Hôm nay,  

Mùa Hè Cuốc Kêu

08/07/202200:00:00(Xem: 3789)

s-tch-con-chim-quc8
Hình minh họa

 

Nơi tôi ở, khi những xe bus sơn màu vàng ngưng chạy trên các nẻo đường để chở đám học trò đến trường thì coi như đó là dấu hiệu báo “mùa hè đã đến” và sẽ đem theo “cái nóng nung người nóng nóng ghê” như trong bài thơ “Vào Hè” của Cụ Dương Bá Trạc:
 
Ai xui con cuốc gọi vào hè
Cái nóng nung người nóng nóng ghê
Ngõ trước vườn sau um những cỏ
Vàng phai thắm nhạt ngán cho huê
Đầu cành gọi bạn chim xao xác
Trong tối đua bay đóm lập lòe
May được nồm Nam cơn gió thổi
Đàn ta ta gẫy khúc Nam nghe (*)
 
Thường thì người ta hay nói “tiếng ve gọi hè”, còn Cụ Dương Bá Trạc lại dùng con chim cuốc để nói về mùa hè. Tôi đã từng nghe tiếng “ve sầu rả rích” trong những mùa hè khi còn ở quê nhà. Khi qua ở đậu nơi xứ người cũng còn nghe tiếng “rả rích ve sầu” nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ nghe được tiếng kêu của loài chim cuốc. Cụ Dương Bá Trạc là một nhà cách mạng, nhà báo “khai dân trí” từng bị thực dân Pháp bắt đi tù nhiều lần nên rất nhạy cảm trước khung cảnh thiên nhiên tiêu điều dưới những cơn nắng gắt mùa hè chẳng khác nào đất nước đã rơi vào vòng nô lệ. Nhiều lần đọc bài thơ “Vào Hè” tôi chỉ thấy nhà thơ tả cảnh vật như “ngõ trước vườn sai um những cỏ. Vàng phai thắm nhạt ngán cho huê”. Huê tức là hoa. Loài cỏ cây thực vật thì như thế! Còn những loài động vật thì sao? Đây: “Đầu cành gọi bạn chim xơ xác. Trong tối đua bay đóm lập lòe”.
 
Trước cảnh nước mất nhà tan, thân nhân ly tán, bạn bè chiến hữu mỗi người một nơi, kẻ Nam người Bắc chẳng khác nào cảnh trong thơ: “Đầu cành gọi bạn chim xơ xác”. Và rồi trong hậu trường chính trị thời bấy giờ, đất nước đang chìm trong bóng tối, không thiếu những kẻ ngụp lặn trong trong đó để kiếm chút bả vinh hoa phú quý chẳng khác nào loài đom đóm lập lòe trong đêm tối mà ánh sáng của chúng không đủ để soi đường đi, chúng chỉ lập lòe trong những bãi tha ma, trên những cánh đồng hoang mộ vắng càng tạo nên hình ảnh ma quái đáng sợ. Hai chữ “lập lòe” gợi lên hình ảnh “vô minh bất chính” vậy!
 
Hai câu cuối của bài thơ “May được nồm Nam cơn gió thổi / Đàn ta ta gẫy khúc Nam nghe”, lại thấy tác giả viết: “nồm Nam”. Nồm là gió nồm. Nam là gió nam, có nơi gọi là gió nồm nam từ hướng biển đông nam thổi vào. Ở đây tác giả viết hoa cho chữ Nam. Phải chăng tác giả muốn nhắc tới việc ông, sau khi bị lưu đày ra Côn Lôn, lại được đưa về quản thúc tại An Giang (Long Xuyên) một vùng đất trù phú của Miền Nam nước Việt. Nơi đây ông tương đối được thoải mái, tự do hơn trong một thời gian ngắn chẳng khác nào được hưởng những cơn gió mát vào những ngày hè nóng gắt. Gió phương Nam đã đem lại sinh khí cho nhà cách mạng để rồi ông tiếp tục: “Đàn ta ta gẫy khúc Nam nghe”. Một lần nữa nhà thơ muốn tiếp tục truyển bá những “khúc Nam” đến cho toàn dân Việt trước cảnh tối tăm của đất nước.
 
*
Cũng với tiếng gọi vào hè của loài chim cuốc, không thể nào quên được bài thơ “Cuốc Kêu Cảm Hứng” của Cụ Nguyễn Khuyến:
 
Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ
Ấy hồn Thục Đế thác bao giờ
Năm canh máu chảy đêm hè vắng
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ
Thâu đêm ròng rã kêu ai đó
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ (**)
 
Đọc bài “Vào Hè” của Cụ Dương Bá Trạc đã thấy buồn. Đọc bài “Cuốc Kêu Cảm Hứng” lại thấy càng buồn hơn. Tuổi của hai Cụ cách nhau gần nửa thế kỷ nhưng đã cùng chứng kiến cảnh nước mất nhà tan vào cuối thế kỷ thứ 19. Tâm trạng của cả hai Cụ đều là tâm trạng của những người dân bị mất nước nhưng mỗi người dùng ngôn ngữ thơ riêng của mình để diễn tả. Con chim cuốc trong thơ của Cụ Nguyễn Khuyến (Tam Nguyên Yên Đổ) là loài chim trong điển tích nói về Thục Đế sau khi mất nước đã hóa thành chim cuốc và cứ mỗi độ hè về trong những đêm trăng thanh gió mát lại cất tiếng kêu sầu thảm ai oán, khắc khoải và chừng như lửng lửng lơ lơ không phát ra thành tiếng. Kêu mãi gọi mãi từ đêm này qua đêm khác đến nỗi máu từ trong tim tràn ra: “Năm canh máu chảy đêm hè vắng”. Kêu mãi gọi mãi từ thanh thiên bạch nhật cho đến đêm tối tràn về. Tiếng kêu vô vọng bi thương chừng như hồn tan phách lạc dưới ánh trăng: “Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ”. Da diết đến thế! Đau thương đến thế là cùng.
 
“Có phải tiếc xuân mà đứng gọi / Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ”. Đúng như thế! Mùa xuân đã qua đi để lại cảnh xác xơ của mùa hè ai mà không tiếc? Huống chi, “Nhớ nước vẫn nằm mơ” là tấm lòng của kẻ sĩ Tam Nguyên trong giai đoạn lịch sử khốn khó đau thương của dân tộc. Đêm dài khắc khoải nằm nghe tiếng cuốc kêu “nhớ nước” khiến “khách giang hồ”  “dạ” không “ngẩn ngơ” sao được!
 
Chưa từng nghe tiếng cuốc kêu nhưng khi đọc hai bài thơ của hai Cụ Dương Bá Trạc và Nguyễn Khuyến, tôi chừng như cũng đang nghe được tiếng cuốc kêu đâu đây quanh tôi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tiểu thuyết, theo Kundera, thể hiện trong mình “tinh thần của phức tạp”, “hiền minh của hoài nghi”, nó không đi tìm các câu trả lời mà đặt ra các câu hỏi, nó nghiên cứu “không phải hiện thực mà hiện sinh”, nghiên cứu chính ngay bản chất sự tồn tại của con người...
Milan Kundera, nhà văn nổi tiếng quốc tế với những tác phẩm văn học bất đồng chính kiến ở Tiệp Khắc thời Cộng sản đã khiến ông phải sống cuộc đời lưu vong từ năm 1975, vừa qua đời ở Paris. Ông thọ 94 tuổi...
Cuộc phỏng vấn được thực hiện với ông Hoàng Hưng, cựu giáo viên trung học môn Văn, nhà thơ, dịch giả từ miền Bắc, và ông Lê Nguyễn, nhà nghiên cứu lịch sử độc lập, cựu Phụ tá Tỉnh trưởng đặc trách Phát triển Kinh tế dưới chế độ VNCH, từ miền Nam...
Anh tặng em mùi máu / Trên áo trận sa trường / Máu anh và máu địch / Xin em cùng xót thương... (Thơ TMT).
Lớp tuổi của chúng tôi, những người sinh ra và lớn lên trong những thập niên 30, 40, 50 của thế kỷ trước, được cắp sách đi học đến bậc trung học, chắc có lẽ ai ai cũng biết đến ông, nhà văn Nhất Linh, người sáng lập Tự Lực Văn Đoàn, nhà hoạt động cách mạng và chính trị Nguyễn Tường Tam. Hình ảnh của ông là biểu tượng cho một ước vọng tuổi trẻ – tuổi thanh niên lúc bấy giờ:..
Kể từ khi Putin xua quân xâm lược Ukraine ngày 24/2/2022, những vùng đất quân Nga xâm chiếm đã xảy ra những thảm cảnh vô cùng bi đát như cướp của, hãm hiếp phụ nữ rất man rợ! Những hình ảnh đó được loan tải trên hệ thống truyền thông, hầu hết các quốc gia trên thế giới lên án sự tàn ác, vô luân của quân Nga. Nhân đây, đề cập đến tác phẩm Giờ Thứ 25, cách đây hơn bảy thập niên, nhà văn Virgil Gheorghiu đã mô tả thú tính xác thịt của bọn quân xâm lược hãm hiếp phụ nữ thời đó và hiện nay man rợ như nhau...
Sáng thứ bảy, 3 tháng 6, thành phố Santa Ana còn trong tinh sương, các thiện nguyện viên trẻ của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ VAALA đã lăng xăng bận rộn chuẩn bị cho chương trình hội luận khai mạc VietBookFest, Hội Chợ Sách đầu tiên giới thiệu sách viết bằng tiếng Anh của các tác giả gốc Việt, và đây cũng là hội chợ sách Việt có tầm vóc đầu tiên tại Hoa Kỳ, một ngày "festive" với nhiều sinh hoạt chữ nghĩa từ sáng đến chiều, bao gồm hội luận buổi sáng, chợ sách buổi trưa, và chương trình đọc thơ và trình diễn nhạc buổi chiều.
Chúng ta hàng ngày đọc tin thời sự, dễ dàng nhìn về thế giới Hồi giáo dường như đầy những bạo lực, và nhìn về một quốc gia Iran như một tuyến đầu tua tủa những dàn phóng phi đạn hướng về thế giới tự do. Chúng ta cũng từng thấy các chính phủ Hồi giáo theo các hệ phái khác nhau đã kình nhau, thậm chí trong một nước, như Iraq, cùng từng sinh khởi nội chiến. Tuy nhiên, vẫn có một Hồi giáo khác, một Hồi giáo rất mực hòa bình, một hệ phái ít được báo chí hàng ngày tường thuật chỉ vì họ không gây ra các biến cố hung hăng nào. Đó là Hồi giáo Sufi, một khuynh hướng rất mực thần bí có từ nhiều thế kỷ qua, và là nơi rất mực thơ mộng của Hồi giáo: một nơi của những dòng chữ về vẻ đẹp của sa mạc, của tịch lặng, của yêu thương. Các tác phẩm văn học Sufi ghi trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, có nội dung tư tưởng thần bí của Hồi giáo Sufi. Khuynh hướng này trong tiếng Anh gọi tắt là Sufism
Nhiều năm trước, tôi có tham dự buổi ra mắt tác phẩm Mouring Headband For Hue của nhà văn Nhã Ca tại Toronto. Nghe danh Nhã Ca-Trần Dạ Từ đã lâu từ trong nước mãi đến nay tôi mới gặp cả hai ông bà. Mouring Headband For Hue do giáo sư Sử học, Tiến sĩ Olga Dror thuộc Đại học Texas A&M University chuyển ngữ từ tác phẩm Giải Khăn Sô Cho Huế, tập hồi ký của Nhã Ca in tại Sài Gòn 1969, được Giải Văn Chương Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa năm 1970...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.