Hôm nay,  

S.T.T.D. Tưởng Năng Tiến – Bữa Cơm Chiều 29

1/26/202217:16:00(View: 1789)

S.T.T.D. Tưởng Năng Tiến
 

blank


Dường như tôi không hợp lắm với không khí gia đình, nhất là cảnh gia đình xum họp hay đầm ấm. Ngay lúc thiếu thời, vào những chiều giáp Tết, thay vì quanh quẩn ở nhà – phụ cha lau chùi lư hương; giúp mẹ bầy biện mâm cơm cúng cuối năm – tôi hay lặng lẽ tìm lên một ngọn đồi cao nào đó (
lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang) với tâm cảm của một … kẻ giang hồ, đang trên bước đường phiêu bạt.


Ôi! Tưởng gì chứ chuyện “phiêu bạt” thì nào có khó chi, khi sinh trưởng trong một đất nước chiến tranh và ly loạn. Muốn là được liền thôi. Trời – đôi khi – cũng chiều lòng người, và chiều tới nơi tới chốn!


Những tháng ngày niên thiếu vụt qua như một cánh chim. Tôi bước vào tuổi đôi mươi, đúng vào Mùa Hè Đỏ Lửa, cùng với lệnh Tổng Động Viên. Thế là tôi “xếp bút nghiên để theo việc đao cung.” Hay nói một cách ít kiểu cọ hơn là tôi đi lính. 


Sau lính đến tù, với tội danh (nghe) hơi nặng là “cầm súng chống lại nhân dân.” Ra tù, vừa lếch thếch về đến nhà chiều hôm trước, ngay sáng sớm hôm sau ông công an khu vực đã vội vã ghé “thăm” và “nhắc nhở” đôi điều cần thiết:

-- Vì không có hộ khẩu ở thành phố nên tôi sẽ phải đi kinh tế mới.

-- Trong khi chờ đợi, bắt đầu từ ngày mai, tôi phải sắm “một cuốn sổ đi lại.” Khi đi đâu phải ghi ngày giờ khởi hành với chữ ký xác nhận của tổ trưởng dân phố, và đến đâu gặp ai cũng phải có sự xác minh của viên chức chính quyền ở nơi đó.

-- Mỗi tuần phải mang sổ lên phường để công an kiểm tra.

-- Mỗi tháng phải đọc kiểm điểm trước tổ dân phố để nhân dân nhận xét và phê bình ưu/khuyết điểm.

Nghe xong, mẹ tôi lặng lẽ móc túi đưa cho thằng con mấy tờ giấy bạc cùng lời căn dặn:

-- Thế thì mua luôn cái bút nữa con ạ. Đi đâu, đến đâu cũng phải nhờ người ký thì dắt viết theo luôn cho nó đỡ phiền.

-- Dạ.


Tôi cầm tiền bước ra khỏi nhà, ghé vào cái quán nhỏ bên đường mua một ly rượu trắng và mấy điếu thuốc lẻ. Ực xong ly rượu, tôi châm thuốc hút rồi lủi thủi bước đi, vừa đi vừa lầm bầm mấy câu thơ của
Thâm Tâm (Mẹ thà coi như chiếc lá bay/ Chị thà coi như là hạt bụi/ Em thà coi như hơi rượu say) và đi luôn cho tới bây giờ.

Mấy chục năm qua, không ít lúc, tôi cũng nhớ nhà mà chả rõ nhớ ai. Bố mẹ đã từ trần từ lâu. Anh chị em thì kẻ mất người còn nhưng đều tứ tán cả rồi. Tôi nhớ quê chứ không phải nhớ nhà, chắc vậy.


Tôi nhớ Đà Lạt cùng tiếng mưa đêm rầm rì, thầm thì qua mái ngói. Nhớ những bữa cơm chiều và món con cá nục hấp (chiên vàng rồi mới kho chung với tóp mỡ) cùng những lát ớt đỏ tươi. Nhớ những buổi sáng sớm tuy vẫn còn nằm trong chăn ấm (lắng nghe tiếng chim sẻ ríu rít trên mái ngói) nhưng biết được rằng cơn bão rớt đã qua, hôm nay trời sẽ nắng tươi vàng.


Đôi khi, tôi cũng nhớ Rạch Giá vào những ngày biển động. Trời sụt sùi mưa, mây mù thấp xám, sóng dạt bờ kè tung tóe. Tôi lần dò đến thành phố này với hy vọng tìm được đường chui, dù chả quen biết một ai và cũng không một đồng xu dính túi.  


Ban đêm, tôi thường nằm quấn mình trong một tấm vải nhựa ở chân cầu Đúc. Ngày thì hay đi loanh quanh trong chợ Nhà Lồng. Lòng buồn, bụng đói, dạ hoang mang nhưng mắt vẫn không rời những chiếc bàn ăn với ước mong có thể kiếm được chút gì còn sót lại trong tô hay trên dĩa. Niềm mong ước rất mỏng manh vì vào thời gian này (những năm cuối của thập niên 1970 – khi phong trào vượt biên đang lên tới đỉnh) thì gần như mọi người đều đói cả, chứ chả mấy kẻ no.


Rạch Giá có một tiệm ăn nổi tiếng (Tây Hồ) ở số 6 đường Nguyễn Du. Tôi thường   thập thò trước cửa nhưng không mấy khi chạy vội vào bên trong, ngay khi thực khách vừa buông đũa. Tôi ngượng, đã đành; điều khó đành hơn là ánh mắt thèm thuồng của mấy đứa bé bẩn thỉu, gầy gò đứng cạnh bên. Chúng cũng đang chầu chực “khẩn trương” chả khác chi mình. 


Cả đám – chắn chắn – đã không đến nỗi này, nếu tôi không phải là một kẻ bại trận trong cuộc chiến vừa qua. Tôi vẫn nghĩ thế nên cái mặc cảm của kẻ có lỗi đã luôn giữ chân tôi lại, với không ít buồn rầu!


Có lẽ nhờ chút sĩ diện (còn sót) này mà tôi đã được những người chạy bàn “đối đãi cách riêng.” Họ cho tôi cái đặc ân quí giá là được sớt vô lon
guigoz ít thức ăn thừa, vào giờ đóng cửa. 


Nhờ thế mà tôi biết canh chua cá chẻm của quán Tây Hồ ngon lắm, canh chua cá lóc còn ngon hơn nữa, còn cá rô kho tộ (có lần tôi được hưởng gần cả nguyên con) thì ngon hết biết luôn. Nó ngon đến độ khiến tôi suýt hóc xương chỉ vì nhai vội quá!


Nhiều người nói là ở Mỹ muốn ăn thứ gì cũng có – bất kể là món của Tây, Tầu, Cận Đông, Trung Đông, Viễn Đông hoặc Phi Châu lục địa. Tôi đã lê la qua hàng ngàn quán ăn ở đất nước này nhưng không tìm đâu ra được canh chua cá lóc và cá rô kho cả. 


Từ California, muốn tìm lại được hai thức ăn này, phải mất đến hơn 20 giờ bay lận! Xin ghi địa chỉ đây cho người đồng điệu, khi cần:
Nhà Hàng Ngon (Preah Sihanouk Blvd 274, Tonle Bassac) Phnom Penh – Cambodia. 

blank


Tôi mới ghé đây chiều qua, chiều 29 Tết. Không thể đến vào ngày mai vì 30 quán đóng. Tôi đã bỏ cái thói quen thập thò trước tiệm ăn tự lâu rồi. Bây giờ tôi đàng hoàng thong thả bước vào bên trong, cười đùa thân thiện với những nhân viên (đứng chào khách ngay  tận cửa) và không quên đút nhẹ vào túi trên của họ mấy tờ giấy bạc lì xì. 

Dù chỉ có mặt xuân thu nhị kỳ, tôi không phải là khách lạ vì khó ai quên được một ông già Á Châu nhưng không nói được tiếng Tầu (tiếng Thái hay tiếng Miên cũng nỏ) luôn vui vẻ đùa cợt, và lúc nào cũng chỉ gọi một thứ thức ăn duy nhất: cá rô kho.


Tôi luôn được tiếp đón hơi quá nồng hậu vì có thói quen
over tiping, không bỏ sót một cô hay cậu chạy bàn nào đang có mặt, và cũng không quên người đứng bếp. Chắc các em nghĩ là tôi giầu có và hào phóng, chứ đâu có biết rằng tôi buộc phải trả thêm tiền cho những cơm (ngon tuyệt vời) mà mình vẫn còn thiếu nợ ở quán Tây Hồ, từ mấy mươi năm trước.


Phải mất gần nửa tiếng món ăn ruột của tôi mới được dọn ra. Mấy chú cá rô bé bỏng chỉ bằng ba ngón tay thôi, tiêu đen rắc lấm tấm trông giống như mè, thơm phức. Cơm trắng cũng ngạt ngào hương gạo mới nhưng tôi không cảm thấy đói, dù đã uống “khai vị” hơi nhiều. 


Ơ cá chiều nay – không dưng – khiến tôi hơi nghèn nghẹn, dù tuổi già hạt lệ như sương. Lại nhớ nhà chăng? Tôi không nhớ nồi cá nục kho vào những chiều mưa Đà Lạt khi mình còn thơ ấu (và còn được sống trong yên ấm) nhưng nhớ những ngày biển động ở Rạch Giá, và lũ trẻ thơ bất hạnh năm nào.


Đứa bé nhất thì nay cũng đã đến tuổi ngũ tuần rồi. Cũng sắp xong một kiếp người đen đủi. Đúng như ước mơ của thời niên thiếu, nửa thế kỷ rồi, tôi “được giang hồ phiêu bạt” qua rất nhiều nơi (những vùng đất văn minh phú túc, cùng những xứ sở lạc hậu nghèo nàn) nhưng chưa thấy đâu mà kiếp nhân sinh lại nhọc nhằn, cay đắng, cơ cực và tủi nhục như ở cái phần quê hương khốn khổ khốn nạn của mình.


-- Tưởng Năng Tiến





Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
8/25/202321:04:00
Cuối cùng rồi, nước Mỹ và cả thế giới đã thấy được những khuôn mặt của một thời quyền lực trong thế giới MAGA là những phạm nhân. Những tấm ảnh được chụp từ nhà tù quận hạt Fulton thuộc tiểu bang Georgia đã đánh dấu một cột mốc lịch sử trong cuộc chiến bảo vệ nền dân chủ và hiến pháp của nước Mỹ cùng hệ thống tư pháp Hoa Kỳ nói riêng, về một giai đoạn đầy thử thách của quốc gia kể từ ngày lập quốc. Donald Trump cùng các tòng phạm đã bị Georgia truy tố như một nhóm tội phạm có tổ chức âm mưu thực hiện việc đảo ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ đã được hàng trăm triệu cử tri Mỹ bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử minh bạch, hợp pháp và hợp hiến như vốn dĩ.
8/21/202314:47:00
Mới đây trên hệ thống liên mạng toàn cầu xuất hiện bài viết “Tội Ác Phóng Sinh” của một tác giả nào đó trong nước, rồi được nhiều người chuyển tiếp khiến hàng Phật tử có thể dao động, ngoại đạo có thể lấy cớ đó cho rằng Phật Giáo khuyến khích “tội ác” qua tục lệ phóng sinh chứ Đạo Phật cũng chẳng tốt lành gì...
8/5/202309:15:00
Theo Reuters ngày 3/8/2023, bảy đảng đối lập tại Đan Mạch biểu tình phản đối chính quyền dự định tuyên bố sẽ là bất hợp pháp nếu đốt Kinh Koran, vì như thế là vi phạm quyền tự do ngôn luận. Quyền tự do của công dân phải ở vị trí cao hơn giáo điều của tôn giáo...
8/4/202300:00:00
Trong những năm gần đây - đặc biệt là kể từ năm 2016 - một số tiểu bang Hoa Kỳ đã tiến tới việc hợp pháp hóa “Giúp Bệnh Nhân Kết Liễu Sự Sống”. Cho đến nay, chín tiểu bang gồm một tiểu bang mới bổ sung là Montana và khu vực District of Columbia đã hợp pháp hóa việc này. Tuy vậy, hiện vẫn chưa đến một phần tư (21,6%) dân số Hoa Kỳ sống trong các tiểu bang được nhận sự trợ giúp này, và đây vẫn là đề tài gây nhiều tranh cãi trong khía cạnh đạo đức, tôn giáo, đảng phái, v.v. Bài viết này không bàn luận quan điểm đúng sai, mà là một ý tưởng riêng, một ý nghĩ mở ra nhiều lối suy nghĩ, bởi thế giới muôn màu của chúng ta sẽ ngưng nở hoa nếu không được liên tục vun xới bằng những suy nghĩ tiến bộ.
7/28/202300:00:00
Hầu hết chúng ta lên mạng (online) rất nhiều lần trong ngày. Trong một cuộc khảo sát Pew Research Study năm 2021, khoảng 50% số thanh niên 18-29 tuổi khi được hỏi đều cho biết họ trực tuyến “gần như liên tục.” Vậy chúng ta hiểu gì về chiều hướng quan trọng này của cuộc sống hiện đại? Đã có nhiều nghi vấn về những hậu quả nghiêm trọng về mặt kinh tế và xã hội mà điều này có thể tạo ra. Và cũng còn một câu hỏi đơn giản hơn: điều gì đã khiến mọi người ở nhiều độ tuổi, nghề nghiệp, và nền văn hóa khác nhau, say mê kết nối trực tuyến như vậy? Và mỗi chúng ta cũng có thể tự hỏi chính mình: tại sao tôi online?
7/26/202316:40:00
“Này các Tỷ-kheo, với người có giới, có giới đầy đủ, không cần phải làm với dụng ý rằng: “Mong rằng không hối tiếc sẽ sanh khởi nơi ta”. Pháp nhĩ là vậy, này Tỷ-kheo, với người có giới, có giới đầy đủ, không hối tiếc sanh khởi. Này các Tỷ-kheo, với người không hối tiếc, không cần phải làm với dụng ý rằng: “Mong rằng hân hoan sẽ sanh khởi nơi ta”. Pháp nhĩ là vậy, này các Tỷ-kheo, với người có không hối tiếc, hân hoan sanh khởi. Này các Tỷ-kheo, với người có hân hoan, không cần phải làm với dụng ý rằng: “Mong rằng hoan hỷ sẽ sanh khởi nơi ta”. Pháp nhĩ là vậy, này các Tỷ kheo, với người có hoan
7/21/202300:00:00
Khái niệm “các giá trị Châu Á” từng được các nhà lãnh đạo trong khu vực đề cao giờ đã không còn thịnh hành kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chánh Châu Á năm 1997. Ý tưởng cho rằng khu vực Đông Nam Á thịnh vượng có lợi thế kinh tế đặc biệt so với phương Tây từ nền tảng kinh tế gia đình đang suy tàn và đã không còn thuyết phục. Ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, người ta không còn trói buộc mình với các giá trị cuộc sống gia đình bảo thủ. Hàng triệu thanh niên đang lựa chọn cuộc sống thoải mái hơn, cũng thường cô đơn hơn, trong bối cảnh Đông Á đã bớt bị thống trị bởi nam giới. Đông Á là khu vực chiếm 1/5 dân số thế giới, những hậu quả thay đổi kinh tế xã hội và nhân khẩu học sẽ rất nghiêm trọng, có khả năng gây bất ổn và sẽ tái định hình cuộc sống của hàng triệu người.
7/14/202300:00:00
Một trong số nhiều câu hỏi chưa được trả lời thỏa đáng về cuộc nổi dậy của thủ lĩnh Wagner, Yevgeny Prigozhin là tại sao guồng máy an ninh rộng lớn của Nga lại chuẩn bị quá kém cỏi để đối phó với cuộc nổi dậy đó. FSB, cơ quan an ninh chính của Điện Kremlin, từ lâu đã đặt nặng vấn đề “phòng ngừa” và thực hiện các bước tích cực để ngăn chặn bất kỳ mối đe dọa nào đối với nhà nước Nga. Thậm chí cơ quan này còn gài mật báo viên trong tổ chức Wagner. Tuy nhiên, hình như họ đã không có hành động nào để ngăn chặn cuộc binh biến trước khi nó bắt đầu, hoặc để cảnh báo Điện Kremlin về kế hoạch của Prigozhin.
7/14/202300:00:00
Những ai quan tâm đến chính trị tại Hoa Kỳ đều dễ dàng đồng ý rằng chỉ trong vài năm gần đây, quốc gia dẫn đầu thế giới tự do dân chủ đang trải qua những biến động chính trị “bể dâu” chưa từng có từ cả thế kỷ. Từ một nền dân chủ được xem là mẫu mực của thế giới, người dân Hoa Kỳ đang tranh cãi với nhau về sự liêm chính của Tối Cao Pháp Viện, về độ tin cậy của các cuộc bầu cử, về sự cần thiết của cơ chế tam quyền phân lập… Nhân vật đã tạo nên được sự chia rẽ chính trị sâu sắc tại nước Mỹ như vậy, chỉ trong vòng trên sáu năm qua, có lẽ không ai khác hơn là cựu tổng thống Donald Trump.
7/11/202320:08:00
Nhà văn Andrew Lâm với những hoài niệm về người mẹ luôn tận tuỵ, yêu thương, bảo bọc của anh và những năm tháng thăng trầm của lịch sử Việt.
“Đây là quan điểm của người viết, không nhất thiết là quan điểm của Việt Báo.”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.