Hôm nay,  

Mai Hương, Đoá Hương Ca Buổi Sớm

06/12/202009:09:00(Xem: 3360)
Pic 1 Chân dung Dinh T Chinh vẽ
Chân dung Mai Hương qua nét hoạ của Đinh Trường Chinh
Pic 2mai-huong xưa
Ảnh Mai Hương ngày xưa
Pic 3 MH 2016
Ảnh Mai Hương năm 2016
Pic 4 MH và KT
Lần cuối Mai Hương song ca cùng Kim Tước, năm 2016

Tôi được may mắn gặp Ca Sĩ Mai Hương trong buổi chiều nhạc “Hát cho vui đời”, do Kim Tước và các người em của bà tổ chức vào cuối tháng 10, năm 2016. Bà đến tham dự cùng phu quân và có lên sân khấu cùng song ca với Kim Tước một khúc nhỏ trong bài "Hình ảnh một đêm trăng" của Văn Phụng. Đó là lần cuối tôi gặp bà và cũng là lần cuối khán thính giả được nghe bà hát.

Giờ thì bà đã mang tiếng hát nõn nà, thanh thoát của bà về phương trời xa thẳm nào đó rồi. Bà không còn được khóc như năm xưa đã được khóc hả hê, mà vui cười thanh thản cùng sương mai buổi sớm nơi cuối chân trời xa.

Chớp mắt đã 4 năm, mà tôi thấy còn như hôm qua, còn hình dung được giọt nước mắt của bà lăn xuống khi bà xem Ca Sĩ Kim Tước hát. Khi giọng hát dĩ vãng của con Sẻ Vàng Kim Tước cất lên, những giọt nước mắt của Mai Hương bắt đầu nhỏ xuống. Bà lặng lẽ khóc, nước mắt cứ thế mà rơi, chỉ có người bên cạnh bà mới hay. Khi được mời lên sân khấu, bà vẫn còn cầm khăn tay sụt sùi khóc và lau nước mắt. Trong vóc dáng gầy ốm, nhỏ bé, bà nói “Tôi cảm động quá, từ lúc thấy chị Kim Tước bắt đầu hát “Gió thoảng hương duyên”. Chị ấy hơn tôi có vài tuổi, mà khi chị ấy hát trở lại, vẫn như ngày nào, vẫn hay quá. Tôi đã thôi hát vì nghe lời khuyên của nhà tôi”. Bà nhắc nhở thêm kỷ niệm ngày cùng nhau hát trong ban tam ca “Tiếng Tơ Đồng” với Quỳnh Giao. Giờ thì QG đã ra đi vào nơi mịt mùng miên viễn. KT nghe xong bắt đầu khóc và khán thính giả bên dưới cũng rưng rưng theo. Những giọt nước mắt ấy mang theo cảm xúc và hạnh phúc do ân sủng của giai điệu và cung đàn chở chuyên những dĩ vãng và năm tháng xưa cũ một thời hai bà hát tình ca.

"Hát tình ca có phải cũng là 1 cách cầu nguyện cho 1 thưở thanh bình bền vững trên đất nước..." Nhà văn Nguyễn Đình Toàn đã nói dạo đầu trong Chương Trình Nhạc Chủ Đề Của ông trên Đài Phát Thanh Sài Gòn trước năm 1975 như vậy. Cái thưở ông nói ấy, có những người sống và lớn lên trong cuộc chiến yêu nhau, lau nước mắt chia ly và hát nhạc tiền chiến để mơ ước thanh bình. Tiếng "tít, tít" như báo giờ sẵn sàng thay cho nhạc hiệu của đài này là một âm thanh đặc trưng quen thuộc mà hàng triệu thính giả đồng bào miền Nam trông chờ được lắng nghe. Cái thời của những buổi phát thanh trực tiếp Chương trình Thi-Nhạc Giao Duyên do nhạc sĩ Thục Vũ thực hiện, giới thiệu các thi, nhạc phẩm qua các giọng ngâm như Hoàng Oanh, Hồng Vân, Quách Đàm và Hoàng Thư, hòa cùng các giọng hát của Mai Hương, Ngọc Long và Duy Trác...

Cái buổi nàng Mai Hương, giọng hát đẹp của hương buổi sớm, đã có mặt và góp phần toả hương ngào ngạt vào không gian các đài phát thanh miền Nam ngày ấy. Tiếng hát được tôi luyện từ ngày còn bé, nhờ sinh trưởng trong cái nôi của gia tộc âm nhạc, lớn mạnh, trưởng thành và thanh thoát bình yên, để đưa người nghe về những kỷ niệm xa xưa êm đềm, đằm thắm. Luật sư Phạm Đức Tiến phát biểu cảm tưởng về tiếng hát Mai Hương như sau. "Đó là tiếng hát của những hoài niệm rất bình yên. Tiếng hát đưa chúng ta trở lại vùng trời kỷ niệm nào đó của những hoài cảm không nguôi, một chiều mù sương trên cao nguyên, một sớm mai trên biển vắng, một buổi sáng đầy nắng, một buổi tối đầy mưa, một thành phố đã mất... ". Nhà Văn Nguyễn Đình Toàn thì ví von "Nếu ví giọng hát Mai Hương như một đoá hoa thì đoá hoa ấy đã đạt đến độ mãn khai. Nếu ví giọng hát ấy như một thứ trái, trái ấy đã chín mùi, hương vị có thể hiến dâng đã trọn vẹn." Là một tác giả, ông nhận xét sâu sắc hơn về Mai Hương, “Nỗi đau trong tình khúc mình là một vết thương thật sự, nhưng hình như nó đã thành sẹo. Vậy mà nhiều khi nghe các ca sĩ hát, tôi tưởng chừng như nó còn đang ở trên bàn giải phẫu, đang chảy máu. Sai lầm đó không có ở Mai Hương”. Quả vậy, bà hát rất nhẹ nhàng, không rên rỉ, hình như mọi thứ của đau khổ thấm đẫm trong các bài hát qua giọng bà đã thăng hoa.

Những người từng nghe bà hát đều có những nhật xét mà tôi thấy hầu như rất thật, vì khi bà hát, bản chất và con người bà hiện ra rõ rệt. Giáo Sư Nguyễn Đình Cường bảo "Giọng hát đó ấm áp, ngọt ngào, thể hiện một tâm hồn nhân hậu.". Nhạc sĩ Nguyễn Tiến Dũng thì "Một giọng hát rất riêng và không điệu". Nhà phê bình Đặng Tiến nói "Bà ấy hát, ngoài thành kiến chính trị, có lẽ là người duy nhất". Nhà thơ Trịnh Gia Mỹ kể, "Mai Hương không chỉ đẹp trong tiếng hát mà rất đẹp trong nhân cách nữa, Mai Hương, một nhân cách đẹp của Hà Nội cũ, của một miền ký ức xưa".

Thật vậy, GS Vũ N Đĩnh tâm sự "Giọng ca Mai Hương đẹp và trau chuốt lắm. Khi nói chuyện, giọng nói của cô cũng là cái giọng Hà Nội giàu nhạc điệu thuở xưa. Có lần nói chuyện với cô, tôi nêu nhận xét này, cô cười, nói thực ra cô sinh ở Đà Nẵng, là nơi cha cô là ông Phạm đình Sỹ từ Hà Nội được chuyển vào đó làm việc. Chi tiết này làm tôi ngạc nhiên..."

Nói đến giọng Hà Nội, có người nhận xét, "Người Hà Nội có giọng nói rất chuẩn về âm điệu, âm lượng thì vừa đủ, tròn vành, rõ tiếng, thanh, ngọt mà trong, nghe như rót mật vào tai và có dư vị rất riêng.". Bởi thế, cái giọng Hà Nội gốc của thành phố ngàn năm văn vật, 36 phố phường ấy mà còn sót lại, là một thứ gì rất quý hiếm mà những người xa Hà Nội muôn đời vẫn còn luyến nhớ. Mai Hương đã sở hữu chất giọng đặc thù này, để phả làn hơi của mình vào tiếng hát lời ca.

Qua 50 năm gắn bó với âm nhạc, bà để lại cho người mến mộ nhiều quà tặng tinh thần lồng trong những nhạc phẩm trác tuyệt. Những CD như “Giấc Mơ Hồi Hương, Tìm Nhau Bốn Mùa, Serenade, Lỡ Chuyến Đò, Những Tình Khúc Tuyệt Vời Của Dương Thiệu Tước, Bóng Ngày Qua, Vàng Phai Mấy Lá, Nhặt Cánh Sao Rơi, Khúc Nhạc Ly Hương, Đi Chơi Chùa Hương, Em Còn Nhớ Mùa Xuân, vv… đã được nhiều người nghe và ủng hộ nồng nhiệt . Trong số đó có một CD bà hát chung với hai người bạn thân là Kim Tước và Quỳnh Giao, từng hát chung trên rất nhiều chương trình phát thanh và truyền hình tại  Sài Gòn. 

Tuy làm cho các đài phát thanh trước năm 1975, Mai Hương hát nhiều loại nhạc kể cả nhạc ngoại quốc như "Định mệnh buồn(Phạm Đình Chương,Khái Hưng, Felix Ervers), Mơ Mòng(Phạm Duy, Riverie) , Chút hờn ghen(Phạm Duy, Jalousie...). Tuy nhiên, bà thích và hợp với loại nhạc Tiền Chiến và Bán Cổ Điển hơn. Nhất là dòng nhạc của Cung Tiến, trong bài Hương Xưa, giọng bà dịu dàng, ngọt ngào và bay bổng nhất trong ba phiên bản khác nhau của Thái Thanh, Kim Tước và Mai Hương. (Jazzy Dạ Lam nhận xét)

Hương xưa - Cung Tiến- Mai Hương hát

https://www.youtube.com/watch?v=Q8yGhQKYVqI&feature=youtu.be&fbclid=IwAR3IYypLmZz9bkXmR2OgD5Bo6weU1RTrfn73bb5diR20dvoeCYckV6AMCD8


Có những giọng hát thích hợp với giai điệu tươi vui, hạnh phúc. Có giọng trầm, buồn chuyển tải được những ca khúc não nùng, bi thiết, rất đạt. Có giọng lại hợp với những nhạc phẩm có tính chuyện kể. Tôi tình cờ nghe được bà hát những bài có tính kể chuyện rất lạ, hiếm ai nghe hay hát, có lẽ vì nó đã rất xưa, tựa như các bài "Vàng phai mấy lá, Tà áo Văn Quân".

Ca nhạc sĩ Jazzy Dạ Lam đã chia sẻ phần cảm nhận kỹ thuật âm nhạc với tôi sau khi nghe Mai Hương hát bài "Khối tình Trương Chi" của Phạm Duy như sau,

- Trong vô số các bản thu âm trước cũng như sau 1975 của cô Mai Hương, bỗng nhiên bài hát Khối Tình Trương Chi (Phạm Duy) từ dĩa nhạc Giấc Mơ Hồi Hương (1982) hiện lên thật nổi bật với không gian mơ màng lãng đãng trong tiếng piano khoan nhặt, rải những chuỗi âm ngũ cung lóng lánh dệt thành lưới thanh âm óng ánh như tơ. Khung cảnh thêm huyền hoặc, khi âm giai Mi giáng trưởng được nhạc sĩ Lê Văn Thiện tài hoa chấm phá lên ấy chuỗi âm Si giáng pentatonic (Sib - Đô - Rê - Fa - Sol), một kết hợp bởi hai thang âm ngũ cung Eb & Bb pentatonic chồng lên nhau, mở rộng biên độ cho âm giai Mi giáng trưởng, làm màu sắc càng lung linh hơn. Rồi piano chuyển sang lững thững trên nhịp điệu Slow Waltz (hay Boston) làm nền cho giọng hát vút vào cung đêm mượt mà như lụa "Đêm năm xưa khi cung đàn lên tơ. Hoa lá quên giờ tàn. Mây trắng bay tìm đàn. Hồn người thổn thức trong phòng loan...". Tiếng Brush quét trên mặt trống, nhẹ và dịu dàng (không như tiếng dùi gõ lên mặt trống trong các version khác tôi nghe được), cho người nghe cảm nhận khác hẳn, dìu dặt và du dương, "Đêm năm xưa nghe cung đàn gây mơ. Âu yếm nâng tà quạt. Hồn gió đưa về thuyền. Tưởng người trên sóng du thần tiên." Phiên khúc hai cũng bắt đầu bằng "đêm năm xưa" nhưng đã được nữ ca sĩ thể hiện say đắm hơn khi bất chợt dồn hai chữ "Nghe Cung đàn" gấp hơn, nhanh hơn nhịp một chút, rồi từ "Cung" luyến nhẹ xuống "Đàn" khiến giai điệu thêm phần uyển chuyển, lột tả đúng ý tác giả muốn người nghe xao xuyến như lòng nàng Mỵ Nương đang bồi hồi xao xuyến vậỵ. Tôi nhớ lại những năm 80s thế kỷ trước, thời ấy làm gì đã có Voice Harmonizer App, hay Autotune Plugin đâu, nên càng khâm phục sự chuyên nghiệp của các bậc tiền bối như Kim Tước, Quỳnh Giao, Mai Hương vì khả năng hát bè cũng như phối bè tinh tế và rất nhuần nhuyễn. Rồi tiếng hát bỗng vút cao: "Rứt khúc đàn, lòng em thấy đê mê. Ôi tiếng đàn, lời không mong ước thề. Đã thấy tàn, đời không gió xuân về. Khi tiếng ai dần xa ."

Nếu giai điệu của người được mệnh danh "phù thủy âm nhạc" Phạm Duy qua tiếng hát Thái Thanh ở đây ray rứt, da diết bao nhiêu, thì với giọng ca Mai Hương, ngọt ngào tha thiết bấy nhiêu. Ngọt ngào vì tình cô nó vậy, tha thiết vì lòng cô nó thế. Một giọng hát mà sự ngọt ngào tha thiết đi thẳng vào tim người nghe không cần bất cứ nỗ lực nào, tự nhiên không chải chuốt, đằm thắm không màu mè, nhất là hoàn toàn vắng bóng sự phô trương kỹ thuật, dù ai nghe cũng biết phải là người hát có nội lực mới tròn đầy trong âm thanh và bay bổng trong cảm xúc được như thế.

 "Tương tư một khối u sầu. Đợi chờ trăng lên để tan hết thương đau. Mi em nước mắt hoen mầu. Tóc chẩy ngàn hàng môi thắm còn đây ." Từ phần credits ghi trên bìa đĩa, người chơi piano là nhạc sư Lê Văn Thiện, theo suy đoán của tôi, chắc hẳn cũng là người đã hòa âm phối khí cho bài nàỵ Cả bài, piano chơi rất giản dị, chuyên giữ hòa thanh cho phần đệm bằng những hợp âm rải. Bỗng dưng tiếng réo rắt từ những phím đen trên đàn piano được vuốt bởi cả hai tay liên tiếp xen kẽ nhau kéo từ trên xuống dưới rồi lại vuốt ngược trở lên, quả như vầng trăng màu nhiệm, xua tan đi những muộn phiền. Phảng phất trong giai điệu chút âm hưởng nhạc dân tộc, thoáng nhẹ và kín đáo, khiến âm thanh u uẩn cùng những nốt rung, nhấn, láy trong giọng hát vừa nghe như nức nở lại vừa không quá bi ai, vừa đủ để ta run lên một nhịp, rồi lướt tiếp theo dòng cảm xúc dâng đầỵ.. "Đêm năm xưa trên con thuyền lẻ loi. Khi trót yêu người rồi. Xa cách nhau vì đời. Tủi hờn duyên kiếp bao giờ nguôi. Cho mắt rơi lệ rồi. Cho chén tan thành lời. Để thành bài hát ru lòng tôi ."

Khối Tình Trương Chi (Phạm Duy) - Mai Hương

https://www.youtube.com/watch?v=CSRANIXrEBI&feature=youtu.be&fbclid=IwAR0ejaLCo302pz7rXyoeR7cH8himmrZGt7GWRevQffcQhZAEF3MLCXqgZpE


Không chỉ Jazzy yêu tiếng hát của bà trong bài này, tôi cũng như cô, say mê cái giọng êm ả hạnh phúc như con người của bà. Bà kể lể nhẹ nhàng và truyền cảm trong một tông điệu rất nhịp nhàng khoan thai, xao xuyến. Bà làm tròn vai trò của người kể chuyện thay cho tác giả.

Trịnh Thanh Thủy

 

Tiểu sử Mai Hương


Ca sĩ Mai Hương nguyên danh Phạm Thị Mai Hương (1941-2020), là một ca sĩ nổi tiếng, thành công với nhiều nhạc phẩm tiền chiến. Cha mẹ cô là Phạm Đình SỹKiều Hạnh, hai tên tuổi lớn trong giới sinh hoạt văn nghệ ở Sài Gòn trước 1975. Ông Phạm Đình Sỹ là anh trai của các ca sĩ Thái Hằng (vợ nhạc sĩ Phạm Duy), Thái Thanh, Hoài Trung và nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Bà Kiều Hạnh là một kịch sĩ, diễn viên nổi tiếng, diễn viên đoàn kịch Sao Vàng của Thế Lữ, chị gái của nhạc sĩ Lương Ngọc Trác. Sinh tại Đà Nẵng, bà sống ở Huế, Hà Nội, Sài Gòn. Năm 1953, tham dự cuộc tuyển lựa ca sĩ của đài phát thanh Pháp Á. Theo học violon, ký âm pháp, đàn tranhhợp xướng tại trường Quốc gia Âm nhạc. Cộng tác với các đài phát thanhtruyền hình và hầu hết những chương trình ca nhạc nổi tiếng với các trưởng ban như Nghiêm Phú Phi, Nguyễn Quý Lãm, Võ Đức Tuyết, Y Vân, Hoàng Trọng, Vũ Thành... Mai Hương còn đảm nhiệm cả phần đọc truyện và làm phát thanh viên. 1975, cùng gia đình đến Mỹ sống ở Rowland Heights, Nam California và làm việc cho ngân hàng Bank Of America. Sau năm 2000, Mai Hương về hưu và ít tham gia ca hát.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Có lẽ đã đến lúc cần đặt câu hỏi về sự dễ dãi của khán giả Việt? Như vấn đề đã nhiều lần được đặt ra trong lãnh vực âm nhạc, với các cô ca sĩ trong nước gầm rú phô diễn kỹ thuật mà không chuyển tải được nội dung, cảm xúc của bài hát, phim Việt còn nặng tính phô trương kỹ thuật, nhét tất cả mọi chiêu, mọi nước bước, đường đi, ý tưởng vào cùng một vở kịch, rồi nhấn hết cỡ âm lượng, dung lượng trấn áp khán giả - hệt như việc đãi ăn một bữa buffet quá no nê, để khách hài lòng với số lượng mà quên để ý đến phẩm lượng.
Nếu nói một cách ngắn gọn nhất, thì tui sẽ nói như thế này: Hình như Mai là cuốn phim Việt Nam hay nhất với tui từ trước đến giờ thì phải. Còn nếu nói dài thì nói luôn là tui coi phim Việt Nam không nhiều. Hồi nhỏ không có gì coi thì tivi chiếu gì coi đó, trong đó có phim VN. Sao mà nó cứ chầm chậm, lây lất. Ngột ngạt. Nặng nề. Đến lúc diễn viên có thể nói nhanh hơn một chút, cuộc sống chuyển động lẹ hơn một chút, thì tui lại thấy sao những gì mà người ta nói, người ta làm, người ta sống cứ như ở một thế giới nào đó mà tui không tồn tại, nó cứ giả giả gượng gượng như "plastic". Rồi thì cũng đến lúc tui được xem nhiều cuốn phim Việt Nam hay ho hơn, tử tế hơn trong các lần VAALA tổ chức Đại hội điện ảnh Việt Film Fest. Nhưng bàng bạc trong đó, vẫn cứ thấy lẩn quẩn một nỗi gì khó diễn tả lắm. ‘Bi ơi, đừng sợ!’ (mặc dù tui coi tui sợ muốn chết), ‘Trăng nơi đáy giếng’, ‘Song Lang’,… nhiều quá không nhớ hết tựa… ‘Mai’ thu hút tui từ cảnh đầu tiên...
Vào những ngày cuối năm 2023, khi mà người Mỹ bắt đầu chuẩn bị cho những bữa tiệc Giáng Sinh, năm mới, bàn tán chuyện mua sắm, thì chiến sự giữa Isarel và Hamas chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Trên vùng đất thánh của cả ba tôn giáo lớn, những kiếp người lầm than chỉ mong có một ngày hòa bình, một ngày không bom đạn. Cũng vào những ngày cuối năm 2023, người Mỹ bắt đầu nhìn thấy một viễn cảnh Ukraine bị bỏ rơi, phải chấp nhận đổi đất lấy hòa bình. Nhiều người Việt cho rằng Ukraine sắp là một Việt Nam Cộng Hòa khác, một đồng minh bị Mỹ bỏ rơi, nhưng sau một thời gian có thể nhanh hơn nhiều.
Vào ngày 6 Tháng 12, giới truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin Taylor Swift, nữ ca nhạc sĩ đầy tài năng, được tạp chí Time vinh danh là “Nhân Vật Của Năm 2023” (Person of The Year). Đây là lần đầu tiên một ca nhạc sĩ được bình chọn danh hiệu giá trị này, càng nhấn mạnh thêm sự thành công và sức ảnh hưởng của cô gái hát nhạc pop-đồng quê. Trước đây, nhiều nhân vật được Time chọn từ năm 1927 là các tổng thống Hoa Kỳ, những nhà hoạt động chính trị lỗi lạc.
Hơn 60 năm sau khi phát hành đĩa đơn đầu tay, nhóm nhạc huyền thoại The Beatles đã phát hành ca khúc cuối cùng: “Now and Then.” Bài hát được ra mắt hôm thứ Năm (2/11), dựa trên bản demo cũ của John Lennon. Trong một tuyên bố trên trang web của ban nhạc, tay trống Ringo Starr cho biết: “Đó là cách duy nhất chúng tôi có thể đưa anh ấy trở lại phòng thu âm, tất cả chúng tôi đều rất xúc động.”
Tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, vào lúc 2 giờ chiều Thứ Bảy 14 Tháng Mười năm 2023 Nhóm Sắc Màu Kỷ Niệm đã tổ chức thành công Chiều Nhạc “Quê Hương Tình Thu Muôn Thuở”.
Vào ngày Chủ Nhật 24/09/2023, trong một cuộc họp mặt thường niên của Hội Ái Hữu Linh Sơn Lĩnh, một nhóm thân hữu trong bộ đồ màu đen đã lên sân khấu hát lại một số ca khúc sinh hoạt của Phòng Trào Xây Dựng Nông Thôn (XDNT) trước 1975.
Nhạc sĩ Y Vũ vừa qua đời tại Sài Gòn ngày 28-9-2023 hưởng thọ 83 tuổi (1940-2023); báo chí lại đặt vấn đề ai là tác giả thật sự của ca khúc nổi tiếng Tôi Đưa Em Sang Sông...
Trong hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật 16 & 17/09/2023, Đài Truyền Hình SBTN đã tổ chức vòng chung kết của của cuộc thi hát dành cho người cao niên “Tiếng Hạc Vàng” lần thứ nhì. Cuộc thi thu hút được sự hưởng ứng và khen ngợi của cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới
Các bạn yêu thời trang người Việt ở Hoa Kỳ, đặc biệt là tại Nam California, hẳn không xa lạ mấy với thời trang của nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường, nhà thiết kế thời trang Việt từng được biết đến với những show trình diễn thời trang trong nhiều năm qua tại Beverly Hills, Newport Beach, Paris, Sydney… và nóng hổi nhất là show vừa diễn ra Chủ Nhật qua tại Tuần Lễ Thời Trang New York Xuân-Hè 2024, với sự xuất hiện của Đỗ Mạnh Cường, cùng thương hiệu SIXDO, và một dàn khách mời hùng hậu từ Việt Nam cũng như quốc tế đến tham dự trên sàn thời trang New York.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.