Hôm nay,  

Hãy Trả Gogol Lại cho Ukraine

27/05/202200:00:00(Xem: 2683)

Nicolas Gogol_Nhà Văn Ukraine (1809-1852)

Nikolai Vasilievich Gogol là một nhà văn Nga sinh ra ở Ukraina. Ông đã đóng góp cho nền văn học Nga qua những tập tiểu thuyết và truyện ngắn nổi tiếng thế giới. Các tác phẩm đáng chú ý của ông bao gồm Buổi Chiều ở Trang Trại Gần Dikanka, “Thanh Tra Chính Phủ”, “Những Linh Hồn Chết” và "Chân dung".

 

Cuộc chiến tranh của Ukraine và Nga gợi trong tôi nhiều suy nghĩ.  Khi người Ukraine bị mất đảo Rắn vào tay Nga, tôi nghĩ đến Trường Sa. Tôi lo sợ cho người Ukraine bị một nước láng giềng khổng lồ xâm lăng như tôi lo sợ cho người Việt trước hiểm họa Trung quốc.  Cả triệu người Ukraine đi tị nạn ở nhiều quốc gia trên thế giới.  Tôi cảm thông với họ vì tôi cũng từng là người tị nạn.  Tôi xót xa cho họ bị tước đoạt ngôn ngữ vì tôi là người bị mất ngôn ngữ Việt khi lưu lạc ở xứ người.  Đi ngược dòng lịch sử, tôi “tìm ra” Gogol là nhà văn Nga gốc Ukraine.  Tôi dùng chữ “tìm ra” là để nhấn mạnh sự thiếu sót “ai cũng biết chỉ có mình không biết” của tôi.  Nghe tên Gogol đã lâu, tôi biết ông là nhà văn Nga, nổi tiếng với “Dead Souls - Những Linh Hồn Chết” và “The Overcoat – Chiếc Áo Khoác” nhưng tôi chưa đọc và cũng không để ý đến nguồn gốc Ukraine của ông. 

Như thế nào là người của một quốc gia nhưng có nguồn gốc của một nước khác?  Tôi đã từng nghe nói đến người Việt gốc Hoa.  Tôi là một trong những người gốc Việt ở Hoa Kỳ.  Cuộc chiến tranh Ukraine và Nga khiến tôi biết rằng giờ đây có thêm những người Ukraine gốc Việt.  Định nghĩa của một người gốc Ukraine là gì?  Nói, đọc, và viết bằng tiếng Ukraine?  Viết về người Ukraine? Ăn thức ăn, nghe nhạc, suy nghĩ, nằm mơ, và cãi nhau bằng tiếng Ukraine?  Junot Diaz là người Mỹ gốc Cộng Hòa Dominic viết về saga của người Dominic.  Nguyễn Thanh Việt và Ocean Vương là người Hoa Kỳ gốc Việt viết về saga của người Việt, bằng tiếng Anh. Với những thắc mắc của riêng mình, tôi đọc một số tác phẩm của Gogol.  Tôi muốn biết một cách đơn giản, qua tác phẩm, Gogol là người Ukraine hay người Nga?  Điều gì giúp độc giả nhận biết nguồn gốc của những tác giả viết bằng ngôn ngữ khác với “tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi” của họ?  Bằng căn cước, lý lịch, quốc tịch, hay qua tâm hồn, mà tâm hồn lại có tính chất vô hình?
 
Tiểu sử Nikolai Gogol

Nikolai Vasilyevich Gogol sinh ngày 1 tháng Tư 1809 mất ngày 4 tháng Ba năm 1852.  Ông là nhà văn Nga gốc Ukraine. Tên của ông phiên âm kiểu Nga là Nikolay Vasil'yevich Gogol, và Ukraine là Mykola Vasyl'ovych Hohol. Gogol sinh ra ở Sorochyntsi một thành phố nhỏ ở trung phần của Ukraine, thuộc vùng tự trị của Ukrainian Cossack. Cha mẹ của ông là người Ukraine. Gia đình ông thông thạo cả hai thứ tiếng.  Bố ông là kịch tác gia nghiệp dư, qua đời khi ông 15 tuổi. Gia đình ông thuộc loại khá giả, ông là đứa con thứ ba trong mười hai người con, nhưng được xem là con trưởng vì hai người con đầu tiên chết từ lúc sơ sinh.  Ông được cha mẹ, nhất là mẹ, tưng tiu, vì thuở nhỏ ông đau yếu tưởng không sống nổi.

Hình ảnh thời niên thiếu trong gia đình nhà văn Nocolas Gogol
Hình ảnh thời niên thiếu trong gia đình nhà văn Nocolas Gogol.

Từ năm 1820 đến 1828 (11-19 tuổi), Nikolai Gogol học ở trường Nezhin, ngày nay là đại học Nizhyn Gogol State University, thuộc về Ukraine.  Ông bắt đầu viết văn trong thời gian ông đi học ở đây.

Năm 1828 ông đến ở St. Petersburg, Nga. Năm 1831 Gogol xuất bản tập truyện ngắn Buổi Chiều ở Nông Trại Gần Dikanka phần I.  Năm 1832 Buổi Chiều ở Nông Trại phần II.  Từ 1832 đến 1835 ông xuất bản thêm năm tập truyện khác rất nổi tiếng trong đó có Cái Áo Khoác và Những Linh Hồn Chết.  Các tác phẩm này xuất bản bằng tiếng Nga kết hợp với phương ngữ Ukraine. Các nhà xuất bản và phê bình Nga lúc bấy giờ xem Gogol như một nhà văn tiêu biểu cho nền văn chương Ukraine. Tác phẩm của ông được đưa ra làm thí dụ cách viết về những nhân vật đặc biệt mang tính chất Ukraine. Chủ đề và văn phong của Gogol thể hiện rõ rệt trong các tác phẩm đầu tiên. Kịch (và truyện) của Gogol đều có cùng phong cách viết với các nhà văn Ukraine thuộc thế hệ trước và cùng thời với Gogol.

Bìa Sách Buổi Chiều ở Nông Trại
Bìa sách Buổi Chiều ở Nông Trại

Năm 1835 ông viết quyển tiểu thuyết lịch sử, Taras Bulba nói về cuộc chiến tranh với người Tartar và Ba Lan của Zaporozhian Cossacks. 
(1836 – 1848) Gogol sống ở nước ngoài du hành từ Đức đến Thụy Sĩ.

Mùa đông (1836 -1837) Gogol ở Paris. Sau đó ông sống luôn ở Rome. Sau khi Pushkin chết (1837) ông viết tác phẩm Những Linh Hồn Chết. Ông viết lại Taras Bulba (1842) và The Portrait – Chân Dung, hoàn tất vở hài kịch thứ nhì The Marriage – Cuộc Hôn Nhân, viết truyện ngắn Rome, và truyện ngắn danh tiếng nhất của ông Chiếc Áo Khoác.

Bìa Sách Những Tâm Hồn Chết _Dead Souls
Bìa sách Những Tâm Hồn Chết _Dead Souls

Tháng Tư năm 1848, Gogol trở lại Nga, đi nhiều nơi trong nước, và gặp lại nhiều bạn cũ người Ukraine. Tháng Hai năm 1852 ông đốt một số bản thảo trong đó có phần thứ nhì của Những Linh Hồn Chết. Không mấy lâu sau đó ông nằm liệt trên giường, từ chối thức ăn, và chín ngày sau ông qua đời.[1]
Bản sắc (hay căn cước) Ukraine của Gogol

Đã có rất nhiều tranh luận giữa các học giả về bản sắc quốc gia của Nicolai Gogol. Có người cho rằng ông đứng giữa lằn ranh biên giới Ukraine và Nga. Có người cho rằng Gogol tuyệt đối là nhà văn Nga, vì ông nói, viết, và xuất bản bằng tiếng Nga.  Ukraine là trường hợp cá biệt.  Nhà văn Askold Melnyczuk cho rằng, Ukraine là quốc gia độc nhất trên thế giới không dựa vào ngôn ngữ để xác định bản sắc quốc gia của nhà văn.[2]  Nhà văn Andrei Kurkov, người gốc Ukraine nhưng nói và viết bằng tiếng Nga, cũng bảo rằng, nói và viết bằng tiếng Nga không hẳn là nhà văn Nga.  Có người chia tác phẩm Gogol ra thành hai thời kỳ.  Thời kỳ ông viết về người Ukraine, có bối cảnh và văn hóa Ukraine và thời kỳ ông viết về người Nga, có bối cảnh và văn hóa Nga.  Yuliya Ilchuk, Giáo sư kiêm học giả chuyên ngành văn chương Slavic, làm một cuộc nghiên cứu dựa trên văn bản và thư từ Gogol đã viết để chứng minh ông có bản sắc kết hợp (hybrid) giữa hai nền văn hóa Ukraine và Nga.  Sự nghiên cứu này chú trọng vào tác phẩm Buổi Chiều ở Nông Trại Gần Dikanka, Taras Bulba, và Những Linh Hồn Chết. Kết quả cuộc nghiên cứu được công bố trong tác phẩm Nicolai Gogol -Performing Hybrid Identiy vừa mới xuất bản năm 2021.  Mỗi quan điểm nói trên đều không được sự nhất trí tán đồng từ cả hai cộng đồng Ukraine và Nga. 

Chấp nhận sự khác biệt của những quan điểm đã có, tôi quan sát vài tác phẩm của Gogol với quan điểm ông là nhà văn Ukraine.  Làm thế nào để nhận biết bản sắc văn hóa của một người, nhất là người đó là nhà văn?  Ngôn ngữ đầu đời, nói đơn giản là tiếng mẹ, góp phần rất quan trọng trong việc xác định bản sắc này.  Gogol nói thông viết thạo tiếng Ukraine.  Ông dùng tiếng Ukraine từ khi mới ra đời cho đến, ít nhất là, khi tốt nghiệp trường Nezhin. Ukraine bị sát nhập vào Nga từ thời Nga Hoàng.  Người Ukraine bị buộc phải dùng tiếng Nga làm ngôn ngữ chính.  Tuy vậy, ở miền quê, hay các thành phố nhỏ thuộc miền nam và trung phần của Ukraine, người dân vẫn dùng tiếng Ukraine trong nhà và cả trong giao tiếp hằng ngày.  Tiếng Nga lúc Gogol còn ở quê nhà là một ngôn ngữ địa phương, trộn lẫn tiếng Nga và tiếng Ukraine.  Ông phát âm tiếng Nga giọng Ukraine và dùng văn phạm của tiếng Ukraine.  Điều này được học giả Yuliya Ilchuk nói đến trong quyển Nikolai Gogol – Performing Hybrid Identity.  Nhà văn Turgenev cũng kêu lên là Gogol nói rất nhiều nhưng vì ảnh hưởng giọng Ukraine quá nặng nên ông không hiểu gì cả. Là người Việt sống ở hải ngoại, những người bình thường không phải giới nghiên cứu như tôi, nhận thấy rằng khi đã học xong trung học bằng tiếng mẹ rồi mới bắt đầu học ngoại ngữ thì rất khó để thay đổi dấu giọng, đọc và viết cũng khó khăn hơn.  Bản sắc quốc gia xác định qua ngôn ngữ hình thành từ khi còn trong bụng mẹ, và càng khó thay đổi hơn khi được tiếp xúc với ngôn ngữ mẹ lâu hơn.  Bản sắc văn hóa qua ngôn ngữ Ukraine của Gogol trải dài 18 năm, như thế đã thành hình rõ rệt.  Ông đến Nga năm 1828, sống ở Nga cho đến năm 1836.  Từ năm 1836 đến 1848 ông sống ở nước ngoài, Rome, Đức, Thụy Sĩ.  Ông trở lại Nga năm 1848 và ở đó cho đến khi ông qua đời thời gian khoảng 4 năm. Tính ra, số thời gian ông sống ở Nga khoảng 12 năm, không liên tục.  Ông có thể thay đổi một phần nào, nói và viết tiếng Nga thuần thục hơn, nhưng bản sắc Ukraine vẫn không vì thế mà nhạt phai.  Người ta không thể nào thay đổi từ bản sắc văn hóa của dân tộc này sang bản sắc dân tộc khác trong một sớm một chiều.  Bản sắc văn hóa, có lẽ như màu nhuộm, phai nhạt dần dần theo năm tháng.
 
Tâm hồn Ukraine của Gogol

Một trong những cách xác định bản sắc quốc gia của một người, bên cạnh quốc tịch và ngôn ngữ, đó là để người ấy tự nhận mình là người quốc gia nào. Gogol sinh ra là người Ukraine, nổi tiếng là nhà văn Nga, nhưng nhiều lần tự nhận mình là người Ukraine. Tiếng Nga đối với ông là tiếng ngoại quốc. Trong lá thư gửi cho mẹ ông ngày 24 tháng Bảy năm 1829, ông viết.

“Nếu tác phẩm của con được xuất bản, nó sẽ bằng ngôn ngữ ngoại quốc; và con cần phải viết cho đúng hơn để không làm biến đổi danh từ của quốc gia với những cách đặt tên sai.”[3]

Năm 1839, trên đường từ Rome đến Vienna, Gogol dừng chân ở Trieste, một thành phố cảng ở miền Đông Bắc nước Ý có nhiều người di dân xứ Slovenia.  Trong lá thư đề ngày 26 tháng Chín năm 1839 gửi cho mẹ, Gogol tìm cách diễn tả ngôn ngữ Slovenia.  Ông nhấn mạnh là nó nghe giống như tiếng Nga, nhưng giống tiếng Ukraine nhiều hơn.  Điều quan trọng là ông nói với mẹ, tiếng Ukraine là ngôn ngữ “của chúng ta.”

“Trieste là một thành phố thương mại náo nhiệt, phân nửa của nó do người Ý cư ngụ, phân nửa kia là chỗ ở của người Slavic.  Ngôn ngữ của họ gần giống như tiếng Nga – nhưng so với ngôn ngữ Ukraine của chúng ta nó lại càng giống nhiều hơn.”

Suốt đời, Gogol luôn nói tiếng Ukraine. Những lá thư Gogol viết từ năm 1818 đến 1852 cho thấy ông luôn có người giúp việc là người Ukraine. Ông cũng dùng tiếng Ukraine thật nhuần nhuyễn khi viết những lá thư trao đổi với nhà thơ nổi tiếng Jósef Bogdan Zaleski, người Ba Lan gốc Ukraine, vào năm 1837.

Lá thư Gogol viết gần mười năm sau khi ông rời khỏi quê nhà Ukraine, cho thấy khả năng sử dụng ngôn ngữ Ukraine của ông thật toàn hảo, ngay cả trong việc dùng thành ngữ:

“Thật là một điều đáng buồn là tôi đã không gặp được bạn ở nhà, người đồng hương của tôi.  Tôi nghe nói bạn đang bị một chứng bệnh gì đó tấn công, hình như sonyashnytsia hay zaviinytsia (hãy để cho cả hai nhìn thấy con quỷ trọc đầu trong giấc mơ của tụi nó), nhưng bây giờ, cảm ơn Thượng Đế, theo như tôi nghe được, bạn có vẻ đã khỏe lại rồi.  Tôi cầu xin Thượng Đế bạn sẽ có thể đá văng tất cả các loại bệnh và những điều khổ ải, vì sự vinh quang của quốc gia Cossack.  Xin đừng quên chúng tôi và nhớ gửi thư về địa chỉ ở Rome.  Nếu có ngày nào bạn đích thân đến chơi thì thật là hân hạnh quá.  Người đồng hương thân thiết của bạn, thật ra trong trái tim tôi bạn còn gần gũi hơn cả quê hương của chúng ta.” Sau đó ông ký tên bằng chữ Ukraine. Mykola Hohol.[4]

Gogol cũng chế nhạo đồng bào Ukraine của ông mỗi khi nhìn thấy họ cố gắng bôi xóa dấu giọng (accent) Ukraine, đổi tên Ukraine thành tên Nga, hay tập tành cách ăn mặc và cách sống của người Nga.[5]  Sách của Gogol được nhiều người dịch.  Học giả Leonard J. Kent bảo rằng ông giữ nguyên hầu hết các bản dịch của Constance Garnett từ tiếng Nga sang tiếng Anh, vì lời văn của bà gần với âm điệu và văn phong của Gogol.  Tuy nhiên, khi so sánh một vài bản dịch của bà Garnett với bản dịch của giáo sư Yuliya Ilchuk, tôi thấy bà Garnett đã loại bỏ một số phát âm và lỗi chính tả, cố tình viết sai của Gogol, dùng để nhấn mạnh nét đặc trưng của người ở nông thôn, và để chế nhạo thói học làm sang của một số người Ukraine cố bắt chước cho giống Nga (Yuliya Ilchuk, 73).  Bản dịch của bà Ilchuk vì vậy rất quan trọng trong việc xác định bản sắc Ukraine của Gogol.

Nghe nói rằng “Người ta có thể bứng một người ra khỏi quê hương, nhưng không bao giờ có thể bứng được quê hương ra khỏi tâm hồn người xa xứ.”

Có lẽ Gogol là người Ukraine hay là người Nga không phải là điều tối quan trọng.  Cái quan trọng là ông để lại cho đời những tác phẩm giá trị.  Trong những ngày Nga xâm chiếm và đánh phá Ukraine, tôi tự hỏi không biết nếu còn sống Gogol sẽ làm gì, sẽ phản ứng như thế nào. Khi còn sống, có người hỏi và Gogol trả lời ông sẽ không bao giờ xem quốc gia nào quan trọng hơn nếu phải so sánh giữa Ukraine và Nga.  Đây cũng là một câu trả lời mà người bị hỏi, hay được hỏi, khó có thể hoàn toàn thành thật một cách công khai.  Câu trả lời sẽ được tùy theo hoàn cảnh chính trị và xã hội mà cường độ của sự chọn lựa sẽ tăng hay giảm ở một mức nào đó.

Sự chọn lựa ngôn ngữ để diễn tả ý nghĩ rất quan trọng đối với những người làm công việc văn chương.  Mất ngôn ngữ là mất bản sắc dân tộc.  Không biết Gogol sẽ nghĩ gì nếu ông được tự do xuất bản bằng tiếng Ukraine?  Nhà văn Nabokov trong khi nghiên cứu công trình viết văn của Gogol đã nói rằng, ông rất mừng là Gogol viết bằng tiếng Nga.  Mỗi lần ông muốn gặp ác mộng ông cứ tưởng tượng rằng Gogol viết tất cả những tác phẩm của ông ấy bằng tiếng Ukraine.  Tôi cho rằng Gogol sẽ bảo cho Nabokov biết rằng chính vì sự đàn áp ngôn ngữ Ukraine mà dẫn đến cái chết của biết bao nhiêu người viết văn, làm thơ, thậm chí cả những nghệ sĩ mù sử dụng đàn bandura. Dùng tiếng Nga tác phẩm của Gogol được đến với số lượng độc giả rộng lớn hơn, nhưng nói tiếng Ukraine cho đến hết cuộc đời Gogol sẽ không bao giờ thôi làm người Ukraine.  

Bên cạnh Tolstoy, và Dostoevsky, ngôi sao Gogol tuy không lu mờ nhưng nếu đặt lên bầu trời Ukraine, ngôi sao sẽ tỏa sáng hơn.  Sống trong một quốc gia nổi tiếng với chế độ dân chủ tự do, tôi tin rằng mỗi quốc gia dầu nhỏ bé đến cỡ nào đi nữa sự tự do độc lập của mỗi quốc gia đều cần được tôn trọng và bảo vệ.  Nước Nga đã cướp đi ngôn ngữ Ukraine từ hơn một thế kỷ trước đây và đang xâm chiếm đất đai của Ukraine.  Đến lúc Nga phải trả lại cho Ukraine những gì của Ukraine.
 
Nguồn gốc Cossack của người Ukraine trong tác phẩm của Gogol

Hai tập truyện Buổi Chiều ở Nông Trại Gần Dikanka I và II hầu như truyện nào cũng có nhân vật là người Cossack.  Gogol cũng như tất cả người Ukraine luôn tự hào với truyền thống Cossack của họ.  Ngay trong bài quốc ca của Ukraine chúng ta cũng thấy nhắc đến dòng giống oai hùng này.

Linh hồn và thể xác của chúng ta
sẽ ngã xuống cho tự do
Chúng ta là huynh đệ
cùng giống nòi Cossack
Này anh em thân mến
Hãy tiếp tục tham gia chiến trận
Đã đến giờ đứng lên
dành lấy tự do[6]

Nhiều phê bình gia đã chỉ trích rằng Gogol viết Taras Bulba không đúng với những chi tiết trong lịch sử.  Leonard J. Kent (1930-)[7] trong chú thích về Taras Bulba đã nhấn mạnh rằng đây chỉ là quyển tiểu thuyết theo trường phái lãng mạn chứ không phải là lịch sử.  Gogol dùng một vài tên trong lịch sử và một vài tình huống đã xảy ra nhưng ở thời kỳ khác để viết thành truyện này.  Bulba có thể hiện diện vào thế kỷ thứ 15 nhưng Gogol cho hai nhân vật Ostap và Andrei là môn sinh ở tu viện thuộc Kyiv trở về nhà sau khi học, một sự việc chỉ có thể xảy ra vào thế kỷ thứ 17.  Tuy thời gian không trùng khớp, nhưng ông Kent nhấn mạnh rằng những chi tiết miêu tả người Cossack và cuộc đời của họ rất chính xác và sống động.  Có một cộng đồng người Cossack được thiết lập ở địa danh Gogol đã nhắc đến trong truyện vào khoảng nửa phần đầu của thể kỷ thứ 15, trong cuộc chiến tranh với Tartar để bảo vệ Ukraine, và sau năm 1659 để chống lại sự xâm lăng Ukraine của người Ba Lan.

Theo sự miêu tả của Gogol trong truyện Taras Bulba, người Cossack rất thiện chiến và can đảm.  Họ sẵn sàng hy sinh tính mạng cho tổ quốc để bảo vệ độc lập và tự do.  Họ thà chết vinh hơn sống nhục.  Họ đặt nợ nước trước tình nhà. Họ theo chế độ dân chủ nhưng khi ra chiến trận người thủ lĩnh có quyền hạn tuyệt đối.

Khi nhìn thấy tận mắt Andrei con trai của mình trong quân phục Ba Lan, Bulba ra lệnh cho tùy tùng dụ Andrei ra hướng cánh rừng, và ông mai phục sẵn ở đó để bắt Andrei.  Ông bảo đứa con trai rằng “Ta sinh ra mi và ta sẽ lấy đi mạng sống của mi!” Bulba bắn chết Andrei vì là kẻ phản quốc.  Quân pháp bất vị thân!

Tính chất độc đáo trong văn Gogol là sự nhạo báng những quyền lực đã được thiết lập, cho dù đó là văn hóa, lịch sử, hay trật tự trong xã hội. Tuy rất tự hào về giống nòi Cossack, Gogol cũng chế nhạo thói hư tật xấu của người Cossack.  Đa số họ là người tốt, dòng giống anh hùng, nhưng cũng có những kẻ say sưa, lừa dối, thiếu đạo đức, không lương thiện.  Đọc Taras Bulba, người đọc sẽ thấy người Cossack không hề biết sợ hãi là gì.  Và nhờ thế, đọc Viy người đọc sẽ nhận thấy sự chế nhạo rất tinh tế cái khuôn mẫu can đảm của người Cossack. Những người bạn của Khoma Brut đã nói rằng anh ta chết chỉ vì để cơn sợ hãi trấn áp mình. 


[3] Yuliya Ilchuk. Nicolai Gogol – Performing Hybrid Identity. p. 72

[4] Yuliya Ilchuk. Nicolai Gogol – Performing Hybrid Identity. p. 72

[5] The Complete Tales ò Nikolai Gogol edited by Leonard J. Kent. Volume 2. Page 3.

[6] Shche ne vmerla Ukrainy i slava, i volia - Wikipedia Nguyễn Thị Hải Hà tạm dịch từ bản tiếng Anh

[7] Giáo sư, học giả, dịch giả, người biên tập The Complete Tales of Nicolai Gogol Volume I & II.

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chủ nhật tuần đó, tôi điện thoại cho nhà thơ Thành Tôn để mời Thành Tôn đi uống cà phê, Thành Tôn cho biết có nhà văn Song Thao từ Canada qua chơi. Tôi nói Thành Tôn mời luôn Song Thao, dù chưa gặp anh lần nào. Đó là lần lần đâu tiên tôi gặp Song Thao tại Quán Phở Quang Trung...
Nhắc đến GS Nguyễn Văn Sâm, người ta biết ông nhiều trong cương vị một nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm, dịch thuật, khảo cứu di sản Hán-Nôm và văn học Nam Bộ hơn là nhà văn, nhà thơ. Điều này không phải do sáng tác của ông chưa chín, mà có lẽ chính sự đóng góp quá lớn của ông ở mảng khảo cứu, dịch thuật Hán-Nôm đã làm che khuất những tác phẩm văn chương giá trị của ông...
Mấy tháng đầu năm 2023 này sao mà mưa bão liên miên... Làm như thiên nhiên muốn bù đắp cho tình trạng hạn hán kéo dài cả thập niên trước đây ở tiểu bang Cali. Dường như không hẳn thế mà xem ra còn ngược lại: Đợt biến động khí hậu này liên tiếp cũng đã và đang gây nên quá nhiều thiệt hại trên hầu hết các vùng của lãnh thổ Hoa Kỳ, đe dọa nặng nề đến môi trường sống của toàn thể dân cư nữa!
Mùa hè năm 1865, ngay sau khi bắt đầu viết Tội Ác và Hình Phạt (Crime and Punishment), đại văn hào vĩ đại nhất mọi thời đại lâm vào hoàn cảnh tệ đến không thể tệ hơn. Vừa góa vợ thì bị nằm liệt giường vì chứng động kinh, Fyodor Dostoyevsky (11/11/1821 – 9/2/1881) còn ‘rước thêm vạ vào thân.’ Sau khi anh trai qua đời, Dostoyevsky, vốn đã nợ nần chồng chất vì máu đỏ đen, đã tự đứng ra gánh món nợ của tòa soạn của anh trai. Chủ nợ nhanh chóng kéo đến gõ cửa nhà ông, đe dọa sẽ tống ông vào nhà tù của những con nợ. (Một thập niên trước, ông suýt chút nữa đã dính án tử hình vì đọc những cuốn sách bị cấm; thay vào đó ông bị kết án bốn năm khổ sai tại một trại lao động ở Siberia – cho nên viễn cảnh bị tù đày lần nữa khiến ông phát hoảng.)
Phải chăng ‘nhìn thấu tim đen’ là một lối nói hàm ý? Vì sao tim lại đen mà không đỏ? Vì trái tim tối tăm, tính toán, mưu đồ. Nhìn thấu tâm lý là nhìn trái tim cả đen lẫn đỏ, cả xấu lẫn tốt, cả buồn lẫn vui, cả thất vọng lẫn hy vọng. Những người giỏi nhìn ra tâm lý người khác, tâm lý đám đông thường trở thành những bậc cao nhân, hoặc ít nhất là thầy bói.“Giỏi nhìn ra tâm lý” là một cụm từ ngụ ý người có học thuật, có tập luyện, có kinh nghiệm nắm bắt những ý nghĩ âm thầm, những cảm giác tâm tư, và cá tính người đối diện. Học tâm lý mà không có khả năng thông tuệ thì chỉ từ chương, ít dùng được vào việc gì quan trọng, ngoài trừ lãnh lương làm cố vấn ở các trường học, các cơ sở nhân viên, hoặc các nhà tù. Muốn nhìn xuyên tâm lý phải bẩm sinh nhạy cảm, cảm nhận sắc bén, và tấm lòng tốt thường làm khả năng thông cảm, đồng cảm mạnh mẽ, dễ dàng nối kết với tâm tình người khác. Đến cấp bậc cao nhân thì khả năng “nhận thức sáng tạo” là lực chủ yếu để nhìn xuyên tâm hồn.
John Steinbeck sinh tại Salinas, California năm 1902 - một thành phố cách xa bờ biển Thái Bình Dương vài dặm, gần Thung Lũng Salinas màu mỡ và cách San Jose khỏang 70 dặm Anh. Nơi đây đã được dùng làm bối cảnh cho nhiều tiểu thuyết của ông...
Nói dối là một đặc tính trong thời đại hôm nay, đầu thế kỷ 21. Có ba loại người: Nói dối chuyên nghiệp vì có mục đích. Nói dối luôn miệng vì thói quen. Nói dối khi cảm thấy cần thiết hoặc sợ hãi. Nói không đúng sự thật nhưng tưởng mình nói thật, cũng là một cách dối. Nói thật và nói dối trên căn bản đối nghịch nhau, nhưng đôi khi, cả hai là một. Vì hầu như vô tình hay cố ý, ít ai thực sự nói thật. Chẳng phải thích thú khi nhìn rõ tim đen của người đang ba hoa cố thuyết phục mình một chuyện gì có lợi cho anh ta? Chẳng phải tức cười khi biết anh này muốn tán tỉnh, nhưng cố nói những lời nghiêm túc? Lào sao biết được? Hãy tập nhìn xuyên giả dối. Tìm người nói thật và đúng sự thật là chuyện hiếm hoi, trước hết, vì ngày nay, sự thật lớn là gì, không ai biết. Còn sự thật nhỏ, chỉ thật một cách tương đối, mỗi người tin khác nhau.
Đây chỉ là cách nói nhẹ đi, thay cho lối nói có thể bị coi là sỗ sàng, làm khó chịu, xúc phạm. Tôi chỉ muốn nói từ CHẾT...
Sau khi nhổ răng, tôi xin anh nha sĩ trẻ mấy cái răng chết, khá thê thảm, để mang về. Lần trước cũng vậy. Anh tỏ vẻ thông cảm. “Bác giữ làm kỷ niệm?” “Vâng. Chúng nó theo tôi bảy mươi mấy năm rồi. Chiến đấu giỏi lắm. Giữ xác lại để nhớ.” Đúng. Răng kề cận người hơn tình nhân. Ở với người trung thành hơn vợ. Nói cắn là cắn, nói nhai là nhai, nói nhe là nhe, nói ngậm là ngậm. Tuyệt nhiên vâng lời, không cãi cọ gì. Chỉ có già đi, lỏng chân, rồi vĩnh biệt.
Gần đây cô cũng hay nghĩ về người chồng xấu số. Đúng ra cô thấy anh trong những giấc mơ. Cô thấy anh và cô đi dạo tại những nơi chốn thơ mộng của vùng đất cố đô nơi cô sinh ra và lớn lên. Những giấc mơ lạ, bởi cô gặp anh và kết hôn với anh khi cô đã vào Nam. Anh là người miền Nam và không hề ra thăm miền đất đó bao giờ. Nhưng trong giấc mơ cô thấy cô và anh thật rõ, khi thì ngồi bên nhau trong ngôi nhà cổ của ba mạ cô ở khu Gia Hội, khi thì thơ thẩn bên bờ sông Hương gần ngôi trường Trung học thân yêu của cô, khi thì đứng dưới bóng mát ngôi nhà thờ uy nghiêm sừng sững trên một ngọn đồi.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.