Hôm nay,  

Gia tài

07/04/202318:57:00(Xem: 2871)
Truyện

Meo-Fumika Koda

 

Cô tôi chết, gia tài của cô để lại cho con mèo. Thỉnh thoảng, đọc báo, thấy có một nhà giàu nào đó, chết, để lại gia tài kếch sù cho thú cưng, tôi cho rằng họ là những người lập dị và keo kiệt. Cô tôi, chắc chắn là keo kiệt. Cô chết tôi không dự đám tang. Chỉ biết cô qua đời vì nhận được lá thư gửi từ văn phòng luật sư quản lý tài sản của cô. Thư đòi nợ.
     Mười năm trước, tôi mượn tiền của cô. Tôi thiếu nợ xã hội đen và tôi biết hậu quả nếu không trả nợ đúng kỳ. Do đó tôi khẩn cầu với cô.
     “Xin cô giúp cháu. Họ bảo nếu cháu không trả số nợ này họ sẽ báo với cơ quan cháu làm việc.”  Tôi làm bảo vệ cho một ngân hàng. Ông Giám Đốc có họ hàng xa ba năm vói không tới với bên nhà nội. Tôi được cho ở trong một căn nhà nhỏ với điểu kiện là tôi phải làm công việc bảo vệ và chạy vặt 16 giờ một ngày 6 ngày một tuần. Nếu người ta biết tôi nợ nần vì cờ bạc là tôi sẽ bị đuổi việc. Và mất việc là mất chỗ ở.
     Cô không muốn cho tôi mượn tiền, nhưng nợ xã hội đen thì coi như tôi rơi vào chỗ chết. Cô không thể không cứu.
     “Cháu cần bao nhiêu?”
     Nợ năm ngàn, nhưng mỗi lần cầu cứu là một lần khó khăn nên tôi tăng số tiền muốn mượn để dễ xoay trở.
     “Dạ, hai chục… ngàn. Đô la!”
     “Cô sẽ ký giấy đứng đơn giúp cháu mượn tiền ngân hàng. Năm ngàn thôi. Và cháu phải ký giấy nợ có thị thực chữ ký ở văn phòng luật sư.”
     Tôi trả nợ được vài tháng mỗi tháng vài trăm, rồi tôi lặn mất luôn. Tôi biết. Cô biết trước là tôi sẽ quỵt nợ. Và cô trả nợ giúp tôi.
 
Tôi đến văn phòng luật sư. Thay vì trả nợ, tôi mang tất cả giấy tờ chứng minh tôi là cháu gọi cô tôi bằng cô. Tôi đòi kiện con mèo vì tôi là người trong dòng họ chính thức. Luật sư của tôi và của cô sau khi bàn cãi cẩn thận đều đồng ý là tôi không có hy vọng thắng vì di chúc của cô rất rõ ràng và đúng theo pháp lý. Cô có xác nhận tôi là cháu của cô lúc còn sống nhưng cô không để gia tài cho tôi. Tuy vậy, luật sư của cô nói:
     “Bà Lê, theo di chúc, muốn chúng tôi giúp bà chọn một hội nuôi thú vật, hoặc một người thật sự yêu thương thú vật, để nuôi con mèo của bà. Rơi là một con mèo bị mẹ nó bỏ rơi. Bà nhặt nó trên hè phố, mang về nuôi. Bà muốn con mèo không những được nuôi nấng, mà còn được thương yêu. Yêu cầu của bà Lê là con mèo được âu yếm, vuốt ve, được cho phép ngồi trên lòng, và ngủ chung giường nếu con mèo muốn như thế. Di chúc của bà Lê dặn chúng tôi, những người quản lý tài sản của bà, trả lương hằng tháng cho người nuôi con mèo, trả tiền thức ăn và thuốc men cho mèo. Nếu người nuôi mèo không có chỗ ở, có những chung cư không cho phép nuôi mèo, tôi có thể thu xếp để người ấy ở trong cửa tiệm bán đồ cũ của bà Lê.”
     Tôi thấy giải pháp này khá tiện lợi. Tôi tránh được chuyện kiện tụng, tốn tiền luật sư mà có thể bị thua kiện. Còn bên kia tránh được chuyện phiền toái, mất thì giờ, mà thì giờ của luật sư thì đắt gấp mấy lần lương của tôi.
     Tôi ngạc nhiên vì chính ông luật sư đến gặp tôi để giao chìa khóa, thay vì gửi một nhân viên dưới quyền, ở cửa tiệm bán đồ cũ của cô tôi. Cửa tiệm có bảng hiệu “Second Hand” sơn màu đỏ sậm. Tiệm bán bàn, ghế, sa lông, sách, đèn, máy ảnh, quần áo và những đồ lỉnh kỉnh như đồ chơi, đồ nữ trang đã dùng nhưng còn tốt. Đồ đạc khá tươm tất, ngăn nắp. Tầng dưới là cửa tiệm. Tầng trên là căn gác lửng có tường kính, phòng ngủ, và phòng làm việc. Người ở tầng trên có thể quan sát tầng dưới. Cả hai tầng đều có nhà vệ sinh. Một cái bếp nhỏ cho người nấu ăn đơn giản. Ông ta mang theo một cái lồng trong đó có con mèo. Ông có vài điều cần dặn dò về cách khóa cửa mở cửa. Quan trọng nhất là không có chìa khóa sơ cua.
     “Có vẻ như bà Lê và con mèo ở đây thường xuyên hơn là ở nhà của bà. Ngày nào ông còn nuôi con mèo thì ông còn có thể ở đây mà không tốn tiền thuê nhà. Hằng tháng, một phần tiền bà Lê chu cấp để nuôi mèo sẽ được trích ra để trả vào số nợ năm ngàn đô la ông còn thiếu bà Lê.      Những món hàng trong cửa tiệm sẽ được thu xếp để bán đấu giá một ngày gần đây.”
     “Cô tôi keo kiệt quá. Đã chết rồi mà vẫn không tha món nợ cho tôi. Tôi được nuôi con mèo cho đến bao giờ. Và nếu con mèo chết đi thì sao?”
     “Rơi là con mèo đực, loại mèo tuxedo, lông đen, chân trắng, cổ trắng, giống như một người mặc áo tuxedo đen, đeo nơ trắng, và găng trắng. Rơi chỉ chừng bốn tuổi thôi. Loài mèo, nếu được nuôi tử tế có thể sống đến mười lăm năm, thậm chí hai mươi năm. Xin nhớ là chúng tôi không bắt buộc hay nài ép ông phải nuôi con mèo. Chúng tôi chỉ nể tình ông là cháu bà Lê nên cho ông tạo cơ hội để ông nuôi mèo trả nợ cho bà Lê thay vì đưa ông ra pháp luật. Bà Lê theo tôi nhận biết, không phải là người keo kiệt.”
     “Cô tôi ky cóp suốt đời, không biết chưng diện, một cái áo khoác cũ mặc hằng bao năm, suốt đời chưa bao giờ đi một cái xe hoàn toàn mới, ăn chỉ toàn rau đậu chẳng mấy khi ăn thịt thà, chẳng biết thưởng thức món ngon vật lạ ở nhà hàng, chẳng bao giờ đi du lịch nước ngoài, chẳng bao giờ biết khoái lạc của trường đua, sòng bạc, thậm chí cũng không đi xem xi nê. Cô rửa chén giặt đồ, ngay cả đi tắm cũng tránh không dùng nhiều nước, không mở sưởi cao để bớt tiền điện, ra khỏi phòng là tắt đèn, ca củm đến mức như vậy không gọi là keo kiệt thì là gì?”
     “Thật sự, không ai biết là bà Lê có gia tài lớn như vậy. Bà đầu tư vừa bất động sản, vừa chứng khoán, rất cẩn thận. Bà có kinh nghiệm về đồ cổ nên mua được nhiều món đồ cổ người ta bán garage sale với giá bỏ đi. Người ta chỉ nghĩ là bà Lê bán đồ cũ “second hand” chứ không ngờ bà mua bán đồ cổ. Với gia tài bà Lê để lại, tôi nghĩ là bà có thể vui chơi nhiều hơn, nhưng tôi nghĩ bà thích cách sống đơn giản đạm bạc, chứ không phải keo kiệt. Tôi hiểu quan điểm của bà. Tránh lãng phí điện nước cũng là một cách bảo vệ môi trường. Bà đi du lịch nước ngoài nhiều lần, chỉ tại ông không biết. Bà nghiên cứu văn hóa cổ của nhiều quốc gia đặc biệt là châu Á. Trong di chúc bà để phần cho nhà thờ bà thường đi lễ, thư viện địa phương, vài chục học bổng cho học sinh nghèo, và Soup Kitchen nơi chẩn phát thức ăn cho người không nhà. Tôi thường nghe bà nói, ‘Ăn thì cho, buôn thì so.’  Tôi không hiểu lắm từ buôn-thì-so, nhưng tôi đoán, cái nào đáng cho thì cho, buôn bán thì phải so đo, còn hễ nói mượn thì phải trả.”
     “Nếu con mèo chết đi thì sao?” Tôi lập lại câu hỏi.
     “Thì chúng tôi sẽ tiếp tục với phần sau của di chúc mà chúng tôi không thể tiết lộ ngay bây giờ.”
 
Tấm ảnh trắng đen của cô treo trên tường nhìn tôi đăm đăm. Tôi thầm nghĩ, có lẽ cô chụp ảnh trắng đen để ít tốn tiền hơn là chụp ảnh màu. Tôi quay hướng nào cũng không thoát khỏi tầm mắt của cô. Giường này là nơi tôi sẽ ngủ. Con mèo không nhất thiết sẽ được ngủ chung giường với tôi. Ngay cả chung phòng cũng không. Tôi vốn không ưa thú vật. Tôi chưa hề nuôi nấng săn sóc người ta, bất cứ ai, kể cả vợ con tôi, bao giờ. Tôi chỉ có thể chăm sóc bản thân tôi. Tôi lấy vợ để có người yêu thương, chăm sóc cơm nước và giặt quần áo cho tôi. Khi có con, vợ tôi là người chăm sóc nuôi nấng đứa con. Điều này vợ tôi mù quáng không nhận ra cho đến khi tôi không thể trang trải cuộc sống của chính tôi, vì tôi thích hưởng thụ cuộc sống xa hoa lại thêm phần mê cờ bạc. Cô ấy bỏ tôi và nuôi đứa con không cần đến tôi. Tôi thật ra chỉ là gánh nặng của cô ấy.
     Con mèo nhìn tôi vẻ lạnh lùng khinh khỉnh. Trên giường có hai cái gối, nó nằm chễm chệ trên một cái. Tôi suỵt suỵt đuổi, nó tỉnh bơ. Tôi đẩy nó ra khỏi giường. Nó nhảy xuống nền nhà, đến chỗ bàn làm việc nó nhảy lên bàn, rồi lại quan sát tôi bằng đôi mắt xanh lè. Chập sau, nó lại nhảy lên giường leo lên cái gối bên cạnh tôi. Ánh nhìn của nó và cái nhìn từ tấm ảnh của cô tôi làm tôi khó chịu. Tôi đứng dậy gỡ tấm ảnh đặt xuống nền nhà và úp mặt vào trong tường. Còn con mèo, tôi xách cổ nó, tống ra khỏi phòng, đóng cửa lại. Tôi không để ý, ở phần dưới của cánh cửa có một ô nhỏ có cửa, dành cho con mèo muốn ra vào tùy ý.
     Nửa đêm, con mèo quay trở lại nằm trên cái gối. Tôi ngồi bật dậy, giật cái gối cáu kỉnh, ném xuống nền nhà. Rơi, đủng đỉnh bước qua, nằm lên cái gối của tôi. Nó nhìn tôi như thể muốn bảo tôi chỗ này là của nó. Khi tôi thò tay nắm cổ nó thì nó gào lên và quào mạnh vào tay tôi. Rơi nhảy lên bàn, tha chùm chìa khóa, và biến mất vào bóng tối. Khi tôi đi tìm Rơi, thì mới nhớ ông luật sư có dặn rằng. “Tất cả các cửa trong nhà đều là cửa sắt, phải có chìa khóa mới mở được, dù mở từ bên trong hay bên ngoài. Có lẽ vì bà Lê ở một mình nên bà rất cẩn thận với việc dùng khóa. Đây là loại khóa không có chìa sơ cua. Ngay cả người dùng nếu muốn đặt làm chìa sơ cua những nơi làm chìa khóa sẽ không làm vì như thế là phạm luật.” 
     Con mèo hình như thoát ra ngoài bằng một lỗ hổng nào đó tôi tìm hoài mà không thấy nó. Tôi sẽ gọi điện thoại cho ông luật sư, để nhờ ông tìm cách mở cửa cho tôi ra. Nhưng cả ngày hôm qua tôi không sạc điện vào điện thoại bây giờ điện thoại tắt ngấm rồi. Liệu có ai có thể cứu tôi không?  Người ta thường bảo rằng đừng nên gian tham dối gạt tiền bạc của bà già keo kiệt, bởi vì bà ấy sẽ đòi nợ cho đến khi nào con nợ chết mới thôi.

 

– Nhị Ngã

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nói về món ăn thuần túy ở Việt Nam, mỗi miền nổi tiếng với đặc sản riêng, khi gọi tên món ăn đó gợi lên hình ảnh của nơi nào rồi. Với món phở, theo thời gian đã đi vào văn chương qua các ngòi bút nhà văn, nhà thơ từ thập niên đầu của thế kỷ XX trong các tác phẩm...
Sau ba tuần ở trại nhỏ Tha Luông miền Nam nước Thái, nhóm tàu chúng tôi được chính thức nhập trại Panatnikhom vào giữa tháng 1 năm 1990. Cuộc sống dần trở nên quen thuộc nơi trại tỵ nạn, mỗi ngày trôi qua như mọi ngày...
Mặt đất khô cứng dưới lưng cô. Trong bóng tối, cô không nhìn rõ khuôn mặt của gã. Nhưng cái mùi của gã thì nồng nặc bao trùm lấy cô, một cái mùi tổng hợp của mồ hôi, thuốc lá, gia vị món ăn… khiến cô muốn lộn mửa. Và thân hình to béo của gã đè nặng lên người cô...
Hai người bước vào Quán Nửa Khuya. Cô gái đi trước, mặt trái xoan, tóc dài, người mảnh khảnh áo jacket màu nâu nhạt. Chàng trai theo sau, mặt vuông, tóc bồng bềnh, cao hơn cô gái một cái đầu, vai rộng, sport coat màu sậm...
Khoảng cuối năm Ất Mão, không biết bệnh ghẻ phát xuất từ đâu, lan tràn nhiều nơi ở miền Nam Việt Nam và đặc biệt phát triển mạnh trong các trại tù. Ghẻ lan đi như một trận dịch. Người ta nói ghẻ theo chân mấy anh bộ đội từ rừng sâu về đồng bằng nên cũng gọi là ghẻ bộ đội...
“Phải như chị có được đôi mắt lá răm giống em, chắc chị hạnh phúc lắm.” Người đàn bà nói với Trâm câu ấy bao nhiêu lần nàng không còn nhớ nữa. Những buổi chiều ngồi nhìn nhau trên hai chiếc ghế mây mua được từ một buổi chợ phiên thị trấn dưới chân núi mùa hạ trước. Hết nhìn con đường quanh co dẫn vào khoảng xanh thẫm của bệt mầu đan bằng cây lá, lại nhìn sâu vào mắt nhau và bao giờ người đàn bà cũng ngậm ngùi. Phải như chị có đôi mắt giống em, chắc chị hạnh phúc lắm. Hạnh phúc là gì hở chị. Một lần Trâm đã hỏi lại người đàn bà như thế. Và chị đã chỉ nhìn sâu vào mắt Trâm, lặng lẽ mỉm cười. Hạnh phúc ảo tưởng. Đêm qua em nằm mơ, cứ thấy như trong cổ tích chị Tuyết ơi. Em thấy em là công chúa ngủ trong rừng.
Khi bố tôi qua đời năm 2000, thọ 80 tuổi, tôi thừa kế gia sản của ông, một xưởng mộc và một cửa hàng bán đồ gỗ gia dụng, tọa lạc tại Nam California. Bố tôi là một thần tượng không ai thay thế được trong đời tôi. Bố để lại một di chúc viết tay riêng cho tôi, dặn dò con phải đọc cuốn gia phả quí giá, giữ gìn, in lại thành vài bản và truyền lại cho các con, cháu...
Chiều nay có cuộc họp sau giờ dạy, Cầm về nhà muộn hơn mọi ngày. Vừa mệt vừa đói bụng ngồi vào bàn ăn thấy món thịt kho trứng bên đĩa rau lang luộc chấm nước mắm tỏi ớt ngon lành...
Từ khi Thiền sư Tuệ Tĩnh bắt đầu làm việc ở viện Thái Y, ai cũng tỏ vẻ nể nang, tin tưởng ngài. Họ bàn tán với nhau: “Với sự cộng tác của người thầy thuốc tài danh xứ An Nam, chắc chắn công việc của viện sẽ tiến bộ hơn”.
Chuông điện thoại trên bàn quản đốc reo vang. Vinh đứng lên, bước qua nhắc lên nghe. Bên kia đầu dây có tiếng léo nhéo của nhiều người. Một giọng khàn khàn cất lên : “Tay nào đấy. Phi phải không ?” Vinh nhận ngay ra tiếng của Năm Trắc, phó giám đốc. Tôi nghe đây. Anh Bảy Phi không có ở văn phòng.”
Thuở xa xưa lắm rồi, lúc vị Thần Linh Cao Cả tạo dựng loài vật, ngài tạo ra đủ kiểu đuôi cho chúng. Ngài để chúng tự do lựa chọn cái đuôi mà chúng thích. Ngài trải các loại đuôi ra và gọi các loại thú đến chọn. Mỗi con vật tư chọn cái đuôi cho mình. Chú hải ly chọn một cái đuôi có bộ lông dày thật đẹp thật êm. Còn chú thỏ thì mải tung tăng trong rừng nên đến sau cùng và lúc đó chỉ còn một nhúm lông tròn, chú ta đành chịu vì không thể chọn cái đuôi nào khác...
Chúng tôi vừa thực hiện chuyến đi thăm vài tiểu bang dọc theo bờ biển vùng Đông-Bắc và Đông-Nam Hoa Kỳ. Khởi đầu chuyến đi ấy bằng cuộc du ngoạn từ Thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Và nhân đây, chúng tôi xin được chia sẻ cùng các bạn vài điều hiểu biết và sự cảm nhận về thành phố này, nơi chúng tôi đã có dịp “cưỡi ngựa xem hoa” qua đó...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.