Hôm nay,  

Những Nhà Văn Yêu Mèo

20/01/202300:00:00(Xem: 2191)

van hoc nam mao
Hình minh họa


1. Ernest Hemingway

van hoc nam mao 2
Sinh thời, Hemingway, tác giả của “Ngư ông và biển cả” vào bất cứ lúc nào cũng có nuôi chừng vài chục con mèo.  Ngôi nhà của ông ở Key West, Florida, trở thành viện bảo tàng có khoảng 40 cho đến 50 con mèo sáu ngón (polydactyl cat).  Tất cả đều được đặt tên của những nhân vật nổi tiếng.  Đám mèo sáu ngón này là hậu duệ của con mèo Snow White do một vị thuyền trưởng tặng cho Hemingway.

Năm 1943, ông viết thư cho Hadley Mowrer, người vợ đầu tiên, đại ý như sau: “Cứ mỗi lần một con, mình không chú ý, đến chừng nhận ra thì số mèo đã quá đông.  Khuôn viên này rất rộng lớn nên ít khi chúng ta nhìn thấy chúng, cho đến khi, đến giờ cho mèo ăn.  Chúng phóng nhanh, chạy rầm rập như một đám di dân đến giờ phát thức ăn.”  Lũ mèo của ông luôn luôn được đối đãi như thượng khách.  Ông có một phòng ngủ dành riêng cho mèo của khách đến chơi trong căn nhà ở Cuba.  Những con mèo bình thường không có gì đặc sắc cũng được ông gọi là “purrfactories” và “love sponges.”  Purrfactories, đại khái, là những cỗ máy sản xuất ra tiếng kêu hài lòng của mèo.  Love sponge ám chỉ sự thu hút cảm tình của mèo. 

Trong số tác phẩm của Hemingway, có một truyện ông viết về mèo, đó là Cat in the Rain.  Hai vợ chồng người Mỹ ở trong một khách sạn sang trọng vào một ngày mưa dầm.  Con mèo con bị mắc mưa núp dưới cái bàn.  Người vợ ra ngoài mưa, được người phụ nữ nhân viên của khách sạn che dù, để mang con mèo vào nhưng không tìm thấy con mèo.  Người chồng tiếp tục đọc sách.  Người vợ nói: “Không hiểu tại sao em muốn giúp con mèo ấy quá.  Em muốn nuôi con mèo đáng thương ấy.  Tội nghiệp con mèo bị mắc mưa.”  Mưa tạnh, người giúp việc trong khách sạn đem con mèo vào.  Con mèo là biểu tượng cho ước mơ thầm kín của người vợ, có lẽ là một đứa con, và một cuộc sống khác với cuộc sống hiện tại.  Thí dụ như, cô sẽ có mái tóc dài có thể búi thả lỏng sau gáy thay vì mái tóc ngắn như tóc đàn ông, có con mèo nằm trên lòng phát ra những tiếng ngân rù rù trong cổ tỏ vẻ hài lòng và:
“Em muốn được ngồi ở bàn ăn với những đồ dùng bằng bạc của riêng em, trên bàn ăn nến đốt lung linh.  Ước gì thời tiết hiện tại đang là mùa xuân, em được chải tóc trước tấm gương to, em có con mèo con, và em muốn có quần áo mới.”  Thật ra, cô vợ đòi ông chồng chú ý đến mình vì tình cảm của họ đang dần phai nhạt.  Con mèo con là biểu tượng cho tất cả những thứ cô vợ đang thèm muốn. Cô vợ thú nhận vì không có được những thứ cô muốn nên cô muốn có con mèo. 

Mặc dù nhiều người cho rằng giống mèo bội bạc, lạnh nhạt, Hemingway nghĩ khác.  “Con mèo có tình cảm rất chân thật; khác với loài người, vì lý do này nọ, loài người có thể che giấu cảm xúc của mình, nhưng con mèo thì không.” 
 
2. Ray Bradbury

van hoc nam mao 3
 
Cuối thập niên 1950, Ray Bradbury và vợ, hơn năm mươi năm sống trong căn nhà ở Cheviot Hills, Los Angeles với 22 con mèo.  Với Bradbury, mèo không chỉ là thú cưng.  Chúng hòa nhập với tiến trình sáng tạo của ông.  “Đó là bí quyết của hành trình sáng tạo.  Bạn phải xem ý tưởng của bạn như là những con mèo vậy: Bạn bắt chúng phải đi theo bạn,” ông viết như thế trong quyển Zen in the Art of Writing.  Bầy mèo của Bradbury gồm có Jack, Win Win, Dingo, và Ditzy; mấy chú mèo này rất nhút nhát, không xuất hiện khi có khách đến chơi.  Nhưng khi tác giả của quyển Fahrenheit 451 bắt đầu ngồi xuống bàn viết trong phòng làm việc ở tầng hầm của ông thế nào cũng có một con mèo đi theo. 

“Tôi có một con mèo, nó là cái đồ chặn giấy trên bàn trong khi tôi viết.”  Với bạn đọc không hề nuôi mèo, không biết thói quen hay tật xấu của loài mèo, tôi xin giải thích như sau.  Mèo thích ngồi lên những tờ giấy, tờ báo trên bàn, thậm chí bàn phím computer để đòi chủ phải chú ý đến mình.

Bradbury có truyện ngắn, vui vẻ, nhẹ nhàng tựa đề là The Cat’s Pajamas.  Hai người trẻ tuổi, một nam một nữ, cùng một lúc bắt gặp một con mèo con ở giữa đường vắng vào giờ chập choạng tối.  Cả hai tranh giành con mèo. Chàng là nhà văn đã viết truyện ngắn về mèo.  Nàng có một con mèo mới chết.  Để thỏa thuận ai sẽ làm chủ con mèo, họ đến một quán ăn thảo luận cho đến khi quán ăn đóng cửa.  Cô hầu bàn bảo họ đến khách sạn gần đấy.  Họ nói chuyện cho đến khi cả hai mỏi mệt và đồng ý nằm trên giường, mặc nguyên quần áo, con mèo nằm giữa.  Họ thỏa thuận với nhau con mèo nhích đến gần người nào thì người đó sẽ là chủ con mèo.  Nàng nói, nàng có một bộ quần áo ngủ may cho con mèo nhưng nó đã chết.  Chàng bảo, người yêu mèo đến độ may quần áo ngủ cho mèo xứng đáng được làm chủ con mèo hoang hai người đang tranh giành.  Cả hai ngủ thiếp đi và khi thức giấc nàng hỏi, có vẻ như con mèo đã nhích gần về phía anh?  Chàng đáp, con mèo thì không nhưng em thì đã.
 
3. Haruki Murakami

van hoc nam mao 4

Trong bài tùy bút The Secret of an Old Cat  Murakami kể rằng ông đã nhờ một người bạn điều hành nhà xuất bản Kodansha Ltd. trông hộ con mèo khi ông du lịch.  Để trả ơn, ông hứa sẽ viết một tiểu thuyết cho nhà xuất bản này.  Quyển sách đó là Norwegian Wood (Rừng Na Uy) trở thành sách bán chạy, tên tuổi ông sáng chói trên toàn thế giới.  Cũng trong bày tùy bút này, tác giả nói về việc viết quyển sách đầu tay của ông Hear the Wind Sing: “Tôi còn nhớ rất rõ những ngày khi tôi viết quyển tiểu thuyết đầu tiên vào ban đêm, với con mèo nằm trên lòng, và tôi nhâm nhi bia.  Con mèo rõ ràng không thích tôi viết tiểu thuyết nên thường quấy phá làm xáo trộn bản thảo của tôi ở trên bàn.”  Mèo xuất hiện vô số lần trong tác phẩm của Karuki Murakami, có khi chỉ là một chi tiết nhỏ nhặt bình thường, đôi khi là dấu hiệu sự không lành sắp xảy ra.  Trong The Wind-Up Bird Chronicle (Nhật ký về con chim vặn dây thiều) nhân vật chính đi tìm một con mèo bị mất tích.  Kafka on the Shore (Kafka trên bờ biển) có nhân vật có thể trò chuyện với những con mèo. 

Trong bài tùy bút On The Death of My Cat Murakami nói về con mèo Kirin chết khi mới 4 tuổi (tương đương với người ở lứa tuổi 30).  Ông đem xác Kirin đi thiêu và tro của Kirin được đưa lên bàn thờ.  Trong nhà Nhật kiểu xưa thường có sẵn bàn thờ để thờ thần và vong linh như thế.  Bên cạnh Kirin ông còn có vài con mèo khác như Muse (tên của một nhân vật trong manga Glass Castle – Lâu Đài Thủy Tinh), Butch và Sundance hai nhân vật trong phim Mỹ, Mackerel, Calico, Scotty, và vài tên nữa.  Murakami cho biết những con mèo của ông có cá tính và suy nghĩ khác nhau.  Con mèo Siame khi sanh con cần được ông nắm tay trợ giúp.

Trong bài tùy bút Abandoning a Cat Murakami kể lại câu chuyện khi ông còn bé, vào khoảng năm 1955 bố ông chở ông bằng xe đạp mang con mèo đem đi bỏ ở gần bờ biển cách nhà độ hai cây số.  Con mèo có thai và gia đình ông không muốn nuôi cả đàn mèo.  Vào thời ấy chuyện mang mèo đi bỏ là chuyện xảy ra khá thường xuyên không ai phê phán hành động này.  Khi về đến nhà cả hai bố con ngạc nhiên là con mèo vừa mới bị bỏ đến chào đón họ.  Không hiểu bằng cách nào nó đã về đến nhà trước và vì thế con mèo được ở lại.

Haruki Murakami cũng có vài truyện ngắn về mèo.  Trong Man-Eating Cats ông kể lại một câu chuyện ông đọc trên báo.  Có bà cụ nuôi mấy con mèo sống trong một chung cư.  Bà cụ qua đời và mấy con mèo đói quá phải ăn xác của chủ.  Trong Town of Cats nhân vật Tengo đi thăm bố, trên xe ông đọc truyện ngắn Town of Cats của một tác giả người Đức.  Nhân vật này thường du lịch không định hướng. Anh ta lên xe lửa, ngắm cảnh, thấy chỗ nào thú vị thì xuống xe, thuê phòng ở chơi dăm ba ngày, lên xe đi tiếp.  Và trong một chuyến đi tương tự, anh ta gặp một thành phố của loài mèo.  Khi hoàng hôn buông xuống đủ thứ loại mèo xuất hiện băng qua cầu để vào thành phố.  Loại mèo này rất to khiến anh ta sợ hãi leo lên tháp chuông giữa thành phố để trốn.  Mấy con mèo bắt đầu làm việc như người ta ở chợ búa, hàng quán, nhà hát, khắp nơi cho đến khi bình minh lên, bọn mèo lại băng qua cầu ra khỏi thành phố và biến mất.  Thành phố trở nên hoang vắng tiêu điều.  Anh ta xuống tháp chuông, tìm một phòng để tạm trú, cứ đêm về là anh leo lên tháp chuông để trốn.  Tò mò muốn biết về cuộc sống của loài mèo cũng như vì sao lại có một thành phố như thế anh ở đó cho đến đêm thứ ba thì loài mèo phát giác ra mùi người ta và bắt đầu săn lùng.  Cũng may cho anh là loài mèo chỉ ngửi thấy mùi nhưng không thể nhìn thấy anh như thể anh ta đã trở thành vô hình.  Sáng hôm sau ra nhà ga để đón xe lửa để thoát khỏi thành phố này.  Và lạ làm sao, xe lửa không còn ngừng lại ở nhà ga này nữa.  Người lái và những nhân viên làm việc trên xe lửa dường như không nhìn thấy anh đang chờ trên sân ga nên không ngừng lại.

“ Này, anh có ngửi thấy mùi người ta?” một trong mấy con mèo nói. “Anh nói tôi mới để ý, tôi thấy có mùi kỳ kỳ đã mấy ngày nay,” một con mèo khác chêm vào, mũi hểnh lên ngoay ngoáy. “Tôi cũng vậy.” Thêm một con mèo lên tiếng.  “Kỳ lạ thật.  Đáng lẽ không thể nào có người ta ở đây,” có kẻ lên tiếng.  “Đúng là như vậy.  Người ta không thể nào lọt vào thành phố của mèo.” “Nhưng mùi người ta thì rất rõ ở chỗ này.” 
  
4. Truman Capote

van hoc nam mao 5

Nổi tiếng với tác phẩm xuất bản năm 1958 Breafast at Tiffany được làm thành phim năm 1961, về một cô gái nghèo ở thôn quê đến New York kiếm sống.  Cô làm nghề cặp bồ với những người nhà giàu có thế lực.  Mỗi buổi sáng cô mua một cái bánh và ly cà phê đến bên ngoài Tiffany, tiệm kim hoàn nổi tiếng của thành phố New York, soi bóng mình trên vách tường kính và ăn sáng.  Tiffany mang cảm giác bình an cho cô.  Nếu không có gương mặt ngây thơ với một thân hình mảnh khảnh như những cô gái chưa kịp lớn của Audrey Helpburn chắc nhân vật Holly Golightly không thể nào chinh phục được khán giả của nghệ thuật điện ảnh với bản tính bốc đồng.  Và nếu thân hình càng bốc lửa thì người ta càng nghĩ Holly làm cái nghề xưa nhất trái đất.  Bù lại Holly có tính phóng khoáng, nhân hậu, đáng yêu, ngay cả cái đãng trí quên chìa khóa cửa kinh niên cũng đáng yêu.  Và cô được một nhà văn nghèo, Paul Varjak, mới bán được truyện ngắn lần đầu tiên đem lòng yêu mến.

Holly có nuôi con mèo sọc màu cam cô không đặt tên.  Con mèo xuất hiện ngay lúc bắt đầu của phim.  Nó được yêu chìu, có thể nhảy lên đầu những người bạn danh tiếng và sang trọng của Holly mà chẳng ai phiền trách.  Holly có cuộc sống vội vàng tạm bợ.  Căn chung cư của cô rất bừa bãi, đồ đạc vứt bừa trong phòng vì thiếu tủ bàn.  Holly bảo rằng: “Nếu tôi tìm được một chỗ nào đó trong cuộc đời có thể làm cho tôi cảm thấy bình an như ở Tiffany, tôi sẽ mua tủ bàn ghế trong phòng, và đặt cho con mèo một cái tên.”

Những diễn tiến không hay xảy ra với Holly. Tin người em trai bị chết vì tai nạn.  Holly bị bắt giam vì bị nghi ngờ liên quan với vua ma túy cô thường đi thăm ở nhà tù Sing Sing.  Sự bắt giam sai lầm này khiến Holly bị vị hôn phu, một nhà ngoại giao nổi tiếng từ chối kết hôn vì sợ tai tiếng.  Paul đón Holly từ nhà giam về bằng xe taxi.  Trên taxi là cả gia tài của Holly kể cả con mèo không tên vì Holly bị đuổi nhà lúc cô bị bắt giam.  Paul vận động sự cứu giúp của O. J. một đại gia có lòng cảm mến Holly, và ông ta thuê một căn phòng cho Holly ở tạm. Paul đưa Holly và con mèo đến căn phòng này.  Holly đang được tại ngoại hầu tra nhưng nhất định bỏ trốn ngăn cản mấy cũng không được.  Holly cãi vã với Paul rồi bế con mèo ra khỏi taxi, đuổi nó đi, giữa cơn mưa tầm tã.  Paul xuống xe đi tìm con mèo.  Holly xuống xe taxi, khóc nức nở, bảo rằng con mèo và nàng thuộc về nhau.  Giữa cơn mưa, Paul và Holly nhận ra là họ yêu nhau từ lâu nhưng không chịu thú nhận.  Rồi họ tìm thấy con mèo núp trong một cái thùng gỗ.  Con mèo trong phim là con mèo đực nổi tiếng đóng phim giỏi có tên là Orangey. 

Phim có kết thúc khác với truyện.  Trong truyện, Holly trốn thoát sang nước ngoài.  Sau mấy tháng đi tìm con mèo, Paul (trong truyện là Buster) thấy con mèo đang ở bên trong cửa kính của một ngôi nhà, được chủ nhà nuôi.  Con mèo đã tìm được nơi trú ngụ, và Paul (Buster) hy vọng rằng Holly ở phương trời nào đó cũng có số phận tốt đẹp như con mèo.
 
5. Bohumil Hrabal

van hoc nam mao 6
 
Nhà văn Tiệp Khắc nổi tiếng với Too Loud a Solitude ­– Quá Ồn Ào Một Nỗi Cô Đơn.  Trong một bài tùy bút, Hrabal viết có năm con mèo: Renda, Segmyler, Schwarzwald, Blackie, và Socks.  Ông thích nhất con mèo Blackie.

“Tôi nhìn em ấy không chán mắt, và em cũng quí mến tôi đến độ nhũn cả người mỗi khi tôi bế em lên kề vào mặt và thì thầm những lời ngọt ngào bên tai em.  Tôi đã đến cái tuổi, yêu một cô gái trẻ đẹp là chuyện ngoài tầm tay bởi vì đầu tôi đã hói và mặt đầy nếp nhăn, tuy vậy mấy con mèo vẫn yêu tôi như những cô gái đã từng yêu tôi khi tôi còn trẻ.”

Ông ở thành phố Prague và có căn nhà ở Kersko ông đến mỗi tuần một vài ngày chỗ yên tịnh để viết văn.  Đang lái xe nếu ông nhận ra đang lái nhanh quá, hay thiếu cẩn thận, ông lo sợ nếu có việc không hay xảy ra sẽ không có ai săn sóc mấy con mèo.  Có khi ông phải đi xe buýt nếu thời tiết xấu làm đường đóng băng.  Ông sẽ dời vào những cái ghế giữa xe, tránh cửa sổ, để được an toàn hơn cũng vì những con mèo.  Ông đến Kersko, năm con mèo được vào trong nhà và ngủ chung giường với ông.  Ông trở lại thành phố năm con mèo phải ở bên ngoài và điều này làm ông luôn áy náy.

“Nhưng mấy con mèo phải sống bên ngoài, và tôi bắt từng con một thả ra ngoài cửa.  Bọn chúng tuột khỏi tay tôi như là những con cá.  Tôi khóa cửa lại và cảm thấy buồn bã, chẳng thua gì những con mèo của tôi.  Tôi bước trên con đường nhỏ dưới hàng thông, dẫn ra cổng, và ra con đường viền bởi hai hàng cây.  Khi tôi ngoái lại nhìn lần cuối, nhìn thấy mọi thứ vẫn như cũ, và điều này luôn làm tôi cảm động.  Từng cái hốc, từng lỗ trống dọc theo hàng rào, có cái đầu của một con mèo thò ra, tất cả là năm cái đầu nhỏ bé, nhìn theo cuộc khởi hành của tôi và thèm ước những điều không thể đổi khác. Chúng mong tôi sớm trở về để chúng tôi có thể sống đầm ấm với nhau trong căn phòng nhỏ bên cạnh cái lò vừa dùng để sưởi vừa dùng để nấu ăn.”
(*Những đoạn trích dẫn in nghiêng trong ngoặc kép do Nguyễn Thị Hải Hà dịch từ tiếng Anh.)
 
Nguyễn Thị Hải Hà
09/05/2022 
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nữ sĩ Linh Bảo kỷ niệm sinh nhật 98 tuổi hôm chủ nhật April 14, 2024 và vừa mất sáng sớm hôm qua, April 22, 2024 tại tư gia ở Westminster, nam Cali...
Chiều thứ Bảy, 13/4/2024, tại hội trường Nhật báo Người Việt, Quận Cam, đã có một sự kiện văn học đáng chú ý. Đó là buổi Ra Mắt Sách (RMS) của nhà văn Đặng Thơ Thơ với cuốn tiểu thuyết mới nhất của chị, “Ai”...
Nhà văn, nhà thơ Viên Linh (1938-2024) vừa ra đi. Ông tên thật là Nguyễn Nam, sinh ngày 20/1/1938 tại Hà Nam, từ trần ngày 28/3/2024 tại Virginia, Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi. Bài viết này để đưa tiễn nhà thơ Viên Linh, người mà tôi hân hạnh có nhiều năm thân cận tại Quận Cam, California. Tôi thuộc thế hệ sau nhà thơ Viên Linh rất xa, nên những gì biết và tương tác với nhà thơ chỉ là một góc nhìn. Tôi hân hạnh được gọi nhà thơ Viên Linh là "anh" theo thói quen giao tiếp trong giới văn nghệ, cũng như tôi đã gọi anh Mai Thảo, anh Nhật Tiến, anh Nguyễn Mộng Giác, anh Trần Dạ Từ, chị Nhã Ca... trong những buổi gặp nhau ở Quận Cam. Thật sự họ cách biệt tôi rất nhiều, vì họ đã hiện ra như các ngọn núi huyền thoại của văn học Miền Nam trước 1975. Và tôi đã có cơ duyên làm người bạn trẻ của họ. Và cũng là người viết các bản tin về họ, vì tôi phụ trách mục tin tức trên tờ Việt Báo. Trong các bài viết hay bản tin trước giờ về Viên Linh, đôi khi tôi gọi Viên Linh là anh, đôi khi gọi là ông.
Nhà thơ Viên Linh ra đi trong Tháng Ba, nhưng tang lễ của ông diễn ra trong Tháng Tư. Ừ nhỉ, Tháng Tư! Bây giờ đã bước vào Tháng Tư. Tháng Tư đối với người Việt Nam chứa đầy ký ức thương đau! Đất nước thay ngôi đổi chủ. Hàng hàng lớp lớp người bị đẩy vào các ngục tù khổ sai trên khắp nước. Hàng triệu người bị đuổi khỏi nhà cửa vườn tược để đi tới những “vùng kinh tế mới” xa xôi, lạ hoắc, những nơi “khỉ ho cò gáy.” Hàng trăm ngàn người bỏ nước ra đi, lên núi, xuống biển để tìm lẽ sống trong cái chết bi hùng! Đúng như nhà thơ Viên Linh đã viết, “Tháng tư máu chảy một trời sương tan.”
Cùng một thời điểm làm “Thơ Tình”với Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương, nhưng có một cái gì rất khác với hai thi sĩ này. Thanh Tâm Tuyền mở ra cho chúng ta một trang Thơ Tình rất lạ, rất khác, rất kén độc giả nhưng vô cùng quyến rũ. Nhân kỷ niệm ngày qua đời của Thi Sĩ Thanh Tâm Tuyền, tôi muốn nói về 2 bài Thơ trong số những bài Thơ tôi yêu thích của Thanh Tâm Tuyền...
Vòng Tay Học Trò là tác phẩm tiêu biểu của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng, được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa năm 1964. Tác phẩm được công chúng nồng nhiệt đón nhận và theo đó cũng hứng nhiều luồng ý kiến khác nhau, càng làm cho tác phẩm nổi tiếng hơn. Chính vì vậy, từ khi xuất hiện, tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn, làm xôn xao dư luận trong giới chuyên môn và công chúng độc giả. Hàng chục năm sau, lúc chúng tôi còn nhỏ, chưa đọc tác phẩm đã thuộc tựa đề vì Vòng Tay Học Trò gắn liền với tên tuổi tác giả. Nói đến Nguyễn Thị Hoàng người ta nhớ đến Vòng Tay Học Trò...
Nhà sư, nhà thơ, nhà thư pháp Thích Nhuận Tâm cho biết sau khi thầy hoàn tất Lớp hướng dẫn thư pháp tại Huntington Beach, California cuối tuần này, Thầy sẽ bay sang Houston, Texas để sẽ hướng dẫn một lớp thư pháp dự kiến sẽ mở ra tại Tịnh Xá An Nhiên ở Houston.
Bài thơ Lời tình buồn được nhạc sĩ Vũ Thành An phổ nhạc năm 1967, khi nhạc sĩ và thi sĩ Chu Trầm Nguyên Minh cùng đang theo học lớp Sĩ quan tại quân trường Lam Sơn, Đồng Đế, đến nay đã trở thành một trong những ca khúc vượt thời gian, được thể hiện qua những giọng ca: Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Bằng Kiều…
Trong một bối cảnh đất nước nhiễu nhương, hỗn loạn, nhà văn thường đóng một vai trò quan trọng bằng cách sử dụng ngôn từ của mình để phản ánh, phê bình, truyền cảm hứng và đôi khi thậm chí thách thức hiện trạng. Trong suốt chiều dài lịch sử, nhà văn phản ứng với những biến động khác nhau, cho dù đó là xã hội, chính trị hay văn hóa...
Tết và Xuân, Xuân và Tết, thời điểm kỳ lạ trong một năm. Vừa trông chờ vừa mong đừng đến. Vừa lưu luyến rét đông vừa háo hức xuân ấm. Vừa khép kín đoàn tụ gia đình vừa chan hoà xôn xao lễ hội. Vừa lặng lẽ hoài niệm chuyện riêng tư vừa hân hoan cùng nhau “nâng chén ta chúc nơi nơi”...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.