Hôm nay,  

TÔN NỮ THU DUNG: Con chim nhặt hạt ngô đồng, Còn tôi lơ đãng nhặt hồn cỏ hoa

18/07/202308:58:00(Xem: 2257)
thu-dung bia

Thơ hãy nói, tôi nghe

Tôn Nữ Thu Dung làm thơ (và viết văn) rất sớm, vào thập niên 70 khi còn là một nữ sinh trung học của miền Nha Trang cát trắng. Vừa xuất hiện, thơ văn của Tôn Nữ Thu Dung nhận được sự chú ý đặc biệt của những người phụ trách toà soạn các tạp chí Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc. Thơ văn ấy có nét tươi mát của tuổi trẻ, đồng thời mang hơi hướng của một tâm hồn đã trưởng thành. Ấy thế mà thơ văn ấy không có vẻ “bà cụ non” một chút nào. Chúng như lời tự sự của một tâm hồn tươi trẻ mà chín chắn (mang thêm một chút/khá nhiều nét lãng mạn quyến rũ.) Cho đến nay, đã một nửa thế kỷ trôi qua, vẫn có những người lưu giữ nhưng trang thơ văn ấy như những báu vật của một thời văn chương mật ngọt ở miền Nam Việt Nam thuở trước.

    Ra nước ngoài, Tôn Nữ Thu Dung là cây bút Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc tiếp tục sáng tác và xuất bản nhiều nhất và đều đặn nhất. “Con Chim Nhặt Hạt Ngô Đồng, Còn Tôi Lơ Đãng Nhặt Hồn Cỏ Hoa" là tập thơ mới nhất, lạ nhất với cái tên dài kỷ lục đầy sáng tạo vừa hoàn thành ở hải ngoại, do Tương Tri xuất bản và phát hành.
    Thơ Tôn Nữ Thu Dung quá đa dạng, có tính trong sáng, tươi mát, chín chắn và lãng mạn. Theo dòng thời gian, tính tươi mát bớt đi nhưng sâu sắc nội tâm thì tăng lên. Nét lãng mạn vẫn rất rõ, khác chăng là cách biểu lộ nét lãng mạn ấy.
    Nếu phải định nghĩa về thơ (mà thật ra không nên và không cần định nghĩa) thì “thơ là ý tưởng và tình cảm lắng đọng trong hình ảnh và ngân vang trong nhạc điệu, được diễn tả bằng ngôn từ, làm rung động tâm hồn người đọc.” Nếu định nghĩa như thế thì thơ của Tôn Nữ Thu Dung quả thật là… thơ, trong đó có ý tưởng, tình cảm, nhạc điệu, ngôn từ khiến cho tâm hồn người đọc rung lên theo từng câu thơ, từng từ ngữ.
    Tôi đọc “Con Chim Nhặt Hạt Ngô Đồng...” một cách chậm rãi (không chậm chạp) để cho ý thơ, lời thơ thấm vào tâm và thức; từ đó khám phá ra khá nhiều điều.
    Tôn Nữ Thu Dung có lối lặp lại một nhóm từ vựng. Điều này khiến người đọc phải để tâm, ý vào lời thơ, vì mỗi một lần lặp lại nhóm từ vựng đó, nhà thơ dẫn dắt người đọc vào một ngõ ngách tâm hồn khác, một cảnh vực đời sống khác.
    Điển hình, xin cùng tôi đọc vài đoạn trong “Có Một Điều Rất Lạ” với nhóm từ ngữ “Khung cửa nhỏ- mở ra-.”
    Ở tấu khúc 1, “Khung cửa nhỏ- mở ra-” dẫn ta vào “ngày nắng hạ” trong đó có

“Ngày thương yêu, thuở ấy,
nắng Sài Gòn.
Những hàng cây ven đường lay bóng lá.
Chỉ dám nhìn- guốc mộc- gót chân son”
.
 
Ở tấu khúc 2, “Khung cửa nhỏ- mở ra-” vào một “chiều rơi chậm” để rồi người trong thơ phải yêu cầu (đúng hơn là năn nỉ):

“Chiều đừng rơi
để nhớ mãi Sài Gòn.
Căn nhà gỗ,
con đường Hồng Thập Tự.
Một điều gì… rất lạ, rất bâng khuâng.”
 
Ở tấu khúc 3, “Khung cửa nhỏ- mở ra-” vào một “đêm nguyệt tận.” Buổi ấy khiến người trong thơ hồi tưởng đến

“Đêm hoang vu
xanh mướt dáng Sài Gòn.
Có vì sao- buồn- cô đơn- bật khóc.
Giọt lệ này
rơi,
ướt lạnh trăm năm…”
 
Ba lần “khung của nhỏ- mở ra-” dẫn người đọc đến những cảnh, những tình khác nhau, để rồi đọng lại trong hồn mình nỗi bâng khuâng, ngậm ngùi, tưởng tiếc về một dáng người nữ ngày nào đã xa, hình như xa lắm.
    Thì cũng là thơ tám chữ đấy, nhưng cách tác giả ngắt câu, xuống hàng khiến người đọc không thể đọc nhanh được, mà phải chậm rãi bước những bước nhẹ nhàng và thận trọng theo dòng thơ. Đọc và thích!

Có vẻ như Tôn Nữ Thu Dung chuộng lối gieo vần gián cách (trong một khổ thơ, vần trắc gieo ở cuối câu 1  và cuối câu 3; vần bằng gieo ở cuối câu 2 và cuối câu 4.) Xin đọc:
 
Nhánh sông Tôi,
tiền kiếp
Tìm lối về đại dương
Sóng bờ xa tiễn biệt
Cuối chân trời,
đêm buông…
 
Trái tim Tôi,
tiền kiếp
Lơ đãng nhiều tơ vương
Và khi lòng mỏi mệt
Biết giấu vài vết thương…
(Tôi)
 
Sao lại gián cách? Tôi đoán nhé: thứ nhất, lối gieo vần này làm cho người đọc thích thú. Hơi thơ đi, tưởng là đi… tuốt luốt, nhưng rồi hơi thơ dừng lại ở tiếng cuối, một sự trở lại với vần đã gieo bên trên khiến cho khổ thơ tràn đầy, trọn vẹn. Thứ hai: lối gieo vần gián cách khiến người đọc cảm nhận được cái ý, cái tình của sự ngăn cách. Ngăn cách giữa tôi và người, giữa chung và riêng, giữa những cảm giác/cảm xúc lẫn lộn và khác biệt, giữa hiện tại và quá khứ, giữa  và 
 
Tôn Nữ Thu Dung cũng viết một số bài theo lối gieo 3 vần bằng, có phần nào sự cổ kính của Đường thi, cộng thêm chút nghiêm cẩn, trang trọng:
 
Tôi lạc lòng tạt qua lối xưa
Bâng khuâng khung cửa có ai chờ
Bàn tay nhỏ bé thơm hương quế
Khua động hoài tôi những giấc mơ
 Tôi lạc lòng đi ngang phố rêu
Nghe cơn đau cũ nhói trong chiều
Và tiếng phong linh rời rã khóc
Có phải thu vừa rơi khúc yêu
 Tôi lạc lòng, lạc dạ thế thôi
Đêm đêm vẫn nhớ góc em ngồi
Ngọn nến tàn canh run từng giọt
Thảng thốt vầng trăng lạnh cuối trời
 Tôi lạc lòng xin em hiểu tôi
Hồn tôi như chiếc lá chơi vơi
Trăm ngàn sông suối- em là biển-
(Tôi lạc lòng xin em hiểu tôi).
(Lạc Lòng)
 
Tôn Nữ Thu Dung cũng viết Lục Bát; lời, ý, hình rất đẹp:
 
 Gọi người từ phía hoàng hôn
Nghe câu tử biệt
rợn buồn sinh ly,
Bến Vân Lâu chẳng hẹn kỳ
Trùng lai nội cỏ
thầm thì hạt sương.
Gọi người từ phía tà dương
Có chờ ta
cuối con đường trắng mây.

Một mai tàn cuộc
buông tay,
Nghiêng vai cho gió về lay dặm buồn.
Biết còn viễn phố giăng sương.
Biết còn tan hợp mây tuôn non đoài.
Lòng ta gác xế u hoài,
Cuối trời một bóng đổ dài hoang vu…
 (…Nếu xưa đừng lạc lối về
Trao yêu lơ đãng,
quên thề trăm năm…)
(Gọi)
 
Trong Lục Bát “Gọi,” có những câu đẹp cổ kính như “Đoạn Trường Tân Thanh”:
 
Bến Vân Lâu chẳng hẹn kỳ
Trùng lai nội cỏ
thầm thì hạt sương.
 
hay
 
Biết còn viễn phố giăng sương.
Biết còn tan hợp mây tuôn non đoài.
 
Có một tí Bùi Giáng ở trong đó, nhưng không phải là Bùi Giáng.
 
Dường như Tôn Nữ Thu Dung thích ban đêm. Trong “Con Chim Ngậm Hạt Ngô Đồng...,” nhà thơ viết khá nhiều câu, bài về ĐÊM: “Khung cửa nhỏ- mở ra-/ đêm nguyệt tận, Đêm hoang vu/ xanh mướt dáng Sài Gòn, Đêm Hồ Ly, Đêm Lưu Xứ, Đêm Nguyệt Quế, Đêm Chờ Quỳnh Hé Nụ, Đêm tàn… lạnh một chia phôi, Đêm thắp muộn một vì sao bé nhỏ…
Xuân Tâm viết:
 
“Tôi đổi hai mai lấy một chiều
Để tìm trong ấy ít lời yêu.
Ban ngày sáng quá, ban đêm tối,
Tôi sợ không mơ tưởng được nhiều.
Xuân Tâm sợ “ban đêm tối” khiến nhà thơ “không mơ tưởng được nhiều.” Tuy nhiên, với Tôn Nữ Thu Dung, hình như “đêm càng tối,” cô lại càng “mơ tưởng... được rất nhiều!”
 
Tôi viết bài giới thiệu này không được trọn vẹn, nhất là mới chỉ phớt qua một chút hình thức, chưa đi vào nội dung các bài thơ. Tuy nhiên, tôi nghĩ, nói đến nội dung là nói về ý, tâm và cảm; mà ý, tâm và cảm là những gì người ta chỉ có thể cảm nhận bằng tâm hồn mẫn cảm của người đọc, không phải là những thứ để phân tích. Tôi tin người đọc “Con Chim Nhặt Hạt Ngô Đồng” đều là những độc giả có tâm hồn không những mẫn cảm và còn nhạy cảm.
 
Vậy, xin phép tác giả và độc giả cho tôi ngừng ở đây.
 
Riêng tôi, xin được thưa với nhà thơ Tôn Nữ Thu Dung: “Thơ ơi, cứ nói! Tôi đang lắng nghe.”
 
– Quyên Di
 
***

Những đoản khúc Tôn Nữ Thu Dung

thu-dung
Tạ lỗi mùa thu
 
Xin về tạ lỗi cùng trăng.
Một mi ngoan
một môi gần
thế thôi.
Xưa làm mây giạt cuối trời.
Lỡ nghiêng xuống
nhận
… một lời đong đưa.
Xin về tạ lỗi cùng mưa.
Hiên người lạnh quá
gió lùa thênh thang.
Xin về tạ lỗi
…đa đoan.
Đưa nhau nghìn dặm…
trần gian
mịt mù…
Xin về  tạ lỗi mùa thu.
Chiếc xương lá mục còn ru tình buồn…
 
Hồn cỏ hoa
 
Vàng thu lối cũ mịt mờ
Thôi,
em ngoảnh mặt
đừng vờ xót xa
Một mình tôi
giấc mơ qua
Một mình tôi
với xác hoa
rơi buồn
Con chim nhặt hạt ngô đồng
Còn tôi lơ đãng
nhặt
hồn cỏ hoa
Một ngày qua
một người xa
Một ngàn thu khóc
chiều tà rưng rưng...
 
Mây
 
Mở lòng tay,
những ngón hoa.
Khúc phiêu du
rớt
trong tà huy say.
Một phù vân
thảng thốt
bay.
Vầng trăng xanh
lỡ
lưu đày kiếp xưa.
Mở lòng tay
chỉ hạt mưa.
Long lanh như giọt lệ vừa…
thiên thu.
Này Tôi…
đừng để sương mù.
Này Tôi…
nghe tiếng âm u
gọi mình…
Này Tôi…
quay mặt lặng thinh.
Trời xanh… mây trắng
vô tình của nhau.
Đừng chờ…
đâu chắc ngàn sau…
Hãy chờ…
có lẽ ngàn sau…
sẽ là… 
 
Học
 
Học ở nắng
một nụ cười
Học ở mưa
những nét rơi cau mày
Học ở mây
chút lá lay
Học ở đêm kiểu
… đắng cay giả vờ
Học ở anh
nỗi ơ hờ
Trăm gian dối cũng
… ờ ờ bỏ qua
(Bởi vì…
em học ở hoa
Cháy cho đến lúc tan nhòa hư vô…)
 
Lục bát nghiêng rơi
 
Nghiêng, rơi…
nửa giọt khuya rằm
Phong linh hay tiếng nguyệt cầm gọi tôi?
Xưa,
thu loang tím một trời
Mở ngăn hoài niệm, nhớ lời nguyện xưa.
Đừng về lối ấy
tôi,
mưa…
Áo hoàng hoa đã nhuốm mờ cỏ, rêu
Đừng về lối ấy
tôi,
xiêu…
Nghiêng, rơi…
nửa giọt hắt hiu khuya rằm
Xưa,
ai buông tiếng nguyệt cầm
Để tôi lơ đãng
nhặt hồn cỏ hoa
Đừng về lối ấy
tôi,
xa…
Đừng về lối ấy
tôi,
nhòa hư không…
 
Bài hát ru
 
Ngủ đi…
nắng khuất bên đồi
Ngủ đi…
cho mộng bùi ngùi bay xa
Ngủ đi…
cùng bóng trăng tà
Ngủ đi…
trong tiếng yên hà nghiêng rơi
Ngủ đi…
gió tạt chân trời
Ngủ đi…
cỏ hát những lời yêu thương
Ngủ đi em…
giấc ngủ hờn
Buông tay cho gió về hôn mặt người
Ngủ đi em…
giấc ngủ vùi
Ngủ đi em…
tiếng khóc cười vô ngôn
Ngủ đi em…
giấc ngủ buồn
Ngủ đi em…
giấc nghìn trùng… không anh!
 
Xin em
 
Chôn tôi giữa chốn ngàn lau
Xin em
đừng nhỏ lệ vào thơ tôi
Đừng câu ly biệt bùi ngùi
Đừng hoài niệm những xa xôi nhạt nhòa…
Kể từ
buổi xuống thuyền hoa
Thơ tôi em đốt
hay là lãng quên?
 
Đêm chờ quỳnh hé nụ
 
Em đừng cởi áo vô minh
Thiền sư
Thi sĩ
bất bình… hạ sơn
trong cuộc lữ cô đơn
Xin
muôn lượng kiếp
hoá thân tìm người
Sát na ấy,
ngỡ suốt đời
Đăm đăm diện bích
triệu lời vô ngôn
Em đừng xé bỏ càn khôn
Ngàn lau trắng vẫn cội nguồn băn khoăn
Em đừng vội nhé,
Quỳnh hương…
 
(Thiền sư cởi áo che quỳnh
Nghe trong khuya khoắt…
trở mình,
hạt sương…)
 
Bài tặng thiên tài

Thiên tài không thể làm thơ
Bởi vì buồn quá, phất phơ xuống đường
Ngắm hồ nước, nhớ chuồn chuồn
Ngắm tàn hoa, nhớ bướm vờn thuở xưa
Thiên tài không thể làm ngơ
Khi con người cứ ỡm ờ nghĩa nhân
Thiên tài đôi lúc nỗi khùng
muốn trôi vào cõi chập chùng... nhưng thôi...

(thiên tài không phải là tôi,
tôi thiên tai, đến bên đời... rồi đi.)
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tuốt Kiếm Phương Xa là tác phẩm đầu tiên đưa ra cái nhìn khác với tất cả những cuốn sách của các sử gia Tây Phương viết về chiến tranh Việt Nam trong nửa thế kỷ qua... Và Hồi ký Bóng Mây Tình Yêu ghi lại cuộc đời sóng gió của một người dân Miền Nam suốt chiều dài cuộc chiến...
Lịch Sử của Một Cộng Đồng – Giới thiệu cuốn “Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn Hải Ngoại” và “Communities of Vietnamese Refugees Overseas” – Viện Nghiên Cứu Lịch Sử Và Văn Hoá Việt Nam
Bài đọc thơ Tùy Anh này đã được viết xong bốn ngày trước khi anh Nguyễn Hòa, Pháp Danh Nguyên Trí, bút hiệu Phù Vân và Tùy Anh, cựu Chủ Bút Tạp Chí Viên Giác do Hòa Thượng Thích Như Điển làm Chủ Nhiệm, đã từ giã cõi đời vào ngày 18 tháng 8 năm 2023 tại Đức. Vì vậy, bài này được đăng để tưởng niệm nhà thơ Tùy Anh và cầu nguyện Hương Linh Anh sớm về cõi Phật.
Lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX, XXI có nhiều khúc quanh nghiệt ngã, và thân phận của hàng chục triệu người Việt cũng chìm nổi theo những thăng trầm của đất nước. Nhưng có những người đã luôn cố gắng hết sức để làm những gì có thể làm được cho đất nước, xã hội Việt Nam, cho dù khi còn đang ở tại quê hương, hay khi đã rời nước ra đi, với tâm niệm “cần phải sống yên ổn với lương tâm của mình, cần phải làm điều mà mình tin là đúng và công bằng trong hoàn cảnh lúc ấy…” Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, nhân vật chính trong cuốn sách “Nguyễn Mạnh Hùng, khoảnh khắc nhìn lại” là một con người như vậy.
Sau khi đọc hai tập truyện ngắn của Phạm Tín An Ninh, tôi viết review và gửi cho anh thể hiện lòng hâm mộ của mình. Anh trả lời thư rất khiêm cung, giản dị và đầy tình cảm. Từ đó, chúng tôi thường liên lạc với nhau, anh coi tôi như người bạn nhỏ và tôi coi anh như một huynh trưởng của mình...
DUST CHILD/ Đứa Con Bụi, một thiên truyện của tác giả Nguyễn Phan Quế Mai, vừa được nhà xuất bản Algonquinn Books of Chapel Hill cho ấn hành...
Vợ chồng nhà báo Ngọc Hà & Du Miên rất quen thuộc với cộng đồng người Việt tị nạn gần nửa thế kỷ qua trong ngành truyền thông Việt ngữ vừa ấn hành sách “Việt Eden, Địa Đàng Hạ Giới” vào Hè 2023...
Khởi viết từ năm 2013, sách Tự Điển Tiếng Việt Đổi Đời vừa hoàn tất và được Ananda Viet Foundation ở Nam California xuất bản, Amazon phát hành...
Với tư cách một công dân, nhà văn Khuất Đẩu đã, ít nhất, không hổ thẹn là một người cầm bút...
"Một Tuần Một Đời", tác phẩm thứ bảy của Đặng Mai Lan, là một truyện dài hai trăm trang. Theo lời tâm sự của tác giả, truyện được hoàn tất chỉ sau vài tháng. Tác giả đã viết như được ai cầm tay ghi lên giấy...