Hôm nay,  

Phêrô Nguyễn Văn Yên: Người Hoạ Sĩ của Đức-Tin-Yêu-Thương

06/07/202109:26:00(Xem: 7192)

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

Hình: Hàn-Lâm-Viện cung cấp


Bác Yên đi rồi. 6 giờ chiều, hai ngày trước Lễ Độc Lập. Mùa dịch COVID đang lùi dần ở Mỹ, dù biến thể Delta đang lăm le. Mùa hè Quận Cam oi ả nắng vàng. California mở cửa lại. Năm nay khô hạn hơn bình thường. Người dân náo nức lập lại những sinh hoạt vui chơi sau hơn một năm bó gối nằm nhà.


Trong mấy ngày trời sau khi được tin bác Yên mất, tôi vừa chăm sóc gia đình và con nhỏ, vừa ôn lại những kỷ niệm với bác. Tôi chưa bao giờ hỏi về sinh hoạt của bác cách cặn kẽ hay có hệ thống, nên ở đây, tôi chỉ ghi lại những gì tôi thấy, nghe, biết, và cảm về bác Yên và gia đình của hai bác mà thôi. Do đó, bài viết này không có tính cách tường thuật lại cuộc đời chứng tá rất đẹp của bác, mà chỉ là những hồi ức và tri ngộ đối với một người tôi quý trọng.


blank

Câu đối và trang trí Tết do bác Yên vẽ tại Trung Tâm Công Giáo


Tôi quen con gái bác Yên trong Ca đoàn Hiển Linh ở Nhà thờ Westminster hồi thế kỷ 20. Mỗi lần tôi ghé nhà chơi đều được hai bác đón tiếp với nụ cười hiền lành và tình thân. Bác Yên hay bắt chuyện hỏi thăm, và khi biết tôi cũng tham gia sinh hoạt Việt Ngữ và viết bài cho Nguyệt San Hiệp Nhất, bác lại có nhiều đề tài để trò chuyện với tôi nữa. Nhưng đề tài bác chia sẻ với tôi nhiều nhất vẫn là hội hoạ.


Bác Yên biết nhiều thứ vì bác thích học hỏi và thích sáng tạo. Bác Yên giỏi Anh ngữ. Sau khi được trả tự do từ lao tù cải tạo, bác đã dạy Anh Văn ở Việt Nam để kiếm sống trước khi qua Mỹ. Bác Yên cũng giỏi nhạc. Bác đệm đàn cho những thánh lễ ở Trung Tâm Công Giáo, lễ chiều thứ Tư ở nhà hưu dưỡng linh mục Joseph’s House, và nhiều nơi khác. Bác Yên rất hào phóng với những món quà Chúa ban. Chúa cho một nén, bác làm lợi cả trăm, cả ngàn.


Trong suốt hai mươi bảy năm qua, mỗi dịp được ghé thăm gia đình bác, tôi đều thấy “studio" tại gia của bác luôn náo nức với những sứ vụ mới. Mỗi lần dọn nhà, thì cái studio này đều được dành một chỗ rộng rãi và tiện lợi, vì bác đã thiết kế và vẽ không biết bao nhiêu khung chữ, cổng chào, và logo cho các Đại hội Công Giáo, như Đại Hội Giới Trẻ, Đại Hội Thánh Mẫu La Vang ở Las Vegas, Đại Hội Liên Minh Thánh Tâm, thánh lễ mừng Tết Nguyên Đán tại Trung Tâm Công Giáo, các dịp lễ trọng cho các giáo xứ, và nhiều nữa. Ngoài ra, bác còn vẽ tặng cho các dịp mừng của cá nhân, như là không biết bao nhiêu bảng chúc mừng đến quý Dòng Tu, quý Tu Sĩ trong những dịp trọng đại kỷ niệm thụ phong hay khấn trọn đời. Mỗi lần tôi ghé chơi, bác đều kéo tôi vào studio và hỏi cách thân tình, “Xem này! Tao mới vẽ cái này này! Xem có được không?”


Khi thì là cổng chào cho Đại Hội Thánh Mẫu. Khi thì là một logo mừng kỷ niệm ngân khánh linh mục cho một người thân trong gia đình. Mà bác Yên lại có nhiều họ hàng, nên cũng có không biết bao nhiêu là thân nhân theo ơn gọi tu trì. Nhiều khi, bác phân bua dù tôi chưa kịp hỏi gì, “Tao vẽ màu kia mà thấy không đẹp (Bác lôi tác phẩm nháp ra)! Nên tao đi mua cái màu này (Bác hào hứng đưa tác phẩm mới lên), thấy được hơn, phải không?”


Thiệt là huề vốn! Bác hỏi như vậy thì giống như là hỏi cho vui thôi, chứ Bác là hoạ sĩ chính danh, tôi là hâm mộ viên, Bác nói đẹp thì tôi cũng thấy đẹp chứ sao! Bác say mê và miệt mài trong mọi công tác phục vụ, dù có những lúc, công việc phục vụ có thể nguy hiểm đến sức khoẻ. Mươi năm trước, Bác Yên có bệnh ở mũi. Sau khi chữa trị xong, Bác vẫn miệt mài tiếp tục làm những công việc làm đẹp cho đời, cho đạo, bằng những tác phẩm vẽ tay các biển chào, các huy hiệu đại hội, các hình ảnh chúc mừng. Tôi có khuyên Bác bớt vẽ lại, sợ bệnh tái phát, nhưng Bác không bỏ được, vì thấy việc cần mà không có ai làm. Lúc Bác nằm ở Bệnh viện Fountain Valley, tôi ghé thăm. Bác chán ngán bị giam lỏng, nhưng thấy người quen vào thì Bác vui vẻ kể chuyện. Bác lôi một chồng báo đạo lẫn đời ra khoe, “Xem này! Bác mới đọc mấy báo này! Có nhiều bài hay lắm đấy!”


blank

Đài Đức Mẹ La Vang, một trong rất nhiều tác phẩm Công Giáo của bác Yên


Rồi Bác say sưa phân tích chuyện nọ chuyện kia. Rồi nói qua chuyện nhà chuyện cửa, chuyện cháu nội cháu ngoại. Như Tổ Phụ Áp-ra-ham, người đã được Chúa hứa cho “dòng dõi ngươi nhiều như sao trên trời, đông như cát bờ biển,” Bác Yên cũng được chúc phúc với con cháu đông đúc sum vầy. Hai Bác là một cặp vợ chồng tuyệt vời ở mọi mặt. Hồi đó, chị bạn tôi hay nói, “Thấy Bố Mẹ người ta cãi nhau quá, mà Bố Mẹ nhà này không bao giờ cãi nhau. Không biết có thương nhau không?” Vậy là thương nhau lắm thì phải cãi nhau nhiều à? Không biết có phải vậy hay không, nhưng vợ chồng Bác Yên thì ông hiền như đất, bà lành như ngói. Có thương nhau không nhỉ, khi đi đâu cũng đủ cặp vợ chồng, suốt ngày chăm lo cho nhau? Có không thương nhau không, mà có được đông con nhiều cháu đến vậy? Mà con cháu quây quần tề tựu về mỗi tuần, chia ngọt sẻ bùi với nhau trong suốt bao năm qua! 


blank

Người lính Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Văn Yên


Bác gái lúc nào cũng hiền lành, từ tốn, thánh thiện, nhân ái. Bà trông cháu, giúp con, lo cho chồng. Mỗi lần tôi ghé, bác gái hay ôn lại chuyện chiến tranh tang thương. Những vết sẹo còn hoài trên ký ức. Để người mẹ Việt Nam như bác gái lại cảm niềm đau khi có người chịu lắng nghe, chia sẻ, học hỏi, cảm thông. Bác hay rủ tôi ở lại ăn bún, ăn cơm, và dẫn tôi ra vườn xem rau thơm, cây ăn trái. Bác gái mát tay nên trồng rau thì rau cứ nhảy nhót um tùm, trồng cây thì trái trĩu trịt. Hai vợ chồng bác hiền lành, nên con cháu trong nhà ai cũng đạo đức, tốt lành.


blank

Chí sĩ Nguyễn Văn Yên chiến đấu cho tự do, công lý trên quê hương


Bác Yên ra đi. Lại một sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà nằm xuống, mang theo những oan khiên của một cuộc chiến mà chính nghĩa bị đánh bại bởi tà quyền và tự do bị đọa đày trên quê hương bên kia Thái Bình Dương trong gần nửa thế kỷ. Những oan khiên vẫn đè nặng trên tâm lý và cơ thể của những người con yêu nước của miền Nam khi họ phải hứng chịu những roi đòn của Cộng Sản trong tù cải tạo, những kỳ thị thúc bách sau ngày quê hương bị quỷ đỏ cưỡng chiếm. Nhưng những khốn nạn của đời thường không giết được Đức Tin và Tình Thương. Điều này hiển hiện trong đời sống của bác Yên. Sau những gông cùm cải tạo, bác cùng gia đình qua Mỹ định cư. Bác đã thoát ra khỏi gông cùm đó và đã chọn con đường đẹp nhất giữa khổ đau trần thế. Trong đức tin, đức trông cậy, và đức yêu thương, thì đức yêu thương trọng hơn cả. Bác Yên đã chọn đức yêu thương để cuộc đời bác là những gam màu rực rỡ nhất, đẹp tình người, rạng Đức Tin. Nụ cười của bác sẽ luôn là hình ảnh gắn bó, gần gũi nhất cho những ai đã có duyên lành gặp gỡ và cùng lữ hành với bác trên cõi trần này.


Với đam mê hội hoạ, Bác Yên “cầm cọ" chứ hình như không tham gia sinh hoạt cầm bút, nhưng bác luôn thiết tha và trân trọng chữ nghĩa Việt. Có nhiều lần, bác chia sẻ với tôi những suy nghĩ của bác về các bài viết trên Hiệp Nhất và các tờ báo khác. Chẳng hạn trong một email ngày 18 tháng 11, năm 2017, bác còn đóng cả vai “Thầy Cò" chuyên nghiệp để đưa ra một số lỗi chính tả và cách viết đúng cho một bài viết. Sự cẩn trọng của bác Yên khiến tôi cảm động, vì còn có những người thuộc thế hệ đi trước yêu thương trân quý tiếng Việt như bác thì những thế hệ sau mới có dịp học hỏi và giữ gìn di sản quý giá này. 


blank

Bác Yên (phải) trong vai trò Liên Đoàn Trưởng Đoàn LMTT


Năm 2016, khi được nhờ viết bài thơ để riêng mừng Lễ Bổn Mạng 20 năm của Đoàn Liên Minh Thánh Tâm tại Cộng đoàn Kitô Vua, Giáo xứ St. Columban, tôi cũng nhờ bác coi lại, vì bác là một đoàn viên và đoàn trưởng nhiệt tình. Vì bài thơ ngắn không thể nói hết về một đoàn thể Công Giáo tiến hành vốn lâu đời và mạnh mẽ này, nên tôi cố gắng đưa ra một vài điểm chính về Đoàn. Phong trào Liên Minh Thánh Tâm dành riêng cho nam giới, được cha Édouard Hamon, Dòng Tên, sáng lập năm 1883. Hội viên Liên Minh Thánh Tâm là những trợ tá nhiệt thành của các linh mục, là cánh tay nối dài của các Cha xứ. Đoàn viên sống với lời Chúa Giêsu phán, “Từ lòng Người có tuôn chảy những dòng nước hằng sống. Ta sẽ ban nhưng không cho kẻ khát uống mạch nước sự sống” (Kh 21:6). Khẩu hiệu của Phong trào Liên Minh Thánh Tâm là “Nước Chúa Trị Đến." Chúa kêu gọi các Kitô hữu, “Các ngươi hãy hân hoan múc nước nơi nguồn suối cứu độ” (Is 12:3). Trách Nhiệm Tâm Linh của thành viên Liên Minh Thánh Tâm gồm có tôn sùng Thánh Tâm Chúa, sống tinh thần Hội, làm việc tông đồ cầu nguyện, đọc kinh dâng ngày, rước lễ đền tạ, và tôn sùng Đức Mẹ. Trong Thông Điệp của Phong trào có nói, “Hãy đến với Thánh Tâm Chúa Giêsu như nguồn mạch cứu độ, mạch nước công lý, yêu thương, hiệp nhất và an bình.” Các đoàn viên sống kết hợp mật thiết với Đức Giêsu, bởi vì “Thầy đã tỏ cho các con biết hết mọi điều” (Jn 15:15). Qua linh đạo Liên Minh Thánh Tâm, Thánh Tâm Chúa sẽ cứu vãn xã hội ngày nay khỏi những vết thương trầm trọng như các vị Giáo Hoàng đã quả quyết. Hôm nay tiễn bác Yên về với Trái Tim Cực Thánh Giêsu, tôi xin ghi lại bài thơ ở đây để tưởng nhớ vị Đoàn Trưởng đã một đời luôn thiết tha sống lý tưởng dấn thân.


Liên Minh Thánh Tâm


Từ năm một tám tám ba

Liên Minh tận hiến Tâm Cha một niềm

Đền tạ liên lỉ ngày đêm

Thủ Bản linh đạo, kính nguyền dấn thân

Nhiệt thành trợ tá chủ chăn

Kiến tạo công ích, điều răn giữ gìn

Mỗi ngày con Cậy, Mến, Tin,

Mạch Nước Sự Sống, con xin kính dùng

Bênh vực điều tốt, lợi chung,

Bài trừ nết xấu, không dung gian tà

Hợp nhất trong Thánh Tâm Cha

Tuyên truyền Đạo Thánh muôn nhà, muôn nơi

Giữ cho nghiêm luật Chúa Trời

Yêu cho thấu Thánh Tâm Người máu rơi

Diệu Thuyết tâm niệm không rời

“Nước Chúa Trị Đến" rao lời gần xa

Nguồn suối cứu độ chan hoà

Cùng Mẹ, công lý nguyện ca sớm chiều

Chúa đã tỏ hết mọi điều

Trái tim rộng mở, lửa yêu sáng ngời

Ngài ở cùng con chẳng rời

Đoàn con cứu vãn tội đời với Cha


blank

Ban Trị Sự Liên Đoàn đón ĐC Tod Brown (bác Yên đứng ngay bên phải ĐC)


Với tài hoa và tấm lòng của mình, bác Yên đã để lại một dấu ấn Đức Tin Yêu Thương trên khắp nẻo đường đời, từ những hoạ phẩm bác dâng góp cho việc thờ phụng, đến những giềng mối đạo đức bác đã gieo trồng khắp nơi, và nhất là gia đình đông con nhiều cháu tiếp tục thờ phượng Chúa và mở mang Nước Trời. Giờ bác về trú ẩn nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu, vị Thầy Chí Thánh mà cả đời bác đã tôn thờ, đền tạ qua những năm tháng phục vụ trong Đoàn Liên Minh Thánh Tâm tại Quận Cam. Nguyện xin Thầy Chí Thánh thưởng công bội hậu cho người hoạ sĩ của Đức Tin Yêu Thương này. Xin bác Yên cầu bàu cho quê hương và dân tộc được tự do, hạnh phúc. Con hẹn gặp bác ngày sau trên Quê Trời!


blank

Tượng đài Lòng Chúa Thương Xót do bác Yên thực hiện

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhạc sĩ Đan Thọ qua đời ngày 4 tháng Chín năm 2023, thành phố Houston, Texas, hưởng đại thọ 99 tuổi. An giấc nghìn thu ngày 18 tháng Chín, tại Nhà Quàn Vĩnh Cửu (Chapel of Eternal Peace at Forest Park), Houston, Texas. Với tuổi ta, nhạc sĩ được bách niên (100 tuổi) tuổi hạc đại thượng thọ trên cõi trần...
Vào giữa thập niên 1980s, phổ biến trong nước Triệu Đóa Hoa Hồng, tuy là bản nhạc trữ tình với mối tình dang dở nhưng lời Việt, nhạc Liên Xô nên tôi bị “dị ứng” nên chẳng để ý, dù sau nầy với ca sĩ hải ngoại…
Chúng ta không biết phải dịch chữ “immersive art” như thế nào. Khái niệm này chỉ mới xuất hiện vài năm nay, mặc dù đã xuất hiện, phần nào, trong các loại hình nghệ thuật khác, từ cả nhiều thế kỷ trước. Hình như triển lãm “immersive art” lần đầu tiên ở Los Angeles và Las Vegas là đầu năm 2022, với tranh Van Gogh. Phòng triển lảm sử dụng hình ảnh, âm thanh, không gian, sự chuyển động của màu sắc để làm cho bạn, người khán giả, trở thành một người đang tắm gội trong không gian nghệ thuật của họa sĩ Van Gogh (1853-1890). Tại sao chọn Van Gogh để triển lãm đầu tiên cũng chưa rõ, có lẽ vì tranh họa sĩ này sống động, dữ dội hơn nhiều họa sĩ khác, hấp dẫn hơn với dân Nam California. Có thể dịch chữ “immersive art” là hội họa “trải nghiệm hòa nhập” hay “trải nghiệm nhập vai” – bởi vì, khán giả tự thấy mình trở thành một phần của tác phầm đang chuyển động giữa thế giới màu sắc của họa sĩ.
“Đẹp là gì?” Người đầu tiên chính thức đặt ra câu hỏi căn bản này có lẽ là Socrates (469-399 TCN), và chính ông đã trả lời: “Đẹp là cái thích thú do tai nghe mắt thấy”. Plato (427—347 TCN) cho rằng “Vẻ đẹp là hình ảnh nhất quán và không thể thay đổi của những điều tốt nhất, tinh tế nhất.” Ông cũng là người đầu tiên đưa ra một nền tảng siêu hình về cái đẹp: không dừng lại ở cái đẹp hữu hình, mà đi tìm những giá trị siêu cao vô hình. Theo Immanuel Kant (1724-1804), vẻ đẹp là sự hài hòa giữa hình dáng và nội dung, là thứ khiến chúng ta cảm nhận sự tinh tế và thỏa mãn. Kant cho rằng cái đẹp gồm hai cảm nhận: cảm quan về sự cao cả và cảm quan về thẩm mỹ. Trong cả hai trường hợp, sự xúc động đều gây thích thú nhưng theo hai cách khác nhau: ý nghĩa cao cả khiến trái tim cảm động, còn mỹ thuật làm say mê trí óc của cặp mắt. Với tôn giáo thì vẻ đẹp còn liên quan đến niềm tin.
Ales Pushkin là một họa sĩ độc đáo. Anh là người đã yêu đất nước Belarus nồng nàn, tới mức nhiều lần đứng ra biểu tình đòi cho Belarus gia nhập NATO khi nhìn thấy Nga chiếm vùng Crimea của Ukraine, đã vẽ nhiều họa phẩm chống Tổng Thống Nga Vladimir Putin, bất kể có những cuộc biểu tình chỉ có đơn độc một mình anh ra phố đứng. Anh cũng là người yêu thương Ky tô giáo nồng nàn, đã thực hiện những tác phẩm trang trí nhà thờ, và sau khi nhiều lần vào tù, ra khám anh tâm sự với bạn hữu rằng đời anh chỉ sợ duy nhất có Chúa Trời. Bây giờ, Ales Pushkin (1965 - 2023) đã từ trần trong nhà tù Belarus. Bản tin hôm 12/7/2023 của AP ghi rằng, Ales Pushkin, một họa sĩ và là một nhà hoạt động chính trị người Belarus, người thường xuyên chỉ trích vị Tổng thống độc tài Alexander Lukashenko, đã chết trong tù hôm thứ Ba 11/7/2023 khi đang thọ án 5 năm.
Nhạc sĩ Trần Lê Việt, tác giả của bản nhạc tù quen thuộc, được mọi người nhắc đến, nghe lại vào các dịp kỷ niệm 30 tháng 4 hằng năm: Tháng Tư Đen (hay còn được nhớ nhất với cái tên Tháng Tư 29 ngày 31 đêm) trong dịp sinh nhật thứ 72 đã “được” ngồi xe lăn đi chầm chậm về phía cuối đường (đời). Chàng lãng tử với cây đàn nay không còn có thể “lãng tử” được nữa, dù cây đàn vẫn còn đó, vẫn còn là niềm vui của mỗi ngày, mỗi phút, mỗi giây chàng không phải đánh vật với bệnh tật...
Câu chuyện bắt đầu, một người kể: “Sở dĩ con kên kên sói đầu vì nó ăn mít. Nó đút đầu vào ruột trái mít đục khoét. Mủ mít dính chặt lông. Khi rút đầu ra, lông dính lại. Đầu trọc lóc.” Người thứ hai lên tiếng: “Nói vô lý. Kên kên ăn xác chết, ăn đồ hôi thúi. Mít có mùi thơm. Kên kên không ăn đồ thơm.” Người thứ nhất trả lời: “Nói có lý nhưng xét ra vô lý. Kên kên không ăn mít thường nhưng ăn Sầu riêng. Mít Sầu riêng hôi lắm.” “Nói vô lý. Sầu riêng thơm kiểu khác. Cả triệu người ăn. Cả triệu người ghiền. Điên hay sao mà ăn đồ hôi.” “Bà thấy thơm nhưng tui thấy hôi. Quyền tự do mà. Cả triệu người không ăn Sầu riêng. Cả triệu người thấy Sầu riêng hôi.” “Nói tào lao. Hoa thì thơm. Phân thì hôi. Ai có thể ngửi thấy hầm lù thơm?” “Có thể hôi thúi, nhưng ở đó lâu ngày, quen đi. Thúi cũng như thơm. Giống những người ở xung quanh Kinh Nước Đen.”
Trước sự hâm mộ cuồng nhiệt nhưng không mấy ngạc nhiên, bức chân dung cuối cùng được vẽ bởi họa sĩ Gustav Klimt đã được bán hôm nay với giá bán đấu giá kỷ lục ở châu Âu, 85.3 triệu bảng Anh (tính luôn cả lệ phí giao dịch) tại buổi bán đấu giá nghệ thuật của Sotheby's ở London chiều 27 tháng 6, tờ báo nghệ thuật The Art Newspaper đưa tin.
Cuộc cách mạng không tiếng súng của phong trào dân chủ Thái Lan đã thành công trong cuộc bầu cử giữa tháng 5/2023, với phiếu của giới trẻ và những người có tinh thần dân chủ đã vượt xa phiếu của những người thân chính quyên quân sự. Một trong những người dẫn đầu phong trào đòi thay đổi thể chế, đòi giảm vai trò chính trị của quân đội, đòi xét lại một đạo luật gây tranh cãi chống lại việc xúc phạm chế độ quân chủ… là doanh nhân trẻ Pita Limjaroenrat (sinh năm 1980), từng du học tại Hoa Kỳ và bây giờ là lãnh đạo Đảng Move Forward (Đảng Tiến Lên). Với liên minh nhiều đảng, Pita dự kiến sẽ là Thủ Tướng tương lai, nếu chính quyền quân đội Thái Lan không tìm được cớ gì để cản trở nữa. Nhưng bây giờ, Pita đang bị điều tra về thủ tục. Ủy ban bầu cử Thái Lan đang xem xét liệu Pita có cố ý không đủ tư cách để ghi danh ứng cử viên quốc hội hay không, bởi vì Pita có sở hữu cổ phần trong một công ty truyền thông, vốn là bị cấm theo quy tắc bầu cử.
Trên Việt Báo cách đây mấy tuần có đăng bài viết so sánh hai ca khúc Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài (Phạm Duy) và Cô Hàng Xóm (Lê Minh Bằng), làm nhóm bạn mê nhạc bolero của tôi phấn chấn quá! Có người nói rằng còn nhiều trường hợp nữa để chứng minh rằng nhạc sến phổ biến hơn nhạc Phạm Duy. Một so sánh khác nữa về hai bài nhạc, một Phạm Duy- một bolero, còn thú vị hơn nữa, đó là Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà của Phạm Duy và Những Đồi Hoa Sim của Dzũng Chinh. Lời đề nghị này có lý! Bởi vì cả hai đều là ca khúc phổ từ cùng một bài thơ Màu Tím Hoa Sim của cố thi sĩ Hữu Loan. Và cả hai bài đều thuộc những ca khúc phổ biến vào bậc nhất của dòng nhạc bolero và nhạc Phạm Duy thời Miền Nam trước 1975.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.