Hôm nay,  

Ánh lửa đêm đông

11/25/202213:58:00(View: 4203)
Truyện ngắn

Nông_dân_Việt_Nam

Bé Nga đi học về nhằm lúc chị Liễu đang ngồi sửa áo quần. Bé tò mò đứng lại nhìn: chỉ toàn là đồ cũ. Chắc ai mới cho mệ ngoại đây, bé vừa ngẫm nghĩ vừa bước lại lục mớ đồ bà đã sửa xong. Thấy có tới hai bộ nhỏ cỡ thân hình mình, bé tỏ ra thất vọng:

 

– Mệ nói Tết ni mệ may đồ mới cho con chừ mệ không may nữa à?

 

Nhìn đứa cháu ngoại với bộ đồ thô kệch trên thân, chị Liễu không khỏi chạnh lòng. Chị cảm thấy mình có lỗi vì đã nhiều lần hứa suông với cháu. Lần mới đây chị lại hứa sẽ nhín nhín việc tiêu pha để may cho bé một bộ đồ bận Tết. Thương cháu mà hứa vậy nhưng suy nghĩ lại chị thấy khó quá. Cái nhà cũ của chị hư đâu chèn đó không kịp, lúc nào mà dư tiền? Tình cờ một người quen lại cho chị một số đồ cũ. Tiếc của đời, chị lại thay đổi ý định. Giờ thấy vẻ mặt tiu nghỉu của đứa cháu, chị đâm ra áy náy nói đỡ:

 

– Áo quần ni còn tốt, mệ sửa lại thấy cũng đẹp lắm. Mình nghèo bỏ phí cũng uổng. Thôi năm tới chắc chắn mệ sắm đồ mới cho con.

 

Bé Nga lặng lẽ đi cất sách vở. Chị Liễu nhìn theo cháu thở dài:

 

– Tội nghiệp cháu tôi, từ lúc đẻ ra tới chừ chưa khi mô có được một bộ đồ ra hồn!

 

*

 

Trước kia chồng chị Liễu phục vụ trong một đơn vị địa phương quân. Cưới nhau chưa tròn một năm thì anh bị tử trận. Anh chỉ để lại cho chị một ngôi lều cũ kỹ với một bà mẹ già và một cái bầu tám tháng. Họa vô đơn chí, đứa con gái của chị ra đời chưa được nửa năm thì xảy ra biến cố 1975. Mớ tiền tử tuất của chồng chị lãnh được không mấy chốc đã hết sạch. Hằng ngày chị phải tham gia làm việc với hợp tác xã sản xuất nông nghiệp để nuôi ba miệng ăn.

 

Cái thôn An Lộng của chị nhỏ bé quá, một người ở đầu thôn bị đứt tay không mấy chốc người ở cuối thôn đã biết. Đất cát trong thôn có giới hạn mà dân cư thì mỗi ngày mỗi đông. Một mảnh vườn nhỏ có thể chứa đến ba bốn ngôi nhà: nhà ông bác, nhà ông chú, nhà ông anh, nhà chú em... Mỗi khi xảy chuyện nội bộ lủng củng, có gia đình không có lối để đi ra đường. Ruộng nương cũng vậy, chung quanh các thôn, các xã khác đã khai thác hết nên thôn An Lộng chẳng thể nào nới thêm được một phân, một tấc. Trước 1975, dân An Lộng có một số tập kết ra Bắc, một số khác đi lính Cộng Hòa hoặc làm công chức, ruộng nương trong thôn còn tạm đủ cho số dân còn lại làm ăn, cuộc sống tương đối còn đỡ. Sau ngày thống nhất, một số dân trước tập kết ra Bắc nay hồi hương, một số quân nhân công chức miền Nam cũng qui điền nên ruộng đất thành ra thiếu hụt, cuộc sống nông dân trở nên khó khăn thấy rõ.

 

Chính quyền đã tổ chức lại lề lối làm ăn tập thể như lên đội, lên tập đoàn, cao hơn hết là hợp tác xã. Công việc làm ăn có chỉ đạo, có cải tiến, có phương pháp hơn, được sự hỗ trợ nhiều mặt của chính quyền, tất nhiên thành quả cũng tốt đẹp hơn trước nhiều. Theo báo cáo thành tích của chính quyền là vậy, nhưng thực tế đời sống của dân địa phương lại tồi tệ hơn trước rất xa. Điều này cũng dễ hiểu thôi. Trong tổ chức hợp tác xã, những viên chức như chủ nhiệm, phó chủ nhiệm hợp tác xã, thư ký thống kê, trưởng ban kế hoạch, trưởng ban kiểm soát... đều chỉ là những người lao động gián tiếp, tức là chỉ huy, kiểm soát, lo việc giấy tờ mà không hề cày cuốc. Ở tập đoàn lại có tập đoàn trưởng, tập đoàn phó, thư ký... đều là những người chỉ lao động bán phần. Thế nhưng những viên chức này lại được hưởng chế độ công điểm cao nhất trong tổ chức. Ngoài ra lại còn có những bữa tiệc bồi dưỡng cho cán bộ và những “cá nhân xuất sắc” vào những dịp lễ lạt, liên hoan trúng mùa... Những phí khoản đó đều rút từ ngân quỹ của hợp tác xã ra cả. Tất nhiên, những người dân mạt hạng như chị Liễu không làm sao tránh khỏi cảnh “ăn lưng đọi làm lọi lưng!” Dù hằng ngày họ có trút bao nhiêu mồ hôi của mình xuống cánh đồng cũng không thể nào no được! Huống chi riêng chị Liễu còn phải nuôi thêm bà mẹ chồng đã già và một đứa con dại! Gia đình chị phải lây lất sống cầm hơi qua ngày tháng.

 

Chị chỉ giảm bớt được phần nào cảnh sống đầu tắt mặt tối khi con Mẹt, đứa con chị bắt đầu hiểu biết và có thể giúp đỡ chị những công việc lặt vặt. Nhiều khi chị nghĩ đến Mẹt mà tủi cho con mình! Cũng là cô nhi con tử sĩ vị quốc vong thân cả, nhưng cảnh đời lại trái ngược hẳn nhau! Con người ta – thuộc phe chiến thắng – được bán cửa hàng, được làm cán bộ này cán bộ nọ ngồi mát ăn bát vàng, huênh hoang dạy đời, còn con chị chưa ráo máu đầu đã phải lo kiếm sống, lam lũ như một tên nô lệ thuở xa xưa.

 

Dòng đời cứ trôi, rồi mẹ chồng chị qua đời, rồi con gái của chị cũng đi lấy chồng. Việc chi tiêu giảm, cuộc sống đỡ chật vật hơn, nhưng chị lại buồn vì nỗi cô đơn trống vắng.

Sau này vì lối làm ăn tập thể đã thất bại nên nhà nước đổi sang chính sách khoán sản phẩm cho nông dân. Ruộng đất ít oi không thể nào đủ sống, vợ chồng Mẹt làm thêm nghề vét cát sạn ở lòng sông An Lộng. Chúng cũng chịu cảnh làm việc đầu tắt mặt tối và cũng thiếu thốn quanh năm. Nhưng dù đói thiếu, chúng cũng phải sinh con đẻ cái. Một đứa, rồi hai đứa, rồi lại có bầu...

 

Để đỡ đần bớt nỗi vất vả nhọc nhằn cho con gái, và cũng để giảm bớt nỗi cô đơn trống vắng của mình, chị Liễu tình nguyện đem con Nga, đứa con đầu của chúng về nuôi. Dù bữa no bữa đói, chị vẫn cố gắng thu xếp cho bé Nga cắp sách đến trường.

 

*

 

Giờ đây, từ ngoài nhìn vào, người ta thấy thôn An Lộng như đã đổi lốt. Nhờ vào những chương trình viện trợ quốc tế, chính quyền đã cho xây đắp lại một số đường sá, cầu cống khiến việc đi lại trong thôn trở nên tiện lợi, thoải mái hơn trước. Đồng thời, những cán bộ cách mạng có máu mặt, một số người địa phương có thân nhân di tản ra nước ngoài, cộng thêm một số ít dân giỏi xoay xở cơ hội cũng góp phần làm cho bộ mặt của thôn An Lộng sáng sủa hơn. Số người này đã xây dựng được cho mình một số nhà cửa khang trang, đẹp đẽ. Họ cũng mở được những gian hàng, những quán tiệm với những dịch vụ kinh doanh đáng kể.

 

Nhưng đằng sau cái bộ mặt có vẻ thay đổi đó, đa số dân thôn An Lộng, nhất là thành phần có liên hệ với chế độ cũ, vẫn sống một cuộc sống tối tăm, chật vật. Đời họ gần như thiếu hẳn mùa xuân. Không hẹn nhau mà những ngày lễ tiết quanh năm người ta gần như cùng giả lơ hết. Thậm chí ngày tết Nguyên Đán truyền thống của dân tộc nhiều nhà cũng giả lơ luôn! Trong nhà không có một đòn bánh tét, một dĩa mứt trên bàn thờ. Trẻ con không mấy đứa có áo mới. Nhà chị Liễu cũng ở vào trường hợp đó.

 

Một hôm khi đi làm về, chị Liễu gặp một chị hàng xóm cùng cảnh ngộ cầm mấy tờ giấy đang lật đật rảo bước, chị chận lại hỏi:

 

– Chị Hoàng đi mô mà gấp rứa? Bộ đi kiện ông trời à?

 

Chị Hoàng dừng lại nói nhỏ:

 

– Con Miên bên Mỹ mới về thăm nhà chị biết chưa? Nghe nói bên đó người ta có tổ chức lạc quyên để giúp các thương phế binh và cô nhi quả phụ như bọn mình. Quí thiệt, người ta cũng còn nghĩ tới mình đó chứ! Ai có giấy tờ chứng minh được mình trong diện ấy cứ gởi cho nó đem qua Mỹ may ra được hưởng chút gì hay chút đó! Tôi mới đi phô tô giấy tờ về để gởi đây! Chị còn giấy tờ chi của anh cứ đem gởi thử cho con Miên đi. Còn mấy ngày nữa nó mới trở lại Mỹ!

 

– Thiệt rứa à? Bên đó người ta cũng còn nghĩ tới bọn mình à? Để tôi về tìm còn giấy tờ chi không gởi thử coi!

 

Chị Liễu về nhà lục lọi một hồi may cũng kiếm được một ít giấy tờ cũ. Thật tình chị cũng chẳng mừng hay tin tưởng mấy. Thời buổi này mấy khi người ta thật lòng giúp đỡ nhau? Nhưng chẳng tốn kém bao lăm, mắc chi không gởi? Thế rồi chị đem mớ giấy tờ ấy đến trao cho cô Miên. Hôm sau cô Miên đem trả lại mấy bản gốc cùng mấy bản sao cho chị rồi dặn:

 

– Chị cứ giữ giấy tờ này lại. Biết đâu lại còn có lúc cần!

 

Chị cám ơn cô Miên rồi đem mớ giấy tờ ấy cất lại. Chỉ năm bảy ngày sau chị Liễu đã quên hẳn cái chuyện đó. Thời gian sau này ngoài việc chăm sóc phần ruộng ít oi được khoán, chị phải lo trồng trọt ngọn rau, cây ớt trong vườn hoặc đi làm mướn. Nghĩa là chị vẫn phải quần quật với công việc để nuôi hai bà cháu.

 

*

 

Một buổi trưa cuối đông, lúc đang vói tay cắt mấy tàu lá chuối để bán cho người ta gói bánh tét, chị Liễu bỗng nghe ai đó hỏi lớn:

 

– Mụ Liễu mô rồi ra lãnh tiền ăn Tết tề!

 

Chị Liễu vội ngừng tay nhìn ra ngõ. Chị định nói đùa một câu ý nhị nhưng liền khựng lại. Một người đàn ông lạ dắt chiếc xe Honda đang tiến vào sân.

 

– Bà có phải là Nguyễn Thị Liễu không?

 

– Dạ phải, ông hỏi có chuyện chi?

 

– Có tiền bên Mỹ gởi cho bà. Xin lỗi, chồng bà tên gì?

 

Chị nói tên chồng. Người khách hỏi tiếp:

 

– Xin bà vui lòng cho mượn giấy “chứng minh nhân dân”!

 

Chị Liễu mừng rỡ vội đi tìm giấy tờ. Hóa ra chị có tiền ăn Tết thật!

 

– Bây giờ bà muốn lấy tiền đô hay tiền Việt?

 

– Dạ, tiền đô hay tiền Việt cũng được!

 

– Vậy lấy tiền Việt khỏi mất công đi đổi nhé!

 

Người khách đưa tờ biên nhận bảo chị ký. Chị lẩm nhẩm đọc: Hội Cứu Trợ Thương Phế Binh và Cô Nhi Quả Phụ… Bất giác chị thở dài, nước mắt chị bỗng tuôn trào. Hình như mấy dòng chữ đã làm chị xúc động. Người khách trao cho chị 32 tờ bạc mệnh giá 50.000 đồng Việt Nam:

 

– Đây là một triệu sáu trăm ngàn tức một trăm đô la. Bà đếm lại đi!

 

Chị run run cầm xấp tiền, lí nhí nói lời cám ơn không được rõ. Khi người khách vừa đi khỏi, chị Liễu đếm xấp tiền lại một lần nữa. Vừa lúc đó bé Nga bước vào nhà. Chị Liễu nhìn cháu rồi mỉm cười:

 

– Rửa chân tay mau lên để đi chơi với mệ!

 

– Đi chơi mô mệ?

 

– Tao bảo đi thì cứ đi chứ hỏi chi?

 

Chị lấy ra một cái thúng rồi dùng lá chuối khô lau sạch bụi cả trong lẫn ngoài. Xong, chị bỏ vào thúng một cái dĩa nhôm, giục cháu:

 

– Xong chưa? Đi!

 

Bé Nga sung sướng lộ hẳn ra mặt, lót thót bước theo chân bà nó. Mặt nó càng rạng rỡ hơn khi thấy bà nó tiến vào chợ. Mỗi lần theo bà vào nơi này ít nhất nó cũng được cái kẹo cái bánh. Nhưng lần này bà nó dẫn nó vào thẳng hàng vải:

 

– Con thích màu mô cho lựa đi!

 

Bé Nga ngạc nhiên trố mắt nhìn mệ nó:

– Lựa mần chi mệ?

 

Chị Liễu nguýt yêu cháu:

 

– May áo quần chứ mần chi nữa! Chưa may được thì chục bục cái mặt ra, bộ chừ không muốn nữa à?

 

Bé Nga say mê nhìn những tấm vải. Hình như màu nào cũng tươi sáng, cũng hấp dẫn đối với nó. Chị Liễu chỉ từng tấm hỏi cháu nhưng tấm nào bé Nga cũng gật đầu cả. Sau cùng chị Liễu đành tự chọn lấy – hai loại khác nhau nhưng đều là vải bông.

 

Xong xuôi, chị dẫn bé Nga đến ngay tiệm may gần đó. Bé Nga rất bỡ ngỡ khi thấy người thợ may dùng cái thước dây để đo vai, đo lưng nó. Người thợ hỏi đùa:

 

– May một lần hai bộ à? Nghèo mà chơi sang dữ vậy!

 

– Chừ có chút lộc ngoại may cho luôn chứ biết khi khác biết có tiền mà may không? Chú biết đây là lần đầu cháu được may áo quần mới đó. Tội nghiệp từ trước tới chừ cháu chỉ toàn mặc đồ nính. Gắng may cho cháu kịp mặc trước Tết nghe!

 

Người thợ đo xong chị Liễu lại dẫn cháu đi mua hai hộp mứt, hai hộp trà, một gói đường phèn và cho bé Nga một hộp bánh qui. Bé Nga ngạc nhiên hỏi:

 

– Tiền mô mà mệ mua nhiều rứa? Bữa ni mệ giàu rồi à?

 

– Tiền mệ mới ăn trộm, bữa ni mệ giàu rồi!

 

– Rứa khi mô mệ cho cháu ăn mứt?

 

– Không được nói bậy! Mứt trà ni để mệ lo việc trên đầu trên cổ đã.

 

Thế rồi chị Liễu dẫn bé Nga đến nhà cô Miên. Hai bà cháu vừa bước vào ngõ thì bà Huấn mẹ cô Miên đứng trong nhà đon đả chào:

 

– Hai mệ cháu le te nách thúng đi mô đó?

 

– Dạ, đến chị có chút việc. Lâu ni cô Miên có gởi thư về không?

 

– Có. Tôi cũng mới nhận ít quà Tết của nó hôm rồi. Có việc chi rứa?

 

Chị Liễu để cái thúng xuống. Chị sắp một gói trà, một hộp mứt và gói đường phèn vào chiếc dĩa nhôm rồi trịnh trọng bưng lại nói với bà Huấn:

 

– Có chút quà mọn gọi là chút lòng thành xin chị nhận lấy thảo!

 

Bà Huấn trố mắt ngạc nhiên:

 

– Có việc chi mà cô làm lát lát vậy?

 

– Dạ, nhờ cô Miên nên hồi trưa ni tôi có nhận được một số tiền!

 

– À, tôi biết rồi, chắc tiền cứu trợ cô nhi quả phụ chứ gì! Được bao nhiêu?

 

– Dạ, không dám giấu chị, được một triệu sáu.

 

– Được rồi, cô có lòng tôi xin cám ơn cô. Nhưng tôi cũng mới nhận quà của cháu Miên. Thôi cô cứ đem về mà dùng.

 

– Vẫn biết rứa nhưng đây là chút lòng thảo của mệ cháu tôi, xin chị đừng từ chối!

 

– Cô có lòng như rứa là quí rồi. Cô đem về mà dùng đi, tôi không nhận mô!

 

Bà Huấn hết lòng từ chối nhưng chị Liễu vẫn nhất định không chịu. Cuối cùng bà Huấn vói tay cầm lấy gói trà:

 

– Cô cứ nhất định như vậy thôi tôi xin nhận một gói trà lấy thảo đủ rồi.

 

Chị Liễu bất đắc dĩ chào bà Huấn rồi dắt bé Nga về. Vẻ mặt chị không mấy vui. Nhưng đi được một đoạn đường chị bỗng quay ngoắt trở lại chợ. Chị lại vào hàng vải mua một xấp khác. Bé Nga ngạc nhiên hỏi:

 

– Mệ mua vải mần chi nữa mệ?

 

Chị Liễu cười:

 

– Mi bận đồ mới được cũng cho hai đứa em mi bận với chứ!

 

Tiếp đó chị lại mua cả nửa thúng nếp, một ít đậu đen, đậu phộng cùng một số đồ lặt vặt chất gần đầy một thúng. Chị phải nhờ người ta đỡ lên đầu để chị đội mang về.

 

*

 

Vợ chồng Mẹt dắt hai đứa nhỏ đến nhà chị Liễu vào chiều hăm tám. Nhìn hai đứa nhỏ xúng xính trong hai bộ đồ mới, chị Liễu cười sung sướng hỏi:

 

– Chà, hai cháu của mệ bận áo quần mới đẹp dữ hả? Đứa mô cho mệ mượn bận một bữa đi!

 

Chị ôm từng đứa hôn hít rồi quay vào bên trong gọi:

 

– Con Nga mau dậy ra chơi với em nì. Ngủ chi mà ngủ lắm rứa không biết!

 

Chị lại quay sang vợ chồng Mẹt:

 

– Hai đứa bây vô phụ với mạ lo cúng sớm rồi còn nấu bánh tét nữa chứ!

 

Mẹt nhìn mẹ cười:

 

– Năm nay mạ bảnh quá, có cúng tất niên lại có nấu bánh tét nữa chứ! E mạ tiêu gần hết số tiền người ta cho rồi?

 

– Thì tiền người ta cho mình để tiêu chứ để mần chi? Tiền nớ cũng nhờ ba mi mà có đó! Phải cho mấy đứa nhỏ nó biết ăn Tết là răng một lần chứ! Lâu nay cả ba đứa con tụi bây thật tình đã biết Tết là chi mô? À, cả mi cũng rứa nữa đó chứ Mẹt! Ừ, phải rồi! Cả ba chục năm từ ngày giải phóng tới chừ tao mới có dịp cúng tất niên, cúng giao thừa lại một lần đây chứ! Lâu ni hàng ngày chưa có bữa mô no bụng lấy chi mà lo Tết?

 

Chồng Mẹt,  thằng Thực cũng xen vào:

 

– Chính con cũng chưa biết Tết thật sự ra răng huống chi tụi nó. Gần đây còn đỡ, hồi làm hợp tác xã ngày ba mươi còn ở ngoài ruộng, ngày mồng một lo đi trồng cây nhớ bác. Có hề được nghỉ Tết mô! Cực hết chỗ nói!

 

– Chừ mạ nhờ thằng Thực lo việc trên bàn thờ. Trái cây, bánh cộ, giấy áo mạ đã để sẵn, sắp xếp răng cho khéo thì sắp. Còn con Mẹt phụ nấu nướng với mạ!

 

Mẹt rất ngạc nhiên khi thấy mẹ kho nấu nhiều món quá. Thịt gà bóp, thịt heo phay, thịt heo kho tàu, thịt vịt chắm nước mắm gừng, chả trứng, canh cá, cá thu kho, tôm rằn kho, các loại đậu giá chiên xào… Không món nào nhiều lắm nhưng tương đối đủ vị cho một bữa cỗ của hạng nhà giàu. Mùi thức ăn nóng thơm lựng khiến ai nấy đều nuốt nước bọt… Mấy đứa nhỏ có lẽ thèm quá, đều chạy vào chơi quanh quẩn trong nhà để chờ đợi.

Mẹt tuy cũng thèm nhưng tiếc của, cô hỏi mẹ:

 

– Thức ăn chi mà nhiều dữ ri? Mạ không nhớ mấy lần Tết mình phải ăn cháo khoai bụng sôi rột rột cả đêm à?

 

– Răng không nhớ được? Nhưng mình đói cũng đói rồi, khổ cũng khổ rồi, chừ may có được chút lộc ngoại, không cho mấy đứa nó thỏa mãn một bữa còn đợi khi mô?

 

Tội nghiệp ba đứa nhỏ đứa nào cũng chăm chú theo dõi từ việc đơm múc thức cúng ra chén dĩa đến việc bưng đặt thức ăn lên bàn thờ, đến việc thắp hương, việc vái lạy của bà ngoại và cha mẹ chúng.

 

– Khi mô thì cúng xong mệ?

 

Chị Liễu lẫn vợ chồng Mẹt đều tức cười khi nghe cậu bé út hỏi. Mẹt cười nói:

 

– Mày buồn ngủ cứ đi ngủ đi đã, sáng mai mới xong.

 

Nghe Mẹt nói cả ba đứa nhỏ đều lộ vẻ tiu nghỉu. Chị Liễu không nhịn cười được

 

– Chốc nữa thôi, khi mô hương gần tàn mệ rót nước lên là xong!

 

Một lát sau bé Nga nhắc:

 

– Hương gần tàn hết rồi mệ ơi!

 

Chị Liễu lại cười:

 

– Ừ, mệ đi rót nước đây!

 

Chị Liễu tự đi rót nước cúng đặt lên bàn thờ rồi “bái tất”. Bọn nhỏ có vẻ nôn nóng nhìn theo từng động tác của chị Liễu khiến cha mẹ chúng không khỏi xúc động. Một lát sau cả nhà đã ngồi quanh mâm cỗ. Bọn trẻ hoạt động đôi đũa hăng hái quá khiến Mẹt phải ngăn cản chúng:

 

– Từ từ mà nhai, coi chừng mắc cổ!

 

Chị Liễu cảm động nhìn các cháu:

 

– Ôn ngoại bây đãi đó. Bây cứ ăn một bữa cho bưa đi. Biết ôn ngoại không? Áo quần mới bây bận đó cũng là của ôn ngoại cho cả. Nếu ôn ngoại bây còn sống chắc nhà mình không đến nỗi khổ thế ni mô!

 

Đồ ăn tuy nhiều nhưng chị Liễu chỉ ăn nếm nếm mỗi thứ một chút rồi buông đũa trước ai hết. Chị đứng dậy nói:

 

– Tao rứa là rồi đó. Bây cứ ăn đi và canh chừng đừng để tụi nó ăn nhiều quá không tốt. Còn thì đậy đó tối ăn lại nữa. Chừ tao phải lo chuẩn bị cho xong bánh tét để nấu.

 

*

 

Trời về đêm mùa đông vẫn thường lạnh nhưng chị Liễu vẫn kê bếp nấu bánh trước sân. Chị đặt một cái đòn ngồi bên bếp để ngồi canh lửa. Củi đun toàn là những gốc tre, gốc sắn thô kệch và một ít gỗ tạp. Ngọn lửa bị nồi bánh ngăn cản không bốc cao được, cứ xoắn quanh đáy nồi bập bùng trông khá đẹp mắt. Hơi lửa ấm áp đã dần lôi cuốn cả nhà đến ngồi quanh nồi bánh. Chị Liễu than:

 

– Việc nấu bánh bữa ni hơi bất ngờ nên mạ không chuẩn bị củi được. Chừ phải nấu củi tạp ni mất công canh chừng lắm. Vì rứa mạ phải kêu bây qua giúp một tay. Nhưng thôi, bây vô dọn cho tụi nó ăn lại đi mà về ngủ. Mạ canh chừng một mình cũng được.

 

– Khoảng khi mô bánh mới chín mạ?

 

– Sáng mai.

 

– Rứa chừ mạ phải thức cả đêm à?

 

– Chứ răng nữa!

 

– Vất vả như rứa mạ bày đặt ra nấu bánh mần chi?

 

– Lâu ni mắc ơn nghĩa xóm giềng quá nhiều chừ may có một chút lộc ngoại cũng nên trả bớt cho người ta một chút chứ! Mụ Huấn một đòn nì, mụ Hoàng một đòn nì, o Lý một đòn nì.

 

– Mạ nì, chừ cứ để tụi nó ngồi chơi rồi chốc nữa dọn ăn luôn. Ăn xong cho tụi nó ngủ lại đây cũng được. Còn ba mẹ con mình thay nhau canh nồi bánh.

 

– Ừ, bây tính rứa cũng được. Tao cũng đỡ mệt. Có lẽ giờ ni hàng xóm ngó đến nhà mình họ sẽ ngạc nhiên lắm.

 

– Ngạc nhiên cái chi?

 

– Hơn ba chục năm ni có đêm đông mô mà nhà mình có ánh lửa? Có khi mô đủ cả nhà ngồi quanh bếp lửa như chừ? Lửa ni là lửa ba mi đem từ đất Mỹ về đó! Thấy cảnh ni hàng xóm không ngạc nhiên răng được?

 

Mẹt nghe mẹ nói bất giác cất giọng hát lên một câu hát cũ: “Bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng, trông bánh chưng chờ trời sáng, đỏ hây hây những đôi má đào…”

 

Nhưng Mẹt chợt khựng lại khi nghe mấy tiếng sụt sịt của mẹ. Cô ngạc nhiên quay mặt lại nhìn. Dưới ánh lửa bập bùng Mẹt thấy rõ mấy giọt lệ đang lăn trên má chị Liễu. Không biết chị bị xúc động vì câu hát của con mình hay do ngọn khói nào đó làm chị cay mắt.

 

Ngô Viết Trọng

                                                                                          

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Tôi ước mơ có một ngày nào đó, khi thanh bình thật sự trở về trên nước VN, khi chính thể CS hoàn toàn tan rã, khi con người công chính trở lại làm nền tảng trong xã hội mới, chúng ta sẽ trở về, những ngưới bạn từ thời xa xưa, cùng nhau làm lại một bữa tiệc Tất Niên, mời vong linh các thầy, các bạn, các anh em đồng đội đã chết trong khói lửa chinh chiến, trong các biến cố tang thương của đất nước, trong các trại tù, trên biển…cùng nhập tiệc. Kẻ đang sống cùng người thiên cổ bên cạnh nhau hoài niệm đến một miền thùy dương ngọt ngào nhân tính, một ngôi trường thân yêu giàu truyền thống giáo dục và y đức, một thành phố mến yêu thơ mộng. Để nghe những người quá cố tâm sự về cái chết oan khiên của mình. Được như vậy, hương hồn các vị đó sẽ sớm được siêu thoát và vĩnh viễn an nghỉ chốn nghìn thu. Và chúng ta đây giảm khắc khoải đau thương…
Tôi đã có bốn cái Tết trong trại Panatnikhom và Sikiew, Thailand. Tết đầu tiên thật nhiều kỷ niệm và bất ngờ, vì lúc đó chúng tôi vừa nhập trại trong khi còn hơn một tuần nữa là Tết. Tôi và ba cô bạn đi chung chưa kịp gửi thư cho thân nhân ở nước ngoài để ca bài ca “xin tiền”. Ai lo bận bịu đón Tết thì lo, còn chúng tôi thì lo đi mượn tiền để mua vài vật dụng cần thiết như tấm trải nhựa, tre nứa, dây nilon để làm “nhà” (phải “an cư” mới “lập nghiệp” tỵ nạn được chớ).Khoảng một tuần trước Tết, có một nhóm mấy thanh niên đến thăm vì nghe nói chúng tôi là dân Gò Vấp, nên muốn nhận “đồng hương đồng khói”. Họ là những người trẻ như chúng tôi, nên câu chuyện mau chóng trở nên thân mật và rôm rả
Hỏi thăm ông Hai bán hoa lay-ơn gốc Bình Kiến, nhiều người ngơ ngác hỏi nhau. Tôi lại rảo qua thêm mấy vòng chợ hoa, cũng vừa đi tìm ông Hai, cũng vừa ngắm hoa và ngắm những chậu bonsai bày bán cuối năm, cũng tìm lại mình của gần 20 năm trước, năm nào cũng cứ vào những ngày này, tôi theo ba tôi hóng gió đón sương không hề chợp mắt cùng gian hàng cây kiểng rất bề thế của ba ở đây.
Có lẽ những rộn ràng, hân hoan nhất trong năm không phải là "ba ngày tết", mà là những ngày cận tết. Bắt đầu vào ngày 23 tháng chạp, tối đưa ông Táo về trời. Tất cả mọi sinh hoạt đều hướng về việc chuẩn bị để đón một mùa xuân mới, chào đón nguyên đán và mấy ngày xuân trước mặt. Lúc nhỏ là mùi vải thơm của bộ đồ mới, mùi gạo nếp ngâm cho nồi bánh và hương thơm ngào ngạt cho sàng phơi mứt dừa, mứt bí, mứt gừng ngoài sân. Những đêm ngủ gà ngủ gật ngồi canh bên nồi bánh tét cùng với má, với gia đình xúm quanh. Mùi bếp lửa, mùi khói hương, mùi áo mới lan tỏa của tuổi thơ ngan ngát những ngày xa...
Người ta được nuôi lớn không chỉ bằng thức ăn, mà còn ở lời ru, tiếng hát, và những câu chuyện kể. Chú bé cháu của bà thích được bà ôm vác, gối đầu lên vai bà. Có khi bà mở nhạc từ chiếc nôi cho chú nghe thay cho lời hát, chiếc nôi chú bé đã nằm khi mới lọt lòng mẹ. Có khi bà hát. Bà không ru à ơi, nhưng âm điệu dân gian len vào trong từng lời hát. Chú bé mãi rồi ghiền nghe giọng hát của bà.
Lóng rày tôi hay tẩn mẩn viết về những hồi tưởng tuổi thơ, nhất là những côn trùng ngày xa xưa đó như chuồn chuồn, bươm bướm, ve sầu, dế mèn…Nhiều lúc ngồi nghĩ lẩn thẩn: tại sao vậy? Chắc đó là tâm trạng của người tuổi sắp hết đếm số, tiếc nuối những khi còn cắp sách tới trường. Cắp sách tới trường không phải là chuyện vui nhưng tuổi học trò thì vui thật. Lúc nào, khi nào, chỗ nào cũng toàn thấy chuyện vui chơi. Bạn chơi là người nhưng nhiều lúc là những côn trùng quanh quẩn bên người. Một ông bạn mới gặp nhướng mắt hỏi tôi viết về những bạn chơi nhiều hơn hai chân nhưng chưa thấy nhắc tới bạn của ông ấy. Đó là bọ ngựa. Ông này thuộc loại rắn mắt. Tôi không chung tuổi thơ với ông nhưng chắc ông cũng thuộc loại phá làng phá xóm. Ông kể chuyện ăn me chua trước mấy ông lính thổi kèn trong hàng ngũ khiến mấy ông thợ kèn này chảy nước miếng thổi không được. Tôi thuộc loại hiền nên không có bạn không hiền như bọ ngựa. Ông ta thì khoái bọ ngựa.
“Mày có vợ hồi nào vậy?” chưa kịp chào, mẹ đã ném ra câu hỏi bất ngờ. Tôi lặng thinh. Cục nghẹn trong cổ họng. Tiếng mẹ đã khàn nhưng nghe vẫn quen, vẫn gần gũi, nhưng đặm chút ngạc nhiên và thấp thoáng chút phiền muộn. Hệt như lần hỏi tôi mười mấy năm trước rằng Sao con trốn học. Đường dây điện thoại chợt kêu ù ù, như thể có máy bay hay xe vận tải cơ giới hạng nặng chạy qua chỗ mẹ đứng. Cũng có thể tại tai tôi ù. Tôi cũng không chắc lắm. Giọng nói mẹ chìm vào khối tạp âm hỗn độn. Mẹ lặp lại câu hỏi trong tiếng động cơ rì rầm. Rồi tất cả im vắng bất ngờ. “Hở con?” Mẹ nói.
Bê, con trai của Mẹ, đã theo Mẹ đến giảng đường từ thuở còn trong bụng Mẹ. Suốt thời gian đại học của Mẹ, Bê có nhiều đóng góp khác nhau theo từng thời kỳ. Khi Mẹ làm bài kiểm tra môn Đầu Tư và Tài Chính trong lục cá nguyệt đầu tiên, Bê mới ba tháng tuổi. Mẹ nhẩm tính, bài thi một tiếng rưỡi, đi về từ nhà đến trường thêm một tiếng rưỡi. Như vậy, Bê phải xa Mẹ ít nhất ba tiếng đồng hồ. Mẹ biết tính Bê, mỗi hai tiếng đồng hồ Bê oe oe đòi bú sữa Mẹ. Bê xấu đói lắm, đòi mà không được, Bê nhăn nhó um sùm. Ngày hôm đó, dì Thành đến giữ Bê. Dì Thành rất hồi hộp. Dì chưa có em bé, chẳng biết phải làm sao cho đúng ý Bê. Mẹ thi xong, phóng ra xe về nhà. Mẹ bắt đầu sốt ruột. Mẹ xa Bê đã hơn ba tiếng đồng hồ. Giờ này Bê chắc Bê đã thức giấc. Hy vọng Bê chịu khó nhâm nhi món trà thảo dược cho trẻ sơ sinh trong khi chờ Mẹ về. Thời đó chưa có điện thoại di động. Bởi vậy, có lo cũng để bụng, chứ Mẹ chẳng biết làm sao. Mẹ ba chân bốn cẳng chạy ba tầng lầu. Vừa đến cửa đã nghe tiếng Bê khóc ngằn ngặt.
Khi chơi những bản nhạc hay, Khang khóc theo giai điệu. Mước mắt chảy, tay kéo tình xuống lên, thân hình diệu dẻo theo cảm hứng. gần như mê cuồng, không biết mình là ai. Tôi cảm nhận được cái hay xuất thần nhưng không hiểu. Khang nói: -- “Cậu Út biết không, cái hay của âm nhạc làm cho lòng sung sướng nhưng cái đẹp của âm nhạc làm cho hồn cảm động. Khi món quà quá lớn, quá sức yêu, không thể cười, chỉ có thể khóc.” Tôi nghĩ, những lúc như vậy, Khang không chơi đàn, mà múa với hồn oan.
Tôi làm việc giữ xe cho một casino ở ngoại ô Toronto, gọi là parking attendant. Đó là nghề mà thanh niên ít chịu làm, phần vì lương thấp, mức tối thiểu, hồi đó 5 đồng một giờ, nhưng lý do chính là vì nó buồn. Bãi đậu xe nằm dưới hầm tối, không nhìn thấy người qua lại, nếu ở ngoài trời cũng sau lưng nhà cao tầng. Không ai làm chỗ đậu xe ở khung cảnh xinh đẹp, nơi ấy dành cho hàng quán. Đi học ban ngày, tôi làm thêm ban đêm là việc thích hợp, có thể thỉnh thoảng ngồi học bài. Nhân viên trong phiên gác trước tôi là cô gái bằng tuổi hoặc cùng lắm lớn hơn một hai tuổi, nhưng không hiểu sao cô vẫn có thói quen gọi tôi là em và xưng chị.
Anh cho xe dừng lại nơi góc đường rồi đi bộ về phía căn nhà. Tuyết đang rơi dầy đặc trắng xóa cả bầu trời, đúng là một White Christmas như nhiều người mong muốn. Những ánh đèn màu trang hoàng trước sân các nhà nhấp nháy vui tươi như đang mừng đón Chúa Hài Đồng giáng trần. Anh bước lên bậc thềm gỗ, bước rón rén đến cửa sổ nhìn qua tấm rèm mỏng, hơi giật mình sựng lại khi thấy ba mẹ con cô ấy đang dọn bữa ăn đêm Noel. Hẳn là họ vừa đi lễ về, anh thầm nghĩ. Nhìn đứa con trai mười ba tuổi và đứa con gái mười một tuổi giúp mẹ sắp xếp bày biện thức ăn trên bàn, anh thoáng chút xúc động và an tâm vì các con đã lớn, có thể đỡ đần mẹ trong nhiều việc nhà, anh cũng thấy bớt đi mặc cảm tội lỗi của mình.
Chuyện xảy ra trên một chuyến xe Greyhound. Xe đò Greyhound có vẽ con chó sói xoải cẳng phi nước đại bên hông là thứ nối liền các thành phố bên Mỹ và Canada. Nhiều người trong chúng ta chắc đã từng ngự trên những chuyến xe xuyên liên bang này. Tôi cũng đã từng xuôi ngược với Greyhound. Từ Montreal qua Washington D.C. thăm bạn bè dân thủ đô nước Mỹ như các ông Dzương Ngọc Hoán, Nguyễn Tường Đằng. Từ Vancouver qua Portland thăm ông Từ Công Phụng. Từ Seattle về Vancouver sau khi cưỡi du thuyền đi Alaska thăm mấy chú gấu tuyết. Nói như vậy để thấy tôi cũng có chút kinh nghiệm khi chen vai thích cánh cùng những người không có hoặc ngại lái xế riêng.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.