Hôm nay,  

Đỗ Lệnh Dũng

30/04/202520:40:57(Xem: 2526)

  



Tưởng gì chứ sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hoà, cấp bực làng nhàng, cỡ như ông Dũng, tôi quen cả đống. Bạn cùng khoá cũng độ vài trăm, cùng đơn vị khoảng vài chục, và cùng trại (tù) thì chắc … vài ngàn! Tôi đã nghe vô số thằng kể lại những giờ phút cuối cùng của đơn vị mình nhưng chưa thấy ai bị lâm vào hoàn cảnh bi đát, và giữa lúc thập tử nhất sinh, đã tuyên bố một câu (ngon lành) dữ vậy.

Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu (vào giờ phút chót) cũng chỉ âm thầm … đào ngũ thôi, chứ chả hề có mở miệng nói năng gì ráo trọi – với bất cứ ai. Còn Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ thì ồn ào hơn chút đỉnh, rồi cũng chuồn êm – không lâu – sau đó.

Trường hợp của Đỗ Lệnh Dũng thì hơi khác. Cách hành xử của ông cũng khác. Bảnh hơn thấy rõ. Đúng nửa đêm 24/11/1974, trái đạn 82 ly đầu tiên rót vào trong vòng đai Đồng Xoài. Với đại pháo và T-54 yểm trợ, hai trung đoàn của Sư Đoàn 7 của Bắc Quân – sử dụng chiến thuật tiền pháo hậu xung – đã chiếm được chi khu này, vào rạng sáng 7/12/1974.

Buổi chiều cùng ngày, trong khi đang cùng những quân nhân còn sống sót tìm cách thoát khỏi vòng vây, trung úy Đỗ Lệnh Dũng (bỗng) thấy một đoàn người – toàn là đàn bà và trẻ con nhếch nhác, với tay nải hòm xiểng, lôi thôi, lếch thếch – nằng nặc đòi đi theo toán quân của ông, để trốn ra khỏi vùng đất (sắp) được … hoàn toàn giải phóng.

Trước nguy cơ dân chúng có thể bị thiệt mạng oan uổng trong lúc giao tranh, và để thuyết phục mọi người nên ở lại nhà cho được an toàn, trung úy Dũng đã dõng dạc tuyên bố với đám đông: “Tôi nhân danh sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hoà xin hứa sẽ trở lại với đồng bào.”

Và Đỗ Lệnh Dũng đã trở lại thực, chỉ vài ngày sau, như là một … tù binh! Rồi ông bị đấu tố trước Toà Án Nhân Dân Huyện Đôn Luân, một tên gọi khác (mỹ miều hơn) của Đồng Xoài, và đưa từ Nam ra Bắc – theo đường mòn Hồ Chí Minh – để đi cải tạo. Gần muời năm sau, năm 1982, trung úy Đổ Lệnh Dũng được chuyển trại từ Bắc vào Nam – và tiếp tục … ở tù!

Cuộc đời (rõ ràng và hoàn toàn) không may của trung úy Đỗ Lệnh Dũng đã được nhà văn Lê Thiệp viết lại, bằng một cuốn sách – dầy đến bốn trăm trang – lấy tên của chính ông làm tựa. Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương đã cho phát hành phẩm này vào cuối năm 2006, với lời giới thiệu – như sau:

“Đỗ Lệnh Dũng không chỉ là câu chuyện về chiến tranh, dù nhân vật chính là một chiến binh mất tích giữa chiến khu D sau một trận đánh dữ dội.” Đây là câu chuyện về những oan khiên khắc nghiệt mà người dân Việt Nam phải trải gần trọn thế kỷ qua cho đến ngày nay.

Nhân vật chính giã từ cha mẹ khi tròn 18 tuổi và lúc được gặp lại song thân thì đã gần tới tuổi ngũ tuần. Thời gian xa cách là lửa đạn, là những ngày lê gót trên con đường mòn vượt rừng núi Trường Sơn từ Nam ra Bắc, là những năm tháng đoạ đầy tại những trại tù …

Dù chỉ là một góc cạnh giữa muôn ngàn góc cạnh của một thời bão táp, câu chuyện vẫn là bằng cớ vô giá về thảm trạng con người bị tước đoạt trọn vẹn tuổi trẻ, tình yêu gia đình và mọi điều kiện an bình của cuộc sống.

Cuốn Đỗ Lệnh Dũng được ra mắt tại thành phố San Jose, California. Hôm đó, tôi đã hân hạnh được nhìn thấy Trung Úy Dũng và Thiếu Tá Đặng Vũ Khoái – chỉ huy trưởng Chi Khu Đôn Luân – người mà không mấy ai tin là còn có thể sống sót, sau khi đơn vị này thất thủ.

Thiếu tá Khoái cho biết nhờ tác phẩm này mà trong mấy tuần qua, một số những người lính năm xưa – đang tản mát khắp năm Châu – đã tìm lại được nhau. Và ông nghẹn ngào khi giới thiệu với mọi người, vài quân nhân khác của đơn vị – hiện cũng đang có mặt tại hội trường.

Tôi ngồi ở xa, không nhìn rõ nét mặt của những nhân vật này nhưng có thể đoán được rằng mắt họ đều đang ngấn lệ. Tôi cũng là một cựu chiến binh, cũng có cái may mắn lớn lao là còn sống sót sau cuộc chiến vừa qua, và thoát thân đến được một quốc gia an bình phú túc nên cảm thông (thấm thía) sự xúc động của họ.

Trong giây phút đó (có lẽ) mọi người đều cảm thấy an ủi và ấm lòng, trước cảnh trùng phùng bất ngờ (và khó ngờ) đến thế. Cái cảm giác sung sướng vì sự may mắn (hiếm hoi) của mình đã theo tôi suốt cả buổi chiều hôm ấy, và đã cùng với tôi đi vào giấc ngủ.

Nửa khuya, tôi thức dậy. Gần nhơ đêm nào tôi cũng thức dậy vào giấc đó. Và đó cũng là lúc mà tôi thường lò mò trở về … chốn cũ. Như một công dân “part – time” của nước Hoa Kỳ, tôi chưa bao giờ sống hết mình và hết tình nơi quê hương mới. Gần ba mươi năm lưu lạc, tôi vẫn cứ sống (một cách mộng mị) đều đều – theo kiểu “ngày ở / đêm về” – như thế.

Tôi thường trở về Đà Lạt. Đây là nơi mà tôi đã lớn lên, và đã ướp đẫm tuổi thơ (cũng như tuổi trẻ của mình) bằng rất nhiều đặc sản của núi rừng: nuớc hồ Xuân Hương, sương mù, phấn thông vàng, mùi cỏ dại của Đồi Cù, và cả trăm loại hương hoa man dại.

Có dạo tôi hay trở về những đồi trà, đồi bắp, đồi khoai – bao quanh trại cải tạo Tân Rai – ở Blao. Tôi cùng lũ bạn tù cứ đi trong nắng sớm, trên những con đường mịn màng (thơm nồng mùi đất) sau một đêm mưa.

Cũng có khi tôi về lại Sài Gòn, ghé thăm một người bạn đồng đội mới, chỉ vừa biết sơ, qua một bài báo ngắn – của ký giả Bùi Bảo Trúc:

“Sáng nay mở e-mail ra đọc, tôi nhận được từ một người không hề quen biết, không kèm theo một giòng chữ nào, bức hình một người đàn ông mà tôi cũng chưa gặp bao giờ. Hình chụp người đàn ông đang ngồi trên giường có trải chiếu, đằng sau là bức tường loang lổ, hoen ố những vết đen mốc. Ông có một bộ ria, tóc dầy và đen, một mắt to, một mắt nhỏ mà tôi nghĩ là bị hư, chỉ còn một con. Ông không còn chân tay. Hai chân bị cụt trên đầu gối. Và hai tay cụt ở trên khuỷu tay, gần nách.

Trong hình có ghi tên ông. Ông tên là Thìn, Nguyễn Văn Thìn. Năm sinh được ghi là 1952. Hàng chữ phía dưới cho biết ông là thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa. Đơn vị cuối của ông là Trung Đoàn 49, Sư Đoàn 25 Bộ Binh. Cấp bậc của của ông là Trung Sĩ Nhất. Ông sinh năm 1952, tuổi Thìn nên tên cũng là Thìn. Ông không còn chân tay.

Từ 30 năm nay, ông không có chân, cũng không có tay. Ông làm sao sống nổi qua bằng ấy năm không có hai chân mà cũng không có cả hai tay. Tôi tưởng tượng, không khó khăn lắm, cũng vẫn thấy ra được những khó khăn của ông. Trong một chế độ thân thiện với ông, ông cũng đã vô cùng bất hạnh vì thiếu con mắt, thiếu hai tay, lại thiếu luôn cả hai chân. Huống chi trong một khung cảnh không thân thiện nếu không muốn nói là thù nghịch, thì ông còn khổ biết là bao nhiêu nữa. Tôi không dám tưởng tượng thêm ra những chuyện khác trong đời sống hàng ngày của ông, nếu đó có thể gọi được là một đời sống.”


Ông Thìn luôn luôn nhìn tôi với đôi mắt u buồn và lắc đầu ra dấu, như có ý nói là đừng đến thăm nhau nữa: “muộn mất rồi.” Mãi sau này tôi mới biết là … muộn thật! Trong những trang sổ tay cũ, khi viết về trung sĩ Nguyễn Văn Thìn, cách đây vài năm, tôi đã có dịp phổ biến địa chỉ của ông: nhà số 9/8 đường Bông Sao, phường 5, quận 8, Sài Gòn. Chừng một tháng sau, vài người báo cho tôi biết là họ đã gửi quà về biếu ông Thìn nhưng không còn … kịp nữa. Ông bạn đồng đội của tôi đã qua đời, vài tuần, trước đó!

Đêm nay thì tôi về miền Trung, phần quê hương khốn khó mà tôi chưa bao giờ có dịp ghé qua, để thăm một đồng đội khác:

“Sự hy sinh của anh quá lớn, hai mắt, hai tay và hai chân cho tổ quốc còn cá nhân chị đã hy sinh cả cuộc đời cho những người mà cả tổ quốc phải tri ân. Đã rưng rưng khóc lần nữa và cảm ơn nhiều lắm đến bà con ở Úc và Hội. Tôi phải vượt đường xa tít tăp từ Huế tìm đến nơi 1 anh Thương Binh mù hai mắt, cụt 2 tay lẫn 2 chân gần Lăng Cô … Tôi nhìn thấy anh Dương Quang Thương nằm xấp ngay ngạch cửa. Tôi lên tiếng chào, anh bật ngồi dậy hỏi tôi là ai?

Qua những phút giây trao đổi, tôi thấy anh khóc, những dòng nước mắt lăn ra từ hai hố mắt sâu thẳm ấy làm tôi phải khóc theo. Nghe tiếng người lạ, vợ anh từ sau hè chạy lên trên tay còn cầm nắm rau dền hoang vừa mới ngắt về để lo bữa ăn chiều, chị chào hỏi tôi rồi rót nước mời tôi uống … Thoạt đầu tôi chỉ nói tôi là người mang tiền và thuốc tây đến cho anh do bà con từ bên Úc đóng góp gửi về. Tôi gởi anh 100 đô Úc và 5 hộp thuốc tây. Anh đã rưng rưng khóc lần nữa và cảm ơn nhiều lắm đến bà con ở Úc và Hội.”

Sau một hồi tâm sự anh nhắn gửi lời cảm ơn đến người điều hành Hội mà gia đình anh thường thư từ qua lại nhiều năm nay. Tôi xúc động quá và cho biết là: Thưa anh chị chính tôi đây… Nghe đến đó anh quờ quạng hai cái cùi tay còn lại lết thật nhanh về hướng tôi và ôm lấytôi mà khóc. Vợ anh cũng khóc, tôi cũng khóc, người chạy xe ôm cũng khóc theo… Sự hy sinh của anh quá lớn, hai mắt, hai tay và hai chân cho tổ quốc còn cá nhân chị đã hy sinh cả cuộc đời cho những người mà cả tổ quốc phải tri ân. Chị đã khóc nhiều lắm vì những khó khăn đè nặng thân phận của người phụ nữ ốm o gầy còm cố vươn vai suốt hơn ¼ thế kỷ gánh gồng, ẵm bồng tắm rửa, đút ăn và những cơn lũ lụt khủng khiếp phải cõng chồng chạy tìm sinh lộ… Ra tới đầu ngõ, tôi và anh xe ôm vẫn còn khóc… (Nguyễn Cảnh Tân. “Nỗi Sầu Riêng Hay Cái Đau Chung.” Việt Luận).

Ở VN, bây giờ, mà khóc nhiều như vậy e hơi (bị) lố. Làm người Việt thì dù ở vào hoàn cảnh tệ bạc đến đâu chăng nữa vẫn (có thể) được khối kẻ khát khao. Tôi liên tưởng đến số phận te tua, bầm dập của Đỗ Lệnh Dũng và không khỏi trạnh lòng nghĩ thêm rằng: đó là cảnh đời mà phế binh Dương Quang Thương có nằm mơ cũng không thấy được.

Và hiện tại ở quê tôi còn bao nhiêu chục ngàn cựu chiến binh khác nữa (cũng tàn phế đến độ không thể đi xin ăn được) đang nằm chờ chết ở một xó xỉnh nào đó, ước mơ đến ngày có người đồng đội cũ (chợt) nhớ đến mình và ghé thăm chơi – như chiến hữu Nguyễn Cảnh Tân đã ghé thăm bạn Dương Quang Thương, vào một buổi chiều nào đó?

Tưởng Năng Tiến

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cuộc hôn nhân ngắn ngủi vài năm của Bình với người vợ cũ tan vỡ. Mộng Điệp là người phụ nữ vật chất, đứng núi này trông núi nọ, tính nết đanh đá chua ngoa luôn có những lời nặng nhẹ chê bai chồng không biết kiếm tiền giỏi như người ta...
Chuỗi dài thời gian của quá khứ ta còn giữ được. Giữ được mãi mãi cho đến khi trí đã mòn sức đã kiệt. Giây phút hiện tại coi như chẳng có gì. Nó vuột khỏi tay ta từng sát na rồi cũng tan biến vào quá khứ đề xếp hàng cùng với chuỗi thời gian đã qua. Tương lai là điều chưa có, chưa đến nên ta cũng chẳng làm chủ được gì của những điều ở cõi xa thẳm diệu vợi...
Hôm đi Cần Thơ, đứa cháu gọi bằng chú kể chuyện đi Hòn Kẽm- Đá Dừng, ranh giới tự nhiên hiện nay giữa 2 huyện Quế Sơn-Hiệp Đức, một địa danh mà thời trung học và đến mãi sau này tôi vẫn nghĩ là vùng núi non hiểm trở phía thượng nguồn sông Thu Bồn, nơi được biết đến nhiều bởi trận lụt kinh hoàng ở Quảng Nam năm Giáp Thìn 1964...
Mùa hè một chín bảy hai, cha tôi tử trận ở Long Mỹ, để lại một vợ và bốn con. Mẹ lúc đó mới ba mươi sáu, tôi mười lăm và thằng Thanh vừa bảy tuổi. Sau gần ba tháng bàng hoàng, tang thương mẹ tôi trở lại với cuộc sống cơm áo đời thường với đàn con nhỏ dại...
Ngồi trên bãi biển Nha Trang khi thủy triều xuống cuốn nước xa bờ để lại vạt cát dài màu trắng mịn, và lúc nắng chiều chiếu xiên trên mặt biển gợn sóng lăn tăn, trông như dải lụa dát vàng lung linh đến tận các hải đảo xa mờ mây nước, khách nhàn du sẽ mê mẩn với sắc màu kỳ diệu của buổi chiều tà mà quên hết cảnh huyên náo chung quanh...
Buổi tối hôm ấy, Quân đến nhà Phượng chơi như thường lệ. Sau vài câu thăm hỏi tình hình bệnh của má Phượng, chàng thầm thì...
Mấy nay phân xưởng Debug của hãng máy tính nhận người vô liên tục, hàng hóa đang cần gấp. Hoài Hương lướt web và thấy hãng IMF đang cần nhiều người làm việc, có thể làm bán thời gian hoặc toàn phần...
Hoạt đạp chiếc xe đạp cà tàng đi lang thang trên khắp những con đường Sài Gòn để mua đồ phế liệu...
Tôi thuộc lứa sinh viên “tú tài Mậu Thân, cử nhân Nhâm Tý”, nhưng chỉ được vế đầu, còn đỗ cử nhân thì phải đợi đến… Giáp Dần...
Căn phòng này / chiếc bàn này / nơi chúng ta đã từng ngồi / nâng ly / chúc mừng một bức tranh vừa hoàn tất / chúc mừng một cuốn sách vừa in xong / chào mừng một người bạn từ phương xa đến...
Tôi xin kể bạn nghe câu chuyện về hai ngôi làng, một của người Bahnar và làng kia của người J’rai trên vùng cao nguyên Trung phần Việt Nam, bây giờ được nhập chung là tỉnh Gia Lai-Kontum. Nói rõ hơn một chút, Làng Hồ, ngôn ngữ Bahnar là Kontum; Làng Đuôi, tiếng J’rai là Pleiku...
Làm người Huế là đã mang một cái “nghiệp” tha hương. Vì đất thì chật mà lòng người thì rộng lớn nên không giữ được những bước chân ôm mộng viễn xứ sông hồ. Huế kỳ cục, ở thì không thấy thương mà đi xa rồi mới quay quắt nhớ. Nhớ đất, nhớ quê có khi di lụy cả một đời…
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.