Hôm nay,  

Lại lan man chuyện màu quan san...

17/09/202310:15:00(Xem: 2201)
Tản mạn

autumn leave

Hồi nẳm, thuở mới vào học bậc Trung học đệ Nhất cấp (Cấp 2 hay còn gọi Phổ thông Cơ sở) bây giờ, vào cái tuổi từ 13 đến 15, vừa bước qua tuổi hồn nhiên, song cũng chớm lắm mơ, nhiều mộng, “nứt mắt” ra đủ thứ chuyện, được học “Kim văn” của nhóm Tự lực Văn đoàn, rồi “Cổ văn” trong đó có truyện Kiều của Nguyễn Du, lớp học trò chúng tôi, tùy theo tâm trạng mà có những cảm xúc và thắc mắc khác nhau, song có điều, khi học đến đoạn trích Thúy Kiều chia tay, tiễn Thúc Sinh về quê nhà, trong đó có 2 câu thơ: “Người lên ngựa kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”, thì hầu như tất cả đều chung cái thắc mắc: “Màu quan san” là màu gì? Hỏi cô giáo dạy văn thì cô giáo mỉm cười nói: “Đó là màu của... thi ca, mà sau này lớn lên các em sẽ hiểu”. Có đứa còn “ấm ức”, trong giờ Hội họa, hỏi thầy dạy vẽ. Thầy cũng tủm tỉm cười trả lời: “Có hai màu vàng, đỏ của cây lá mùa thu, đó là những gam màu cơ bản của gam nóng, người nghệ sĩ phả vào đó những tình cảm rung động của con tim, trở thành màu... quan san! Rồi có đứa còn đem hỏi cả cô giáo dạy Sử, cô nhỏ nhẹ nói: “Đó là màu của... chia ly và cách trở trong xã hội và cuộc sống của con người”. Thôi thì cứ... tự hiểu, ừ thì “màu quan san” là màu “quan san” chớ có chi mà mãi thắc mắc?
    Lớn lên, chút nữa, lên bậc học Đại học, theo chuyên ngành Văn chương, mới biết thêm trong truyện Kiều, cụ Nguyễn Du, không chỉ có từ “quan san” trong 2 câu thơ “xuất thần” thứ tự 1519 và 1520 đã nói trên, mà “quan san” còn được lặp lại trong các câu thơ thứ 1937-1938: “Gác kinh viện sách đôi nơi/ Trong gang tấc lại gấp mười quan san” và hai câu thứ 2873-2874: “Vâng ra ngoài nhậm Lâm Tri/ Quan San nghìn dặm, thê nhi một đoàn”. Tra cứu trong các Tự điển Hán Việt, hai từ “Quan san” là để chỉ: Quan tức Cửa ải, San hay còn gọi là Sơn, chỉ núi non nói chung. Song xét theo “văn cảnh” của từng câu thơ, thì câu thơ “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” nghiêng về nghĩa của sự “chia ly, xa cách”, còn “quan san” trong câu “Trong gang tấc...” và “quan san nghìn dặm” lại chính là nghĩa xa xôi, cách trở, của khoảng cách, dặm dài...
    Trong vở cổ thi “Tây sương ký” của Vương Thực Phủ, theo chú giải của các cụ Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, thì cũng có nói đến “rừng phong bị nhuộm mất cái màu xanh”, còn Nhượng Tống thì cho rằng: “Rừng phong ai nhuộm đỏ tươi/ Phải chăng nước mắt của người chia ly?” thì rất xác thực, mà qua ngòi bút của Nguyễn Du sau này, đã hóa ra cái “màu quan san” đầy ý vị của chất thơ, và cũng tràn đầy cảm xúc của cuộc chia tay, tiễn đưa... người thương, lên đường về quê vợ! Lâm ly mà cũng lắm éo le cùng tận!? Trong một buổi chiều thu, lá phong đỏ rực...
    Nhân nói chuyện “Lá cây phong”, lại có nhiều ý kiến tranh luận. Có người cho “lá phong” ở đây, là lá cây phong, vốn tên khoa học là Acer, hay còn gọi là “Chi phong”, “Chi thích”, có hơn 125 loài trên thế giới? Được xếp vào “họ phong” hay họ “dẻ ngựa”. Lá có dạng gân và thùy hình chân vịt, cây cao có thể từ 10 đến 40m, mọc nhiều ở miền Nam Châu Á, và khu vực ở Địa Trung Hải. Lá về mùa thu chuyển sang màu vàng hoặc màu đỏ rực. Không biết đây có phải là “Phong” trong truyện của Thanh Tâm Tài Nhân nói đến và Nguyễn Du mượn cảnh đó không? Nhưng cũng có người cho rằng, nước Trung Hoa xưa, không có trồng các loại cây phong này, mà “Phong” để chỉ một loại cây như cây bàng, thường được trồng ở gần cung điện nhà vua, vì bàng cũng có lá chuyển màu sang vàng, và đỏ vào cuối mùa thu, đầu mùa đông. Nhưng ngẫm “rừng phong”, thì “bàng” ít ai trồng thành rừng? Và tên cái rừng “phong” này cũng tốn khá giấy mực của các cụ túc nho xưa.
    Trở lại truyện Kiều, ngoài cái màu “quan san” gây ám ảnh, Nguyễn Du còn sáng tạo và hạ bút viết 2 câu thơ (câu 1595-1596), diễn tả sự nhớ nhung những ngày sống bên nhau của nàng Kiều cùng chàng Thúc Sinh là: “Chạnh niềm nhớ cách giang hồ/ Một màu quan tái, mấy mùa gió trăng”. Thêm cái “màu quan tái”, song ít người nhắc đến, có lẽ vì sự... tái tê, ê chề, sau này, khi Hoạn thư, bắt Kiều về hầu hạ phục dịch cho mình, trước mặt Thúc Sinh?
    Tóm lại, ai đã từng học, từng đọc và... nhập tâm với cái “màu quan san” với rừng phong nhuộm đỏ, và cặp tình nhân chia tay, tiễn biệt nhau trong... trí tưởng thì chắc sẽ nhớ mãi và sẽ buột miệng thốt ra cụm từ “Màu quan san” khi bắt gặp cảnh rừng cây (có thể chẳng là cây phong) thay lá vào những ngày thu... mà mình nhìn thấy trong cuộc đời...

 

– Trần Hoàng Vy

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi ngồi trong vọng gác của đài quan sát trên đỉnh Torkham, đưa viễn vọng kính từ trái qua phải nhìn xuống vùng đồi núi thấp phía trước. Xa xa dưới chân những rặng núi trùng điệp là vùng thung lũng Jalalabad, con sông Kameh chảy ngang qua êm đềm. Mùa xuân trời còn hơi lạnh, nắng vàng trải đều trên cả vùng thung lũng. Thấp thoáng những mái nhà ẩn hiện hai bên bờ sông...
May muốn gặp anh em chú bác cô dì một lần. Cũng đã hơn bốn mươi lăm năm, hơn bốn mươi lăm năm anh em thất tán, kẻ xiêu lạc ngõ này, người xiêu lạc ngõ kia. Nghĩa là qua cuộc đổi đời...
Trăng thu, màu gợi nhớ dĩ vãng. Chỉ có một màu trăng mịn đẹp và huyền ảo óng ả là màu trăng ở quê nhà Việt Nam mà thôi. Dưới ánh sáng trăng thuần túy, nhà cửa, cây cối, sóng nước, vườn hoa, công viên, bãi cát… tất cả tạo vật như được bao phủ bởi một lớp lụa mỏng màu trứng sáo. Rồi trăng thanh đến thì có gió mát, hoa lá đong đưa và ngoài sân có tiếng trẻ nhỏ cười tíu tít ngồi nghe bà kể chuyện đời xưa...
Một truyện ngắn đặc sắc của nhà văn Bảo Trương. Khí hậu truyện ma mị, huyền ảo, với lời văn trầm tĩnh như lời kể chuyện thầm thì trong đêm tối thâm sâu, xoáy vào tâm tư khiến người đọc không khỏi dao động, bồi hồi. Việt Báo trân trọng giới thiệu...
Buổi sáng vừa ra cửa đi làm, chợt nghe thoáng lạnh, tôi vội quay vào khoác chiếc áo choàng loại nhẹ. Trời lại bắt đầu vào thu. Thoáng chốc, trôi nhanh “trăm năm là mấy, một ngày dài ghê”. Những chiếc lá khô vàng đã bắt đầu rụng rải rác phía sau nhà.Thời gian chợt như trêu ghẹo, đùa cợt với chúng ta. Nhiều lúc soi gương, tôi cứ tưởng mình đang nhìn một người khác...
Lê Điền là một công chức mẫn cán, vợ đẹp con ngoan, mẫu gia đình nhìn vào khối người mơ ước. Đùng một cái, người ta gọi gã là “kẻ bạc tình”. Nhưng nếu nói vậy thì cũng chưa công bằng với gã, bởi vì trước khi làm kẻ bạc tình gã cũng từng là kẻ say tình...
Ôi, cái xứ tư bản “giẫy chết” này cho tôi hết bất ngờ này đến ngạc nhiên khác...
Một truyện ngắn đặc sắc của nhà văn Bảo Thương. Lấy bối cảnh là những năm sau cuộc chiến, vết thương đau đớn của dân tộc lúc ấy nhức nhối, và sau nửa thế kỷ nó vẫn chưa lành... Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Hà Nội của tôi đẹp lắm, đẹp hơn hẳn lên vì Hà Nội có Thi. Thi và Hà Nội như quyện vào nhau. Tôi có Thi để tôi đưa nàng đi thăm viếng những danh lam thắng cảnh và kể cho nàng nghe về những cái hay cái đẹp của văn hóa thủ đô văn vật này cùng với những thăng trầm trong chiều dài lịch sử nghìn năm của Thăng Long-Hà Nội...
Cũng giống như nhiều thành phố khác của Canada và của các xứ lạnh trên thế giới, Edmonton của tôi đón mùa thu vàng xao xuyến lòng người mỗi độ “gió heo may lại về”...
Bất chợt một đêm, vô tình mở một kênh YouTube, lắng nghe tiếng trống múa lân rộn ràng vang lên cùng giọng hát hồn nhiên trong trẻo, gợi nhớ một thời xa lơ, xa lắc: “Tết trung thu rước đèn đi chơi/ Em rước đèn đi khắp phố phường/ Lòng vui sướng với đèn trong tay/ Em múa ca trong ánh trăng rằm/ Đèn ông sao với đèn cá chép/ Đèn thiên nga với đèn bướm bướm/ Em rước đèn này đến cung trăng...”
Cái vòng tròn vô hình lại quay trọn môt vòng, mùa thu lại về với đất trời Bắc Mỹ. Dùng ngôn từ để ca ngợi vẻ đẹp của mùa thu thì có khác gì lấy thước thợ may đo trời đất. Dùng âm nhạc để tụng ca thì cũng chỉ là khích thích tâm tưởng cứ như dùng thuốc thế thôi...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.