để cung cấp sữa cho gia đìnhÔng Dubois, và bây giờ thì cho gia đình chúng tôi. Biệt thự được xây trên một cái doi, mà sân trước nhọn như hình mũi một con tàu. Ngay ở mũi con tàu, có một cột cờ khá cao, nhưng lá cờ "tam sắc" xanh trắng đỏ của thời xưa giờ đã bị thay thế bằng một lá cờ vàng với ngôi sao đỏ rự cở giữa.

Ông Dubois (hay ông Giám đốc nào khác?), đã cho xây một "tay lái" cho chiếc tàu, nhưng thật ra là một cái máy để ép dầu trái mù-u bằng tay. Khi vặn tay lái trên tàu thì các bánh xe răng bên trong sẽ nghiền nát trái mù-u, và dầu sẽ chảy ra. Dầu mù-u không ăn được, nhưng được dùng thể thắp đèn rất tốt. Trên đất bằng thì có chiếc xe Buick, dưới sông Vàm Cỏ Đông thì có một chiếc "ca nô",với nguồn dự trữ dầu xăng của nhà máy đường thì chạy không biết bao giờ mới hết xăng. Tôi không biết Ba tôi "xoay-sở" ra sao, nhưng hình như hãng đường vẫn hoạt động, các ông khói của nhà máy vẫn nhả khói đen đều đều suốt ngày đêm, và từng bao, từng bao bố đường vẫn được các xe tải chở đi.

Phải nói Má tôi là người hạnh-phúc nhất trong chuyến dọn về Hiệp Hòa, vì từ mấy tháng nay gia đình mới được đoàn tụ, mấy tháng mà Bà không có tin tức gì về người chồng, không biết cả sự an nguy của ông, còn sống hay đã chết, Bà cũng không biết ông trôi giạt nơi nào nữa, thì đùng một cái, cả gia đình được xum họp trong một biệt thự huy-hoàng, thịt cá và thức ăn của Pháp ê hề trong mấy cái tủ lạnh và tủ đá của hãng đường cung cấp, nên chỉ có một tháng sau là Má tôi tươi rói, khác hẳn dạo trước.

Ba tôi cũng cho người về rước Ông Bà Nội tôi xuống Hiệp Hòa ở luôn. Như vậy là nhờ Phong Trào Thanh Niên Tiền Phong, chúng tôi được hưởng cảnh "Tam Đại Đồng Đường", tuy không lâu. Lúc đó tôi còn quá trẻ để có những thắc mắc của người lớn, chỉ biết Ba tôi "làm lớn", ở nhà đẹp, có người cung phụng, phục dịch là tôi khoái rồi, nhưng Má tôi và Ông Nội tôi thì có thắc mắc. Không biết tại sao Ba tôi, bổng nhiên từ một người "mại-bản", chuyên làm việc với các thương gia Trung Hoa, mà thời đó người ta gọi bằng tiếng Pháp là "comprador" (thật ra thì đó là tiếng Tây Ban Nha chớ không phải tiếng Pháp, chỉ do người Pháp mượn dùng đỡ mà thôi), dưới thời Pháp thuộc, bỗng nhiên sau khi "đổi đời", hết làm Giám Đốc Khám Đường Sài Gòn ở số 69 đường Lagrandière (về sau trở thành Thư Viện Quốc Gia), lại làm Giám Đốc Hãng Đường Hiệp Hòa, những công việc mà ông không có kinh nghiệm, cũng không phải là chuyên môn của ông. Tôi biết Ông Nội tôi và Má tôi có thắc mắc, vì tôi nghen hiều lần hai người cứ rù-rì với nhau nhưng không ai chịu hỏi thẳng Ba tôi hết.

Về sau, sau khi Việt Minh gạt Thanh Niên Tiền Phong qua một bên để nắm trọn công cuộc "kháng chiến chống Tây", Má tôi có nêu lên thắc mắc của mình, thì Ba tôi cười xòa trả lời "Má xấp nhỏ biết không, chính tui cũng không biết. Tôi quen biết và giao du với đủ hạng người như Má nó biết đó, đến khi hữu sự người ta kêu tui làm thì tui cứ làm, không cần thắc mắc gì hết. Nếu tui khôn thì tui đâu có sống trong cái biệt thự của ông Dubois, tui đâu có để cho 'bồi, bếp' dọn cơm dọn nước cho mình. Nguyên cái việc đó cũng đủ cho họ kết tội mình là 'thực dân' và cho mình đi 'mò tôm' rồi, bây giờ nghĩ lại mới thấy tui dại quá. Vì vậy nên khi họ đổi lá cờ là tôi phải lôi gia đình đi trốn cho an thân. Tui nghĩ mình cũng còn có phước, có lẽ vì khi còn làm ở Khám Lớn, tôi có thả nhiều người mà tui biết là bị khép tội oan, nên Ông Trời ổng trả phước cho mình".

Việt báo xuân 2015
Hình bên: Từ những vườn mía bạt ngàn giữa vùng sông rạch, mía được vận chuyển bằng xuồng cung cấp cho nhà máy đường. Xưa đã vậy. Nay chắc vẫn vậy.

Lúc đó, tôi biết dưới trướng của Ba tôi có độ một tiểu đội các người đã từng "đi lính" cho Pháp, trong đó có Bác Ba Ngân, trước kia là Đội (Trung Sĩ) trong quân đội Pháp là người tôi thích nhất. Còn về vũ khí thì có một đại liên 13 ly 2, mà tiếng Pháp gọi là Treize Deux, với một số súng trường mà các chú nói là của Nhật cho. Về phương tiện chuyên chở thì có mấy cái xe Camion của Hãng Đường, còn dưới nước thì có ông chủ chiếc tàu tên là Đại Lợi, cùng với gia đình ông sống cả trên tàu, tình nguyện để Ba tôi "trưng dụng" chiếc tàu của ông để "góp phần vào cuộc đấu tranh".


Như vậy là quân ta có đủ "đồ chơi" trên bờ và dưới nước để nghinh địch, nên khi nghe tàu Tây sắp sửa biểu diễn lực lượng trên con sông Vàm Cỏ Đông thì "quân ta" chuẩn bị hăng hái lắm, và nói chuyện bắn chìm một hai chiếc tàu Tây là chắc ăn như bắp. Riêng Ông Nội tôi thì không yên chí chút nào, vì dù sao đi nữa Ông cũng đã từng là một cựu chiến binh của Pháp tham dự Đệ Nhất Thế Chiến với nhiều huy chương, nên bàn với Ba và Má tôi cho Má tôi và gia đình theo Ông Bà Mội tôi trở về Xóm Gà, vì vùng đó bây giờ đã yên, và Pháp đã trở lại kiểm soát. Nhưng má tôi không chịu bỏ Ba tôi ở lại một mình, Bà cũng không muốn cho chúng tôi theo Ông Bà Nội tôi, nên rốt cuộc, chỉ có Ông Bà Nội tôi trở về Xóm Gà.

Ông Bà tôi đi độ hai tuần, thì một hôm Ba tôi có vẽ lo-lắng đăm chiêu, bỏ cả ăn, mà chỉ uống rượu thôi. Má tôi biết có chuyện không hay, đã dò hỏi nhưng Ông không nói. Chỉ biết sáng hôm sau, có vài người khách lạ, cả đàn ông lẫn đàn bà, đến để làm lễ "thượng kỳ", nghĩa là kéo cờ lên. Nhưng lá cờ là một lá cờ mới, thay vì nền vàng sao đỏ, thì nó lại nền đỏ sao vàng. Trưa hôm đó, Ba tôi cũng cố làm vui-vẻ đãi các người khách thì có một người khách đàn bà, nói "Anh đi kháng chiến gì mà còn vương giả hơn ông vua nữa thì làm sao thắng Tây được anh Ba?". Ba tôi đanh mặt lại, nhưng tránh không trả lời câu hỏi. Độ 3 giờ chiều các người khách ra về, thì chiều hôm đó, Ba tôi biểu mọi người ăm cơm sớm, rồi Ba tôi nói chuyện riêng với mấy người thuộc hạ. Đến khi mặt trời vừa lặn là cả gia-đình chúng tôi cùng với ba người cựu quân nhân của Pháp theo Ba tôi lên tàu Đại Lợi để đi vào một chỗ gọi là Kinh Bà Vụ. Sau đó Ba tôi mới cho biết là Việt Minh đã loại Thanh Niên Tiền Phong ra khỏi chính trường, và Ông biết là sớm muộn gì mình cũng bị thanh lọc nên đã lặng lẽ bỏ cuộc.

Ba tôi là một người yêu nước, và rất ghét thực dân Pháp. Vì vậy mà ông không từ nan khi hưởng ứng chính nghĩa "đuổi Pháp dành độc lập cho nước nhà" mà phong trào Thanh Niên Tiền Phong đề xướng. Có lẽ cũng vì vậy mà sau này, ông đã bị những đồng chí cũ của ông gài bẫy sao đó để Việt Minh bắt ông. rồi mang đi mất tích.

Trước ngày bị bắt đi mất tích, Ba tôi thường làm ăn với người Trung Hoa, chắc một phần cũng vì ông nói tiếng Quảng Đông rất giỏi, không khác người Quảng Đông. Ngược lại, vì Má tôi lúc còn sinh tiền làm cho một hãng bán bách hóa của người Pháp khi xưa là Grands Magasins Charner, về sau này là thuơng xá Tax, nên nói tiếng Pháp rất giỏi, không nhìn thấy mặt, chỉ nghe bà nói không ai nghĩ bà là người VN, vì bà nói tiếng Pháp không có "accent Vietnamien". Mà tôi là người rất gần tôi, và rất cưng chìu tôi, nên tôi gần như không rời Má tôi, trừ khi bà đi làm.

Đó là những biến cố của gia đình tôi nói chung, và của đời sống tôi nói riêng đã xảy ra trong năm Ất Dậu 1945, cách nay vừa đúng Bảy Chục Năm. Nếu Ba tôi còn sống, hay dù có ở bên kia thế giới chăng nữa, không biết ông sẽ nghĩ như thế nào về chuyện sau tôi đã vắng mặt trong đám giỗ của má tôi như câu chuyện sau đây.

Má tôi mất rất sớm. Khi còn sống, Bà là cả bầu Trời của tôi, và sự mất mẹ đã gieo vào lòng tôi một nỗi đau khổ tột cùng, nhất là những khi tôi, một đứa học trò nhỏ ở bậc tiểu học, trong suốt 100 ngày liền, vì là con trai trưởng nam, phải mặc đồ đại tang, quì gối và đội sớ hàng tiếng đồng hồ khi cúng vong trong tiếng kinh-kệ ê a của ông Thầy Cúng, mà nghĩ đến thân phận mình, đến tương lai của mình.

Trong đời tôi, trừ thời gian tôi phải đi học xa, còn thì không bao giờ tôi vắng mặt những ngày Giỗ Má tôi, kể cả suốt thới gian trên 20 năm trong quân ngũ. Vậy mà tôi đã vắng mặt trong đám giỗ của Má tôi năm Ất Mão, tức năm 1975 Tây Lịch. Tôi vắng mặt vì tôi đã cùng với vợ con chờ lên phi-cơ của Không Lực Hoa Kỳ để "di tản chiến lược". Mặc dù tôi thù ghét Cộng Sản đến tận xương tủy sau khi Ba tôi bị chúng bắt đi mất tích, nhưng tôi vẫn lưỡng lự chưa muốn đi vội, vì tôi còn Bà Dì lớn, chị cả của Má tôi, Bà Dì mà tôi gọi là Má Hai theo truyền thống gia đình bên Ngoại tôi, đã thay Má để nuôi bốn chị em chúng tôi, tôi còn bà chị và con cháu gái, tôi còn hai đứa em. Tôi đề nghị với vợ tôi để bà và hai đứa con đi trước, tôi ở lại lo cho "đại gia đình" rồi sẽ đi sau, vì tôi có nhiều "phương tiên để đi lắm". Nhưng vợ tôi vốn là dân "Bắc Kỳ Di Cư" năm 1954, nên biết nhiều về sự gian manh, giảo quyệt, xảo trá, bất nhân của bọn CS nên nhất định bắt tôi phải đi cùng. Ngay cả hôm đưa vợ con đi, tôi vẫn còn có ý định ở lại, cúng Giỗ Má, lo cho gia đình, rồi đi sau. Nhưng khi chiếc vận tải cơ C-141 Star Lifter của Không Lực Hoa Kỳ sắp đóng cửa thì tôi không còn có sự lựa chọn nữa, vì có nhiều anh em quân nhân đang "trốn đi" và đã yên vị trên phi cơ, lên tiếng nài-nỉ tôi đừng có "gây xáo trộn", lỡ Quân Cảnh lên kiểm soát thì bao nhiêu người sẽ bị "kẹt" hết. Và như vậy là tôi đã vắng mặt trong lần giỗ thứ 28 của Má tôi.

Thế mà đã 40 năm trôi qua rồi!

Bạn bè chúng tôi khi nói chuyện tầm phào với nhau thường bảo đùa là "giầy dép còn có số huống chi là con người", mà tôi ngẫm nghĩ lại thì thấy con người có số thật. Cái huyền vi của Tạo Hóa có mầu nhiệm thật. Nguyên chuyện chúng tôi di tản năm '75 cũng là một sự sắp xếp có thứ tự và lớp lang, bởi bàn tay của Thượng Đế.

Khoảng tháng 9 năm 1974, tôi theo một ông Chú họ của tôi vào Chợ Lớn để "săn đồ cổ", vì chú tôi là một tay chơi và buôn bán đồ cổ khá thành công. Trong khi xem mấy cái dĩa men xanh, thứ vừa với túi tiền và "tài nghệ" của tôi để mua thì nghe câu chuyện "ông nói gà bà nói vịt" của ông Tàu chủ tiệm và một người đàn bà ngoại quốc trạc trên 30 tuổi. Lắng tai nghe thì hình như bà khách hàng ngoại quốc đang trả giá một cái dĩa "blanc-bleu" đời Càn Long (mà dân chơi đồ cổ gọi là Kiền Long). Tôi bèn "làm tài khôn" đến tình nguyện làm thông ngôn cho họ. Tôi thấy cái dĩa là dĩa giả, mà ông Tàu thì đòi giá thật. Không biết tại sao tôi lại tội nghiệp bà khách người ngoại quốc sắp sửa bị lừa, nên làm bộ cắt nghĩa huyên thuyên cho bà khách để làm cho ông Tàu lâm trận hỏa mù rồi nói mấy chữ mà tôi cần nói với bà "món đồ này giả".

Bà nhìn tôi, bán tín bán nghi, rồi trả lại cái dĩa cho ông Tàu không mua nữa.

Sau đó, trong khi chờ ông chú tôi, bà đã hỏi tôi làm sao biết được cái nào giả cái nào thiệt, thì tôi nói cho bà biết là muốn chơi đồ cổ, bà phải học với một người chơi đồ cổ có kinh nghiệm, chứ học theo sách khó nhận diện đồ thật và đổ giả lắm. rồi tôi nói sơ sơ vài điểm khiến tôi nghĩ cái dĩa bà định mua là đồ giả cho bà nghe, thì bà có vẻ tin tôi đôi chút. Vừa lúc đó, ông chú tôi đi ra, gọi là chú cháu, nhưng ông chú của tôi chỉ lớn hơn tôi có hai tuổi mà thôi, và tôi đã giới thiệu bà với ông chú của tôi. Khổ nỗi ông chú tôi không nói tiếng Anh giỏi cho lắm, nên một lần nữa, tôi lại làm "thông ngôn" bất đắc dĩ. Bà Mỹ, vì bà khách là công dân Hoa Kỳ có vẽ thích thú, nên mời hai chú cháu tôi đi ăn trưa để nói chuyện thêm vể đồ cổ.

Sau vài lần giao thiệp, một hôm bà Mỹ mời tôi về nhà bà chơi, nói là để bà cho tôi xem vài món "đồ cổ" của bà, vì nhà tôi và nhà bà rất gần, đi bộ cũng được, nên tôi đến căn phố lầu không xa nhà thương Grall của Pháp mà chúng ta thường gọi là nhà thương Đồn Đất. Sau vài tuần rượu, chúng tôi có vẻ thư giản hơn nên tôi biết bà tên là Pat W. và làm Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Bà vốn là người Hung Gia Lợi di dân qua Hoa Kỳ năm 1954 cùng với gia đình, và đã từng phục vụ trong Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Nhật 11 năm trước khi được bổ nhiệm sang Việt Nam.

Không biết bà Pat và tôi đã nói với nhau những gì mà tôi chưa thấy món đồ cổ nào của bà hết thì đã 3 giờ khuya rồi, nên tôi xin lỗi đã lưu lại nhà bà quá lâu, và ra về. Nhưng mặc dù rượu cũng ngấm vào lục phủ ngủ tạng nhưng bà Pat cũng còn nhớ "Chết! Giờ giới nghiêm rồi làm sao ông về được?" Tôi thú thật cho bà biết là tôi là dân nhà binh và có giấy di chuyển trong giờ giới nghiêm, nhưng bà nhất định đòi đưa tôi về vì bà có căn cước ngoại giao, tôi phải đưa giấy phép di chuyển trong giờ giới nghiêm cho bà xem bà mới bằng lòng cho tôi về một mình. Điều này làm cho tôi thắc mắc, vì giấy phép bằng tiếng Việt Nam, mà bà có vẻ hiểu sau khi đọc. Và suốt trên con đường gần hai cây số, tôi nghi có thể bà này là dân Tình Báo đội lốt ngoại giao. Nhưng tôi đâu có cần phải biết rõ, vì chúng tôi chỉ là quen biết xoàng với nhau thôi.

Việt báo xuân 2015
Sau bữa nhậu tay đôi đó, chúng tôi thân nhau hơn, và gọi nhau bằng tên. Thỉnh thoảng chúng tôi hay đi ăn cơm chung với nhau ở nhà hàng Aterbéa trên đường Nguyễn Huệ hay Guillaume Tell bên Khánh Hội, vì bà Pat rất thích ăn cơm Tây, khi thì có ông chú tôi, khi thì không. Và chúng tôi rất sòng phẳng, mỗi người thay phiên nhau trả tiền, mặc dù bà, đúng hơn là cô, vì cô Pat hãy còn độc thân, hay dành trả. Tuy quen biết nhau do đồ cổ, nhưng chú cháu tôi cũng chưa bao giờ đi săn đồ cổ với cô Pat cả. Và khi biết cô là một nhân viên ngoại giao cấp cao, tôi cũng rất dè dặt khi giao tế với cô. Cô phải rủ rê tôi đi ăn hai ba lần tôi mới gọi điện thoại cho cô một lần, vì sợ cô hiểu lầm là mình lợi dụng chức vụ của cô. Sở dĩ cô Pat thích đi ăn cơm Tây với tôi vì khi còn bé ở Hung Gia Lợi, cô thấy những nhà hàng cơm Tây bên nước cô quá sang trọng, mà cha mẹ cô chỉ là dân khá giả nhưng chưa phải là giàu, nên không mấy khi đi ăn cơm Tây, mà có chăng nữa, thì cũng chỉ biết gọi những món thông thường mà thôi. Cho nên điều "ẩn ức" này ở mãi với cô cho đến khi cô thành công, thành danh và có tiền. Tuy nhiên cô vẫn ngại đi ăn cơm Tây một mình, vì không thành thạo các món ăn. Sau khi đi ăn lần đầu tiên với chú cháu tôi, do cô Pat mời, nhưng do ông chú tôi dành trả tiền, thì cô có vẻ tin tưởng hai chú cháu tôi về vấn đề ẩm thực. Nhất là từ khi tôi đưa cô đến hiệu ăn Aterbéa thì cô lại càng tin tưởng vào khả năng gọi món ăn của chú cháu tôi. Vì vậy nên trong con mắt cô Pat tôi có chút giá trị trên lãnh vực ăn uống và nhậu.

Từ tháng Giêng năm 1975, tình hình chính trị càng lúc càng sôi động và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa của chúng ta chỉ được đánh giặc với một phần tiềm năng, vì xăng nhớt, bom đạn, các dụng cụ chiến tranh đều bị "cắt xén" đến tận xương. Nhiều đơn vị Bộ Binh đánh nhau mà phải đếm từng viên đạn, Không Quân bị hạn chế các phi vụ vì thiếu đủ thứ, từ nhiên liệu, vũ khí đến cơ-phận thay-thế cho các phi cơ, nên tình hình càng ngày càng bất lợi. Trong thời gian đó, cô Pat không có gọi tôi lần nào, có thể vì cô bận rộn, nhưng cũng có thể là do "khuyến cáo" của thượng cấp. Tôi cũng không gọi cho cô, vì không muốn làm cô khó xử. Nhưng một buổi sáng ngày 23 tháng 4 năm 1975, tôi đến nhà thương Grall thăm một bác sĩ Tai-Mũi-Họng bạn của tôi là ông Yézou sắp về nước, khi chạy xe ngang nhà cô Pat W. không biết tại sao tôi lại ghé qua, dù biết chắc là sẽ không có ai ở nhà.

Đến trước nhà, tôi thấy tấm thảm giả da hổ đã được cuộn tròn lại như sắp sửa dọn nhà. Tôi đi xuống cầu thang và nghĩ chắc là cô sắp sửa rời VN nên chuẩn bị dọn nhà, và cũng không biết duyên cớ gì dục tôi chạy đến văn phòng của cô tại Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ. Đây là lần thứ nhì tôi đến văn phòng của cô. Lần đầu tiên do lời yêu cầu của cô đến để đón cô đi ăn. Tòa ĐS HK lúc đó đã có rất đông người, cả ngoại quốc lẫn VN. Tôi, vì mặc đồ nhà binh nên đến thẳng người lính TQLC gác cổng và nói tôi muốn gặp cô Pat W. Sau khi ngần ngừ một lúc, không biết vì sao anh lính đã dễ dãi gọi điện thoại vào VP cô Pat, và lịch sự mở chiếc cổng nhỏ dành cho người đi bộ mời tôi vào, sau khi lịch sự hỏi tôi có biết lối đi không để anh ta nhờ người dẫn tôi vào tận nơi. Tôi được cô thư ký của cô Pat cho biết là cô đang bận phải họp, và cô xin tôi ghi tên vào sổ thăm viếng.

Trong khi tôi ngồi chờ, không biết cô ta gọi ĐT cho ai, và nói những gì, mà độ 30 giây sau đó, cô Pat "đã họp xong", và mời tôi vào. Tôi còn cách cửa VP cô Pat độ 3 bước thì Pat đã mở cửa ra đón tôi, với bộ mặt ra vẽ tươi cười, nhưng cặp mắt thì buồn như đưa đám. Sau khi đóng cửa lại xong Pat mời tôi ngồi, nhưng tôi không ngồi, nói là tôi chỉ nói vài câu rồi đi. Tôi nói vì lâu quá không gặp nên lúc nãy tôi có ghé qua nhà cô, thấy tấm thảm đã được cuộn lại, tôi biết là cô sắp đi, nên tôi muốn ghé để từ giã cô mà thôi. Nhưng phản ứng của cô hơi lạ. Cô ta không trả lời tôi, mà chỉ ngồi xuống lấy tờ giấy Post-it cỡ lớn nhất, hý hoáy viết bằng tay trái, với cây thước kẻ để bên dưới cho chữ viết đựơc thẳng hàng, rồi cô ngước đầu lên đưa tờ giấy cho tôi, và nói "Khi nào qua đến Mỹ, anh gọi điện thoại cho tôi ở số này, nếu không được thì viết thư cho tôi ở địa chỉ này". Tôi nói "Vấn đề chính là 'qua tới Mỹ', và tôi không nghĩ là tôi có điều kiẹn đó. Tôi có một người em đồng hao là người Mỹ, anh ta có làm một danh sách bảo lãnh cho nhà vợ, nhưng danh sách dài quá, nên có lẽ đã bị bác, nên chắc là tôi không qua Mỹ được. Vì vậy tôi đến để từ giã cô thôi. Còn tờ giấy này…", tôi nói chưa hết câu thì cô Pat có vẽ khó chịu nói "Anh cứ bỏ tờ giấy này vô ví, và khi qua tới Mỹ, làm đúng như lời tôi dặn".

Rồi cô đứng lên và chúng tôi "hug" nhau. Tôi nói "Adieu Pat (vĩnh biệt)", và cô nói "Au Revoir Kỳ (tạm biệt)". Đến khi tôi ra khỏi cửa, sắp đến bàn giấy của cô thư ký thì nghe trên "intercom" tiếng cô Pat vang lên "Mang hồ sơ của Harry M. vào cho tôi". Harry M. là tên của chú đồng hao người Hoa Kỳ của tôi. Điều này chứng tỏ là cô Pat đã từng biết hồ sơ này rồi, và có lẽ, không, chắc chắn là cô có duyệt qua, vì vậy nên cô mới nhớ có tên tôi trong đó, để biên cho tôi địa chỉ liên lạc của cô bên Mỹ, và bảo tôi liên lạc với cô khi tới Mỹ.

*

Cho tới bây giờ, tôi vẫn tự hỏi, nếu cái "ngày định mệnh" đó tôi không ghé qua nhà cô Pat, hoặc nếu tôi có ghé qua nhà cô mà không đến VP cô để diễn cái màn "ôi cảnh biệt ly sao mà buồn vậy", thì chuyện gì xảy ra. Liệu cái danh sách trên 40 người mà Harry nộp lên có được tái cứu xét không? Và nếu không thì gia đình tôi, và mấy chục người nữa sẽ ra sao? Không, câu hỏi của tôi chưa đầy đủ. Đáng lý tôi phải hỏi nếu 6 tháng trước tôi không theo ông chú tôi đi săn đồ cổ, hoặc có đi mà để mặc cho bà Mỹ bị ông chủ tiệm lừa, thì làm sao quen biết được cô Pat? Có một điều làm tôi cũng thắc mắc nữa là từ khi quen với chú cháu tôi, cô Pat chưa bao giờ tỏ ý muốn học hỏi về đồ cổ, hoặc chưa bao giờ bàn luận về đồ cổ với chúng tôi cả! Tôi thấy đó là một chuyện hơi kỳ hoặc.

Bốn mươi năm đã trôi qua, trí nhớ của Harry, chú em đồng hao với tôi bây giờ không còn sắc bén như ngày xưa nữa. Như vậy, chỉ còn có mỗi một mình tôi là còn nhớ rõ từng chi tiết của cuộc "Xuất Hành" đó mà thôi. Những chi tiết và tình tiết mà có lẽ không có ai trong gia đình tôi biết. Vì vậy tôi phải viết ra, để những cuốn phim "Rashomon" về chuyến di tản 40 năm về trước khỏi phải tái diễn nữa.

Bồ Đại Kỳ

Cảnh di tản tại Toà Đại Sứ Mỹ ở Sài gòn.

Ý kiến bạn đọc
28/01/202022:37:51
Khách
Cam on Tác gia ve câu chuyện quá hay. Chuyện này noi len triết ly cua ong bà, "Có Đức, mac sức mà huong". Cứ sống that tốt, làm thât nhieu dieu lành, thi Thượng Đế sẽ cho ta quả lành.
Nay Kinh!
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Việt Báo kính chúc Quí vị Độc giả, Tác giả, Thân hữu, Thân chủ Năm Mới Ất Mùi 2015 An Lành, Thành Công, Tốt Đẹp.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.