Hôm nay,  

Chào chú…

2/14/202500:00:00(View: 4131)
 
Chao chu

Minh họa: Đinh Trường Chinh

Tôi đang đổ xăng, bỗng có người thanh niên tiến đến nên tôi cảnh giác xem anh ta muốn gì? Anh ấy không có thái độ gây hấn hay gì hết, ngược lại là nụ cười xã giao dễ mến và và hành lễ khoanh tay là điều đã hiếm thấy ở giới trẻ Việt trên nước Mỹ bây giờ.

   “Thưa chú, chú khoẻ không?”

   “Cảm ơn con, chú khoẻ…”

   “Con xin lỗi chú nha. Con nhìn chú nãy giờ, con nghĩ chú là bạn của ba con, nhưng con không nhớ được tên chú…”

   “Chuyện bình thường thôi con ơi! Bây giờ con nói tên con, chú cũng không nhớ ra con là ai? Nói tên ba con thì may ra chú nhớ…”

   “Dạ, ba con tên Tòng, họ Lý nên chú hay gọi ba con là Lý Tống… Con cũng không biết ông Lý Tống là ai, nhưng thấy chú với mấy chú bác nữa cười vui lắm…”

   “Ồ, chú nhớ rồi. Vậy con là Tuấn anh hay Tuấn em? Con còn một đứa em gái nữa, nó tên là… chú quên rồi.”

   “Dạ em gái con ở nhà tên Síu, đi học tên là Karen Ly. Con là Tuấn anh, còn thằng Tuấn em bây giờ nó bự hơn con nhiều…”

   “Ba má con khoẻ không? Lâu quá rồi chú không gặp từ hồi gia đình con dọn về Houston.”

   “Dạ đúng, gia đình con dọn về Houston. Sau đó con còn nhớ có lần nghe ba con nói điện thoại với chú, nhưng sau đó vài năm ba con bệnh… được mấy tháng thì chết.”

   “Chúa ơi, chú không hay tin. Nhưng má con vẫn khoẻ chứ, thằng Tuấn em bây giờ làm gì, con làm gì, em con…?”

   “Dạ, má con khoẻ, đã nghỉ hưu. Bây giờ sống với con Síu, coi cháu ngoại cho vợ chồng nó đi làm. Thắng Tuấn em học kỹ sư, ra trường nó làm cho công ty dầu khí dưới Houston tới giờ, nó mới cưới vợ nhưng chưa có con, mới mua nhà... Con học xong thì làm cho Bank of America. Hôm nay con lên chơi nhà bạn gái ở Dallas, không ngờ gặp lại chú.”

   “Thời gian nhanh quá, ba con với chú hồi đó cỡ tuổi con bây giờ. Không ngờ ông ấy mất rồi, chú thì…”

   “Con thấy chú khoẻ mà, lo gì chú. Ba con mất sớm vì ung thư phổi.”

   “Ba con không hút thuốc mà ung thư phổi, lạ ha!”

   “Chúa gọi thì đi thôi, ai tránh được. Tội nghiệp má con buồn lắm, tới có cháu ngoại mới đỡ buồn.”

   “Thì hai anh em con kiếm thêm mấy đứa cháu nội cho má con vui…”

   “Con không may mắn chú ơi! Con có đứa con gái sáu tuổi rồi, nhưng vợ chồng con ly dị. Con của con theo mẹ vì ông toà quyết định như vậy, làm má con rất buồn.”

   “…”
  
Chú cháu gặp lại nhau bất ngờ trong cuộc sống luôn diễn ra những bất ngờ tiếp nối những bất ngờ khác. Thằng bé hôm nào thích chơi đá banh với tôi vì ba nó chỉ biết chửi khi chú cháu tôi đá bể mấy chậu bonsai của ông ấy. Vậy mà bây giờ thằng bé cũng đã lắm thăng trầm trong cuộc sống, vui buồn trong cuộc đời. Tạm biệt Tuấn anh như một người thân để tình cờ gặp lại lần nữa hay không có lần nữa như tôi với ba nó vậy, nào ngờ bạn hữu chia tay để gặp lại vì Dallas với Houston đâu có xa xôi gì, nhưng đã không còn gặp nữa. Nhớ lại cuộc khủng bố New York năm 2001, sau đó là kinh tế suy thoái thời ông Bush con, nhiều người mất việc làm. Lý Tòng đưa gia đình về Houston vì người chị của anh có cái tiệm phở, chị em trong nhà nương nhau mà sống lúc khó khăn. Bạn bè chia tay, những cuộc vui gác lại, ai cũng phải lo công ăn việc làm khi con cái còn nhỏ. Đôi lần tôi xuống Houston hay anh lên Dallas đều có việc riêng, anh em đôi khi gặp nhau chỉ đủ thời gian ăn với nhau tô phở, uống ly cà phê rồi chia tay, hẹn gặp; cuộc sống như cỗ máy vô hình nhưng động cơ mạnh mẽ, thúc đẩy người ta tiến về phía trước để hoàn thành ít nhất là những hy vọng sau khi đã từ bỏ những ước mơ. Tôi giống anh ở điểm cùng mang hoài bão là đi học lại, nhưng ước mơ được đến trường lần nữa trong đời đã tiêu tan theo hoàn cảnh con cái ngày càng lớn nhu thì cầu của chúng ngày càng tăng nên ước mơ chỉ còn là hy vọng con cái học hành thành tài, đừng sa ngã vào những trào lưu xã hội.
  
Nay những hy vọng nhỏ nhoi của người di dân đã thành hiện thực, con cái đã trưởng thành cũng đồng nghĩa với cha mẹ đã già, những hụt hơi trong quá khứ đã có thời gian để thở thì anh lại tắt thở. Cuộc gặp đưa tôi về mấy chục năm trước. Cuối tuần, tôi với Lý Tòng hay đi ăn sáng rồi đi nông trại, khi mua chục con gà vườn về nấu ăn cho hai gia đình vào tuần tới. Tuần thì mua nguyên con dê về làm món nhậu, rủ bạn bè tới uống bia xem banh cà na trên TV. Nghỉ lễ thì mua luôn con bê về ăn phủ phê bê thui, phở bê, lòng bê xào cải chua, xào sa tế, món xào thành công nhất là xào đọt mướp, bông bí… Những kỷ niệm vui tràn về làm tê tái chuyện hợp tan trong cuộc sống chạy theo cơm áo gạo tiền, bỏ lại sau lưng biết bao kỷ niệm. Khi cuộc sống chỉ còn sự im lặng là tử tế, người ta cố quên đi quá khứ để sống với hiện tại, bình tâm với được mất trong đời để bình an. Nhưng gặp lại ai đó trong đời như gặp lại mình trong quá khứ vậy, vui buồn vẫn đầy cảm xúc, được mất vẫn tiếc thương sau khi đã nghe, đọc nhiều về buông bỏ, nhưng thực sự của buông bỏ vẫn ngoài tầm với của lý trí nhỏ bé, sức lực của đôi tay đã hao mòn…
  
Trên đường trở về nhà, ngang qua chùa Đạo Quang thì gặp người quen. Tôi hỏi, “Hôm nay lễ gì mà chùa đông vậy?” Thì ra hôm nay là ngày giỗ sư trụ trì đã qua đời là thầy Tịnh Đức. Vị sư già tôi quen, thầy từng tặng tôi tập thơ của thầy. Tôi nhớ bài thơ “cuộc đời”, nhớ câu thơ về cuộc đời mà ai chắc cũng vậy, đọc qua một lần là nhớ mãi cái nhìn cuộc đời của một nhà sư, thầy viết, “đời cũng chỉ là những sân ga rải rác/ của kiếp người vô định trước và sau…” Kính bái thầy nhân ngày giỗ kỵ, xin mượn thầy câu thơ tưởng nhớ người bạn Lý Tòng như một lời hẹn gặp khi đã âm dương cách biệt…
 
Phan
 

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
... Cũng vì vậy, đọc thơ Tuệ Sỹ, tôi cứ thấy hình ảnh con đường dài, và muôn dặm bóng cô lữ một khung trời viễn mộng dằng dặc nỗi ưu tư...
Phi trường Heathrow ấm dần trong không khí nhộp nhịp vào những tuần đầu tiên của mùa lễ hội lớn nhất trong năm. Cứ mỗi lần được đến Vương Quốc Anh, tôi có thêm nhiều kỷ niệm với đất nước có nền văn minh lâu đời này. Câu hát "giấc mơ trở thành hiện thực" ("your dream comes true") được cất lên với giai điệu nhẹ nhàng làm ấm cả không gian trắng như tuyết phủ...
Trước cổng nhà, bác bầy một cái tủ kính nhỏ, đã nói là bác khéo tay lắm, trong tủ kính bán bánh mì đó, bác bán bánh mì kẹp thịt đỏ, xá xíu, pâté gan và đồ chua, tất cả là do hai bàn tay thiện nghệ của bác sáng tạo… và bán rất đắt hàng, bán rẻ mà...
Mỗi khi ngày lễ Noel về, hồn chúng tôi ngây ngất với biết bao hoài niệm của thuở thiếu thời. Nhớ về một Sàigòn xa xưa như nhớ về một thiên đường đã mất. Nhà thờ Đức Bà-Notre Dame Cathédrale vẫn sừng sững trong trí nhớ, nơi chúng tôi đã từng đứng trong giáo đường nghe thời gian rơi theo từng hồi chuông nhà thờ đổ. Con đường Catinat, phố Bonnard, phố Nguyễn Huệ... biết bao lần thay đổi, nhưng cái nét Hòn Ngọc Viễn Đông từ ngàn xưa của Sàigòn không một phai mờ...
Thấm thoát Quán Văn đã ra được trăm số báo... Còn niềm vui nào hơn!
Về tới nhà, chúng tôi vội vàng thay quần áo để chuẩn bị ăn sáng. Uyên luôn tỏ ra nhanh nhẹn trong việc bếp núc. Chỉ một thoáng chúng tôi đã có sẵn sàng một bữa cơm ngon. Nói là ăn sáng, nhưng đúng ra, với những món ăn được đặt trên bàn phải được gọi là bữa ăn trưa mới đúng...
Canada năm nay kỳ thiệt à nghen! Đó là tôi đang nói đến chuyện thời tiết, mà cụ thể là chuyện “tuyết rơi mùa Đông”, bởi nói đến Canada mà không nói chuyện nàng tuyết thì còn biết nói chuyện gì...
Trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, tôi thích nhất nhân vật Hồng Thất Công, bang chủ Cái Bang (kế thừa là Kiều Phong), ông già tính khí trẻ con. Tôi thích vì rất hợp tạng. Nói cách khác, tôi rất sợ những chuyện nghiêm túc. Ở đây bạn đọc sẽ bắt gặp mọi chuyện: chính trị, xã hội, kinh tế, văn chương, thi ca, nghệ thuật…, kể cả những chuyện tầm phào như gái trai, rượu chè hoang đàng nhăng nhít... Nói gọn, mảnh vườn "Ba Điều Bốn Chuyện" này luôn rộng cửa, bạn đọc hãy cùng tôi rong chơi. Xin giới thiệu truyện ký của nhà văn Thận Nhiên. (Khánh Trường)
Cơn mưa bất chợt đến mang theo nỗi buồn vô cớ. Nỗi buồn chầm chậm len vào tim vào phổi rồi thoát ra thành hơi thở nóng hòa nhịp tiếng mưa rơi. Tiếng hát Thái Thanh vút lên, dội lại những hình bóng nhập nhòa kỷ niệm. Những hình bóng cũ, những hò hẹn xưa. Ngày mưa tháng nắng theo nhau qua...
Bố Nisha người Ấn, mẹ Nisha người Việt, người bắc Hà Nội. Nisha là một cô bé thật xinh với giọng nói dễ thương, có chút màu sắc Quảng Ngãi. Chị của Nisha kể một giai thoại vui. Nisha vào Sài Gòn, ở nhà bên ngoại, buổi sáng, các bác gọi Nisha xuống điểm tâm. Từ trên lầu Nisha trả lời...
Bông và ông bà Phạm văn Huê trân trọng báo tin lễ thành hôn của con chúng tôi là Caden Nguyễn và Sophia Phạm. Hôn lễ sẽ tổ chức ngày… tại nhà hàng… Trân trọng mời ông bà, cô bác… đến tham dự chung vui với gia đình chúng tôi. Sự có mặt của ông bà cô bác là niềm hãnh diện cho chúng tôi…
Nghe tin tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Đình Toàn được Người Việt Books cho in lại 2 tập: Nguyễn Đình Toàn – Tiểu thuyết 1 & 2. Tôi chỉ đọc những giới thiệu trên nhật báo Người Việt và Web Diễn Đàn Thế Kỷ, nhưng tôi chưa được nhìn qua hai đứa con tinh thần này của nhà văn Nguyễn Đình Toàn bằng xương bằng thịt. Định trong lòng một ngày đẹp trời nào đó sẽ đến thăm ông, vấn an sức khoẻ của ông, và sẽ mua 2 cuốn sách này...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.