Hôm nay,  

Chân đi ngàn bước, cơm ngàn nhà…

20/01/202300:00:00(Xem: 2217)
Anne Khánh Vân
Anne Khánh Vân và sư thầy.
 
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp và Mỹ, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Tham gia VVNM từ những năm đầu của giải thưởng, tác giả nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.“, nhận giải Việt Bút Trùng Quang năm 2021.

Đây là bài VVNM mới nhất của cô gửi đến Việt Báo cuối năm Nhâm Dần.
  
*
  
Cuối tuần trước tôi ra khu Eden mua một số thức ăn. Trời đã lạnh nên tôi chỉ đi thẳng đến tiệm mình cần chứ không đi dạo vòng quanh. 
 
Từ xa thấy có hàng đợi dài từ trong ra cả phía bên ngoài cửa nên tôi chỉ hướng nhanh đến phía tiệm, không nhìn những chi tiết xung quanh. Khi vừa bước vô hàng thì nghe có tiếng mời, “mua bánh tét ủng hộ chùa đi con gái.” Tôi ngước về phía có tiếng nói thì thấy một người đàn ông trong y phục của một sư thầy với một chiếc áo khoác, đầu đội nón len.  Tôi gật đầu chào và sư thầy tiếp tục nói, “thầy có bánh tét nhân đậu, nhân chay nấm đông cô đậu hũ ky và có cả bánh tét nước tro nữa con… Mua ủng hộ chùa đi con.”  
 
Thầy trông rất hiền hòa và có giọng nói rất thân thiện. Trước kia, trước mùa dịch, tôi ra khu Eden thường hơn và có thỉnh thoảng thấy một vài người ngồi phía ngoài các tiệm, giới thiệu là Phật tử công quả bán rau củ bánh trái thức ăn chay dùm chùa.  Tôi không nhớ đã từng thấy các sư cô và sư thầy tự thân ngồi bán hàng ngoài hiên, nhất là mấy hôm nay trời đã lạnh, thế nên tôi có hơi ngạc nhiên.
 
Bên cạnh chiếc ghế nhỏ thầy ngồi có một thùng giấy để đứng. Bên trên thùng đó có một thùng nhỏ để ngang qua và thầy bầy một số bánh tét và vài hộp bánh ăn vặt. Dù chưa biết thầy là ai, ở chùa nào… hình ảnh này tự dưng làm tôi xúc động. Tôi tách rời khỏi hàng đang đứng đợi và đi qua chỗ thầy ngồi. Thầy giới thiệu lại chi tiết từng loại bánh.  Tôi thích bánh ít tro và hay mua những dịp mồng năm tháng năm nhưng chưa bao giờ thấy bánh tét nước tro nên quyết định mua thử một cái. 
 
Trong lúc thầy thối tiền thì tôi hỏi thăm thầy ở chùa nào và có ai phụ thầy gói bánh hay nấu nướng không. “Có, con gái, có sư cô phụ.  Thầy ở chùa Di Đà ở Annandale. Thầy có dán số điện thoại của chùa trên lá gói, nếu con ăn thử mà thích và muốn mua thêm thì con có thể gọi đặt thầy gói thêm nghen con.”
 
*
Về đến nhà tôi ăn thử ngay bánh tét nước tro vừa mua. Quả thật bánh thầy làm rất ngon. Phần nếp trong và dẻo như những bánh ít tro và nhân đậu xanh rất dầy, mềm và dẻo, trong khi nhiều bánh ít tro có khuynh hướng nếp nhiều nhân ít. 

Tôi bèn gọi điện thoại ngay cho thầy để khen cho thầy vui nhưng không ai trả lời phone. Chắc thầy vẫn còn bán hàng, chưa về lại chùa.
Chiều tối thầy gọi lại và quả thật thầy đã rất vui. Thầy gửi cho tôi xem hình khi thầy vừa vớt bánh và bầy bánh trên bàn cho ráo. Mỗi tuần sư cô và sư thầy gói 120 bánh tét.  Xem hình thật thích.
 
Mấy năm rồi tôi không thường lui tới khu Eden nên không rõ sinh hoạt thường ngày ngoài ấy. Tôi cũng không biết hết tất cả các ngôi chùa trong vùng nên không biết hết các sư cô và sư thầy. Tối hôm đó tôi nhắn tin hỏi chuyện với cô Lý. Cô Lý là Phật tử thuần thục và có văn phòng TSN ngoài Eden mấy chục năm qua. Chắc cô biết nhiều sư cô sư thầy.
 
Thế là hai cô cháu lại có dịp chuyện trò các món chay. Mỗi ngày sư cô chùa Di Đà ra Eden bỏ mối các món chay cho vài hàng quán và những ai đặt thức ăn chay với cô thầy. Cô Lý khen chả giò của chùa làm cũng rất ngon. Vài ngày sau tôi đã đến chùa mua thêm ba bánh tét nước tro và cũng mua thêm hai chục chả giò.  Sau đó tôi được biết sư cô ở cùng chùa và phụ thầy làm bánh và nấu các món chay là em ruột của thầy. 
 
 
Chùa… Chuồng Bò
 
Trước đó vài năm chúng tôi đã có duyên lành lui đến thăm chùa Xá Lợi ở Frederick tiểu bang Maryland. Một kỳ tích đáng được biết đến để khâm phục và quý trọng. Thầy viện chủ là một võ sư Nga My Phật Gia Quyền. Thầy và các võ sinh đã biến chuồng bò ở một nông trại bỏ hoang như một sở rác trở thành một ngôi chùa nghiêm trang và đầy từ hạnh. Thời gian đầu sau khi mua đất và trong lúc xây dựng chùa, thầy đi làm McDonald để có chi phí trả nợ tiền mua đất. Chùa dần được hình thành và công việc xây dựng cứ tiếp tục cho đến hôm nay, khoảng 20 năm.
Chùa vẫn còn những hình ảnh ngày xưa, khi chuồng bò còn như một sở rác. Cái cảnh mà theo cụ Nguyễn Du ngày xưa đã từng nói:
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng…
 
*
Lúc nhỏ tôi nhớ có xem một cuốn phim kể chuyện một linh mục trong khu đạo nghèo nuôi rất nhiều trẻ em mồ côi. Ông đánh box như nguồn thu nhập để lo cho các em. Dù xem phim đã hơn ba chục năm, một cảnh trong phim mà tôi không thể nào quên là trận đấu sinh tử tưởng chừng người linh mục đã mất mạng. Ngài đã lớn tuổi và cũng không phải người đánh box chuyên nghiệp. Hôm đó ngài bị đối phương tấn công thê thảm.  Trận đấu rất căng thẳng. Mặt mày ngài sưng vù máu me. Một… Hai… Ba… Người linh mục vẫn nằm thẳng đơ.  Bảy… Tám… Chín… Và động lực vực ngài đứng lên lại được và thắng trận, có tiền đem về khi ngài nghĩ đến các trẻ em và nghe tiếng các em kêu tên mình. Chuyện phim dựa trên một chuyện thật ở Mexico.  
 
Chúng ta tận mắt nhìn thấy đầy dẫy những hành động, việc làm phung phí hàng ngày, khắp mọi nơi. Vậy nên khi chứng kiến cảnh các cha, các thầy, các sơ, các ni-cô làm việc, lao động cực nhọc để có nguồn tài chính cho chùa, cho nhà thờ, cho các công việc từ thiện… tôi như được nhắc nhớ dường như mình vẫn tiết kiệm chưa đủ.
 
Nước Sạch
 
Thời gian còn làm việc với AECOM International Development, hàng tháng chúng tôi luôn được thông báo những cập nhật về kết quả của các công trình phát triển kinh tế ở những nước đang phát triển, nào là công trình làm tàu điện ngầm, xây đường xa lộ, phát triển hệ thống nhà thương… Tôi đặc biệt quan tâm theo dõi tiến triển của dự án phát triển hệ thống nước và làm sạch nước ở Châu Phi.  Hình ảnh trong các email gửi ra cho nhân viên xem là do chính nhân viên của công ty đã ghi nhận lại khi công tác bên ấy.

Đọc các mẩu chuyện trên phúc trình và xem hình ảnh mỗi ngày các em nhỏ, các gia đình chỉ hứng được một sô nước vàng đục để dùng cho cả nhà trong ngày, rất xúc động. Những dịp đó, công ty kêu gọi mọi người nên tập tiết kiệm nước sạch.
 
Trong đời sống hằng ngày, chúng ta có rất nhiều cơ hội để tiết kiệm.  Ở xứ lạnh, mùa lạnh, nước cần xả ra một chút trước khi nước được nấu ấm chảy đến đầu vòi. Bao nhiêu trong chúng ta hứng lại nước sạch đó để dùng cho việc gì khác hữu dụng sau đó?  Hay là chúng ta cứ để cho nước sạch đó chảy ào ào xuống cống?
Trong những buổi hội họp, mỗi người được phát một bình nước. Nhiều quan khách chỉ mở ra hớp một miếng và bỏ lại. Khi dọn dẹp sau buổi hội họp, chúng ta giải quyết những bình nước đó ra sao?
 
Mùa hè năm 2000 khi Đức Giáo Hoàng John Paul đệ nhị và Roma đón chào khoảng hai triệu bạn trẻ từ khắp nơi trên thế giới đến dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, tôi cũng lẫn lộn trong số các bạn trẻ đó. Chúng tôi rảo bộ mấy chục cây số mỗi ngày trên các đường phố, con hẽm, viện bảo tàng, nhà thờ,… ở Roma. Vì số lượng giới trẻ khách tham dự quá lớn, Đức Giáo Hoàng và Roma đã tận dụng hết tất cả chỗ trống trong các trường học, sân vận động, trung tâm sinh hoạt cộng đồng… làm nơi cho chúng tôi tá túc ngủ nghỉ trong suốt tuần lễ dự đại hội.  Lo cơm nước ba bữa mỗi ngày cho hai triệu người đã là cả một việc lớn. Làm sao giải quyết chuyện tắm giặt hàng ngày cho cái bọn cuối ngày người đứa nào cũng chua lòm, mồ hôi rít hít áo vào da?
 
Bạn có thoáng nghĩ ra giải pháp chăng?
 
Không tắm sẽ không thể ngủ được dù có mệt rã rời cách mấy. Chúng tôi phải xếp hàng và mỗi đứa sẽ được hứng một xô nước khoảng hai gallon. Nước lạnh! Không có nhiều nước, và cũng không có thời gian để mỗi người tắm lâu hơn ba phút. Tắm nhanh, sạch và đi ra để người sau đi vô. Mỗi địa điểm như vậy có đến mấy trăm người. Đêm đầu còn vụng về và tắm sót. Chỗ ướt chỗ khô. Sang đêm thứ hai tự dưng biết cách xoay sở với mớ nước giới hạn đó và từ đầu xuống chân đều trôi sạch mồ hôi. Mát mẻ, sạch sẽ, khỏe khoắn… chui vào túi ngủ san sát bên nhau và thi nhau ngáy… o o vô cùng hạnh phúc.
 
Rõ ràng là sự phung phí hay tiết kiệm đều do thói quen và có thể luyện tập và thay đổi thích nghi rất nhanh. Cho đến hôm nay, tôi vẫn còn thói quen dùng nước rất tiết kiệm.
 
*
Thụt lùi khoảng bốn chục năm trước khi tôi còn ở cái xóm nghèo An Phú Cống Bà Sếp, Hoà Hưng, mỗi lần đi theo nội đi chợ, thỉnh thoảng tôi có được thấy những đoàn khất sĩ đi qua. Các ngài đầu trần chân đất bước đi thật chậm rãi, đều đặn và ngừng lại mỗi khi được thí thực. Có khi đoàn khất sĩ đi vào trong các xóm nhỏ. Khi đi ngang qua nhà, nội tôi chạy ra, mở nắp khăn trên bình bát, để bánh trái vào và đậy khăn lại. Các khất sĩ lại chậm rãi bước đi và ngừng lại vài chục giây trước mỗi nhà.  
 
Nội giải thích các thầy đi khất thực đồng thời tạo cơ hội cho chúng sinh tạo Phước khi cúng dường chia sẻ. 
Những hình ảnh thật an bình đó luôn khắc ghi trong trí nhớ thời thơ ấu của tôi. Và tôi luôn rất xúc động mỗi khi nhìn thấy những hình ảnh tương tự.  
 
Giây phút khi ngước lên nhìn thấy cảnh thầy ngồi bên hiên bán bánh tét, tôi đã nhớ lại hình ảnh đoàn khất sĩ năm xưa.  Ngày nay, khi mọi thứ không còn bị giới hạn bởi biên giới đất liền hay thông tin truyền thông, hình thức khất sĩ của các quý cha, quý thầy cũng thích nghi hơn với hoàn cảnh. Có thể là những chuyến đi giảng pháp, chia sẻ lời Chúa… từ châu lục này sang châu lục khác; có thể là những đêm không ngủ vì phải đợi máy bay bị trở ngại vì bão tuyết; có thể là những món ăn chay gieo duyên ăn chay…
 
Cảm ơn quý thầy, quý cha, quý sơ, quý cô… đã cho con có cơ hội được ủng hộ, được chia sẻ… và quan trọng hơn khi con đã được nhắc nhớ những thói quen mà ngày xưa nội ngoại đã gieo mầm trong con.
 
Có những nơi dư thừa phương tiện, nơi khác vô cùng hạn chế. Có những nơi khá giả, thừa thãi; nơi khác túng thiếu đói rét… Và chỉ khi mọi thứ giới hạn và khi chúng ta biết chi tiết quá trình từng thứ được tạo ra, và nhận biết khi không có là như thế nào, thì mình mới thật biết trân quý. 
 
Ông ngoại Cả Viên của tôi thường nói, “chờ đến khi mình dư giả mới chia, mới cho… thì có thể người ta đã chết, hoặc chẳng còn cần nữa!”  Dư giả và chia sẻ tạo phước mười thì nếu khó khăn mà vẫn tập tiết kiệm và chia sẻ thì tạo phước gấp bội. Tôi luôn nhớ ông dạy như vậy.
 
Chân đi ngàn bước, cơm ngàn nhà…
Một bình bát, một cà sa
Một bầu khất thực, ơn là trăm năm!
 
Ơn Thầy dừng lại
Cho con chung phần…
 
Anne Khánh Vân
Những ngày cuối năm Nhâm Dần
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hãy nghe một bà mẹ trẻ (Christine Derengowski, một người viết báo) an ủi khuyến khích con mình: "Con sẽ không bị phạt, và con sẽ không bị ở lại lớp một. Mà thật ra, chính con là một anh hùng. Con có biết là chưa có một đứa trẻ nào trong lịch sử phải học lớp một ở nhà qua màn hình computer, ngồi trong phòng ngủ, nhìn cô giáo qua màn hình. Con và các bạn của con đã làm nên lịch sử."
A Lượng lạch bạch chạy laị chỗ máy thằng Dĩnh giật lấy cái máy quạt tí hon của mình. Trời nóng như đổ lửa, cộng với nhiệt độ cao của dàn máy sản xuất túi nylon toả ra làm cho không khí càng ngột ngạt hơn, cái nóng như nung nấu laị như rang mấy mươi con người trong xưởng.
Tình cờ gặp lại Thúy-Minh – người bạn ngày xưa cùng học trường Võ-Tánh và cũng cùng sinh hoạt trong ban ca nhạc Bình-Minh đài phát thanh Nha-Trang – Thanh-Điệp mừng quá, hỏi hết chuyện này sang chuyện khác.
Cõi thơ 50 năm của anh chính là bức tranh đời yêu thương định phận này. Nó đậm đà sắc màu âm thanh của một dòng sông với khát vọng tìm về nguồn cội. Có thể đó là nỗi hoài niệm, thương cảm êm đềm hay kêu gào xót thương một thời vàng son đã mất, nhưng hình như sắc màu âm thanh cõi thơ anh mãi mãi không bao giờ lụi tàn.
Anh bước vội vào trong toa xe điện. Một chút ăn năn vì anh về muộn. Anh lỡ quên hôm nay là ba mươi Tết. Anh tìm chỗ ngồi kín đáo và cố thu người lại sao cho ấm. Anh nghĩ bên nhà giờ này là mùng một Tết. Anh vụt nhớ câu thơ ai viết: ”Đêm xuống bên ni/ Ngày lên bên nớ”. Mắt anh đau đáu nhìn ra ngoài trời, Chicago tràn ngập tuyết. Chiếc tàu điện cần mẫn lặng lẽ trường mình dưới tuyết lạnh đưa đoàn lữ hành về các vùng ngoại ô phía Tây thành phố Chicago.
Hậu duệ của một trong những bộ óc vĩ đại nhất của thế kỷ 20 ông Bill Gates, người làm cho năng suất làm việc, và hiệu quả kinh tế tăng bội phần) không sợ thuốc chủng ngừa đại dịch thay đổi DNA của Cô thì không hiểu tại sao những người bình thường, thậm chí chỉ số IQ (intelligence quotient) còn ở dưới mức trung bình, lại sợ thuốc chủng ngừa làm thay đổi DNA của mình !!!
Chưa thấy mặt cô giáo, Duy không biết nhan sắc của cô như thế nào. Nhưng, nhìn mái tóc dài, chiếc nón nghiêng nghiêng của cô giáo Duy tưởng như chàng đã gặp hình bóng ấy vào một chiều Xuân, tại Nha Trang, khi Trục Lôi Hạm Chương Dương II, HQ 115 ghé Cầu Đá.
Con bé yêu mẹ nó. Cứ vài ngày lại điện thoại hỏi mẹ có khỏe không. Bao giờ cũng vậy, cuộc thẩm vấn trên điện thoại với mẹ xoay quanh những câu đại loại như mẹ có bị sốt không, có bị ho không, có mệt mỏi không, có ngửi mùi thức ăn được không, có gặp người nào bị bệnh Covid không. Toàn bộ những câu mà người ta thường hỏi khi khách hàng bước chân vào một cửa tiệm trong mùa giãn cách cơn đại dịch. Ông không muốn con gái nghĩ bố bỏ mẹ ở nhà vì mẹ bị cách ly sau khi có những triệu chứng vừa kể. Nó muốn chắc ăn là cả bố lẫn mẹ không ai bị nhiễm Covid hết.
Những ngày gần cuối năm, chúng tôi nhận một ngôi nhà “mới” (của mình và “cũ” của người ta) không có đồ đạc và cần sắm sửa một vài thứ căn bản. Đồ mới, đồ đẹp thì ai lại không mê, nhưng ngặt nỗi đâu phải cái gì thích cũng đều có khả năng mua mới. Quần áo giày dép nào thích có khi còn nán đợi sale giảm giá vài ba lần mới mua, huống hồ những thứ đồ lớn với giá tiền gấp cả trăm lần… Phải thực tế và biết mình hỏng phải “First Daughter” (con gái lớn của tổng thống) mà là con gái lớn của cái anh Hai Lúa nhà kia từng làm việc ở tiệm Thrift Store (tiệm bán đồ của mấy nhà dư giả “biếu”). Đã 10 giờ tối, nằm trong túi ngủ (sleeping bag) trải trên sàn nhà (vì chưa có giường), tụi tôi “đi dạo” trên mạng xem có ai trong vùng rao bán gì hấp dẫn không. Có một quảng cáo chỉ vừa mới đăng chừng 5 phút rất ngắn gọn: “Bộ bàn ăn 8 ghế gỗ và da – giá $395, bán bởi chủ nhà”. Nhìn hình kèm lời quảng cáo phải nói là có cảm tình liền. Nguyên bộ bàn nhìn rất chắc và rất đẹp. Có vẻ là đồ “hiệu” thiết k
Người Việt chúng mình tại Mỹ hình như có cơ hội ăn “thiệt” và tiệc tùng trong năm nhiều hơn dân bản xứ, vì ngoài các ngày lễ bình thường, mà quan trọng nhất là các lễ Chiến Sĩ Trận Vong, Độc Lập, Tạ Ơn, Giáng Sinh, Tết Dương Lịch, còn có Tết Âm Lịch – bây giờ xin sửa lại như sau: Tháng 12 là tháng ăn chơi, Tháng Giêng cũng lại chơi với ăn đều đều, Tháng Hai thì Hội với Hè - đó là chưa kể đến các ngày lễ không kém phần quan trọng cho cộng đồng người Việt tỵ nạn như ngày Lễ Phật Đản, kỷ niệm Mất Nước 30 tháng 4, ngày Quân Lực VNCH… cùng các ngày kỵ giổ của từng gia đình, đại gia đình, và các đại hội của từng quân binh chủng, từng hội đoàn, từng hội thân hữu … Nhìn về những cái Tết khi còn ở quê nhà, Tết là một ngày lễ quan trọng duy nhất cho mọi người, mọi gia đình, cho cả nước. Bởi vậy có những năm Mẹ tôi được chính phủ cho thêm lương tháng 13. Người lớn rộn ràng sửa soạn Tết theo cách người lớn, tỉ mỉ, chuẩn bị trước cả tháng. Con nít chúng tôi có những náo nức riêng. Nhà nhà đều ăn
Tết càng cận kề, từ làng trên xuống xóm dưới, mọi người càng chộn rộn lo đủ thứ, y như cả năm chưa đủ lu bu vậy. Nhà bà hội đồng thì khỏi nói. Song le, năm nay bà hội đồng lại bận bịu một cách khác. Số là giữa bà và cậu Hai Đức đang có chuyện gây cấn. Sẵn dịp xuân về, bà muốn mời cô Tư Nhung qua nhà chơi vào ngày mùng hai Tết.
Nhớ, những năm mấy chị em còn nhỏ, có lần được Ba chở bằng xe vespa, ra tận Vũng Tàu. Trên đường đi, Ba ghé một khu rừng nào đó, đậu xe, đem theo cây dao, vào sâu trong rừng để tìm mấy cội mai. Ba chặt vài nhánh, chở về nhà. Lại nhớ, Ba cặm cụi tỉa nhánh, lặt lá, những cành có rất nhiều nụ. Ba ngâm mấy nhánh mai trong chậu nước lạnh để hãm nụ. Sau đó, cận cuối năm, Ba sẽ ngâm những nhánh mai chi chít nụ vào thau nước nóng, để sang giờ khắc giao thừa, những nụ mai bừng nở, vàng tươi cả bàn thờ, rực rỡ trên bàn phòng khách, mang điềm may mắn suốt năm. Mai vàng khoe sắc cùng mấy chậu cúc vàng, vạn thọ màu cam tươi, mồng gà đỏ rực, màu và sắc Tết trong gia đình Tím ngày xưa.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.