Hôm nay,  

Môn đăng hộ đối

01/03/202309:14:00(Xem: 3421)
Truyện

sad woman

 


Vivre sans aimer n’est pas proprement vivre/
To live without loving is to not really live. – Molière

 

Tôi là đứa con gái đầu lòng trong gia đình bốn người con. Ba đứa em tôi đều là con trai nên Ba Mẹ chiều chuộng tôi lắm, vả lại tôi là một con bé trắng trẻo, mũm mĩm như con búp bê, ngoan ngoãn hiền lành, ai cũng khen tôi như vậy. Ba tôi là một thương gia thành công, giàu có. Ông có một nhà máy làm ve chai thủy tinh và đồ nhựa để cung cấp cho mấy dược phòng thuốc tây hay các hãng nước mắm, hoặc đồ uống đóng chai. Ngoài ra còn một hãng dệt bao bố để cung cấp cho các vựa gạo. Ông còn vài đồn điền trồng trà, cà phê, và chuối gần Bảo Lộc do chú tôi cai quản.

 

Một trong các khách hàng quan trọng là người bạn của ông. Đó là một dược sĩ tốt nghiệp tận bên Pháp, ông có một dược phòng rất lớn sản xuất thuốc Tây, chúng tôi gọi là Bác Ba. Ông thường lại nhà tôi chơi, đôi khi cả hai gia đình kéo nhau lên đồn điền ở chơi vài ngày, khi mà an ninh chưa tồi tệ lắm. Đồn điền có máy phát điện riêng và một Chateau d’eau (tháp nước) với máy bơm nước đàng hoàng để cung cấp nước cho các nông trại, cho nên tương đối cũng đầy đủ tiên nghi. Trong thập niên 70 đường xá khó khăn chúng tôi không còn lên đó nữa, để mặc chú tôi cai quản.

 

Ba tôi vốn là một “Thầy Tu Xuất”, cho nên mặc dù thương yêu con cái, nhưng rất nghiêm khắc. Chúng tôi chẳng bao giờ dám làm trái ý ông. Mỗi sáng Chúa Nhật, Ba tôi chở cả nhà đi nhà thờ, rồi đưa đi ăn tiệm. Buổi tối Mẹ thường quây quần các con lại để đọc kinh cầu nguyện trước khi lên giường ngủ. Trong nhà có chị bếp giúp mẹ tôi nấu nướng và đi chợ. Chú tài xế chở Ba tôi đi làm và chúng tôi đi học. Có thể nói tuổi thơ và tuổi dậy thì của tôi được Ba tôi gói vào khuôn khổ gia đình lễ giáo, một mẫu mực của những tiểu thơ khuê các kín cổng cao tường, giống như người ta gói những chiếc bánh chưng bằng lá dong trong chiếc khung gỗ, các cạnh bánh vuông vức đều đặn, cột bằng lạt tre thẳng thắn, ngay ngắn. Đời tôi lớn lên như vậy, giống y hệt một chiếc bánh chưng ngày tết!

 

Lúc còn bé, Ba tôi gởi vào học trường Colette, đó là trường Pháp dạy bậc tiểu học đến lớp 6me (tương đương lớp nhất bậc tiểu học Việt Nam). Sau này lớn lên học trường Saint Paul của mấy Bà Phước, cho nên nói và viết tiếng Pháp rành hơn tiếng Việt. Sử ký, địa lý cũng vậy đều nói về nước Pháp chẳng biết gì về Việt Nam cả, nghe toàn nhạc Pháp, hát quốc ca Pháp, đọc sách báo Pháp. Sau này khi ra đời tôi luôn mắc cỡ về cái quá khứ “Gốc Tây Đui” của mình.

 

Sau khi đậu bằng Brevet (Trung Học đệ nhất cấp), tôi tiếp tục học lên để lấy bằng Baccalauréat (BAC). Tôi chẳng thiết tha việc học là mấy, tuy vậy cũng chẳng có dịp đi rong chơi với bạn bè cùng trang lứa, cho nên tuổi dậy thì chưa bao giờ nghĩ đến chuyện trai gái. Nói trắng ra chưa từng có mối tình nào vắt vai để khoe với bạn bè.

 

Năm đang học 1ère (lớp 11). Một hôm Bác Ba mời gia đình tôi qua ăn cơm, nhân dịp cậu con duy nhất của Bác du học bên Pháp từ nhỏ về chơi. Đó là một anh Tây con, mặt Việt Nam. Anh chỉ biết nói tiếng Pháp, tiếng Việt thì nghe và nói lõm bõm vài chữ thôi. Trong nhà nói chuyện với nhau đều dùng tiếng Pháp. Tôi chẳng có cảm tình chút nào về anh ta cả, như một người xa lạ gặp nhau ngoài đường, nói chuyện cho lịch sự xã giao thôi. Sau đó vài ngày, Ba tôi gọi tôi vào văn phòng, ông nói với tôi Bác Ba muốn xin cưới tôi cho con ông ấy. Tôi từ chối, viện lẽ còn muốn đi học. Ba tôi nghiêm sắc mặt, nói là ông đã chọn chỗ này “MÔN ĐĂNG HỘ ĐỐI”, khắp Saigon không còn chỗ nào hơn được nữa. Ba muốn tôi qua Pháp ở để làm đầu cầu cho các em tôi sẽ qua đó du học như anh Tây, con Bác Ba. Tôi chỉ biết khóc và xin với Mẹ nói giúp tôi để Ba từ chối lời cầu hôn. Tôi biết Mẹ luôn nghe lời Ba, nhưng còn cách nào hơn?

 

Sau hơn một tháng, đám cưới giữa tôi và anh Tây con cũng diễn ra êm xuôi. Tôi với anh ấy chẳng có ý tưởng gì về tình nghĩa vợ chồng cả. Ba Má chồng tôi mua cho chúng tôi một căn biệt thự nhỏ để tôi đứng tên. Vợ chồng tôi dọn về căn nhà đó được hai tháng thì chàng phải trở về Pháp để tiếp tục học, còn tôi về lại ở với Ba Mẹ, vẫn tiếp tục đi học như xưa. Tôi nghỉ học khi biết mình có bầu, đó là đứa con gái đầu lòng của chúng tôi. Chồng tôi về Việt Nam vào mùa hè năm sau và hứa sẽ làm thủ tục để đưa tôi qua Pháp, tôi nói chưa muốn đi xa Ba Mẹ. Rồi kiếp nạn “30 Tháng Tư” ập đến. Ba Mẹ tôi và bên nhà chồng đều bị tịch thu hết tài sản nhà cửa để đưa đi vùng kinh tế mới. Đi vùng kinh tế mới chỉ là lý do để họ, những người thắng cuộc, chiếm đoạt mấy căn biệt thự đồ sộ thôi. Ba tôi lên đồn điền ở với chú, vì vùng quê xa xôi đó không ai để ý, vả lại xưa kia chú vẫn phải đóng thuế cho cả hai bên nên họ, những người bên kia, vẫn làm ngơ cho chú sinh sống làm ăn. Ba Má chồng tôi vì có quốc tịch Pháp nên tòa Đại Sứ Pháp can thiệp cho họ về lại Pháp. Còn tôi, sống bên Ba Mẹ như một con ốc sên trong chiếc vỏ cứng cáp, chẳng phải lo lắng gì, nên quyết định ở lại, dù sao bên người thân cũng thấy an tâm và ấm áp hơn. Tôi vẫn còn là một con chim non chưa đủ lông cánh để bay ra khỏi tổ.

 

Mẹ con tôi ở lại căn nhà cũ, nhiều lần họ muốn đuổi chúng tôi đi nhưng tôi viện cớ có con nhỏ nên cương quyết từ chối. Tôi bắt đầu mang những đồ quý giá trong nhà ra bán ngoài chợ trời. Lâu dần cũng quen đi với nếp sống mới, cái mác “Tiểu Thư khuê các” cũng phai dần theo năm tháng. Tôi vẫn còn giấu được một ít tư trang do Ba Mẹ tôi cho làm của riêng, và cả của bên chồng tôi cho nữa. Nhũng tư trang đó tôi cất rất kỹ để phòng thân không bao giờ đụng tới. Bây giờ tôi học được nghề bán chợ trời và những mánh khóe tránh công an kiểm tra. Mua đi bán lại những nhu yếu phẩm cần thiết và rất khan hiếm thời đó. Tôi vẫn không có tin tức gì về người chồng hờ hững của tôi bên trời Tây xa xăm, nhưng may mắn quen được một người thanh nên tháo vát tên Huân. Anh ta là cựu giáo chức biệt phái, bị thất nghiệp nên đi bán chợ trời như tôi. Chúng tôi hợp tác làm ăn, anh ấy đi lùng mua hàng hóa, còn tôi đi rao bán ngoài chợ. Chúng tôi mướn một sạp nhỏ, bán đủ thứ từ rau cỏ, trái cây, nhưng hàng giấu kín là thuốc tây và những hàng “ngoại”, chỉ bán cho người quen biết. Huân thường ra phi trường, nơi hàng hóa gởi về từ ngoại quốc, hay bến tàu, nơi những thủy thủ tuồn xuống từ tàu buôn ngoại quốc hay các anh quan thuế lấy được mang ra lén lút bán.

 

Buôn bán như vậy lời nhiều nhưng không phải bao giờ cũng trót lọt, bọn công an luôn ngắm nghé, có khi tịch thu hết cả mặt hàng. Chúng tôi luôn cất giấu hàng ở một nơi, chỉ mang một ít làm mẫu thôi. Tuy vậy cuối cùng vẫn phải chia chác với công an để được yên thân.

 

Những năm phong trào ra đi bán chính thức mà bọn công an tổ chức cho người Hoa vượt biên lên cao. Đi đâu cũng nghe tiếng rỉ tai: “Nộp vàng đi bán chính thức”. Anh Huân móc nối được vài ba tổ chức, tôi nhắn Ba gởi mấy đứa em ra đi theo họ. Mỗi đứa đi theo một tổ chức khác nhau. May mắn cả 3 đều đến Mỹ an toàn. Tôi giục anh Huân đi theo mấy đứa em, tôi sẽ cung cấp tài chánh cho anh, nhưng anh nhất quyết nói rằng nếu tôi đi anh ấy mới đi. Tôi nói tôi còn con nhỏ, vả lại vẫn phải chờ tin tức của chồng tôi. Anh Huân nói sẽ chờ tôi, dù là chờ suốt cuộc đời.

 

Thật ra những ngày tháng đó, tôi có vất vả về thể xác, nhưng tinh thần rất thoải mái, không còn phải đóng khung trong lễ giáo. Tôi chẳng nghĩ gì khác hơn là mỗi ngày lo kiếm ăn để lấp vào hai cái bao tử trống rỗng. Mẹ con tôi ăn uống cơm hàng cháo chợ. Đôi khi công an có tới khám xét nhà nhưng chẳng kiếm ra cái gì, vì hàng hóa anh Huân giữ cả, tư trang tôi cất một nơi rất kín đáo. Tôi chờ tin tức của chồng tôi mãi rồi cũng chán, chỉ mong sống qua ngày thôi. Ba thỉnh thoảng về qua nhà thăm tôi, mang ít thực phẩm từ nông trại, rồi lại đi ngay. Anh Huân luôn săn sóc hai mẹ con tôi, những lúc ốm đau, thiếu thốn. Việc làm ăn của chúng tôi cũng khấm khá, nhờ tài tháo vát lục lọi mua hàng của anh ấy. Tình cảm của chúng tôi ngày càng thắm thiết theo nhịp độ hợp tác buôn bán. Một hôm con gái tôi đi học về bị tai nạn xe, chiếc xe đạp bị xe hơi đụng cong queo. Anh Huân mang nó vào nhà thương và lo cho nó cho đến khi bình phục hẳn như thể nó là con của anh ấy. Từ đó tình cảm nẩy nở, chúng tôi yêu nhau lúc nào không biết. Đó là tình yêu đầu đời của tôi, của một người đàn bà đã có chồng, có con. Lớp vỏ tiểu thư khuê các đã rơi mất từ ngày tôi ra đứng dầm mưa giãi nắng ngoài chợ trời. Anh Huân thiết tha muốn chúng tôi thành vợ chồng, nhưng một lần ngỏ ý với Ba tôi, ông nhất định từ chối và nói “Con gái chỉ có một chồng”. Tôi, trên nguyên tắc vẫn là người đàn bà đang có chồng. Tôi có cảm tưởng mình đang sống vào thời đại quá khứ hàng mấy trăm năm về trước. Dù sao cũng không ai ngăn cản được tình yêu của tôi và anh Huân. Chúng tôi yêu nhau từ tận trái tim, trong hoàn cảnh nghèo khó, trong cuộc sống khắc nghiệt mà mọi bước đi phải dòm chừng, tính toán sao cho trót lọt. Tuy vậy, tôi thấy tất cả đều dễ dàng vì tôi đã có chỗ dựa vững chắc, một nơi an nghỉ thoải mái trong trái tim, mỗi khi quá mệt mỏi.

 

Cho đến ngày gia đình tôi được giấy bảo lãnh qua Mỹ, nhờ mấy đứa em đã qua trước. Tôi ngậm ngùi từ giã anh Huân, dắt con theo Ba Mẹ tôi ra đi, giao căn nhà đang ở cho anh làm chủ. Tôi hứa với anh sẽ trở về, anh cũng hứa sẽ chờ đợi tôi dù đến cuối cuộc đời. Nghe như trong tiểu thuyết lãng mạn của vài thế kỷ trước!

 

Chúng tôi ở Mỹ một thời gian, Ba mẹ tôi liên lạc được phía bên chồng tôi, thế là họ đón tôi qua bên ấy. Chồng tôi ở với Ba Má anh ấy, mẹ con tôi ở một chung cư không xa là mấy. Thỉnh thoảng chồng tôi cũng qua thăm hai mẹ con, anh ấy lo cho con đi học và làm thủ tục nhập cư cho tôi. Chúng tôi xa lạ như hai người hàng xóm, ai có đời sống riêng người ấy, mặc dầu trên danh nghĩa chúng tôi vẫn là vợ chồng. Tôi cũng chẳng biết gì về cuộc sống của anh ấy trên đất Pháp, học hành, nghề nghiệp gì, tôi hoàn toàn không biết. Anh ấy cũng chẳng hỏi về cuộc sống của tôi trên quê hương xa lạ Việt Nam. Chúng tôi luôn như vậy trên danh nghĩa vợ chồng. Lúc đầu anh ấy vẫn cung cấp tài chánh đầy đủ cho hai mẹ con, sau này tôi xin được việc làm, tiền chu cấp cũng giảm đi.

 

Con tôi ra trường xin được việc làm khá tốt, không cần nhờ vào trợ cấp của anh ấy nữa. Tôi có về Mỹ thăm mấy đứa em và Ba Mẹ tôi vài lần. Tôi chẳng bao giờ nói về đời sống của vợ chồng tôi bên Pháp, coi như mọi sự đều ổn thỏa. Nhìn mặt tôi lúc nào cũng vui tươi, hòa nhã nên Ba Mẹ tôi không nhọc lòng. Riêng tôi, tôi đã chấp nhận đời sống của riêng mình chẳng có gì phải phàn nàn cả, nên vẫn cảm thấy thoải mái, yêu đời. Tôi có một góc trời riêng của tôi trong lòng mình mà tôi luôn mang theo đi bất cứ nơi nào. Một góc trời xanh bao la, tôi luôn nhìn thấy dù đêm hay ngày.

 

Ba Mẹ chúng tôi lần lượt qua đời. Con gái tôi đã có chồng. Tôi chẳng còn gì ràng buộc với bên chồng tôi nữa và đề nghị chồng tôi ly dị để cả hai bên đều được tự do. Chẳng ngạc nhiên, anh ấy đồng ý ngay, dù sao chúng tôi cũng ảnh hưởng Tây học nên rất thẳng thắn và cởi mở. Từ lúc đầu, chúng tôi đều chỉ vâng lời cha mẹ hai bên, cho nên kết duyên vợ chồng theo thông lệ.

 

Tôi đã sống gần hết cuộc đời cho người khác. Bây giờ thời gian chẳng còn bao lâu, tôi phải sống cho tôi thôi. Tôi gọi anh Huân hỏi anh ấy có còn chờ tôi không?

 

– Minh Đạo Nguyễn Thạch Hãn

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tháng ba lại về, mùa xuân đang ngấp nghé bên thềm. Tuần trước những nụ hoa đào còn bé như hạt tiêu, ấy vậy mà giờ này lớn bằng đầu ngón út, những nụ hoa chi chít trên cành, có một số đã nở sớm phơn phớt sắc hồng trong nắng vàng ban mai dưới bầu trời xanh biếc...
Anh Bông vừa ung dung nhâm nhi ly cà phê buổi sáng nơi chiếc bàn ăn gần cửa sổ vừa ngắm mây trời trong xanh và cành hoa mới nở rung rinh trong gió ngoài vườn sau, thấy bóng vợ thấp thoáng từ phòng ngủ bước ra anh Bông lên tiếng:
Cô bé tên là Anna, cô vừa là chị cả vừa là mẹ của tôi. Trên tấm hình này, cô bé lên mười hai tuổi. Còn tôi là con bé mặc áo đầm nhung có hai dây đeo, tôi bám theo cô ấy giống như bám vào phao cứu đắm...
Trong lúc mọi chuyện tưởng đang tốt đẹp thì chúng tôi bỗng nhận được một cái tin đáng sợ. Đó là vụ anh Kha được thăm nuôi hai lần trong một ngày bị phát giác. Số là anh Kha được người nhà của linh mục Hương đến thăm vào buổi sáng. Vì quà thăm khá lớn nên cán bộ khám đường lưu ý nhớ kỹ...
Hồi tôi học lớp bảy, trường có phong trào làm báo tường mừng Xuân. Vì lớp không có ban Báo Chí nên tên lớp trưởng kiêm hết mọi chuyện, kêu gọi, gom bài. Hắn gặp tôi tại sân trường cuối giờ hôm đó...
Tin Ngọc Hoài Phương ra đi không bao giờ trở lại đã nhắc tôi nhớ lại những tháng năm hai đứa làm báo với nhau tại Sàigòn trước 1975. Thuở ấy trên khúc đường Gia Long, giữa Nguyễn An Ninh và Ngã Sáu Sài Gòn, có ba Tòa soạn báo Thời Luận, báo Tiếng Chuông và báo Dân Chủ có mặt từ thời Đệ I Việt Nam Cộng Hòa...
Cuối tháng 2 năm nay, 2023, chỉ trong vòng hai ngày, tôi đã mất đi hai người bạn cùng sinh năm 1941: Nguyễn Ngọc Kiểm, bút danh Ngọc Hoài Phương, & Bùi Hồng Sĩ...
Đất trời vào xuân, Hoa Châu mở hội chợ phù hoa. Người trong thiên hạ dập dìu trẩy hội, thôi thì khỏi phải nói, nam thanh nữ tú vờn nhau liếc mắt đưa tình, áo quần phới phới sắc xuân, những cụ ông cụ bà cũng móm mén cười hoan hỷ, đàn em thơ như những con sơn ca tíu tít vào đời...Thành Ất Lăng năm nào cũng thế, cứ mỗi độ xuân về là rực rỡ cờ giăng phướn thượng, đèn hoa khắp chốn, năm nay hội chợ có cả trăm gian hàng rộn ràng tấp nập, nào là hô lô tô, bầu cua cá cọp, thảy vòng, ném banh… nhiều nhất vẫn là những gian hàng giới thiệu sản phẩm của giới doanh gia nghiệp chủ, mặc dù không nói ra nhưng ai ai cũng cảm nhận được quyền lực chi phối của bọn họ, thật tình mà nói, cũng nhờ sự tài trợ của họ mới có thể tổ chức được hội chợ xuân...
Chị Bông hấp tấp lái xe đến văn phòng bác sĩ. Cái hẹn 4 giờ chiều nay vậy mà 4 giờ chị mới nhớ ra. Từ nhà đến phòng khám cũng mất 20 phút. Cũng may chị sẽ đi trên những con đường nhỏ vắng xe trước khi ra tới đường lớn để đến phòng bác sĩ nên chị Bông có thể chạy nhanh theo ý muốn. Chị Bông đang chạy tốc độ nhanh trên con đường Carter hai bên là khu apartment thì bỗng đâu một con chó con từ bên này đường phóng qua bên kia đường khi chiếc xe của chị vừa đến gần, chị tức tốc thắng lại ngay, chiếc xe đang đà nhanh bị đột ngột dừng lại làm chị Bông như muốn tung người ra khỏi dây seatbelt. Thế mà dường như vẫn không kịp...
Nhưng đến khi chiến cuộc miền Nam trở nên sôi động thì hai bên mất hẳn liên lạc. Vào năm 1975, sau ngày đất nước thống nhất, ông Đ. hành đạo ở xứ đạo Phước Tỉnh, một xã đánh cá rất giàu có ở Bà Rịa...
Ô! Đây không phải là Chuyện Ba Người của nhạc sĩ Quốc Dũng. Chuyện ba người của nhạc sĩ có những khúc mắc khó gỡ, có những tình huống khó xử. Hai người vui biết bao nhiêu/ Một người lặng lẽ buồn thiu đứng nhìn...
Đơn Dương, một quận nhỏ thuộc tỉnh Tuyên Đức, cách thành phố Đà Lạt khoảng 30 cây số, ở độ cao 1000 m so với mực nước biển nên khí hậu mát mẻ quanh năm. Đơn Dương là một quận trù phú vì đất đai màu mỡ, cây trái hoa màu tươi tốt có thu hoạch rất cao. Cái quận nhỏ mà người ta không thể tìm thấy trên bản đồ có tỉ lệ thấp, ít người ở Saigon biết đến nhưng đối với tôi Đơn Dương là thị trấn êm đềm, thơ mộng với phong cảnh đồi núi đẹp như tranh, đã gắn bó cùng tuổi thơ hạnh phúc của tôi với biết bao kỷ niệm thân thương...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.