Hôm nay,  

Hương Lay-ơn

1/24/202500:00:00(View: 3578)
 
 
Lay-on-2
Bình hoa Lay-ơn
 
Hỏi thăm ông Hai bán hoa lay-ơn gốc Bình Kiến, nhiều người ngơ ngác hỏi nhau. Tôi lại rảo qua thêm mấy vòng chợ hoa, cũng vừa đi tìm ông Hai, cũng vừa ngắm hoa và ngắm những chậu bonsai bày bán cuối năm, cũng tìm lại mình của gần 20 năm trước, năm nào cũng cứ vào những ngày này, tôi theo ba tôi hóng gió đón sương không hề chợp mắt cùng gian hàng cây kiểng rất bề thế của ba ở đây.
 
Tôi thật không còn gặp lại một nét quen thuộc nào của ngày xưa, ngày đó, mỗi “nghệ nhân” đều có một gian hàng, vừa bán, vừa trưng bày, trong đó, trưng bày và gìn giữ luôn cả những tác phẩm chọn dự thi, đến giờ chấm điểm, ban giám khảo đến từng gian hàng, sơ tuyển những tác phẩm được vào vòng trong, rồi thì chủ nhân những tác phẩm đó tập trung tất cả về khu vực phúc khảo và chung kết, trong mấy tiếng đồng hồ, là có kết quả, lãnh thưởng rồi đem về.
 
Giờ đây, tôi chỉ thấy các tác phẩm nằm im lặng bên trong một hàng rào, có bảo vệ, mà không thấy chủ nhân nó đâu, tôi nhướng mắt đọc tên tác phẩm, tác giả, tôi hỏi thăm một vài người quen cũ, bạn bonsai với ba tôi, cũng chả ai biết là ai.
 
Mà cái mục đích chính của tôi là đi tìm thăm ông Hai lay-ơn. Có thể cũng sẽ hơi khó tìm, nếu cái tên của ông không gắn thêm vào hai chữ lay-ơn, vì thủa đó, lay-ơn hầu như chỉ được trồng ở Ngọc Lãng, còn Bình Kiến thì đa số mới bỏ cây thuốc lá và sắn nước tập tễnh trồng hoa, bắt đầu bằng hoa cúc Đalat, hoa vạn thọ, tiêng chỉ có cái ông Hai này, chơi “ngẳng” khác người, bỏ mấy sào đất quý hiếm ra… thí nghiệm trồng lay-ơn, và hình như cũng mất nhiều năm không khá nổi, trước khi thành công để được chết danh với tên Hai lay-ơn đó.
 
Trước thì tôi không biết ba tôi quen với ông Hai từ bao giờ, nhưng tôi cũng lờ mờ hiểu là phải sau khi ba tôi từ  Mỹ về, bởi vì, nhiều năm trước kia, bạn ba tôi, tôi biết không sót ai cả. Sinh tiền, có một lần cùng về thăm Tết, ba tôi, dẫn tôi đi dạo vườn hoa, ba tôi có ghé lại thăm chú Hai Lay-ơn ở khu bán hoa chợ Tết, rồi sau này, nghe ba tôi kể là hằng năm ba có gửi tiền về cho chú, nhờ chú hàng tuần thắp nhang hộ ba cho mộ mẹ tôi, và mỗi lần thắp nhang, cho ba xin một bình lay-ơn, cây nhà lá vườn của chú Hai. Đến sau này, khi ba tôi mất rồi, trong một lần về, tôi cũng có đi thăm chợ hoa cuối năm, cũng tò mò ghé lại thăm chú Hai lay-ơn, nhắc đến ba tôi, chú kể, một lần bán hoa Tết, tháng bấc lạnh phong phanh tấm áo mỏng, co ro ngày đêm giữa trời… Lúc đó gần hết ngày, mà hoa vẫn còn ế, hạ thấp giá mà cũng không có người mua, năm đó, phong trào chơi bonsai mới rộ, nhiều trưởng giả quá, nên người ta chê hoa, ngồi nhìn đống hoa lòng như đốt lửa, cái áo cho con, miếng thịt cúng đầu năm, trăm thứ tiền chuẩn bị cho năm mới, mà, khi kết thúc năm cũ, thì theo tục lệ, ông sẽ không biết xoay xở vào đâu, nghĩ là, nếu muốn vay mượn cũng khó. Đêm đó, gần 1 giờ sáng, ngày cuối ở chợ hoa, chỉ còn một buổi sáng nữa là ai về nhà nấy, thì bất ngờ ba tôi xuất hiện, sau khi mua mấy chậu kiểng ở các gian hàng cạnh đó, trong khi chờ gọi được xe ba gác chở về nhà, ba tôi ngồi hỏi thăm những người bán hoa kiểng ở đó, biết được chú Hai là một thương binh thời trước cũng ở cùng xã trước kia của ba, ba cởi chiếc áo lạnh đang mặc, ép chú mặc vào, rồi gọi luôn cả chục ly cà phê, mấy gói thuốc lá, ở một bàn cà phê cóc cạnh đó, mời hết anh em hoa kiểng kế đó, quây quần lại chuyện vãn cho vui, sau đó, trước khi từ giã, ba đã tặng chú Hai 200 đô la, hẹn 12 giờ trưa hôm sau, gặp chú Hai ỡ nghĩa trang Phật Giáo, ba nhờ chú Hai gì đó…

Chú Hai mơ màng, đó chỉ là chuyện nhỏ… Mà cái tình hai anh em mới là chuyện lớn…
 
Lần đó tôi về, trước khi gặp chú Hai, tôi đã có đi thăm mộ mẹ tôi, mộ sạch sẽ, tươm tất, những chân nhang đỏ mới và bình hoa lay-ơn chưa kịp héo làm tôi có nghĩ đến chú Hai, đến lời ba tôi kể, nhưng bấy giờ là cuối năm, cuối năm thì ai ai cũng đi tảo mộ, nên chuyện mồ mả nào cũng mới, cũng có hoa đèn nhang khói thì cũng không có gì lạ, vả lại, đã hơn năm năm, từ khi ba tôi mất thì đâu còn có ai gửi tiền về. Mồ mả ông bà tôi đa số đều nằm ở đây, cuối năm cô chú tôi đi tảo mộ, thì sẵn ghé qua mộ mẹ tôi chút cũng là chuyện đạo nghĩa đương nhiên. Tôi đã không hề nghĩ là chú Hai (nhiều năm không còn liên lạc nào của ba tôi) lại còn có lòng đến vậy, cho nên, lần thăm đó, nghe chú kể chuyện, tôi chỉ cảm thấy một chút vui vui, vì được có người còn nhắc đến tính hào sảng của ba tôi, tôi chỉ mua giùm chú một bó hoa lớn, chào chú rồi đi, mãi cho tới lần về này, lại cũng thêm hơn năm năm nữa… sau những năm tháng lay hoay vừa đi làm vừa đi học, gần mười năm mới vừa được tốt nghiệp, làm một chuyến bái tổ vinh quy thăm mẹ.
 
Ít người biết chú Hai hơn, không phải vì lay-ơn nay Bình Kiến đã có nhiều người trồng, mà vì, gian hàng hoa lay-ơn của chú nay đã không còn chú để trông coi, chú mất đã bốn năm năm rồi, và thừa hưởng mảnh vườn, thừa hưởng kinh nghiệm chăm sóc, phân phối, bán buôn, những công việc thường nhật của chú là cô con gái của chú, hiện cũng đang ngồi bán lay-ơn ở một góc chợ hoa. Tôi tìm đến gian hàng, như một người khách quen mua hoa, không để ai biết mình ở xa về.
 
Coi bộ cô cũng sắp dọn về. Hôm nay mới chiều 29 tháng Chạp, mà quầy hoa của cô đã trống trơn:
- Xin lỗi, nếu tôi muốn mua một bó hoa của cô thì làm sao? Mai cô có còn đưa hoa ra bán nữa không?
Cô vừa dọn dẹp, vừa trả lời không ngửng đầu lên:
- Dạ, không anh, nhà cũng muốn hết hoa rồi, với lại em còn nhiều việc phải lo quá.
Tôi có chút bất ngờ với cách trả lời cũng như cái giọng nói êm nhẹ của cô gái, thật nhanh, tôi liếc vội nàng, tim tôi chợt rộn ràng trước một nhan sắc:
- Cô… cô tên gì ạ? Tôi muốn có một bó hoa lay-ơn tím, mà lúc chú nhà còn sống, nghe chú nói chỉ đặc biệt vườn chú có, cô… có thể giúp tôi?
- Dạ, em là Hương…
Tôi cười đùa:
- Hương Lay-ơn?
Cô gái mở to mắt nhìn tôi:
- Sao anh biết?
- Tôi đoán thôi, tại vì, xưa chú là chú Hai Lay-ơn.
- Anh có quen ba em à?
Tôi lợi dụng thời cơ:
- Chẳng những quen, mà còn rất quen. Tại tôi học xa nên lâu nay không có dịp về thăm chú.
- Ba em mất rồi.
- Tôi mới nghe, chia buồn muộn với Hương.
- Dạ, cám ơn anh. Thật ra, em còn một ít hoa tím ở nhà, nhưng sợ không đủ cho anh, chiều nay em phải ra mộ…
- Không sao, liệu cơm gắp mắm, miễn Hương vui lòng, đôi ba cành cũng được. Tôi cũng muốn đi thăm mộ mẹ tôi, sẵn Hương cho phép tôi thắp nhang cho chú…
 
[]
 
Nhà Hương ở gần cổng nghĩa trang Phật Giáo, nên sau khi chia cho tôi một bó hoa tím, Hương nói, sẵn Hương cũng cần thăm mộ trong đó.
- Ba em cũng được an táng ở đây?
- Dạ không, mấy năm nay người ta buộc tất cả phải đưa lên nghĩa trang mới, trên Thọ Vức, Ba em được chôn trên đó, cách đây chừng 4 cây số. Em nghĩ, em sẽ khấn hộ anh lời thăm viếng của anh với ba, ba bữa này, ai cũng tranh thủ… tối mắt.
- Vậy sao em không tranh thủ lên Ba sớm đi? Xong rồi hẵng lo việc khác?
- Dạ, cũng vậy thôi, nơi này, Hương rung rung bó hoa tím trên tay, cũng là một việc chính của em.
Vừa đi bộ từ cổng nghĩa trang vào, Hương vừa kể:
- Ba em có một người bạn ở xa, vì biết ba sống gần nghĩa trang, nên bác ấy nhờ ba em giúp nhang khói giùm bác ấy ngôi mộ của bác gái. Lúc ba còn sống, em vẫn thường theo ba, hoặc thay ba hàng tuần, có khi vài ba ngày một lần, coi như đi dạo một vòng thành phố người chết, để thấy lòng mình mênh mông hai ba cõi, để thấy, yêu thêm đời sống này, yêu thêm cõi tạm ngắn ngủi này. Riết rồi quen, rồi ghiền, đến nỗi, có khi đêm tối, em còn muốn lang thang.
 
Ba mất, mộ ba lại ở xa quá, cho nên mộ bác gái đã trở thành công viên lãng mạn của em…
 
Tôi giựt mình, ngay khi Hương vừa nhắc đến “ba em có một người bạn ở xa…” nhưng vẫn nén lòng nghe Hương kể. Bất giác, tôi mỉm cười một mình, lát nữa đây, Hương sẽ thế nào khi thấy tôi quỳ trước mộ mẹ tôi và gọi mẹ?
 
Tôi cảm thấy không làm chủ được đôi chân đang bắt đầu loạng choạng của tôi, đôi chân xiêu vẹo khiến cho cả người tôi như muốn nghiêng đổ về phía vai Hương. Tôi đã hiểu tại sao Hương cũng mang bó hoa lay-ơn màu tím nhạt, màu dìu dịu như mùi hương loáng thoáng ngây ngất cả một buổi chiều cuối Chạp bâng khuâng.
 
Đặng Kim Côn

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Thật khó mà nói về mình khi bước vào tuổi 90-cái tuổi lớn nhưng không thừa, đôi khi lại thiếu- Ở tuổi 90, sức khỏe xuống cấp, lôi theo sự trì trệ thoái hóa của não bộ, trở nên bảo thủ. Đôi khi lại phấn chấn, một chút quá khích, muốn bước thêm những bước dài nữa thì bị hụt hơi. Ngày xưa hăm hở viết, cứ tưởng mình đắc thủ tư tưởng cổ kim nhiều lắm. Bây giờ ở tuổi 90 lại thích đọc, như tim về nơi trú ẩn, tự an trí mình.
Câu chuyện ngày nay kể về một chuyện ngày xưa, một ngày của thuở hồng hoang loài người; hằng triệu năm trước, khi một mảnh đất trên địa cầu, sau cơn địa chấn, tách ra và trôi dạt về phương Nam, ngày càng xa thẵm và nó trôi đến phía cực Nam của trái đất, dừng lại một nơi chốn tận cùng, rồi một biên giới được dựng lên bởi bức tường Băng Tuyết vĩnh viễn. Trên mảnh đất xa xôi, ngàn năm cô đơn ấy, một loài chim Cánh Cụt ríu rít sống bên nhau, yêu thương che chở nhau cho đến chết vì nhau.
Lúc tôi đậu thanh lọc, được chuyển từ trại “cấm” sang trại tự do, tinh thần vui vẻ, tôi không có ý định tiếp tục công việc ở post office mà muốn thử công việc mới, làm thiện nguyện 3 jobs không hề mệt mỏi . Sáng sớm dạy lớp English Vỡ Lòng cho người lớn tuổi tại trường ESL, sau đó chạy “show” qua trường Việt Ngữ dạy Tiếng Việt cho các em nhỏ, và thời gian còn lại trong ngày làm việc là dành cho Văn Phòng Cao Ủy Định Cư.
Tôi đang đổ xăng, bỗng có người thanh niên tiến đến nên tôi cảnh giác xem anh ta muốn gì? Anh ấy không có thái độ gây hấn hay gì hết, ngược lại là nụ cười xã giao dễ mến và và hành lễ khoanh tay là điều đã hiếm thấy ở giới trẻ Việt trên nước Mỹ bây giờ.
Nhân tuần lễ kỷ niệm 49 ngày Khánh Trường rời cuộc thế gian, tờ Ngôn Ngữ số đặc biệt tháng Hai dành trọn số báo tưởng niệm người họa sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà báo tài hoa Khánh Trường, do nhà thơ Luân Hoán và bạn hữu nhóm Ngôn Ngữ ưu ái thực hiện. Mời đọc bài viết của Trần Yên Hòa trích nhà phê bình văn học Thụy Khuê như một nén nhang tưởng nhớ người họa sĩ/nhà văn tài hoa.
Có thể nói cuộc đời của những du học sinh thời VNCH như tôi trải qua khá nhiều truân chuyên từ dạo ấy, sau tháng Tư đen 1975, từ khi cộng sản Bắc Việt thống trị Nam Việt Nam. Khác với quyết định đi tìm Tự Do, đi tìm sự sống trên cái chết qua hình thức vượt biên vượt biển của đồng hương sau 1975, chúng tôi may mắn hơn, đơn thuần chỉ phải chọn lựa một trong hai: về Việt Nam hay ở lại nước ngoài. Nếu quyết định về VN thì phải cúi đầu phục tùng nhóm sinh viên đoàn kết và toà đại sứ Việt Cộng. Còn ngược lại nếu quyết định ở lại nước ngoài thì phải chấp nhận xa quê hương, xa gia đình, bạn bè anh em và không biết khi nào mới gặp lại!
Văn hóa phương Tây, rắn vừa là biểu tượng trong lĩnh vực y khoa vừa là nguồn cảm hứng trong hội họa, kiến trúc và văn học. Văn hóa Hy Lạp bắt nguồn từ vị thần cổ đại Hermes, sứ giả của các vị thần. Thần Esculape được coi là ông tổ của ngành y dược. Biểu tượng của Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO (World Health Organization) con rắn quấn quanh cây gậy Esculape cầm. Cục Quân Y VNCH có thêm đôi cánh trên thanh kiếm.
Hồi năm sáu tuổi tôi vẫn hay theo chúng bạn ra chơi trước đình làng Thanh Thủy. Nơi đó có mấy cây sanh cổ thụ rất lớn luôn tỏa bóng râm mát mẻ cả đoạn đường bến chạy qua làng. Bên kia con đường bến là hồ Vọng Nguyệt, một cái hồ trông như vuông vức, rộng chừng nửa mẫu tây, dân địa phương vẫn quen gọi là hồ làng...
Phải chi khách đến thăm vườn hồng hơn trăm giống quý đủ màu sắc của ông Chu hằng ngày là khách mua hoa thì chắc thu nhập của gia đình ông đỡ hơn. Ông nghèo, nhưng cái máu nghệ sĩ của ông lại mạnh mẽ hơn chuyện tiền bạc, lại gặp bà vợ hết mực chiều chồng, nên cứ nghe đâu có giống hồng lạ là bằng mọi cách phải có cho bằng được. Năm ba ký gạo đắp đổi hằng ngày đã khó, mà có những giống người ta đổi cả tấn lúa ông cũng lắc đầu.
Không nhớ từ bao giờ đã không còn ngồi xuống bàn trà, tay bốc miếng mứt hạt sen bỏ vô miệng, vị ngọt tươm ra không quá gắt như ăn miếng mứt bí, vị ngọt nhẹ, thanh, kích thích vị giác bởi hương sen quyện ngọt điệu đà, tới khi nhai cái hạt sen đã ấm ấm trong miệng nên không còn cứng cũng không quá mềm như khoai lang luộc. Độ dẻo của hạt sen khi đã sên mứt rất mê hoặc và cũng đâu có gì vội để nuốt đi cho mau, cứ ngậm mà nghe hương vị đất trời tinh khiết của hương sen xông lên khoang mũi làm cho người thưởng thức lâng lâng cảm giác xuân đã về. Có thể nói món gì có hạt sen góp mặt cũng ngon như món vịt tiềm có nhân bên trong là thịt bằm, nấm mèo, táo tàu, gia vị nhiều thứ, nhưng những hạt sen luôn khêu gợi những đôi đũa gắp vì hấp dẫn và ngon lạ miệng. Nhưng đã nhiều năm không ăn mứt hạt sen sao vẫn nhớ khá rõ hương vị độc đáo của hạt sen trong món ngọt ăn chơi ngày tết, hay món mặn ăn tiệc đều ngon.
Cậu Hà người Bắc di cư năm 1954, cậu di cư có một thân một mình khi còn trẻ, nên cậu cũng không có nhiều phương tiện được học hành nhiều. Khi lớn lên ở miền Nam, lối chừng 19, 20 tuổi khoảng năm 1965-1966, cậu từ giã học đường đăng lính, cậu đi lính Việt Nam Cộng Hòa ngành Biệt Động Quân. Sau chuyển qua Thám Báo. Cậu đóng quân như ở miền đồng ruộng, lúc bấy giờ còn loáng thoáng xa xa, ít dân cư, tiếp giáp một bên Đồng Ông Cộ, miệt Gò Vấp, Gia Định.
Chị nhớ lại, vào một buổi sáng ngày cuối tháng 1 năm 1973, khi Chị đi lấy bản tin ở bên Macv về cho AP, chị thấy sao hôm nay văn phòng đông thế. Ký giả của AP và cả của NBC News bên cạnh cũng chạy qua chạy lại, Chị nghe ông chánh văn phòng nói: Viêt Nam sắp ngưng bắn rồi, sắp hòa bình rồi…” Văn phòng Associated Press xôn xao, từ ông chánh văn phòng đến các ký giả, nhân viên của AP đều hứng khởi với cái tin “Nóng bỏng” này. Chị thấy các phóng viên của các hãng thông tấn, hãng truyền hình ngoại quốc chạy hối hả sang nhau và chạy qua cả đài phát thanh Quân Đội Việt Nam để cập nhật tin tức viết bài…
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.