Hôm nay,  

Nhạc Sĩ Cung Tiến, Người Nghệ Sĩ Toàn Bích

10/06/202200:00:00(Xem: 2220)

Hình chính
Nhạc sĩ Cung Tiến và cháu nội đỡ đầu Cung Mi. Westminster, Mùng Một Tết Kỷ Hợi, 2019.
 
Một ngày cuối xuân đầu hạ, nắng vàng phả lên những vòm cây xanh, một số rất ít những người chí thiết cùng gia đình quyến thuộc cùng nhau đến một ngọn đồi cách thành phố Los Angeles chừng 30 dặm về phía tây bắc để tiễn đưa một người rất mực thân thiết.  Đó là nhạc sĩ Cung Tiến.
 
Cung Tiến là một nhạc sĩ nổi tiếng khi còn rất trẻ và được xem là một thiên tài với những ca khúc được phổ biến rộng rãi như Thu Vàng, Hoài Cảm sáng tác từ năm 13, 14 tuổi. Cung Tiến đã học xướng âm và ký âm với hai nhạc sĩ Chung Quân và Thẩm Oánh thời kỳ Trung học, sau đó du học Úc ngành Kinh tế học, cùng lúc theo học hòa âm, đối điểm, phối âm và dương cầm tại Nhạc viện Sydney. Ông còn học các lớp nhạc sử, nhạc học, nhạc lý hiện đại tại Đại học Cambridge khi còn làm nghiên cứu kinh tế phát triển với học bổng Cao học tại Anh quốc.
 
Dù sáng tác ít, vì tự cho mình là người “nghiệp dư” trong âm nhạc, hơn nữa chỉ là thú tiêu khiển, Cung Tiến đã để lại những tác phẩm giá trị, bất hủ, vang vọng mãi cho nền tân nhạc Việt Nam.
 
Thuở thiếu thời khi còn là học sinh tiểu học, Cung Tiến đã đi học hát trong nhà thờ, hát trong các ca đoàn Công giáo và được giao điều khiển ban hợp ca của các trường khi lên tới trung học.
 
Từ nhỏ, ông từng học thổi sáo, biết chơi đàn mandoline, đàn guitar cổ điển trước khi làm quen với đàn piano lúc qua Úc du học về âm nhạc.
 
“Sau này qua Úc học âm nhạc đích thực rồi tôi mới học piano. Rồi tôi vào học trường âm nhạc bên Úc về tất cả các bộ môn của âm nhạc như hòa âm, đối điểm, phối trí, âm nhạc sử, tất cả những gì liên quan đến âm nhạc Tây phương tôi đều học kỹ”. Ông cho biết như thế.
 
Cung Tien Dieu Khien ban nhac lien truong
Cung Tiến điều khiển ban nhạc liên trường Trung học Sài Gòn 1956
 
Bac Si Phan Van Van

Bác sĩ Phạm Văn Vận điều khiển ban hợp ca Chu Văn An-Trưng Vương. Từ trái: Bác sĩ Phạm Văn Vận, nhạc sĩ Dương Hồng Duyệt, nhạc sĩ Cung Tiến (cầm đàn ghi-ta), và các học sinh.

  
HIỆN TƯỢNG “CUNG TIẾN” TRONG TÂN NHẠC VIỆT
 
(Tóm lược nhận định của nhà thơ Du Tử Lê về nhạc sĩ Cung Tiến)
 
Trong lịch sử tân nhạc Việt, dường như không có một nhạc sĩ nào nổi tiếng ngay với sáng tác đầu tay, ở tuổi niên thiếu, khi chỉ mới 14, 15 tuổi, như trường hợp Cung Tiến. Có dễ chính vì thế mà, có người không ngần ngại gọi hiện tượng Cung Tiến là thiên tài của bộ môn nghệ thuật này.
 
Cách đây nhiều năm, khi được một ký giả hỏi về ca khúc “Thu vàng” viết từ thời niên thiếu, nhạc sĩ Cung Tiến đã tiết lộ, đại ý, sự thực, đó chỉ là một bài tập trong thời gian ông mới bước vào khu rừng nhạc thuật mà thôi. Tiết lộ này của họ Cung, từng gây nên nhiều nguồn dư luận thuận/ nghịch. Nhưng không vì thế mà “Thu vàng” có thể ra khỏi ký ức rộn rã những bước chân tung tăng, nhảy nhót thương yêu của rất nhiều thế hệ. Đó là những bước chân tung tăng đuổi theo không chỉ những chiếc lá vàng rơi mà, còn đuổi theo cả một mùa thu thơ dại trên đường phố nữa:
 
Chiều hôm qua lang thang trên đường
Hoàng hôn xuống, chiều thắm muôn hương
Chiều hôm qua mình tôi bâng khuâng
Có mùa thu về, tơ vàng vương vương…
 
Mặc dù trong ca từ “Thu vàng” của Cung Tiến, có câu “Nhớ nhớ, buồn buồn với chán chường,” nhưng toàn cảnh vẫn là một trong rất ít những ca khúc viết về mùa thu không bi lụy hóa, hoặc sầu thảm hóa như nội dung của hầu hết những ca khúc viết về mùa thu, đã thành khuôn sáo từ hơn nửa thế kỷ trước.
 
Nhiều người cùng giới với nhạc sĩ Cung Tiến cho rằng đa số ca khúc của họ Cung được viết trên căn bản bán cổ điển Tây phương, nên giai điệu rất sang trọng. Theo tôi, chúng ta có không ít nhạc sĩ xây dựng sáng tác của mình trên khung, nền bán cổ điển Tây phương, nhưng rất ít người cho phần ca từ của họ nhiều hồn tính đông phương như Cung Tiến.
 
Ngay ca khúc thứ hai, họ Cung viết khi còn ở độ tuổi 15 là ca khúc “Hoài cảm," từ dòng chữ đầu tiên tới kết thúc, tính hoài cổ đã lồng lộng trong từng con chữ của ông. Mặc dù nội dung toàn thể ca từ, cho thấy tấm lòng thiết tha, trông ngóng về một tình yêu, vắng mặt. Nhưng, từ một góc độ nào khác, hay ở mặt bên kia, phía khuất lấp của tấm lòng thiết tha, trông ngóng một tình yêu, không nhất thiết phải là một người nữ (đối tượng cụ thể). Nó cũng có thể là một thứ tình yêu hướng về thiên cổ. Tựa những tiếng gõ thiết tha lên cánh cửa trăm năm, của một tâm hồn sớm cảm nhận được sự lạc lõng, bơ vơ của mình, trước hiện cảnh:
 
Chiều buồn len lén tâm-tư
Mơ hồ nghe lá thu mưa
Dạt dào tựa những âm xưa
Thiết tha ngân lên lời xưa…
 
Tôi muốn gọi ca từ của “Hoài cảm” của người nhạc sĩ tài hoa sớm phát tiết này là “thi sĩ của hoài niệm quá khứ”. Cụ thể khi ông dùng những chữ như “thấm” và “lấn” trong “Quạnh hiu về thấm không gian/ âm thầm như lấn vào hồn...” Hoặc động tự “che” trong câu “Sương buồn che kín nguồn đời...”
 
Về phương diện tu từ học (rhetoric) thì những con chữ kể trên của họ Cung, không chỉ được đặt đúng vị trí mà, nó còn cụ thể hóa những túc từ trừu tượng đứng ngay sau nó nữa. Cũng thế, với “Hương xưa,” tính chất “vạn cổ sầu” của tác giả còn rưng rưng nỗi niềm lạc loài, mất dấu hơn nữa. Không biết tác giả sáng tác ca khúc này bao lâu sau “Hoài cảm", nhưng trong một cảm nhận riêng, nó vẫn là những tiếng gõ thiết tha lên cánh cửa trăm năm hoặc, như những ngọn lửa khêu thức niềm bơ vơ “thất thổ”:
 
Người ơi, còn nhớ mãi trưa nào thời nào vàng bướm bên ao
Người ơi, còn nghe mãi tiếng ru êm êm buồn trong ca dao
Còn đó tiếng khung quay tơ,
Còn đó con diều vật vờ
Còn đó, nói bao nhiêu lời thương yêu đến kiếp nào cho vừa…
 
Ở phân khúc 6, để làm nổi bật thời “hoàng kim” – thanh bình thuở xa xưa, tác giả nhắc tới cuộc kháng chiến mùa thu 1945 của đất nước, từ đó dẫn tới những thảm kịch thương đau, nhấn chìm sự sống của cả một dân tộc, với câu “Nay đời tan biến trong hư vô / chết đầy từng mồ oán thù / máu xương tơi bời nhiều mùa thu...”
 
Tóm lại, những ca khúc của Cung Tiến nằm trong khoảng thời gian 20 năm VHNT miền Nam, thủy chung, vẫn là nỗ lực tái hiện không gian nghìn năm trước, cho đời sau cơ hội sống lại, dù mơ hồ, sương khói... Tuy nhiên, Cung Tiến không chỉ đem được vào cõi-giới tân nhạc của ông hồn tính đông phương, như một con bài chủ, một dấu ấn của riêng ông mà, họ Cung còn là nhạc sĩ đầu tiên (?) phổ nhạc thơ tự do.
 
Bằng vào tình thân giữa ông và cố thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, Cung Tiến đã rất thành công khi soạn thành ca khúc bài thơ “Lệ đá xanh” của tác giả “Tôi không còn cô độc”.
 
Đề cập tới lãnh vực thơ phổ nhạc, những người yêu cõi-giới âm nhạc Cung Tiến, hẳn sẽ không quên ca khúc “Thuở làm thơ yêu em," thơ Trần Dạ Từ hay; “Vết chim bay” thơ Phạm Thiên Thư... Tất cả những bài thơ này đều được ông soạn thành ca khúc trước biến cố 30 Tháng Tư, 1975 ở Sài Gòn.
 
(Du Tử Lê, Garden Grove, Sept 2014)
 
Cung Tien Du Tu Le

 Cung Tiến & Du Tử Lê.

*
 
Các bản nhạc đầu tay của nhạc sĩ Cung Tiến đã đi sâu vào lòng người hâm mộ như Thu Vàng, Hoài Cảm, Hương Xưa… hoàn toàn xuất phát từ trí tưởng tượng, không dính líu đến đời thật của ông. Ông kể: “Hồi đi học, tôi học ban văn chương, triết học. Tôi chịu ảnh hưởng thơ lãng mạn Việt Nam hồi đó như Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử… nên lời ca mang những ý tưởng lãng mạn trong thi văn Việt Nam. Không có cái gì sâu xa gọi là kinh nghiệm của con người cả. Hoàn toàn là trí tưởng tượng.”
 
Sau này, phần lớn những nhạc phẩm của ông là những bài thơ được ông phổ nhạc. “Viết lời ca khi hồi còn trẻ. Sau này mình không có hứng, không có dịp để viết lời ca thường nữa. Phần lớn tôi phổ thơ của Vũ Hoàng Chương, Thanh Tâm Tuyền. Thanh Tâm Tuyền tôi phổ nhiều lắm. Ngoài tập 10 bài thơ viết trong tù cải tạo, tôi còn phổ những bản trước khi ông vào tù, khi còn ở Sài Gòn như bản Lệ Đá Xanh, Đêm…”
 
“Về sau tôi sáng tác nhiều tác phẩm khác được chơi ở bên Mỹ rất nhiều, nhất là tập tổ khúc (Suite) Chinh Phụ Ngâm. Tổ khúc giống như một Symphonie nhưng nhỏ hơn, viết cho dàn nhạc đại hòa tấu. Dựa vào những tình tứ, tình cảm trong tập thơ đó, tôi viết thành một tổ khúc ba phần. Không phải tôi phổ nhạc. Không phải tôi phổ thơ Chinh Phụ Ngâm. Tôi dựa vào tình tiết, cảnh tượng trong Chinh Phụ Ngâm mà viết thành một tổ khúc cho dàn nhạc đại hòa tấu.” Ông chia sẻ như vậy.
 
Tổ khúc được nhạc sĩ Cung Tiến suy nghiệm từ năm 1981, nguyên thủy đã được soạn cho dàn nhạc đại hòa tấu với đầy đủ các nhạc cụ thuộc bộ dây, gỗ, đồng, gõ và thụ cầm. Sau đó ông đổi mới, thu nhỏ lại thành khúc nhạc viết cho 23 nhạc cụ gồm: 1 sáo, 1 ô-boa, 1 clarinet, 1 French Horn giọng Fa, 1 bassoon, 1 thụ cầm, và bộ 17 đàn dây truyền thống.
 
Theo lời nhạc sĩ ghi trong phần giới thiệu tổ khúc, mặc dù thi phẩm của nữ sĩ họ Đoàn vô cùng súc tích về tình, cảnh, và nhất là về ngôn ngữ và tài gieo vần, người soạn nhạc đã chỉ cảm hứng từ một số tình ý, và cảnh chính của tác phẩm để dựng thành cấu trúc của khúc nhạc.
 
Chinh Phu Ngam

Bìa Ấn Phẩm ghi chép toàn bộ tác phẩm Chinh Phụ Ngâm bằng tiếng Nôm và tiếng Quốc Ngữ. Cộng thêm tổng phổ Chinh Phụ Ngâm, nhạc Cung Tiến.

  
Hiển nhiên, đây là một nhạc phẩm dài hơi, đồ sộ, định hình cho đỉnh cao nghệ thuật trong sự nghiệp âm nhạc của Cung Tiến, một phối hợp diệu kỳ giữa ngũ âm Á Đông (trong đó có Việt Nam) và thanh âm, nhạc cụ Tây phương. Hình thức khúc nhạc được viết theo loại thể cổ điển gồm ba hành âm – nhà soạn nhạc gọi là “Chuyển động”, dịch sát nghĩa từ chữ Movement – cộng thêm phần Giáo đầu và phần Bạt. Ở đây âm nhạc được sử dụng để miêu thuật một câu chuyện: câu chuyện và tâm sự của người chinh phụ. Ngôn ngữ nhạc của tổ khúc là hiện đại, hầu hết các giai điệu, hòa âm, tiết tấu mang màu sắc Á Đông. Cung Tiến đã sử dụng tự do các thể loại ngũ âm của Việt Nam, Đông Á, và Đông Nam Á, chế biến và pha trộn chúng tùy theo tình ý, tình cảnh miêu tả trong thi phẩm. Ông cũng không vay mượn nhạc đề từ dân ca (một thao tác khá thông thường ở các nhà soạn nhạc theo Chủ nghĩa Dân tộc từ thế kỷ XIX đến nay), mà sáng tạo nhạc đề rồi triển khai chúng theo quy trình một tổ khúc giao hưởng để tạo thành khúc nhạc.
 
Nói chung tổ khúc Chinh Phụ Ngâm của nhạc sĩ Cung Tiến là một viên ngọc quý trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, nhưng rất tiếc nó đã không được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Theo chính Cung Tiến, sở dĩ có tình trạng này là vì: “…nhạc mới của mình họ không thích bằng nhạc cũ. Nhạc phổ thông thì họ thích hơn, còn những bản nhạc này có tính cách nghệ thuật một chút, gọi là art-song, thì không được ưa chuộng lắm…” như có lần ông thổ lộ trong một bài phỏng vấn.
 
*
 
Năm 2010 nhạc sĩ Cung Tiến qua Việt Báo Foundation đã cho xuất bản và phát hành hai tuyển tập ca khúc của ông.
 
Cả hai tuyển tập đều có phần đệm piano, phần lớn do chính tác giả soạn rất công phu cho từng bài hát. Tuyển tập Hoàng Hạc Lâu dày 92 trang, bao gồm nhiều ca khúc nổi tiếng của Cung Tiến từ trong nước như Thu Vàng, Hoài Cảm, Hương Xưa, Nguyệt Cầm… cho đến một số ca khúc viết sau này như Hoàng Hạc Lâu, Vết Chim Bay, Khói Hồ Bay…  Ca khúc Hoàng Hạc Lâu, phổ từ bản dịch của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, được Cung Tiến trang trọng đặt làm tựa đề cho cả tuyển tập.  Năm 1976, lúc Cung Tiến mới qua Úc Châu định cư, họa sĩ Ngọc Dũng (1930-2000) từ Hoa Kỳ gửi cho nhạc sĩ bài thơ Hoàng Hạc Lâu do Vũ Hoàng Chương dịch thơ Thôi Hiệu (670-727).  Xúc động vì lời thơ, và nhớ tới thi sĩ (lúc ấy đang bị cộng sản giam cầm tại khám Chí Hòa), Cung Tiến đã phổ nhạc bài này với ý định sẽ gửi về Sài Gòn đề Thái Thanh hát cho nhà thơ nghe.  Không ngờ nhà thơ họ Vũ đã mất khoảng một hay hai tháng trước khi Cung Tiến có dịp gửi về Việt Nam. Nhạc sĩ Cung Tiến tiết lộ trong lời tựa: “Trong [Hoàng Hạc Lâu], để gợi không khí đông phương của Đường thi, tôi đã dùng tự do thang âm ngũ cung để soạn giai điệu và hòa âm; và đây cũng là lần đầu tiên tôi sử dụng một cách có ý thức chất liệu quý báu này của âm nhạc dân tộc ta.”
 
Tuyển tập thứ hai, Vang Vang Trời Vào Xuân, dày 88 trang, gồm 10 ca khúc ngắn trong liên ca khúc (song cycle) Vang Vang Trời Vào Xuân, phổ thơ Thanh Tâm Tuyền, một người bạn thân thiết của nhạc sĩ.  Đây là những bài thơ mang đầy chất thiền và tính lạc quan dù được Thanh Tâm Tuyền sáng tác khi ông còn trong tù cải tạo ở Việt Nam. Tập Vang Vang Trời Vào Xuân còn có các nhạc phẩm soạn cho hợp ca như Mùa Hoa Nở và Đêm Hoa Đăng, và Đường Hoa, dành cho song ca.
 
Hoang Hac LauVang Vang

Bìa hai tập nhạc Hoàng Hạc Lâu và Vang Vang Trời Vào Xuân của Cung Tiến do Việt Báo Foundation xuất bản năm 2010. 

 
Nhắc đến những sáng tác sử dụng thang âm ngũ cung Việt Nam của Cung Tiến, ta phải nhớ đến những khúc như Lơ Thơ Tơ Liễu Buông Mành, một khúc chèo cổ được ông soạn lại cho giọng hát, thụ cầm, và giàn đàn dây. Ngoài ra, ông còn hoàn tất một số tác phẩm khác cho giàn nhạc giao hưởng như Tổ Khúc Bắc Ninh (dân ca Quan Họ).
 
*
 
Nói về tầm vóc âm nhạc của nhạc sĩ Cung Tiến thì không ai có thể chối cãi được. Thế nhưng thật thiếu sót nếu chúng ta quên  sự đóng góp của ông trên bình diện văn học trong suốt thời kỳ 20 Năm Văn Học Miền Nam (1955-1975) và cả ở hải ngoại. Sau đây là tóm lược nhận định của nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh về vóc dáng này của Cung Tiến:
 
CUNG TIẾN, MỘT VÓC DÁNG VĂN HỌC
 
Mặc dù  Cung Tiến là một tên tuổi lớn của âm nhạc Việt Nam, nhưng ông cũng là một tác giả có nhiều đóng góp  vào hai mươi năm văn học miền Nam và văn học ở hải ngoại với bút danh Thạch Chương.
 
Bắt đầu với tên tuổi Thạch Chương, ông là một dịch giả và là người đã chuyển dịch sang Việt ngữ  hai danh phẩm văn chương quốc tế  là “Một ngày trong đời Ivan Denisovitch” của Alexander Solzhenitsyn và “Hồi Ký viết dưới hầm” của  Fyodor Dostoyevsky.
 
Tác giả Thạch Chương hay nhạc sĩ Cung Tiến đã có chủ đích chính trị khi chuyển ngữ tác phẩm của Solzhenisyn, một người đã bị trục xuất khỏi đất nước của mình vì ý tưởng tự do dân chủ trong văn chương đã được giới thiệu trong thời điểm ấy như một trào lưu của nhân loại. Tác phẩm của Solzhenitsyn là một tác phẩm gây kinh hoàng cho người đọc nhất là từ khi được phát hành ở Liên Xô. Nó còn làm ảnh hưởng đến tình hình chính trị của Liên Xô nữa.
 
Với thi ca, Cung Tiến đã giới thiệu nhiều thi sĩ nổi tiếng của thế giới đến độc giả Việt Nam. Ông cũng thường dịch thơ và đăng rải rác trên các tạp chí văn học. Thí dụ tôi đã đọc bài dịch thơ từ Federico Garcia Lorca, bài “Bài ca khóc Ignacio Sanchez Mejias” có những câu thơ gợi nhiều liên tưởng và cảm xúc. Bài thơ gồm bốn đoạn và trong đó có những câu được dịch bởi Thạch Chương, như đoạn III sau đây:
 
Phiến Đá là một vầng trăng nơi những giấc mơ hiền than thở
Không một dòng nước uốn quanh và những cây tùng bách giá băng.
Phiến đá là một cánh vai trần để chở đi thời gian.
Với những cây nước mắt, những dải băng và những tinh cầu.
Tôi đã thấy những trận mưa xám chạy dài theo những đợt sóng
Giơ cao  lên những cánh tay ngọt ngào lỗ chỗ
Để không cho phiến đá duỗi dài với được.
Phiến đá chặt tay chân ra thành từng mảnh mà không thèm hút máu.
Bởi phiến đá đi lượm những hạt giống của sợi mây…
 
… Tôi muốn họ chỉ cho tôi những con đường nào ra thoát
 cho vị tướng soái mà tay chân thần chết đã trói buộc
 Tôi muốn họ chỉ cho tôi những giọt lệ nào như một dòng sông
Có những sợi mây hiền lành và những bến bờ sâu thẳm
Để ẵm đi thể xác của Ignacio và để chàng chìm xuống
Không còn nghe bên tai những hơi thở trùng điệp của con bò rừng
Để xác chàng chìm sâu vào đấu trường tròn của vầng trăng…
 
Ở một mặt khác, Thạch Chương, người viết truyện ngắn có những khám phá mới về bút pháp, về những ý tưởng là kết quả của những suy tư của một người luôn đi tìm kiếm. Truyện ngắn của ông có vóc dáng về những nhân vật được phác họa khá lạ lùng, của một không gian thời gian nào lửng lơ giữa cảm giác và đời sống thực. Cảnh vật, dường như có chất biểu tượng và con người như có gắn liền để tạo thành một tổng hợp văn chương rất riêng. Thí dụ như truyện ngắn “Tinh cầu”  trong Tuyển Truyện Sáng Tạo, một truyện ngắn  mà theo tôi có chiều sâu của một suy tư khác lạ với đời thường…
 
51436156_10218010552273375_66170709998567424_n

Cung Tiến và Josee; Kiều Chinh; Trần Dạ Từ và Nhã Ca tại tòa soạn Việt Báo, Westminster, 2019.

  
Với bút hiệu Thạch Chương trên  các tạp chí văn học như Sáng Tạo, Nghệ Thuật, Văn, Vấn Đề… trước 1975 và Đặng Hoàng trên các tạp chí văn học hải ngoại sau 1975, ông có những bài khảo luận  công phu. Ông đã viết về nhà nhân chủng học nổi danh người Pháp Claude Levi-Strauss cha đẻ ra Cấu trúc Luận ( Structuralisme, về  nữ tiểu thuyết gia người Anh Virginia Woolf. Ông cũng đã viết để giới thiệu Albert Camus trong Sáng Tạo bộ mới xuất bản vào tháng 9 năm 1960. Đến nay, khi đọc lại vẫn còn thấy nhiều điểm thích thú.
 
Nhà văn Cung Tiến có viết về kinh tế học, ngành học mà ông đã đi du học từ Úc và Anh. Ông là người giới thiệu Club De Rome gồm một số đông các khoa học gia thuộc đủ mọi ngành trên thế giới họp ở thành phố La Mã nêu ra những vấn đề cấp thiết của con người trên hành tinh trái đất mỗi ngày một chật hẹp. Ông đã dịch cuốn sách “The limits of Growth” thành “Giới hạn phát triển”, là tiếng kêu cảnh báo loài người trước những hiểm họa sắp tới. Trong cuốn sách này, những mục tiêu cũng như cơ cấu của một nền kinh tế toàn cầu cuối thập niên 60 được phác họa. Vào những năm của thập niên 70, Cung Tiến còn dịch một tác phẩm khác tiếp theo của Club De Rome, cuốn “The turning Point of Mankind” / “Chỗ rẽ của nhân loại.” Đây là những ý kiến có ảnh hưởng nhiều đến cộng đồng thế giới. Bản dịch của Cung Tiến được đăng trên tập san Quốc Phòng, coi như một tài liệu cần thiết để nghiên cứu về chiến lược áp dụng cho quốc gia Việt Nam.
 
Nhà văn nhạc sĩ Cung Tiến trong vai trò của một chuyên viên kinh tế có tham chính và là một thành viên của nội các Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa. Ông là thứ trưởng kiêm Tổng Giám đốc Kế Hoạch cho ông Tổng trưởng Kế Hoạch Nguyễn Tiến Hưng.
 
Sau năm 1975 ông là chuyên viên kinh tế nghiên cứu và phân tích thuộc Department of Economic Security của tiểu bang Minnesota.
 
Cung Tiến là người yêu thơ và sống với thơ. Trong vai trò của một người nhận định văn học ông có viết nhiều về thơ và những nhận định của ông thường là nhửng khám phá mới bắt nguồn từ những cảm nghĩ chân thành nhưng sâu sắc.
 
*
 
MỘT CUNG TIẾN KHÁC?
 
Cũng trong bài nhận định trên của nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh, qua một giai thoại, người đọc còn biết thêm một “vóc dáng” khác, rất đời thường, của nhạc sĩ Cung Tiến. Thật ra giai thoại ấy ghi trong cuốn Tạp Ghi của nhà văn Phan Lạc Phúc, một người bạn chí thiết của Cung Tiến. Giai thoại ấy như sau:
 
“Ngày thường gặp Cung Tiến, anh trang nhã thận trọng pha một chút lạnh lùng kiều Ăng Lê Cambridge. Nhưng trong những lúc phùng trường tác hí, nhất là khi đã nhậu dăm ba consommation rồi là Cung Tiến phừng phừng bất cần đời. Chúng tôi có thói quen ăn nhậu rồi vào khoảng 10, 11 giờ đêm là kéo đến Đêm Mầu Hồng. Chủ quán Phạm Đình Chương đã dành sẵn một chỗ ngồi riêng giá biểu riêng cho bạn hữu như đã thành lệ khi Cái Bang đến là Phạm Đình Chương hay Thái Thanh chuyển hướng đề tài. Bữa ấy “cổ kim hòa điệu” diễn ra hơi dài. Cung Tiến khật khưỡng bước ra sân khấu, gạt người đánh piano ra một bên rồi ngồi xuống dạo Senerade. Cổ kim hòa điệu với nhạc Schubert thì không thể nào “đi” với nhau được, nó ngang phè phè. Một khán giả mặc quân phục dù, mũ đỏ chợt bước lên. Anh tiến lại chỗ Cung Tiến đánh đàn và nắm lấy tay. Cung Tiến không nhìn lên, hất tay ra, vẫn tiếp tục dạo đàn và nói to “Đi chỗ khác chơi”. Chủ quán Phạm Đình Chương biết là có chuyện vội đứng ra xin lỗi, nhưng không kịp nữa rồi. Một vài tiếng nổ xé tai của chai la de vỡ nổi lên. Một vài người bạn dù cùng đi đã nắm cổ chai la de vỡ kéo lên sân khấu, tất cả khán phòng im bặt, một sự im bặt bất thần và rùng rợn, chỉ còn một mình Cung Tiến vẫn mê mải đánh đàn. Vũ Khắc Khoan vội bước ra. Dù đã nhậu sương sương nhưng Vũ Khắc Khoan vẫn còn đủ tỉnh táo để nắm lấy vai người sĩ quan dù mũ đỏ mà nói khẽ: “Anh học trò tôi có phải?” Người sĩ quan dù đang hầm hầm sắc giận vội vàng nhìn lại rồi đổi giọng: “Thưa thầy...” Người sĩ quan ấy là môn sinh của họ Vũ, không biết ở Chu văn An hay Văn Khoa. Họ Vũ khoác vai người sĩ quan dù và nói: “Thôi! Anh em cả!” Người đánh đàn say không nhận được việc gì đã xảy ra sau lưng anh. Nếu không có Vũ Khắc Khoan đêm ấy... sự việc không biết còn diễn biến thế nào…”
 
*
 
Cung Tiến là một nhân tài của đất nước Việt Nam, như lời Tiến sĩ Trần Huy Bích nói. Ở con người và nghệ thuật ông theo đuổi suốt cuộc đời, chúng ta thấy hiển hiện một mẫu mực nghệ thuật toàn bích, một tâm hướng miệt mài khai phá Cái Đẹp, Cái Mới và Cái Khác, tất cả là những tố chất cho một nghệ thuật chân chính, mà chỉ một tâm thức hoàn toàn tự do, khai phóng mới có thể thực hiện được.
 
Nhà thơ Trịnh Y Thư nói về Cung Tiến: “Đối với tôi, Nhạc sĩ Cung Tiến luôn luôn là một mẫu mực nghệ thuật cho tôi noi gương theo: Nghệ thuật là con đường xuyên vũ trụ, không bao giờ đến đích và không có thành công hay thất bại. Ông quả là một nhân tài hiếm có của đất nước Việt Nam và chúng ta có quyền hãnh diện về ông. Hôm nay chúng ta tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng, lòng không khỏi bùi ngùi, xao động vì vừa mất một ngôi sao sáng trên vòm trời nghệ thuật, nhưng cùng lúc chúng ta cũng biết là những sáng tạo của ông mãi mãi, bây giờ và mai sau, là những viên ngọc quý trong kho tàng văn hóa Việt Nam.”
 
Hôm nay ông đã ra người thiên cổ, chúng ta tiếc thương một tấm lòng tha thiết với nghệ thuật, một con người khoan hòa, bao dung, thân ái, và chẳng có gì quá đáng nếu chúng ta cùng nhau thắp nén tâm hương dâng lên vong linh người nghệ sĩ quá cố: CUNG TIẾN.
 
Việt Báo
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bài tường thuật và cảm nhận của nhà báo Kiều Mỹ Duyên sau khi đi xem chương trình vũ nhạc Shen Yun nổi tiếng thế giới.
Tin Giáo Sư, Nhạc Sĩ Trần Quang Hải qua đời được loan đi khắp nơi ở trong và ngoài nước, từ trước khi ông thật sự mất một ngày. Sau đó, nữ danh ca Bạch Yến, phu nhân của ông đã chính thức xác nhận ông đã ra đi vào rạng ngày 30 tháng 12, 2021 tại Limeil Brévannes, Pháp Quốc. Ông mất vì bị chứng ung thư máu, hưởng thọ 77 tuổi.
Emma Broyles đã tạo ra lịch sử khi cô là người Mỹ gốc Hàn và Hoa Hậu Tiểu Bang Alaska đầu tiên đoạt Vương Miện Hoa Hậu Nước Mỹ, theo bản tin của Yahoo News tường thuật hôm 19 tháng 12 năm 2021. Broyles được sinh ra và lớn lên tại tỉnh Anchorage thuộc tiểu bang Alaska. Mẹ của cô là con của người Đại Hàn di cư, khi ông ngoại của cô rời bỏ thành phố ở Đại Hàn cách nay 50 năm. Là nhà vô dịch năm 2022, cô sẽ nhận được $100,000 đô la học bổng và tiền lương 6 con số để trợ giúp cho các trách nhiệm làm Hoa Hậu Nước Mỹ của cô.
Hôm nay, nhân dịp Thanksgiving 2021, kính mời quý vị khán thính giả nhìn lại một chặng đường 20 năm về trước, để theo dõi buổi nhạc hội “Tạ Ơn Chiến Sĩ Tự Do”, được tổ chức vào mùa Hè, năm 2000. Mục đích là để gây quỹ “Xây Dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ tại Westminster”. Sự thành công của buổi nhạc hội được dựa trên yếu tố đoàn kết trong cộng đồng người Việt, tình bằng hữu cao đẹp của anh chị em nghệ sĩ cùng lòng quyết tâm của tất cả mọi người, mọi giới.
Paris by Night hân hạnh kính mời quý vị đến tham dự chương trình văn nghệ trực tiếp thu hình với chủ đề “Xuân Với Đời Sống Mới” sẽ được tổ chức vào hai xuất 7:30PM Thứ Bảy 11 tháng 12, 2021 và 1:30PM Chủ Nhật 12 tháng 12, 2021 trên sân khấu rạp Pechanga Theater.
Các siêu sao Nam Hàn trong Ban Nhạc BTS đã được trao danh hiệu nghệ sĩ của năm nay tại Lễ Trao Giải Âm Nhạc American Music Awards hôm Chủ Nhật, 21 tháng 11 năm 2021, loại bỏ những thách thức từ Taylor Swift, Drake và The Weeknd khi họ mang về nhà tổng cộng 3 giải thưởng và hợp ca với nhóm Coldplay qua ca khúc khàn khàn “My Universe” và kết thúc buổi trình diễn với bản nhạc “Butter,” theo Hãng Tin Mỹ AP tường thuật hôm Thứ Hai, 22 tháng 11 năm 2021.
Trong âm nhạc, mọi người thường nói “ nếu mình không rung cảm thì người nghe cũng sẽ không rung cảm “ Ngược lại, khi người thưởng thức có được sự xúc động và rung cảm về một nhạc phẩm cũng như về một giọng hát trong buổi trình diễn thì buổi trình diện đó và người hát đó đã thực sự thành công vì thông điệp gửi đi đã được nhận và hiểu. Cám ơn người gửi Jimmy và ca sĩ Kim Tước đã làm đẹp cuộc đời.
Quyền bảo hộ 13 năm của ca sĩ Britney Spears đã chấm dứt, theo bản tin của CNN tường thuật hôm Thứ Sáu, 12 tháng 11 năm 2021. Chánh Án Tòa Thượng Thẩm Quận Los Angeles Brenda Penny đã chấm dứt sự sắp xếp theo lệnh của tòa trong phiên xử hôm Thứ Sáu. Trình bày trước tòa, luật sư của Spears là Matthew Rosengart nói rằng “mạng lưới an toàn” được đặt ra cho tài chánh và sự chăm sóc cá nhân của ca sĩ.
Đài Truyền Hình SBTN đang tổ chức một cuộc thi sắc đẹp dành cho ngành nails mang tên Nail Queen, với mục đích vinh danh những người gốc Việt đang tham gia vào ngành công nghiệp có đóng góp quan trọng vào bậc nhất cho cộng đồng người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ.
Ngôi sao đang lên này đã trình diễn nhạc đồng quê, tại Brazil gọi là sertanejo. Cô nổi tiếng với việc giải quyết các vấn đề nữ quyền trong các ca khúc của cô, như chỉ trích những người đàn ông kiểm soát những người bạn đời của họ, và kêu gọi trao quyền cho phụ nữ. Vào chiều tối Thứ Sáu, tin này đã làm tuông ra sự buồn bã trên truyền thông xã hội ở tất cả ngõ ngách của Brazil, gồm những người hâm mộ, cách chính trị gia, những nhạc sĩ và cầu thủ bóng đá. Instagram của cô có tới 38 triệu người vào đọc. “Tôi không tin, tôi không tin,” theo ngôi sao bóng tròn Brazil Neymar, là bạn của Mendonça, đã viết thế trên Twitter sau khi tin tức về cái chết của cô được loan đi. Chính phủ Brazil cũng gửi lời chia buồn.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.