Hôm nay,  

Mùi của Tết

1/20/202300:00:00(View: 3252)
 
mui cua tet
Hình minh họa
 
Hồi còn bé, tôi rất mong ngày Tết. Không phải vì Tết có nhiều món ăn ngon, cũng không phải vì những bộ áo quần mới, cũng chẳng phải Tết có được thêm tiền lì xì. Tôi mong Tết vì cái mùi của Tết. Cái mùi mà bây giờ lên hàng lão tôi khó tìm thấy đủ như những ngày xưa.

Trời đất, thiên nhiên bốn mùa đều có mùi của mùa. Mùa xuân có mùi của cây non trổ lộc, mùi của hương hoa. Mùa hạ có mùi của nắng, mùi của mồ hôi, mùi gió biển và mùi cá khô phơi tràn bãi cát. Mùa thu có mùi của lá vàng, của gió thu lướt trong không khí, mùi của nắng vàng mật ngọt. Mùa đông có mùi của bếp lửa, của bắp nướng, của chén khoai khô ngào đường và mùi của những cơn gió cắt da. Nó còn cái mùi của những chiếc áo ấm cất lâu trong tủ mang ra còn vương mùi long não. 
 
Mùi của Tết khác hẳn, nó không phải là mùi của bốn mùa gộp lại mà nó có mùi rất riêng. Tôi gọi đó là MÙI CỦA TẾT. Mùi này một năm chỉ có một thời gian rất ngắn rồi phai đi chờ đến Tết năm sau.

Trước hết, trong tôi là mùi của hoa. Đó là mùi hăng hắc độc đáo và nồng nàn của những chậu hoa vạn thọ mà Ba tôi rất thích bày khắp sân mỗi dịp Tết về. Những chậu hoa với những bông vàng rực, sáng cả một góc sân. Đó là hương của những cành hoa huệ trắng Mạ ưa cắm trong chiếc bình bằng đồng được đánh bóng sáng ngời đặt trên bàn thờ. Ngay phòng khách mùi hoa lay ơn đỏ Mạ cắm đặt ở bàn salon cũng có mùi nhè nhẹ. Đó là mùi thơm thoang thoảng của những chậu lan khoe sắc trên giàn ở bìa sân do nhiều người biếu Ba trong dịp Tết. Đó cũng là mùi thơm rất mỏng từ chậu mai vàng nhiều cánh nở bung được đặt trang trọng ở giữa nhà. Tất cả hương của những thứ hoa bàng bạc trong nhà báo hiệu đã cận Tết rồi.

Mùi của Tết còn là mùi của nhang, trầm khiến cho căn nhà ấm lại trong cái lạnh đầu xuân. Mùi nhang khói như sợi dây nối liền những người đã khuất với những người đang sống. Mùi để nhớ về, mùi của những cuộc đoàn viên. Cháu con thắp lên cây nhang, đốt lên ánh nến, mẩu trầm rồi vái lạy trước bàn thờ, trước di ảnh của ông bà, cha mẹ. Cái mùi nhang khói ấy theo mãi suốt một đời người.

Đó còn là mùi thơm của thau mứt gừng, mứt dừa, mứt bí, mứt khoai, mứt me Mạ làm. Cái mùi cháy của đường phảng phất mùi va ni cuốn hút thằng bé chực chờ được vét thau. Cái mùi và miếng mứt hơi cháy ở đáy thau theo thằng bé đi suốt cho đến tuổi già. Giờ không mấy nhà tự làm mứt nữa, tiệm, siêu thị bán đầy, chẳng mấy ai mất công ngồi đổ mồ hôi bên bếp lửa. Mạ tôi mất hai chục năm rồi, tôi không còn được thưởng thức món mứt của Mạ và cũng chẳng còn được nhìn dáng Mạ chảy mồ hôi bên nhiều thau mứt nữa. Bóng Mạ vẫn về trong ký ức mỗi độ Tết đến, xuân về.

Tết còn có mùi của các loại bánh in. Ngày xưa Mạ làm đủ loại bánh gói trong những loại giấy bóng màu. Mùi của bánh thơm thơm hương bưởi, hương va ni, mùi của bột. Tất cả đặt trong những chiếc khay gỗ quý khảm xà cừ. Nó còn là mùi của những chén chè đậu xanh, chè khoai tím chứa trong những chiếc chén sứ mỏng tang vẽ rồng men xanh, xếp từng dãy trên bàn. Còn mùi bánh chưng trong thùng sôi sùng sục đêm giao thừa, nó có thoảng nhẹ của mùi nếp chín, mùi của lá chín và mùi chi nữa không tả được và cũng chẳng quên được.


Còn mùi của thịt heo luộc, thịt heo ngày xưa luộc chín có mùi thơm của thịt mà bây giờ khó tìm thấy nữa. Thịt luộc chín ăn đã ngon, ngâm vào nước mắm lại càng ngon. Ngâm đến khi thịt biến màu sẫm, mỡ trong màu hổ phách. Lúc đấy miếng thịt heo ngâm nước mắm lại mang mùi khác. Không phải mùi của thịt jambon, thịt nguội mà là mùi đúng chất Việt Nam bởi nó thấm đẫm mùi nước mắm Việt qua tay chế biến của người phụ nữ Việt. Cũng phải kể đến mùi của món bắp bò ngâm nước mắm nữa. Và cũng không quên tảng thịt heo quay thơm lạ lùng với những mảng da dòn tan. Đó là chưa kể đến mùi thơm của những đòn chả nóng, xâu nem chua, những cây tré đượm mùi riềng.

Rồi đến mùi hăng hăng của kiệu. Phơi một nắng, kiệu bỏ vào lọ giấm lại có mùi khác. Thêm mùi của dưa món, ngâm chín tới mà ăn với bánh chưng, bánh tét mới thấy hết cái ngon của dưa món. Một sự hoà điệu tuyệt vời.

Nó còn là mùi của những bếp than hồng đỏ lửa trên đó có nồi thịt kho tàu với trứng, trên đó có nồi cá kho thơm phức mùi nghệ, trên đó có mùi cá nướng, cá chiên chuẩn bị bữa cúng rước ông bà.

À còn mùi của những loại rau. Rau thơm miền Trung nhỏ lá nhưng thơm hơn nhiều vùng lá to mà tinh dầu kém. Món chi ăn cũng có rau kèm, ngày Tết ăn nhiều dầu mỡ lại càng cần rau.

Ngày xưa còn có mùi pháo. Mùi mang âm hưởng Tết nhiều nhất. Nghe mùi pháo là biết Tết đã tới rất gần. Đêm Giao thừa, trong khoảnh khắc giao thoa giữa cái cũ và cái mới, trong không gian thiêng liêng, mùi pháo, tiếng pháo báo hiệu Tết tới, thể hiện không khí rộn ràng của một năm mới, đón chào những thành công mới. Chỉ tiếc giờ đây Tết không còn pháo. Không tiếng nổ của pháo nên mùi của Tết thiếu đi một nửa khi không còn mùi pháo. Đứa bé ngày xưa chỉ giữ mãi hình ảnh những phong pháo nổ dòn và cậu bé hân hoan lượm pháo lép trong mùi nồng nặc của khói pháo. Tội nghiệp những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên khi Tết không còn pháo. Trong ký ức của chúng không có mùi của pháo. Không được nghe những tiếng nổ giòn giã và xác pháo hồng ngập sân.

Mùi của giấy tiền, vàng mã cũng là mùi của Tết dù ngày giỗ chạp cũng thường đốt loại này. Nhưng ngày Tết thì mùi này có khác hơn, đượm mùi thiêng liêng, trân trọng hơn. Lại nhớ Ba mỗi lần đốt vàng mã, Ba bắt phải đốt cháy hết thành tro, Ba bảo không thể cúng cho ông bà áo quần, tiền vàng rách vì chưa cháy hết.

Cuối cùng là mùi của những dĩa trái cây, mỗi loại trái có một mùi riêng, tổng hợp lại thành mùi hoa quả ngày Tết đến.

Mùi của Tết là sự tổng hoà của nhiều mùi mà chỉ có ngày Tết mới có. Nó không chỉ là mùi của những vật phẩm. Nó còn là mùi thiêng liêng đi theo suốt quãng đời của mỗi người. Có thể mỗi gia đình, mỗi dòng tộc có mùi Tết riêng nhưng tựu trung mùi của Tết là mùi khó quên nhưng giờ khó tìm cho đầy đủ cái mùi ấy như những ngày xưa cũ.
 
– Đỗ Duy Ngọc

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Cũng như tất cả những người Việt Nam khác, tôi đang nói và viết bằng ngôn ngữ Việt, ai cũng bảo tiếng Việt là chữ quốc ngữ. Thậm chí như cụ Phạm Quỳnh còn đề cao:”… Tiếng Việt còn thì nước Việt còn...” nhưng thật sự tiếng Việt lại không phải do người Việt chế ra, ấy là nhờ công của những giáo sĩ phương tây, cụ thể như những giáo sĩ: Francesco Buzomi (Ý), Diogo Carvalho, Antonio Diaz, Francisco de Pina (Bồ Đào Nha), Alexandre de Rhodes…
Mùa thu, mùa Vu Lan còn níu kéo, mùa còn tưởng nhớ tới mẹ, tới cha. Tôi tưởng nhớ tới dì tôi, dì đây là mẹ kế, người bước sau một bước sau mẹ tôi vào gia đình bên nội tôi...
Ở tuổi 13, cô trở thành cánh tay đắc lực của Mạ cô, phụ giúp Mạ trông coi quán cà phê. Thuở đó, cô chưa hề có chút dáng dấp của nhân vật “nàng” trong bài thơ Tuổi Mười Ba của Nguyên Sa. Cô cũng chưa được phép đọc báo Tuổi Ngọc. Cô mê mẩn chúi đầu, chúi mũi vào báo Thiếu Nhi và Tuổi Hoa. Cô vương vương buồn, rươm rướm nước mắt, khi đọc Chiếc Lá Thuộc Bài của Nguyễn Thái Hải. Cô hồi hộp, tim đập thình thịch, lúc đọc Pho Tượng Rồng Vàng của Hoàng Đăng Cấp...
Chị nhớ rõ từng mô đất nhấp nhô ở khoảng bờ sông này. Hàng ngày chị vẫn lảng vảng quanh đây vớt dăm ba con tép, lắt nhắt như những mảnh móng tay cắt vụn, đem về kho đen quánh cả đáy nồi, ăn rỉ rả với những bát cơm rắc đầy những thóc. Gió luồn những ngón tay ma quái qua lớp vải áo, mấy mò chiếc yếm ngực làm chị rùng mình. Chính khoảng bãi sông này, năm ngoái năm kia người ta đã trôi sông một đôi gian phu dâm phụ trên chiếc bè đóng bằng những róng tre dầy đặc những mắt.
Tôi đứng trong buồng khách, nhìn ra ngoài trời. Trời quang và khô, cơn mưa hôm qua không để lại một vũng nước nào, chỉ giúp cho những chùm lá có mầu xanh sạch bóng, mướt rượt, và những cây có lá vàng thi nhau trút xuống nhưng vẫn giữ lại những cành đẹp nhất để rung múa với gió thu...
Ai sinh ra đời cũng biết ơn ông bà, cha mẹ của mình, cho dù ông bà, cha mẹ còn sinh tiền hay đã qua đời, con cháu vẫn nhớ. Nếu ông bà cha mẹ đã qua đời thì hằng năm đến ngày giỗ dù bận thế nào còn cháu cũng làm đám giỗ cúng ông bà cha mẹ...
Đối với những người yêu thích môn bóng đá thì không ai không biết Giải Bóng Đá Thế Giới (World Cup) năm nay được diễn ra tại Qatar từ ngày 20 tháng 11 đến ngày 18 tháng 12. Tôi cũng xin tự nhận là “fan” của World Cup, với niềm háo hức nôn nao cho mùa giải bốn năm mới có một lần này, được ghi lại chút kỷ niệm của mình với những mùa World Cup đã qua trong đời...
Đó là vào một buổi chiều thời tiết khắc nghiệt của tháng mười, khi Hoàng hậu và tôi, người hầu gái của bà, cùng đi vào một hành lang ở viện bảo tàng Louvre cổ kính ấy, và tôi không thể quên được một khuôn mặt kinh khiếp đó mà cho đến bây giờ, khi ngồi viết lại những dòng này, nét mặt ấy lại hiện ra, cũng như không thể nào không chấp nhận sự thật về việc này...
Thế là tôi cũng chạm được vào giấc mơ, một giấc mơ huyền hoặc lạ lùng kéo dài bao nhiêu năm kể từ khi biết đọc sách, biết mộng mơ… Giấc mơ hình thành từ những dòng chữ trong sử sách, giấc mơ lung linh trong tâm tưởng suốt một quãng đường đời...
Từ khi Việt Nam bang giao rộng rãi với cộng đồng thế giới, gia nhập kinh tế thị trường (vì xấu hổ quá nên gắn thêm cái đuôi “định hướng XHCN”), các công ty ngoại quốc vào đầu tư xây dựng nhiều nhà máy, xí nghiệp công nghiệp và hoạt động trong nhiều ngành dịch vụ khác. Số vốn Foreign Direct Investment (FDI) ngày càng gia tăng kéo theo nhiều đổi thay trong xã hội Việt. Về hình thức thì có nhiều, mà một trong số đó là loạn đồng phục!
Kể từ ngày về hưu, rảnh rỗi chẳng biết làm gì, tôi hay ngồi viết thư cho bạn bè hoặc viết tán nhảm với mấy cô hàng xóm. Và trong những lá thư gửi đi ấy, tôi toàn nói chuyện phịa (chuyện giả tưởng). Tôi phịa ra đủ mọi thứ chuyện, từ chuyện to cho đến chuyện nhỏ, từ chuyện trong nhà ra đến chuyện ngoài đường. Tôi phịa nhiều quá đến nỗi tôi cũng bị “hỏa mù” với chính tôi, chẳng biết lúc nào tôi thật lúc nào tôi giả nữa...
Chị Bông ra ngoài sân trước cắt cỏ đã thấy garage nhà hàng xóm bên cạnh mở toang ra và ông Bill ngồi đấy như thường lệ. Hai vợ chồng ông Bill chỉ có một chiếc xe, họ đậu xe ngoài sân, trong garage sử dụng như một nhà kho để đồ đạc và giữa garage luôn kê một chiếc ghế làm chỗ riêng cho ông Bill ngồi, ông ngồi đấy chỉ để uống một hai lon bia và nhìn ra ngoài. Thế thôi.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.