Hôm nay,  

Chân Văn - Đỗ Quý Toàn: CHÚ GÀ CON GIỮ CHÁNH NIỆM

17/04/202212:58:00(Xem: 1474)

blank
Bản tiếng Anh mua ở đây, trên Amazon.

Bản tiếng song ngữ, Lotus Media đang chuẩn bị ra mắt.

 

Cuốn sách nhỏ này có thể áp dụng được. Trẻ em có khả năng tập sống trong chánh niệm một cách tự nhiên, dễ dàng. Tôi đã thấy và đã học, từ một cháu bé.

Hồi ba, bốn tuổi, cháu Anica thường được gửi ông bà ngoại nhiều lần, có khi ở lâu mấy tháng. Buổi tối bà ngoại ngồi thiền, cháu hỏi bà làm gì, sao không chơi với cháu. Bà nói bà ngồi thở, tốt lắm. Bà rủ cháu cùng ngồi. Cháu vì thương bà nên đồng ý ngồi xuống, được mấy lần.

Khi cháu 6, 7 tuổi, ở xa ông bà đã mấy năm, một hôm mẹ cháu điện thoại kể ông bà nghe một bài cháu viết trong lớp. Cô giáo bảo các học sinh hãy kể lại về nơi nào mình thích nhất. Anica kể ở nhà ông bà. Cháu nhắc đến chuyện buổi tối bà rủ ngồi thở, viết “… có thể nói là chán lắm, nhưng cũng tốt. Vì bây giờ mỗi khi tôi bực tức (upset) chuyện gì, tôi thở một hơi từ từ, thấy hết upset.”

Cháu Anica theo bố mẹ qua sống ở Thái Lan lúc một tuổi. Nhà cháu ở trong khu Đại học Mahidol. Mỗi khi theo bố mẹ ra ngoài, cháu thấy các sinh viên đi tới góc đường thì đứng lại, ngưng trò chuyện, chắp tay vái pho tượng Phật trên ban thờ. Dân Thái Lan hay đặt bàn thờ Phật khắp nơi như vậy. Ngày ngày, Anica bắt chước vái theo. Cháu học được động từ “vái” trong tiếng Thái Lan.

Khi về thăm ông bà ở Mỹ, vào trong nhà thấy bàn thờ Phật cháu cũng dừng chân, chắp tay, vái. Ra vườn thấy pho tượng Quán Thế Âm, cháu cung kính vái. 

Một hôm hai ông cháu cùng ở vườn sau nhà, ông ngồi đọc sách, cháu tha thẩn với mấy món đồ chơi. Có lúc, ông ngoại ngẩng đầu lên khỏi cuốn sách để tìm cháu, thấy cháu đang đứng trước một bông hoa. Cháu đứng nhìn hoa, im lặng, khoảng một phút đồng hồ, rồi bỗng dưng cháu chắp hai bàn tay lại, vái bông hoa, cung kính như vái Phật. 

Ông ngoại ngạc nhiên hỏi: “Anica, tại sao  con vái bông hoa?” Tôi nói tiếng Anh, trừ động từ “vái.” Cháu trả lời: “Vì nó đẹp quá!” (Because, it’s beautiful!)

Đứa cháu ba bốn tuổi đã dậy ông một bài học. Nhìn một bông hoa đẹp, nhìn chăm chú, nhìn toàn thể, nhìn bằng mắt, nhìn bằng cả tâm, thân. Cả thế giới chỉ còn bông hoa và người đứng ngắm hoa. Người và hoa thở chung một bầu không khí, trao đổi với nhau trong im lặng. Không biết cháu thấy bông hoa đẹp thế nào đến nỗi trong lòng nổi lên một niềm mến yêu, cung kính, biết ơn, cháu chắp tay vái.



Từ đó, mỗi khi nhìn một bông hoa tôi lại thực tập bài học của Anica. Khi thấy một cảnh chiều tà mặt trời đỏ ối, tôi chăm chú định thần ngắm nghía. Gặp một tảng đá đẹp, một gốc cây già, một búp lá xanh, tôi chiêm ngưỡng, rồi cúi đầu vái. Thế giới chung quanh thay đổi.

Các em nhỏ có thể thực tập theo cuốn sách này của Bạch Xuân Khang và Bạch Xuân Phẻ. Tập thở chậm và đều. Dễ lắm. Tập khi ăn thì biết đang ăn gì, ăn thế nào, cảm thấy miệng mình tiếp xúc với từng miếng thức ăn. Khi đi, biết chân mình bước thế nào, mỗi hơi thở mình đi mấy bước. Như thế gọi là có chánh niệm. Khi trong lòng nổi lên một niềm vui hay một nỗi bực bội, bỗng nhiên mình nhận ra: Ah! Mình đang vui! Ah! Mình đang giận! Đó cũng là có chánh niệm.

Bất cứ người theo tôn giáo nào hay không có tôn giáo đều có thể thực tập chánh niệm. Sống chánh niệm quen dần dần, sẽ thấy mình sống bình an, hạnh phúc hơn. 

Xin mời quý vị thử đọc cuốn sách nhỏ này, đọc từ từ, từng dòng, từng chữ. Đọc một trang rồi gấp sách lại, thở một hơi dài chậm và đều. 

Xin chép tặng quý vị và hai tác giả một bài thơ viết ở Làng Cây Phong, Québec, Canada, là nơi chúng tôi vẫn về thực tập sống chánh niệm. 

HÂN HOAN NHƯ MỚI THỞ LẦN ĐẦU

Ở trên núi rất nhiều không khí

Người tới đó tha hồ được thở

Hít vô hai lá phổi đã đời

Máu chảy nhộn nhịp tim hớn hở

*

Không khí rất tốt cho sức khỏe

Phải nói, không khí là nguồn vui

Dù người hăm bốn giờ bận rộn

Cũng nên thỉnh thoảng thở vài hơi

*

Vì không khí quý báu như thế

Cho nên mình phải thở đàng hoàng

Như khi người bịnh cần tẩm bổ

Phải đọc kỹ cách dùng thuốc thang

*

Trước hết người thở phải hít vào

Hít vào đầy đủ rồi thở ra

Hít vào, thở ra, bụng nghe ngóng 

Cẩn thận như hồi tập lái xe

*

Dù mình biết thở không khó lắm

Nhưng thở vô ý là phí phạm

Trái đất, cỏ cây và mặt trời

Giữ bầu khí quyển mấy tỷ năm

Không biết, dùng sai, thật rất uổng

*

Cho nên vừa thở vừa chăm chú

Thở ra xong rồi là hít vào

Mỗi bận về Làng, lòng rộn rã

Hân hoan như mới thở lần đầu



Đỗ Quý Toàn

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Lối Về Của Nước là một tập truyện & kịch có những nét đặc biệt. Nó viết về Con Người, về Ngôn Ngữ, về Hiện-hữu-người, Thể-tính-người. Nó trình hiện trước mắt người đọc những tương-giao-người giăng mắc, chồng chéo, và đầy phức tạp. Tất cả chập chờn giữa mộng và thực. Mộng và thực gắn bó, trộn lẫn vào nhau. Con người nhìn vào hiện cảnh như nhìn vào một giấc mơ...
Chúng tôi thật vinh hạnh và danh dự khi được Giáo sư Nguyễn Bá Chung yêu cầu điểm sách đặc biệt này của một trong những bậc Thầy được tôn kính và ngưỡng mộ nhất ở Việt Nam. Cuốn sách có tên DREAMING THE MOUNTAIN – GIẤC MƠ TRƯỜNG SƠN của Tuệ Sỹ...
Mẩu đối thoại trên là của chàng thanh niên 27 tuổi là Ralph White với nhân viên Đại sứ quán Hoa Kỳ trong những ngày cuối tháng Tư năm 1975 của miền Nam Việt Nam trong cuốn hồi ký Thoát Khỏi Sài Gòn (Getting Out of Saigon) của ông vừa được nhà xuất bản Simon and Schuster phát hành...
Hai mươi lăm truyện trong tập sách, ngoài những mảnh đời oái oăm của thế thái nhân tình trong đời sống xã hội hiện tại. Bạn và tôi còn đọc được những câu chuyện thú vị như: Vong Hồn Trên Sông, Đứa Con Phù Thủy, Đôi Mắt Tiền Kiếp, Hẹn Hò… Những câu chuyện có tính cách hoang đường, ma mị, xảy ra ở một quận lỵ heo hút nào đó của tỉnh Quảng Trị, nơi tác giả sinh ra và đã có một thời thơ ấu êm đềm...
Trust (tạm dịch là Niềm Tin) là cuốn sách thứ hai, đoạt giải Putlizer 2023, thuật lại những khúc mắc của chủ nghĩa tư bản thời hiện đại. Mở đầu bằng sự việc dẫn đến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929, sau những đợt bùng nổ và sụp đổ của lịch sử kinh tế từ quan điểm của từng cá nhân. Trust là một tác phẩm hiện đại táo bạo — trong suốt bốn màn, mỗi màn được đóng khung như một “cuốn sách” — tìm cách phá bỏ những quy ước chắc nịch làm nền tảng cho những huyền thoại về sức mạnh của nước Mỹ.
Tôi đưa quyển sách cho con trai, nói con đọc đi. Nó đọc một hai truyện gì đó, rồi nói, ngôn ngữ cũ mèm má ơi. Có vài chỗ khó hiểu nữa. Phải, ngôn ngữ “cũ mèm”, và có vài chỗ “khó hiểu” nữa, ngay cả với tôi. Con tôi thuộc thế hệ của Doraemon rồi Harry Potter. Tôi thuộc thế hệ của Hương Rừng Cà Mau của Sơn Nam, của những truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc trên tạp chí Hương Quê một thời xa lơ xa lắc có lẽ đã trên dưới 60 năm. Cho nên tôi đã miệt mài “ôm” quyển sách trong nhiều ngày liên tục, rảnh được lúc nào là đọc, không theo thói quen con-cà-con-kê của mình...
Tôi chẳng nhớ là mình đã đi vào Thiền tự bao giờ, chỉ biết rằng những ý tưởng nhuốm màu Thiền đã nhật tích nguyệt lũy thấm dần vào tôi như những giọt nước rơi liên tục làm lõm phiến đá. // I cannot recall when I entered Zen Buddhism. I only know that, like drops of water persistently indenting a stone, Zen-like thoughts have been seeping into my mind day by day and month by month.
Tác giả là Ben Kiernan, sinh năm 1953, từng là Giáo sư “Sử học và Các Môn Học Quốc tế và Vùng” tại Đại học Yale nổi tiếng. Ông từng lập ra Chương trình về Diệt Chủng Cambodia và Chương Trình Nghiên Cứu Về Diệt Chủng. Sách của ông trước đây bàn về diệt chủng ở Cambodia cũng như trong những giai đoạn khác của lịch sử loài người
Chúng ta phần lớn từng học sử theo niên đại với nhiều chi tiết tên tuổi cần phải nhớ để đi thi, hay đọc sử nước nhà qua lăng kính của một người công dân gắn bó với quê hương và di sản tổ tiên để lại. Tác giả Goscha là một nhà khoa bảng chuyên về sử học từng được một giáo sư sử học quốc tế nổi tiếng người Việt (từng là giáo sư của Miền Nam Việt Nam) hướng dẫn, và từng huấn luyện và khảo cứu ở nhiều nước liên hệ đến Việt Nam (Pháp, Mỹ, Canada, Úc, Thái Lan). Được một chuyên gia tầm cỡ như thế trình bày những câu chuyện về đất nước, ông bà của của chính chúng ta qua lăng kính đặc biệt của một người ngoại cuộc giúp chúng ta có một cái nhìn toàn diện hơn, và không kém phần thú vị về một đề tài tuy cũ nhưng vẫn còn nhiều điều mới mẻ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.