Hôm nay,  

Giới thiệu sách "Việt Nam Tân Sử" của Christopher Goscha

22/04/202313:55:00(Xem: 1963)
Điểm sách

gosha

Vietnam, A New History (Việt Nam Tân Sử), trên 500 trang, Basic Books (2016) của Christopher K. Goscha, giáo sư ở Đại Học Québec tại Montréal, Montreal, Canada.


Tác giả (sinh 1965) từng học và nghiên cứu ở Mỹ, Úc, Pháp về lịch sử thời thuộc địa và hậu thuộc địa của vùng Đông Nam Á; từng trải nhiều năm tìm tòi ở Thái Lan, Lào, Việt Nam và học về tiếng Việt ở Đại Học Hà Nội. Luận án tiến sĩ của ông ở Pháp, “Le contexte asiatique de la guerre franco-vietnamienne : Réseaux, relations et économie (1945-1954)” được giáo sư người Việt Nguyễn Thế Anh hướng dẫn ở Đại Học Sorbonne (Paris).
     Christopher Goscha từng tìm cách nghiên cứu vấn đề Việt Nam trong bối cảnh rộng hơn của Á Châu và Đông Nam Á thay vì chỉ giới hạn trong những động cơ dân tộc chủ nghĩa Việt Nam hay phong trào chống thực dân Pháp. Trước đó, từ luận án thạc sĩ, vào năm 1999, Goscha từng xuất bản cuốn “Thailand and the Southeast Asian Networks of The Vietnamese Revolution, 1885-1954”, nói về mối liên hệ giữa cộng đồng hàng ngàn người Việt và Hoa ở Thái Lan, với một "đạo quân vô hình gồm những người buôn bán, người tội phạm, mại dâm và thuỷ thủ" và những phong trào cách mạng ở Việt Nam từ phong trào Cần Vương đến mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954. Cuốn “Vietnam, A New History” cũng tiếp tục đường lối tiếp cận đa diện, giới hạn tầm nhìn quốc gia chủ nghĩa và xét đến chiều kích địa sử ký và địa chính trị của chuyện kể Việt Nam với tầm quan trọng của vị trí của nước này giữa vùng Đông Nam Á, cũng như biên giới tiếp giáp với Trung Hoa, Lào và Cambodia. Ông cũng là tác giả một cuốn tự điển về chiến tranh Pháp Việt (1945-54); đáng chú ý là ông tự viết lấy toàn bộ cuốn sách khá đồ sộ này, xét về nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc xung đột, ông không phải chỉ là chủ biên với sự cộng tác của nhiều người khác như trong trường hợp các cuốn từ điển khác (Historical Dictionary of the Indochina War (1945–1954): An International and Interdisciplinary Approach (Hardcover) by Christopher E. Goscha (2012)).
     Nguyên thuỷ, do nhu cầu của càng ngày càng nhiều người biết đến và viếng Việt Nam, tác giả được nhà xuất bản Penguin yêu cầu viết một cuốn sử về Việt Nam hiện đại, nhưng lúc hoàn thành cuốn sách bao gồm các khoảng thời gian trước thời hiện đại, và cuốn “The Penguin History of Modern Vietnam” gặt hái được nhiều ca ngợi và giải thưởng. Cuốn sách được xuất bản ở Mỹ với tên “Vietnam, A New History” và bìa khác. Sách được giải thưởng John K. Fairbank về Lịch sử Đông Á năm 2017 của Hội Sử Học Hoa kỳ (American Historical Association).
     Có lẽ vì tác giả chuyên nghiên cứu về các vấn đề chiến tranh lạnh, chiến tranh Đông Dương và các vấn đề xuyên quốc gia ở Đông Nam Á, phần nói về lịch sử Việt Nam trước thời cận đại chỉ chiếm một phần nhỏ trong cuốn sách, trong chương đầu "Northern Configurations" gồm 32 trang. Nói về tiếng Việt trong thời kỳ Bắc thuộc, Goscha viết “Hàng ngàn người Tàu đến vùng châu thổ định cư trong giai đoạn thuộc địa, đem theo với họ một tập hợp tư tưởng, công nghệ và từ ngữ mới. Hôn nhân cùng với dân địa phương xảy ra thường xuyên, cũng như những đứa con hai dòng máu và tình trạng song ngữ. Giống như tiếng Anh Trung đại (Middle English) phát sinh từ việc người Norman [con cháu người Vikings, định cư vùng Normandie, bắc nước Pháp] chiếm nước Anh vào thế kỷ thứ 12, một ngôn ngữ An Nam trung đại (Middle Annamese) khởi phát ở các thành phố Việt Nam thời thuộc địa, cho phép nhiều từ ngữ tiếng Hoa đi vào ngôn ngữ Việt vào thời đó” (trang 19). Lối giải thích này có điểm giống Keith Taylor ở điểm cho rằng một loại “Middle Annamese” khởi phát từ các “thị xã" của An Nam thời đó từ những người Tàu định cư lập gia đình với người Việt, con cháu họ lai Việt và cộng đồng này dùng hai thứ tiếng (song ngữ) một cách phổ biến.
     Trong tiếng Anh thời trung đại (Middle English), bắt đầu với sự xâm chiếm của người Norman (1066), và kéo dài đến thế kỷ thứ 15 để chuyển qua thời cận đại, ngữ pháp tiếng Anh cổ được giản dị hoá hay phế thải, một số lượng lớn các từ ngữ tiếng Pháp được du nhập trong các lãnh vực luật pháp, chính trị, nghệ thuật, tôn giáo và tiếng Anh dùng trong triều vua. Thời ban đầu của giai đoạn này không sản xuất được bao nhiêu về văn chương vì vị thế tiếng Pháp cao hơn, có uy tín hơn nên người ta chuộng viết bằng tiếng Pháp hơn tiếng Anh. Có lẽ Goscha muốn nói tiếng Việt “An Nam trung đại” cũng thành hình từ những người song ngữ du nhập tiếng Tàu vào tiếng địa phương, tuy tiếng Tàu vẫn giữ địa vị cao hơn trong giới “elite” học thức và biết đọc biết viết.
     Nội dung nặng về chính trị, nhất là địa chính trị và đặt lịch sử Việt Nam vào bối cảnh của vùng Đông Nam Á và thế giới. Chúng ta ít được đọc về các chiến tích của người Việt và những anh hùng (như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão), hay những địa điểm (như Bạch Đằng, Diên Hồng, Vạn Kiếp) mà chúng ta tự hào và còn nhớ tên qua các con đường ngày xưa qua các đô thị ở miền Nam. Những trận đánh của Trần Hưng Đạo chống quân Mông Cổ chẳng hạn, ít được đề cập. Tác giả nhắc đến sự đe doạ đường bộ cũng như đường biển của quân Mông Cổ đối với Đại Việt cũng như đối với vương quốc Chăm vào thế kỷ thứ 13 và nói người Chăm cùng với người Việt cùng nhau ngăn chặn quân Mông Cổ ở trên sông Hồng. “Do đó họ [người Việt] phải kết hợp với những người cạnh tranh với họ ở vùng duyên hải (người Chăm) để đẩy lui những tấn công còn mạnh hơn nữa của người Mông Cổ. Người Chăm và người Việt chặn được chúng ở trên sông Hồng trong lúc người Nhật và người Java thực hiện việc này về phía biển.”
     Chiến thắng quân nhà Thanh Trung Hoa năm 1789 của vua Quang Trung cũng chỉ được nhắc qua bằng một câu: “Trong một chiến thắng lịch sử ngày nay còn được ăn mừng, Quang Trung trục xuất người Tàu và cai trị Đại Việt từ Hà Nội cho đến lúc ông mất năm 1792 (trang 43). Tuy nhiên, tác giả so sánh tác dụng biến đổi của Tây Sơn trên nước Việt Nam tương tự như tác động của Thái Bình Thiên Quốc ở Trung Hoa thế kỷ thứ 19. “Anh em Tây Sơn cưỡi trên một ngọn sóng bất bình ào ạt của dân chúng, tạo nên những liên minh thực tiễn với các nhóm không phải gốc Việt, biết dùng các mạng lưới tôn giáo, và khai thác các nhóm cướp bóc, tội phạm ở ngoại biên xã hội và thành công lớn lao. Cơn cuồng nộ xã hội mà họ giải phóng cũng như sự tơi tả của các đơn vị chủ quyền mà họ để lại đằng sau có tác dụng biến đổi ngang với những gì mà Thái Bình Thiên Quốc thực hiện được ở Trung Hoa. Bằng cách diễu hành từ một đầu này qua đầu kia của Việt Nam, Tây Sơn mở đường cho một quốc gia thống nhất rộng hơn, do miền nam chủ đạo, được Gia Long đảm đương lúc cuối cùng ông chiến thắng Tây Sơn năm 1802” (trang 44).
     Tác giả không muốn trình bày sử Việt Nam qua một quá khứ bị trị, bị thực dân đô hộ, là một chuỗi chiến tranh ở một mảnh đất có vị trí chiến lược, địa chính trị, luôn luôn bị thèm muốn, trong đó Việt Nam thụ động như là một nạn nhân, theo như ‘narrative’ [chuyện kể] của các thế lực lớn. Ngược lại, tác giả muốn trình bày Việt Nam như là một tác nhân (actor) tích cực trong sự nhào nặn ra lịch sử của chính mình. Một khía cạnh khác, trong quá khứ đã hiện hữu không chỉ một nước Việt Nam, mà nhiều nước Việt Nam khác nhau, như Đàng Trong và Đàng Ngoài thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, nước Việt Nam hình chữ S của thời Gia Long thống nhất sơn hà, Việt Nam đế quốc thời Minh Mạng...
     Tác giả nhấn mạnh chính Việt Nam đã từng là một đế quốc (đối với Miên, Lào) và từng bành trướng từ thung lũng sông Hồng lan đến tận mũi Cà Mau. Tác giả phân biệt từ “Viet” để chỉ người Kinh [đa số], tương tự như người Hán để chỉ người Tàu đa số, và từ “Vietnamese” để bao gồm tất cả sắc tộc, sắc dân đa số hay thiểu số [như Chăm, người gốc Hoa, gốc Khmer] sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
     Các biến chuyển văn hoá được bàn đến một cách rộng rãi. Chương 12 dành trên 30 trang sách cho “Thay đổi văn hóa trong thế kỷ 20 dài”, ngoài những tên tuổi như Tự Lực Văn Đoàn, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phan Chu Trinh... còn nhắc đến những nhân vật ít thấy trong sách sử như nhạc sĩ Phạm Duy; Trịnh Công Sơn; Nhã Ca, nữ tác giả của Giải Khăn Sô Cho Huế (1969); Nguyễn Cát Tường tác giả áo dài “Le Mur”; kèm theo trích đoạn của bài thơ tình già của Phan Khôi, đoạn đầu bài thơ “Xa cách” (Still too far away) của Xuân Diệu và một đoạn thơ khác của Trần Dạ Từ (chồng của Nhã Ca, in sai là Tran Da Thu): Some gifts to express my love. Nói về văn nghệ sĩ, trong chương 11 bàn về quá trình thống nhất Việt Nam (Toward One Vietnam), một điểm thú vị khác là văn chương phản chiến ở miền bắc năm 1963 được nhắc đến qua Phù Thăng (Phu Thang, 1928-1996) với cuốn tiểu thuyết “Phá vây” (Breaking the Siege) nói về nỗi khổ trong chiến tranh chống Pháp, với tư tưởng tác giả Phù Thăng bị ảnh hưởng của phong trào sống chung hoà bình Khrushchev đề ra năm 1956.
     Cũng trong chương 11, hình ảnh Tổng thống Ngô Đình Diệm được trình bày khác với cuốn sách nổi tiếng thời đó Fire in the Lake (1972) của tác giả phản chiến Frances FitzGerald, sách được giải Pulitzer của Mỹ và mô tả Tổng thống Ngô Đình Diệm như là một con rối của Mỹ, không khác gì vua Bảo Đại. Goscha viết:
     “Vấn đề đối với người Mỹ thời đó, tuy nhiên, lại là Ngô Đình Diệm không phải là một con rối (puppet, bù nhìn). Nhà lãnh đạo dân tộc có đầu óc tự chủ mãnh liệt này nhiều lần cưỡng lại sự khuyên bảo của Mỹ. Ông ta và em ông ta, ông Ngô Đình Nhu, có ý kiến riêng của họ về xây dựng quốc gia, cải cách ruộng đất, và chống nổi dậy. Và cùng nhau, họ lắm khi làm những người Mỹ ủng hộ họ phải điên lên. Như một nhà ngoại giao từng ở Sài Gòn thời đầu thập niên 1960 sau này tóm tắt về các khó khăn lúc thương lượng với gia đình nhà Ngô: ‘Thì cũng giống như phải đối phó với một tá [người muốn khẳng định và bảo vệ chủ quyền quốc gia họ như tướng Charles] de Gaulle [của Pháp sau thế chiến thứ 2]’”.
     Chương cuối mang tựa đề: Chủ nghĩa độc tài, chủ nghĩa cộng hòa và thay đổi chính trị (Authorianism, Republicanism and political changes). Theo định nghĩa, Cộng hòa là một quốc gia trong đó quyền lực cao nhất nằm trong tay của người dân và những đại diện được họ bầu ra, với một tổng thống hay chủ tịch được chỉ định hay bầu ra thay vì một ông vua như trong chế độ quân chủ. Có vẻ như tác giả dùng từ Chủ nghĩa cộng hòa" [Republicanism] để chỉ những phong trào mà trong báo chí hải ngoại thường gọi là “Dân chủ đa nguyên (Pluralism), bao gồm những nhân vật từ gần trăm năm trước như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Thế Truyền, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thái Học cũng như những người đương thời như Trần Độ, Hoàng Minh Chính, nữ văn sĩ Dương Thu Hương và nhóm nhân sĩ ký tên vào bản kiến nghị gởi cho Đảng Cộng Sản Việt Nam trước ngày họp đại hội năm 2016. Câu hỏi cuối sách là không biết những nhóm bảo vệ xã hội dân sự này sẽ vẫn chỉ là những tiếng nói rời rạc, hỗn độn hay họ sẽ hoà hợp với nhau để làm mới nước Việt Nam hay để tạo thêm một nước Việt Nam khác nữa. 
     Nói chung, “Vietnam, A New History” là một trong những cuốn sách sử Việt đáng chú ý gần đây do một sử gia chuyên nghiệp viết bằng tiếng Anh. Khác với những cuốn sách khác về sử Việt Nam như “Việt Nam Sử Lược” của Trần Trọng Kim, hay trong tiếng Anh “A History of the Vietnamese” của Keith W. Taylor, cuốn sách này không trình bày đồng đều về các thời đại khác nhau của lịch sử chúng ta đi từ thời cổ đại cho đến thời hiện nay. Như một người điểm sách Mỹ sống tại Việt Nam nhận xét (Justus Pendleton) tác giả dành phần lớn các trang sách cho thời cận đại khoảng 1900-1980, cũng như không thấy dùng nhiều những nguồn tham khảo gốc bằng tiếng Việt, dùng những từ tiếng Việt mà không bỏ dấu (trong lúc tiếng Pháp thì bỏ dấu đàng hoàng) chứng tỏ tác giả có vẻ bàn về những điểm mà mình thích và có sẵn tài liệu hơn là cố tình viết một cuốn sử bao quát về Việt Nam.
     Tuy nhiên, đây cũng có thể là một điểm mạnh cho cuốn sách. Chúng ta phần lớn từng học sử theo niên đại với nhiều chi tiết tên tuổi cần phải nhớ để đi thi, hay đọc sử nước nhà qua lăng kính của một người công dân gắn bó với quê hương và di sản tổ tiên để lại. Tác giả Goscha là một nhà khoa bảng chuyên về sử học từng được một giáo sư sử học quốc tế nổi tiếng người Việt (từng là giáo sư của Miền Nam Việt Nam) hướng dẫn, và từng huấn luyện và khảo cứu ở nhiều nước liên hệ đến Việt Nam (Pháp, Mỹ, Canada, Úc, Thái Lan). Được một chuyên gia tầm cỡ như thế trình bày những câu chuyện về đất nước, ông bà của của chính chúng ta qua lăng kính đặc biệt của một người ngoại cuộc giúp chúng ta có một cái nhìn toàn diện hơn, và không kém phần thú vị về một đề tài tuy cũ nhưng vẫn còn nhiều điều mới mẻ.

 

– Hồ Văn Hiền

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mẩu đối thoại trên là của chàng thanh niên 27 tuổi là Ralph White với nhân viên Đại sứ quán Hoa Kỳ trong những ngày cuối tháng Tư năm 1975 của miền Nam Việt Nam trong cuốn hồi ký Thoát Khỏi Sài Gòn (Getting Out of Saigon) của ông vừa được nhà xuất bản Simon and Schuster phát hành...
Hai mươi lăm truyện trong tập sách, ngoài những mảnh đời oái oăm của thế thái nhân tình trong đời sống xã hội hiện tại. Bạn và tôi còn đọc được những câu chuyện thú vị như: Vong Hồn Trên Sông, Đứa Con Phù Thủy, Đôi Mắt Tiền Kiếp, Hẹn Hò… Những câu chuyện có tính cách hoang đường, ma mị, xảy ra ở một quận lỵ heo hút nào đó của tỉnh Quảng Trị, nơi tác giả sinh ra và đã có một thời thơ ấu êm đềm...
Trust (tạm dịch là Niềm Tin) là cuốn sách thứ hai, đoạt giải Putlizer 2023, thuật lại những khúc mắc của chủ nghĩa tư bản thời hiện đại. Mở đầu bằng sự việc dẫn đến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929, sau những đợt bùng nổ và sụp đổ của lịch sử kinh tế từ quan điểm của từng cá nhân. Trust là một tác phẩm hiện đại táo bạo — trong suốt bốn màn, mỗi màn được đóng khung như một “cuốn sách” — tìm cách phá bỏ những quy ước chắc nịch làm nền tảng cho những huyền thoại về sức mạnh của nước Mỹ.
Tôi đưa quyển sách cho con trai, nói con đọc đi. Nó đọc một hai truyện gì đó, rồi nói, ngôn ngữ cũ mèm má ơi. Có vài chỗ khó hiểu nữa. Phải, ngôn ngữ “cũ mèm”, và có vài chỗ “khó hiểu” nữa, ngay cả với tôi. Con tôi thuộc thế hệ của Doraemon rồi Harry Potter. Tôi thuộc thế hệ của Hương Rừng Cà Mau của Sơn Nam, của những truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc trên tạp chí Hương Quê một thời xa lơ xa lắc có lẽ đã trên dưới 60 năm. Cho nên tôi đã miệt mài “ôm” quyển sách trong nhiều ngày liên tục, rảnh được lúc nào là đọc, không theo thói quen con-cà-con-kê của mình...
Tôi chẳng nhớ là mình đã đi vào Thiền tự bao giờ, chỉ biết rằng những ý tưởng nhuốm màu Thiền đã nhật tích nguyệt lũy thấm dần vào tôi như những giọt nước rơi liên tục làm lõm phiến đá. // I cannot recall when I entered Zen Buddhism. I only know that, like drops of water persistently indenting a stone, Zen-like thoughts have been seeping into my mind day by day and month by month.
Tác giả là Ben Kiernan, sinh năm 1953, từng là Giáo sư “Sử học và Các Môn Học Quốc tế và Vùng” tại Đại học Yale nổi tiếng. Ông từng lập ra Chương trình về Diệt Chủng Cambodia và Chương Trình Nghiên Cứu Về Diệt Chủng. Sách của ông trước đây bàn về diệt chủng ở Cambodia cũng như trong những giai đoạn khác của lịch sử loài người
Tuy nhiên, cuốn “Sống Với ‘Thán Dị Sao’ Của Ngài Thân Loan” còn có một phần rất đặc biệt mà chính phần này làm cho tôi thật sự thích thú. Đó là bản dịch tiếng Việt do HT Thích Như Điển thực hiện với đầy đủ 18 chương của cuốn “Thán Dị Sao” từ bản tiếng Nhật hiện đại của Giáo Sư Yamazaki Ryuumyou.
Tóm lại, A History of the Vietnamese là một cuốn sách rất công phu, chi tiết về lịch sử Việt Nam, chú trọng về văn hóa và xã hội, do một Giáo sư Sử học và Việt học người Mỹ từng huấn luyện nhiều sử gia Mỹ về chuyên ngành Việt Nam. Người quen đọc (hay học) sử tiếng Việt theo truyền thống chủ nghĩa dân tộc, hay người từng dùng chủ nghĩa dân tộc như một khí cụ chính trị có thể không đồng ý về một số kết luận, ví dụ về nguồn gốc tiếng Việt hiện đại hay về sự hiện hữu hay không của một "quốc hồn, quốc tính" Việt Nam. Tuy nhiên, đọc một cuốn sử dùng các sử liệu mới nhất và phân tích theo chiều hướng khoa học sử và chính trị hiện đại, người viết bài này cảm thấy biết ơn một nhà học giả ngoại quốc đã đem bao nhiêu thời giờ và tâm huyết để tạo nên một công trình đồ sộ như vậy, chưa từng có trong Anh văn. Ước mong một bản dịch tiếng Việt với đối chiếu các danh từ Anh-Việt và Hán sẽ xuất hiện một ngày nào đó không xa.
Trong những ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975, các máy bay trực thăng Mỹ đã bay lên bầu trời Sai Gòn và tìm các đường đến các tàu ở Biển Đông (được những người bên ngoài Việt Nam gọi là Biển Hoa Nam). Chiếc máy bay mà người Việt gọi là "con chuồn chuồn", đã xé nát các gia đình nhưng cũng ràng buộc Mỹ và Việt Nam với nhau.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.