Hôm nay,  

Ngải

04/11/202200:00:00(Xem: 2322)
 
1
 
Bước ngắn bước dài, người đàn bà tập tễnh trên nền đất lạnh băng. Những ngọn lá đen ngòm ngoi ngóp trong vũng đêm nhầy nhụa. Nước sông ọc ạch gãi vào bờ đất. Gió hiu hiu vớt lên từ mặt nước lăn tăn lấp lánh ánh sao cái mùi tanh tanh ngai ngái của đất bùn. ếch nhái gọi nhau inh ỏi.
            
Người đàn bà đưa tay bịt mũi khi bất chợt cánh gió hiu hiu xộc vào mũi một mùi khăng khẳng.
           
“Bà nó, cái thứ cóc chết!” Chị rủa thầm. Tiếng chó sủa vu vơ đâu đó trong thôn khuấy động cái im vắng của canh khuya. Người đàn bà đưa tay níu gấu váy. Chiếc váy đụp, trải qua bao năm tháng đã cứng lại, dầy như miếng mo cau, cứa vào cổ chân chị nham nhám. Người đàn bà vẫn rón rén đếm những bước khập khiễng trong đêm mờ tối.
            
Chị nhớ rõ từng mô đất nhấp nhô ở khoảng bờ sông này. Hàng ngày chị vẫn lảng vảng quanh đây vớt dăm ba con tép, lắt nhắt như những mảnh móng tay cắt vụn, đem về kho đen quánh cả đáy nồi, ăn rỉ rả với những bát cơm rắc đầy những thóc. Gió luồn những ngón tay ma quái qua lớp vải áo, mấy mò chiếc yếm ngực làm chị rùng mình. Chính khoảng bãi sông này, năm ngoái năm kia người ta đã trôi sông một đôi gian phu dâm phụ trên chiếc bè đóng bằng những róng tre dầy đặc những mắt.
            
Cặp tình nhân ấy trôi đi, biền biệt. Không bao giờ biết được họ đã về đâu. Nhánh sông này ở thượng nguồn. Chiếc bè mỏng mảnh ấy trôi xuống hạ lưu, qua bao nhiêu bờ lau lách, qua bao nhiêu bãi sậy hoang vu, nghe đâu còn một vài ghềnh thác cheo leo trên con đường đổ ra biển cả. Đôi tình nhân bất hạnh hẳn giờ đây đã là những hồn ma vất vưởng đâu đó trên bờ nước bập bềnh sóng gợn. Ý nghĩ làm người đàn bà rùng mình. Chị ngó quanh quất. Chị rụt rè, rón rén, co ro như người con gái lỡ thời tìm nơi hò hẹn với tình nhân. Tiếng chân chị nhem nhép trên mặt đất ẩm. Chị nghe tiếng nước óc ách, đu đưa bên bờ đất. Đã thận trọng bước thật chậm mà chân chị cũng vấp vào một kè đá lạnh băng. Chị suýt soa kêu đau. Cả người chị nổi gai không biết vì hồi hộp hay vì cái sỗ sàng của gió khuya vớt lên từ mặt sông cái lạnh ma quái của bến vắng đập vào da thịt. Chị ngừng lại nghe ngóng một lát, rồi thoăn thoắt rảo bước trên bến đá. Có cái gì đó lù lù trong đêm thẫm, trông như một bóng người sừng sững trên kè đá. Hơi thở người đàn bà hụt hẫng. Toàn thân chị run rẩy, háo hức như người con gái muộn màng ra chào đám thân bằng quyến thuộc của một người con trai đi xem mắt vợ. Chị mím những ngón chân lên mặt tảng đá sần sùi. Trong đêm khuya khuắt, lẫn trong tiếng côn trùng rỉ rả bỗng bật lên một cơn ho rát ruột. Trái tim người đàn bà thắt lại. Chị rảo bước, tiến nhanh về phía cái bóng lù lù, sững sừng trong đêm ấy.
            
“Này!” Chị lên tiếng trước bằng giọng thì thào.
           
 “Ai đấy?” Giọng khàn khàn của một người đàn ông đáp lời chị. Chị yên tâm bước lại gần cái bóng đen kỳ dị.
           
 “Đang ngủ đấy à?”
           
 “Nhà chị là ai thế?” Người đàn ông nhấm nhẳng.
            
“Tôi...” Người đàn bà ngập ngừng đến sát bên bóng người. Chị nghiêng đầu, xăm xoi bóng tối, cố tìm khuôn mặt người đàn ông. Dưới ánh sao lờ mờ, chị bắt gặp cái đầu mọc ra từ chiếc cổ dài ngoằng, đổ lòa xòa một bối tóc rũ rượi. Hai cái vai nhô cao như hai mỏm cây bị đốn. Hai tay người đàn ông quặt ra phía sau. Những vòng dây đen đúa quấn chặt quanh người gã, như con trăn siết mồi.
           
 Từ phía dưới mớ tóc rối bù, cái giọng thều thào đàn ông lại thoát ra, “Ai đấy?”
            
Người đàn bà ngập ngừng, “Tôi. Ngải đấy mà.”
           
 “À,” Người đàn ông ậm ừ, mệt mỏi. “Bắt hộ con châu chấu ở lưng áo cái nào.”
           
 “Ở đâu?” Người đàn bà lại hồi hộp.
           
 “Cổ, lưng, nhảy tanh tánh từ đầu hôm đến giờ, đến khó chịu!”
           
 Người đàn bà bước sát đến bên người đàn ông. Những sợi tóc tanh tanh của gã quệt cả vào mặt chị. Chị kiễng chân lên, cố lùa bàn tay vào dưới lớp áo lưng người đàn ông. Tim chị đập như trống làng báo cướp. Bàn tay chị kẹt lại giữa những vành xương sườn cong và cây cột đá phía sau lưng gã.
           
 “Được chưa?” Người đàn ông nôn nóng.
           
 “Có thấy gì đâu.”
           
 “Rõ là đồ ăn hại!”
            
Câu nói của người đàn ông làm người đàn bà rút ngay tay ra. Chị lườm gã. Nhưng gã chỉ thoáng ngước lên nhìn chị rồi lại gục ngay cái đầu rũ rượi xuống trước ngực. Mái tóc lòa xòa như tấm màn che kín khuôn mặt.
            
Người đàn bà thấy thương hại gã. Chắc gã đau đớn lắm. Và hẳn gã đói lắm. Tần ngần một lúc, chị hỏi vẩn vơ, “Sao lại đi ăn trộm thế?”
            
Người đàn ông ngẩng cái đầu nặng nề lên, nhìn chị một lúc lâu như không hiểu chị nói gì. Nhưng chị không nhắc lại câu hỏi. Chị chỉ nhìn gã. Chị cố nhìn sâu vào mắt gã. Bóng tối làm những đường nét trên khuôn mặt gã nhòe nhoẹt. Mùi khai bọc lấy gã như lớp kén cuốn quanh con sâu. Cái mùi nồng nặc ấy làm chị nhăn mặt. Nhưng khuôn mặt nhòe nhoẹt bóng tối của gã thì lại làm lòng chị nao nao.
            
Chị ngã giọng hờn dỗi, “Hỏi, sao không nói?”
            
Gã lặng thinh.
            
“Sao lại đi ăn trộm của người ta?”
            
“Đói!”
            
Gã ném vào mặt chị tiếng trả lời sỗ sàng. Hơi thở hôi từ miệng gã làm chị nhăn mặt. Chị sấn sổ nhìn vào cái mặt trắng xanh lờ mờ dưới ánh sao, cái mặt có những vết bầm tím, cái mặt có cặp môi xám xịt rươm rướm một sợi máu đen thẫm vạch xuống chiếc cằm nhọn.
            
Giọng chị sừng sỏ, “Người ta đói đầy ra đấy, ai cũng đi ăn trộm cả à?”
           
Gã không thèm trả lời. Người đàn bà nhìn trừng trừng vào mặt gã, thấy ánh lên một tia sáng bất chợt, chỉ một giây thôi, rồi mắt gã lại tối đi, và cái đầu nặng nề gục xuống. Tóc đổ rèm chắn lại tia nhìn tra vấn của chị. Mùi khai quẩn trong gió, làm mũi chị cay cay.
           
“Chúng nó đánh có đau không?” Giọng chị mềm xuống.
            
“Hỏi ấm ớ, dở hơi!” Gã gắt, đầu vẫn gục xuống trước ngực.
            
Câu nói của gã làm người đàn bà bừng bừng nổi giận. Đồ vô ân bạc nghĩa. Thử hỏi lúc gã bị bọn lính tuần đánh đập, bị dân làng hùa nhau ném đá, ngoài chị ra có ai dám nói đỡ cho gã lấy một câu. Vậy mà cái con người vô ân bạc nghiã này lại giở cái giọng xách mé ra với chị như thế. Chị khuỳnh hai đầu gối, chị rùn đôi vai lên cao như con gà chọi sắp lao vào đối thủ, chị chống hai bàn tay lên thắt lưng. Và tay phải chị chạm vào nắm cơm còn hâm hấp nóng. Gói cơm bọc lá chuối vùi bên trong cái ruột tượng.
            
Hẳn thái độ của chị làm gã áy náy. Gã nhỏ nhẹ bằng giọng kể lể, “Đau chứ sao không.”
            
Câu nói bất chợt của gã làm lòng người đàn bà nao nao. Thoáng chốc, chị quên bẫng những giận hờn.
            
“Ăn cơm không?”
            
Cái đầu người đàn ông bật lên, đôi con mắt láo liên càn quét chị. “Cơm đâu?”
           
 “Để trong thắt lưng.”
           
 “Tưởng chết đói rồi...”
            
“Thế người nhà không cho ăn à?”
            
“Người nhà nào?”
           
 “Ông chú ấy thôi!”
            
“Cái lão Mục ăn mày ăn nhặt ấy nói làm gì!” Giọng gã trở nên bực bội, “Cơm đâu?”
            
Người đàn bà cuống quýt cởi dây thắt lưng. Gấu váy chị đong đưa trong gió nhẹ. Chị run như thể sắp phạm tội tầy đình. Những ngón tay thô kệch luống cuống cởi những mối thắt bên hông chị. Tiếng chó sủa đâu đó trong làng nhắc nhở chị về đám lính tuần thường thả bộ khắp làng trên xóm dưới.
            
“Lâu thế!” Người đàn ông sốt ruột gằn giọng.
            
“Ban nẫy vội, thắt cái nút, thành ra...”
            
Loay hoay một lúc, những nút thắt mới bật ra. Trong chớp mắt, cái váy người đàn bà chụp xuống chân chị, như một tàng cây gẫy. Đôi chân trắng nhờ nhờ hiện ra trong bóng đêm. Người đàn bà nóng ran cả châu thân. Chị cuống quýt kéo váy lên, túm chặt ở trước bụng. Cái thắt lưng của chị rơi xuống bờ đá phát ra một tiếng động lẻ loi trong đêm vắng. Chị cúi xuống, nhặt nó lên, một tay giữ mép váy, một tay tuồn nắm cơm ra khỏi cái ruột tượng. Chị đặt nắm cơm xuống mặt kè đá, vội vàng buộc thắt lưng lại cho chắc. Chị liếc người đàn ông. Bóng đêm xóa nhòa khuôn mặt gã, nhưng chị vẫn hình dung ra được đôi con mắt gã nhìn chị hau háu. Cặp mắt toát ra cái gì đó làm những ý nghĩ trong đầu chị xôn xao như bầy ong vỡ tổ.
            
Chị bẻ nắm cơm ra, đút cho người đàn ông. Gã ăn vội ăn vàng, cắn cả vào ngón tay chị. Chị suýt soa mắng yêu gã. Gã ăn ngấu nghiến hết nắm cơm rắn chắc trong chớp mắt.
            
“Mấy hôm không ăn uống gì rồi nhỉ?”
            
“Hai hôm.”
            
Người đàn bà thầm thĩ suýt soa.
            
“Hôm qua chúng nó còn cho ăn cho uống, hôm nay cả lũ nhà chúng nó bỏ đi đâu hết.”
            
“Uống nước không?”
            
Gã gật đầu. Chị men xuống bờ sông khum hai lòng bàn tay lại với nhau để múc nước cho gã. Nước sông lạnh buốt đôi bàn tay người đàn bà. Chị đi lên đi xuống hai ba lần mà lần nào lên đến nơi nước cũng đã rỉ ra hết qua những kẽ tay. Sau cùng chị nhìn quanh quất. Đêm tối thế này chả ai thấy được gì. Gã thì bị trói xoay lưng về phía chị. Chị cởi vội áo ngoài rồi mau mắn cởi yếm, nhúng xuống nước, vắt sơ, đem lên đặt vào mồm gã. Tiếng chùn chụt lúc gã mút nước từ cái yếm làm thân thể người đàn bà bừng bừng cơn sốt.
            
“Còn đói không?” Chị nhỏ nhẹ hỏi.
            
“Đỡ rồi!”
            
Chị lẩm bẩm như người đàn bà cằn nhằn chồng, “Đáng cái tội ăn trộm! Sức trai mà không chịu đi cày đi cấy với người ta...”
            
“Câm mồm!” Gã hất cái đầu lên, gân cổ với chị. “Xấu như ma mà lên giọng dạy đời...”
            
Câu nói của gã đập vào mặt người đàn bà như cơn mưa rát mặt ngày bão lớn. Bất giác chị đưa tay vuốt mặt. Da mặt chị dầy lên, bì bì, săn cứng. Cái yếm nhúng nước chưa kịp vắt khô trĩu nặng bàn tay, còn lách tách rỏ nước xuống bàn chân bám đầy bùn đất. Bà xấu như ma thì mặc xác bà. Mọi người đều biết cả rồi. Cả làng này đều biết cả rồi. Cả mấy nghìn nhân khẩu ở cái làng này từ ông tiên chỉ xuống tới thằng mõ làng đều biết bà xấu như ma rồi. Nếu bà không xấu thì bà đã có chồng có con như người ta cả rồi. Rồi thì bà đâu có tội vạ gì đêm hôm đem cơm nắm ra nuôi thằng ăn trộm. Bà xấu mà bà có làm hại ai. Nhờ ông giời ông ấy cho bà xấu nên bà mới yên thân mà sống lây lất ở cái chòi ven sông ở đầu làng, đêm đêm bà ngủ không sợ thằng lý râu quặp lân la; cũng chẳng sợ đám lính tuần mò mẫm; không sợ đến cả những thằng ăn trộm ăn cắp táy máy chân tay. Bà không những xấu mà bà còn thọt chân nữa đấy. Thằng giời đánh ạ! Cái đồ ăn trộm vong ân bội nghĩa. Trong khoảnh khắc, đầu óc người đàn bà chật ních những lời chửi bới. Da mặt chị dầy lên, mũi chị nổi gai, môi chị nứt nẻ vì căm giận. Đã vậy, gió còn luồn vào manh áo trống trải của chị những ngón tay vuốt ve, châm chọc.
            
“Lần này thì giối già. Nhất định là tớ thôi ăn trộm rồi!” Người đàn ông chợt nói. Giọng thành khẩn của gã làm tắt ngấm cơn giận trong lòng người đàn bà.
            
Chị hất mặt lên, lẩm bẩm, “Ai mà tin!”
            
“Thật đấy.”
            
“Thề đi.”
            
“Thề đấy!” Gã bỗng bật lên một cơn ho khan.
            
“Ốm rồi đấy. Gió máy thế này...”
            
Người đàn bà chuyển cái yếm qua tay trái cho đỡ mỏi. Một ý nghĩ táo bạo chợt nẩy ra trong đầu chị.
            
“Muốn tôi cởi trói cho không?”
            
Người đàn ông nhìn sững chị. Bóng đêm nhòe nhoẹt khuôn mặt gã. Chị nhìn chăm chú vào hai con mắt ti hí. Ông bà mình dạy có sai đâu. Chị thầm nghĩ. Những người ti hí mắt lươn, trai thì trộm cắp, gái buôn chồng người. Nhưng mà thôi. Thưởng phạt đã có trời đất, thiên địa. Chị thấy chuyện phải thì chị làm. Vậy thôi. Bàn tay phải chị sờ soạng ngang thắt lưng gã. Những ngón tay chị chạm vào sợi dây thừng sần sùi.
            
“Này, chúng nó sai mình ra đánh lừa tớ đấy hả?” Gã hỏi, giọng châm chọc.
            
“Đây không phải thứ hùa!” Chị ngắt lời gã. Hình ảnh đám dân làng vây quanh gã. Sỉ vả, nguyền rủa gã bằng những lời lẽ văn vẻ, vần xuôi vần ngược. Bọn đàn ông đàn bà ngày thường hiền lành lam lũ nhưng khi đi coi xử tội hắn, cũng hùa theo bọn lý hào đòi lột da dồi trấu hắn. Ngay đến lũ trẻ con ngày thường hiền lành như củ khoai củ đậu, đến lúc có vụ xử, cũng xôn xao náo nức như đi hội, đứa nào cũng lăng xăng đi tìm đá để ném thằng ăn trộm. Chỉ có chị là không thế. Chị xấu nhất làng nhưng chị ăn ở có trước có sau...
            
“Người ta trốn đi rồi lính lệ bắt đằng ấy tra hỏi thì sao?” Gã băn khoăn.
            
Chị chép miệng, “Đứa nào thèm bắt cái con mẹ xấu như ma lem này!”
            
“Cứ nói thế!”
            
“Chứ không à! Để tôi về lấy con dao. Cái dây quỷ này chắc ghê đấy!”
            
Và người đàn bà liều lĩnh lùa những ngón tay thô nhám vào mái tóc rễ tre của gã. Cái đầu có sừng có sẹo. Cái đầu bị trúng đá của bọn trẻ con, sưng vù vù. Bàn tay chị tuốt dần xuống má gã. Máu khô rin rít da tay chị. Trong một thoáng, chị nhắm nghiền hai mắt. Và chị cảm được cái đầu gã giũi vào lòng bàn tay chị, như đầu con mèo nũng nịu với chủ.
            
Người đàn bà chạy biến vào đêm tối. Đôi chân tật nguyền của chị giã thùm thụp xuống nền đất lạnh những tiếng động cao thấp nghe như tiếng chày giã gạo không đều tay. Cái yếm ướt văng mất lúc chị vấp ngã bên kè đá. Cái yếm một bà nhà giầu trong làng trả công cấy thuê của chị năm trước. Cái yếm duy nhất của người đàn bà cô độc. Không có thì giờ tìm kiếm, chị vùng ngay dậy, tuông chạy vào đêm tối.
            
Chị đem con dao cùn ra bờ sông, hì hục tìm mối thắt sợi dây thừng buộc siết quanh người tên ăn trộm. Mùi mồ hôi đàn ông lạ lẫm thốc vào mũi chị, váng vất chút mùi khai nước giải làm chị ngầy ngật. Bàn tay chị rờ rẫm quanh bụng hắn, luồn ra phía sau cây cột đá. Cái bụng người đàn ông thót lại lúc những ngón tay chị mài vào khoảng thịt da mềm mại. Trong lúc hai cánh tay mỏi rời rã, chị vừa cứa lưỡi dao cùn lên sợi dây thừng, vừa hình dung cái ngày gã “nên người” với thiên hạ.
            
Gã sẽ phải đi xa. Đồng đất nước người. Tìm lấy một việc gì đó, chuyên cần làm ăn, rồi cũng có đồng ra đồng vào, rồi cũng có một cơ ngơi đáng kể. Lúc ấy, biết gã có còn nhớ đến con mẹ Ngải này không nhỉ. Mí mắt người đàn bà cay cay. Chị chớp mắt liên hồi như vướng bụi. Khi mối dây cuối cùng bật ra, lưỡi dao xém vào ngón tay người đàn bà. Trong bóng tối, chị thấy một giòng máu ứa ra, bò vào lòng bàn tay chị như con giun oằn oại.
            
“Ôi giời!” Người đàn ông rên lên sung sướng. Gã vươn vai, suýt soa vì tê bại. Gã giũ áo cuống cuồng, “Bà nó, cái con châu chấu!” Gã vung vẩy bàn tay. Vặn mình vặn mẩy. Xương cốt dãn ra kêu lụp cụp.
            
Người đàn bà nắm bàn tay bị chảy máu lại, dấu biến cái giòng máu đen ngòm đang ri rỉ chảy. Chị đẩy nhẹ nắm tay vào lưng gã, “Đi ngay đi. Đi tìm cái việc gì đó, làm ăn với người ta, cho nó khỏi khổ cái thân. Mai kia còn có đồng ra đồng vào...”
            
Thoắt một cái, bóng người đàn ông chìm nghỉm vào vũng đêm đặc nghịt. Lạc trong tiếng giun dế râm ran, chợt vang lên tiếng nước rót xuống mặt sông, tồ tồ, rôm rả. Rồi tiếng chân người chạy thình thịch xa dần và loãng đi vào những âm thanh quen thuộc của canh khuya.
            
Người đàn bà đứng ngẩn ra bên cây trụ đá lù lù trong đêm tối, lòng trống trải như căn chòi không cửa nẻo. Cây trụ này nghe đâu đã có ở bến sông hàng nghìn năm trước, cái thời bọn Thái Thú bên tàu sang cai trị mảnh đất An Nam khốn khổ này, dùng làm pháp trường. Chị nghe dân làng nói thế. Cái trụ đá linh thiêng như một vị thần đầy quyền biến của cõi âm.
            
Đêm nhờn nhợt sương. Lạnh. Bất chợt tiếng cú rúc từ lùm cây rậm bên sông xoáy vào trái tim người đàn bà những mũi dao. Chị rõi mắt nhìn đăm đăm vào khoảng đất hoang bên kia sông. Đêm tối bưng lấy hai mắt chị. Chị chẳng làm sao thấy được bờ bên kia. Bãi sông đen ngòm mở vào khoảng tăm tối nhòe nhoẹt của âm ti, địa ngục.
  
2
  
            
“Này, nhà chị có biết nó trốn đi đâu không?”
            
“Biết! Các ông làm như tôi dấu được nó trong cái váy đụp này không bằng.” Vừa đốp chát, người đàn bà vừa vỗ đồm độp vào hai mảng đùi rắn chắc. Cái váy đung đưa quanh hai đầu gối chị.
            
Tiếng cười lại rộ lên.
            
“Biết đâu đấy!” Tiếng một người đàn ông cắt ngang, nghe như một câu lỡ miệng.
            
Người đàn bà trừng mắt nhìn quanh, tìm kiếm kẻ đã cả gan châm chọc chị. Cả làng này đã moi móc chọc ghẹo chị ngay từ cái hôm người ta phát hiện ra là tên tù đã trốn mất. Nhưng người ta chỉ nói cạnh nói khóe, nói xa nói gần. Chưa ai dám xúc phạm đến chị một cách trơ tráo như vậy. Chị nhìn đăm đăm vào từng khuôn mặt. Những khuôn mặt đàn ông nhâng nhâng, lảng đi, ra vẻ lơ đãng nhìn trời mây, cây cối. Cái lũ trượng phu chỉ giỏi về hùa ấy không dám nhìn chị. Những khoé cười đểu tung tóe trên mặt họ. Những người đàn bà trâng tráo xăm xoi chị bằng mắt. Họ cũng không dám nhìn thẳng vào mắt chị. Mắt họ nhìn đăm đăm vào khung ngực phong phanh chiếc áo cánh nhầu nhò của chị. Cái yếm không còn, chị cảm thấy như người trần trụi, nổi gai. Rồi họ nhìn xoáy vào bụng chị. Chị chống hai tay vào cạnh sườn. Chị nhìn trừng trừng vào mặt từng người. Những con mắt đảo đi, bâng quơ tránh né tia nhìn của chị.
           
 “Thằng ăn trộm trốn đi đâu kệ bà nó. Sao lại đi hỏi người ta nhỉ!” Chị gay gắt.
           
“Bởi vì hôm ấy chỉ có nhà chị mới ra miệng bênh nó...”
            
“Không bênh để mấy ông mấy bà đánh chết người ta à.” Vẩy tay lên xua con ruồi trâu vù vù bên tai, chị thao thao tiếp, “Tội gì thì cũng có luật có liếc hẳn hoi. Cứ xúm vào mà ném đá người ta... Luật nào hay thế!”
            
“Nó là gì của nhà chị mà nhà chị bênh nó?” Một người đàn bà nhau nhảu hỏi.
           
 Đám đông nhao nhao hùa theo. ừ thì hẵng hỏi nhà chị, thằng ăn trộm là gì của chị. Phải có dây mơ rễ má gì thì mới có tình có ý với nhau như thế chứ. Hay là anh chị đã lẹo tẹo với nhau từ lâu rồi. Rồi lại đẻ ra cái giống ăn trộm mất thôi! Hàng chục cái miệng nhao nhao, hệt như cái lúc làng nước đang xử tội người đàn ông.
            
“Nếu mày không cởi trói cho nó thì có sức voi nó cũng không cởi sợi dây thừng ấy được.” Tiếng một bà lão, khàn khàn nhưng chắc nịch cái lý luận buộc tội.
            
Cơn giận ứa lên tới cổ người đàn bà khiến chị tưởng mình sắp nổ bung ra như con pháo tết. Mặt chị bừng nóng. Cả người chị cũng nóng; nóng hơn cả hơi nóng của mặt trời mùa hạ đang hừng hực đổ xuống vạn vật, vặn cong queo cả những tấm lá còn xanh mướt. Mồ hôi chị tươm ra đẫm hai thái dương. Mồ hôi bò loanh quanh trên trán, dưới cằm chị ngứa ngáy khó chịu. Hai bàn tay chị nắm lại, run rẩy.
            
“Cởi trói cho thằng ăn trộm trốn đi, nó trả ơn mày cái gì, hở con ranh?” Một ông cụ vừa nói vừa quặt tay ra sau, đấm đấm cái lưng còng. Chị lừ lừ nhìn ông lão. Lão Mục; ông chú họ thằng ăn trộm chứ ai xa lạ gì. Chú cháu nhà họ từ nhau đã lâu lắm rồi. Ông không có nhà ngói cây mít, nhưng cũng thuộc loại không phải lo lắng miếng ăn như thiên hạ. Chú cháu nhà này cãi nhau như mổ bò. Thằng cháu đã có mấy lần kè dao vào cổ ông chú đòi tài sản ông bà để lại. Đúng là cái lũ tôm chà lộn cứt len đầu! Chị thầm nghĩ.
            
“Nó trả ơn mày cái gì, hở cái con mẹ Ngải kia?” Ông già nhắc lại câu hỏi. Thì chị cũng đã biết là ông lão chỉ muốn cho thằng cháu đi tù mọt gông, nhưng ít ra lão cũng phải mừng vì thằng cháu không còn bị dân làng đánh đập, tra khảo nữa chứ. “Nó cho mày cái gì, hở con mẹ ranh?” Ông cụ gồng cái cổ nổi gân lên mà hỏi gặng.
           
 “Thì cái ấy chứ còn cái gì nữa!” Một giọng đàn ông nhừa nhựa chất men trả lời thay cho chị.
            
“Ông sẽ làm mọi cách cho chúng mày đi tù mọt gông, con mẹ ranh ạ!” Ông già gầm gừ kết luận.
            
“Cuống lên rồi!” Giọng chanh chua của một người đàn bà. “Thèm hơi giai lắm rồi mà...” Một người đàn bà khác nói hớt. “Thả nó ra nó cũng đi biền biệt. Nó có về mà gãi ngứa cho đâu. Cái đồ ngứa nghề!” Tiếng cười đùa vang động cả mé sông. Rộn ràng quanh căn chòi tùm hụp của người đàn bà. Tai chị ù đi. Người ta trốn đi rồi đằng ấy bị lính lệ bắt tra hỏi thì sao? Đêm hôm nào tên trộm đã thủ thỉ với chị như thế. Thì ra có những thứ còn độc địa hơn sợi dây thừng để trói, những ngọn roi để quất vào da thịt, những lưỡi dao cạo sắc lẻm để cạo đầu tù nhân... của làng của nước nhiều.
Đầu óc chị rối mù. Mắt chị hoa lên. Tiếng cười đùa xấc xược, cợt nhả, rộn rã không gian. Thằng ăn trộm chỉ nghĩ đến cái hậu quả trước mắt; chỉ nghĩ đến thứ luật pháp trên giấy trắng mực đen mà thôi.
            
Vết cắt làm độc trong lòng bàn tay chị bỗng nhói lên. Cái vết đứt cứ xốn xang lòng bàn tay chị từ hôm cắt dây trói cho thằng ăn trộm. Chị đùng đùng quay vào, chân cao chân thấp, đi xăm xăm lại cái góc nhà dùng làm chái bếp, lầm lì vồ lấy con dao cắt dây trói cho tên trộm hôm nào, lừng lững bước ra nhìn đám người nhiễu sự bằng hai con mắt đỏ lửa.
            
Lũ người rống lên và tuông chạy tứ tán. Chị vung con dao lên, múa vù vù trong không khí.
           
 “Quân khốn nạn!” Chị gầm lên như con thú bị thương. “Không để bà yên thì bà băm vằm chúng mày ra! Đứa nào có giỏi thì bước vào đây; bước vào đây; vào đây với con Ngải này...”
            
Cả một khúc đường mòn ven sông rộn rã như có hội hè đình đám. Chị rủa vang cả mé sông, át cả tiếng chó sủa hôi vang vang khắp đầu làng, cuối xóm.
            
Chạy tới bên bụi dứa dại ven sông, một gã đàn ông còn ném lại cho chị một lời đe dọa, “Xét mình đi, ngày mai lên mà nói chuyện với làng với nước, cái nhà chị dở hơi ạ!”
            
Chị tập tễnh quay vào căn chòi tùm hụp, quăng con dao xuống cái nền nhà lồi lõm đất cứng, gầm lên một câu chửi tục tằn, rồi bắt đầu nguyền rủa, “Cái đồ ăn cháo đái bát,” Hình ảnh tên trộm hiện ra loáng thoáng trong trí nhớ chị. “Cái đồ vong ân bội nghĩa,” Cặp mắt lươn lừ đừ của gã làm chị ngứa ngáy râm ran cả người. “Cái đồ... phản bội, cái đồ... ti hí mắt lươn... Cái đồ...” Người đàn bà lúng túng tìm chữ. “Cái đồ... đồ... ăn trộm!” Và trong đầu chị lại hiện ra hình ảnh gã ăn trộm chết dấm, chết dúi, chết bờ, chết bụi, chết trôi, chết chìm ở xó xỉnh nào đó mà không chịu về phù hộ cho chị... Ngày mai chị phải ra kể rõ ngọn nguồn với làng, với nước.
            
Không chừng người ta còn giải chị lên phủ, lên huyện...
 
3
  
Người đàn bà thổi phù phù cái bếp ngập tro, loay hoay thắp cây hương. Khói bay mù mịt cả căn lều lụp xụp. Mảnh than hồng sáng rực lên trong lòng bếp. Lờ mờ tỏa ra thứ ánh sáng nhá nhem vào cái khoảnh hẹp tối tăm của túp lều không đèn đóm. Chị châm đầu cây hương vào cụm lửa hồng. Một sợi khói tỏa ra mang theo mùi thơm dìu dịu lan tỏa trong căn chòi tùm hụp. Chị cầm cây hương, đứng dậy, loay hoay nhìn quanh nhìn quẩn, tìm một chỗ để cắm. Chị nhìn trước, nhìn sau, nhìn trên nhìn dưới. Chả có chỗ nào xứng đáng cho thần linh; cho ông bà ông vải trở về để cho chị bày tỏ tấm lòng thành. Người đàn bà lẩn quẩn một lúc lâu rồi đành chắp cây hương ở giữa hai bàn tay sần sùi.
            
“Lạy ông bà ông vải,” Chị thì thầm, mặt quay về phía khung cửa trống hoác. “Lạy Ngọc Hoàng Thượng Đế; lạy ông Thần Hoàng, lạy...” Chị cau mày, cố nhớ tên một vài vị thần linh tiêu biểu khác nữa mà không được, thành ra chị lúng búng trong miệng một lúc, mới vái van tiếp được. “Các ngài phù hộ cho con. Con là cái Ngải đây. Con không nhớ ngày tháng năm sinh... Con làm gì có ngày tháng năm sinh. Người ta bảo lũ mục đồng nó nhặt được con trong cái rổ tụt cạp ngoài bờ sông. Thành ra... thành ra con cũng không biết mình tuổi con gì, cũng chẳng biết mình sinh đẻ vào giờ nào. Các vị thì văn hay chữ tốt, thông minh đĩnh ngộ, quyền phép vô song; các vị biết rõ lý lịch con. Các vị phù hộ cho con.” Nước mắt người đàn bà chợt lăn dài xuống má. “Con không sống ở cái đất này được nữa rồi. Làng nước gì mà toàn một lũ hùa. Cả cái thằng chết tiệt được con cứu cho khỏi đòn vọt cũng bạc như vôi.” Người đàn bà sụt sùi kể lể. Rồi chị đứng lặng một lúc lâu, nhìn đăm đăm vào khoảng tối tăm bên ngoài khung cửa vênh vẹo. Cả cái tương lai đen tối của chị lẫn trong vũng đêm nhòe nhoẹt ấy. “Ông bà ông vải chỉ đường cho con đi. Nhất định rồi. Chuyến này con cứ dọc bờ sông mà đi. Đồng đất nước người ăn mày ăn xin cũng được. Chẳng thà ăn mày ăn xin, chứ ai lại đi ăn trộm như nhà chúng nó.” Chị giơ cánh tay áo lên quệt nước mắt. “Các vị có nghe con van vái không thế?” Đáp lời chị chỉ có tiếng chó sủa ran trong xóm, lẫn tiếng ếch nhái rền rĩ thinh không. Tiếng người gọi đò văng vẳng ngoài bến sông. Tất cả mau mắn chìm vào cái thinh lặng của đêm. Con muỗi nào đó vo ve bên tai chị như nhắc nhở, như trêu ghẹo. Chị không buồn để ý đến những chuyện cỏn con ấy nữa. Đầu óc chị bận hình dung đến con đường chông chênh chị sắp phải đi qua. Đường đời đấy! Ý tưởng ví von thoáng qua óc chị. Đường đời đấy; bà nó cái đường đời lồi lõm sống trâu, bùn lầy nhơ nhớp. Nhưng dù gì đi nữa chị cũng phải ra đi.
            
“Ngày mai, chúng nó bắt con ra mà trả lời với làng nước rồi!”
           
 Cái tàn hương cháy xong, cong xuống ở đầu. Thần linh đã lắng nghe lời vái van của chị. Nhưng chị vẫn ngần ngừ, “Cả đời con chỉ làm việc lành, nhưng hôm nay xin ông bà ông vải cho con làm ác một lần.” Toàn thân chị chợt run lên như đang trong cơn sốt rét rừng. Mảnh tro tàn ở đầu cây hương rụng xuống, tan biến vào bóng tối. Ngưng vái van, người đàn bà mò mẫm trên chái nhà rút thêm hai cây hương nữa. Chị đi về phía ổ rơm, chỗ ngủ của chị, cắp cái tay nải đựng vài món đồ lặt vặt, đeo lên vai, rồi lách mình qua miếng phên chắn cửa bước ra ngoài. Cây hương vẫn cháy âm ỉ trong tay chị. Những món đồ lách cách trong cái túi vải. Chị ngừng lại suy nghĩ, chần chừ một lát rồi trở vào căn chòi, quăng cái tay nải vào một góc. “Tí nữa về lấy cũng còn kịp chán.” Chị nhủ thầm và lách mình vào bóng tối, khập khiễng chạy trên con đường mòn đầy những bụi gai xấu hổ. Ánh lửa đầu cây hương lập lòe đêm tối như một con ma trơi.
            
Chị rón rén bước trên bờ ruộng hẹp bằng đôi chân tật nguyền. Những con ễnh ương ồm ộp gọi nhau, chợt im bặt khi chân chị thình thịch bước qua. Những con vạt sành ken két chuỗi âm thanh sắc gọn. Chị trượt chân mấy lần nhưng không ngã. Cây hương cháy dở cầm chắc trong tay phải, hai cây hương mới trong bàn tay trái. Hết khúc ruộng quanh co, chị băng qua một bờ ao lấp loáng ánh sao. Chị rón rén đến sát đống rơm bên đầu hồi một căn nhà lá cao lớn, lù lù trong bóng tối như gã chủ nợ hợm hĩnh khoe khoang. Người đàn bà vừa thở ì ạch vừa cố chu môi thổi những cây hương đỏ lửa được chị ép sát vào những cánh rạ khô. Chị thổi muốn hoa cả mắt lưỡi lửa mới lòe ra, bò men mén trên những cánh rơm ẩm mềm sương đêm. Ngọn lửa bò lan trên những cánh rơm, uể oải như lũ ốc sên lười biếng.
            
“Ông bà ông vải bỏ quá cho. Con chỉ đốt mỗi một nhà lão Mục thôi, chú cái thằng chết tiệt ấy mà. Xem nó còn tìm mọi cách để con tù mọt gông nữa hay thôi. Trời yên gió thế này, chắc cũng chẳng cháy lây sang nhà ai đâu mà sợ.” Chị ngưng vái, thổi tiếp cho ngọn lửa mon men bò quanh đống rơm.
            
Ngọn lửa lớn bằng hai bàn tay rồi, chị mới quay đầu tuông chạy. Đất đá cản những bước chân chị. Gai góc quật vào mặt mũi, mình mẩy chị rát rạt. Chị chạy nhấp nhô trên những bờ ruộng chông chênh. Gió thổi phù phù hai bên tai chị. Vậy là chị trả thù luôn cho cả thằng ăn trộm nữa. Cái đồ bạc như vôi! Hơi lạnh từ bờ sông đắp lên mặt làm chị như tỉnh hẳn cơn mê.
            
Chị quýnh quáng lách vào khung cửa căn chòi. Căn chòi đen thẫm, nhưng chị nhớ rất rõ chỗ chị để cái tay nải. Chị vươn cánh tay về phía đó. Bàn tay ma quái nào đó chộp lấy cổ tay chị. Chị giẫy giụa kinh hoảng. “Ai... vậy?” Chị vừa nói bằng giọng run run, vừa cố sức giằng tay lại.
            
“Tớ đây mà!” Giọng đàn ông. Chị nhận ra ngay cái giọng đàn ông quen thuộc. Thằng ăn trộm, trời ơi; thằng ăn trộm!
           
 “Làm gì thế?” Người chị mềm rũ vì sợ hãi. “Đồ quỷ ám! Muốn giết người ta đấy à!”
           
 Cái bàn tay nắm cổ tay chị lỏng bớt ra. Tên ăn trộm xớn xác, “Đi đâu đêm hôm thế?”
            
“Đi đâu mặc xác người ta, việc gì phải hỏi!” Chị vừa gắt gỏng vừa giật bàn tay lại. “Tưởng chết giấm giúi ở đâu rồi!”
           
 Người đàn ông khẽ đặt tay lên vai chị, rồi vội rút tay về. Từ bé đến giờ, chị vẫn nhớ rõ, chưa có người đàn ông nào thèm chạm vào người chị. Chỉ đứng gần chị thôi, mà người ta đã xấu hổ rồi. Người ta lánh xa chị như tránh người cùi người hủi. Thành ra đang mệt nhoài vì chạy qua không biết bao nhiêu là ruộng, vườn mà lòng chị cũng lâng lâng như lần say thuốc lào đầu tiên trong đời. Chị nhìn thấy bóng người đàn ông lờ mờ trong đêm tối. Tối quá, chị không nhìn được hai con mắt ti hí của gã. Nhưng cái mùi đàn ông quen thuộc thì xộc vào mũi, nồng lên đến cả óc chị. Giọng người đàn ông dịu dàng như thể không phải là giọng đứa ăn trộm thuở nào.
           
 “Trốn đi với tớ không?” Gã nói vội. Chắc gã sợ chị đổi ý. “Nếu thương... thì đi với tớ; tớ sẽ bảo bọc cho đằng ấy. Sống chết có nhau. Tớ sống được thì đằng ấy cũng sống được...”
           
 Người đàn bà lùi lại. Chị phì phò thở một cách khó khăn. Chị ôm hai bàn tay lên ngực, chặn lấy cái thôi thúc, hồi hộp. Những cây hương đánh rơi đâu từ lúc nào. Chị nhớ đến cái lưỡi lửa bò quanh đống rơm. Lưng chị chạm vào vách lá cồm cộm.
            
“Tôi là gái già, lỡ thời, lại xấu như ma như quỷ, liệu rồi đằng ấy...” Lưỡi người đàn bà líu lại. “Liệu rồi đằng ấy...”
            
Người đàn ông lại xấn tới, chạm khẽ bàn tay củi nỏ lên vai chị. Chị đã lùi tới sát vách lá. Và gã cũng không rụt cánh tay lại như lần trước. Cái bàn tay thô nhám nặng trình trịch, và nóng hôi hổi như mồi lửa làm người chị bừng cháy. Mùi mồ hôi đàn ông xoắn lấy chị. Chị quay cuồng, chóng mặt. Chị lẩm bẩm, “Tôi... thọt chân, đằng ấy không biết à?”
           
 Không để ý đến lời thú nhận não nề của chị, người đàn ông vẫn tha thiết, “Đi nhá!”
            
“Tôi chỉ có hai bàn tay...” Chị ngập ngừng.
            
“Tớ cũng vậy. Đằng ấy còn có tấm lòng... Đi không? Tớ biết chỗ có việc làm...”
            
Người đàn bà lặng thinh. Đầu óc chị quay cuồng hình ảnh vài bến đò xơ xác, những con đường gồ ghề quanh co vắt qua không biết bao nhiêu cánh đồng khô hạn. Nắng vỡ da và mưa rát thịt. Tiếng sáo diều, tiếng hò nhặt khoan cuối mùa gặt rộn rã. Và chị bao giờ cũng chỉ là người đàn bà lỡ thời, đi làm thuê, làm mướn. Rồi bao nhiêu là phiên tòa đầy giả dối. Những đầu óc đặc nghịt, nhung nhúc lời buộc tội. Mớ luật lệ khắt khe, nhốn nháo những tập quán máu me, gai góc.
            
“Bằng lòng không?” Bàn tay cứng như thép của tên trộm bóp lấy cánh tay người đàn bà.
           
 “Xa không?” Chị hỏi cho có lệ.
           
 “Xa lắm đấy.”
           
 “Ở đâu cơ?”
            
“Một ngày đường sông, rồi lên phố... rồi lên ô tô... xa lắm... nhưng có nhau; ngại quái gì! Đi nhá!”
            
Chị gỡ bàn tay người đàn ông xuống, băn khoăn, “Có hứa thương tôi không đấy?”
            
“Hứa.”
          
  “Thôi ăn trộm nhá!”
           
 “Thề rồi! Đi bây giờ cho kịp.”
            
“Gợm hẵng nào...”
            
“Khỏi cần đem cái gì theo. Đây có đủ cả rồi...”
           
 Người đàn bà rõi mắt nhìn quanh một lần cuối căn chòi lá ọp ẹp. Ngực chị nặng nề như đeo đá.
           
 Người đàn ông loay hoay đeo vật gì đó lên lưng, nói với chị bằng giọng phấn khởi, “Hành lý của tớ đủ cho mình sống cả tháng giời...”
            
Câu nói của gã làm lòng chị thắt lại. Chắc lại mới đi ăn trộm về đấy thôi! Vậy mà cũng thề bồi. Chị quay đầu lại, cố nhìn vào mắt gã. Đêm tối, chị chỉ thấy đôi mắt gã hẹp như hai khe hở tối tăm, “Đồ đạc ở đâu ra mà lắm thế?”
           
 “Lại nghĩ là người ta đi xoáy của thiên hạ đấy phỏng?”
           
 “Ai biết được!”
            
Tiếng chó sủa rộn ràng trong thôn át câu nói của chị, nhưng không át được giọng người đàn ông thì thào bên tai chị, “Người ta đã hứa rồi... Thôi đi.”
            
Tiếng người bỗng nhao nhao dấy lên từ phía giữa làng. Tim người đàn bà đập muốn tung lồng ngực. Chị cúi xuống, với lấy cái tay nải, “Đi nào!”
           
 Chị lách nhanh qua khung cửa, cái tay nải lủng lẳng trên vai. Người đàn ông bước theo chị.
            
“Chắc lại cướp bóc gì nữa rồi!”
            
Đáp lại lời gã là tiếng phèng la, tiếng thùng sắt tây, tiếng mâm đồng, thau nhôm gõ rộn ràng như những hôm làng trẩy hội.
            
Người đàn bà bước vào khoảng đêm đen mát ngọt. Chị quay đầu nhìn về phía giữa làng. Ánh lửa mầu cam sáng rực một góc trời. Tim chị đập lỡ đi mất vài nhịp. Chị níu lấy tay áo người đàn ông, lôi gã đi vùn vụt, “Đi mau thôi, muộn mất.”
            
Người đàn ông ngơ ngẩn một lúc, mắt rõi về phía chân trời rực ánh lửa, rồi tất tả bước đi theo người đàn bà. “Lại cháy nhà nữa rồi! Mùa này lửa củi không khéo thì có mà trắng tay...” Anh ta lẩm bẩm.
            
Người đàn bà ì ạch đếm những bước thấp cao, hụt hẫng. Bãi sông vắng tanh vắng ngắt, sẽ chẳng ai bắt gặp họ. Chị thấy yên tâm. Vậy là chị đã trả được thù. Chỉ có gã là không biết có người đã trả thù thay cho gã. Cái kẻ có một lần thề không đội trời chung với gã; cái người chỉ muốn cho gã tù mọt gông bây giờ chắc đang cuống lên mà chữa cháy.
            
Cứ men theo bờ sông, họ rảo bước như chạy giặc. Chẳng ai buồn nói chuyện với ai. Thỉnh thoảng người đàn bà ngoái cổ lại nhìn mông vào bóng đêm. Đốm lửa hồng rực sáng ở phương tây đã teo tóp lại như cụm than hồng trong cái bếp ngập tro than của chị. Những vì sao đêm lấp lánh đính trên bầu trời đen kịt. Gió sông vỗ lên mặt chị, nhưng lưng chị thì ướt đẫm mồ hôi.
            
Tới một gốc đa mọc gie ra bên bờ sông, chị ngừng lại, “Nghỉ tí đi. Mệt quá!”
           
 Người đàn ông quẳng cái túi vải xuống đất, vươn vai, nhìn chị, “Đói không?”
            
Chị lắc đầu, rồi lặng lẽ ngồi thụp xuống một thân rễ sần sùi, rõi mắt nhìn sang bờ bên kia của giòng sông. Nhưng chị chẳng thấy gì ngoài một vùng trắng đục. ếch nhái ra rả những lời than van. Một con cầy con cáo nào đó đi ăn đêm phóng vút qua chân người đàn ông. Gã rủa theo, rồi ngồi mém xuống bên cạnh chị. Mùi thuốc lào và mùi mồ hôi chua vữa quấn lấy chị.
            
Chị bối rối, mân mê cái túi vải, loay hoay gợi chuyện, “Mấy hôm nay trốn ở đâu mà mất biệt thế?”
            
“Nhà lão Mục chứ đâu!”
            
Chị giật mình, ngoảnh mặt nhìn đăm đắm về phía chân trời, nơi đám cháy vẫn hồng một góc đêm đen thẫm.
            
“Nhà lão Mục?”
            
“Ừ...”
            
“Ông chú già của đằng ấy hả?”
           
“Chứ còn ai vào đây nữa. Lão dạo này được quá. Tự nhiên lại cho tiền để mình làm vốn đi xa tìm việc...” Giọng gã bỗng nhiên sượng lại, như vướng phải nỗi ngại ngần nào đó, “Ông ấy bảo là nếu đằng ấy... bằng lòng thương... tớ, ông ấy sẽ lo hết...” Rồi gã thở phào, “Ông chú tớ coi vậy mà cũng không đến nỗi xoàng...”
            
Chị chìm nghỉm vào cơn cảm xúc tê dại. Trái tim chị thắt lại. Chị tưởng mình nghe nhầm.
            
“Thế mới biết chả làm sao mà hiểu được lòng người.” Người đàn ông chậm rãi nói. Rồi thong thả đứng dậy, vươn vai, và làm như tình cờ, chạm khẽ vào vai chị, “Thôi, đi cho kịp, Ngải à... Còn xa lắm đấy!”
            
 Thứ Ba, 11 tháng Sáu, 96.
           
 Hoàng Chính.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Con tàu rú lên tràng còi thất thanh. Âm thanh chuyển từ trầm đục sang cao chói. Chuyện gì vậy. Mọi người hỏi nhau. Sao bỗng dưng còi tàu gầm thét như con thú bị thương vậy. Tàu bỗng dưng chạy chậm hẳn lại. Và tiếng rít của bánh sắt trên đường rầy như mũi khoan nhọn xoáy vào lỗ tai. Người soát vé tất tả chạy trên lối nhỏ giữa hai hàng ghế. Chuyện gì thế ông ơi. Những câu hỏi nhao nhao. Something wrong, very wrong. Mọi người vui lòng ngồi yên tại chỗ. Người soát vé nói vội trước khi mất hút sau khung cửa nối sang toa kế tiếp. Khủng bố hay cầu đường xe lửa bị sập. Mưa lũ đã mấy hôm rồi. Người ta xớn xác hỏi nhau. Tin tức truyền miệng lan nhanh như đám cháy rừng. Không ai biết chắc chuyện gì. Chỉ biết tàu không thể tiếp tục chạy. Nhìn qua cửa sổ, chỉ thấy rừng cây đang vùn vụt dạt về phía sau bỗng chậm dần.
Đọc thơ “nhớ nhà” của Nguyễn Thị Vinh càng thêm nhớ! Ai cũng bảo rằng mùa xuân làm ấm lòng người, nhưng chưa chắc gì. Mùa xuân đó là mùa xuân ở bên ấy, bên Việt Nam họa chăng có ấm lòng, chứ mùa xuân rơi vào tiết mùa đông lạnh lẽo bên trời tây này lạnh vô cùng...
Bà Hai Kỹ lơ mơ ngái ngủ thò chân xuống giường, chợt giật nảy cả người, nước đâu mà linh láng ngập đến tận ống quyển vậy trời. Bà tỉnh ngủ hẳn, hoảng hốt la to: – Dậy, dậy mau, nước vô ngập nhà rồi!
Anh muốn về thăm Việt Nam, chị cũng vậy. Anh nói với chị: Em à, cũng hai năm rồi, tụi mình chưa về thăm Việt Nam. Anh thấy nhớ quá, nhớ hàng cây dâm bụt, gốc ổi, cây dâu đất ngoài quê anh. Nhất là ngôi nhà có bức tường thành và cái cổng bằng xi măng. Anh đã đem theo hình ảnh đó suốt mấy mươi năm rồi, nhưng lúc nào cũng nhớ nó. Mình đi về thăm một chuyến em hè...
Lần này, 2023, tôi chọn đi xem Tuy Hòa (Phú Yên) và Qui Nhơn (Bình Định) hai thành phố nhỏ, không mấy nổi tiếng với hy vọng nhìn thấy, cuộc sống tỉnh lẽ vẫn còn đằm thắm hiền hòa, chưa huyên náo chật chội như Hội An, nơi mỗi ngày có cả chục chuyến xe buýt thả nườm nượp khách du lịch xuống bến...
Những ngày cận tết trời Sài Gòn se se lạnh. Cái lạnh mang theo chút nắng hanh làm đẹp hơn bao chiếc áo len buổi sáng những con đường. Khóa học cuối năm chấm dứt bằng đêm văn nghệ toàn trường của đại học sư phạm...
Ngày Tết ai ai cũng nhớ đến bánh chưng, bánh dầy. Bánh chưng là biểu hiệu của đất trời, là tất cả của vũ trụ và của lòng hiếu thảo, có tự truyện từ lâu đời, từ đời vua Hùng Vương xa xưa. Người trong Nam còn gọi là bánh tét, có lẽ là do chữ tiết hay Tết, ý là bánh của ngày Tết...
Hôm rồi, gia đình chúng tôi bảy người, có đặt bàn tại nhà hàng The Keg (the steak house and bar nổi tiếng ở Canada ) lúc 7.30 pm. Gần tới giờ, chúng tôi phone hỏi nếu chúng tôi đến 7pm được không, họ trả lời ok, và chúng tôi liền chạy xe đến, có mặt trước 15 phút...
Mấy cái rễ chết khô này là những gì còn lại của cây mít mà tự tay tôi trồng mấy chục năm trước, bên mép một hố bom. Chúng đã theo tôi qua chặng hành trình hơn bảy ngàn cây số từ một vùng quê Quảng Nam đến thành phố lớn nhất của nước Úc. Thời chiến quê tôi là vùng đất không người và, có lúc, là vùng “tự do oanh kích”. Trở về đó sau tháng Tư năm 1975, khu vườn xưa của tổ tiên đã là một cái rừng rậm, màu xanh chồng lên màu xanh, mấy tầng, mấy lớp với những táng cây cao thấp chằng chịt dây leo, những chùm chìm bìm phủ từ trên xuống và những bụi đơm xôi đầy gai góc cố thủ bên dưới chờ chực cơ hội ngóc đầu lên, chỉ trừ màu đất sét đỏ quạch của cái hố bom sâu hoắm ở góc vườn, dấu tích của một trận oanh tạc cách đó ba năm, trong “Mùa hè đỏ lửa”.
Đầu tháng 12, nhân dịp vợ chồng người bạn sang Pháp du lịch, chúng tôi hẹn hò nhau, rong chơi Paris vài ngày. Khi cả nhóm đang đi dạo, cười nói xôn xao, điện thoại của tôi reo. Nhìn vào màn hình nhỏ, thấy tên Manager của tôi. Tôi nhíu mày, mình đang nghỉ phép, bà ấy gọi làm gì...
Người Việt tị nạn đã có một đóng góp to lớn vào văn hóa ẩm thực nhân loại: một thức ăn mang đậm bản sắc dân tộc Việt. Thức ăn dó là Phở. Mùi Phở thơm ngon hấp dẫn, nóng hổi, hợp với mọi khẩu vị đã chinh phục bao tử mọi người thuộc mọi tôn giáo. Hễ nơi nào có bước chân con dân xứ Việt ở thì nơi đấy có Phở...
Trước đây, trong một bài viết, tôi có nói về mùa đông Canada nói chung và tại thành phố Edmonton của tôi nói riêng, bắt đầu từ tháng mười một cho đến tháng hai năm sau. Nhưng tháng mười một chỉ là cái lạnh đầu đông nên không thấm thía gì với dân Cà Na Điên, tháng mười hai cuối năm bận rộn cho những ngày lễ nên cũng chóng qua, tháng hai thì chỉ có …28 ngày ngắn ngủi, lại vào dịp Tết âm lịch và Valentine ấm áp trái tim, thành ra đối với tôi, mùa đông thực sự chỉ có …tháng một mà thôi...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.