Hôm nay,  

Thư gửi Ba

29/11/202213:43:00(Xem: 2727)

Tùy bút

altar

 

Một giờ sáng, lạnh

con dế gục đầu vào khe cửa

khản giọng kêu bababababa…

Ba giờ sáng, lạnh

gió lạc giọng thổi ngoài hiên babababa…

bỗng rụng cành cây khô bên thềm nhà

Năm giờ sáng, lạnh

ly trà nóng, nghẹn

rưng rưng mắt con nhòa bóng ba…

 

*

 

Nebraska khoảng 1giờ sáng ngày 12 tháng 9 năm 2022. Con đường hiu hắt ánh đèn vàng. Con đường hun hút vắng im. Chỉ có trăng đi cùng má và các con gái. Út lái xe, tìm đường đến phi trường Kansas để bay về California. Các con gái vừa nhận tin ba vừa đi xa. Bàng hoàng! Thảng thốt!

Con đường khuya và ánh đèn hiu hắt vàng và hun hút vắng và lặng im lặng im. Chỉ có trăng đi cùng má và các con gái. Các con gái lặng im cố nén chặt mọi cảm xúc. Nén chặt đến độ đông cứng. Không chịu tin đó là sự thật. Trăng mười sáu lặng im giữa bầu trời mờ sương se lạnh, mải miết đồng hành cùng chiếc xe đơn độc trên nẻo đường dài thăm thẳm hun hút vắng. Chỉ có trăng đi cùng, vẫn đi cùng chiếc xe chở nặng đớn đau yêu thương. Ba ơi, qua khung cửa bên phải xe, con nhìn thấy ánh mắt nụ cười hiền hậu bao dung của ba in vào vầng trăng. Lần đầu tiên trong đời con hiểu thế nào là yêu thương đến đau đớn, ba ơi!

Má và các con gái tiếp tục vững vàng hướng về Cali với niềm tin tuyệt đối, niềm tin mãnh liệt: Chúa đang ngự vào chiếc xe, gìn giữ tay lái của Út, vây phủ phước hạnh quanh xe, bảo bọc che chở cho mọi người về tới nơi bình an.

 

*

 

Ba ơi! Khi nghĩ về ba, chúng con luôn cảm nhận được niềm hạnh phúc “yêu thương và được yêu thương.”

 

Ba ơi, chúng con cảm ơn ba đã cho chúng con niềm hạnh phúc đó. Và hạnh phúc càng trọn vẹn hơn khi ba là niềm tự hào của chúng con, là Tấm Chắn vững chãi cho mỗi chúng con. Tấm Chắn đó được nung đúc bằng chất liệu yêu thương, nhân từ, độ lượng, tin cậy. Tấm Chắn đó vững chãi đến độ, dù chúng con đứa đã có con có cháu, vẫn cảm thấy bé bỏng khi chạy về ôm lưng ba, dụi đầu vào đó mà hít thở hương thơm tình phụ tử.

 

Ba ơi, nghĩ về ba, chúng con nhớ những câu chuyện ba thường kể bằng giọng Quảng Ngãi mặn mà chân chất. Mỗi câu chuyện là một bài học làm người. Bài học lớn nhất mà ba đã dạy chúng con là bài học Yêu Thương, bằng chính cuộc đời ba: Thời loạn lạc, ngôi nhà ba má ở thị xã, luôn mở rộng cửa cưu mang nhiều bà con ở vùng xôi đậu lên ăn tối, ngủ nhờ. Với chức vụ và công việc của ba, ba đã cứu sống được bao người dân vô tội. Và còn nhiều việc nữa không thể kể hết.

Rồi cơn lốc xoáy của lịch sử đã tung hê tất cả… Gia đình mình tan đàn xẻ nghé. Bầy con của ba, đứa nhỏ nhất chỉ vài tháng tuổi, dại khờ ngơ ngác, bơ vơ côi cút giữa bão tố cuộc đời. Đứa về quê nội, đứa theo má đến miền đất sình lầy. Đời bầm dập nhưng chúng con vẫn luôn giữ gìn nếp nhà yêu thương, hiếu thuận, đùm bọc lẫn nhau.

 

Còn ba, chốn lao tù khổ sai nơi rừng thiêng nước độc, đói lạnh bệnh tật, cận kề bên cái chết, vẫn đêm đêm cặm cụi khắc tên cả gia đình trên chiếc lược bằng vỏ đạn. Bầy con đông nên chiếc lược khá dài, dài theo niềm thương nỗi nhớ. Miếng vỏ đạn thì lạnh cứng mà nét chữ của ba lại ấm áp mềm mại, bởi ba đã gửi gắm vào từng nét chữ bằng cả trái tim yêu thương mong nhớ. Có lần má đi thăm nuôi ba, dẫn theo đứa con nhỏ, đứa nhỏ đó giờ đã 50 tuổi, vừa kể lại rằng ba cứ ôm chặt nó vừa hôn vừa nói “nhớ con quá… nhớ con quá…”

 

Rồi ba ra tù trong bộ quần áo màu nâu đất, xộc xệch rách rưới, chân yếu mắt mờ, vàng vọt tiều tụy, suy sụp, kiệt quệ… Nhưng không lâu sau, ba lại vững vàng, sáng suốt, vẫn là cây cổ thụ che chắn, định hướng tương lai con cái. Lần lượt ba đem các em ở Quảng Ngãi vào Cần Thơ để đoàn tụ, học hành.

 

Sau đó, may mắn đã đến với gia đình mình như nhiều gia đình HO khác, ba đã dắt má cùng chúng con đến xứ sở nầy, để chúng con được sống cuộc đời tự do, được hít thở bầu không khí trong lành.

 

Ba ơi, mảnh vườn nho nhỏ sau nhà được nhiều rau trái tươi ngon, là những món quà yêu thương mà chúng con được nhận vào mỗi cuối tuần khi về thăm ba má. Hổm rày chúng con ăn rau muống, thanh long, chúng con uống nước lựu ép. Từng cọng rau xanh mượt, từng trái thanh long ngọt lành, từng hạt lựu đỏ thắm, từng nhánh hoa thơm… Tất cả, tất cả… đều có bóng dáng ba cạnh má lom khom chăm sóc gieo trồng, vun xới tưới tẩm.

 

Ba ơi! Từ bữa ba vắng nhà, chúng con luôn xúm xít cạnh má. Cùng kể lại những kỷ niệm về ba. Có đứa kể, lần nọ ba tới nhà em, ba ho, em rót nước mời ba uống. Ba cạn chén, em lại rót tiếp. Cứ vậy… nhiều lần… Tối, ba tủm tỉm cười: “Chưa bao giờ ba được uống nước nhiều như bữa nay!” Em hỏi: “Sao ba hổng biểu con đừng rót nữa?” “Bây lo cho ba, sao ba lại không uống!” Kể xong, em chậm nước mắt: “Ba mình hiền quá! Thương ba quá!” Rồi chuyện đứa này bịnh, đứa kia bị tai nạn… là ba gọi thông báo ngay để chúng con cùng chăm sóc nhau! Bao nhiêu kỷ niệm, mà qua đó, chúng con mới nhận ra rằng ba luôn để mắt quan tâm từng đứa, còn chúng con thì nhiều lúc vô tình với ba. Ba ơi, chúng con xin lỗi ba.

 

Vắng ba, nhà trống trải quá, đến nỗi đứa chắt mới 6 tuổi của ba má, vừa bước vô nhà, liền hỏi “Ông cố đâu rồi”. Lúc về nó lại hỏi với vẻ mặt ngơ ngác buồn: “Ông cố đâu rồi?”

 

Mấy năm gần đây, dù tuổi già sức yếu, ba vẫn chăm chỉ đi nhà thờ, học lời Chúa, rất sốt sắng trong nhiều sinh hoạt của nhà thờ. Nhìn ba đứng cạnh má trong ban hát, nhìn ba đọc kinh thánh, chúng con vui mừng lắm. Má con hằng đêm vẫn thích nghe và hát Thánh ca. Bài nào má con thích, ba hăm hở in ra cho má hát. Vậy đó, ba luôn dạy chúng con bằng chính việc làm của ba: Bài học về đức tin, về tình nghĩa vợ chồng.

 

Ba ơi! Ba xa lìa nơi nầy đột ngột quá khiến cả nhà thảng thốt, bàng hoàng, đau nhói, trống vắng, hụt hẫng… cứ ngỡ chỉ là giấc mộng, chỉ là giấc mộng thôi mà ba ơi! Làm sao tránh khỏi nỗi buồn đau quặn thắt nhức nhối khi vắng ba, ba ơi!

 

Nhưng, những lúc tỉnh táo, chúng con nhận ra: sự đột ngột đó lại chính là ước nguyện của ba, vì trước phút chia tay, thân thể ba không hề phải chịu đựng đau đớn. Chúa đã nhậm lời cầu xin của ba: Ba từ giã miền đất tạm nầy thật bình an nhẹ nhàng.

 

Và chúng con cũng nhận ra rằng: Việc ba đột ngột rời bỏ cõi tạm lại chính là lời nhắc nhở chúng con: Hãy sống tốt hơn nữa để khi nhắm mắt xuôi tay, lòng được vui thỏa. Hãy sống bao dung độ lượng nhiều hơn nữa. Hãy sống yêu thương nhiều hơn nữa, bởi vì, chỉ trong tích tắc… Phải, chỉ trong tích tắc thôi, người ta có thể bất ngờ vĩnh viễn xa lìa người thương yêu của mình.

 

Vậy đó! Cho đến giây phút cuối cùng, cuộc đời ba vẫn là bài học cho chúng con: Bài học làm người, bài học yêu thương.

 

Ba ơi! Thân thể ba đã trở về cùng đất, nhưng hình ảnh ba mãi mãi trong tim chúng con. Ba đã sống vuông tròn cả đạo lẫn đời. Chúng con tin chắc rằng giờ nầy ba đang thảnh thơi thỏa nguyện nơi miền vĩnh phúc đời đời.

-- Trương thị Kim Chi

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Người ta nói: “Hết quan là hoàn dân” và chỉ mong có vậy, đừng hết quan hoàn…tàn phế” thì buồn quá! Hôm nay lão Dụng đã tự ngồi dậy được. Lão không nhớ là mình đã nằm như khúc gỗ mục, bất động bao lâu rồi! “Mới đó mà đã lại sang một năm mới. Thời gian bây giờ có nghĩa gì đâu chứ!”: Lão lẩm nhẩm một mình!...
Trong một căn phòng motel nhỏ sạch sẽ gọn gàng chăn ga gối trắng, trên giường phủ một tấm trải lớn có thể dùng làm chăn đắp màu lông chuột, một người phụ nữ nằm khóc, và người đàn ông đang ra sức dỗ dành. Cô gái mếu máo “Anh à, anh X đã bỏ đi rồi!”...
Những ngày cuối tháng tư quân trường Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung vẫn đang cắm trại, chồng tôi chưa về, nhưng trước khi đi anh đã bảo tôi ở nhà có gì thì bám theo cha mẹ và các em để đùm bọc lẫn nhau. Gia đình cha mẹ tôi ở gần nên hai nhà như một...
Tôi bồn chồn liếc mắt nhìn đồng hồ, rồi lại nhìn chừng về phía hội trường đầy ấp hơi người và ồn ào tiếng cười nói. Đã hơn tám giờ mà chương trình vẫn chưa bắt đầu. Chưa bao giờ tôi thấy khó chịu về chuyện giờ giấc như lúc nầy. Thấp thoáng trong đám đông, tôi thấy Khánh đang chạy đôn đáo chừng như kiểm điểm sự có mặt của một số khách “nồng cốt”, để bắt đầu chương trình...
Tiếng hát Cẩm Vân trong trẻo, vút cao, nghèn nghẹn đầy xúc cảm. Tôi buông thả Mi7 và chuyển vội La thứ như chưa muốn ngừng những âm vang cuối. Nốt dứt đoạn ngân dài, tất cả lặng yên, bên ngoài có tiếng gió đêm Sài Gòn vội về, bất chợt...
Tố Như tiên sinh đã để lại cho hậu thế câu thơ tháng ba đẹp như tranh trong truyện Kiều, “cỏ non xanh tận chân trời/ cành lê trắng điểm một vài bông hoa…” Đọc xong câu thơ thì nửa số người đọc đã nhắm mắt lại để hình dung ra bức tranh mùa xuân vẽ bằng thơ; với hai màu xanh, trắng vào tay hoạ sĩ, chúng ta có bức tranh chiêm ngưỡng bằng mắt, nhưng với nhà thơ chúng ta có bức tranh trong trí tưởng tuyệt vời… Tôi nói với ông bạn mê thơ đang ngồi chung bàn cà phê mà mọi người đang nói chuyện thời sự nên không phù hợp với một sáng tháng ba trời mát lạnh vì mưa đêm qua rả rích tới sáng, anh em rủ nhau ra ngoài trời ngồi uống cà phê cho mấy ông bạn còn hút thuốc được thỏa mãn thú tính. Thế là những ông đã giã từ làn khói mỏng bị những ông còn hút thuốc giận cho, rồi cãi nhau.
Đầu tháng Tư, hoa tulip đã vội gõ cửa mọi nhà sau giấc đông miên ngắn ngủi. Mùa Xuân cũng theo hoa tulip trở về, mở ra khúc giao mùa. Trong gió Xuân đầu mùa còn lạnh, ngoài xa trên cánh đồng rừng quê muôn vạn búp non đang nẩy lộc đâm chồi. Cỏ non, cây rừng già vẫn mạnh mẽ vươn lên tràn đầy sức sống. Đàn cá hồi thức giấc bắt đầu vượt thác trở lại quê hương nguồn cội...
Một thời gian ngắn sau Hiệp Định Genève tháng 7, 1954, gia đình chúng tôi rời Phủ Cam dọn vào ở trong khuôn viên trường Đồng Khánh. Măng chúng tôi dạy môn Nữ Công Gia Chánh, và có lẽ vì là một quả phụ với 6 con, nên được Bà Hiệu Trưởng Nguyễn Đình Chi, ưu ái giúp đỡ cho gia đình được sống trong 2 căn phòng trên lầu Ba (bên phải, nếu từ cổng trước nhìn vào). Cùng ở trên lầu Ba sát cạnh gia đình chúng tôi là gia đình của bà quả phụ Trần Thi, mà chúng tôi thường kêu là Dì Hoàn vì Dì là bạn của Măng tôi từ khi 2 người học chung với nhau tại trường Đồng Khánh trong thập niên 30. Gia đình Dì cũng đông không kém gia đình tôi – 7 người. Dì ít cười và có vẻ nghiêm khắc. Các nữ sinh nghỉ trưa tại trường rất sợ gặp “Bà Thi”, dễ bị Bà la rầy hay cho “kỷ luật”, nhất khi bị bắt gặp đi lang thang trong hành lang thay vì phải ở trong phòng học.
Hạo chỉ có cậu Tân là người cậu duy nhất. Mẹ Hạo là chị cả trong gia đình có bốn người con. Mẹ, dì Hiên, cậu Tân và dì út Hậu. Cậu Tân vốn là một nông dân chính hiệu. Hình như cậu học mới qua bậc tiểu học là cậu bỏ cây bút để cầm cái cày, cái cuốc. Đến năm cậu trên bốn mươi, cậu đã có bảy người con, bốn trai, ba gái. Có lẽ cậu thấy cuộc sống làm một người nông dân quá cực hay sao mà cậu nhảy ra tham gia chánh quyền. Cậu được bầu làm xã trưởng...
Những chuyến xe ngập ngừng, chậm chạp lăn trên con đường gập ghềnh để chuyên chở đoàn người đi thăm cha, anh, em, con, chồng ở khắp nơi trong những trại tù, nơi mà lớp người mới gọi là "Trại Học Tập Cải Tạo" nghe ngược ngạo, chua chát nhiều đắng cay. Từ Quốc Lộ 1, phải đi khoảng chừng 2 cây số, trên một con đường mòn, xuyên qua rừng cây gỗ quý cẩm lai là đến trại tù cải tạo Hàm Tân...
Cuộc hôn nhân ngắn ngủi vài năm của Bình với người vợ cũ tan vỡ. Mộng Điệp là người phụ nữ vật chất, đứng núi này trông núi nọ, tính nết đanh đá chua ngoa luôn có những lời nặng nhẹ chê bai chồng không biết kiếm tiền giỏi như người ta...
Chuỗi dài thời gian của quá khứ ta còn giữ được. Giữ được mãi mãi cho đến khi trí đã mòn sức đã kiệt. Giây phút hiện tại coi như chẳng có gì. Nó vuột khỏi tay ta từng sát na rồi cũng tan biến vào quá khứ đề xếp hàng cùng với chuỗi thời gian đã qua. Tương lai là điều chưa có, chưa đến nên ta cũng chẳng làm chủ được gì của những điều ở cõi xa thẳm diệu vợi...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.