Hôm nay,  

Cô giáo “phản động”

1/4/202417:26:00(View: 3333)
Truyện

VN poor neighbor

Tôi là con nhỏ Bắc di cư, nên hết Hè năm 75 tôi học xong đại học, chuẩn bị đi dạy. Ai dè ngày 30/4 ập đến, tất cả sinh viên miền Nam tạm ngưng việc học, để đi làm lao động công ích, dọn dẹp đường phố, phụ việc đổi tiền, đào kênh… Theo đúng lời kêu gọi (nhưng bắt buộc): Nơi cần thanh niên có, nơi khó có thanh niên. Chúng tôi là những người “học đủ rồi “(không những đủ, mà còn dư). Mấy ông chính trị viên bảo vậy. Tóm lại tôi là “sản phẩm” của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), học tiểu học, trung học, đại học. Rồi làm việc cho chế độ mới Xã Hội Chủ Nghĩa (XHCN).
    Hễ cái gì đi ngược lại, là phản động.
    Tôi bị mang tiếng có tư tưởng phản động. Chẳng hạn khi mấy ông chính trị viên (ctv) phiên âm tất cả những chữ nước ngoài ra tiếng Việt, như Tổng Thống Pho, Sa sỉ tỉ Á (Shakespeare),Niu ót, hót môn (hormone), v.v... Tôi thắc mắc tên riêng không bao giờ được thay đổi, phiên âm ra bất kỳ tiếng nước nào. Còn văn hào Shakespeare là tên nhiều người biết, phiên âm còn làm người ta thắc mắc thêm: ai vậy cà?
    Nói như Vẹm.
    Kiểu nào cũng nói được. Lão ctv nói tôi có tư tưởng tạch tạch xè (tiểu tư sản), không đứng trên lập trường giai cấp công nông ít chữ, nên phải phiên âm ra tiếng Việt. Tôi vẫn cãi: lần đầu không biết, người ta tìm hiểu, lần sau sẽ biết.
    Như vậy thay vì kéo người không biết lên, lại dìm người biết xuống cho bằng. Cuối cùng tất cả đều không biết.
    Chính trị viên chỉ là những ông bộ đội được tung ra khắp nơi, không cần là sĩ quan có cấp bậc. Họ chỉ cần nói như con vẹt 3 bài học về XHCN: 3 giòng thác cách mạng, Hồng & chuyên, Hiện tượng & bản chất. Tôi đã bị nhồi nhét đến nỗi cho đến bây giờ, gần 50 năm tôi vẫn nhớ như in, có thể thao thao kể lại chuyện tôi cãi với ctv trong những buổi thảo luận, họp tổ…
    Chế độ mới không để người ta rảnh rỗi một chút nào (rảnh rỗi sinh nông nỗi), suốt ngày họp hành, toàn làm chuyện vô bổ. Khi thảo luận tôi lỡ miệng nói: Trong lớp nghe lý thuyết XHCN “hay ho”, về nhà (thực tế) không có gạo nấu cơm, lại thấy sai. Lão ctv mừng quá, há miệng cười (nham nhở): Chỉ cần chị nói lý thuyết đúng 1%, là chúng tôi ĐÃ THÀNH CÔNG  rồi đấy.Vì để xô đổ một bức tường kiên cố, chúng tôi phải kiên trì hôm nay xô một cái, ngày mai xô một cái, cho đến khi bức tường đổ, hèn chi “cái nôi” của XHCN là Liên sô (cùng nhau xô).
    Bữa đó tôi tức lắm, nói như Vẹm mà. Tội nghiệp cho biết bao bà mẹ chiến sĩ bao che cho tụi cán binh Cộng Sản, để bây giờ mới sáng mắt ra.Toàn đám ăn trên ngồi trốc hưởng hết, loại “gộc “miền Nam theo mặt trận GPMN, còn chẳng ăn ai. Mấy bà mẹ chiến sĩ được xơ múi gì. Trường học thời XHCN là hình ảnh của xã hội người ta đang sống: Phô trương, láo khoét.
    Vừa về nhận việc, chúng tôi phải đi công tác ở Hóc Môn 18 thôn vườn trầu, ổ chứa CS nằm vùng thời VNCH, gọi là nơi có tinh thần cách mạng cao. Chúng tôi được chia ra ở chung với nhà dân. Trong 2 tuần, giáo viên sẽ hướng dẫn dân lên luống trồng khoai lang, đi thăm các gia đình có công với cách mạng, và tham gia công tác xoá nạn mù chữ. Dĩ nhiên chúng tôi phải làm đủ 3 việc qui định. Mọi việc tưởng hoàn tất tốt đẹp, dù rằng thầy cô giáo ở thành phố có bao giờ trồng khoai (đất đâu mà trồng?) Hôm chia tay, phường uỷ tổ chức một buổi tuyên dương công trạng cho giáo viên. Địa phương lịch sự mời khách nói trước. Một ông dạy Văn (nói giỏi) bị chỉ định lên kể thành tích:
    Hướng dẫn cách trồng khoai để đạt năng suất cao.
    Xoá nạn mù chữ (chỉ có 2 tuần).
    Thăm gia đình ông Năm Rơ, người có công che giấu cán binh CS rất hiệu quả, qua mặt bao nhiêu lần địch lùng sục căn cứ cách mạng. Ông thầy dạy Văn nói xong, ai cũng hả hê (vì sắp được về nhà). Khi ông phường uỷ lịch sự lên “đáp lễ”, tụi tôi thấy ổng đằng hắng thật to, rồi mới dõng dạc nói, nét mặt có vẻ “hình sự”.
    Thầy cô nhìn nhau, coi chừng về quận bị dũa.
    Xin cám ơn các giáo viên quận XYZ tích cực công tác ròng rã 2 tuần tại địa phương của chúng tôi. Nơi đây là “đất thép thành đồng”, dân chúng hết lòng yểm trợ cách mạng (ý khoe có nhiều nằm vùng). Nhưng rất tiếc: Ngày hôm qua chúng tôi đã phải trồng lại các vồng khoai. Vì trồng như vậy sẽ chỉ ra toàn lá, chứ không có củ. Sau 2 tuần các cụ già vẫn chưa viết được tên mình (trời đất, đọc còn ngắc ngứ. Viết phải tập rất lâu, sao mà muốn nhiều vậy?). Thầy cô đã đi sai nhà, thăm gia đình có công với Mỹ Nguỵ, không phải có công với cách mạng. Ông Năm Rơ là cán bộ xây dựng nông thôn thời Nguỵ. Ông Năm Ri mới là người che giấu các đồng chí bộ đội thoát khỏi các cuộc truy lùng, ông Năm Rơ lại là người chỉ điểm.
    Chúng tôi ngồi bên dưới im thin thít, anh bạn ngồi kế ghé tai:  Họ đang chửi “tiên sư bố” tụi mình. Cũng tại cái thằng nhóc dẫn đường, nó chỉ về hướng đó, rồi biến mất. Giáo viên chia ra thành nhiều tốp, nhóm tôi nào có biết sau nhà Năm Rơ là nhà Năm Ri, nằm khuất sau rặng cây dừa phía sau. Cả nhóm tôi ủ rũ, mà tôi lại là người bị chỉ định nói lời xin lỗi. Cũng may chỉ có một nhóm sai, còn đa số đều vô đúng nhà. Riêng ông phường trưởng đã được “nháy” trước, nên mang biếu một bao gạo thật to (30kg), thời bao cấp không dễ có. Bà hiệu trưởng chỉ đạo (bắt buộc), mỗi giáo viên bớt 1kg gạo tiêu chuẩn, để làm quà (đút lót), vì vậy chuyện lầm lẫn được cho qua. Thời đó tham nhũng còn lơ thơ, chứ bây giờ thành đại trà. Ngày xưa mẹ tôi hay nói “ăn cướp cơm chim”, đó là những kẻ không có lương tâm, cơm chim có bao nhiêu mà cũng nỡ cướp. Giáo viên chúng tôi thời bao cấp đói mờ mắt, còn phải bị xén bớt 1 kg gạo.
    Sau ngày 30/4/75, giờ giảng bài (lên lớp) gọi là “tiết học” chỉ còn 55’, thay vì 60’. Nghe nói bây giờ còn ít hơn (học cho lấy có). Trong 55’ phút đó, không đi ngay vào bài giảng, mà còn chờ các em tổ trưởng báo cáo đủ thứ, sinh hoạt đoàn đội, thi đua phong trào… Nếu giáo viên nào (như tôi) phất tay lờ đi, bảo ngừng, nghe giảng bài. Coi chừng mấy học sinh “có chức vụ” sẽ báo cáo thái độ của giáo viên. Hồi nào giờ nghe chữ “tam đầu chế”, Việt Cộng đa nghi, luôn luôn tạo nhóm 3 người để kiểm soát lẫn nhau. Vì vậy chúng đã tạo ra hệ thống “công an chìm” là những học sinh (bí mật) được chỉ định theo dõi thầy cô nào có tư tưởng phản động.
    Tôi dạy môn khoa học, nên cũng không phải mở miệng nói cái gì dính líu đến chính trị. Mặc dù khi giảng bài, tôi toàn lấy ví dụ trong đời sống hằng ngày để dẫn chứng. Trong bài Hiệu suất phản ứng, là tỷ lệ giữa chất thu được trên lượng chất đem đi làm phản ứng. Trên nguyên tắc vế bên trái và bên phải (của phương trình hóa học) số lượng phải bằng nhau. Tuy nhiên đó chỉ là con số lý tưởng, không bao giờ có, với rất nhiều lý do, lượng và phẩm chất dùng, kỹ thuật…
Cũng như khi mua 1 kg muối (thời đó muối bán từng cục to), mang về lấy búa đập ra, có cục đá bên trong 200g. Như vậy chúng ta chỉ có 800g muối, thì làm sao có được 1kg chất tạo thành.
    Một lon gạo đem nấu sẽ được 3 chén cơm. Nhưng gạo đầy sạn, trấu làm sao cho ra 3 chén cơm. “Mập mờ đánh lận con đen”. 13 kg thực phẩm, chứ không phải 13 kg gạo. Thực phẩm là khoai sùng, sắn hư, bo bo, gạo mốc… Tất cả mọi ví dụ đều lấy trong cuộc sống hằng ngày, nên tôi mang tiếng là cô giáo “phản động”, nhưng không thể buộc tội, vì không có bằng cớ.
    Cho đến bây giờ hiệu suất phản ứng vô cùng thấp, có thể thấy ở mọi nơi mọi lúc. Đầu vào như con voi, đầu ra như con chuột. Rồi tới trình độ văn hóa của nhân viên trong trường, mới thiệt hỡi ôi.
    Hồi đó cuốn sổ để viết “Lý lịch trích ngang” khổ to như tờ nhật báo. Cuốn lý lịch đó, đúng là  khổ to, vì tố cáo trình độ mỗi người. Đầu tiên là bà hiệu trưởng, có trình độ: Bổ túc văn hóa miền núi . Tôi thắc mắc hỏi: Bổ túc văn hóa thì em biết, mà tại sao lại thêm chữ “miền núi”? Câu trả lời làm tôi bật ngửa. Bổ túc văn hóa miền núi học xong cấp I, sẽ hoàn tất cấp II trong 6 tháng. 3 tháng đầu xong 2 lớp 6+7, 3 tháng sau hoàn tất 2 lớp 8+9. Tôi trợn mắt: hồi xưa 4 lớp phải mất 4 năm. Bả nói thời chiến tranh mọi thứ phải rút ngắn, không thể kéo dài lâu như vậy. Hèn chi bữa nay vừa xong tiểu học, là có bằng Tiến sĩ. Cũng may bà hiệu trưởng trường tôi đọc chữ quốc ngữ cũng không đến nỗi. Chứ nghe nói mấy ông mấy bà Tiến Sĩ nói ngọng, viết sai thiếu gì.
    Sau 75, chính quyền mới ngả sang Nga. Trẻ con cấp 2 phải học tiếng Nga. Cô giáo Nga văn được đào tạo cấp tốc. Cha mẹ nào cũng chỉ muốn con học tiếng Anh, thế là bà hiệu trưởng vớ bở nhận phong bao dấm dúi để xếp cho con cháu được học lớp tiếng Anh.
    Rồi tới nạn giáo viên chủ nhiệm, coi như có quyền sinh sát. Mấy ông bộ đội sau bao nhiêu năm chui rúc trong rừng, con của mấy ổng học hành lõm bõm. Nay về thành phố, những đứa trẻ đó thành nạn kiêu binh phá phách, hỗn láo, toàn gọi thầy cô giáo là ông này bà nọ, những tiếng mà ngày xưa thời VNCH chưa bao giờ tôi nghe được. Thuở đó, học trò một mực cung kính tôn trọng thầy cô. Còn bây giờ những giáo viên tha hóa, biết cha mẹ học sinh chủ nhiệm giữ nhiều chức vụ trong những cơ quan béo bở: Trưởng phòng nhà đất, trưởng phòng thương nghiệp… thầy cô chủ nhiệm con của mấy ông bà này, đã dung dưỡng cho con của họ là những học sinh cá biệt, càng ngày càng gây nhiều phiền toái cho cả trường.
    Đa số thầy cô lớn tuổi, nặng gánh gia đình nên giả vờ làm lơ. Lúc đó tôi còn độc thân, không có tiêu chuẩn xin cấp nhà. Cũng không giả vờ đau bụng, nhức đầu để xin thuốc những em có quà của thân nhân nước ngoài. Mang thuốc cho cô lúc nào cũng nguyên hộp (cô mới bán được chợ trời). Học trò kiêu binh lộng hành quá, vừa quay lưng viết bảng là phi tiêu, cùi bắp, hột cóc bay vèo vèo từ dưới bay lên. Chịu không nổi tôi nhất định đuổi đứa cầm đầu. Tưởng rằng sau đó tôi sẽ lang thang ra chợ trời kiếm sống. Ai dè mọi chuyện lại hoàn toàn ngược lại, tôi lại được “tuyên dương” vì đã dám đấu tranh chống lại mọi sai trái tiêu cực.
    Hổng dám đâu! Tại vì tôi ở gần trường, tôi không thể chịu nổi, suốt ngày bị quấy rầy. Đi chợ, đi chơi đều bị nghe réo tên: M ơi! M hỡi…
    Không phải học trò ghét tôi đâu nhé. Học trò rất thích cô giáo “phản động”, bằng chứng là ngày khai giảng, có một tấm bảng thật to ghi danh sách các lớp. Học trò xếp hàng dưới sân, bà hiệu trưởng (bày đặt) chờ học sinh ổn định mới tuyên bố tên giáo viên chủ nhiệm. Tới tên tôi là tụi nó vỗ tay rầm rầm, cô giáo này không thích làm “chuyện ruồi bu” vớ vẩn linh tinh. Chỉ lo học cho giỏi, mai kia ấm thân. Tôi vẫn thường an ủi mấy em con nhà nghèo, cha ở tù, mẹ lăn lóc chợ trời. Đi học mặc quần áo toàn “ti vi” (miếng vá) to đùng. Dẫu có cả trăm lượng vàng thì cũng có thể mất, còn kiến thức đã vô đầu thì không ai có thể lấy được.
    Mấy đứa quậy phá (cá biệt) càng thích cô giáo thì càng chọc ghẹo. Có ông thầy đạp xe đạp cọc cạch, hai thằng học trò rắn mắt, chở nhau trên chiếc xe gắn máy Honda, thằng chở kè sát ông thầy rồ ga, thằng sau “dzớt” luôn cái mũ kết của ông thầy chạy mất tiêu.
    Nói dông dài, để cho thấy tự dưng tôi được tuyên dương. Vì tôi đã lọt vô chủ trương xoa dịu ấm ức của mọi người. Tôi nào có biết, bố của thằng cầm đầu đám phá phách, đã bị chuyển công tác thì giữ cái thằng quấy rối đó lại làm gì?
    Nó phải là “vật tế thần”, như bao ông to bà lớn tham nhũng khác.
    Chức to ăn to, chức bé ăn bé. Bộ trưởng y tế là cơ quan đứng đầu lo sức khỏe cho dân mà còn bán thuốc chủng ngừa giả, bộ thử giả thì ôi thôi, còn gì để nói. Thôi trước sau gì tôi cũng phải bước ra khỏi nơi, suốt ngày bị nói láo, ngượng miệng lắm.
    Các em học trò áo quần “tivi” và cô giáo “phản động” giờ gặp nhau trên đất Mỹ. Không ai phải cúi đầu khom lưng, nhân quyền nhân phẩm được tôn trọng. Chẳng còn phải khúm núm xin xỏ khi đến nơi cửa quyền.
    Qua rồi cơn ác mộng, những ngày tháng lao đao. Nhưng vẫn nhớ về quê xưa. Cố lý xa xôi.
    Nhớ về quê mẹ, ruột đau chín chiều.

 

– Lại thị Mơ

 

 

 

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Biển chạy dọc, dài theo hết California, vừa huyên náo, rất mơ màng, lại có chút gì đó nhịp nhàng trong cái tĩnh lặng của hoàng hôn...
Tôi muốn giới thiệu đến mọi người về hồ Sammamish ở trước của nhà tôi, mà nhóm bạn văn ở Seattle chúng tôi đặt tên cho là Dòng Sông Thanh Thủy (Một tựa sách của nhà văn Nhất Linh). Cái hồ nhỏ thôi, dài có mười một cây số và rộng hơn hai cây số, ở về phía đông của hồ Washington, thuộc tiểu bang Washington, miền tây bắc nước Mỹ...
Các tòa cao ốc mọc lên như nấm, đường sá, các cao tốc được xây dựng thêm trên cả hai miền Nam Bắc. Rất nhiều triệu phú và tỷ phú đô la Việt Nam được lên danh sách của tạp chí uy tín quốc tế Forbes, thì có lý nào tệ nạn hối lộ, xin tiền này còn sống sót được. Nếu xảy ra, chỉ cần một cái bấm nút trên bàn phím, vài giây sau, mọi người Việt hải ngoại hay trong nước đều có thể đọc được chuyện gì xảy ra ở Việt Nam...
Nhân dịp đi công chuyện nhà, Tín ghé qua huyện Cù Châu để thăm Thiệp, cháu kêu Tín bằng cậu đang làm việc tại huyện này. Thiệp là công an biên phòng đã đóng lon trung úy. Gặp lại người cậu sau gần mười năm xa cách...
Võ Tòng Xuân, sinh ngày 6 tháng 9 năm 1940 (tuổi con rồng / Canh Thìn), tại làng Ba Chúc trong vùng Thất Sơn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Xuất thân từ một gia đình nghèo với 5 anh em. Học xong trung học đệ nhất cấp, VTX lên Sài Gòn sớm, sống tự lập, vất vả vừa đi học vừa đi làm để cải thiện sinh kế gia đình và nuôi các em.
Tối hôm đó, sau khi tôi xin phép gia đình, hai đứa bàn bạc đủ thứ chuyện và chuyện tài chánh eo hẹp của tuổi học trò cũng làm chúng tôi tính toán kỹ lưỡng. Vì muốn chụp thật nhiều hình cho chuyến đi mà không phải tốn tiền nhiều, chúng tôi quyết định mua hai cuộn phim trắng đen Kodak, thay vì một cuộn phim màu rất đắt tiền, khi lên tới Đà Lạt sẽ tìm một người chụp hình, nhờ họ chụp, trả tiền công, rồi đem về Sài Gòn rửa tại các tiệm chụp hình...
Bà Xuân đã dọn dẹp nhà tươm tất, căn phòng apartment 1 phòng ngủ của hai vợ chồng bà ngày thường đã gọn gàng bà vẫn muốn gọn gàng hơn, lại có bó hoa tươi mới mua ở chợ về cắm để giữa bàn nên phòng khách chật hẹp bỗng tươi thắm và lịch sự hơn ngày thường...
Mỗi năm lịch của người Việt đều gắn liền với một con giáp. Đi theo thứ tự từ năm Tý đến năm Hợi rồi vòng trở lại. Thắm thoát năm Nhâm Dần 2022 vẫy tay giã từ. Xuân Quý Mão 2023, năm con Mèo lại về với chúng ta.
Sáng hôm chủ nhật vừa qua dậy muộn, mặc dù tối qua tôi không dự một bữa tiệc Giáng Sinh nào, ở đâu. Chẳng qua là mấy tuần nay thời tiết vào đông luôn trở lạnh, và mưa đã bắt đầu tới khá thường, tôi thêm lười ra khỏi nhà...
Galveston là một địa danh nổi tiếng trong cộng đồng Việt Nam ở Texas vì tại đây có một đội ngũ đông đảo "thuyền nhân" ta đến đây lập nghiệp bằng nghề đánh cá từ những năm khởi đầu có cuộc định cư của người Việt trên đất Mỹ...
Hồi còn bé tí tẹo, nàng đã biết băn khoăn về tuổi của mình. Tình cờ, nghe bà thím nói chuyện, những người sinh năm Canh Tý số vất vả, cực khổ. Lời nói đó để dấu trong đầu óc non nớt của đứa bé mới vào trung học. Nàng nghĩ, cả thế gian chỉ mỗi mình nàng có tuổi Canh Tý...
Kim-Ly bật tung cánh cửa trước và bước cà nhắc về phía mẹ. “Mẹ ơi, đau quá!” Kim-Ly khóc, đau đớn vì bị một kẻ lạ bất cẩn đang vội phóng tới để bắt kịp xe buýt đụng té bật ngã. Kim-Ly trước đó vừa bước ra khỏi nhà và định dắt chó cưng, Ni-Ni, đi dạo thì kẻ lạ mặt chạy tới từ phía sau không kịp ngừng, và đã xô ngã cô xuống đất.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.