Hôm nay,  

Huế, quê hương đi để mà nhớ

11/03/202414:08:00(Xem: 1633)
Tùy bút

ao tim ben cua

Làm người Huế là đã mang một cái “nghiệp” tha hương. Vì đất thì chật mà lòng người thì rộng lớn nên không giữ được những bước chân ôm mộng viễn xứ sông hồ. Huế kỳ cục, ở thì không thấy thương mà đi xa rồi mới quay quắt nhớ. Nhớ đất, nhớ quê có khi di lụy cả một đời…
    Đó là một buổi sáng ba tôi nằm trên võng và nói: “Ben! Thi lại đại học kiến trúc Sài Gòn đi con, vô trong nớ mới có tương lai”, dù rằng lúc đó tôi đang là sinh viên năm nhất kiến trúc của Đại học Khoa Học Huế. Và quyết định “cưu mang viễn xứ” đã đưa tôi đến Sài Gòn hơn 15 năm. Để rồi biết bao lần về thăm Huế tôi cũng có cảm giác tê cóng cảm xúc không nói được, như mình đang mất một cái gì đó quý giá vừa tìm lại được.
    Ba mẹ tôi không bao giờ ngạc nhiên mỗi lần tôi về thăm nhà và thả cái ba lô xuống một góc phòng. Ba nhìn tôi bình nhiên như thuở bé chạy đi chơi trong xóm mới về rồi nói “Ben vô thưa ôn mệ đi con!”.Ôn mệ cũng nhìn tôi rồi cười, không nói gì. Mẹ tôi vẫn nấu ăn cho buổi cơm chiều như mọi ngày vẫn diễn ra. Bởi cả nhà tôi tin rằng Huế là quê hương đi để mà nhớ, mà đã là nhớ thì phải trở về cho thỏa nỗi ngóng chờ của kẻ tha hương lẫn người cố quận như một lẽ tất nhiên.
    Huế đày đọa người Huế ly hương mà không cho quên Huế!
    Hơn 10 năm trước ngồi cà phê với đứa em còn là cộng tác viên của một tờ báo, sau một hồi im lặng nó nói: “Em thấy anh giống cái bánh”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Sao em so sánh anh lạ vậy?” Nó nói: “Bởi anh sinh ra trong một cái khuôn, cái nếp, cái gia giáo xưa của Huế”. Bất chợt mới thấy không chỉ riêng mình mà những người con Huế khác dù có lưu lạc tứ xứ vẫn gìn giữ những nếp nghĩ xưa cũ, vẫn “dạ thưa”, vẫn khiêm cung lễ độ trong cách ăn nói, vẫn thường soi mình trong mắt người khác để coi mình cư xử có làm phật lòng người khác hay không. Cũng như cảnh Huế đã “trơ gan “ giữa thời đô thị hóa để giữ gìn những thành quách, đền đài lăng miếu hoang rêu. Cảnh Huế và tình Huế đã đồng điệu trong việc lưu giữ, lắng đọng xuống bề sâu những giá trị thuộc về ngày cũ.
    Tôi vẫn có thói quen im lặng và thả mù khói thuốc xám bay khi nghe ai đó than phiền hay chưa vừa lòng với Huế. Những lúc đó tôi dấu được nỗi buồn trong mắt người đối diện nhưng không sao dấu được tiếng thở dài. Bởi kỷ niệm ký ức mới làm nên cái tình cái hồn cho nơi chốn, nếu nhìn Huế qua hình ảnh và hiểu Huế bằng chữ nghĩa thì chỉ thấy màu tàn phai lẫn tiếng thở than của thành quách đã nhuốm đời hoang phế. Người ta làm sao có thể hiểu được nỗi niềm, tình cảm của một đứa bé lớn lên ở Huế. Tôi làm sao quên những ngày rét căm của Huế ngồi sau xe mẹ chở tới trường, hay những tối muộn màng ba vẫn đi về để trả nợ áo cơm. Những đêm mưa dột hết cả chỗ nằm mà vẫn ấm hơi cha mẹ, hay những mùa  lụt tận năm nào vẫn còn ngập sũng lòng tôi. Có mấy ai biết mỗi lần gần Tết Nguyên Đán là nỗi nhớ quê nhà cứ tự nhiên thấm đẫm trong tận cùng sâu thẳm của mỗi tấc lòng, giữa đoạn trường đời nhau chờ ngày sum họp…
    Huế bình thản ngày tạ từ mà đau đáu ngày đoàn viên. Huế để người ta đi xa ngái mà day dứt thương nhớ cố quận khôn nguôi. Với tôi Sài Gòn là nhà mà Huế là quê hương!
    Những người bạn đi du lịch Huế về gặp tôi thường nói: “Huế buồn quá Linh ơi, mưa dầm dề mãi”. Tôi không ngạc nhiên bởi tôi biết Huế đủ nỗi buồn để chia đều hết thảy cho mọi người. Huế buồn từ thuở khai sinh bởi tiếng thở dài của người Chiêm lưu vong đã giao thoa với những người từ phía đàng Ngoài đi mở cõi, đã trải qua thất thủ kinh đô với những miễu âm hồn như vết tích, qua bao đời hưng phế của triều Nguyễn chỉ còn lại đền đài một thuở sương phai. Huế buồn bởi nắng sớm mưa trưa chiều tím đều mang vẻ khắc khoải hoài vọng quá khứ, lặng lẽ với hiện tại và mong chờ ở ngày mai sẽ hội ngộ tương phùng. Có người thì thắc mắc sao Huế đi ngủ sớm vậy, mới có 9 giờ tối mà đường phố vắng tênh. Thực ra Huế không thức khuya ngoài đường phố mà thức dưới mái nhà, bên cạnh cha mẹ anh em với những câu chuyện đời chuyện người bất tận như những cơn mưa. Những cơn mưa dầm như một món đặc sản đã làm cho tình cảm Huế ít phát triển hướng ngoại mà thường hướng về chiều sâu của nội tâm, âm thầm mà chung thủy. Thế nên, người ở lại thì vẫn năm tháng đợi chờ gót lữ hành của kẻ “khăn gói đi xa”. Người viễn xứ thì luôn có một “góc Huế” trong mớ hành trang của ký ức để luôn canh cánh trở về mỗi khi thấy nhớ.
    Huế cũng như bao bà mẹ quê trên đất nước này: giản dị, chất phác đơn sơ nhưng luôn bao dung, cảm thông, nhớ thương những đứa con luân lạc của mình. Làm sao ra đi cho đành đoạn mà không khắc khoải ngày trở về thăm Huế: nơi chốn lưu giữ một phận đời tôi.
 

– Bùi Hoàng Linh

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Người ta nói: “Hết quan là hoàn dân” và chỉ mong có vậy, đừng hết quan hoàn…tàn phế” thì buồn quá! Hôm nay lão Dụng đã tự ngồi dậy được. Lão không nhớ là mình đã nằm như khúc gỗ mục, bất động bao lâu rồi! “Mới đó mà đã lại sang một năm mới. Thời gian bây giờ có nghĩa gì đâu chứ!”: Lão lẩm nhẩm một mình!...
Trong một căn phòng motel nhỏ sạch sẽ gọn gàng chăn ga gối trắng, trên giường phủ một tấm trải lớn có thể dùng làm chăn đắp màu lông chuột, một người phụ nữ nằm khóc, và người đàn ông đang ra sức dỗ dành. Cô gái mếu máo “Anh à, anh X đã bỏ đi rồi!”...
Những ngày cuối tháng tư quân trường Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung vẫn đang cắm trại, chồng tôi chưa về, nhưng trước khi đi anh đã bảo tôi ở nhà có gì thì bám theo cha mẹ và các em để đùm bọc lẫn nhau. Gia đình cha mẹ tôi ở gần nên hai nhà như một...
Tôi bồn chồn liếc mắt nhìn đồng hồ, rồi lại nhìn chừng về phía hội trường đầy ấp hơi người và ồn ào tiếng cười nói. Đã hơn tám giờ mà chương trình vẫn chưa bắt đầu. Chưa bao giờ tôi thấy khó chịu về chuyện giờ giấc như lúc nầy. Thấp thoáng trong đám đông, tôi thấy Khánh đang chạy đôn đáo chừng như kiểm điểm sự có mặt của một số khách “nồng cốt”, để bắt đầu chương trình...
Tiếng hát Cẩm Vân trong trẻo, vút cao, nghèn nghẹn đầy xúc cảm. Tôi buông thả Mi7 và chuyển vội La thứ như chưa muốn ngừng những âm vang cuối. Nốt dứt đoạn ngân dài, tất cả lặng yên, bên ngoài có tiếng gió đêm Sài Gòn vội về, bất chợt...
Tố Như tiên sinh đã để lại cho hậu thế câu thơ tháng ba đẹp như tranh trong truyện Kiều, “cỏ non xanh tận chân trời/ cành lê trắng điểm một vài bông hoa…” Đọc xong câu thơ thì nửa số người đọc đã nhắm mắt lại để hình dung ra bức tranh mùa xuân vẽ bằng thơ; với hai màu xanh, trắng vào tay hoạ sĩ, chúng ta có bức tranh chiêm ngưỡng bằng mắt, nhưng với nhà thơ chúng ta có bức tranh trong trí tưởng tuyệt vời… Tôi nói với ông bạn mê thơ đang ngồi chung bàn cà phê mà mọi người đang nói chuyện thời sự nên không phù hợp với một sáng tháng ba trời mát lạnh vì mưa đêm qua rả rích tới sáng, anh em rủ nhau ra ngoài trời ngồi uống cà phê cho mấy ông bạn còn hút thuốc được thỏa mãn thú tính. Thế là những ông đã giã từ làn khói mỏng bị những ông còn hút thuốc giận cho, rồi cãi nhau.
Đầu tháng Tư, hoa tulip đã vội gõ cửa mọi nhà sau giấc đông miên ngắn ngủi. Mùa Xuân cũng theo hoa tulip trở về, mở ra khúc giao mùa. Trong gió Xuân đầu mùa còn lạnh, ngoài xa trên cánh đồng rừng quê muôn vạn búp non đang nẩy lộc đâm chồi. Cỏ non, cây rừng già vẫn mạnh mẽ vươn lên tràn đầy sức sống. Đàn cá hồi thức giấc bắt đầu vượt thác trở lại quê hương nguồn cội...
Một thời gian ngắn sau Hiệp Định Genève tháng 7, 1954, gia đình chúng tôi rời Phủ Cam dọn vào ở trong khuôn viên trường Đồng Khánh. Măng chúng tôi dạy môn Nữ Công Gia Chánh, và có lẽ vì là một quả phụ với 6 con, nên được Bà Hiệu Trưởng Nguyễn Đình Chi, ưu ái giúp đỡ cho gia đình được sống trong 2 căn phòng trên lầu Ba (bên phải, nếu từ cổng trước nhìn vào). Cùng ở trên lầu Ba sát cạnh gia đình chúng tôi là gia đình của bà quả phụ Trần Thi, mà chúng tôi thường kêu là Dì Hoàn vì Dì là bạn của Măng tôi từ khi 2 người học chung với nhau tại trường Đồng Khánh trong thập niên 30. Gia đình Dì cũng đông không kém gia đình tôi – 7 người. Dì ít cười và có vẻ nghiêm khắc. Các nữ sinh nghỉ trưa tại trường rất sợ gặp “Bà Thi”, dễ bị Bà la rầy hay cho “kỷ luật”, nhất khi bị bắt gặp đi lang thang trong hành lang thay vì phải ở trong phòng học.
Hạo chỉ có cậu Tân là người cậu duy nhất. Mẹ Hạo là chị cả trong gia đình có bốn người con. Mẹ, dì Hiên, cậu Tân và dì út Hậu. Cậu Tân vốn là một nông dân chính hiệu. Hình như cậu học mới qua bậc tiểu học là cậu bỏ cây bút để cầm cái cày, cái cuốc. Đến năm cậu trên bốn mươi, cậu đã có bảy người con, bốn trai, ba gái. Có lẽ cậu thấy cuộc sống làm một người nông dân quá cực hay sao mà cậu nhảy ra tham gia chánh quyền. Cậu được bầu làm xã trưởng...
Những chuyến xe ngập ngừng, chậm chạp lăn trên con đường gập ghềnh để chuyên chở đoàn người đi thăm cha, anh, em, con, chồng ở khắp nơi trong những trại tù, nơi mà lớp người mới gọi là "Trại Học Tập Cải Tạo" nghe ngược ngạo, chua chát nhiều đắng cay. Từ Quốc Lộ 1, phải đi khoảng chừng 2 cây số, trên một con đường mòn, xuyên qua rừng cây gỗ quý cẩm lai là đến trại tù cải tạo Hàm Tân...
Cuộc hôn nhân ngắn ngủi vài năm của Bình với người vợ cũ tan vỡ. Mộng Điệp là người phụ nữ vật chất, đứng núi này trông núi nọ, tính nết đanh đá chua ngoa luôn có những lời nặng nhẹ chê bai chồng không biết kiếm tiền giỏi như người ta...
Chuỗi dài thời gian của quá khứ ta còn giữ được. Giữ được mãi mãi cho đến khi trí đã mòn sức đã kiệt. Giây phút hiện tại coi như chẳng có gì. Nó vuột khỏi tay ta từng sát na rồi cũng tan biến vào quá khứ đề xếp hàng cùng với chuỗi thời gian đã qua. Tương lai là điều chưa có, chưa đến nên ta cũng chẳng làm chủ được gì của những điều ở cõi xa thẳm diệu vợi...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.