Hôm nay,  

Đọc Thơ Nguyễn Thị Khánh Minh

12/5/202120:08:00(View: 24859)
blank 

Có những buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều và buổi tối.  Khi tôi ngồi tịch lặng ngoài hiên. Đôi khi có chút gió, có khi trăng rất mờ vào đêm, hay sương còn lạnh vào ban mai. Có khi buổi trưa trong xóm vắng không người, thoảng tiếng xe chạy ngoài phố xa vọng tới. Có khi chiều nắng rất nhạt, như tới từ một ký ức thời thơ dại. Tôi lặng lẽ ngồi, không nghĩ ngợi gì, chỉ cảm nhận những làn gió nhẹ thoảng qua. Không một ý nghĩ nào khởi lên trong tâm, không một chữ nào hiện ra trong tâm. Cả thế giới chung quanh chỉ là những cái được thấy, được nghe, được cảm thọ, và không có một cái gì khác khuấy động. Tỉnh thức, cảm nhận trên thân tâm một nỗi tịch lặng không lời. Nơi đó, vắng bặt tất cả những gì có thể so đo thành chữ. Những khi như thế, tôi không muốn cử động mạnh, chỉ vì sợ làm tan vỡ những vạt nắng ban chiều, hay là sẽ làm rơi mất ánh trăng.
 

Có đôi khi, tôi nghe nhạc. Thường là nghe các bản hòa âm ngắn, không lời của piano, ngắn thôi, cỡ vài phút. Không hơn 4 hay 5 phút. Tôi không muốn nghe ca khúc nào dài. Cuộc đời mình có dài đâu. Thêm nữa, vì cần chiêm nghiệm về những âm vang tập khởi, và rồi những âm vang biến diệt. Sinh và diệt. Hạnh phúc và đau đớn. Nghe nhạc, có những ca khúc như thế, cho mình ý thức thêm về những hư vỡ của cõi này. Chỉ lặng lẽ ngồi nghe. Có khi không dám cử động mạnh, chỉ lắng nghe thôi, lặng lẽ, để từng âm vang ngấm vào thân tâm. Tôi cũng từng kinh ngạc, tại sao khi người ta nghe nhạc hay lại vỗ tay lớn tiếng. Lẽ ra, sau mỗi ca khúc hay mỗi bản trình tấu hay, người nghe chỉ nên ngồi lặng lẽ thêm vài phút. Vì bất kỳ những cử động nào lúc đó sẽ có thể làm rơi các nốt nhạc còn bay lơ lửng quanh mình.
 

Khi đọc thơ Nguyễn Thị Khánh Minh, tôi cũng cảm nhận cũng thế. Đọc thơ cô, tôi thường đọc đi, đọc lại, đọc lặng lẽ. Tất cả mọi cử động cần thiết đều cẩn trọng hơn, nhẹ nhàng hơn. Ngay cả khi nhấc ly cả phê để uống một chút, hay khi lật ngược vài trang để đọc lại vì chợt nhớ ra gì đó. Tôi sợ là, những cử động thiếu dịu dàng sẽ làm rơi mất chữ trong thơ của Nguyễn Thị Khánh Minh. Hãy để cho cuộc đời này toàn vẹn, tôi nghĩ thế, mỗi khi nhìn các dòng thơ của cô.
 

Như trong đoạn cuối của bài Sắc Đêm, Nguyễn Thị Khánh Minh viết:
 

Trăng treo hoài nghi hoặc
Mơ hồ sắc đêm loang
Ngó xuống bàn chân đất
Ơi mộng còn lang thang.
 

Trăng là Thiền. Tôi cứ chợt nghĩ như thế.  Tôi không muốn nói tới chữ “Thiền”… Than ôi, phải chi tôi đập cho tan hết tất cả những chữ “Thiền” trên cõi này, để cho các nhà sư chỉ ngồi tịch lặng với vô ngôn. Trong cái tịch lặng vô ngôn của những sáng trưa chiều tối, bất kỳ ai khi nhìn vào tự tâm, đều cũng sẽ thấy nơi đó không có tham sân si, nơi đó nhìn hoài cũng không thấy chữ “Thiền” hay bất kỳ chữ nào khác ở đâu. Thi sĩ thì khác, trong mắt nhà thơ luôn luôn là một hiện thực được ghi lại bằng chữ.
 

Trăng nghi hoặc là phải rồi, vì ngón tay chỉ trăng, thì trăng cũng chỉ là cái được thấy, cái dĩa bạc màu vàng lơ lửng trên cao, khi khuyết, khi tròn. Khoa học gia nói trăng không phải chiếc dĩa bạc. Bởi vậy, trăng còn nghi hoặc, mộng sẽ còn lang thang mãi. Tới bao giờ nhận ra cái dĩa bạc trên không đó chỉ là hiện tướng của tâm, mới tỉnh thức phần nào về tất cả biến hiện đều là tâm.
 

Tương tự, trong bài thơ nhan đề “Trăng Gần Trăng Xa” sáng tác năm 2005, Nguyễn Thị Khánh Minh viết về một thế giới chỉ hiện ra trong tâm, nơi nắng có mùi hương và biết vói tay để bịn rịn với các sợi tóc nhỏ, và là nơi buổi chiều đứng lại rất buồn – khi từ biệt Sài Gòn:
 

Hương nắng với tay theo
Bịn rịn con tóc nhỏ
Chiều đứng lại buồn thiu
.
Tưởng sẽ chẳng có gì
Mà tim như nằng nặng
Cái nhớ cứ theo đi
.
Tưởng sẽ chẳng có gì
Mà hẫng chân điểm tựa
Ơi Sài Gòn. Tôi đi…
.

Trong thế giới thơ Nguyễn Thị Khánh Minh, chúng ta còn nhìn thấy những bài thơ viết về cha, về mẹ, hay về những người bạn thân như nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ … Một thế giới được tái hiện bằng chữ. Nơi đó, Đỗ Hồng Ngọc quyện vào một màn sương của hồn dân tộc. Tôi xin thú thật, tôi không biết hồn dân tộc cụ thể là gì, vì chữ này trừu tượng quá, mơ hồ quá. Nhưng tôi đã mơ hồ nhận ra trong bài Lagi Ngày Con Về, khi Nguyễn Thị Khánh Minh viết tặng nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc năm 2017, nơi đó họ Đỗ về thăm căn nhà của ngoại ở Lagi, trích:

.
Nghe rất khẽ. Nghe như mơ. Tiếng chổi
Xào theo chân. Bóng mẹ mỏng như mây
Vườn thức giấc. Hồn tinh sương mẹ gọi
Con bướm bay về. Lá trổ trên cây
.
Vâng thưa Mẹ. Bếp nhà vừa cơi lửa
Cơm chiều ngon thơm lúa vụ mùa tươi
Mai mẹ về. Về với Ngoại xa xôi
Chiếc nón lá Mẹ cứ cài trên cửa

.

Có phải hồn dân tộc là cái gì có thể nghe được, như tiếng chổi của ký ức nơi hiên nhà của mẹ, hay có thể ngửi được như cơm mùa lúa mới, hay có thể thấy được như chiếc nón lá Mẹ cài trên cửa? Đây là thế giới như mơ, như thực đã hiện ra trên những dòng thơ của Nguyễn Thị Khánh Minh.
 

Xin thêm một câu hỏi: có cách nào để từ biệt một người bạn thân? Như khi nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh làm bài thơ Vọng Âm Mây trong lễ tưởng niệm 49 ngày Nguyễn Lương Vỵ ra đi, trích:

.
Như không còn trời. Không còn đất
Vọng âm vỡ nghìn muôn tiếng gấp
Trùng trùng hạt lệ cắt đêm sương
Đón người về trong veo một hạt
.
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước
Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ
Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng
Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa…
.

Nơi đây, nhà thơ thấy không còn trời, không còn đất, và tất cả vọng âm tan vỡ thành muôn nghìn tiếng. Những hình ảnh rất đẹp trong bài thơ khi nhà thơ từ biệt một nhà thơ. Cũng nên ghi chú nơi này: tôi ghét chữ "đẹp" kinh khủng, vì chữ này mơ hồ, không minh bạch. Thú thật, tôi không có tài năng để nghĩ ra chữ khác. Nhưng nơi bài thơ này, hình ảnh hiện ra rất minh bạch, không mơ hồ: lệ cắt đêm sương, trong veo một hạt, chào nhau, cầu xưa quá bước, dặm đường im, và rồi lẽ hợp tan khi một người bay xa theo vòm mây trắng. Những hình ảnh hiển lộ rất đẹp, rất xúc động, sờ chạm được.
 

Có một không gian rất mực thơ dại trong thơ Nguyễn Thị Khánh Minh: thành phố biển Nha Trang của những ngày mới lớn. Trong bài Mầu Đỏ Trong Nhớ, nhà thơ ghi lại ký ức về thời niên thiếu ở Nha Trang, một thời rất là xa xưa, nơi tất cả những gì trong trí nhớ cô đều đã trở thành thi ca, trích:

.
... Một đường chỉ thêu mầu đỏ bị lỗi trên vuông vải trắng. Cô mắng. Ngày đó tôi thường hay khóc. Sân trường tôi có cột cờ, tôi hay nhìn ba đường đỏ lượn phần phật trong gió. Gió Nha Trang ươm hương muối. Ba đường đỏ lênh đênh sóng mặn.
...
… Tôi nhớ mầu đỏ của giàn hoa giấy rực mùi biển Nha Trang nơi căn nhà của bố mẹ che mát một khoảng thềm có cô bé ngồi chơi thẻ một mình, có nắng đổ lốm đốm như một tấm vải hoa nhấp nhô sóng nắng và cô mặc áo nắng hoa ấy đi dự hội quên về… một ngày biển thơm như mộng, nụ hôn thơm mầu hoa giấy đỏ bay bay hoài trong nhớ…

.

Làm thế nào thơ lại hay như thế nhỉ? Cũng nên ghi chú nơi này: tôi ghét chữ "hay" kinh khủng, vì chữ này mơ hồ, không minh bạch. Thú thật, tôi không có tài năng để nghĩ ra chữ khác. Nhưng nơi bài thơ này, các hình ảnh đã trôi rất xa từ trí nhớ đã trở về kịp để nhà thơ ghi thành chữ, rất minh bạch, không mơ hồ. Và rất hay. Nơi đây, có gió Nha Trang ươm hương muối, có ba đường đỏ trên sóng, có nắng lốm đốm trên sân, nơi cô bé ngồi chơi thẻ, nơi biển thơm như mộng và nơi thành phố biển bay hoài trong nhớ.

 
blank

Xin nói lời chân thật rằng, tự thơ Nguyễn Thị Khánh Minh không còn là những gì trừu tượng để phải suy nghĩ, lý luận. Thơ cô đã bước ra ngoài trang giấy, để trở thành một phần của cõi này. Thơ cô không còn là chữ, vì nhiều dòng chữ đã hóa thành hương nắng vương tóc và cầu xưa quá bước. Thơ cô không phải là nhạc, nhưng nhiều dòng chữ đã hóa thành gió biển rì rào trên từng trang giấy.
 

Với lòng trân trọng, tôi đã ngồi rất mực tịch lặng để đọc thơ Nguyễn Thị Khánh Minh. Rất tịch lặng, tôi đọc. Kẻo làm vỡ hồn thơ.

 

  



Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Tập truyện ngắn “Chuyện cũ phù dung trấn” ( CCPDT), là tác phẩm thứ 16 của Tiểu Lục Thần Phong ( TLTP ). Sách dày 362 trang, gồm 36 truyện ngắn, với những suy tư trăn trở về cuộc sống nơi quê nhà và cả nơi xứ xa, mà tác giả hiện đang sinh sống. Thấm đẫm những hiện thực của cuộc sống và gắn kết cả chuyện đời, chuyện đạo, gây ấn tượng và những suy ngẫm cho bạn đọc...
Tôi đã yêu mến và ngưỡng mộ gần như tất cả các nhân vật được viết trong tuyển tập này. Trong đó có những người là bậc thầy vô cùng cao tột của tôi: Thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát, và Thầy Tuệ Sỹ. Những vị khác về nhiều mặt cũng là những bậc thầy của tôi, nghĩa là tôi nhận thấy có phương diện nào đó để học từ họ, nhờ cơ duyên thân cận hoặc nhờ gặp trong làng văn chương. Thí dụ, Giáo sư Trần Huy Bích là đỉnh cao về Hán học, về nghiên cứu thơ và cổ văn, với những nghiên cứu về nhà thơ Vũ Hoàng Chương cực kỳ thơ mộng và thâm sâu.
Cuốn sách này, như chính tựa đề, Đường về thủy phủ, đã báo hiệu điều gì đó huyễn hoặc. Vì vậy, bạn đọc nếu chờ đợi một câu chuyện tiểu thuyết thông thường có đầu đuôi, có lô-gic, có sự tình chặt chẽ hợp lý, xin gấp sách lại, hãy tìm đọc một cuốn khác. Là một tác phẩm siêu hư cấu không có chủ ý đáp ứng những quy củ tiểu thuyết thông thường, Đường Về Thủy Phủ của Trịnh Y Thư là một tập hợp của ba câu chuyện, ba toa riêng lẻ của một chuyến tàu, vận hành trên cùng một đường rầy thiên lý, theo chiều dài của một giai đoạn lịch sử chiến tranh tanh nồng, nơi hành khách là những nhân vật bị ném lên tàu, vất vưởng chuyển động trên một trục cố định, dốc toàn bộ sức lực và trí tưởng tượng gắng tìm cho mình một lối thoát, hay theo tác giả, tìm một lối về.
Thật sự, ở một mức độ nào đó, người đi vào quyển sách đều có thể nhận ra ít nhiều, ở chỗ này hay chỗ khác, qua những góc quay khác nhau, với những mức độ đậm nhạt khác nhau, tất cả các dự cảm vừa được trình bày ở trên. Nhưng nếu nghĩ đây là một cuốn tiểu thuyết lịch sử, hay một tiểu thuyết chiến tranh, chúng ta sẽ ngộ nhận tác giả. Tiểu thuyết này, với tính chất và cái nhìn đặc thù của tác giả, không hề có mục đích ấy. Lịch sử có ở đó, cùng với khuôn mặt kinh hoàng, gian trá, điên đảo, và tàn bạo của chiến tranh. Nhưng đây là một cuốn tiểu thuyết chỉ lấy lịch sử làm một cái nền với những gam màu rất mờ nhạt, và, dĩ nhiên, nổi bật lên vẫn là một màu đỏ nhờ nhờ, điên quái, bất tín và bất-khả-tín, khi thì chỉ ươn ướt, chỗ lại đặc quánh những vết thương làm mủ của lịch sử..
Tập sách nhắc đến tiệm phở gần đầu đường Nghĩa Phát, vừa từ đường Bành Văn Trân rẽ vào, là tiệm của bác Huyền, người cùng giáo họ Long Cù, xứ Trực Chính với thày u tôi, là những gia đình công giáo theo các cha di cư vào Nam. Đó là tiệm phở đầu tiên nằm trong giáo xứ Nghĩa Hoà. Được sinh ra và lớn lên trong giáo xứ này, tôi muốn chia sẻ thêm về những quán phở ở Nghĩa Hoà. Sau phở bác Huyền, vào đầu thập niên 1970 có một tiệm phở nữa cũng trên đường Nghĩa Phát gần đầu nhà thờ. Còn theo đường Nghĩa Hoà phía cuối nhà thờ, đi vào đến ngã tư ông Nghìn có tiệm phở của ông giáo Chung.
Đây là tác phẩm thứ 5 trong chuỗi sách góp phần tư duy và thảo luận cho tiến trình dân chủ hóa, được viết và giới thiệu bởi tác giả Đào Tăng Dực. Xin trân trọng giới thiệu tác phẩm mới nhất của tôi nêu trên. Đây là tác phẩm thứ 5 trong chuỗi sách góp phần tư duy và thảo luận cho tiến trình dân chủ hóa.
Đây là một tuyển tập đặc biệt của Tạp chí Ngôn Ngữ, chủ đề về Đỗ Nghê Đỗ Hồng Ngọc, ấn hành tháng 5 năm 2024. Nhan đề sách còn là “Đỗ Nghê Đỗ Hồng Ngọc: Bằng Hữu & Văn Chương.” Sách dày 716 trang, bao gồm tiểu sử, thơ và văn xuôi của vị bác sĩ nổi tiếng, khi làm thơ ký tên là Đỗ Nghê và khi viết văn xuôi ký tên thật là Đỗ Hồng Ngọc. Và phần cuối là tác phẩm của hơn 60 nhà văn, nhà phê bình, họa sĩ và nhạc sĩ viết về, vẽ chân dung, phổ thơ Đỗ Nghê Đỗ Hồng Ngọc. Tất cả các thơ, văn, bài viết trong tuyển tập đều xuất sắc.
Quý vị có bao giờ tự hỏi cảm giác thật sự khi thốt ra từ “thù ghét” là gì? Như khi nói “tui ghét người đó” hay “tui ghét ăn rau,” chúng ta có thể đang thể hiện sự không hài lòng, căm phẫn, tức giận hoặc có thể là đơn giản chỉ là không thích mà thôi. Từ điển Merriam-Webster mô tả từ “thù ghét” là “sự thù địch và ác cảm mãnh liệt thường xuất phát từ cảm giác sợ hãi, tức giận hoặc cảm giác bị tổn thương.” Trên khắp thế giới, các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu về sự thù ghét từ các lĩnh vực như giáo dục, lịch sử, pháp luật, lãnh đạo, tâm lý học, xã hội học và nhiều ngành khác.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.