Hôm nay,  

“Thoát Khỏi Sài Gòn” – Câu chuyện về một nghĩa cử cao đẹp

26/05/202319:52:00(Xem: 3328)
Điểm sách

outsaigon

Viên lãnh sự ngước nhìn tôi và hỏi: 
    – Anh nói 62 người phải không, sir? 
    – Xác nhận.
    – Tôi thực sự nghi ngờ anh có thể lo cho 62 người. Anh bao nhiêu tuổi rồi? –  Ông ta đang thực hiện nhiệm vụ của mình trong tư cách là một viên chức lãnh sự quán tuyên thệ với công vụ.
    – Tôi hai mươi bảy tuổi, nhưng tôi có kha khá tiền.
    – Mối quan hệ của anh với những cá nhân này là gì?
    – Họ là gia đình của tôi. – Tôi giữ thẳng ánh mắt, như trong bất cứ cuộc trò chuyện trung thực, chân thành và nghiêm túc nào khác. – Nếu tôi xem họ là gia đình thì họ là gia đình và chỉ vậy thôi.
    Ông ta chựng lại, lưỡng lự. Ông là một viên chức chính phủ, nhưng ông cũng là một con người. Tôi cúi xuống và nói:
    – Ông có thể làm nhiều điều gây tổn hại hay nhiều điều tốt.
Ông lấy một xấp đơn mà không cần đếm. –  Chừng này chắc đủ rồi. –  Ông đứng dậy và bắt tay tôi thật chặt. 
    – Xin Chúa phù hộ ông, ông White. Điền xong nhớ mang lại đây...
 
***
 
Mẩu đối thoại trên là của chàng thanh niên 27 tuổi là Ralph White với nhân viên Đại sứ quán Hoa Kỳ trong những ngày cuối tháng Tư năm 1975 của miền Nam Việt Nam trong cuốn hồi ký Thoát Khỏi Sài Gòn (Getting Out of Saigon) của ông vừa được nhà xuất bản Simon and Schuster phát hành.
    Ralph White là một đại diện tạm thời và người Mỹ duy nhất của chi nhánh ngân hàng Chase Manhattan tại Sài Gòn và là người đã sắp xếp, bảo trợ đưa 53 nhân viên cùng con cái, thân nhân của họ, cuối cùng tổng cộng đến 113 người Việt di tản sang được Mỹ. 
    Việt Nam không phải là điểm đến xa lạ với Ralph White khi từ Thái Lan, anh được cấp trên đề nghị đưa anh sang Sài Gòn thay thế cho người trưởng chi nhánh mang quốc tịch Hà Lan. Chase lo ngại rằng, nếu ở lại và sắp xếp cho nhân viên, nếu ông ta cần phải di tản vào phút cuối một khi Sài Gòn thất thủ, viên chức này với sổ thông hành Hà Lan không phải nằm trong danh sách những công dân Mỹ được ưu tiên di tản khỏi Sài Gòn.  
    Bốn năm trước, vào năm 1971 khi vừa ra trường, Ralph White đã từng sang và làm việc cho American Express tại Pleiku rồi chuyển sang làm việc cho Chase Manhattan như một chuyên viên ngân hàng tại các quốc gia Châu Á Hồng Kông và Thái Lan. Ralph White chỉ là nhân viên cấp nhỏ và chưa nhiều kinh nghiệm, lý do ông được đưa qua Sài Gòn theo lời ông nói có lẽ vì không ai muốn qua trong tình trạng Việt Nam lúc mà hầu hết các chi nhánh ngân hàng ngoại quốc khác đã đóng cửa.
    Cục diện chính trị và quân sự những ngày giữa tháng Tư năm 1975 tại Việt Nam đã có dấu hiệu Sài Gòn sẽ bị thất thủ. Nhưng những thượng cấp của Chase Manhattan tại Châu Á vẫn còn những hy vọng rằng điều này không xảy ra hoặc sẽ xảy ra chậm hơn. Họ không muốn lặp lại sai lầm tại Hồng Kông trong cuộc chiến tranh Triều Tiên trước kia. Chase đóng cửa chi nhánh của mình quá sớm vì lo ngại hồng binh Trung Hoa tràn qua Nam Hàn sẽ tấn công và thôn tính luôn Hồng Kông, trong khi các ngân hàng Anh vẫn mở cửa và tiếp tục hoạt động. Chase Manhattan bị mất uy tín sau vụ này và bị giới tài phiệt Hồng Kông gọi là "kẻ bỏ bạn", theo lời giải thích của cấp trên Ralph White.
    Mặt khác, Chase Manhattan không muốn bỏ rơi các nhân viên người Việt của mình một khi Sài Gòn bị thất thủ. Với Ralph White, ông lo ngại rằng họ sẽ gặp nguy hiểm như khi quân Khờ– me Đỏ chiếm được Phnom Penh, họ đã hạ sát các nhân viên Cam– bốt làm việc cho Mỹ và phương Tây. Các thượng cấp và ông cũng đã bàn kế hoạch di tản các nhân viên người Việt tận tụy và trung thành của họ, ít nhất cũng phải đưa được những cấp quản trị người Việt rời Việt Nam.
    Hai tuần cuối tháng Tư tại Sài Gòn là hai tuần đầy bận rộn của Ralph White khi ông gặp gỡ cùng các giới chức cấp cao của tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Những cuộc trò chuyện, những tiết lộ từ các giới chức này là những chi tiết sử liệu quý giá cho những ai nghiên cứu về cuộc chiến biết thêm về suy nghĩ và tình hình Nam Việt Nam trong những ngày cuối, giới chức ngoại giao Hoa Kỳ biết gì, nhận xét gì về tình thế.
    Cao nguyên Trung phần thất thủ, mất Đà Nẵng, đại sứ quán Hoa Kỳ cũng biết rằng tình thế Nam Việt Nam đã khó xoay chuyển. Một phần đại sứ Graham Martin không muốn từ bỏ Sài Gòn và tòa đại sứ cũng không muốn di tản quá sớm, e rằng tình hình sẽ rối loạn khi người Mỹ bỏ chạy. Như Ralph White kể qua các cuộc trò chuyện của ông, cây cao trong khuôn viên tòa đại sứ cũng không đốn trước lấy bãi đáp trực thăng hạ cánh để lộ dấu hiệu tòa đại sứ chuẩn bị di tản, mà đợi cho đến phút cuối khi chính thức có lệnh di tản.
    Getting Out of Saigon là một hồi ký sống động với nhiều chi tiết giá trị, được kể bằng một giọng văn của một nhân vật thuộc lãnh vực tài chính nhưng lại khá lôi cuốn và hấp dẫn. Giọng văn khiêm tốn, có phần dí dỏm, không nói về mình mà hầu hết là kể lại sự việc xảy ra mà ông dự phần, hồi ký của Ralph White sống động và chân thật, mức khả tín cao.
    Tình tình tiết, câu văn trong Getting Out of Saigon cho thấy Ralph White là một nhân chứng am hiểu và theo dõi tình thế chính trị và quân sự tại Nam Việt Nam khá sát. Hay khác hơn ông đã đọc và biết sử khá nhiều. Ông kể tên những tướng Việt Nam Cộng Hòa, kể cả tướng Bắc Việt là tướng Văn Tiến Dũng –  người chỉ huy cuộc tổng tấn công vào Sài Gòn. Chính vì vậy mà Thoát Khỏi Sài Gòn dù là một tự truyện dạng hồi ký nhưng có những chi tiết mang giá trị lịch sử, cũng có thể ít nhiều là một nguồn tham khảo cho giới sử học và nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam với những sử liệu nếu chưa từng biết đến. 
    Ralph White sau này trở thành một cấp quản trị tài chính cao cấp của Chase khi về hưu và là cựu sáng lập tổ chức văn bút cho các cựu sinh viên đại học Comlumbia mà ông từng theo học tiếp về quản trị kinh doanh sau chiến tranh Việt Nam, có lẽ đó là lý do ông viết hồi ký của một bút pháp lôi cuốn một nhà văn có tài.
    Hầu hết các nhân viên của Chase được Ralph White bảo trợ đã di tản thành công, ngoại trừ những người không muốn ra đi vì lý do gia đình. Họ được sang Phi Luật Tân, đảo Guam rồi New York chỉ vài ngày trước khi Sài Gòn thất thủ. 
    Những người này đến Mỹ, với vốn tiếng Anh sẳn có, được các gia đình nhân viên của Chase Manhattan bảo trợ và ngân hàng hậu thuẫn, nhanh chóng tìm công việc phù hợp cho họ, có lẽ đây là nhóm người tị nạn gốc Việt sớm ổn định nhất trong làn sóng người Việt di tản năm 1975. 
    Ralph White và Chase Manhattan có lẽ là ân nhân lớn nhất của tất cả các gia đình gốc Việt này. Ralph White không xem họ là nhân viên, thuộc cấp hay người tị nạn mà xem những nhân viên Việt Nam như gia đình, người thân của ông. Trong suy nghĩ và cả với trả lời cùng nhân viên đại sứ quán bên trên.
    Có một điều bên lề cuốn sách là Ralph White không gặp lại bất cứ người Việt nào từng được ông bảo trợ cho đến lần đầu tiên cái Tết năm trước, sau gần 50 năm. Không biết ông liên lạc tìm lại được những người Việt này hay họ đã tìm lại ông? Quả cũng là điều ngạc nhiên khi Ralph White là ân nhân làm thay đổi cuộc đời của những nhân viên người Việt cùng gia đình họ.
    Câu chuyện của Ralph White qua hồi ký Getting Out of Saigon là một trong vô số câu chuyện cảm động, thấm đẫm tình người của những người Mỹ từng giúp đỡ, cưu mang những người tị nạn Việt Nam. Dẫu là một câu chuyện nhỏ trong bức tranh toàn cảnh, Getting Out of Saigon góp thêm vào chân dung cộng đồng gốc Việt về sự hiện diện của hàng triệu người gốc Việt đã đến Mỹ như thế nào.

 

– Đinh Yên Thảo

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tập “Thơ Khánh Trường” ra đời chỉ để “Vui thôi mà”, gồm ba phần: Phần 1: Ngẫu Hứng. Phần 2: Mai Anh Về Miền Trung & Những Bài Thơ Khác; và Phần 3: Khổ Lụy. Ngẫu Hứng là phần tôi thích nhất, tập hợp những bài thơ ngắn “bất chợt nẩy ra trong đầu”. Thơ được viết tự nhiên, không màu mè, không cơ bắp, không gồng, không làm dáng. Là phần mở đầu, Ngẫu Hứng cũng là phần tách riêng khỏi tập thơ, ở một vùng đất cao hơn, trên một khí hậu tươi mát, có nhịp sống tâm linh riêng. Trong khuôn khổ bài này xin chỉ đọc phần “Ngẫu Hứng”.
Lịch sử không mắc kẹt trong Nguyễn Thanh Việt, tác giả cuốn tiểu thuyết The Sympathizer (Cảm tình viên, Kẻ hai mặt, Kẻ nằm vùng, Kẻ nội tuyến) xuất bản năm 2015, nó bùng nổ dữ dội với nỗi phẫn nộ rát bỏng hiếm thấy trên một trang viết văn học nào...
Alexander Solzhenitsyn sau 8 năm lao tù (1945-1953) trong chế độ Cộng Sản Liên Xô đã ghi lại hình ảnh kinh hoàng, đau thương đó trong các tác phẩm The First Circle (Tầng Đầu Địa Ngục), One Day in The Life of Ivan Denitsovich (Một Ngày Trong Đời Của Ivan Denitsovich), Khu Ung Thư (Cancer Ward), Tầng Đầu Địa Ngục (The First Circle), Quần Đảo Ngục Tù (The Gulag Archipelago)… Những tác phẩm này đã được dịch sang Việt ngữ, ấn hành trước năm 1975 ở Sài Gòn...
Hồi ký "Người muôn năm cũ" của nhà văn Phạm Gia Đại dày trên 500 trang gồm có 17 chương, mỗi chương với vẻ riêng, đặc sắc của từng chương. Cuốn sách đưa chúng ta trở về những năm tháng tươi đẹp đầy kỷ niệm thương yêu của Sài Gòn, của miền Nam và những ký ức đau buồn sau ngày mất miền Nam, và những năm tháng sống trở lại với cuộc đời mới trên miền đất tạm dung...
Tuyển tập Những Mẩu Chuyện Đời của Đào Ngọc Phong là những dòng chữ phần lớn rất buồn, kể lại chuyện đời của anh, chuyện đời của những người anh gặp trong đời từ Việt Nam cho tới xứ người, chuyện của những người trong thế hệ của anh bị cuốn vào cuộc chiến phân đôi, chuyện của những người xa xứ đang ra sức mưu sinh, và chuyện vui buồn của một kiếp người. Chuyện rất buồn xen lẫn với chuyện rất vui. Và hầu hết là giữa những dòng chữ vẫn có các niềm vui có hậu.
Chủ Nhật (2PM-5PM), 24 tháng 3 năm 2024, GS Trần Gia Phụng từ Canada sang thuyết trình “Những Học Thuyết Chính Trị Hoa Kỳ Về Chiến Tranh Việt Nam” tại Viện Việt Học, 15355 Brookhurst St, Suite 222, thành phố Westminster và tham dự Giỗ Lễ Nhà Cách Mạng Phan Chu Trinh Lần Thứ 98 cùng ngày của Hội Ái Hữu Phan Chu Trinh Đà Nẵng (ông là giáo sư dạy sử của trường nầy)...
Nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc vừa ấn hành tác phẩm “9 Khuôn Mặt, 9 Phong Khí Văn Chương” – nội dung là viết về Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên. Cuốn sách dày 440 trang, chữ nhỏ, gồm các nhận định của Bùi Vĩnh Phúc (BVP) về các nhà văn, nhà thơ đã nuôi lớn một thời tuổi trẻ của tôi. Họ là những cây đa bóng mát của tôi, không chỉ ngoài đời và trong văn học, mà cũng là cả trong các giấc mơ những ngày tôi còn ôm sách tới trường. Tôi đã nói với Bùi Vĩnh Phúc như thế, rằng những người này, trong sách của bạn, thiệt sự là cả một cánh đồng tuổi thơ của tôi. Và tôi nghĩ rằng không thể nào viết đầy đủ về các khuôn mặt văn học này.
Xưa nay, mọi cuốn tiểu thuyết đều được xây dựng quanh một chủ đề. Dù trừu tượng hay cụ thể, từ chủ đề “mẹ” rẽ ra những nhánh chủ đề “con” - tất cả bám chặt vào một (hay hơn một) nhân vật, đan xen giữa những tình tiết, nối thắt những mẩu chuyện, từ đó phần hồn cuốn tiểu thuyết xuất hiện, tồn tại giữa những trang giấy, hóa kiếp thành suy tư của người đọc.
Đây là tập sách tranh song ngữ Anh-Việt của họa sĩ Lê Triều Điển. Xuyên suốt quyển sách là quá trình sống, học hành, sáng tác và bao nhiêu kỷ niệm từ thơ ấu cho đến ngày hôm nay. Đọc qua tập sách tôi thấy họa sĩ đã chọn tên sách có ý nghĩa rất hay, đầy hình tượng, thanh âm và sắc màu. Cuộc đời nhiều chìm nổi lênh đênh của người họa sĩ y hệt như những dòng sông mang nặng phù sa của vùng đất phương Nam...