Hôm nay,  

O Xưa

10/02/202300:00:00(Xem: 3199)
 
O Xua Cover Front
 
LTS: O Xưa là truyện ngắn cuối cùng trong Tuyển Tập Truyện Ngắn O Xưa của nhà văn Nhã Ca, gồm 13 truyện ngắn, viết tại hải ngoại. Sách lần đầu tiên ấn hành, ra mắt độc giả chiều nay tại Westminster, California. Sách O Xưa hiện đã có bán trên mạng Amazon.
 
***

Năm tôi lên mười, O Xưa đã trên ba mươi. Ở con đường Nam Giao, thành phố Huế, từ đầu dốc tới cuối dốc, O Xưa đi lên đi xuống hằng ngày giống như một cái bóng, vì hình như O không sống với người.

O Xưa sống với ma, người chồng ma của O vô hình, ở đâu đó, trên cây, trong cỏ, trên lá, trong vòm trời, trong bóng mây, O kể lể vậy.

Có thể nhìn thấy O Xưa vào buổi sáng, vào giờ công chức đi làm, học sinh đi học và các bà nội trợ Huế ngồi xúm xít bên gánh bún bò ngon nổi tiếng của mụ Dục, bên gánh cơm Hến của mụ Khế, gánh bánh canh từ Nam Phổ của mụ Cau. Buổi trưa, lúc O Xưa đi từ trên con dốc xuống, đầu đội nón thì mấy bà nội trợ đang ngồi lê đôi mách với nhau ở cái quán tre đầu một con hẻm. Cũng có người ngó O Xưa một cái:

"Mấy người coi, con mụ Điên."
"Quá thường, bữa mô cũng chộ, có chi là lạ nà..."

Mấy người đàn bà vô công rỗi nghề này thấy O Xưa quá thường là phải rồi. Lúc này họ đang có mục vui đùa mới. Ở đâu lạc tới một thằng cha bán cốm, gánh hai cái lu đi lên dốc là niềm vui của họ. Ăn hàng, nói dóc, kể chuyện thiên hạ cũng nhàm, vậy là quay sang người đàn ông bán cốm. Một bà cao giọng hò:

“Ơi anh gánh cốm hai lu,
Anh cho tui gửi chim cu về cùng.
Cu tôi cu ấp cu bồng,
Chớ bỏ vô... lồng mà ốm cu tui..."

Có vậy thôi họ cười nghiêng ngả, cười tới chảy nước mắt. Ông bán cốm cúi gầm mặt, lẹ bước đi. Biết, hơn thua không nổi với bọn giặc đàn bà.

"Nì, anh nớ, đem "lu" đi mô rứa anh!"

Cười nữa.

O Xưa dừng lại nhìn, con mắt đờ dẫn, khuôn mặt đờ dẫn, hình dạng, tâm trí không còn ở với cõi người ta.

Buổi chiều, O Xưa lại đi lên đi xuống con dốc nhiều lần hơn, nhất là lúc chạng vạng tối. Bao ngày tháng rồi, chiếc áo tứ thân màu nâu phai lạt và sờn rách, tóc vấn khăn xô lệch và tay luôn luôn ôm một cái bọc vải, không biết bên trong có gì.

Nhưng nhìn có vẻ như O đang bế đứa con mới sinh. Đi một đoạn, O cúi xuống, nựng nịu, ru hời ru hỡi, không ra một câu quéo gì. Đứa con trong bọc cũng không bao giờ lớn, cứ nằm trong cái bọc vải từ năm này tới năm khác. Chỉ mình O nghe nó khóc và dỗ dành. Có lần, mấy đứa con nít chọc O, xô đẩy, giằng kéo, cái bọc trên tay O rớt xuống bung ra, chỉ toàn là áo quần cũ và giẻ rách. O hốt hoảng, khóc ré lên, lượm lại từng cái, ghém lại thành cái gói như cũ.

Đi thất thểu như thế, thỉnh thoảng dừng lại dưới những gốc cây, ngước mặt lên nói chuyện. Những lúc này khuôn mặt O Xưa biến đổi một cách kỳ lạ. Khuôn mặt xán lạn, trẻ trung, mắt mơ màng, giọng nói tiếng cười nũng nịu. O đã gặp người của thế giới vô hình, người yêu, người chồng của O.

Người ta đồn riết rồi cũng mỏi miệng. O Xưa nói chồng O là chàng Ba. Chàng Ba đẹp trai lắm, nói chuyện rất có duyên. Tuy là ma nhưng chàng Ba ăn ở rất tình nghĩa. Họ đã có với nhau ba mặt con rồi. Không biết có độn bụng không mà lâu lâu thấy bụng của O Xưa phình lên, rồi một thời gian, đúng tháng ngày của một người đàn bà chửa tới lúc sinh, cái bụng lại xẹp xuống. Đứa con sơ sinh nằm trong bọc vải O Xưa bế bồng trên tay, biết khóc biết cười bằng chính miệng của O Xưa.

Không ai biết gốc gác của người đàn bà này. Lúc đầu, họ là một gia đình từ trong Quảng tìm ra Huế sinh sống. Gia đình gồm có ba người, cha mẹ và O Xưa. Họ không được may mắn, bị gạt ra ngoài lề xã hội, nên họ phải dựng một cái chòi nhỏ trong một vùng đất trống toàn sỏi đá và bụi cây dại, chạy xa tới chân núi. Dân gọi vùng này là đất "độn". Đi hoài không thấy nhà cửa, chỉ có mồ mả và một cái miếu hoang. Nhiều gia đình không có "nhà vệ sinh", thường lên "độn" để làm công việc "ỉa đồng", vừa sạch vừa mát, còn nhìn trời mây, cảnh đẹp. Mỗi lần, người ta đi lên "độn" đều phải qua nhà O Xưa.

Hai ông bà già và O Xưa sinh sống nhờ cái máy xay bột bằng đá. Họ nhận xay gạo, xay nếp, và khi xay, họ phải làm bằng tay, bằng sức lực của họ. Vậy mà gia đình ba người không đủ sống, bữa đói bữa no. Kế đó, ông bà già tiếp tục theo nhau về trời, cô gái mồ côi, sống một mình trong căn nhà xiêu vẹo. Không ai biết tên thật của cô là gì. Thấy cô ăn mặc tồi tàn, tóc vấn khăn vẻ xưa cũ quá, bèn gọi cô là con Xưa. Cũng có người nói cô gái có trải qua mấy cuộc tình. Nhưng nhà nghèo, nhan sắc bình thường thôi, chẳng ai cưới hỏi. Mấy cậu trai thường kháo nhau: "Con Xưa nó dại lắm, nói gì nó cũng tin". Căn nhà tồi tàn đã một thời là chỗ tới lui của bọn con trai hoang đàng.

Một ngày nọ, cậu trai nào tới kiếm cô cũng bị cự tuyệt, xua đuổi ra cửa:

"Từ bữa ni tui có dôn (chồng) rồi, đừng ai chọc tui nữa".

O Xưa nói một cách nghiêm trang.

Chuyện về O Xưa mỗi người kể một cách, tha hồ thêu dệt, vẽ rắn thêm chân. Theo họ, câu chuyện bắt đầu từ một buổi trưa sau ngày cha mẹ chết một năm, lúc đó O Xưa vừa mười chín tuổi. Cô bị sỉ nhục, khi hỏi một chàng trai vừa ăn nằm với cô xong:

"Khi mô anh cưới tui?"

Anh con trai trố mắt nhìn cô:

"Cưới? Điên chưa rứa? Nì, đừng mơ tưởng hão huyền hí. Cầm tiền đi mua cơm mà ăn."

Miệng nói, hắn nhét vào tay O Xưa mấy đồng bạc. Mở lớn mắt. Không phải ngạc nhiên, cũng không phải giận dữ hay căm hờn, O Xưa chỉ thấy buồn, thấy tủi. O Xưa đi lang thang vào trong "độn" cát rồi tới cái miếu hoang, cô vào bên trong. Không biết ai đã trải sẵn ở đó một chiếc chiếu rách. Chỉ có thể là bọn chăn trâu thường tụ tập ở đây. Sẵn có chiếu, cô nằm xuống, và cơn buồn trôi dần vào cơn buồn ngủ, cô ngủ luôn.

Giấc ngủ dường như lâu lắm, vì khi cô mở mắt, trời tối đen như mực. Trên bệ thờ ai thắp ngọn đèn leo lét, ánh sáng lung linh, mờ tỏ, như lúc nào cũng chực tắt, chiếu những cái bóng cứ phồng lên, rồi thoi thóp trông kinh dị như hồn ma dáng quỉ. O thấy lạnh. Đưa tay sờ thấy quần áo trên người đâu mất hết. Có tiếng cửa kêu cót két. Đâu có ai đến miếu hoang giữa đêm khuya khoắt này? Chỉ có thể là gió. Không phải. Một cái bóng sừng sững bên cô, rồi cái bóng cử động. Sợ đến cứng họng, không la được, cô nhắm mắt lại. Cô rùng mình, không mở mắt ra nữa. Có một bàn tay đang ve vuốt trên người cô...

"Anh là ai rứa?"

Chỉ có tiếng phì phò hay tiếng gió. Không có tiếng người.

"Anh ở mô rứa? Gần đây không?"

"Phì phì..."

Tiếng thở. O Xưa thét lên một tiếng, ngất xỉu.

Không biết bao lâu, lúc O Xưa tỉnh dậy thì ngọn đèn trên bệ thờ đã tắt. Bóng trăng rọi vào những vệt trắng sữa và bên ngoài dun dế run rẩy điệu thê lương. O Xưa ngồi bật dậy, mớ tóc dài xõa xuống đất, O Xưa đưa tay bới mớ tóc lên.Vừa lúc đó như có ai đè cô nằm xuống. Có điều lạ lùng là O Xưa không còn thấy sợ hãi nữa, cô đưa cả hai tay lên ôm siết khoảng không. Đôi mắt O khờ khạo và miệng mỉm cười ngây ngô, hạnh phúc. Hơi thở táp vào mặt cô, rồi những nụ hôn, cái bóng cô ôm trong tay không có thật. O Xưa nghe một thứ tiếng kì dị chỉ có mình O hiểu. Tiếng nói xa xăm, từ một thế giới nào. Và O Xưa nghe, O Xưa nói:

"Anh ở mô mà tới kiếm em rứa?"

“...”

"Ở cõi nớ? Cõi mô? Hỏi nhà anh a tề?"

O Xưa vểnh tai:

"Hí? Nhà anh cõi cây...? Ba trợn chưa tề. Cõi mô? Cây? Cây mô rứa? Há, răng cây mô cũng nhà anh hết rứa. Răng anh có nhiều nhà rứa?"

O cười, tiếng cười giòn, vui vang ra bên ngoài, vút lên cao, quất vỡ mấy vì sao.

"Thiệt hí? Anh thiệt thương tui?”

Gió cố đẩy cánh cửa, cột rui trên mái miếu kêu răng rắc.

"Anh đừng làm tui nhột. Nhột quá... Hi hi, anh đừng nói chơi. Anh thương tui khi mô?"

Đến lúc này, mấy con tắc kè trên mái mới thức giấc, chép lưỡi, kêu" tặc tặc tặc... kè".

“Đừng làm ồn. Tui sợ…”

“…”

"Phải biết chớ răng không biết. Thôi đi. Cưới tui? Cưới, vợ... Nói chơi nữa tề..."

“...”
O nhíu mày, bộ tịch hờn dỗi...

"Anh đừng giỡn với tui. Chắc? Ờ thì tin...Tui? Răng không chắc. Chắc chơ. Hứa mà. Bữa ni trở lên tui thề, không cho đứa mô ngủ với tui nữa...Thề rồi, răng không tin?"

"Phì phì..."

O Xưa nghe tiếng thở. O co người lại. Cả người O bị siết chặt, siết chặt đến nghẹt thở và cả người O đê mê, gờn gợn bởi sự vuốt ve. O kêu lên:

"Anh thương tui đi... Thương như rứa đó. Rứa đó..."

O Xưa, như một người khác rồi. O quằn quại, lăn tròn trên chiếc chiếu, run lên và khóc cười. Chuyện gì trước kia, O không hề nhớ ra nữa. Hình như không phải một con tắc kè mà hai ba con, cả chục con, tặc lưỡi ghê quá.

"Lạnh. Tui lạnh lắm. Anh ôm chặt tui đi. Ôm chặt nữa. Đó, như rứa đó. Hi Hi, anh thiệt ba xàm ba láp... Cỡ mấy ngày mình gặp nhau? Đừng. Đừng đi. Anh đi mô chừ..."

Bàn tay O Xưa đưa ra níu kéo trong khoảng không, như nắm vạt áo ai kéo lại.

"Hượm một chút, chưa rợn sáng mô anh... Hơ, anh đi thiệt rồi tề..."

Cánh cửa bị gió rung một hồi đập lập cập rồi bật ra, y hệt như có tay ai đẩy ra đóng vào. Tiếng dế ran nhẹ dần. Gà gáy và trời rợn sáng. Mồ mả và cây cối bên ngoài lãng đãng trong sương mù. Trên bệ thờ có tiếng đồ vật bị đụng chạm. O Xưa ngoái cổ nhìn lên:

"Anh chưa đi hỉ? Răng anh noái láo với em?"

Một con chuột thò cái mõm với đôi mắt ti hí nhìn O Xưa. Nó loay quay thụt lui thụt tới, rồi leo thoăn thoắt lên mép bệ thờ, chui xuống gầm mất dạng. Không biết vì gió hay vì con chuột chạy đụng mà xô ngã chiếc độc bình gây một tiếng động lớn làm O Xưa giật nẩy cả người. O vớ vội mớ quần áo mặc vào người, lùi vào một mép chiếu sát góc miếu. Đằng sau bệ thờ, vi vu trong tai O tiếng lao xao như người ta nói chuyện..., như nhiều người nói chuyện. Không được đâu, họ sẽ… Đã hứa với chàng Ba rồi, O Xưa đứng bật dậy, vụt chạy ra ngoài.

Lúc cô ra khỏi cái miếu con thì trời đã sáng tỏ. O Xưa cảm thấy bụng cứng nhắc, bèn vén ống quần, ngồi xuống bên một bụi dứa dại. Không hiểu nghĩ gì mà O Xưa ngửa mặt lên trời, cười. Lúc đầu, chỉ vài cái cười mỉm, ánh mắt khờ dại, rồi cười rũ y hệt như con đười ươi.

Từ hôm đó, thỉnh thoảng O Xưa lại cười rú lên, rũ rượi như vậy, dù không có một lý do gì hết. O Xưa không cười với người, vì hễ người nào nhìn O, cười hay hỏi, thì mặt O nghiêm lại, hay ánh mắt như không hề trông thấy.

Không còn một người đàn ông nào tìm tới nhà O Xưa nữa. Căn nhà lạnh tanh, hoang vắng. Chiếc cối đá xay bột không chùi rửa, quáng lớp bụi dày. O Xưa nói là O đã có chồng. Thời gian đầu, O Xưa thường đến ngủ với chồng ở miếu hoang vào ban đêm. Về sau, O tới cả ban ngày để trò chuyện cho đỡ nhớ nhung. Nhưng bọn chăn trâu tới chiếm chỗ, nên ban ngày O Xưa không có dịp gần gũi với người tình. O buồn hiu giam mình trong căn nhà càng ngày càng rách nát, đợi đến đêm đi tới miếu hoang... Ở đó, thường thường O cũng ăn các thức ăn những người đi thăm mộ, đem vô cúng ở miếu... Khu đất sau căn nhà chòi cha mẹ cô để lại là một vườn trồng sắn. O Xưa đã đào xới ăn dần hết, khi nấu chín, khi ăn sống...Thời gian ngắn sau, O cũng được gặp chồng ở các nơi chốn khác, vào ban ngày, ngoài căn miếu hoang. O thường đi tới dưới các gốc cây, ngẩng mặt lên nhìn, cười, nói, tâm tình. Bỗng nhiên, cái bụng của O Xưa lớn dần lên. Bọn thanh niên lang chạ trước đây đã ăn nằm với O đều lo lắng, không biết mình có phần với đứa bé trong bụng O Xưa không! Có người hỏi thì O Xưa cười bẽn lẽn:

"Tui có chồng. Tui có mang với chồng tui chơ ai, hỏi chi mà lạ đời rứa!"

Hỏi chồng O Xưa là ai, ở đâu? O chỉ lên cây cối, nụ cười hoang dại, xa xăm:

"Đó, chồng tui là Ông Hoàng Ba lận nghe. Chồng tui ở cõi cây. Chồng tui đi trên lá, cưỡi trên gió, ngồi trên mây, còn tui thì đi dưới đất."

Ông Hoàng Ba. Giới đi đền, lên đồng nghe mà chới với. Ông Hoàng Bà Chúa là của điện Hòn Chén, mấy bà ngồi đồng đã tốn bao nhiêu tiền bạc, lễ vật. Được ngồi đồng, được Ông Hoàng Ba nhập họ phải ăn chay một tuần lễ, tắm gội sạch sẽ. Ở điện Hòn Chén, các bà phải ngồi lúp khăn hàng giờ. Khi Ông Hoàng Bà Chúa nhập, lúc đầu họ chỉ lắc lư cái đầu thôi. Tới lúc đó là chầu văn lên giọng, trống phách phụ họa lâm ly, ầm ĩ, đầu người ngồi đồng đảo nhanh, đầu lắc, cả người lắc. Ông Hoàng Ba, đẹp trai, giọng nói thanh như ngọc, hay cợt nhả, nũng nịu. Khi "ông lên" ông hay tặng quà cho các bà, khi thì trái chín, khi thì bông hoa. Hoàng Ba còn hay "lẫy" nữa, có khi mới nhập, chê "con nữ" không tâm thành, hay quần áo bữa nay xấu xí, ông Hoàng không thích, vậy là ông "thăng".

Khác với Ông Hoàng Ba, cái giọng nói, điệu bộ làm cho mấy bà chết mê chết mệt, là ông Chín Thượng Ngàn khi "nhập đồng" la hét, vật vã, còn xiên lình coi khủng khiếp lắm. Ông Chín cầm thanh sắt nung đỏ, đâm ngọt xớt từ mép miệng bên này qua bên kia, rồi rút thanh sắt ra, nhổ một bãi nước miếng trên tay, thoa vào hai lỗ hổng rỉ máu. Da khép lại, lành lặn như bình thường. Khi ông nói tiếng Mường, tiếng Mọi ngọng nghịu khó nghe. Được cái tấm lòng ông tốt, hay đốt tàn nhang, giấy bạc làm thuốc cứu độ chúng sanh. Những buổi ngồi đồng lớn trong các đền, hay xa xôi như ở điện Hòn Chén, bọn con nít ranh cũng đi coi cho được. Chúng hát chọc ghẹo:

"Ông lên ông nhảy lon xon
Bà lên bà nhảy văng om nước chè”

Ông và cô Chín Thượng Ngàn lúc đó bận biểu diễn đi mây về gió, Đối với giới "đồng cô bóng cậu" chỉ có mấy ông Hoàng Ba, Hoàng Bảy, cậu Chín Mường mới là mẫu người "lý tưởng" làm mấy bà mê mệt. Cho nên, khi thấy một con đàn bà nghèo khổ, điên khùng làm mất danh ông Hoàng Ba, mấy bà "lên đồng" căm lắm. Coi như một sự xúc phạm nặng nề không thể tha thứ được.

Lúc đầu họ dùng bạo lực ngăn cấm, đe dọa. Họ sừng sộ chửi rủa, xua đuổi O Xưa. O Xưa chẳng chút phản kháng nào. Đánh O té xuống, O nằm xẹp luôn. Kéo O đứng dậy, mắt O vẫn trong cõi xưa nào. Riết đụng vào O Xưa cũng thấy nhợn tay, họ đành coi O Xưa như kẻ cùi hủi, khùng dại.
"Con mụ điên nói ba xàm ba láp, ai tin."

O Xưa không cần biết có ai tin hay không. O cũng không còn thiết đến việc ăn uống. Ngày mưa, ngày nắng, vẫn là ngày hẹn hò của O Xưa. Người "chồng ma" của O đâu ở trong mấy đền ồn ào chiêng trống với giọng chầu văn rền rĩ, nên O cũng không bén mảng tới đó để chịu đánh đập mắng chửi. O cứ nhìn lên cây, cười vui, nói chuyện, tâm tình, chờ tới đêm khuya, là lúc O được một mình với chàng Ba.

Lúc đầu O đi đến đâu là bọn con nít theo chân, đông nghịt. Chúng chọc ghẹo, phá phách, nói ba xàm ba láp, tục tỉu, nhưng sau đó, chúng cảm thấy trong dáng đi, nét mặt, nụ cười, cách nói năng của O Xưa có một vẻ huyền bí, ma quái làm chúng sợ. Chúng chỉ lẳng lặng theo xa xa, bàn tán với nhau, đôi khi đứa này binh, đứa kia phá, mà cãi vả nhau om sòm. Có đứa làm gan, lân la tới bên O Xưa, lắng nghe O đi "trai gái" với ma. Trên cây đâu có ai mà O Xưa cười nói, giận lẫy, bẽn lẽn coi "dị dạng" quá.

Mấy bà lớn tuổi trề môi:

“Ma quỉ chi, ngủ lang chạ cả mấy chục thằng, chỉ phình một cái bụng. Còn giả điên giả khùng nữa... Thứ đó, hồi xưa là trói thả xuống sông cho cá sấu ăn, hồi còn vua thì cho "voi dày ngựa xé" chơ mô dễ dàng như thời nay..."

Bọn chăn trâu thì quả quyết O Xưa không giả khùng điên gì hết. Điên thiệt. Chúng nó đã rình coi nhiều lần. Đêm, O Xưa rời căn chòi rách nát, đi lên độn, tới căn miếu hoang. O bỏ đồ, nằm co quắp trong một góc chờ đợi... người yêu. Miệng lảm nhảm những lời nhớ nhung tình tự. Lúc bên ngoài nghĩa địa những đốm lửa ma trơi  chập chờn trên mồ hoang, dun dế tấu lên điệu nhạc như quỷ khóc yêu hờn, là lúc mắt O Xưa khờ đi và môi cười hoang dại, giọng nói cớt nhả như con nít.

"Anh, em lạnh quá, em chờ lâu bất chết..."

Rồi cũng chỉ mình O lăn lộn, phành bụng, kêu rên, sung sướng, khoái lạc:

"Chao ui, nhẹ thôi chàng Ba của em. Khéo chàng Ba đụng con của tụi mình chừ..."

Không biết ai đêm nào cũng thắp ngọn đèn dầu lạc trên bệ thờ để rọi những chiếc bóng đầy hình thù kỳ dị, chờn vờn như sấn tới, cho người đàn bà một cảm giác ôm ấp bằng hơi hướm của một kẻ khuất mặt, yêu thương và ân ái với O.

Không bao lâu, O Xưa mặt mày chàu vau, xanh rớt, vô hồn chỉ còn như một cái xác biết đi. Ai cho bất cứ gì cũng ăn. Không ai cho gì thì ăn lá cây, đôi khi ăn cả nắm đất. Chân bước nhẹ nhàng như hổng trên mặt đất, rồi O Xưa cứ chậm rãi đi trên lề đường, mắt ngước lên nhìn tàng cây, giọng tha thiết:
"Chàng Ba của em ơi, chàng mau tới với em! Không gặp chàng em nhớ lắm chàng ơi, tội cho em..."

Đó là những hôm O Xưa đi dưới những gốc cây, ngước mắt tìm hoài mà không gặp được chàng Ba. O Xưa khóc lóc, van nài, oán trách, đập đầu, vật vã với những gốc cây vô tri giác.

O Xưa đẻ đứa con so ở trong căn miếu hoang trên độn vào một buổi trưa. Thường ngày, bọn chăn trâu hay vô miếu núp nắng và ăn cơm trưa.

Bữa đó, mấy đứa tới thì đã thấy O Xưa ngồi trước chắn ngang. O Xưa không giống O Xưa hàng ngày nữa, mắt đỏ lòm long lên sòng sọc, tóc tai rũ rượi. Hai tay O cầm hai hòn đá sẵn sàng liệng tới phía trước. Bên cạnh chỗ O ngồi là một đống đá lớn nhỏ sắp sẵn.

"Ê mụ điên, mần chi chắn cửa lại rứa. Cho người ta vô. Chỗ ni không phải của mụ mô."

O Xưa đưa hai tay cầm đá lên, sẵn sàng.

"Ê, mụ điên. Không được đôi. Chỗ ni của tụi tui lâu rồi. Đi ra, giành chỗ không được mô nghe."

Một hòn đá ném tới. Bọn trẻ chăn trâu lùi xuống.

"Làm thiệt há. Đôi thiệt há. Ê, tụi bây xông vô..."

Một thằng la lên. Nhưng không đứa nào xông tới. O Xưa đứng bật đậy. O không nói tiếng người nữa, ú ớ rồi rú lên như quỷ nhập tràng.

"Coi mụ dễ sợ quá tụi bây nờ ... Coi tề, coi chừng mụ đôi đá trúng..."

Bọn con nít dang xa dần, nhưng vẫn trố mắt ngó. Mấy cục đá rơi xuống lưng chừng vì sức O Xưa không ném xa được. Đống đá chất xung quanh O Xưa khó ném hết.

Bọn trẻ chăn trâu đâu có lạ lùng gì mụ điên này. Bình thường, chỉ nạt một tiếng là mụ riu ríu đi ra. Bữa nay, mắc chứng gì mụ lên cơn dữ dằn quá...

Coi mãi cái trò này chẳng có gì hấp dẫn. Một lát, bọn trẻ chăn trâu bỏ đi, ra ngoài độn, tìm mấy bóng mát ngồi mở mo cau ăn cơm vắt. Nhưng có mấy đứa tò mò nán lại rình coi cho được chuyện gì. Về sau kể lại:

...O Xưa sau khi hung hăng đuổi được bọn trẻ chăn trâu, ngồi thở dốc một hồi. Mặt O bắt đầu nhăn nhó khó coi, trán rịn đầy mồ hôi. O khó nhọc lết vào bên trong miếu, cạnh bệ thờ, ôm bụng quằn quại, miệng kêu rên: "Chàng Ba ơi, em tới giờ sanh, đau bụng quá. Chàng Ba ơi, chàng ở mô rồi..." O Xưa khóc rưng rức như một đứa trẻ. O quằn quại lăn vòng dưới nền đất, kêu ca, rên rỉ y hệt một người đàn bà trong giờ sanh con. Hơn một tiếng đồng hồ khốn khổ như vậy, O rú lên một tiếng như như con heo bị thọc huyết, rồi vật ra, bất tỉnh.

Mấy đứa chăn trâu tưởng O Xưa chết rồi, sợ quá, có đứa ba chân bốn cẳng đâm đầu chạy. Chỉ còn hai thằng gan lì nhất, núp phía sau miếu chờ coi.
Lâu lắm, O Xưa tỉnh dậy, ngơ ngác trong căn miếu hoang. O Xưa có vẻ không còn đau đớn gì nữa. Một ánh nắng chiều nhảy qua nhảy lại như bước chân ai. Một làn gió, một làn hơi. O Xưa hít hít, nhận ra, nụ cười khờ khạo nở trên môi:

"Răng chừ chàng mới tới?"

Nét đau đớn, khốn khổ đã biến hết trên khuôn mặt. Cởi chiếc áo ngoài ra, bọc thành một bọc, O Xưa nói, giọng nhớt nhã trẻ con:

"Đây, con chàng. Nó là con trai... "

O Xưa hát hò ru con, âu yếm đung đưa bọc vải:

"Ngoan ngoan, đừng khóc. Cha mi, la dữ rứa? Cha con nì... Chàng ơi, nhìn con coi nó giống chàng như đúc nì..."

Bọn trẻ chăn trâu, lũ con nít quỷ còn thêm thắt kể về ca sinh đẻ đứa con ma của O Xưa bằng sự tưởng tượng thêm thắt của chúng cho có vẻ ly kỳ hơn. Bọn đàn bà lúc đầu ngạc nhiên, tò mò, cũng có chút ganh tị nữa. Câu chuyện, mỗi người thêm thắt một câu, bớt đi một chữ, càng trở nên huyền bí. Người ta càng ghét O Xưa lại càng sợ O Xưa. Nhưng chuyện gì rồi cũng nhạt dần, thường đi, và sự sợ hãi cũng phai dần, người ta đem chuyện O Xưa ra riễu cợt.

O Xưa mặc kệ. Nét mặt của O càng khờ khạo hơn, mắt nhìn, môi cười, càng đi lạc vào cõi xa xăm, vô hình. Tình yêu với chàng Ba càng thê thiết... O Xưa có thêm đứa con thứ hai, rồi đứa thứ ba, thứ tư. Cứ kể như năm một, đẻ xong là lại có mang liên tục... Bồng một đứa con bọc trong bọc vải, dắt theo một bầy con ma không hình bóng, lúc O ru đứa nhỏ, lúc chửi mắng la rầy mấy đứa lớn. Trời nắng, trên trán mồ hôi chảy ròng ròng, O Xưa quệt mồ hôi, than thở với chồng trên cây:

"Anh không coi mấy đứa nhỏ với em, chúng nó hư, phá như ma. Em mệt quá, mệt lắm. Anh phải dạy con..."

O Xưa thở dốc. Trông O già đi nhiều, đẻ nhiều con, gầy như que củi khô, xanh xao, võ vàng. Nhưng không biết sức lực ở đâu mà O Xưa tay bế tay bồng, dẫn đàn con đi lên đi xuống con dốc Nam Giao, hẹn hò, nói chuyện với "chàng Ba" không biết mệt.
 
. . .
 
Nhiều năm cũng đã qua với tôi, như với nhiều người Huế từng một thời cùng sống trên con dốc Nam Giao. Bỏ Huế. Tứ tán. Mất nước. Lưu lạc xứ người. Người Huế, nhớ Huế. Nhớ nhau. Và những người cùng một thời ở Nam Giao, chắc cũng có lúc nhớ O Xưa!

Với tôi, O Xưa là một hình ảnh khó quên trong tuổi mới lớn. O Xưa còn nhắc nhở tôi một giai đoạn lịch sử kinh hoàng. Đó là những năm trước, thời kháng chiến mùa Thu của Việt Minh. Nhiều buổi sáng, mấy đứa trong xóm rủ nhau đi học, ra khỏi con hẻm đầu dốc, chúng tôi gặp nhiều xác chết. Đó là lúc thường nghe tiếng đàn bà rú lên, gào khóc. Có xác bị mất tứ chi, có xác bị cắt đầu, hoặc cái đầu máu me đặt trong chiếc nón rách ghim một bản án của Việt Minh. Không theo Việt Minh là Việt gian, giết đến bao giờ cho hết. Như người bạn nhỏ của tôi, một buổi sáng dậy, xách cặp đi học, thấy cha bị giết, xác và bản án đặt trước ngõ nhà...

Con nít không dám ra đường sáng sớm, những lúc xác người chưa được dọn đi. Nhưng O Xưa ra đường sớm lắm. Vẫn bế bọc vải trên tay, O đi đến bên xác chết. Có người chết nào, hay đầu lâu nào chưa chịu nhắm mắt, O Xưa vuốt mắt cho họ và thủ thỉ:

"Đừng buồn. Đừng sợ. Để tui nhờ chàng Ba chỉ đường tránh cửa ngục..."

Rồi O Xưa ngước mặt lên, kêu chàng Ba, xin nhờ chàng Ba giúp đỡ. Bà con xanh mặt, nửa tin nửa ngờ, nhưng trước cảnh kinh hoàng, ai cũng cúi đầu trân trọng im lặng...

Câu chuyện đã vùi sâu trong ký ức. Mới đây, khi gặp một số bạn cũ trước cùng ở Nam Giao, cùng ngồi nhắc lại chuyện cũ. Tôi hỏi các anh chị còn nhớ Huế, nhớ xóm Nam Giao, nhớ O Xưa không?

"Mụ Xưa há. Nhớ chơ răng không nhớ!"

Tôi bỏ Huế rất sớm, không biết O Xưa sau này ra sao? Sống? Chết?

"Nghe nói sau 75, có người còn gặp mụ Xưa..."

"Ở mô?"

"Nghe nói vẫn ôm cái bọc đi lên đi xuống dốc Nam Giao. Bộ dạng gia đình đề huề lắm. Mụ đã có cháu nội cháu ngoại..."

Tôi ngẩn người. O Xưa. Huế đã qua biến cố Mậu Thân, thành phố đầy xác chết, đầy khăn tang. Qua cuộc đổi đời 75 máu nhuộm biển đông, O Xưa vẫn còn và không biết O đã có thêm bao nhiêu con, bao nhiêu cháu với ma nữa! Nhưng vẫn chỉ là nghe nói. Có ai nhìn thấy không? Tôi im lặng, ngẫm nghĩ một mình. Câu chuyện đã cũ, cũng như O Xưa, xưa rồi. Thời buổi này, kể ra không ai còn có thể tin. Nhưng tôi biết, những người đã sống thời đó, thì câu chuyện O Xưa, tin hay không tin, hình ảnh O Xưa, chắc chắn vẫn còn váng vất trong trí nhớ.

Tôi viết truyện  này để tặng bạn bè cũ, đã có cùng một thời thơ dại ở xóm Chùa, cùng trên "con đường Nam Giao thẳng mà không bằng", như lời nhà thơ Xuân Diệu từng mô tả.
 
Nhã Ca

Quảng-cáo-sách-O-Xưa

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cô bé tên là Anna, cô vừa là chị cả vừa là mẹ của tôi. Trên tấm hình này, cô bé lên mười hai tuổi. Còn tôi là con bé mặc áo đầm nhung có hai dây đeo, tôi bám theo cô ấy giống như bám vào phao cứu đắm...
Trong lúc mọi chuyện tưởng đang tốt đẹp thì chúng tôi bỗng nhận được một cái tin đáng sợ. Đó là vụ anh Kha được thăm nuôi hai lần trong một ngày bị phát giác. Số là anh Kha được người nhà của linh mục Hương đến thăm vào buổi sáng. Vì quà thăm khá lớn nên cán bộ khám đường lưu ý nhớ kỹ...
Hồi tôi học lớp bảy, trường có phong trào làm báo tường mừng Xuân. Vì lớp không có ban Báo Chí nên tên lớp trưởng kiêm hết mọi chuyện, kêu gọi, gom bài. Hắn gặp tôi tại sân trường cuối giờ hôm đó...
Tin Ngọc Hoài Phương ra đi không bao giờ trở lại đã nhắc tôi nhớ lại những tháng năm hai đứa làm báo với nhau tại Sàigòn trước 1975. Thuở ấy trên khúc đường Gia Long, giữa Nguyễn An Ninh và Ngã Sáu Sài Gòn, có ba Tòa soạn báo Thời Luận, báo Tiếng Chuông và báo Dân Chủ có mặt từ thời Đệ I Việt Nam Cộng Hòa...
Cuối tháng 2 năm nay, 2023, chỉ trong vòng hai ngày, tôi đã mất đi hai người bạn cùng sinh năm 1941: Nguyễn Ngọc Kiểm, bút danh Ngọc Hoài Phương, & Bùi Hồng Sĩ...
Đất trời vào xuân, Hoa Châu mở hội chợ phù hoa. Người trong thiên hạ dập dìu trẩy hội, thôi thì khỏi phải nói, nam thanh nữ tú vờn nhau liếc mắt đưa tình, áo quần phới phới sắc xuân, những cụ ông cụ bà cũng móm mén cười hoan hỷ, đàn em thơ như những con sơn ca tíu tít vào đời...Thành Ất Lăng năm nào cũng thế, cứ mỗi độ xuân về là rực rỡ cờ giăng phướn thượng, đèn hoa khắp chốn, năm nay hội chợ có cả trăm gian hàng rộn ràng tấp nập, nào là hô lô tô, bầu cua cá cọp, thảy vòng, ném banh… nhiều nhất vẫn là những gian hàng giới thiệu sản phẩm của giới doanh gia nghiệp chủ, mặc dù không nói ra nhưng ai ai cũng cảm nhận được quyền lực chi phối của bọn họ, thật tình mà nói, cũng nhờ sự tài trợ của họ mới có thể tổ chức được hội chợ xuân...
Chị Bông hấp tấp lái xe đến văn phòng bác sĩ. Cái hẹn 4 giờ chiều nay vậy mà 4 giờ chị mới nhớ ra. Từ nhà đến phòng khám cũng mất 20 phút. Cũng may chị sẽ đi trên những con đường nhỏ vắng xe trước khi ra tới đường lớn để đến phòng bác sĩ nên chị Bông có thể chạy nhanh theo ý muốn. Chị Bông đang chạy tốc độ nhanh trên con đường Carter hai bên là khu apartment thì bỗng đâu một con chó con từ bên này đường phóng qua bên kia đường khi chiếc xe của chị vừa đến gần, chị tức tốc thắng lại ngay, chiếc xe đang đà nhanh bị đột ngột dừng lại làm chị Bông như muốn tung người ra khỏi dây seatbelt. Thế mà dường như vẫn không kịp...
Nhưng đến khi chiến cuộc miền Nam trở nên sôi động thì hai bên mất hẳn liên lạc. Vào năm 1975, sau ngày đất nước thống nhất, ông Đ. hành đạo ở xứ đạo Phước Tỉnh, một xã đánh cá rất giàu có ở Bà Rịa...
Ô! Đây không phải là Chuyện Ba Người của nhạc sĩ Quốc Dũng. Chuyện ba người của nhạc sĩ có những khúc mắc khó gỡ, có những tình huống khó xử. Hai người vui biết bao nhiêu/ Một người lặng lẽ buồn thiu đứng nhìn...
Đơn Dương, một quận nhỏ thuộc tỉnh Tuyên Đức, cách thành phố Đà Lạt khoảng 30 cây số, ở độ cao 1000 m so với mực nước biển nên khí hậu mát mẻ quanh năm. Đơn Dương là một quận trù phú vì đất đai màu mỡ, cây trái hoa màu tươi tốt có thu hoạch rất cao. Cái quận nhỏ mà người ta không thể tìm thấy trên bản đồ có tỉ lệ thấp, ít người ở Saigon biết đến nhưng đối với tôi Đơn Dương là thị trấn êm đềm, thơ mộng với phong cảnh đồi núi đẹp như tranh, đã gắn bó cùng tuổi thơ hạnh phúc của tôi với biết bao kỷ niệm thân thương...
Tôi là đứa con gái đầu lòng trong gia đình bốn người con. Ba đứa em tôi đều là con trai nên Ba Mẹ chiều chuộng tôi lắm, vả lại tôi là một con bé trắng trẻo, mũm mĩm như con búp bê, ngoan ngoãn hiền lành, ai cũng khen tôi như vậy...
Thưa, tiếng Việt mà tui học hồi năm nẳm, thầy, cô tui dạy rằng: “Trai cưới vợ; gái lấy chồng!” Chớ tui chưa hề thấy gái cưới chồng bao giờ cả! Hay là tại vì xa quê đã lâu, tiếng Việt của tui giờ đã rỉ sét, đã lạc hậu hết rồi chăng? Không theo kịp với trình độ của những nhà văn thời ôn dịch?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.