Hôm nay,  

Đi chơi Chùa Hương – Suối Yến, Đền Trình

3/3/202409:38:00(View: 1888)
Truyện

giuhung 1

Từ tờ mờ sáng, chúng tôi đã chuẩn bị xong và sẵn sàng cho cuộc đi chơi hôm nay. Mỗi người trong chúng tôi đều đeo trên vai một chiếc ba-lô nhỏ, trong đựng vài bộ quần áo đủ để thay đổi đôi ngày. Chúng tôi không quên sắp thêm chút ít thức ăn dọc đường, thêm vài ba chai “nước suối” nhỏ và ít trái cây trước khi ra khỏi nhà.
     Uyên trong chiếc áo dài tơ mầu mỡ gà, khoác ngoài chiếc áo len mầu nâu nhạt. Còn Thi vẫn trong chiếc áo dài trắng học trò hàng ngày, khoác ngoài chiếc áo len mỏng mầu tím Huế. Đi leo núi mà hai cô ăn mặc thế kia thì không tiện lắm. Nhưng thôi cũng được, đi lễ chùa mà, ta cũng nên mặc áo dài cho nó trang trọng, thành kính.
      Dựa vào những tài liệu tôi có, quần thể Hương Sơn thuộc địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (trước kia là huyện Hoài An), tỉnh Hà Đông, cách Hà nội khoảng 60 cây số về huớng tây-nam. Lộ trình đi thăm quần thể Hương Sơn, thông thường người ta có thể chia ra làm 3 tuyến đường chính mà du khách và khách hành hương đến đất Phật thường lui tới:
      -  Tuyến đường chính đưa tới chùa Hương Tích.
      -  Tuyến đường thứ hai đưa tới chùa Hinh Bồng.
      -  Tuyến đường thứ ba đưa tới chùa Tuyết Sơn.
      Trong đó, tuyến đường chính để vào động hay chùa Hương Tích là “trung tâm điểm” thu hút du khách và khách hành hương nhiều nhất.
      Với ba tuyến trên, ta không thể đi hết trong vòng một ngày, nhanh lắm cũng phải mất hai ngày, thong thả phải mất ba ngày mới tạm nói là ta đã đi gần hết những điểm chính của quần thể ấy. Tôi phác họa ngay lộ trình vào thăm chùa Hương Tích để không bị bỡ ngỡ vì đây là lần đầu chúng tôi đặt chân đến vùng “Đệ nhất Nam thiên ấy cảnh này”.
      Kề ngay bến xe Hồng Quang, thuộc Hương Sơn, là bến Đục. Từ bến Đục, ta đi bộ tới bến đò Yến. Ta xuống thuyền tại bến đò Yến. Thuyền bơi dọc theo suối Yến để ghé qua đền Trình, rồi từ đây thuyền lại tiếp tục chèo đến bến đò Trò, hay bến đò Thiên Trù, nơi đây có chùa Thiên Trù, còn gọi là “chùa Ngoài”. Từ chùa Thiên Trù ta đi bộ, lần theo đường núi để đến chùa Tiên ngay gần đó, rồi qua chùa Giải Oan có động Tuyết Quỳnh hay Tuyết Kình, rồi đến đền Chấn Song hay còn gọi là đền Cửa Võng. Rồi tiếp tục đi theo triền núi tới động Hương Tích hay còn gọi là “chùa Trong”. Sau đó chúng tôi sẽ quay trở về bến Yến, nơi xuất phát.
 
***

Từ bến xe khách Hà Nội, xe chuyển bánh vào khoảng 6 giờ sáng. Chúng tôi đến bến xe Hồng Quang vào đúng 8 giờ sáng. Các xe khách từ các nơi cũng đổ về đây làm quang cảnh bến xe có phần đông đúc nhộn nhịp hẳn lên. Các cửa hàng đã mở cửa tự bao giờ. Bên cạnh bến xe là bến Đục thuộc làng Đục Khê. Bến Đục là một bến đò trên dòng sông Đáy. Từ đây coi như ta đã bước chân vào vùng đất Phật Hương Sơn hay đúng ra là khởi đầu cho một quần thể núi, sông, chùa chiền, hang động của thắng cảnh mang tên Hương Sơn.
    Từ bến Đục, chúng tôi qua cây cầu gạch, đi bộ hơn một cây số thì tới bến đò Yến thuộc suối Yến của làng Yến Vĩ (đuôi chim Yến). Người dân làng Yến Vĩ ví làng mình mang hình dáng con chim yến (hay chim én), một loại chim của mùa xuân. Vào những ngày hội, con đường này rất đông vui.

giuhung 2
Bến đò Yến.
 
Tại bến đò Yến, chúng tôi thuê một chiếc đò “tam bản” đan bằng tre. Ở đây có cái lạ là người ta thuê thuyền theo ngày chứ không theo chuyến. Du khách muốn xuống chỗ nào thì thuyền neo đợi. Khi khách trở ra, thuyền sẵn sàng đưa khách đi tiếp. Cô lái đò của chúng tôi còn trẻ, vui tính, rất thân thiện và phải nói thêm là duyên dáng nữa.
      Cô lái đò giúp chúng tôi ngồi an vị trên thuyền. Uyên và Thi có lẽ đây là lần đầu tiên đi thuyền trên sông, suối nên hai cô tỏ ra hơi sợ mỗi khi thuyền chòng chành. Nhưng chẳng mấy chốc chúng tôi cũng đã làm quen được với chiếc thuyền nan này.
      Thuyền từ từ lướt nhẹ theo dòng suối Yến. Nước vỗ vào mạn thuyền nghe thật vui tai. Cảnh vật ở đây, đúng là cảnh thiên thai, đẹp như một bức tranh sơn thủy. Trước là núi, hai bên là núi, trên cao là trời xanh, ở giữa là dòng suối lững lờ trôi một cách êm đềm, bình thản.
      Núi có cái đẹp của núi. Núi không cao nhưng trùng trùng điệp điệp, lớp trước lớp sau, lớp tỏ lớp mờ, lớp ẩn lớp hiện. Mầu sắc của núi biến đổi luôn luôn theo ánh sáng mặt trời đang lên.       Nước có cái đẹp của nước. Suối Yến không sâu nhưng mở rộng ra như thể không bờ. Nếu có bờ, cũng chỉ là bờ của những thửa ruộng đồng ngập nước. Từ lòng suối ngoi lên những mảng “cỏ xanh”. Thêm vào đó, những đám rong rêu lay động, lập lờ trong lòng suối như tóc tiên buông xõa cuốn nhẹ lấy mái chèo.
 
Trong làn nước nhẹ mọc rêu xanh,
Như gấm mơ hồ dưới thủy tinh.
Chèo khỏa, chèo lên, chèo lại khỏa,
Thuyền đi trên vạn sắc màu xinh.
(Trích bài “Thăm Cảnh Chùa Hương” của Xuân Diệu)
 
Hình bóng phản chiếu trên nước của núi và mây như quyện lại với nhau một cách hài hòa và cùng trôi chẩy theo chiếc thuyền nan. Qua mỗi khúc ngoặt hay quanh co của suối, cảnh vật lại đột ngột thay đổi. Quang cảnh thật hùng vĩ nhưng vẫn dung dị êm đềm như thơ, vẫn mang cái tinh khiết thoát tục của nơi đất Phật. Ai đặt chân đến đây cũng thấy lòng mình thanh thản, xa hẳn cõi bụi trần. Người ta đến đây, với cảnh trí này, không phải chỉ để ngắm cái cảnh đẹp của thiên nhiên mà còn tự muốn bỏ đi những vướng mắc, trần trượt của bản thân mình trong đời sống hàng ngày.
      Cả ba chúng tôi đều yên lặng để được tận hưởng, chìm đắm trong cái lâng lâng, buông thả và bay bổng của tâm hồn. Thỉnh thoảng cả Uyên và Thi lại “ồ” lên mấy tiếng trước những cảnh đẹp hiện ra bất ngờ. Như khi thấy những mỏm núi chìa hẳn ra ngoài suối với hình thù ngộ nghĩnh. Hay ngay trên đỉnh của ngọn núi nhỏ nằm sát bên bờ suối có một chiếc miếu nhỏ nằm chênh vênh trên đó nhưng lại tuyệt đẹp, thanh thoát, in bóng vươn lên trên nền trời cao. Hay bất chợt, cùng bắt gặp những hang động hiện ra với những mảng dây leo buông tỏa xuống như mành. 
      Khung cảnh nên thơ này không phải chỉ là cái đẹp của núi, của suối và của mây không thôi, mà nó còn được tô điểm bởi những rặng cây thẳng tắp mọc trên triền núi cùng với cái dáng vươn cao của những cây gạo. Người ta nói, những cây gạo này, hoa sẽ đỏ rực như những đốm lửa đỏ in trên nền trời xanh vào mùa hè.
      Vài con trâu hững hờ ăn cỏ trên đồng, cùng hình ảnh vài ngư phủ đang bì bõm đánh dậm trên cánh đồng chiêm, hay hình ảnh của người tiều phu đang lom khom vác củi rừng trên triền núi, tất cả đều là những nét chấm phá khá đặc biệt của vùng Hương Sơn. Những nét chấm phá ấy còn hòa trong tiếng chuông trầm buồn ngân lên từ những ngôi cổ tự hay những tiếng ríu rít của đàn chim sáo trên cành cây cổ thụ.
  
giuhung 3

Hương Sơn đã làm rung động tâm hồn của biết bao bậc thi nhân từ cổ chí kim và đã đóng góp không ít cho nền văn học, thi ca nước nhà.
      Cô lái đò lên tiếng làm quen:
      - Ba anh chị mới tới Hương Sơn lần đầu?
      - Đúng thế cô ạ! Chúng tôi chỉ biết chùa Hương qua sách vở hay nghe kể lại thôi. Hôm nay chúng tôi mới có dịp đến đây để coi tận mắt cảnh đẹp nổi tiếng của quê hương mình.
      Bây giờ tôi mới ngửng lên nhìn kỹ cô lái đò. Cô trạc tuổi Uyên có nước da hơi sạm nâu, khuôn mặt dễ thương, có đôi môi dày tình tứ, lại có má lúm đồng tiền mỗi khi cô cười. Với thân hình khỏe mạnh của một cô gái đồng quê, chứng tỏ cô đã quen thuộc với công việc nặng nhọc đồng áng hay đưa đò này.
      Cô cho biết, những cô gái ở vùng này, ngoài công việc thường ngày làm ruộng hay trồng dâu, nuôi tằm, dệt tơ. Nhưng vào mùa xuân, các cô làm thêm nghề lái đò đưa đón khách hành hương trên suối Yến.
      - Em ghé vào đền Trình để ba anh chị vào lễ Thánh nhé.
      Tôi vui vẻ trả lời:
      - Cám ơn cô!
      - Em đậu thuyền ở đây chờ. Khi nào các anh chị ra, em sẽ đón để đưa các anh chị đi tiếp.
      Cô lái đò từ từ tắp thuyền vào bến đền Trình. Bên bờ suối, vài cô gái đang giặt quần áo và chiếu. Mấy cô dừng tay nhìn chúng tôi vẫy tay cười chào. Chúng tôi vẫy tay chào lại.
      Tôi xuống thuyền trước đỡ cho Uyên. Thi cứ đứng trên thuyền không chịu xuống. Tôi đưa tay ra đỡ nhưng nàng nhất định từ chối.
      Thi cười với cô lái đò:
      - Em muốn nhẩy lên bờ, được không chị?
      Cô lái đò nhìn Thi chỉ mỉm cười không nói. Tôi vội ngăn lại:
      - Em đừng nhẩy! Ngã đấy!
      Tôi chưa kịp ngăn lại, Thi đã nhẩy ào lên bờ. Vừa đặt chân tới đất, Thi đã vỗ tay tự khoe:
      - Em giỏi chưa!
      Chưa đứng vững, Thi bỗng bổ nhào lao vào người tôi làm tôi loạng choạng tý nữa ngã theo. Với phản ứng tự nhiên tôi ôm chầm lấy Thi đề nàng khỏi ngã sấp xuống đất. Khi hoàn hồn, tôi thấy tình thế trông thật bất tiện, Thi đang nằm gọn trong vòng tay tôi. Tôi vội buông vòng tay ra khi Thi vừa lấy lại được thăng bằng. Mặt Thi đỏ ứng, ấp úng xin lỗi:
      - Em xin lỗi! Em xin lỗi!
      Uyên chạy lại chỗ Thi hỏi đùa:
      - Hai “cô cậu” làm gì mà tý nữa ngã bổ chổng ra với nhau vậy?
      - Em vấp phải hòn đá cuội to nên mất thăng bằng. Em xin lỗi! Thi cười gượng nói.
      Để đánh trống lảng cho Thi đỡ ngượng, tôi nhìn cô lái đò nheo mắt nói to:
      - Không phải lỗi tại em đâu! Lỗi tại cô lái đò kia kìa!
      Với cái nheo mắt của tôi, biết là tôi chỉ nói đùa nên cô lái đò cũng cười vui vẻ lên tiếng:
      - Phải rồi! Lỗi tại em! Lỗi tại em! Thôi, các anh chị vào đền lễ Thánh đi. Em đợi!
      Cả ba chúng tôi đi về hướng đền Trình, lên mấy bậc thang gạch rồi vào sân đền. Uyên đi trước, cách chúng tôi đủ xa, Thi lại nói:
      - Em xin lỗi anh!
      Tôi nhìn Thi rồi ghé vào tai nàng nói nhỏ:
      - Em thấy chị Uyên em lên mặt “bà chị” với anh rồi đấy. Chị em dám hỏi hai “cô cậu” làm gì vậy. Em có nghe thấy không? Tôi hỏi đùa Thi.
      Thi không nói gì mà chỉ ngửng lên nhìn tôi mỉm cười. Vừa đi, Thi vừa tìm bàn tay tôi bóp nhẹ mấy cái thật nhanh như biểu lộ sự đồng tình, rồi nàng buông tay tôi ra ngay. Thi chạy lại với Uyên phụ chị mua vàng nhang và hoa quả để lên chiếc khay đem vào đền lễ Thánh.
      Đền Trình, tên tự là “Ngũ Nhạc linh từ”, có kiến trúc bề thế như một ngôi đình làng. Trong sân, trước cửa đền có con voi đá đóng yên cương và ghế kiệu trên lưng. Một lư lớn bằng xi măng cũng được đặt ngay giữa sân để đốt vàng hương. Tuy chúng tôi đi chùa Hương sớm trước ngày mở Hội nhưng thấy du khách đã đổ về đây không phải là ít. Trong đền thờ, khói nhang nghi ngút đến nghẹt thở, có con ngựa gỗ to sơn son và trên bệ thờ có tượng tướng quân thời vua Hùng. Chung quanh chùa, vài cây si lâu đời mọc rễ chằng chịt với những hình thể uốn lượn rất đẹp, đẹp không thua gì những cây si ở phủ Tây Hồ của thành phố Hà Nội. Ngay sau đền là tòa nhà hai tầng có tháp vươn lên khỏi hàng cây cao trông rất đẹp.
      Khách hành hương thường đều đến đền Trình như một sự “trình diện” hay “cáo kiến” với các vị thánh, thần ở đây trước khi vào chùa Hương để mong khi vào chùa cầu xin, họ tin rằng những điều cầu khẩn những điều tốt lành sẽ được có kết quả hơn.
 
giuhung 4
Đền Trình                  Cầu Hội
 
Bên đền Trình có năm ngọn núi gọi là núi Ngũ Nhạc, cho nên đền này còn được gọi là đền Trình-Ngũ Nhạc. Gọi như thế cũng để phân biệt với đền Trình-Phú Yên nằm trên tuyến đường suối Tuyết. Suối Tuyết sẽ đưa du khách đi thăm khu vực quần thể động Tuyết Sơn và chùa Bảo Đài (trên tuyến đường thứ ba đến chùa Tuyết Sơn).
      Sau khi Uyên và Thi vào đền thắp hương trở ra, cả ba chúng tôi lại cùng lên thuyền để tiếp tục cuộc hành trình.
      Thuyền càng vào sâu, cảnh vật càng đẹp và nên thơ. Có những áng mây trắng vương trên đỉnh núi. Bóng núi và mây in trên mặt nước, đôi khi làm ta cứ lầm tưởng như trên mặt suối đương phủ một lớp sương mù bay bay. Tiếng nước vỗ mạn thuyền nghe thật êm ả làm sao. Thi ngồi bên tôi, đưa bàn tay xuống suối cho dòng nước cuốn lên cổ tay. Nàng vốc nước lên rồi đổ lại xuống suối, những hạt nước lóng lánh như thủy tinh. Uyên cứ mải mê với cảnh vật xung quanh, thỉnh thoảng lại thảng thốt kêu lên: “Ô kìa! Cảnh đẹp quá! Đẹp quá!”.  
      Chẳng mấy chốc chúng tôi thấy một chiếc cầu bắc ngang qua suối Yến. Cô lái đò chỉ cho chúng tôi:
      - Đó là cầu Hội.

 

(Còn tiếp)

 

– Nguyễn Giụ Hùng

 

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Cuộc đời trung úy Đỗ Lệnh Dũng, một sĩ quan VNCH, là biểu tượng bi tráng của lòng trung thành, khí phách giữa chiến tranh tàn khốc, và là minh chứng cho nỗi đau kéo dài của những người lính và thương phế binh miền Nam sau cuộc chiến.
Lớn hơn anh Hợp một tuổi, tháng 4 năm 1975, anh Đăng chưa xong năm thứ nhất về Cơ khí ở Phú Thọ, vận nước xoay chiều, ba anh cũng phải đi "học tập cải tạo" như hơn ba trăm ngàn Sĩ quan QLVNCH. Là con trai đầu lòng, anh Đăng bỏ cả ước mơ, bỏ trường về quê, điền vào chỗ trống của người chủ gia đình mà ba anh bỏ lại. Anh sinh viên kính trắng của Phú Thọ bỗng chốc trở thành phụ xe, lơ xe, cũng đổi đời như gần hai chục triệu người dân miền Nam.
Bây giờ trời đã tối, nhiều người đi ngủ sớm. Bọn trẻ học bài dưới bóng ngọn đèn dầu ở ngoại ô, ngọn đèn đường gần bờ sông. Trước hàng rào kẽm gai, một người lính mang súng đi đi lại lại, một đôi tình nhân đi chơi về muộn. Ngọn đèn hỏa châu sáng bừng góc trời một lát rồi tắt. Người yêu quê hương đã đi ra khỏi mảnh đất của những hận thù dai dẳng mà vẫn muốn trở về. Người nông dân muốn cày lại thửa ruộng của mình. Người thợ sửa đồng hồ muốn ngồi lại cái ghế vải nhỏ thấp của mình sau tủ kiếng bày đồng hồ cũ và mới. Lò bánh mì chiếu sáng nhấp nhô bóng những đứa trẻ bán bánh mì đứng trước cửa sổ với bao tải lớn đựng bánh nóng mới ra lò. Con chim về ngủ muộn biến mất trong bụi cây chỗ anh đứng.
Em nằm im lặng nghe đêm thở | Tháng Tư mở đôi mắt trong đêm | Anh ạ, em nghe Tháng Tư khóc | Tháng Tư nhỏ những giọt lệ đen.(tmt)
Con người ngậm kín cái tốt vào lòng. Để khỏi mua lấy vạ hiềm nghi ghen ghét. Tôi nhìn đứa bé từ sau lưng, sự rung động khẽ của đôi vai nhỏ bé, vẻ hạnh phúc của cái gáy nhỏ xíu măng tơ. Phút này qua phút khác, có lẽ lâu lắm, cho đến khi đứa bé bắt đầu thỏa mãn, bú chậm lại, nhưng nó vẫn ôm lấy bầu ngực của người đàn bà lạ, ngủ thiếp đi.
Biển đêm như vô thức một màu đen mênh mông, nhưng biển chứa toàn bộ lịch sử con người từ lúc còn là tế bào phôi sống cho đến khi biến thành DNA, rồi từ thú vật tiến lên con người. Lịch sử đó đầy ngập dữ liệu nhưng chôn sâu dưới đáy nước. Hồi tưởng chỉ là những con sóng nổi dập dìu, cho dù sóng lớn dữ dằn trong bão tố vẫn không mang được hết đáy nước lên trên mặt. Vì vậy, biển lúc nào cũng bí mật. Vô thức cũng bí mật. Càng gây thêm khó khăn để chứng minh sự thật vì vô thức có khả năng biến đổi dữ liệu hồi tưởng. Chỉ những người thiếu bản lãnh mới tin vào trí nhớ của mình và của người khác. Nhưng toàn bộ nhân loại sống và tạo ra ý nghĩa hầu hết dựa vào bộ nhớ. Một số ít người hiểu rõ điều này, nhưng không làm gì khác hơn, vì hồi tưởng tự động và tự nhiên xuất hiện dù không đầy đủ, kể cả, khi con người kêu gọi ký ức đến, nó cũng đến trên xe lăn, hoặc chống nạn, hoặc bò lết như kẻ tàn tật.
Chiến tranh là một nỗi đau dằn vặt của nhân loại vì không ai muốn nó xảy ra, nhưng chiến tranh vẫn cứ xảy đến như một điều kiện cần thiết biện minh cho sự tồn tại của thế giới con người. Ngày Ba mươi tháng 4 năm 1975 là một cột mốc đánh dấu một biến cố chính trị trong lịch sử chính trị thế giới, ngày cuộc chiến tranh Việt Nam (1954-1975) chấm dứt.
Năm mươi năm nhìn lại, sau ngày 30 tháng 04, 1975, cái dấu mốc lịch sử đau thương của đất nước Việt Nam, nói chung, và người dân miền Nam nói riêng. Sự thật lịch sử về ngày này đã được phơi bày rõ ràng trên mọi phương tiện truyền thông, tin tức, và trong thế giới sử. Ai cũng đã rõ, phe thắng trận, sai, phe thua trận, đúng. Điều này không cần bàn cãi nữa; cho dù kẻ chiến thắng cố tình viết lại lịch sử Việt Nam theo ý mình khi sức mạnh của họ nằm trên nòng súng. Phe thua cuộc lại là phe thắng được nhân tâm.
Tháng Tư chuếnh choáng. Say chẳng phải vì rượu dẫu chỉ nhấp môi hoặc thậm chí trong đám bạn có kẻ chẳng uống giọt nào. Nhưng họ vẫn say như thường. Những hồi ức tháng Tư lần lượt xuất hiện như một chất men nhưng không thể làm người ta quên mà chỉ là giây phút hiếm hoi nhắc nhớ để rồi quên. Quên tạm thời nỗi niềm chất chứa mà không làm sao quên hẳn.
Hai tên đeo băng đỏ đưa tôi đến một căn nhà nằm trên đường Tôn Thất Thuyết. Nay mới biết là cơ sở kinh tài của Việt Cộng. Vào bên trong, tôi thấy có một số người bị bắt trước ngồi trên băng ghế đặt ở góc một phòng lớn rộng rãi. Họ ngước mắt nhìn tôi có vẻ ái ngại. Tôi biết những người ngồi đó là thành phần đặc biệt nằm trong danh sách tìm bắt của chúng. Nhìn họ, tôi thấy mấy người quen quen. Hình như họ là viên chức Chính Phủ trong tỉnh. Tôi được đưa đến ngồi cạnh họ. Tất cả đều im lặng, không ai nói với ai lời nào ngay cả khi bất chợt nhìn thấy tôi. Có lẽ im lặng để che đậy cái lý lịch của mình, làm như không quen biết nhau, nếu có khai láo cũng không liên lụy đến người khác.
Trong cuộc đời, ắt hẳn bạn đã nhiều lần bước trên lối mòn giữa một cánh đồng cỏ hay trong một khu rừng? Thoạt đầu, lối mòn ấy cũng đầy hoa hoang cỏ dại như chung quanh, nhưng những bước chân người dẫm lên qua ngày tháng đã tạo thành một con đường bằng phẳng. Ký ức chúng ta cũng tương tự như lối mòn ấy. Những trải nghiệm với cảm xúc mạnh mẽ trong quá khứ được nhớ đi nhớ lại như những bước chân đi trên lối mòn góp phần hình thành ký ức, và cả con người chúng ta. Người Mỹ gọi loại ký ức này là “core memory” mà ta có thể dịch ra Việt ngữ là ký ức cốt lõi. Với tôi, ký ức cốt lõi ấy là những gì xẩy ra cho tôi và gia đình trong quãng thời gian kể từ khi thị xã Ban Mê Thuột thất thủ ngày 12 tháng Ba năm 1975, kéo theo sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam chưa đến bẩy tuần sau đó. Tôi vẫn nhớ, và nhớ rất rõ.
Vốn là một quân nhân, sau khi triệt thoái từ miền Trung về Saigon, tôi được bổ xung cho một đơn vị pháo binh đang hành quân ở vùng Củ Chi, Tỉnh Tây Ninh, yểm trợ sư đoàn 25 Bộ BinhB. Khoảng ba tuần trước khi mất nước tôi bị thương ở chân. Nằm trong quân y viện Tây Ninh vài ngày, bác sĩ cho về nhà dưỡng thương một tháng ở Saigon.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.