Hôm nay,  

Đứng Ngẩn Trông Vời, Tập truyện của Hoàng Quân

04/05/202210:51:00(Xem: 2172)

Giới thiệu tác phẩm

Screenshot 2022-05-04 105317
1.

Một tác phẩm văn học, khi ra mắt công chúng, thường được mở đầu bằng bài tựa. Bài tựa, nếu do chính tác giả viết, thường là để giới thiệu nội dung và dụng ý của tác giả khi dựng tác phẩm. Nếu bài tựa do một người khác viết – những bạn văn, thơ trong giới – thì thường có chủ đích vừa giới thiệu tác giả, vừa giới thiệu tác phẩm.

Trường hợp của nhà văn nữ Hoàng Quân với tác phẩm “Đứng Ngẩn Trông Vời” không lọt vào một trong hai trường hợp thông thường nêu trên. Cái tên Hoàng Quân (gợi cho người đọc nghĩ rằng đó là tên của một người nam) không xa lạ lắm với người đọc và hầu như nhiều độc giả đã biết Hoàng Quân là một người viết nữ và cô mượn tên đứa con trai của mình làm bút hiệu. Vả lại, “Đứng Ngẩn Trông Vời” là tác phẩm thứ ba của Hoàng Quân chỉ trong một thời gian ngắn ngủi [Bông Hoa Trên Phím (2015), Nhớ Tiếng À Ơi (2016)]. Do đó, Hoàng Quân không cần một bài tựa để “nhờ người khác” giới thiệu mình với độc giả. Vậy thì bài tựa này chỉ còn một nhiệm vụ là giới thiệu tác phẩm đến người đọc. Mà có ai hiểu rõ nội dung tác phẩm hơn chính tác giả?

Nhưng, đôi khi, những tình cờ của đời sống đã giúp cho chúng ta thoát ra khỏi những ước lệ, những khuôn mẫu quen thuộc hằng ngày.

Trong ý nghĩa này, văn chương không là ngoại lệ.

2.

Một tình cờ của “duyên nợ văn tự” (chữ của Hoàng Quân dùng trong một bài viết) đã đưa Hoàng Quân đến với trang mạng văn học T.Vấn & Bạn Hữu do tôi phụ trách. Ngay lập tức, những truyện ngắn mang một vóc dáng rất riêng không thể lẫn vào với bất cứ tác giả nào khác – thành danh hay chưa thành danh, quá khứ hay hiện tại – của cô đã chinh phục được tôi, với tư cách chủ biên, cùng với sự thích thú trên tư cách độc giả. Chỉ một thời gian ngắn sau, trong chuyến du lịch của gia đình Hoàng Quân từ Đức qua Mỹ, tôi đã được gặp tác giả tại căn nhà của mình ở vùng ngoại ô thành phố Houston, nơi tôi mới dọn về nghỉ hưu. Và cùng với tác giả là hai nhân vật trong vô số nhân vật (có thật?) trong các truyện ngắn của cô. Đặc biệt, một trong hai nhân vật đó lại là người mà cô mượn tên làm bút hiệu Hoàng Quân, và cũng là nhân vật chính trong truyện ngắn “Đứng Ngẩn Trông Vời” được chọn làm tên chung cho tập truyện mà độc giả đang có trong tay. Nhân vật thứ hai là kẻ giữ một vai rất mờ nhạt so với nhân vật chính, dù anh là người góp sức cùng cô cho nhân vật chính ra đời.

Quả thực, gặp nhân vật lần đầu, tôi có cảm tưởng như chính mình đang “đứng ngẩn trông vời”.

Cảm tưởng ấy, chắc chắn không giống như tác giả đã ngậm ngùi khi kết câu truyện của mình “Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn… Không biết Bê có khái niệm áo tiểu thơ là gì chưa, đã có trận gió tình yêu nào đó thổi qua chưa. Riêng tôi, tôi thấy mình buồn buồn, đang đứng ngẩn trông vời đứa con mình khôn lớn, đủ lông cánh, xa dần khỏi tầm tay”.

Lần đầu tiên gặp nhân vật từ trong truyện bước ra, một nhân vật đặc sệt Huế với giọng nói, cách đi đứng, cử chỉ phong nhã của một thanh niên trên 30 tuổi vừa mới hoàn tất mảnh bằng trường Luật nơi xứ sở cậu được sinh ra, đi học, trưởng thành, không hề có một chút gì dính dáng đến miền đất thần kinh quê hương gốc gác của gia đình bên ngoại. Nhìn Hoàng Quân (nhân vật), tôi “đứng ngẩn trông” Hoàng Quân (tác giả). Đứa con trong tác phẩm (nhân vật) và đứa con trong đời thực của cô là hai đứa con song sinh. Chính xác hơn, cả hai chỉ là Một. Vì chúng giống nhau như hai giọt nước. Chúng “Huế” (Việt Nam) từ hình hài cho đến tâm hồn, dù cả hai đều được sinh ra ở một nước Đức xa xôi, nơi không có không khí Huế, thổ ngơi Huế, thức ăn Huế, nước uống Huế, sinh hoạt Huế nhưng vẫn có người con Huế (Hoàng Quân – nhân vật và người thực) được sinh ra và tạo thành. Tất nhiên, nơi đó có một bà mẹ Huế. Một bà mẹ Huế (Việt Nam) là đã quá đủ. Nhưng không phải bà mẹ Huế (Việt Nam) nào cũng sinh ra và nuôi dưỡng được những đứa con Huế (Việt Nam) như Hoàng Quân (tác giả) mà tôi đang nói đến ở đây.



“Đứng ngẩn trông” Hoàng Quân (tác giả) và Hoàng Quân (nhân vật), nhớ lại những truyện ngắn của cô tôi đã đọc một cách chăm chỉ, thích thú, tôi tin rằng cô là một trong những tác giả hiếm hoi đã đem được đời sống thật vào tác phẩm một cách khéo léo. Khéo léo đến độ người đọc không thể tự mình quả quyết những nhân vật trong truyện của cô là có thật hay hư cấu, dù những nhân vật ấy cũng quanh đi quẩn lại chỉ là cha mẹ, anh em, con cháu, bạn bè, thầy cô, bạn đồng nghiệp, v.v.

Mặt khác, những góc cạnh sần sùi của đời sống thực, của con người thực cùng với những tình tiết không phải lúc nào cũng mang tính “văn chương” đã được tác giả tận dụng khả năng “thơ phú” (đọc nhiều, nghe nhạc thường xuyên, thích nghêu ngao ca hát, cộng thêm trí nhớ tốt) đem vào tác phẩm qua việc khôn khéo sử dụng chữ, trích dẫn nhạc thơ, v.v… đã giúp “chà láng” bớt sự sần sùi ấy. Và cô làm công việc này một cách tự nhiên như sự việc vốn phải như thế nên dễ thuyết phục người đọc (tôi). Chính khả năng trời phú này của Hoàng Quân (tác giả) đã góp phần “đánh lừa” độc giả về tính hư cấu hay có thật trong các tác phẩm của mình.

3.

Tập truyện “Đứng Ngẩn Trông Vời” ngoài nhân vật chính đã đứng trước cửa nhà tôi khoanh tay cúi đầu “Chào Bác ạ!” khiến tôi phải “đứng ngẩn trông” tác giả, còn có một số truyện khác kể về một số những nhân vật khác, gồm cả chó chuột chim cá, cùng với những bối cảnh làm nền tưởng chừng như không có chút liên hệ gì với nhân vật chính, nhưng người đọc mang cảm tưởng nhìn thấy thấp thoáng đằng sau hậu trường bóng dáng nhân vật chính khi ẩn khi hiện. Mối quan hệ máu thịt giữa tác giả và nhân vật chính hầu như chi phối toàn bộ tác phẩm, hay ít nhất, là phần lớn các truyện của tác phẩm.

Ngay tên của tập truyện: “Đứng Ngẩn Trông Vời” cũng dễ làm cho người đọc liên tưởng ngay đến những tình cảm mơ mộng lãng mạn của tuổi mới lớn. Vả chăng, nhân vật chính của tác phẩm cũng là một chàng trai trẻ tuổi, vừa mới túy lúy xong chén rượu Đại Đăng Khoa, thì việc chuẩn bị Tiểu Đăng Khoa phải là điều tất nhiên. Thế nhưng, suốt chiều dài câu chuyện, người đọc không hề thấy bóng dáng áo tiểu thơ, để rồi đến cuối truyện, mới vỡ lẽ ra rằng tác giả đang “đứng ngẩn trông vời đứa con mình khôn lớn, đủ lông cánh, xa dần khỏi tầm tay”. Từ đó, người đọc suy ra, chẳng phải ngẫu nhiên, tác giả lấy tên con trai làm bút hiệu cho đời văn (muộn) của mình. Năm mười năm nữa, nếu Hoàng Quân còn tiếp tục viết, và không đổi hướng, hẳn chúng ta sẽ chỉ cần đọc cô mà vẫn có thể biết được những thăng trầm buồn vui trong cuộc đời của nhân vật chính đã từng từ đời sống bước vào (đúng hơn, được mẹ dìu vào) những trang truyện từ thuở còn ấu thơ.

Đó là cái rất riêng của Hoàng Quân, cái làm nên một Hoàng Quân, cây bút tính đến nay đã góp mặt với làng văn hải ngoại 3 tác phẩm chỉ trong vòng hơn 3 năm ngắn ngủi.

– T.Vấn

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong đời, thế nào cũng có lúc chúng ta nằm bệnh, hoặc có người thân nằm bệnh. Trường hợp như thế, lời khuyên thực dụng nhất là nên tìm đọc và áp dụng những dòng thơ Ngọa Bệnh Ca của Ni Trưởng Trí Hải. Thí dụ như những dòng thơ: Hãy để tâm vắng lặng Theo dõi hơi ra vào Thấm nhuần chân diệu pháp Trong từng mỗi tế bào Hãy biến ngay giường bệnh Thành một chốn đạo tràng.
Đọc xong đã lâu, định bụng sẽ viết những cảm nhận nhưng cứ lần lữa hoài. Dẫu biết rằng “Phò mã tốt áo” không cần phải khen, nói chỉ thêm dở, tán thêm tệ, viết lại thừa nhưng không viết thì tâm cảm thấy không yên. Cuối cùng rồi tôi cũng thắng được sự lười biếng để ngồi xuống trang trải chút tâm ý với đời. Cuốn Trong Những Thoáng Chốc dày 350 trang là tập tùy bút và tạp ghi của nhà văn Vĩnh Hảo. Vĩnh Hảo là một cây bút đầy nội lực và sung mãn, anh viết trong suốt mấy chục năm ở hải ngoại. Anh đã cho xuất bản 13 tác phẩm văn và thơ, ngoài ra còn có hàng trăm bài viết khác trên các trang mạng của bạn bè. Anh còn có trang web www.vinhhao.info lưu giữ tất cả những sáng tác. Vĩnh Hảo vừa là họ tên và cũng là bút danh.
Đọc xong hai quyển “Theo dấu thư hương” và “Chỉ là đồ chơi” của nhà văn Trịnh Y Thư đã lâu, trong lòng cảm hứng muốn viết một chút cảm nhận nhưng cứ bận bịu nên lần lữa mãi. Thật ra mà nói thì tôi cũng không biết viết như thế nào và bắt đầu từ đâu, đây là lần đầu làm cái việc viết cảm nhận về sách. Tôi biết mình không có khả năng đọc sâu, nhìn nhận hay phân tích. Tôi xưa nay vốn đơn thuần dùng cảm tính chứ chẳng biết dùng lý tính nên cứ mơ hồ ngu ngơ...
Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải. Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.
Tiểu Lục Thần Phong, tên thật là Nguyễn Thanh Hiền, sinh năm 1971, nguyên quán Diêu Trì, Bình Định, hiện sinh sống tại Georgia, Hoa Kỳ, là cây viết sung sức và quen thuộc của các báo Chánh Pháp, Việt Báo (California), Trẻ (Houston, Texas)... Đã xuất bản 10 tác phẩm gồm Văn, Thơ và nhiều tác phẩm in chung khác...
Phê Bình . Nhận Định -- BÙI VĨNH PHÚC -- VĂN HỌC PRESS xuất bản, 2024...
NGÔ THẾ VINH, BẰNG HỮU VÀ VĂN CHƯƠNG là tuyển tập đặc biệt thứ ba, do tạp chí Ngôn Ngữ hân hạnh đứng tên xuất bản và phát hành rộng rãi...
Trong 3 thập niên qua, trong lãnh vực văn học nghệ thuật với văn, thơ, âm nhạc... tôi đã viết về tác giả, tác phẩm cho các tờ báo cộng tác và đảm trách sau đó được phổ biến trên các website & blogspost...
Gọi là “Hạnh ngộ” vì đây là sự kiện thi ca hiếm có xảy ra tại Việt Nam, do một cá nhân, chính là dịch giả chuyển ngữ đề xướng và được hơn 240 tác giả thơ ở khắp nơi trong nước và 60 tác giả thơ hải ngoại, sinh sống và làm việc tại 7 quốc gia trên thế giới cùng “gặp nhau” trong một tuyển tập “đồ sộ” song ngữ Việt-Anh, mang tên “Nhịp Điệu Việt / The Rhythm of Vietnam”...
Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ và nay chúng ta đang sống trong giai đoạn 4.0 nên thế giới phẳng. Nhờ đó có sự kết nối giao lưu tương tác giữa những người có cùng sở thích. Trong số những tín đồ thi ca, tác giả Ngọc Trân là một trong những cây bút sáng tác nhiều thơ trữ tình. Gần đây anh có gửi cho tôi bản thảo tập thơ Tìm Lại Dấu Xưa sắp xuất bản có trên 100 bài...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.