Hôm nay,  

Tiếng gào khóc phản đối chiến tranh trong ca khúc Zombie

05/05/202509:50:00(Xem: 600)

The-Cramberries-Paris-31-mai-2010_IMG_7726

Ban nhạc the Cranberries trình diễn tại Paris, Pháp vào năm 2010. Từ trái sang phải lần lượt là các thành viên: Noel Hogan, Dolores O'Riordan, Fergal Lawler, và Mike Hogan. 

Nguồn hình: https://en.wikipedia.org/wiki/The_Cranberries

 

Zombie là một ca khúc phản đối chiến tranh được trình bày bởi ban nhạc the Cranberries – một ban nhạc alternative rock đến từ Ireland. Lời nhạc khúc bày tỏ lòng thương tiếc đối với cái chết của hai trẻ em trong vụ đánh bom ở Warrington (Anh Quốc) hồi năm 1993.

 

Thông qua nhạc phẩm này, ban nhạc the Cranberries cũng muốn lên tiếng phản đối cuộc xung đột Bắc Ireland kéo dài khoảng 30 năm. Thông qua âm nhạc là cách phổ biến mà những ngôi sao ngoại quốc dùng để bày tỏ sự phản đối các vấn nạn của xã hội.

 

Nhạc phẩm Zombie là sáng tác của Dolores O'Riordan (mất năm 2018) khi đó là giọng ca chính của ban nhạc the Cranberries (thành lập hồi năm 1989 và tan rã vào năm 2019 sau cái chết của Dolores O'Riordan). Đĩa đơn nhạc phẩm này được phát hành hồi năm 1994 thông qua hãng thâu âm Island Records. Các nhà phê bình đánh giá Zombie xứng đáng là một kiệt tác của thể loại nhạc alternative rock.

 

Thông điệp phản đối chiến tranh của Zombie

 

Video nhạc phẩm Zombie mang đến cho người hâm mộ màn trình diễn với hình ảnh ca sĩ O'Riordan được phủ sơn màu vàng, xen lẫn những cảnh quay ở Belfast bị chiến tranh tàn phá. O'Riordan hát như kêu gào, thậm chí thổn thức đầy lôi cuốn (không giống với các nhạc phẩm khác của ban nhạc) trên nền hòa âm trộn lẫn âm thanh đệm bị bóp méo của đàn guitar. Đây là phong cách grunge/Seattle sound, thuộc thể loại alternative rock xuất hiện vào khoảng giữa thập niên 80 tại tiểu bang Washington, đặc biệt là tại thủ phủ Seattle, Hoa Kỳ.

 

Thông điệp mà O'Riordan muốn gửi đến người hâm mộ là quan điểm phản đối chiến tranh của cô, cụ thể là trong cuộc xung đột Bắc Ireland. Lời ca khúc tường thuật lại nỗi đau âm thầm của người thân trước cái chết của hai đứa trẻ trong trận đánh bom ở Warrington nói riêng, và cũng là nỗi đau của những nạn nhân chiến tranh trên thế giới nói chung.

Qua Zombie, chúng ta có thể thấy hình ảnh những con người lặng lẽ khóc thương người thân bị chết trong chiến tranh. Đồng thời, chúng ta cũng có thể nhìn thấy những nạn nhân chiến tranh bị tước đi mạng sống vì bom đạn uất ức quay về trần gian bằng những thây ma để đòi lại mạng sống. Cho dù chúng ta phản đối chiến tranh thì bom đạn vẫn cứ rơi xuống ở đâu đó trên thế giới này hằng ngày, kéo dài đến ngày nay. Vì thế, trong suốt 16 năm qua, nguyên bản Zombie thu hút khoảng 1.6 tỷ lượt xem trên YouTube:

 

[Đoạn 1]

Một mái đầu nữa lại gục xuống khóc thương lặng lẽ,

Trẻ em dần dần bị tước đi mạng sống.

Và chính bạo lực chiến tranh đã gây ra nỗi đau trong im lặng như vậy.

Chúng ta là ai, có ngộ nhận không ?

 

[Đoạn chuyển tiếp]

Nhưng quý vị cũng biết kẻ giết người không phải là tôi, không phải gia đình tôi.

Trong thâm tâm quý vị biết rõ rằng họ đang đánh nhau,

Với hàng đoàn xe tăng và hàng ngàn trái bom, quân lính giắt bom và súng đầy người.

Tâm trí quý vị luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh nạn nhân chiến tranh đang gào khóc.

 

[Điệp khúc]

Trong tâm trí quý vị,

Nạn nhân chiến tranh chẳng khác nào những thây ma.

Trong tâm trí quý vị là gì?

Đó là những thây ma.

 

[Đoạn 2]

Trái tim một người mẹ nữa,

Lại tan vỡ.

Khi bạo lực chiến tranh gây ra bầu không khí tang thương bao trùm trong im lặng.

Chắc là chúng ta ngộ nhận.

 

[Đoạn chuyển tiếp]

Cảnh bạo lực chiến tranh lặp lại, kể từ năm 1916.

Trong thâm tâm quý vị biết rõ là họ vẫn đánh nhau,

Với hàng đoàn xe tăng và hàng ngàn trái bom, quân lính giắt bom và súng đầy người.

Trong thâm tâm quý vị biết rõ họ đang chết đi.

 

[Điệp khúc]

Trong tâm trí quý vị,

Nạn nhân chiến tranh chẳng khác nào những thây ma.

Trong tâm trí quý vị là gì?

Đó là những thây ma.

 

Vì nội dung nhạc phẩm mang tính chất chính trị nên hãng thâu âm Island Records e ngại trong việc phát hành nhạc phẩm này dưới dạng đĩa đơn. Tuy nhiên, kết quả là thành công ngoài sức tưởng tượng vì Zombie đã vươn lên vị trí đầu các bảng xếp hạng âm nhạc tại Úc, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức và Iceland. Đồng thời, ca khúc đạt ngôi vị đầu bảng trong bảng xếp hạng âm nhạc US Billboard Alternative Airplay. Đến năm 1995, Zombie thắng giải Best Song Award (giải bài hát hay nhất).

 

Mặc dù sự nghiệp của O'Riordan cũng như ban nhạc the Cranberries rất thành công, với hàng triệu albums được bán ra trên thế giới, nhưng đời tư của O'Riordan có vẻ thất bại. Cô chết đuối trong bồn tắm do ngộ độc rượu vào ngày 15 Tháng Một 2018.

 

Ảnh hưởng tốt đẹp của Zombie

 

Sau khi O'Riordan qua đời, Zombie trở thành ca khúc cổ vũ thể thao của dân Ireland để tạo cảm xúc mạnh. Đầu tiên, ca khúc được dành để cổ vũ cho những đội thể thao xuất thân từ thành phố Limerick (cũng là quê hương của ban nhạc the Cranberries). Sau đó, các cổ động viên hát ca khúc này để cổ vũ cho đội bóng bầu dục quốc gia Ireland khi bắt đầu mùa giải Cúp Bóng bầu dục Thế giới 2023.

 

Zombie được nhiều ca sĩ cover lại. Trong đó phiên bản cover của ban nhạc Bad Wolves (một ban nhạc heavy metal rock) nhận được thành công đáng nể.  Trước đó, O'Riordan đã dự định tham gia trình bày phiên bản cover của ban nhạc Bad Wolves vào ngày  15 Tháng Một 2018, nhưng cũng chính vào ngày đó cô đã rời bỏ thế giới mãi mãi. Cái chết của cô đầy bất ngờ và để lại bao thương tiếc cho người hâm mộ. Vài ngày sau đó, ban nhạc Bad Wolves đã phát hành phiên bản cover của ca khúc Zombie để tưởng nhớ cô.

 

Vì vậy, đoạn đầu video trên YouTube có những dòng chữ trên nền nhạc piano buồn vô tận làm người hâm mộ xúc động: “Vào ngày 15 Tháng Một 2018, Dolores O'Riordan - thành viên của the Cranberries - lên kế hoạch tái hiện giọng hát biểu tượng của cô ấy với ban nhạc Bad Wolves trong phiên bản cover của ca khúc Zombie nhưng cũng vào ngày ấy cô đã rời bỏ thế giới một cách bi thảm. Để tưởng nhớ đến cô, ban nhạc Bad Wolves phát hành ca khúc này. Tất cả số tiền thu được từ phiên bản cover này sẽ dành tặng cho con cái cô”. Đến nay, phiên bản này có 560 triệu lượt xem trên YouTube sau 7 năm phát hành.

 

Những tình cảm của người hâm mộ dành cho ca khúc Zombie và Dolores O'Riordan

 

Người hâm mộ luôn dành những tình cảm đẹp cho Zombie cũng như cho Dolores O’Riordan kể từ khi nguyên bản và phiên bản cover được phát hành, thông qua những lời bình luận đầy cảm động trên YouTube. Một người hâm mộ có nickname là @mirta-x8x để lại lời bình luận cách đây khoảng một tuần trong video nguyên bản: “Giọng ca đầy nội lực của Dolores gửi đến thế giới tiếng khóc thét gào bất tận để phản đối bạo lực chiến tranh và nhắc nhở nhân loại về cái giá phải trả cho những cuộc xung đột. Hãy yên nghỉ nhé, một biểu tượng thực thụ.”

 

Trong khi đó một người hâm mộ có nickname là @CherylMitchell-g3j mới đây chia sẻ: “Giọng ca đầy nội lực của Dolores và lời ca khúc chân thành tiếp tục vang vọng khắp nơi. Điều đó biến ca khúc Zombie thành một bản ngợi ca bất tử cho hòa bình và là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng bạo lực chiến tranh là hành động vô nghĩa. Nhạc phẩm đạt hàng tỷ lượt xem là minh chứng cho thấy nghệ thuật và thông điệp của cô ấy có sức ảnh hưởng lâu dài.”

 

Còn một người hâm mộ có nickname là @aristella-g1l bình luận cách đây chưa đầy một tuần: “Cảm ơn Dolores đã mang đến cho người hâm mộ một kiệt tác vĩnh cữu. Giọng ca của cô tiếp tục vang vọng từ thế hệ này sang thế hệ khác, một lời nhắc nhở sâu sắc về cái giá mà nhân loại phải trả cho những cuộc xung đột.  Mong rằng âm nhạc của cô luôn truyền cảm hứng cho tiến trình hòa bình đối với một thế giới bất ổn.”

 

Một người hâm mộ có nickname @katelynnzeno4487 bình luận cách đây hai tháng trên phiên bản cover của Bad Wolves: “Quý vị có thể thấy nỗi đau hiện lên nét mặt họ, và qua giọng hát của nam ca sĩ (Tommy Vext). Đây không đơn giản là một cống hiến nghệ thuật nữa mà còn là một lời tri ân với tấm lòng thành kính lớn lao mãi mãi dành cho cô ấy. Nỗi đau không chỉ để xem, mà còn lan tỏa lòng nhân ái. Ca khúc rất hay.” 

 

Bên cạnh đó, người hâm mộ khác có nickname @beedoubleu547 chia sẻ trên phiên bản cover của Bad Wolves cách nay 10 tháng: “Tôi nhớ hồi tôi 14 tuổi, cuối cùng thì tôi cũng được ba mẹ dành cho một căn phòng riêng. Tôi vừa ngủ vừa tự do bật kênh TV mà tôi yêu thích. Thường thì tôi chọn kênh MTV, vào giữa thập niên 90 có những ca khúc rất hay. Cứ mỗi lần ca khúc Zombie trỗi lên, tức thời đầu óc tôi thức tỉnh ngay. Ca khúc này hớp hồn tôi ngay lần đầu tiên, thậm chí cho đến nay. Tôi cũng nghe phiên bản cover này không biết bao nhiêu lần trong những ngày qua. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy mình dường như trẻ lại ở cái tuổi cách đây 30 năm, tôi vừa hát vừa đánh trống. Tôi cảm ơn ban nhạc đã trình bày phiên bản này. Tôi chưa bao giờ gặp Dolores, nhưng tôi nghĩ rằng cô ấy chấp nhận cho tôi nghe phiên bản cover này”.

 

Như vậy, Zombie không chỉ mang  thông điệp phản đối chiến tranh mà còn có xu hướng giúp người hâm mộ cảm thấy mình trở lại thời thanh niên, thời tràn đầy sức sống, để cùng đàn cùng hát, cùng bùng cháy trong giai điệu alternative rock. Đây cũng là một cách để người hâm mộ chữa lành bằng âm nhạc.

 

Ca khúc Zombie tuy không được xếp vào danh sách những ca khúc mang giai điệu du dương có tác dụng chữa lành nhưng hàng triệu người hâm mộ, thậm chí hàng tỷ người trên thế giới đã lắng nghe nhạc khúc này để chữa lành. Có lẽ, Dolores đã chữa lành được vết thương lòng của nhiều người hâm mộ nhưng cô lại bất lực với vết thương lòng của chính mình. Cầu mong Dolores yên nghỉ trong thế giới khác không có chiến tranh, không có những nỗi đau dày vò tâm trí lẫn thân xác.

 

Tidoo Nguyễn

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Tác động tâm lý của chiến tranh đối với trẻ em là lâu dài và khủng khiếp.” (Borgen Magazine. 08.08.14.) Câu trích dẫn này xa lạ hay quen thuộc đối với người Việt sau 47 năm chấm dứt chiến tranh Nam Bắc 75? Những nạn nhân này, đến nay, đã sống trên nửa thế kỷ, có người đã hơn 100, có bao giờ chúng ta thừa nhận sự tai hại khủng khiếp của chiến tranh, sau chiến tranh, kéo dài, sâu đậm, trong đời sống còn lại của nhiều thế hệ, đã từng là trẻ em trong chiến tranh?
Không ai ngờ hai người trẻ gốc Hawaii đã cùng chiến thắng hai giải Quán Quân Nam và Nữ Lướt Sóng US Open 2022. Giải này năm nay được hãng Vans bảo trợ và được tổ chức tại Huntington Beach, California.
Cindy Trinh là một nhiếp ảnh gia trẻ hiện sinh sống tại New York. Ngoài công việc chính, cô còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, nhất là chống nạn kỳ thị người châu Á. Việt Báo trân trọng giới thiệu loạt ảnh chủ đề cô chụp trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu...
Vào chiều ngày Chủ Nhật 7 Tháng 8, 2022, khán phòng Rose Center gần như không còn chỗ trống. Giới yêu nhạc Việt Nam khắp nơi đến đây, chịu đựng cái nóng do hệ thống điều hòa không khí của nhà hát bị trục trặc, để cùng Khánh Ly đánh dấu chặn đường 60 năm ca hát. Một chặng đường dài gần như một đời người.
Nguyễn Ngọc Ngạn là một hiện tượng trong sinh hoạt văn học nghệ thuật của cộng đồng người Việt hải ngoại...
Vào một ngày bão tuyết mù mịt ở miền đông năm 2009, tôi viết bài thơ BÂY GIỜ, ghi lại một đoạn đương 10 năm gian nan vất vả ở quê người và nỗi nhớ quê hương. Bây giờ ngồi nhớ Việt Nam. Bên trời tuyết lạnh hai hàng lệ rơi. Nhờ duyên lành, bài thơ đã trở thành ca khúc BÊN TRỜI TUYẾT LẠNH qua những nốt nhạc tài hoa của nhạc sĩ Vĩnh Điện.
Trong Stories to tell, Charles Williams viết: “Những hình chụp gia đình có thể xem như tài liệu văn hóa vì chúng ghi lại những sự kiện thành hình cuộc sống của gia đình.” Có nghĩa là một loại tiểu sử không có chữ nhưng có minh chứng về đời sống lúc tấm ảnh được ghi nhận. Nhưng, có lẽ, nhận xét này chỉ đúng trong một số nền văn hóa; ở một số khác, có khi ngược lại, vì ở quê tôi, khi chụp hình gia đình, thường được dàn dựng ở những nơi có hậu trường đẹp đẽ, giàu sang, nhưng không thuộc về mình, chỉ mượn chụp cho oai. Tôi vẫn còn tấm hình đứng bên cạnh chiếc xe thể thao “xì gà” màu xám bạc như phi thuyền của ông khách lạ. Nhiều bạn mới quen lé mắt vì tưởng tôi là chủ nhân chiếc xe đua. Người ta nói, một tấm hình có thể thay thế được cả ngàn chữ. Không biết những tấm hình ngày nay, nói thật hay nói nói dối?
Tiếng hát của Duy Trác vang ra từ những chiếc rađiô. Trời khô ráo, mát dịu. Bầu không khí đêm Noel ở Sàigòn thật là vui vẻ, nhộn nhịp. Thánh đường vang lên những lời kinh cầu, chào đón Chúa ra đời, lòng người lắng xuống, nhẹ nhàng, thư giãn. Ấy thế mà đã có một đêm Noel hết sức căng thẳng đối với tôi và một anh bạn. Kim đồng hồ chỉ 10 giờ 15 phút rồi mà chưa thấy anh ấy đâu. Tôi rất hồi hôp. Anh bạn hẹn ghé đón tôi lúc 10 giờ đêm ở Bàn Cờ rồi cùng nhau tới Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế, ở đó Ca đoàn đang nóng lòng chờ đợi.
Một bức chân dung tự họa chưa từng được biết đến trước đây của Vincent Van Gogh đã được phát hiện đằng sau một bức tranh khác của họa sĩ, Phòng trưng bày Quốc gia Scotland cho biết hôm thứ Năm. Bức chân dung tự họa được tìm thấy ở mặt sau của Van Gogh “Head of a Peasant Woman” khi các chuyên gia tại phòng trưng bày Edinburgh chụp X-quang bức tranh trước buổi triển lãm sắp tới. Tác phẩm được cho là đã được cất giấu trong hơn một thế kỷ, được bao phủ bởi nhiều lớp keo và bìa cứng khi nó được đóng khung vào đầu thế kỷ 20.
Lúc còn nhỏ, đi theo bà dì và ông cậu xem cải lương. Tôi đã từng say mê cổ nhạc như say mê tân nhạc. Cùng lứa tuổi, Hương Lan trên sân khấu, dưới ánh đèn, thỏ thẻ điệu ca vọng cổ, xàng xàng, lên cao, rồi xuống xề, khiến cậu bé hả miệng suốt buổi, đêm về mộng mơ. Đó cũng là một lý do tôi yêu thích ca khúc Những Ngày Thơ Mộng của Hoàng Thi Thơ. Đúng làm sao: Tìm đâu những ngày chưa biết yêu? Chỉ thấy, thấy lòng nhớ thương nhiều. Rồi đêm ta nằm mơ, hồn say ta làm thơ. Ngồi ngâm trách lòng ai hững hờ… Hồi đó, tôi bắt đầu làm thơ Lục Bát.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.