Hôm nay,  

Về quê

7/22/202308:24:00(View: 3450)
Truyện

veque

 

Lời tác giả: Nội dung câu chuyện được ghi lại theo ký ức của một người xa quê lâu năm nhớ về “những năm tháng ấy” tại quê nhà vào giai đoạn đầu thập niên 1950, trước hiệp định Geneve 1954, ở miền Bắc nước ta.

 

***

 

Từ mấy hôm nay Thi nôn nóng chờ đợi ngày về quê thăm nhà. Nàng cứ loay hoay tính toán mãi không biết phải mua quà gì về cho mấy đứa em. Con gái đi học xa nhà, thật sung sướng và hạnh phúc biết bao mỗi khi có dịp nghỉ lễ dài để trở về sống với gia đình thân yêu. Sự sung sướng ấy hiện rõ trên nét mặt của Thi cả tuần lễ nay. Nàng nói huyên thuyên đủ chuyện với tôi về cái ngày về quê ấy. Tôi cũng thế. Chúng tôi không thể che dấu được nỗi vui mừng khi biết ngày nghỉ đó mỗi ngày một đến gần hơn.
    Chuyện gì phải đến đã đến. Hôm nay chúng tôi chuẩn bị lên đường về quê.
    Chúng tôi cùng ở một làng, chỉ cách nhau có một cái ngõ. Tôi biết Thi từ khi nàng còn nhỏ. Thi hay sang nhà tôi chơi và trèo hái những quả bưởi nho nhỏ để chơi “đánh chuyền” với những cô bạn cùng lứa tuổi. Khi Thi lên Hà Nội học, nàng học năm đầu Trung học. Thời gian đầu, nàng ở chung nhà với gia đình ông bà chủ nhà trọ. Sau một thời gian, Thi được dọn sang ở chung khu nhà trọ với tôi, và từ đó chúng tôi đã trở nên thân và có dịp gần gũi bên nhau.
    Chúng tôi đã tới bến xe khách Hà Nội–Sơn Tây. Dù mới sáng sớm, hoạt cảnh ở đây đã tấp nập, náo nhiệt và tất bật làm sao. Kẻ gồng người gánh, kẻ vác người khuân, kẻ vội vàng xuống xe người hấp tấp phóng lên. Tiếng rao quà vang cả một khu, lẫn tiếng gọi nhau ơi ới.
Tôi và Thi còn đang ngẩn ngơ với cả chục chiếc xe khách, chưa định được rõ chiếc nào mình sẽ đi. Thi, trong chiếc áo dài mầu trắng ngắn cũn cỡn vì nàng lớn quá nhanh. Chiếc áo cứ như mỗi ngày môt co ngắn lại. Thi đang ngơ ngác nhìn theo những chị bán hàng rong, nào bưởi, nào ổi, nào me, nào sấu. Chắc là Thi thèm lắm, nhưng cũng có thể nàng chỉ tò mò với những hoạt cảnh ở bến xe.
    – Thi ơi! Lại đây! Mau lên! Tôi phải réo lên thật to cho nàng nghe thấy.
    Thi tất tả chạy về phía tôi. Tôi đẩy vội nàng lên xe trước khi đám đông ùa tới chen lấn leo lên. Tôi chọn cho Thi một chỗ tốt không có ánh nắng xuyên vào khi xe chạy. Tôi ngồi cạnh Thi. Thi nhỏ nhắn, nép mình vào cửa sổ xe nhìn ra ngoài, mắt vẫn không rời khỏi mấy múi mít trên cái mẹt nhỏ được đội trên đầu người bán hàng rong đi gần đó.
    – Em muốn mua gì không?
    – Không ạ!
    Nàng trả lời nhẹ, nhưng mắt vẫn nhìn ra xa, không ngoảnh lại tôi. Tôi móc trong cặp ra cái “bánh tây” (bánh mì) nhỏ bằng nắm tay còn hơi ấm đưa cho Thi. Thi lơ đãng cầm lấy không ăn. Lạ thật, cái cô bé lúc nào cũng nhí nha nhí nhảnh thế mà sao hôm nay lại giở chứng im lặng, trầm ngâm như người mơ mộng vậy. Ấy, con gái ở cái tuổi đang lớn nó cứ biến đổi như thế đấy. Tôi giữ vẻ người anh, không chú tâm đến nàng nữa.
    Khách lên xe đã đầy. Xe bắt đầu chuyển bánh. Bác tài bấm còi xe inh ỏi. Chú “lơ xe” đập tay đùng đùng vào thành xe để mọi người dưới bến tránh ra. Bây giờ Thi mới ngoảnh lại nhìn tôi mỉm cười. Hai anh em đang chia xẻ một niềm vui chung: sắp được về nhà.
    Xe chạy được ít lâu thì ra khỏi thành phố. Cảnh vật ngoại ô đã bớt đi phần tấp nập. Thỉnh thoảng những chiếc xe khách hay xe hàng đi ngược chiều, gió tạt mạnh làm chiếc xe chúng tôi đi như muốn tạt sang bờ ruộng. Mỗi lần như thế, gió hất mái tóc Thi lên, bay lòa xòa xuống mặt. Nàng khẽ nhẹ vén tóc sang bên má.
    Tôi và Thi cùng chung sống với nhau ở Hà Nội trong khu nhà trọ riêng biệt và yên tĩnh. Thi ở căn phòng biệt lập, xinh sắn có thể đủ cho hai người sống thoải mái với những tiện nghi tối thiểu dành cho một cặp vợ chồng son. Phòng nàng tọa lạc ở gần góc sân. Bên cạnh phòng nàng là dàn hoa thơ mộng ở cuối sân luôn tỏa mát. Và dưới dàn hoa, với chiếc bàn tròn nho nhỏ, vài ba chiếc “ghế đẩu” con con, tiện cho việc ngồi chơi nói chuyện hay ngắm trăng. Tôi ở trên căn gác với cầu thang gỗ ngoài trời, cũng riêng biệt và cách phòng nàng một cái sân gạch chung. Từ phòng tôi có thể nhìn xuyên thẳng xuống cửa sổ phòng nàng nếu không bị cây hoa ngọc lan mọc giữa sân che lấp một phần. Âu, chúng tôi được ở khu riêng biệt và yên tĩnh này thay vì khu tập thể vì tôi đã ở trọ lâu hơn người khác và riêng Thi, hai gia đình nàng và ông bà chủ nhà trọ là chỗ bạn thâm giao. Khi Thi mới lên Hà Nội học, nàng đã có thời gian ở chung nhà với gia đình ông bà chủ nhà trọ trước khi dọn về đây để có cuộc sống tự lập hơn.
    Tôi coi Thi như một người em gái. Thi sống bên tôi với lòng tin cậy ở sự che chở của một người anh. Những hôm ít bài vở, tôi đưa Thi đi chơi tung tăng dọc theo bờ hồ Hoàn Kiếm hay Hồ Tây vào những buổi chiều. Anh em chia nhau một ly “kem cốc” hay túi lạc rang húng lìu của chú “khách” (để gọi tắt người “khách trú”, ám chỉ người Tầu) bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Chú “khách” này, hầu như những ai có thói quen đi dạo chơi quanh bờ hồ vào những buổi chiều hay chợp tối đều biết. Lạc rang của chú rất ngon, vừa bùi lại vừa thơm. Có cái lạ là chú đong lạc rất chính xác vào gói nhỏ hình cái phễu dài cuốn bằng giấy báo nhật trình. Mỗi lần chú xúc là vừa đủ 15 hột, không bao giờ dư hoặc thiếu hột nào. Tôi đã đếm thử nhiều lần nên lấy làm lạ. Có những ngày chúng tôi thuê xe đạp đi thăm thắng cảnh Hà Nội hay ra ngoại ô thành phố hay về vùng đồng quê để hưởng những ngọn gió mát trong lành. Những lần như thế nàng thường chạy tung tăng đây đó đầy hồn nhiên với cái tuổi của nàng.
    Tôi đưa Thi đi thăm những đền đài, văn miếu, cùng những di tích lich sử văn hóa lâu đời của Hà Nội. Tôi giải thích từng chi tiết của những thắng cảnh ấy và coi nó như những dấu tích của một dân tộc có truyền thống yêu nước và trọng đạo nghĩa. Tôi cho Thi biết Hà Nội, nơi chúng tôi đang ở, không phải chỉ là một thành phố bình thường, nó không những từng là kinh đô của bao thời đại mà còn là một “viện bảo tàng” lịch sử lẫn văn hóa to lớn của dân tộc ta. Mỗi bước chân ta đi trên đường phố là ta bước lên những bước chân oai hùng của tiền nhân. Muốn biết về Hà Nội không thể chỉ là một vài ngày, chỉ một vài tháng hay chỉ một vài năm, mà phải là một phần đời của chúng ta mới có thể tìm hiểu hết được phần nào cái hay cái đẹp của thành phố này. Biết bao nhiêu người đã từng sống và lớn lên tại Hà Nội mà lại không biết gì mấy về Hà Nội, thật vô tâm quá. Thi say sưa nghe những điều tôi nói và tôi biết nàng cố nhớ hết những gì tôi giảng giải cho nàng. Những cuộc đi chơi như thế càng làm cho chúng tôi thân nhau hơn và yêu mến nhau hơn.
    Nhưng cuộc đời nó không chỉ đơn giản thế. Những ngày gần đây, tôi bỗng thấy Thi lớn, nàng không còn là cô bé con nữa. Những cử chỉ quá thân mật tự nhiên của nàng làm tôi xao xuyến, như khi nàng kéo tay tôi lôi đi cho nhanh hơn, tôi thấy như có cái gì ấm áp, dịu dàng trong đôi bàn tay ấy. Tôi thấy thật khó chịu với chính tôi mỗi khi tôi nhìn trộm Thi. Tôi cứ phải tự hỏi mình, tại sao tôi lại phải ngập ngừng khi tôi đến phòng nàng, dù chỉ là để giúp nàng giải bài toán khó. Tôi biết, tôi đang có cái gì thay đổi trong tôi. Tôi giữ kín những u uẩn ấy trong lòng đến đôi khi làm tôi trở nên lúng túng với Thi.
    Chiếc xe khách vẫn phóng nhanh trên đường liên tỉnh. Làng mạc, đồng lúa, quán hàng và những hàng cây ở ven đường cứ như đua nhau chạy ngược lại về phía sau. Có lúc xe chạy chậm hẳn lại để tránh những ổ gà. Cũng có khi xe bị tung lên, vẹo đi vì lọt vào những ổ gà lớn. Ngồi bên cạnh tôi, Thi chậm rãi “gậm nhấm” gần hết ổ bánh tây tôi đưa cho nàng lúc nẫy, trong khi mắt Thi vẫn không rời khỏi cánh đồng lúa đã lên đòng đòng. Thỉnh thoảng Thi lại ngoái đầu ra sau để theo dõi một cảnh vật mà nàng chưa kịp xem kỹ. Mỗi khi chiếc xe ngừng để đón khách dọc đường, nàng lại nhìn tôi mỉm cười. Tiếng nói chuyện của những bạn hàng, của những người nông dân cứ rù rì, thì thầm nhỏ to như những lời cầu nguyện. Có những tiếng cười đùa chợt vút lên cao ở phía cuối xe làm mọi người phải ngoái cổ lại nhìn. Có người đã ngủ. Lác đác vài người khách đã xuống xe. Người "lơ xe" ì ạch khuân những giỏ hàng chất trên nóc xe xuống.
    Con đường về làng chẳng còn bao xa nữa. Tóc Thi vẫn bay bay, xòa vào mặt nàng, bay sang cả vai tôi. Thi vẫn im lặng ngồi ngắm nhìn cảnh vật đồng quê một cách say sưa. Hôm nay tôi thấy Thi rạng rỡ quá và trong sáng quá, lại có chút gì nghiêm trang xa vắng của một thiếu nữ trưởng thành. Chắc chẳng bao giờ Thi thấy được cái u uẩn trong những ý nghĩ của tôi. Nhưng biết đâu nàng cũng đang dấu những u uẩn trong lòng nàng về tôi như thế. Ý nghĩ ấy làm tôi khoan khoái, nhẹ nhõm lẫn vui vui. Tôi mỉm cười với ý nghĩ ấy.
    Xe đã tới thị xã Sơn Tây, xe chạy chậm hẳn lại khi đi ngang qua chợ Nghệ đang buôn bán tấp nập hay qua những khu phố đông người. Xe chạy vòng theo con hào rộng lớn được đào sâu vây quanh thành cổ, qua ngang Tòa tỉnh trưởng, tiếp tục chạy từ từ qua phố Ngô Quyền, rồi theo hướng Trung Hà và để rồi xe ra khỏi thị xã. Làng tôi cách thị xã Sơn Tây khoảng 10 cây số, thuộc huyện Quảng Oai.
    – Bác tài ơi! Cho chúng tôi xuống!
    Tôi nói vọng lên về phía bác tài xế. Người "lơ xe" đập mạnh tay vào thành xe mấy cái báo cho bác tài biết là có người muốn xuống. Chiếc xe từ từ đỗ lại bên lề đường. Tôi xuống trước rồi đứng ở cửa xe đợi cho Thi xuống sau. Hai anh em vươn vai mấy cái thật mạnh và hít thở thật sâu để đuổi đi cái gò bó trong suốt con đường dài 40 cây số.
    Hôm nay trời nắng nhẹ. Bầu trời xanh trong suốt, điểm vài cụm mây trắng bay lờ lững tít trên cao. Con lạch đào rộng khoảng ba thước, uốn khúc, chạy vòng vèo trong cánh đồng lúa, phản chiếu ánh sáng lóng lánh trông như con trăn bạc trườn mình. Vài con trâu đang chăm chỉ gặm cỏ trong bãi cỏ xanh. Có con ngửng lên ngơ ngác nhìn trời, lắc nhẹ cái đầu để đuổi đàn ruồi đang bám vào nó rồi lại lặng lẽ cúi xuống tiếp tục ăn. Gió đồng nội thổi vừa mát vừa thơm, thơm mùi lúa, mùi cỏ, lẫn trong những mùi thân quen của đồng quê.
    Từ đây về làng, chúng tôi phải đi thêm một quãng đường khoảng chừng cây số. Cổng làng xây gạch, màu vôi vàng sậm pha lẫn mầu rêu như đã hiện ra ở phía xa xa. Trong nắng mát, Thi đi nhanh như có ai đuổi đằng sau. Nàng đi sát bờ đường, thỉnh thoảng thò tay vuốt dọc theo bông lúa đòng đòng đã chớm đổi thành mầu vàng nhạt. Nàng không ngắt mà chỉ để cho những bông lúa chạy trong lòng bàn tay, rồi buông rơi xuống thân lúa đong đưa. Cánh đồng ruộng lúa có nơi đã vàng ửng trải dài ra như thảm. Những cơn gió làm cánh đồng lúa gợn sóng, từng gợn từng gợn xô nhau đùa chạy về tận cuối chân trời. Thi tung tăng hết chỗ này tới chỗ kia. Một con nhái nhẩy tõm xuống vũng nước ruộng, hay con chim bất chợt vỗ cánh bay vụt lên từ ruộng lúa làm Thi thảng thốt giật mình. Mỗi khi như thế nàng lại ôm tay truớc ngực nhìn về phía tôi cười như nắc nẻ. Tiếng cười của nàng trong suốt vang lên trong cái yên tĩnh của cánh đồng.
    Tôi thấy Thi ngồi sụp xuống bên đường, loay hoay cái gì không biết. Hình như nàng vừa bắt được con cào cào. Nàng nắm nó trong lòng bàn tay rồi mở ra, con cào cào vội bay vù. Mỗi khi gặp cơn gió lớn, hai tà áo dài của nàng bay phần phật như múa. Vài đứa trẻ chăn trâu đứng nhìn chúng tôi một cách tò mò. Đi bên cạnh tôi, dưới nắng, mặt nàng hây hây đỏ trong nắng như phảng phất hình bóng của một đóa hoa hồng mới nở trong ánh sáng mai. Nàng như con chim khuyên nhỏ chuyền cành, líu lo ríu rít.
    Chúng tôi vui chân, chẳng mấy chốc đã tới đầu làng. Chiếc cổng làng sừng sững trước mặt. Cây đa già tủa rễ chằng chịt, bóng rợp tỏa che cả một khoảng đất rộng. Dân làng khi đi ngang qua đây, thường dừng chân trú nắng dưới bóng đa trong chốc lát vào những buổi trưa hè. Cổng làng cũng như cái đình làng, là những hình ảnh biểu tượng của làng quê miền Bắc. Ai đi xa lâu ngày, về đến cổng làng cũng thấy quyến luyến, nhớ lại những ngày tháng còn sống trong lũy tre xanh. Cổng làng không những là nơi chứng kiến những sinh hoạt hàng ngày mà còn là một phần linh hồn thiêng liêng trong những ngày lễ hội cũng như giống ở đình làng.
    Tôi và Thi tạm ngồi nghỉ chân trên nhánh rễ lớn của cây đa mọc bò trên mặt đất. Nàng ngồi cạnh tôi, nhặt chiếc lá đa khô phe phẩy làm quạt. Trên mặt Thi lấm tấm vài hạt mồ hôi nhỏ ẩn dưới mấy sợi tóc mây. Tôi ngồi nhìn ngắm chiếc cổng làng thân yêu và liên tưởng tới biết bao nhiêu kỷ niệm của thời thơ ấu, thuở còn học ở trường làng. Ngồi trước cảnh xưa, lòng không khỏi bâng khuâng.
. . .
Ngày nay dù ở nơi xa,
Nhưng khi về đến cây đa đầu làng,
Thì bao nhiêu cảnh mơ màng
Hiện ra khi thoáng cổng làng trong tre.
(Bàng Bá Lân)

Tôi lâng lâng như đắm chìm, ngây ngất về những kỉ niệm xưa ở nơi này. Mọi thứ như hiện rõ ra trước mắt tôi. Thi ngồi bó gối mơ màng. Bỗng Thi giật giọng hỏi tôi:
    – Anh có nhớ trường không?
    Nàng vừa hỏi vừa chỉ về phía ngôi trường ẩn hiện xa xa, lấp ló sau rặng tre bao quanh. Nó đứng riêng biệt như một ốc đảo giữa biển sóng vàng bao la của lúa. Làm sao tôi quên được nơi ấy. Tôi quên làm sao được những bóng dáng của thầy cô, bạn bè. Tôi làm sao quên được những bài học đầu tiên. Và như hiển hiện trước mắt tôi với những lớp học đang vang lên tiếng ê a đâu đó lẫn với tiếng gõ thước kêu chan chát lên bảng đen. Nào những buổi sáng mai, tiếng trống trường dục dã trộn lẫn với tiếng nô đùa, chạy nhảy. Nào những đám học trò nhỏ chạy túa ra lúc tan trường. Nào những hình ảnh thập thò sau váy mẹ, lo sợ, rụt rè của những em lần đầu tiên đi học trong buổi khai trường.
    Tôi quên làm sao được bài văn "Tôi Đi Học" của nhà văn Thanh Tịnh:
    "Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.
Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nẩy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng. Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi trên giấy, vì hồi ấy tôi chưa biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè dưới nón mẹ lần đầu tiên đến truờng, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.
    Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học."
    Nhớ lại đoạn văn của nhà văn Thanh Tịnh, tôi như thấy có tôi trong ấy. Với tôi, bài văn này còn hay hơn bài "La rentrée" của nhà văn Pháp Anatole France mà tôi phải học thuộc lòng khi nhỏ. Trường học luôn luôn là những hình ảnh quyến rũ và thân thương được ví như những giọt sữa ngọt ngào đầu đời chảy từ vú mẹ. Hình bóng của ngày khai trường không những ăn sâu vào tâm khảm của những cô cậu học trò, mà nó cũng còn khắc sâu vào những vần thơ mà mỗi khi đọc lên, ta không khỏi xúc động dù ở bất cứ tuổi nào.

Hôm nay là buổi khai trường
Học trò tấp nập lên đường xôn xao
Chúng tôi vui sướng khác nào
Bầy chim thấy tổ xiết bao vui mừng.
(Trần Trung Phương, trích trong tập thơ Những Vần Tươi Sáng)

Cũng như tôi, chắc Thi như đang nhìn thấy rõ hình ảnh của mình trong buổi tựu trường hay trong những giờ tan học. Nàng nhặt hòn sỏi ném nhẹ ra xa, rồi ngồi lẳng lặng nhặt những bông cỏ may bám vào ống quần.
    Chúng tôi cũng chẳng vội vàng về. Đây đã là cổng làng rồi. Đường về nhà không còn mấy bước. Trong cái yên tĩnh, gió man mát thổi hây hây, tôi định dựa mình nhắm mắt lim rim đưa hồn mình vào những kỷ niệm xa hơn thì Thi vụt đứng dậy chạy tới khóm tre trước mặt tìm ngắt những lá tre xanh thật to đem về chỗ tôi ngồi nhờ tôi kết hộ cho nàng những hình “củ ấu”. Nàng khua chân, múa tay nói huyên thuyên về những kỷ niêm nơi trường học trong khi tôi yên lặng tạo những hình bằng nắm lá tre nàng vừa đem tới.
    Thi không còn ngồi mơ mộng như vài phút trước đây. Nàng cười nói hồn nhiên, say sưa nhắc về cô bạn này rồi đến cô bạn khác với những kỷ niệm của thời nàng còn học ở trường làng. Có những chuyện nàng kể làm hai anh em cười chảy cả nước mắt. Trong lúc mải vui với câu chuyện, tôi giơ tay cốc dứ đầu Thi, nàng né tránh, chạy ra xa. Tôi nhặt hòn đất nhỏ ném theo. Nàng nhặt viên đất ấy định ném lại tôi, nghĩ thế nào lại ném xuống đất, lấy vạt áo dài lau nước mắt. Tiếng nàng cười vang đi xa làm mấy con chim đang đậu trên cây sung bên bờ ao gần đấy vụt bay đi. Tôi thủng thẳng đứng dậy, đưa cho Thi mấy “củ ấu” kết bằng lá tre tôi vừa làm xong.
    – Ta về nhà đi thôi!
    Nàng ngoan ngoãn đi bên tôi. Ngang qua cổng làng, chúng tôi lững thững đi trên con đường làng lát gạch. Làng tôi không giầu mà cũng không nghèo, thuộc bậc trung trung. Chúng tôi đi dưới bóng mát của những rặng tre trồng dọc theo đường gạch. Trong ao nhỏ bên đường, dăm ba con vịt đang bơi thảnh thơi, thỉnh thoảng vẫy đuôi kêu "cạc cạc" mấy tiếng rời rạc như để gọi nhau. Vài tiếng "à ơi . . ." ru con buồn bã đưa vọng lại từ xa. Con trâu nằm lười biếng dưới khóm tre trệu trạo nhai lại miếng rơm nó đã ăn trước đó. Thỉnh thoảng nó vẫy mạnh đuôi để đuổi đám ruồi bám trên lưng. Mùi phân trâu đối với tôi là mùi quen thuộc, mùi của hương đồng cỏ nội. Con chó đứng lang thang ngoài ngõ, trông thấy chúng tôi, vẫy đuôi lại gần. Thi hơi sợ, vội kéo vạt áo dài che phía trước. Tôi khẽ nhếch mép mỉm cười. Chắc cái mỉm cười ấy phải chứa đựng điều gì hóm hỉnh.
    Chúng tôi rẽ sang tay phải khi tới một cái ngõ thứ hai. Từ đây, đường không còn lát gạch nữa, con đường đất gồ ghề trộn lẫn mầu đỏ đá ong. Con đường đất này cũng mang cho chúng tôi biết bao kỷ niệm của những ngày tháng cắp sách đến trường làng vào những ngày mưa gió. Ngoài Bắc, có những trận mưa phùn kéo dài tới mấy ngày, có khi cả tuần hay nửa tháng. Mưa thối đất. Mưa cứ rỉ rả rơi, nhẩn nha không vội vã và không gian luôn trở nên mờ đục. Mọi thứ như ẩn hiện dưới làn mưa mỏng. Mưa như thế thì buồn lắm, chỉ vui cho những kẻ yêu nhau và được ở bên nhau.
    Những con đường làng ấy không chỉ mang cái hình ảnh buồn bã của mưa phùn mùa đông. Chúng cũng rực sáng lên sau những cơn mưa rào của mùa hè. Những trận mưa rào như xối nước xuống quét sạch những rác rưởi trên đường. Những cây cau, khóm tre, cây mít… như được tắm rửa, đổi lá, thay màu. Chim trên cành cất tiếng hót vang.
    Chẳng còn mấy bước chúng tôi phải chia tay nhau. Đến trước cổng nhà, nàng cười với tôi nói nhẹ:  
    – Em về!
    Giơ tay chào tôi rồi nàng tự dùng thân mình đẩy nhẹ cánh cổng gỗ, lách người vào. Trước khi khép cánh cổng lại, nàng khẽ đưa tay ra vẫy chào tôi lần nữa rồi khuất sau cánh cổng ấy. Tôi lững thững tiếp tục đi, lòng thấy bâng khuâng, rộn rã niềm vui. Tôi với tay ngắt bông hoa “dâm bụt” mầu đỏ tươi bên hàng rào, tung cao lên trời. Tiện chân, tôi đá cục gạch nhỏ bắn đi xa rồi rảo bước về nhà không xa mấy.


Yêu em anh hóa yêu đời

Theo em chấp cánh tung trời bay cao.

 

– Nguyễn Giụ Hùng

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Em nằm im lặng nghe đêm thở | Tháng Tư mở đôi mắt trong đêm | Anh ạ, em nghe Tháng Tư khóc | Tháng Tư nhỏ những giọt lệ đen.(tmt)
Con người ngậm kín cái tốt vào lòng. Để khỏi mua lấy vạ hiềm nghi ghen ghét. Tôi nhìn đứa bé từ sau lưng, sự rung động khẽ của đôi vai nhỏ bé, vẻ hạnh phúc của cái gáy nhỏ xíu măng tơ. Phút này qua phút khác, có lẽ lâu lắm, cho đến khi đứa bé bắt đầu thỏa mãn, bú chậm lại, nhưng nó vẫn ôm lấy bầu ngực của người đàn bà lạ, ngủ thiếp đi.
Biển đêm như vô thức một màu đen mênh mông, nhưng biển chứa toàn bộ lịch sử con người từ lúc còn là tế bào phôi sống cho đến khi biến thành DNA, rồi từ thú vật tiến lên con người. Lịch sử đó đầy ngập dữ liệu nhưng chôn sâu dưới đáy nước. Hồi tưởng chỉ là những con sóng nổi dập dìu, cho dù sóng lớn dữ dằn trong bão tố vẫn không mang được hết đáy nước lên trên mặt. Vì vậy, biển lúc nào cũng bí mật. Vô thức cũng bí mật. Càng gây thêm khó khăn để chứng minh sự thật vì vô thức có khả năng biến đổi dữ liệu hồi tưởng. Chỉ những người thiếu bản lãnh mới tin vào trí nhớ của mình và của người khác. Nhưng toàn bộ nhân loại sống và tạo ra ý nghĩa hầu hết dựa vào bộ nhớ. Một số ít người hiểu rõ điều này, nhưng không làm gì khác hơn, vì hồi tưởng tự động và tự nhiên xuất hiện dù không đầy đủ, kể cả, khi con người kêu gọi ký ức đến, nó cũng đến trên xe lăn, hoặc chống nạn, hoặc bò lết như kẻ tàn tật.
Chiến tranh là một nỗi đau dằn vặt của nhân loại vì không ai muốn nó xảy ra, nhưng chiến tranh vẫn cứ xảy đến như một điều kiện cần thiết biện minh cho sự tồn tại của thế giới con người. Ngày Ba mươi tháng 4 năm 1975 là một cột mốc đánh dấu một biến cố chính trị trong lịch sử chính trị thế giới, ngày cuộc chiến tranh Việt Nam (1954-1975) chấm dứt.
Năm mươi năm nhìn lại, sau ngày 30 tháng 04, 1975, cái dấu mốc lịch sử đau thương của đất nước Việt Nam, nói chung, và người dân miền Nam nói riêng. Sự thật lịch sử về ngày này đã được phơi bày rõ ràng trên mọi phương tiện truyền thông, tin tức, và trong thế giới sử. Ai cũng đã rõ, phe thắng trận, sai, phe thua trận, đúng. Điều này không cần bàn cãi nữa; cho dù kẻ chiến thắng cố tình viết lại lịch sử Việt Nam theo ý mình khi sức mạnh của họ nằm trên nòng súng. Phe thua cuộc lại là phe thắng được nhân tâm.
Tháng Tư chuếnh choáng. Say chẳng phải vì rượu dẫu chỉ nhấp môi hoặc thậm chí trong đám bạn có kẻ chẳng uống giọt nào. Nhưng họ vẫn say như thường. Những hồi ức tháng Tư lần lượt xuất hiện như một chất men nhưng không thể làm người ta quên mà chỉ là giây phút hiếm hoi nhắc nhớ để rồi quên. Quên tạm thời nỗi niềm chất chứa mà không làm sao quên hẳn.
Hai tên đeo băng đỏ đưa tôi đến một căn nhà nằm trên đường Tôn Thất Thuyết. Nay mới biết là cơ sở kinh tài của Việt Cộng. Vào bên trong, tôi thấy có một số người bị bắt trước ngồi trên băng ghế đặt ở góc một phòng lớn rộng rãi. Họ ngước mắt nhìn tôi có vẻ ái ngại. Tôi biết những người ngồi đó là thành phần đặc biệt nằm trong danh sách tìm bắt của chúng. Nhìn họ, tôi thấy mấy người quen quen. Hình như họ là viên chức Chính Phủ trong tỉnh. Tôi được đưa đến ngồi cạnh họ. Tất cả đều im lặng, không ai nói với ai lời nào ngay cả khi bất chợt nhìn thấy tôi. Có lẽ im lặng để che đậy cái lý lịch của mình, làm như không quen biết nhau, nếu có khai láo cũng không liên lụy đến người khác.
Trong cuộc đời, ắt hẳn bạn đã nhiều lần bước trên lối mòn giữa một cánh đồng cỏ hay trong một khu rừng? Thoạt đầu, lối mòn ấy cũng đầy hoa hoang cỏ dại như chung quanh, nhưng những bước chân người dẫm lên qua ngày tháng đã tạo thành một con đường bằng phẳng. Ký ức chúng ta cũng tương tự như lối mòn ấy. Những trải nghiệm với cảm xúc mạnh mẽ trong quá khứ được nhớ đi nhớ lại như những bước chân đi trên lối mòn góp phần hình thành ký ức, và cả con người chúng ta. Người Mỹ gọi loại ký ức này là “core memory” mà ta có thể dịch ra Việt ngữ là ký ức cốt lõi. Với tôi, ký ức cốt lõi ấy là những gì xẩy ra cho tôi và gia đình trong quãng thời gian kể từ khi thị xã Ban Mê Thuột thất thủ ngày 12 tháng Ba năm 1975, kéo theo sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam chưa đến bẩy tuần sau đó. Tôi vẫn nhớ, và nhớ rất rõ.
Vốn là một quân nhân, sau khi triệt thoái từ miền Trung về Saigon, tôi được bổ xung cho một đơn vị pháo binh đang hành quân ở vùng Củ Chi, Tỉnh Tây Ninh, yểm trợ sư đoàn 25 Bộ BinhB. Khoảng ba tuần trước khi mất nước tôi bị thương ở chân. Nằm trong quân y viện Tây Ninh vài ngày, bác sĩ cho về nhà dưỡng thương một tháng ở Saigon.
Ngày xưa, thông thường, chồng của cô giáo được gọi là thầy, cũng như vợ của thầy giáo được gọi là cô. Cho dù người chồng hoặc vợ không làm việc trong ngành giáo dục. Nhưng trường hợp cô giáo tôi, cô Đỗ Thị Nghiên, trường Nữ Tiểu Học Quảng Ngãi thì khác. Chồng của cô, thầy Nguyễn Cao Can, là giáo sư dạy trường Nữ Trung Học Quảng Ngãi. Cô Đỗ Thị Nghiên dạy lớp Bốn, trường Nữ Tiểu Học. Trong mắt nhìn của tôi, của con bé mười tuổi thuở ấy, cô Nghiên là một cô giáo rất đặc biệt. Cô nói giọng bắc, giọng nói trầm bổng, du dương. Tóc cô ngắn, ôm tròn khuôn mặt. Da cô trắng nõn nà. Có lần ngoài giờ học, trên đường phố của thị xã Quảng Ngãi, tôi thấy hai vợ chồng thầy Can, cô Nghiên đèo nhau trên xe gắn máy. Cô mặc jupe, mang kính mát, ngồi một bên, tréo chân, khép nép dựa vai thầy. Ấn tượng để lại trong trí của con bé tiểu học là hình ảnh của đôi vợ chồng sang trọng, thanh lịch, tân thời, cùng mang thiên chức cao cả: dạy dỗ lũ trẻ con nên người.
Tháng Tư này tròn 50 năm biến cố tang thương của miền Nam Việt Nam, những người Việt hải ngoại, đời họ và thế hệ con cháu đã trưởng thành và thành công trên xứ người về mọi mặt học vấn cũng như công ăn việc làm. Họ đang hưởng đời sống ấm no tự do hạnh phúc đúng nghĩa không cần ai phải tuyên truyền nhồi sọ. Nhưng trong lòng họ vẫn còn bao nhiêu kỷ niệm thân thương nơi chốn quê nhà.
Có một buổi trưa, hai đứa đang thưởng thức bò bía, đậu đỏ bánh lọt ở chùa Xá Lợi, góc Bà Huyện Thanh Quan và Ngô Thời Nhiệm (?), thì gặp một "cái bang". Đầu đội khăn rằn, đeo mắt kiếng cận nặng, cổ quấn vài ba chiếc khăn đủ màu và ông còn dẫn theo hai con chó, vừa đi vừa múa tay múa chân như người say rượu. Chừng như ông không cần thấy ai, chung quanh chỉ có ông và hai con chó. Người đàn ông "cái bang" đó là nhà thơ, nhà văn, nhà biên khảo nổi tiếng của Việt Nam: Bùi Giáng. Hai con chó vừa đi vừa sủa vang, khiến một số nữ sinh Gia Long đang đứng quanh xe bò bía, vội vã chạy né qua bên kia đường. T
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.