Hôm nay,  

Chỉ là đồ chơi – Cho đời nhiều suy nghĩ...

08/07/202307:47:00(Xem: 2412)
Điểm sách

Cover_fromPDF 


Tản mạn nhân đọc tập Tạp bút “Chỉ là đồ chơi” của Trịnh Y Thư, sách do Văn Học Press tái bản dưới dạng eBook, năm 2023
.

 

***

 

Sách dày 318 trang gồm có 5 phần: Văn học; Âm nhạc & Hội họa; Tùy bút; Đối thoại; Cảm nhận, thiết kế sách đẹp, trang nhã. Một chút do dự, áy náy, tự lượng sức mình, tuổi cao, mắt yếu. Biết có đọc hết nổi tập sách, lại là đọc trên máy laptop, hay không? Mà không đọc thì... phụ lòng tác giả gửi tặng và... thấy uổng, vì bản thân cũng là một “con mọt sách”, khó lòng bỏ qua những quyển sách hay khi gặp phải. Chần chừ, do dự, rồi cũng chia... thời khóa biểu ra đọc, tùy theo thời gian và... cái lưng, chịu ngồi lâu không mỏi!
    Nhẩn nha, chậm rãi, rồi cũng đọc hết phần I, lại cuốn hút ở phần II... Cuối cùng cũng hết tập sách, lại bắt gặp rất nhiều tên tuổi “quen biết”, ghi lại cảm nhận qua những tác phẩm của Trịnh Y Thư nói chung và tập sách nói riêng về văn phong, phong cách, kiến văn và cả qua đời sống sinh hoạt hằng ngày của tác giả, thích thú, hứng khởi, đọc ngược lại tác phẩm từ phần V đến phần I, bỗng ngộ ra nhiều điều chung quanh cái gọi là “Đồ chơi” mà Trịnh Y Thư muốn gửi gắm.
    “Chỉ là đồ chơi”, theo Trịnh Y Thư, vì bởi anh tâm đắc với một ý mà nhà văn Võ Phiến đã ví sự nghiệp viết lách và các sáng tác của mình “chỉ là đồ chơi” mà anh sử dụng làm tựa đề cho quyển Tạp bút, song với tôi (người viết), thì “Đồ chơi” không chỉ có ý nghĩa giản đơn như trong Từ điển Tiếng Việt định nghĩa là: “Đồ vật dùng vào việc vui chơi giải trí cho trẻ em!” Nhưng không đơn giản vậy, bởi lẽ, người trưởng thành, người lớn, thậm chí là người già cũng cần “đồ chơi” để vui chơi, giải trí chứ? Đó là chưa kể “giải trí” về phạm trù thể chất hay tinh thần nữa kìa! Ý khác, nếu ta tách riêng hai từ “đồ” và “chơi” ra, cũng sẽ có thêm rất nhiều ý nghĩa “tường minh” và thú vị khác, xin được dành riêng để người đọc tìm hiểu.
    Trở lại tập sách, phần “Cảm nhận”, Trịnh Y Thư đưa ra 27 ý kiến của độc giả, gồm nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sĩ tên tuổi ở trong nước và hải ngoại, điều đó đã khẳng định ngòi bút của Trịnh Y Thư và giá trị của tập sách. Xin trích dẫn 3 cảm nhận để thấy rõ điều đó:
    Trịnh Y Thư là một người đọc nhiều, hiểu rộng, có thẩm quyền ở hai lĩnh vực thi ca và âm nhạc. Chỉ là đồ chơi là một tập phồn luận đa chiều, với những tư niệm phóng khoáng,văn phong lại nghiêm túc rất mực... ( Nhà văn Cung Tích Biền).
     Với tôi, lúc nào Trịnh Y Thư cũng là một nhà thơ, ngay cả lúc viết văn; và trong giao tiếp, ứng xử ngoài đời... (Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn).
     – “Ăn nằm” thường xuyên ở quảng-trường-văn-chương-thế-giới, với những dịch phẩm giá trị, tôi nghĩ, ít/nhiều đã là lực đẩy, thôi thúc Trịnh Y Thư thao thiết định hình cho thơ/văn của mình, một ID hay, thẻ nhận dạng riêng – Tách thoát khỏi cõi-giới văn chương ngày càng có nhiều dấu hiệu đồng phục... Với tôi, đó là những thao thiết không phải cây bút nào cũng lao tâm, khổ tứ, như Trịnh Y Thư. (Nhà thơ Du Tử Lê).
    Có lẽ đã đủ, và đó là niềm vui, hạnh phúc cho người viết. “Đồ chơi” đã trở thành... “Đời cho” tác giả cái vinh dự ấy, và tác giả cũng “Cho đời” lắm cái hay, ý vị để mà ngẫm nghĩ, giải trí cho chính tâm hồn mình về các lĩnh vực Văn chương, Hội họa, Âm nhạc và cả Triết học.
    Trịnh Y Thư tự nhận mình là người “đa mang”, song đó là cái đa mang của một bậc tài hoa, có kiến thức sâu sắc về nhiều lĩnh vực: Văn chương, Âm nhạc, Hội họa, thậm chí là Triết học. Đọc những bài viết của anh, người đọc thấy rõ, anh là người “đọc nhiều”, hiểu rộng, văn phong nghiêm cẩn, ý tứ rộng mở, dẫn dắt người đọc đi đến sự hiểu biết tường tận, để cùng đồng cảm và đồng ý với tác giả, cho dù những cái tên, những văn nghệ sĩ anh đưa ra dẫn chứng, có thể người đọc... chưa từng biết đến, nhất là đối với các bạn trẻ, thuộc thế hệ 6, 7, 8x... Ví dụ như Aleksandr Solzhenitsyn, Isaac Bashevis Singer, Leonard Bernstein, Franz Kafka, George Barker, Currer, Ellis, v.v... Và đó cũng là một yếu tố kích thích người ham đọc, ham tìm hiểu, đi vào tìm hiểu cụ thể từng cái tên một, há không là một sự khích lệ, cổ vũ có ích “cho đời” sao?
    Với dòng “cổ văn” của Văn học Việt, Trịnh Y Thư đặc biệt chú ý đến các cây bút nữ như Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, anh khâm phục với cách viết của “quý bà”, sẵn sàng... “ra hoang đảo một mình với tập thơ của Bà Chúa thơ Nôm”! Bên cạnh, anh còn dành nguyên một tạp bút cho quý bà với tựa đề “Phụ nữ và sáng tác Văn học”, khi anh dịch ra tiếng Việt tác phẩm “ Căn phòng riêng” của một nữ văn sĩ người Anh là Virginia Woolf và hóm hỉnh viết: “Tôi suốt đời chỉ yêu đàn bà, không nịnh họ thì nịnh ai đây, chẳng lẽ lại đi nịnh con chó xồm?” (trang 53). Điều mà rất nhiều Văn, Thi sĩ nam... khó lòng thú nhận!
    Anh cũng yêu quý dòng thơ Lục Bát, thể thơ truyền thống của dân tộc mà tiêu biểu là Thi hào Nguyễn Du. Có lẽ vì vậy, mà anh yêu thích thơ của thi sĩ Phạm Thiên Thư, một thi sĩ của miền Nam, xuất hiện vào đầu những năm 1960, nổi tiếng với những tác phẩm được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc như “Ngày Xưa Hoàng Thị”, “Đưa em tìm động Hoa Vàng”, đặc biệt là Phạm Thiên Thư còn có tác phẩm “Hậu Đoạn Trường Tân Thanh” là “Đoạn Trường Vô Thanh” ra mắt lần đầu tiên vào năm 1969, gồm 3290 câu thơ Lục bát, mang ý nghĩa nối tiếp Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du. Điều này, lại hóm hỉnh và cả “khiêm cung”, khi anh tự nhận cái bút danh Trịnh Y Thư của anh có 2 từ “Y THƯ” giải thích là... “giống y” Phạm Thiên Thư? Nhưng theo người viết bài này, Thơ của Trịnh Y Thư... không hề có cái hơi hướng của Phạm Thiên Thư, nói gì là “giống y”, chuyện... vui thôi mà!
    Trịnh Y Thư, theo giới thiệu, anh đi du học Mỹ quốc từ những năm 1970, tức là người theo “Tây học”, nên việc am tường văn chương phương Tây là điều hiển nhiên, kể cả anh là Dịch giả của một số tác phẩm tên tuổi, song anh cũng là người am hiểu văn chương cổ Trung Quốc và cả ở trong nước đến trào lưu sau này là Hiện đại, rồi Hậu hiện đại, Tân hình thức... Chuyện anh “hoài cổ” với hai từ “ Duềnh quyên” và có cả một bài viết giải thích chu đáo, cặn kẽ, đã khiến độc giả vô cùng thích thú và khâm phục. Và đối với anh, việc cập nhật, theo sát những chuyển biến văn chương trong các tác giả là bạn bè chí cốt, tâm giao, hay bằng hữu văn chương, dù trong nước hay hải ngoại, vẫn là công việc thường ngày, thú vị và mong ước một ngày...
    Vâng, “Chỉ là đồ chơi”, không chỉ “ Mua vui cũng được một vài trống canh” mà còn là “Đời cho” và “Cho đời” cả tâm hồn và bao nỗi niềm tâm sự cần phải ngẫm ngợi lâu dài...
 

– Trần Hoàng Vy

(Katy, July 4, 2023)

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tuốt Kiếm Phương Xa là tác phẩm đầu tiên đưa ra cái nhìn khác với tất cả những cuốn sách của các sử gia Tây Phương viết về chiến tranh Việt Nam trong nửa thế kỷ qua... Và Hồi ký Bóng Mây Tình Yêu ghi lại cuộc đời sóng gió của một người dân Miền Nam suốt chiều dài cuộc chiến...
Lịch Sử của Một Cộng Đồng – Giới thiệu cuốn “Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn Hải Ngoại” và “Communities of Vietnamese Refugees Overseas” – Viện Nghiên Cứu Lịch Sử Và Văn Hoá Việt Nam
Bài đọc thơ Tùy Anh này đã được viết xong bốn ngày trước khi anh Nguyễn Hòa, Pháp Danh Nguyên Trí, bút hiệu Phù Vân và Tùy Anh, cựu Chủ Bút Tạp Chí Viên Giác do Hòa Thượng Thích Như Điển làm Chủ Nhiệm, đã từ giã cõi đời vào ngày 18 tháng 8 năm 2023 tại Đức. Vì vậy, bài này được đăng để tưởng niệm nhà thơ Tùy Anh và cầu nguyện Hương Linh Anh sớm về cõi Phật.
Lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX, XXI có nhiều khúc quanh nghiệt ngã, và thân phận của hàng chục triệu người Việt cũng chìm nổi theo những thăng trầm của đất nước. Nhưng có những người đã luôn cố gắng hết sức để làm những gì có thể làm được cho đất nước, xã hội Việt Nam, cho dù khi còn đang ở tại quê hương, hay khi đã rời nước ra đi, với tâm niệm “cần phải sống yên ổn với lương tâm của mình, cần phải làm điều mà mình tin là đúng và công bằng trong hoàn cảnh lúc ấy…” Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, nhân vật chính trong cuốn sách “Nguyễn Mạnh Hùng, khoảnh khắc nhìn lại” là một con người như vậy.
Sau khi đọc hai tập truyện ngắn của Phạm Tín An Ninh, tôi viết review và gửi cho anh thể hiện lòng hâm mộ của mình. Anh trả lời thư rất khiêm cung, giản dị và đầy tình cảm. Từ đó, chúng tôi thường liên lạc với nhau, anh coi tôi như người bạn nhỏ và tôi coi anh như một huynh trưởng của mình...
DUST CHILD/ Đứa Con Bụi, một thiên truyện của tác giả Nguyễn Phan Quế Mai, vừa được nhà xuất bản Algonquinn Books of Chapel Hill cho ấn hành...
Vợ chồng nhà báo Ngọc Hà & Du Miên rất quen thuộc với cộng đồng người Việt tị nạn gần nửa thế kỷ qua trong ngành truyền thông Việt ngữ vừa ấn hành sách “Việt Eden, Địa Đàng Hạ Giới” vào Hè 2023...
Khởi viết từ năm 2013, sách Tự Điển Tiếng Việt Đổi Đời vừa hoàn tất và được Ananda Viet Foundation ở Nam California xuất bản, Amazon phát hành...
Với tư cách một công dân, nhà văn Khuất Đẩu đã, ít nhất, không hổ thẹn là một người cầm bút...
"Một Tuần Một Đời", tác phẩm thứ bảy của Đặng Mai Lan, là một truyện dài hai trăm trang. Theo lời tâm sự của tác giả, truyện được hoàn tất chỉ sau vài tháng. Tác giả đã viết như được ai cầm tay ghi lên giấy...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.