Hôm nay,  

Ông Anh

5/11/202307:49:00(View: 3544)
Tạp ghi

hoangquan
Nhà văn Song Thao & Nhà văn Hoàng Quân, Montréal, tháng Mười 2022.


Khoảng đầu thế kỷ 21, tôi quen ông Song Thao. Nói quen cho oai, chứ đấy chỉ là tình một chiều. Thuở ấy, mỗi khi có tờ nguyệt san Thế Kỷ 21 trên tay, tôi nhanh nhẹn dò mục lục, tìm bài Phiếm của ông Song Thao, đọc ngấu nghiến. Một ngày đẹp trời (ít nhất là đối với tôi), ông “thấy” tôi trên Diễn Đàn Thế Kỷ, ông hỏi ông chủ bút Phạm Phú Minh: “Hoàng Quân là ai?” Thế là tôi bắc được nhịp cầu tri âm với ông “trùm” Phiếm. Tự đó đến nay, tính ra đã gần chục rưỡi năm. Ban đầu, biết ông là người người sang, tên tuổi ngất trời, tôi không dám bắt quàng làm họ. Tôi quen ông qua anh Phạm Phú Minh. Biết ông trang lứa với anh Minh, nên tôi xin phép gọi ông bằng anh (cho công bình). Dần dà, thư đi, tin lại, tôi nghĩ đến ông như ông anh quý mến. Ông có rất nhiều bạn. Bạn “ảo” trên Facebook quây quần quanh ông lên đến gần bốn ngàn người. Số bạn ông trà đàm, tửu đàm bên bàn tròn văn chương dễ có đến vài trăm. Thế mà, giữa lúc say sưa chuyện trò với những bạn bè đồng thanh, đồng khí của ông trên vuông chiếu chữ nghĩa, ông chợt chú ý đến con bé Hoàng Quân lấp ló ngoài cổng hóng chuyện. Ông ân cần mở cửa cho con bé bước vào sân chơi.
     Tôi có cơ hội nhìn ông, nghe ông trong những cuộc phỏng vấn trên truyền hình hải ngoại. Còn nhân dáng của tôi đối với ông, chỉ là những dòng chữ đều đặn của font calibri hoặc arial trong điện thư và những bài viết tôi gửi đăng trên báo mạng. Thế mà, đã bao lần tôi được ông nhắc nhở, dìu dắt. Ông nghe tôi vất vả lúc làm cuốn sách đầu đời, ông mách nhỏ: “Hãy đến nhà xuất bản Nhân Ảnh.” Khi các ông Khánh Trường, Luân Hoán, Nguyễn Vy Khanh lên chương trình thực hiện bộ sách “44 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại (1975-2019)”, ông “tiến cử” tôi vào danh sách. Năm 2018, tôi ngạc nhiên và cảm động vô cùng, được ông cho một chỗ đứng trong mục “Viết Cho Bè Bạn”. Với bài điểm sách: “Đọc ‘Đứng Ngẩn Trông Vời’ của Hoàng Quân”, ông đã “nắm tay” tôi chu du khắp Gia Nã Đại, Mỹ và Úc, không chỉ trên các trang mạng văn học mà cả báo giấy. Chị Tiểu Thu (đồng hương Montréal của ông) xuýt xoa: “Em trúng số độc đắc đó nhe.” Bạn Phạm Công Luận bên Việt Nam nhận xét: “Anh Song Thao có vẻ quý trọng người viết qua trang văn.” Tôi nhớ có lần ông bảo, ông tính rủ tôi viết chung phiếm. Nghe ông nói vậy, tôi vui khấp khởi, mở cờ trong bụng. Nhưng ngẫm nghĩ, thuở tôi chưa biết đánh vần, ông đã làm báo, đã bắt đầu phiếm trong mục “Những điều trông thấy” trên những tờ tạp chí hàng đầu ngày ấy. Giờ đây, hơn nửa thế kỷ trôi qua, ông tung hoành, vẫy vùng trong cõi phiếm của ông. Nhìn ông, xét phận mình, tôi thấy hình ảnh đôi đũa mốc cời cố chòi mâm son lịch lãm. Thế mà, có lẽ do nghiện phiếm của ông, tôi rón rén viết thử bài phiếm. Tôi ấp úng, hỏi ông: “Giống phiếm chưa, cần thêm mắm muối gì nữa không?” Thì ông cười, khích lệ tinh thần (tôi đoán vậy): “Viết như vậy mà còn hỏi đã... phiếm chưa. Cứ... phiếm như vậy cho thiên hạ nhờ! Mắm bây giờ cũng leo thang, khỏi cần thêm thắt chi cho đỡ túi tiền.” Một đôi lần, tôi lề mề, đến hạn góp bài cho tạp chí Ngôn Ngữ. Tôi chạy hớt hải, sợ lỡ tàu. Đang lí nhí lời xin lỗi, thì nghe tiếng ông nhẹ nhàng: “Yên tâm, trước khi cài then, cũng ráng giữ cửa chờ cô em chứ.”
     Có thể ông xem những chuyện cỏn con này không đáng kể. Nhưng với tôi, tôi rất trân trọng sự ưu ái của ông dành cho tôi.
     Ông viết khỏe, viết hay, viết đẹp. Ngay cả đề tài “xấu xí” như dịch bệnh cũng trở nên dễ coi dưới ngòi viết của ông. Năm 2020, thời gian đầu đại dịch, tôi ngại xem, đọc tin tức, vì biết thêm chi tiết, càng thấy đen tối hơn. Nhưng loạt bài về dịch của ông, cho tôi thấy được ánh sáng cuối đường hầm. Lòng có lo lắng, hoang mang, mà đọc bài của ông tôi vẫn cười được, tinh thần bớt căng thẳng. Chuyện “già khú đế” thường thường rất khó nghe, mà qua giọng ông kể, cũng thành êm tai, dễ chịu. Trong bài viết về bệnh của mắt: cườm khô, cườm nước, khi ông liên tưởng đến mì khô, mì nước tôi đã cười ha ha một đỗi. Khôi hài đến như vậy, với tôi, quả là vô tiền khoáng hậu. Mỗi lần đi nhuộm tóc, tôi tủm tỉm cười một mình, vang vang trong tưởng tượng câu nói dí dỏm mà rất có duyên của ông: “Nhuộm tóc có thể bị dị ứng, nhưng không nhuộm, thì dị òm.”
     Nghe ông phiếm về món ăn, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng, được ăn uống hàm thụ, tha hồ thưởng thức của ngon vật lạ, món nóng, thổi phù phù cho mau nguội, món cay, hít hà, cứ tự nhiên gắp gắp, lùa lùa, không phải băn khoăn cao đường, cao muối, cao mỡ... Nhưng rồi tôi lại lo. Vì, ăn “ảo” xong, đầu óc cứ mơ mơ, màng màng được ăn thật. Mà những món ông kể, đâu phải chạy ra phố, ra chợ là có. Ông trầm trồ món bún chả Hà Nội, ông nhắc chuyện bún nay với ông Obama, rồi ông quay qua chuyện bún xưa của các ông Thạch Lam, Vũ Ngọc Phan, Vũ Bằng. Đọc tới đâu, ghiền tới đó. Ghiền mà không được ăn, khổ tâm lắm. Món “ta” ông nhem thèm đã đành, ông kể món “tây” cho độc giả thưởng thức nữa chứ: Tổ đường (Cabane à sucre), đọc mà thấy ngon nhức cả răng.
     Không biết ông có bao nhiêu nốt ruồi son ở bàn chân, mà năm châu bốn bể, dường như chỗ nào ông cũng “lang bạt”. Đến đâu, mắt ông ngó từng ngóc ngách, tai ông nghe từng tiếng động. Bởi thế, du lịch hàm thụ theo “dấu chân” của ông, thích thú vô cùng. Có những chốn tôi đã đi qua, nay nghe ông kể lại, tôi há hốc cả mồm: “Ủa! Chuyện này ngộ ghê. Ủa! Chỗ kia lạ thiệt...” Nơi nào chưa biết, nghe ông vẽ vời quá hấp dẫn, tôi ao ước được có ngày đến đấy, để thấy được những kỳ diệu của đất trời, của con người.
     Ông cho biết, truyện ngắn đầu tay của ông, truyện “Tiếng Nước Dội” đăng trên Thời Nay số 37, phát hành khoảng tháng 3 năm 1961. Tôi lẩm nhẩm tính, lúc đó ông vừa ngoài hai mươi. Eo ui, ổng nhẩn nha kể tiếng nước dội mà tôi hồi hộp, run run hỏi thầm: “Rồi sao nữa, rồi sao nữa?” Tôi thót tim mãi cho đến kết cục mới thở phào nhẹ nhõm. “Chàng cảm thấy vừa vui mừng vừa tiếc. Cái tiếc như vừa đánh rớt mất một vật gì. Βόng người con gái νừa đi đâu về vào cửa... Thành ngơ ngẩn nhìn theo.” Ô, kỳ vậy ta! Văn là người, người trẻ măng, nhưng văn đầu đời đã “già” rồi. Tôi viết email chúc mừng đứa con đầu lòng của ông, khen cháu quá  tra trắng. Ông hóm hỉnh trả lời: “Tác giả truyện này già từ khi ở trong bụng mẹ, nên không có tuổi trẻ. Già đáu!”
     Trong thế giới chữ nghĩa của ông, ông là người “đứng tuổi”. Ông bước vào tuổi văn lực sung mãn, rồi đứng luôn ở tuổi đó. Ông không già. Mà ông cũng từng nói: “Già đâu mà già! Tuổi chỉ là những con số.” Ngòi viết của ông vi vút trên mặt giấy, chính xác hơn là tay ông bấm rào rào trên bàn phím với tốc độ kinh hồn. Tự đó đến nay, ông đều đều cho những cháu bé tinh thần ra đời. Mùa Giáng Sinh năm 2004, ông sanh bé Phiếm đầu lòng: Phiếm 1. Thế mà tháng Hai năm nay, năm 2023, thêm một cháu bé khôi ngô chào đời: Phiếm 29. Tôi nhíu mày, nhăn trán cọng trừ nhân chia. Thế ra, ông không những sanh con năm một, mà có nhiều năm ông sanh đôi nữa kia.
     Trong chuyến cưỡi ngựa xem lá mùa thu Canada năm 2022, tôi xé lẻ đoàn du lịch từ Đức, hẹn gặp anh Song Thao ở Montréal. Tôi không xài điện thoại ở Canada, chỉ liên lạc với anh qua viber mỗi khi có mạng. Các du khách Đức có hai giờ đồng hồ để vào thăm trong Nhà thờ Đức Bà. Tôi bồn chồn đi tới, đi lui trước Nhà thờ chờ anh. Ngày thu trời đẹp, người qua kẻ lại nườm nượp. Tôi lo, mình không thấy anh, hoặc anh thấy, mà không nhận ra tôi. Cuối cùng, không bõ công tôi lóng ngóng, tôi được gặp không những anh Song Thao mà cả chị Diệu Hương. Gặp anh chị lần đầu, mà tôi cảm thấy như quen, như thân. Tôi liên tưởng đến câu thơ thi sĩ Luân Hoán vẽ anh chị:
 
Diệu Hương thoang thoảng diệu hương
Bên ông một chữ trăm phương phiếm thần
 
Giọng Huế của chị ngọt ngào. Giọng Bắc của anh du dương. Ôi, tuyệt vời, đào rất Huế, kép thật Bắc. Tôi không kịp thì giờ vào trong nhà thờ để chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo, chạm khắc tinh xảo. Không hề chi. Cuộc gặp gỡ chớp nhoáng với anh chị Song Thao đã làm chuyến đi ngắm thu vàng ở Canada của tôi đáng nhớ hơn. 
     Ông anh Song Thao ơi.
     Có nhiều người gọi anh là vua phiếm, trùm phiếm, phiếm chủ... Em thấy “tước vị” nào cũng đúng cả. Với em, hơn thế nữa, anh là ông anh, tuy xa mà gần, em rất mực quý mến. Những món quà tinh thần anh tặng là những nguồn vui lấp lánh trong tâm hồn em. Em vẫn muốn nói đi, nói lại lời cám ơn. Cám ơn anh thật nhiều. Hy vọng ông anh sẽ không mắng: “Cái cô em này, sao bày vẽ quá. Anh hiểu rồi.” 

 

-- Hoàng Quân

(Tháng Tư, 2023)

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Xin trân trọng gửi lời chúc tốt đẹp nhất cho dịp mừng sinh nhật 100 tuổi của nhà văn Doãn Quốc Sỹ và chúc ông luôn luôn khỏe mạnh an bình vững chãi từng bước trên con đường ông đi mỗi ngày trước mặt...
Vì sao đọa làm mèo? Ông bà ta nói vì phí phạm nước nhà chùa, nên kiếp này làm mèo sợ nước, không tắm. Thiếu nợ nên làm thân thú để trả nợ; vì tâm thấp hèn nên không được làm người hai chân đứng thẳng; vì chủng tử hung ác, nên làm loài mèo hung hăng xâu xé loài vật khác làm mồi thức ăn để sinh tồn… tạo thành vô số nghiệp thiện và ác lẫn lộn đưa đẩy chúng sanh trôi lăn trong luân hồi không bao giờ dứt.
Người ta đã gọi Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm bằng nhiều danh hiệu, và lời nào cũng đúng, cũng trang trọng: nhà giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà dịch thuật… Nhưng có một cách gọi khác. Tiến Sĩ Nguyễn Văn Trần từ Paris viết rằng Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm là Người Giữ Hồn Nước. Và thực tế, xuyên suốt tất cả những tác phẩm của GS Nguyễn Văn Sâm là một tấm lòng thiết tha muốn tìm về cội nguồn, để lắng nghe những chữ nghĩa sâu thẳm nhất của tiền nhân...
Nghe chương trình 70 Năm Tình Ca của nhà báo Hoài Nam là một trong những tiết mục giải trí giúp tôi “quẳng gánh lo đi mà vui sống”. Đi làm về, vội vàng cho xong những việc thường nhật ở nhà, tôi mở máy nghe nhà báo Hoài Nam kể chuyện. Nhà báo Hoài Nam dẫn dắt thính giả đi qua mấy chục năm tình ca Việt Nam...
Tôi và Hùng học chung lớp với nhau suốt thời cấp ba, nhà hai đứa cùng xóm cách nhau nửa cây số. Nhà Hùng mặt tiền phố chợ, má Hùng bán một xe chè đậu xanh đậu đỏ bánh lọt rất đông khách...
Hôm nay ở nhà một mình, tôi mở máy CD, nghe bài ca Malaguena Salerosa, bản nhạc gốc Mexico được hát bởi giọng ca khàn khàn nhưng mạnh mẽ của nữ ca sĩ Bạch Yến với phần đệm nhạc guitar flamenco. Âm điệu vừa trầm buồn vừa giục giã như cuốn hút người nghe vào cơn đam mê đầy lãng mạn của một chàng thanh niên nghèo yêu một cô gái trẻ đẹp. Cuộc tình một chiều đầy vô vọng nhưng không đắng cay, không oán hận vì chàng biết thân phận của mình và điều mà chàng muốn là hát lên những lời ca tụng vẻ đẹp huyền diệu của nàng...
Nhân chuyến về thăm ba má bệnh, tôi ghé thăm ngôi chùa xưa ở chốn làng quê ngày trước. Dân quanh vùng xưa nay quen gọi tên thông dụng là Bàu Lương, chẳng có mấy ai gọi tên chữ Khánh Lâm. Chùa được tổ Toàn Tín khai sơn vào năm Tân Sửu đời Cảnh Hưng 1781, năm 1941 được vua Bảo Đại sắc tứ và đến 1952 thì Pháp dội bom phá hủy hoàn toàn. Năm 1955 hòa thượng Tấm Ấn từ tổ đình Hưng Khánh đứng ra tái thiết lại...
Huế có nhiều loại chè ngon tôi rất thích, như chè đậu ngự, chè đậu ván, chè bắp, dù không cần thêm nước cốt dừa như chè miền Nam. Gia đình chúng tôi chuyển nhà từ Huế vào Phan Thiết, rồi định cư tại Sài Gòn lúc tôi 6 tuổi. Tôi quen ăn các loại chè miền Nam có nước cốt dừa béo ngậy, nhưng vẫn thích chè Huế ở vị bùi của đậu, hương thơm của lá dứa...
Khi tôi viết bài này thì giải World Cup Qatar 2022 đang vào đoạn cuối hồi hộp căng thẳng. Dù chưa kết thúc, nhưng biết bao cảm xúc buồn vui đã đến với người hâm mộ (cũng như các cầu thủ) qua từng trận đấu. Tôi xin viết lại những chuyện bên lề xung quanh World Cup của tôi.
Tại kinh thành Lạc Dương có một tay, trước là thương buôn sau chuyển sang nghề cờ bạc. Nhờ lanh lợi trong mánh lới buôn bán, gã học được nghề bịp rất nhanh. Tài bịp của gã giỏi tới mức không một ai biết mà chỉ cho rằng gã “số đỏ” hoặc “thiên tài”. Bao nhiêu tiền ngày hôm nay đều do cờ bạc mà có. Thế nhưng không hiều sao, có thể do ‘tổ trác” hay do “hết thời” mà gã thua liên tiếp, mất 50 lượng vàng tại một sòng bài lớn. Vừa tiếc của, vừa tức giận, vừa xấu hổ, gã cho mời viên quản lý ra, lớn tiếng
Tôi mới được người bạn gửi cho một câu hát, gợi nhớ đến một bài ca từ lâu đã trốn vào quên lãng: “Ta yêu cô Hằng đêm xưa xuống trần…” Than ôi! Lâu rồi sao không còn thấy ai hát bài "Chú Cuội" của Phạm Duy nữa?...
Hễ nghe một đứa báo động, bọn trẻ con lại túa ra vừa cười vừa chạy vừa chỉ trỏ vừa bắt đầu hát lên bài "Vè vẻ vè ve..." Đằng kia, một người đàn ông rách rưới, hốc hác, chân nam đá chân chiêu nghênh ngang đi lại. Miệng gã cứ lầm bầm chửi rủa...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.