Hôm nay,  

35. Từ Trại Giam Đến Trại Guam

11/05/201521:38:00(Xem: 15811)
Ngày Saigon sụp đổ

TỪ TRẠI GIAM
ĐẾN TRẠI GUAM

ĐINH TỪ THỨC

Việt báo xuân 2015Mới đây mà đã 40 năm. Thời gian đi quá mau!

Trong cuộc đổi đời 40 năm trước, hầu như mỗi người có một câu truyện riêng, có khi cùng một gia đình, truyện mỗi người một khác. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm mất Sài Gòn, xin kể lại sau đây đoạn đầu cuộc ra đi của tôi, Từ Sài Gòn đến Guam. Những gì tôi đã trải qua, được ghi lại theo trí nhớ. Những gì không trực tiếp trải qua, được viết theo những tài liệu lịch sử đã xuất bản.

Mối Lo Đảo Chánh

Từ tháng Ba, 1975, tin xấu đến dồn dập. Ngày 10, mất Ban Mê Thuột. Bốn ngày sau, Quân Đoàn 2 rút khỏi Cao Nguyên trong kinh hoàng. Ngày 25, Cộng quân tràn ngập Huế. Ngày 26-27, Đà Nẵng hấp hối trong kinh hoàng.

Trong cuốn Decent Interval do Random House xuất bản năm 1977, tác giả Frank Snepp, nhà phân tích chiến lược hàng đầu của CIA ở Việt Nam, sau khi mô tả cảnh hỗn loạn tìm đường sống tại Đà Nẵng vào ngày 27 tháng Ba, 1975, đã viết về buổi chiều hôm đó tại Sài Gòn, như sau:

Vào đầu buổi chiều cùng ngày, Tổng Thống Thiệu lên đài truyền hình quốc gia với bài phát biểu chỉ lâu có năm phút, thúc dục toàn dân hãy "chận đứng đà tiến của địch". Sự công khai tái xuất hiện của ông cũng đáng chú ý như thông điệp của ông, vì trên hai tuần trước ông hầu như biệt tăm, chỉ xuất hiện hai lần ngắn ngủi trên TV, khiến tin đồn loan truyền trong thành phố rằng ông đã bị giết, hay bị loại.

Sau màn truyền hình, ông Thiệu rời Dinh trong xe limousine chống đạn, tới một nơi ẩn náu riêng tư gần khách sạn Majestic ở bờ sông. Ông ngồi tới khuya thảo luận với những phụ tá thâm niên. Về những chuyện còn kinh khủng hơn cả tin từ mặt trận là những tin đồn đảo chánh do Kỳ manh động, xem chừng vẫn ám ảnh và khiến ông lo ngại. Trước đó trong ngày, Kỳ đã táo bạo công bố lời hiệu triệu quốc dân, một lần nữa kêu gọi Thiệu từ chức. Nhưng Tổng Thống đã sẵn sàng cho chuyện này. Chỉ trong khoảng một tiếng đồng hồ, các sĩ quan chọn lọc từ lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia đã bắt giữ nhiều người liên minh với Kỳ, ba nhà báo và bốn "chính khách chầu rìa" (fringe politicians) đã bị tố "âm mưu lật đổ chính quyền". Không có nhân vật chính nào quanh Kỳ bị đụng tới, ít nhất là chưa, nhưng những vụ bắt giữ này rõ ràng có nghĩa là cảnh báo cuối cùng cho họ (Decent Interval, trg. 242-243).

Người không ở trong cuộc có thể nghĩ những điều Frank Snepp viết ra đều đáng tin cậy, nhưng chỉ trong hai đoạn trên, ít nhất hai điều không đúng. Trước hết, vụ bắt người nói trên đã xảy ra trước một ngày, tối 26, không phải 27 tháng Ba năm 1975, và số bị bắt hôm đó không phải chỉ có 7 người. Tôi là một trong ba nhà báo bị bắt.

Khoảng nửa đêm 26 tháng Ba, các con đã ngủ yên từ lâu. Tôi đang ngồi viết bài cho Chính Luận, bỗng có tiếng chó sủa, rồi tiếng gọi mở cổng để cảnh sát vào xét sổ gia đình.

Trẻ con vẫn ngủ yên. Không hỏi thẻ căn cước nhà tôi, cũng không kiểm điểm người theo sổ gia đình, cảnh sát chỉ mời tôi "ra đầu đường xác nhận lý lịch rồi về". Bước ra khỏi cổng chừng vài chục mét, người ta ra hiệu cho tôi lên một chiếc xe Jeep đợi sẵn. Vừa ngồi xuống ghế xe, có tiếng nói: "Chúng tôi được lệnh bắt ông". Cùng lúc, từ đằng sau, hai cánh tay đưa mảnh vải đen qua đầu, bịt mắt tôi. Xe chuyển bánh, tôi bị đưa đi chỉ với bộ quần áo sơ sài trên người, không mang theo bất cứ vật dụng gì. Không đọc lệnh bắt, không nói nguyên do. Các con buổi tối chào bố đi ngủ, sáng dậy không thấy bố đâu. Biến mất, không biết ở đâu.

Việt báo xuân 2015
Chiến dịch Frequent Wind: đẩy xác trực thăng VNCH xuống biển

Đi chừng hơn nửa tiếng, xe ngừng. Người ta dắt tôi xuống, lên mấy bậc thềm, đi ít bước nữa, rồi nói có thể gỡ miếng vải bịt mắt. Thấy mình đứng giữa căn phòng giam, chừng 4x5 mét. Đã có một người ở đó, qua nhân dạng và giọng nói, tôi đoán anh ta là người Tầu. Hỏi đây là đâu? Đáp "An Ninh Quân Đội". Vừa lúc ấy, tôi nhác thấy bên ngoài bóng dáng của viên Đại Uý mà tôi từng biết là nhân vật số hai của Cảnh Sát Đặc Biệt Đô Thành. Thế là anh Tầu chung phòng lộ tẩy là tay sai cảnh sát, được cài vào theo dõi, không phải tù thường. Nhưng tôi không nói gì.

Hôm sau, trời sáng mới có dịp quan sát cảnh vật. Nơi giam tôi nằm ở đầu một dẫy phòng nối tiếp nhau, ngoài cửa ra vào đóng kín, phòng nào cũng có cửa sổ nhìn ra hành lang. Góc phòng có nhà vệ sinh trên bệ cao, không cửa, để tiện theo dõi từ bên ngoài. Quan sát những vết tích quanh phòng, thấy tên "Huỳnh Tấn Mẫm", cao bằng chiều dầy ngón tay, viết hằn trên một bức tường. Thì ra tôi đang bị giam cùng căn phòng trước đây đã gia manh sinh viên y khoa Sài Gòn về tội theo cộng sản. Chứng tỏ chính quyền Sài Gòn không phân biệt đối xử, thân cộng hay chống cộng, cũng như nhau.

Tôi không biết bị bắt một mình, hay cùng với ai nữa. Nhân viên trại giam tiếp xúc đầu tiên cho biết: "bị bắt vì lý do chính trị, được đối xử theo quy chế đặc biệt, không phải ăn cơm tù. Cơm được mua đem vào từ bên ngoài. Mỗi ngày, công quỹ đài thọ mỗi người 150 đồng, là tiền ăn uống cho ba bữa. Sáng gồm bao thuốc lá và ly cà phê sữa. Trưa và tối là hai bữa cơm; muốn ăn với thịt, hay cá, phải cho biết trước để đặt cho người ta cung cấp.

Xong chuyện ăn uống, tôi hỏi nhân viên trại giam về người ở phòng bên cạnh. Người ấy trả lời, đây là vụ rất bí mật, chúng tôi không được quyền biết. Ngay tên ông, chúng tôi cũng không biết, chỉ được biết qua bí danh là "T1", người ờ phòng bên cạnh là "T2", tiếp đến là "T3", thế thôi.

Việt báo xuân 2015Vì là tù không ăn cơm tù, mỗi lần cung cấp thực phẩm, người ta đưa một tờ giấy để người nhận ký làm bằng. Lần đầu kýnhận, thay vì ngoáy bút ký như thường lệ, tôi viết rõ tên mình, hy vọng ở phòng bên cạnh, nếu là người quen, sẽ biết tôi là ai. Chỉ cần mấy tiếng sau, dự tính của tôi đã có kết qủa. Nhìn vào tờ ký nhận khi người ta đem thực phẩm tới vào buổi trưa, thấy người ở phòng bên cạnh, và phòng kế tiếp cũng làm như vậy. Người mang bí danh "T2" ký là "Dương", "T3" là "Lục". Thế là tôi biết riêng báo Chính Luận, có ba người bị bắt giam ở đây. Ngoài tôi ra, là các anh Nguyễn Hữu Dương, từng là chánh án toà sơ thẩm Sài Gòn, chuyên viết tham luận đăng ở trang 2, và Đậu Phi Lục, phụ tá chủ nhiệm.

Thật tình, khi ấy, tôi không hiểu tại sao báo Chính Luận bị bắt tới ba người, và chẳng biết còn ai khác nữa không. Trước đó, chuyện nhà báo bị bắt không hiếm, nhưng thường vì bị coi là làm lợi cho cộng sản. Chính Luận là nhật báo có lập trường chống cộng rõ ràng, Tổng Thư Ký Từ Chung đã bị cộng sản ám sát, vậy chúng tôi bị bắt vì lý do gì?

Anh Dương, ngoài khả năng xử án và viết báo, còn có tài coi tướng số. Chiều hôm sau, anh đập tường gọi: "Cụ ơi! Tôi bấm độn xong rồi. Tụi mình không ở đây lâu đâu. Chậm lắm là ngày 28 tháng tới sẽ về.

Lời đoán của anh trễ hai ngày. Chúng tôi ra khỏi trại giam vào ngày Thứ Bảy, 26 tháng Tư.

Ra tù rồi lo ra đi ngay, không còn thời gian tìm hiểu có bao nhiều người bị bắt cùng vụ chúng tôi. Mấy hôm sau, gặp anh Nguyễn Văn Chức trên tầu, được biết anh và các anh Phạm Nam Sách, Thái Lăng Nghiêm cũng bị bắt cùng ngày và cùng bị giam ở Tổng Nha, khác chỗ chúng tôi. Ngoài ra, không biết chắc có thêm ai nữa.

Gần bốn chục năm sau, con trai tôi tìm trong tài liệu đã được giải mật của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, thấy có bức điện văn nói rõ, tất cả mười người bị bắt. Phần chính nội dung điện văn như sau:

Điện văn mật SAIGON 03636 272203Z

Đại Sứ Quán Mỹ gửi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngày 27/3/75.

Về việc: Bắt những người bị coi là âm mưu và tin đồn liên hệ tới Nguyễn Cao Kỳ.

1-Tóm tắt: Mười người bị coi là âm mưu chống chính quyền bị bắt hôm 26 tháng Ba có một số liên hệ với Nguyễn Cao Kỳ, người đã mở một cuộc họp đối lập cùng ngày, trong đó, có mặt hai trong số người bị bắt. Những người khác nghĩ rằng vụ bắt này là do Thiệu ra tay để răn đe đối lập, những người gia tăng đòi thành lập chính quyền dân sự...

2- Bộ Nội Vụ ra thông báo ngày 27 tháng Ba nói rằng nhiều người đã bị bắt vì âm mưu chống chính quyền.

Cảnh Sát cho biết mười người đã bị bắt đêm 26 rạng 27 tháng Ba: Các cựu Nghị Sĩ Nguyễn Văn Chức, Phạm Nam Sách, Thái Lăng Nghiêm; Thái Trắng; Giáo Sư Châu Tâm Luân; Nguyễn Hữu Dương, Đậu Phi Lục của Chính Luận; Nguyễn Thành Vinh; Đinh Từ Thức; và Trần Hữu Duyên (có thể chưa bị bắt nhưng sẽ bị)...

MẬT

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ giải mật ngày 05, tháng Bảy, 2006.

Chọn Mặt Cầm Tù

Không thực sự có âm mưu đảo chánh, những người thân cận với ông Kỳ không ai bị bắt (cuộc họp 22 nhà đối lập do ông Kỳ triệu tập ngày 26 tháng Ba chỉ có hai người tham dự bị bắt là các cựu Nghị Sĩ Thái Lăng Nghiêm và Phạm Nam Sách). Tại sao 10 người bị bắt đêm đó?

Thật ra, vào cuối tháng Ba và tháng Tư 75, nếu có tin đồn đảo chánh, chỉ là chuyện ngoài cửa miệng. Trên thực tế, không có kế hoạch cụ thể nào. Không kế hoạch hành động, không bằng chứng, nên không có người nào thân cận với ông Kỳ bị bắt. Nhưng vẫn có mười người bị bắt vì lý do "âm mưu lật đổ chính phủ", trong khi chính phủ đang cần sự hợp tác của mọi người, mọi giới để đối phó với tình hình thập tử nhất sinh của đất nước.

Vì đâu nên nỗi?

Trước hết, đảo chánh là nỗi ám ảnh thường trực của ông Thiệu trong hơn một thập kỷ, từ khi chính ông là người tham gia đảo chánh, đưa đến cái chết thảm của hai anh em Tổng Thống Diệm. Là người rất mê tín, ông Thiệu luôn lo sợ có người sẽ làm cho ông điều ông đã làm cho người khác. Dù đất nước đang trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, dù miền Trung đang hấp hối, khi được báo cáo về tin đồn đảo chánh, ông cảm thấy phải làm một cái gì, không thể ngồi đợi người ta tới giết mình. Mất mạng là mất tất cả. Phải cứu mạng mình trước.

Ở hoàn cảnh ông Thiệu lúc ấy, và trong tình huống phải làm một cái gì, bất cứ cái gì để chứng tỏ ông vẫn chủ động, chưa là đồ bỏ, ông có thể làm gì? Ông không có nhiều lựa chọn. Ông không đủ quân để lấy lại Ban Mê Thuột. Không đủ sức để giữ Huế; tuyên bố tử thủ rồi đành ra lệnh rút lui. Đà Nẵng đang hấp hối. Không còn tiền mua vũ khí, mua xăng dầu. Cả hai quân đoàn bị vỡ, ngoài tầm kiểm soát và chỉ huy của ông. Chỉ còn một việc ông vẫn có thể chủ động, có thể làm ngay, không cần xin phép ai. Ông vẫn có thể ra lệnh, và lệnh của ông được thi hành tức thì: Bắt người! Nhưng, bắt ai?

Nếu âm mưu đảo chánh có thật, có kế hoạch cụ thể, chỉ cần căn cứ vào bảng phân công theo kế hoạch để bắt. Đằng này khác, chỉ có tin đồn, không có nghi phạm cụ thể, nên phải chọn người để bắt, để làm nản lòng những ai nếu họ đã, đang, hay sẽ có ý định đảo chánh.

Trước suy tính bắt người thân cộng hay bắt người chống cộng, sự lựa chọn của ông Thiệu không khó. Với tình hình ngày 26 tháng Ba, triển vọng chiếm trọn miền Nam đã trong tầm tay, Cộng sản hay thiên Cộng không cần đảo chánh nữa. Ngoài ra, bắt người thân Cộng vào lúc này, chỉ tạo thêm thành tích cho họ. Nếu bị bắt, ít ngày sau, họ sẽ ra tù như những anh hùng.

Thân Cộng đã bị loại, ứng viên vào tù còn lại là những người chống Cộng. Bắt người chống Cộng lúc này, còn có lợi điểm, là tạo được sợ hãi hơn lúc nào khác. Gặp lại anh Chức trên chiến hạm HQ 3, tôi hỏi: "Điều gì khiến ông sợ nhất khi ở trong tù?" Anh đáp: "Tớ sợ nhất khi bọn kia vào, mình vẫn còn trong tù; đang là tù Cộng Hoà, bỗng nhiên chuyển sang thành tù Cộng Sản".

Phải bắt những người có thành tích chống cộng, và cũng chống chính phủ, để dư luận thấy nhãn hiệu chống cộng không phải lá bùa an toàn đề chống chính phủ. Các cựu Nghị Sĩ Nguyễn Văn Chức, Phạm Nam Sách và Thái Lăng Nghiêm đạt tiêu chuẩn này hơn cả. Hồi còn tại chức, các ông chống cộng rất hăng, và với quyền bất khả xâm phạm đối với những phát biểu tại nghị trường, các ông cũng chống chính phủ dữ dội. Dù không còn làm Nghị Sĩ, dư âm chống đối của các ông vẫn còn.

Nhưng chỉ bắt các ông, chưa đủ. Bất cứ dự án chính trị nào, dù nhằm mục tiêu tạo hậu thuẫn hay tạo sợ hãi sâu rộng, muốn được chú ý, cần phải quy tụ được nhiều thành phần. Ngoài chính khách, cần sự có mặt của các tôn giáo, đảng phái và báo chí... Theo chiều hướng ấy, trí thức Công Giáo có Châu Tâm Luân, Hoà Hảo có Trần Hữu Duyên, đảng phái có Nguyễn Thành Vinh. Về báo chí, trước hết không kể báo thương mại, vì đây là vụ án chính trị. Các báo Điện Tín với Đại Dân Tộc có lập trường chính trị thân phe bên kia, còn Dân Chủ hay Tiền Tuyến là báo nhà. Chỉ còn Chính Luận, tờ báo có lập trường chính trị chống Cộng rõ ràng, và thỉnh thoảng cũng kín đáo chống chính phủ. Nhưng bắt ai, trong số hàng trăm người của Chính Luận? Không khó. Cảnh sát đã có tay trong tại mỗi toà báo, hàng ngày gửi báo cáo về. Chỉ cần mở hồ sơ lưu trữ, biết ngay ai đáng bắt. Các anh Đậu Phi Lục, Nguyễn Hữu Dương và tôi, là ba người trước đó ít lâu đã có quyết định trong việc không cho đăng nguyên văn Tuyên Cáo số 2 của Linh Mục Trần Hữu Thanh tố đích danh ông Thiệu tham nhũng, nhưng làm tin đầy đủ, để Chính Luận hôm đó cũng bị tịch thu như các báo đăng nguyên văn.

Biệt Vô Âm Tín

Trong tù, chúng tôi hoàn toàn không biết gì về tình hình bên ngoài. Ở ngoài, gia đình cũng hoàn toàn không biết chúng tôi bị giam giữ ở đâu. Bác Sĩ Đặng Văn Sung, đã có thời hợp tác với ông Thiệu, cũng không có tin tức gì về chúng tôi. Sau này gặp lại gia đình, được biết bên ngoài có rất nhiều tin đồn về số phận chúng tôi. Người đồn chúng tôi đã bị mang ra Côn Sơn, người khác đồn chúng tôi đã bị thủ tiêu. Trong khi ấy, chúng tôi vẫn bị giam ở Sài Gòn, và chuyện thủ tiêu, không phải chỉ là lời đồn bên ngoài, mà cũng được các thẩm vấn viên đề cập tới để gián tiếp đe dọa. Kỹ thuật thẩm vấn trong tù, bao giờ cũng có ít nhất hai vai trò, một người đóng vai "ông ác", người kia là "ông thiện". Tuy thủ vai ác, người này chỉ tỏ rang hiêm nghị, lạnh lùng, không bao giờ có thái độ hung ác với chúng tôi. Riêng vai thiện, bao giờ cũng tỏ ra niềm nở, cứ như bạn thân lâu ngày mới gặp. Một hôm, tỏ vẻ ái ngại cho tôi, ông ta "tiết lộ bí mật": Mới có thêm nhiều nhân vật quan trọng bị bắt, không hiểu ông có việc gì không, có bị ai khai ra điều gì bất lợi không. Trong số những người bị bắt, có cả Đại Tướng Cao Văn Viên, và Bác Sĩ Trần Kim Tuyến .... Rồi bỗng nhiên ông ta hỏi tôi "Ông bị bắt ở nhà, hay bắt cóc giữa đường?" Tôi nói "Ở nhà". Ông ta nói: Thế thì không đáng lo. Nhiều người bị bắt giữa đường, không ai biết, ban đêm bị đưa lên trực thăng, chở ra biển, đẩy xuống. Thiếu gì! (Khi ra tù mới biết Đại Tướng Viên và Bác Sĩ Tuyến không hề bị bắt).

Tối ngày 8 tháng 4 ngày Nguyễn Thành Trung oanh tạc Dinh Độc Lập, nhưng trong tù không biết gì tôi bị chuyển từ phòng giam thường vào xà lim (cellule). Phòng biệt giam giống cái hộp bằng xi măng, rộng hơn một mét, dài và cao mỗi chiều cỡ 2 mét, góc tường đầu phía trong có vòi nước, dưới là chỗ thoát nước; lấy nước uống, tắm rửa và đại tiểu tiện đều ở đó. Từ trước, từng nghe nói "uống nước cầu tiêu" mà không hiểu. Bây giờ, chính mình được trải qua.

Tuần lễ cuối tháng Tư, ngó qua lỗ cửa, không còn thấy người mới bị bắt dẫn vào thêm. Dấu hiệu lạ. Một chế độ luôn gắn liền với hai chữ "thắng lợi", bỗng nhiên không bắt thêm người, không còn thắng lợi. Chuyện gì đã xảy ra bên ngoài?

Quả nhiên, chiều 24 tháng 4, một viên chức vừa gõ cửa xà lim, vừa chõ mồm qua lỗ: "Ông chuẩn bị trở về phòng cũ nghỉ cho khoẻ." Trở lại phòng giam hai tuần lễ đầu, thấy các anh Đậu Phi Lục, Nguyễn Hữu Dương, và cả ông Nguyễn Trân đều ở đó. Truyện trò vui như tết. Vẫn không biết gì về tình hình bên ngoài, nhưng chúng tôi đoán sắp được về. Sáng sau, được báo tin một tướng lãnh sẽ tới gặp chúng tôi vào buổi chiều, và chúng tôi có thể ra về vào hôm sau.

Không có Tướng nào tới gặp như đã loan báo. Sáng sau, Thứ Bảy 26 tháng 4, được báo tin Tổng Thống Thiệu đã từ chức thật ra, ông Thiệu rời Sài Gòn từ tối hôm trước Phó Tổng Thống Hương đã lên thay, "quý vị sửa soạn ra về, hợp tác với tân Chính Phủ để cứu nước; sẽ có xe của Chính Luận tới đón." Mỗi người chúng tôi được cấp một tờ chứng nhận "Trả tự do", với lý do bị bắt là "Tình nghi âm mưu lật đổ Chính Phủ".

Tìm Đường Tháo Chạy

Trên đường về toà báo, điều ngạc nhiên đầu tiên đập vào mắt là thấy người ta hối hả đi lại trên đường phố, đông hơn cảnh sắm Tết vào mấy ngày cuối năm. Người lái xe cho biết tình hình bi đát lắm rồi, Cộng quân sắp vào tới Biên Hoà, mọi người đổ ra đường tìm lối thoát.

Về tới Chính Luận, Bác Sĩ Sung, gia đình các anh Lục và Dương đợi sẵn. Gia đình tôi không có ai. Người trong toà báo cho biết, sau khi tôi bị bắt, nhà tôi đã đưa các cháu về sống với ông bà ngoại, không biết tin tôi về. Thay vì về nhà, được chở thẳng về nhà ông bà ngoại các cháu. Gõ cửa trong niềm phấn khởi được gặp lại vợ con. Ông anh họ nhà tôi ra mở, báo tin thay lời chào: "Cô và các cháu cùng với ông bà đi rồi! Không biết đang ở đâu".

Vội về nhà, cảnh vật vẫn y nguyên, dẫy bàn học của tụi nhỏ còn kê chỗ cũ, hàng giầy trẻ con ngay ngắn nằm cạnh chân tường, theo thứ tự từ lớn đến nhỏ. Nhìn những đôi giầy, hình ảnh mỗi đứa lần lượt hiện ra linh động. Đứa nhỏ nhất, mới 6 tháng, chưa biết đi, không có giầy để lại, nhưng cái võng nó thường nằm vẫn còn đó. Nếu không có con chó Nhật còn nhớ chủ, cuống quýt bên chân, khung cảnh yên lặng như một phòng triển lãm giờ đóng cửa. Vật đó, người đâu? Tôi đứng lặng hồi lâu.

Ông ngoại các cháu vốn là thông dịch viên cho DAO. Giữa tháng Tư, DAO khuyên ông ra đi, tránh nguy hiểm tới tính mạng. Trong lúc không biết tôi đang ở đâu, và sống chết ra sao, ông nêu đề nghị: Sẽ chỉ ra đi, nếu nhà tôi và các cháu có thể đi theo. Nếu không, sẽ ở lại. DAO chịu, nhưng ông còn phải đưa lý do "đi khó dễ về" ra thuyết phục, nhà tôi mới chịu đem các cháu đi theo, để đỡ bị dằn vặt về chuyện đem sáu đứa con đi mà bỏ rơi chồng trong tù.

Sự giúp đỡ của ông Nhạc và quyết định sáng suốt của nhà tôi đã giúp tôi ra đi dễ dàng khi ra tù. Nếu không, rất có thể đã nằm trong số ra tù nọ vào tù kia. Trong số này, có cả anh Đậu Phi Lục, ít lâu sau khi ra tù Việt Cộng, đã ra đi vĩnh viễn. Sau mấy tiếng đồng hồ tìm hiểu tin tức để biết rõ tình hình, tôi đi đến quyết định: Ra đi bằng mọi cách, càng sớm càng tốt.

Thứ Hai, 28 tháng 4, ghé Chính Luận, Bác Sĩ Sung cho biết toà Đại Sứ Mỹ hứa sẽ bốc một số, có thể lên tới cả trăm người; những ai bị bắt mới ra tù nằm trong danh sách ưu tiên. Hẹn hôm sau có mặt tại toà báo, đợi xe tới đón.

Mỹ Đã Sẵn Sàng

Trong khi Tổng Thống Thiệu còn lo chống đảo chánh, trong khi chúng tôi còn nằm trong tù, mù tịt về tình hình bên ngoài, trong khi các chiến sĩ Sư Đoàn 18, Dù và các binh chủng khác anh dũng cố giữ Xuân Lộc, ngay từ ngày 17 tháng 4, 75, Lữ Đoàn 9 Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, căn cứ ở đảo Okinawa, Nhật, đã được lệnh thành lập lực lượng phụ trách di tản, viết tắt là AESF (Amphibious Evacuation Security Force).

Lực lượng này được lệnh lên đường ngay, tới Vịnh Subic (Phi Luật Tân), tập hợp nhân sự cùng phương tiện cần thiết, tới đợi sẵn ở bờ biển Việt Nam. Nhân sự gồm 720 quân nhân TQLC, chia thành 14 toán, mỗi toán 54 người, phân chia đi các tầu vớt người tị nạn. Họ được huấn luyện rất kỹ, từ bí quyết nấu cơm cho hàng ngàn người ăn trong chốc lát -- bằng cách cho gạo vào những bồn chứa lớn, rồi xịt hơi cực nóng từ hệ thống ống dẫn hơi nóng trên tầu, có cơm ngay trong mấy giây đồng hồ -- đến những câu chào hỏi bằng tiếng Việt, cùng những điều nên và không nên trong cách giao tiếp với người tị nạn. Nhân viên an ninh và thông dịch viên được chú trọng hàng đầu.

Cùng lúc, Mỹ chuẩn bị bốn kế hoạch di tản: đầu tiên bằng máy bay thương mại, thứ nhì là máy bay quân sự, kế tiếp là tầu thuỷ, cuối cùng là máy bay trực thăng bốc người ra Hạm Đội 7.

Kế hoạch đầu không thực hiện được.

Kế hoạch thứ nhì, chuyên chở bằng phi cơ vận tải quân sự C-130, bắt đầu từ ngày 21 tháng 4. Dân di tản được lén lút, qua mặt cảnh sát, đưa tới tập trung tại trụ sở DAO ở Tân Sơn Nhứt, rồi lên máy bay ra đi; cứ nửa tiếng một chuyến. Chỉ có thể hoạt động ban ngày, ban đêm giới nghiêm. Để có sẵn người đi cho những chuyến bay sớm, mỗi tối có khoảng từ 200 đến 600 người dự trữ cho hôm sau, ngủ tại các văn phòng ở DAO.


Về kế hoạch ba, có bốn chiếc xà lan đậu sẵn ở bến Tân Cảng, gần cầu xa lộ Sài Gòn Biên Hoà. Kế hoạch này chỉ thi hành được một nửa. Cho đến 25 tháng 4, có hai chiếc chở nhân viên toà Đại Sứ cùng với thân nhân và những người quen thuộc, ra đi suông sẻ. Phần còn lại không thực hiện được.

Kế hoạch bốn, trực thăng vận, bắt đầu chuẩn bị vào lúc Tổng Thống Thiệu tuyên bố từ chức, tối 21 tháng 4: Xếp đặt 13 bãi đáp trên nóc nhà tại nhiều nơi ở Sài Gòn, Chợ Lớn. Tất cả công việc như dựng ống gió, trang bị ánh sáng, bảng hiệu và máy truyền tin ... đều phải làm ban đêm, tránh cho người dân khỏi hoang mang. Các quân nhân TQLC phải mặc thường phục, để khỏi lộ liễu vi phạm Hiệp định Hoà Bình Paris quy định không được có trên 50 quân nhân Mỹ có mặt tại VN.

Việt báo xuân 2015
Tối 25 tháng 4, Tổng Thống Thiệu âm thầm đi Đài Loan, cũng là lúc các bãi đáp đã hoàn tất, sẵn sàng để sử dụng. Nhưng vào lúc này, kế hoạch 2 vận chuyển bằng máy bay có cánh vẫn tiến hành. Các phi công của 70 trực thăng trên ba chiến hạm đậu cách Vũng Tầu vài chục cây số vẫn túc trực chờ lệnh. Lúc đầu phải ngồi sẵn trong trực thăng đợi. Sau vài ngày, được đợi bên ngoài.

Vào ngày chúng tôi ra tù, 26 tháng 4, tầu SS American Challenger đã tới cách Long Hải trong vòng 3 dặm, vớt dân di tản bằng thuyền.

Chiều 28 tháng 4, trong khi diễn ra lễ trao quyền từ Tổng Thống Trần Văn Hương cho Đại Tướng Dương Văn Minh ở Dinh độc Lập, có hàng ngàn người kéo tới Tân Sơn Nhứt để được ra đi. Đây là những người thạo tin, biết được Trung Tâm điều hành di tản đang chuẩn bị một cuộc ra đi khổng lồ cuối cùng bằng máy bay có cánh vào đêm hôm đó. Lúc 10 giờ đêm, tin loan báo các chuyến đi tái tục vào lúc 11 giờ rưỡi, sẽ có từ 50 đến 60 chuyến bay, chở khoảng trên mười ngàn người. Đợi đến sau nửa đêm, lại có tin giờ khởi hành lùi lại tới 3 giờ rưỡi sáng. Khoảng từ 3 giờ đến 3 giờ rưỡi có ba chếc C-130 tới. Theo dự trù, đó là những máy bay trống, tới đón người. Nhưng không hiểu do đâu, mỗi chiếc chở tới một trái bom BLU-82 khổng lồ. Các quân nhân VNCH phải bỏ ra gần nửa tiếng, thận trọng mang ba trái bom xuống, mỗi trái nặng tới 15 ngàn cân.

Chỉ ít lâu sau đó, chính xác vào lúc 3:58 phút sáng 29 tháng 4, có thể do nội tuyến đưa tin, Cộng quân tấn công Tân Sơn Nhứt bằng hoả tiễn. Một trong hai trái loạt đầu trúng ngay trạm canh ở cổng DAO, khiến hai hạ sĩ quan TQLC Charles McMahon và Darwin Judge thiệt mạng. Đây là hai quân nhân Mỹ cuối cùng thiệt mạng trong cuộc chiến Việt Nam, và xác của họ đã bị bỏ quên tại bệnh viện Seventh Day Adventis gần Tân Sơn Nhứt. Một năm sau, Nghị Sĩ Ted Kennedy mới can thiệp mang về. Một trong ba máy bay mới đến trúng hoả tiễn, bị phá huỷ. Hai chiếc kia vội cất cánh bay đi, không mang theo người nào, ngoại trừ phi hành đoàn của chiếc bị nạn.

Sau vụ tấn công này, nhiều phi công Việt Nam được lệnh lái máy bay sang Thái Lan. Trong lúc vội vã, nhiều người trút bỏ bom đạn và bình xăng phụ khi ra đi, khiến đường băng trở thành nguy hiểm. Tướng Smith, Tùy viên Quốc Phòng Mỹ khuyên Đại sứ Martin bỏ kế hoạch thứ nhì -- di tản bằng máy bay có cánh cố định chuyển sang kế hoạch 4, trực thăng vận. Đại Sứ Mỹ tới Tân Sơn Nhứt, tận mắt quan sát tình hình, mới chấp nhận đề nghị của Tướng Smith. Đồng thời, ngay tại DAO, ông gọi cho Ngoại Trưởng Kissinger, chính thức từ bỏ quyền chỉ huy cuộc di tản. 20 phút sau, chương trình di tản biến thành một chiến dịch quân sự.

10:51 sáng 29 tháng 4, chính thức bắt đầu Chiến Dịch Năng Phong (Operation Frequent Wind). Vì việc chỉ huy chiến dịch thiếu phối hợp chặt chẽ -- giữa Hải Quân và TQLC, cũng như giữa Không lực Hải Quân và Không lực TQLC khiến giờ chính thức khởi hành chậm tới 3 tiếng, thực sự bắt đầu lức 3:15 chiều.

Chiến dịch bắt đầu, cũng là lúc TQLC khởi đầu gom người tại các địa điểm tập trung, bằng trực thăng nhỏ và xe buýt, chở vào trụ sở DAO ở Tân Sơn Nhứt, rồi chở bằng trực thăng lớn (CH 53 & CH 46) ra Đệ Thất Hạm Đội. Ngoài 13 địa điểm bốc bằng trực thăng trên nóc nhà, còn 3 tuyến đường xe buýt. Mỗi xe buýt đều có xe giả Cảnh sát VN dẫn đường. Trong ngày 29 tháng 4, những xe buýt này đã đi tới ba vòng, đón hết thường dân Mỹ, và những người bạn Việt, hoặc ngoại kiều khác, kể cả con chó của ông đại Sứ. Lúc đầu, dự trù những người có mặt tại Toà Đại Sứ cũng được bốc về DAO. Sau đổi lại, có hai đường bay thẳng ra biển: Từ DAO và từ Toà Đại Sứ. Tới tối 29 tháng 4, tất cả những người tới DAO đều được chở đi hết. Nửa giờ bước sang ngày 30 tháng 4, trong khi hai chiếc CH-53 bốc lên từ bãi đậu xe, những lựu đạn mối (thermite grenades) gắn sẵn tại những địa điểm chủ yếu của trụ sở DAO được kích động, cả cơ sở sụm xuống.

Tại Toà Đại Sứ, khi các chuyến bay chở người tị nạn chấm dứt vào khoảng 4 giờ sáng ngày 30 tháng 4, còn khoảng trên dưới 400 người kẹt lại trong sân, và hàng ngàn người vẫn chờ đợi bên ngoài. Đại Sứ Martin, sau khi cố trì hoãn để mang đi càng nhiều người càng tốt, đã hạ cờ Mỹ gấp lại mang theo, ra đi lức 4:58 phút. Chuyến bay cuối cùng từ nóc Toà Đại Sứ chở 10 TQLC cất cánh lúc 7:58 sáng 30 tháng 4.

Cuối ngày 29 tháng 4, tại DAO, cùng với những hồ sơ quan trọng không mang đi được, TQLC đã đốt 13 triệu đô-la, đó là tiền dự trù phát lương vào đầu tháng Năm. Tại Toà Đại Sứ cũng đốt khoảng 1 triệu, ngay tại nơi gần bãi đáp trực thăng trên sân thượng, khói bốc lên, phát sinh tin đồn Toà Đại Sứ bị cháy.

Trong khoảng thời gian từ 21 đến 28 tháng 4, trước khi kế hoạch di chuyển bằng máy bay cánh cố định bị huỷ bỏ, Mỹ đã bốc ra khỏi VN 42.910 người qua 170 chuyến bay bằng các phi cơ vận tải C-130, 134 và C-141, đưa tới Căn Cứ Không Quân Clark ở Phi, một số nhỏ được đưa thẳng tới Guam.

Trong Chiến Dịch Frequent Wind ngày 29 tháng 4 trực thăng vận, từ Toà Đại Sứ bốc 978 người Mỹ, 1.120 người Việt cùng công dân các nước khác. Từ DAO bốc 395 người Mỹ và 4.475 người tị nạn.

Ngoài những chuyến trực thăng do Mỹ bốc, còn rất nhiều phi công VN đã đi một mình hoăc chở người thân bay thẳng ra Đệ Thất Hạm Đội. Tướng Kỳ chở Tướng Trưởng đã đáp xuống mẫu hạm Midway rất sớm, vào buổi trưa 29-4. Vì thiếu chỗ đậu, có trên 30 trực thăng nhỏ Huey đã bị đẩy xuống biển.

Trong 4 ngày cuối tháng 4, Mỹ đã sử dụng 45 tầu Hải Quân, từ mẫu hạm, chiến hạm, tầu vận tải, tới các tầu nhỏ, vớt tổng cộng 40.000 người. Tổng cộng cả tháng 4, Đệ Thất Hạm Đội và TQLC vớt khoảng 130.000 người. Lúc đầu, họ được cho tạm trú tại đảo Grande Island ở Subic Bay, nhưng chính quyền Phi không cho phép người tị nạn được ở lại trạm dừng chân quá 72 giờ. Ngày 28 tháng 4, Quốc Hội Mỹ chính thức cho phép người tị nạn vào Mỹ tại 3 nơi: Camp Pendleton, CA; Eglin Air Force Base, FL; Fort Chaffee, Arkansas. Sau mở thêm Camp Indiantown Gap, PA., vào đầu tháng Sáu.

Tất cả những điều vừa kể tôi không trải qua, và không biết. Mãi sau mới biết, và ghi lại theo lời nhân chứng là các sĩ quan TQLC đã tham dự chiến dịch, viết trong tập tài liệu U.S. MARINES IN VIETNAM, THE BITTER END 1973 1975.

Dọt Lẹ

Sáng 29 tháng 4, mở radio, nghe tin tân Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu đọc lời yêu cầu Mỹ rút hết lực lượng quân sự trong vòng 24 giờ. Hôm sau, trên chiến hạm HQ3, tôi gặp hai Đại Tá tỉnh trưởng hai tỉnh phía Bắc Sài Gòn, cả hai ông cùng cho biết, đang chỉ huy hành quân, nghe tin ông Mẫu đuổi Mỹ, đã quay xe chạy thẳng ra bến tầu. Theo các ông, đuổi Mỹ là đấu hiệu "chấm dứt chương trình của ban Tùng Lâm". Dọt lẹ!

Y hẹn, tôi xách một va-li nhỏ tới Chính Luận, đợi cùng với tất cả khoảng vài ba chục người. Ông Chủ Nhiệm Đặng Văn Sung, và hai người cùng bị bắt với tôi là anh Lục và anh Dương đều không có mặt. Đợi một lát, có điện thoại của ký giả Nguyễn Tú, nói đang ở trong Toà Đại Sứ Mỹ gọi về. Anh quyết định không ra đi, đóng vai liên lạc giữa Toà Đại Sứ với Toà Báo, sẽ cập nhật tin tức cần thiết về chuyến đi. Anh cho biết tình hình chung không khả quan, hy vọng về chuyến đi chỉ khoảng 80%.

Ngồi đợi trong toà báo, chúng tôi hoàn toàn không biết tình hình bên ngoài ra sao, như cảnh hàng chục ngàn người đợi trước Toà Đại Sứ. Mỗi lần anh Nguyễn Tú gọi về cập nhật tin tức, hy vọng về chuyến đi lại giảm. Sau khi loan báo hy vọng chỉ còn 20% vào khoảng 3 giờ chiều, anh gọi thêm lần nữa, nói chỉ còn chỗ cho một người. Mọi người đợi ở toà báo coi chỗ đó dành cho tôi, vì tôi chỉ có một mình. Nhưng đợi đến hơn 5 giờ chiều, vẫn không có tin tức thêm. Nhiều người chán nản bỏ về. Tôi xuống nhà, gặp lúc ông Nguyện, Quản Lý báo, lái chiếc xe Jeep trờ tới. Hỏi đi đâu về, ông nói vừa chở người ra bến tầu. Hỏi sao không cho biết, ông nói tưởng các ông đợi Toà Đại Sứ tới bốc. Tôi nhờ ông Nguyện chở ra bến tầu, những người khác không đi, sợ cảnh tranh nhau và cướp phá như đã sẩy ra tại Đà Nẵng, mà Chính Luận đã loan tin và hình ảnh rất đầy đủ. Nhưng lúc ấy chúng tôi trong tù, không biết. Có lẽ do kinh nghiệm từ Đà Nẵng, những người chỉ huy chuyến đi đã tránh được thảm cảnh tái diễn ở Sài Gòn. Vì sợ đi tầu, tất cả những người đợi với tôi ở toà báo hôm ấy, đều kẹt lại.

Tại bến Bạch Đằng, lính Hải Quân chăng giây kẽm gai, không cho ai vào. Mỗi lần có xe trờ tới, lại bắn súng chỉ thiên thị uy, xe vội phóng đi. Tôi ngồi đợi trước cửa một nhà khiêu vũ, nhìn ra công trường nơi có tượng Đức Thánh Trần. Đợi tới sẩm tối, khoảng 7 giờ, thấy một trung úng Hải Quân dẫn chừng vài chục người, băng qua đường vào lối đi dẫn tới bến tầu. Tôi nhập bọn đi theo.

Tới bến tầu, lại gặp hàng rào cao bằng lưới thép kiên cố, cổng ra vào có lính gác bên trong. Chưa biết xoay xở ra sao, bỗng có ông tướng hai sao tiến tới, đòi mở cửa. Người lính gác mở chốt, nói gì đó, rồi đóng cửa lại. Ông tướng có vẻ giận, một chân đạp mạnh, cửa mở tung, tiến vào, tôi vào theo. Bến tầu đã khá đông, hàng ngàn người, đi lại tấp nập. Trên tầu cũng đông. Ngoài một số tầu nhỏ rải rác đó đây, có ba chiến hạm nổi bật, đậu áp mạn nhau: HQ1 sát bờ, HQ3 ở giữa, HQ2 ngoài cùng.

Tôi leo cầu thang lên HQ1. Được một lúc, có anh mặc đồ thợ máy, tự nhận là chuyên viên cơ khí, nói "bà con tin tôi, tầu này không đi đâu, vì sửa máy chưa xong". Hoang mang, đắn đo một lúc, tôi bước sang HQ3, quyết định không đi đâu nữa, vì thấy một số chỉ thị phát ra từ những chiếc loa của tầu này. Ít lâu sau, thấy HQ2 nhổ neo ra đi. Tiếc rẻ, nếu chịu bước đi bước nữa, giờ đã lên đường rồi. Sau được biết HQ2 đã xé lẻ, đi thẳng tới Subic, không cùng với hạm đội.

Khoảng gần 9 giờ tối 29 tháng 4, HQ3 cũng nhổ neo lên đường. Sau được biết HQ1 cũng đi, dù một máy chưa sửa xong. Tầu đi trong đêm tối, không lên đèn, tránh lộ mục tiêu. Ngang Cần Giờ, tầu mắc cạn. Vốn thuộc loại nhát, tôi rời boong tầu xuống hầm, phòng lỡ bị pháo kích.

Xoay trở một hồi, tầu thoát cạn, mọi người mừng hết lớn. Vừa ra khỏi Vũng Tầu, trời bắt đầu sáng, đang khấp khởi mừng sắp vào hải phận quốc tế, tầu bỗng thả neo, vớt thêm người từ các tầu nhỏ. Không phải tầu đánh cá của dân thường, mà từ những tầu nhỏ của Hải Quân. Những người mới lên, có người cho biết, họ đã phải trả tiền, và tự xưng người nhà cửa tướng nọ tướng kia, để có chỗ tốt trên tầu. Sau khi vớt thêm người, tầu trực chỉ Côn Sơn.

Nhìn biển rộng, nhớ khi ở tù, bị gọi bằng ký hiệu "T1". "T" là chữ đầu tên tôi, nhưng các anh Dương và Lục cũng được gọi là "T2" và "T3". Một đêm, trong lúc bị thẩm vấn chuyên thẩm vấn vào ban đêm -- thấy trên tờ bìa đựng hồ sơ ghi mấy chữ "Chiến dịch Trường Giang". Thì ra, vụ bắt người này nằm trong khuôn khổ một "chiến dịch". Chiến dịch sông dài, chảy ra biển cả, đúng quá!

Trong khi tập trung tại Côn Sơn, được tin qua radio chính quyền Dương Văn Minh đầu hàng. Bỗng nhiên, giấy bạc 100đ và 500đ được bà con gấp thành tầu bay giấy, tung lên làm đồ chơi, phóng cả xuống biển. Sau một lúc, ai còn tiền chưa sử dụng được gom lại, đưa cho các thuỷ thủ xuống tầu nhỏ trở về.

Tất cả Hạm Đội Hải Quân VNCH trập trung tại Côn Sơn khoảng 30 chiến hạm. Chiều 30 tháng 4, Trung Uý Richard Armitage, có tên Việt là Trần Văn Phú, sĩ quan liên lạc được Đệ Thất Hạm Đội chỉ định, từ tầu USS Kirk lên HQ3, cho biết lộ trình của đoàn tầu VN. Sáng 01 tháng 5, cả đoàn trực chỉ Vịnh Subic, căn cứ Hải Quân Mỹ tại Philippines. Tầu cũ, chạy rất chậm, chừng 6 hải lý một giờ, chiếc nọ đợi chiếc kia, có chiếc phải ròng giây kéo đi. Một chiếc không theo nổi, bị bắn bỏ. USS Kirk dẫn đầu, thỉnh thoảng quay trở lại, chạy một vòng lớn chung quanh đoàn tầu VN, rồi lại trở lên dẫn đầu, giống như người chăn đàn cừu. Từ Việt Nam tới Phi, thay vì chỉ mất vài ngày, đoàn tầu VN đi trong một tuần, tới Subic ngày 7 tháng 5. Hôm trước, có lễ hạ cờ VNCH rất cảm động, kéo cờ Mỹ lên, quân nhân bỏ hết lon lá, phù hiệu, và vất võ khí cá nhân xuống biển.

Vào ngày đoàn tầu Việt Nam cập bến Subic, hai chiếc tầu vận tải đầu tiên, mỗi chiếc chở hơn năm ngàn người được vớt trên biển vào cuối tháng 4 cũng cập bến Guam. Những người đi bằng máy bay cánh cố định từ DAO trong khoảng thời gian từ 21 đến 28, cũng tới Guam bằng máy bay từ 24 tháng 4. Một ngày trước đó 23 tháng 4, cùng ngày Philippines không cho quá 200 người tị nạn dừng chân lâu hơn 72 giờ -- Thuỷ Quân Lục Chiến tại Guam được lệnh sửa lại Trại Asan, vốn là một trại dân sự bỏ hoang, thành Thị Trấn Việt Nam để đón người tị nạn.

Vì thái độ thiếu thân thiện của Phi, từ HQ3 bước xuống, đi trên bến chừng 100 mét, chúng tôi lại lên một tầu chở hàng để đi Guam. Ngày 12 tháng 5 tới nơi. Trâu chậm uống nước đục. Lớp tới trước vào cuối tháng 4 được ở trong các doanh trại (barracks) ở Asan, hay Hotel Tokio. Chúng tôi được chở thẳng từ bến tầu đến Orote Point, một khu lều (Tent city), giống như nơi dừng chân tạm thời của một đạo quân, giang sơn mỗi người là chếc ghế bố trên nền đất, trong mỗi căn lều vải chứa chừng 20 người. Đây là khu hẻo lánh nhất tại Guam, thành lập nơi một phi trường cũ. Tổng số dân cư Guam hồi ấy khoảng 90 ngàn người. Tổng số dân tị nạn tới đây lên tới 110 ngàn, riêng Trại Orote Point chứa tới 75 ngàn.

Việc làm đầu tiên của tôi khi đến Guam là tới văn phòng trại, nhờ tìm xem vợ con đang ở đâu, nhưng không có kết quả. Họ chỉ phỏng đoán: những người đi sớm đã vào lục địa Mỹ, ở Camp Pendleton, nhưng ở đó đã quá đông, không nhận thêm người nữa. Muốn tới đó, phải đợi lâu.

Đại đa số các thuỷ thủ đã đưa cả Hạm Đội Việt Nam tới Phi, chở theo gần 40 ngàn người, đều ngụ tại Orote Point. Hầu hết họ không có thân nhân đi cùng. Mấy tuần trước khi ra đi, họ bị cấm trại trăm phần trăm. Chỉ được xả trại một vài giờ trước khi khởi hành, không kịp về đón thân nhân, họ bỗng thành độc thân. Cũng có cả cấp sĩ quan chỉ huy, đang trên đường công tác thì được lệnh quay tầu ra đi, không thể về đón vợ con. Trong khi ấy, nhiều sĩ quan cao cấp đã có thể chu toàn trong việc lo cho gia đình và bạn bè ra đi. Dầy vò vì nỗi nhớ gia đình, cộng với niềm bất mãn trước thực tại, một số người đã muốn xin trở về lại Việt Nam.

Những người xin trở về, được gom lại cho ở chung một nơi tại trại Asan. Ban điều hành trại cho biết họ có thể thay đổi ý kiến bất cứ lúc nào, và trù liệu các biện pháp bảo đảm an toàn cho họ. Khi phải chờ đợi lâu mà chưa biết rõ ngày về, vào tháng 7/75, một số đã đốt barracks tại Asan để phản đối. Có người bị cô lập tại Orote Point, tiếp theo là 8 người cạo trọc đầu, vào 30 tháng 7, 1975, phản đối vụ bắt người đốt nhà.

Trong khi ấy, Tướng đứng đầu bộ phận Phối Hợp Dân Sự đã xin được lệnh tịch thu tầu Việt Nam Thương Tín con tầu ra đi trưa 30 tháng 4, bị pháo kích, khiến nhà văn Chu Tử thiệt mạng sửa lại, để chở những người về. Phí tổn sửa chữa tầu chở hàng thành tầu có thể chở người lên tới 800.000 đô la. Ngày 16 tháng 10, 1075, Việt Nam Thương Tín 1 rời Guam trở về, chở theo 1.546 người.

Sau này, gặp lại nhà báo Hồ Văn Đồng, chủ nhiệm báo Quyết Tiến ở Sài Gòn trước 1975, được biết anh đã bị tù cải tạo một số năm trước khi sang Mỹ, tôi hỏi thăm về số phận của những người trở về. Anh cho biết có lần gặp một người trong tù từng trở về trên tầu VNTT. Anh hỏi truyện, bỗng người ấy chổng mông, nói: Trước hết, anh hãy đạp tôi một cú thật mạnh, để trừng phạt cái tội ngu xuẩn của tôi, rồi tôi sẽ kể anh nghe.

Làm Bạn Với Mỹ

Nhìn lại, theo khía cạnh luật pháp và chủ quyền quốc gia, những người ra đi theo ngả DAO từ 21 đến 28 tháng 4, là "đi lậu", Mỹ gọi là "black-ops", không có sự chấp thuận của nhà cầm quyền VNCH. Những người ra đi trong chiến dịch trực thăng vận (Operation Frequent Wind) vào ngày 29 tháng 4 là những người chính thức bị chính quyền Dương Văn Minh yêu cầu ra đi, nhưng chỉ có người Mỹ phải ra đi, người Việt bám theo, cũng là "đi đại". Những người tự lái máy bay ra đi trước lệnh đầu hàng trưa 30 tháng 4, là tự ý bỏ quân ngũ. Những người ra đi trên Hạm Đội VNCH vào tối 29 tháng 4, là đi chính thức, theo lệnh của tân Tổng Thống Dương Văn Minh, trên những chiến hạm treo cờ VNCH. Đó là những người, theo lời một tướng lãnh Hải Quân: "Can trường trong chiến bại"!

Mặc dù không có đảo chánh, hay cứ cho là nhờ ra lệnh bắt người kịp thời, ông Thiệu đã chặn được đảo chánh. Nhưng cuối cùng, ông cũng phải từ chức. Vậy, nếu có âm mưu nào làm cho ông mất chức, chắc chắn không từ những người ông ra lệnh bắt. Điều này chứng tỏ lệnh bắt người của ông là sai lầm, ít nhất là không cần thiết. Kinh nghiệm này cho thấy, nguyên thủ quốc gia cũng giống như cái bào thai, có địa vị rất dễ chịu trong bụng mẹ; không thở vẫn sống, không ăn vẫn lớn, không y phục vẫn được che chở; nhưng không phải vì chỗ tốt mà có thể ở mãi trong đó. Đến ngày đến tháng, dù muốn hay không, cũng phải ra đi. Nên ra đi sao cho đẹp. Ông Thiệu đã quá lưu luyến địa vị của mình. Đầu 1975, nước mất đến nơi, ông còn lo sửa hiến pháp để có thể ra ứng cử nhiệm kỳ ba. Mất Ban Mê Thuột, rút khỏi Cao Nguyên rồi, ông còn ra lệnh bắt người vì sợ đảo chánh. Ông vùng vẫy hơi nhiều, khiến chuyến ra đi của ông thiếu nét đẹp.

Trong bài phỏng vấn ông Thiệu tại Anh ngày 9 tháng 4, 1990, Larry Engelmann cho biết: Ngày 29 tháng 4, 1975, Bà Anna Chennault tới Đài Loan, mang theo lời nhắn của Tổng Thống Ford. Bà nói với ông Thiệu rằng, ông nên tới sống tại một nơi nào đó, không nên tới Mỹ. Ông Thiệu nói với Bà Chennault: "Thật dễ dàng làm kẻ thù của Mỹ, nhưng thật khó để làm bạn". Mặc dầu ông Nixon đã từng nói: Ở Washington, nếu muốn có bạn, tốt hơn là nuôi một con chó. Nhưng ông Nixon là hiện thân một gương xấu trong danh sách các tổng thống Mỹ, không nên tin lời ông này. Theo tôi, muốn làm bạn với Mỹ không khó. Điều kiện đầu tiên là phải biết làm bạn với người mình trước. Cũng như muốn chạy, trước hết phải biết đi. Những ai không muốn, hay không biết đi, lại muốn chạy với Mỹ, tất nhiên là khó. Mỹ không muốn, và không thể cõng bạn khuyết tật mà chạy, vì như thế, sẽ mất địa vị vô địch trên thế giới.

Tìm Người Như Thể Tìm Chim

Sống ở Trại Orote Point đúng ba tuần, tôi lên đường vào lục địa Mỹ, hy vọng sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm gia đình, không hề biết tới một điện văn từ Bộ Ngoại Giao Mỹ nói về chuyện bảo trợ, cũng như nơi ở của gia đình tôi:

Diện văn 005934 R 112012Z Tháng Sáu 75

Từ Ngoại Trưởng Washington DC

Gửi Đại diện Tư Lệnh Thái Bình Dương Guam Không mật, Ngoại giao, số 136430

Chủ đề: Bảo trợ cho người tị nạn Đinh Từ Thức Gửi Phối Hợp Dân Sự

1- Yêu cầu báo cho Đinh Từ Thức, Orote Point, khu 38, lều C6 rằng ông ấy sẽ được bảo trợ bởi Xứ Đạo Thánh Thể, 1415 W. Braddock Road, Alexandria, VA., Telephone 703/584-9004.

2- Làm ơn báo cho Thức rằng Ông, vợ, và gia đình bây giờ ở địa chỉ trên.

3- Yêu cầu cung cấp cho đương sự bản sao điện văn này để giúp làm thủ tục vào Mỹ. (Ký tên) Kissinger.

Việt báo xuân 2015Không mật.

Đinh Từ Thưc

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Việt Báo kính chúc Quí vị Độc giả, Tác giả, Thân hữu, Thân chủ Năm Mới Ất Mùi 2015 An Lành, Thành Công, Tốt Đẹp.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.