Hôm nay,  

Ghen giùm

20/09/202212:06:00(Xem: 2959)

Truyện ngắn

chui-nhau

Hồi mới vượt biên vào trại tỵ nạn Thailand, tôi làm thiện nguyện tại văn phòng bưu điện của trại. Cuối giờ trưa hôm ấy vắng khách, nhìn qua cửa sổ thấy chị Ngao và mấy chị cùng lô nhà tôi, đang tụm lại nói chuyện gì đó rất nghiêm trọng, rồi lại nhìn vào phòng bưu điện như có ý chờ đợi ai. Tôi bước ra ngoài, chị Ngao liền tiến tới: –

 

– May quá, em rảnh không, chị nhờ chút chuyện?

 

– Dạ chị cứ nói, nếu trong khả năng em làm liền à.

 

Chị Ngao lưỡng lự:

 

– Không biết em có chịu giúp hay không nữa?

 

– Thì chị nói ra em mới biết chớ.

 

– Vậy em có thấy con Liễu không? Cái con bận bộ đồ hồng mới lãnh thư bưu điện cách đây mấy phút.

 

– À, chị đó em biết, vì hầu như tháng nào chỉ cũng lên lãnh thư bảo đảm, thân nhân gửi tiền đều đặn lắm.

 

– Chồng nó bên Mỹ đó, nó qua đây với thằng con tên Tí, 7 tuổi.

 

– Vậy à? Mà chị tính nhờ em chuyện gì?

 

– Thủng thẳng cái đã, để chị nói cho có đầu có đũa đàng hoàng, em có biết ông Sỹ không? Cái ông không đi lính ngày nào nhưng khoái bận quần rằn ri và nổ banh cái nhà lồng, là đại uý Việt Nam Cộng Hoà đó.

 

Tôi liền ngắt lời:

 

– Khoan khoan, sao chị biết người ta không đi lính mà nói chắc như bắp vậy?

Chị Ngao trề môi:

 

– Xời ơi, trại tỵ nạn mà, đừng tưởng dễ qua mắt thiên hạ. Quá khứ ở Việt Nam ra sao cũng có người này người kia biết hết trơn.

 

Tôi đùa:

 

– Chị hay thiệt. Bao nhiêu chuyện đời thập phương tứ phía là phải qua cái “đài phát thanh quán chè”của nhà chị hen?

 

Chị Ngao nheo mắt:

 

– Còn nhiều bí mật động trời của nhiều người nữa, bữa nào rảnh chị kể cho em nghe. Mà nãy giờ mình nói tới đâu rồi?

 

– Tới chỗ ông Sỹ khoái mặc quần rằn ri, mà có liên quan gì tới chị Liễu hả chị?

 

– Có chớ sao không, họ cặp bồ với nhau, nên bây giờ mới có chuyện cần em giúp nè.

 

Rồi chị Ngao mỉm cười, bí hiểm:

 

– Chỉ có em mới giúp được thôi nhe. Lần tới con Liễu lên lãnh thư, em ráng chép lại cái địa chỉ thằng chồng nó cho chị, được hôn?

 

– Trời đất! Em không dám đâu. Mà chị cần để làm gì?

 

– Vì chị muốn viết thư cho thằng chồng, cho nó biết nó đang bị con vợ nó cắm sừng!

 

– Mà chị có bà con gì với họ không? Chị lấy tư cách gì mà viết thư?

 

Chị Ngao ú ớ:

 

– Ờ… tư cách người chung trại!

 

– Theo em nghĩ, mình là người ngoài cuộc, nào biết bên trong thực sự ông Sỹ và chị Liễu ra sao?

Chị Ngao hậm hực:

 

– Nhưng ngứa mắt lắm, lần nào lãnh tiền cũng nấu nướng ăn uống rộn ràng, thấy ghét!

 

Tôi nhận thấy trong lời nói là sự ganh ghét của phụ nữ thường tình. Chị Ngao qua đây với chồng và hai đứa con, không có thân nhân nước ngoài viện trợ nên mở quán chè trong trại buôn bán qua ngày, thành ra thấy chị Liễu lãnh tiền đều đều nên… không vui.

 

Tôi tiếp:

 

– Chị nghĩ xem, chị qua đây có chồng lo các việc nặng nhọc, còn chị Liễu một thân một mình, con thì nhỏ, nên đôi lúc cần người giúp các việc chân tay.

 

Chị Ngao có vẻ hơi cảm động, tôi cười cười:

 

– Em bảo đảm nếu chị đi vượt biên một mình, với bản tính vui vẻ tốt bụng, chắc chắn cũng có mấy ông bám theo, biết đâu chị cũng xiêu lòng rồi á. Nói nhỏ nhe, em thấy ông Thừa lô đối diện hay ngắm chị đứng múc chè cho khách lắm đó, hèn chi ổng đến quán chị hoài.

 

Chị Ngao mắc cở, đấm vai tôi:

 

– Quỷ sứ! Vậy mà cũng giỡn được hà…

 

– Thiệt chứ giỡn gì. Tóm lại mình không cổ vũ chuyện tình ngoài vợ ngoài chồng, nhưng trại tỵ nạn phức tạp quá. Hơn nữa, nếu chị nhúng tay vào, biết đâu gia đình chị Liễu sẽ tan nát, mà chị là Phật tử đi chùa mỗi ngày, ai lại gây nghiệp xấu như vậy, đúng hôn?

 

Chị Ngao coi vậy mà dễ dụ, liền gật gù rồi vẫy mấy chị kia lại:

 

– Thôi về bay ơi, bỏ luôn “plan B” nha.

 

Tôi thắc mắc:

 

– Plan B là gì nữa đây?

 

Chị Ngao thú nhận:

 

– Chẳng giấu gì em, tụi chị tính nếu em không giúp thì tụi chị sẽ rình buổi tối, lúc con Liễu dẫn thằng Tí đi chùa, tụi chị sẽ đột nhập vô nhà nó ăn cắp thư.

 

– Cái đó càng không được nghen! Chị Liễu bắt gặp, thưa lên Cộng Đồng là coi như mấy chị vào ăn cơm tù.

 

Rồi trại có biến động, biểu tình, thời gian sau đó là chuyển trại lên Sikiew. Một buổi chiều, tôi gặp lại chị Ngao. Hai chị em mừng rỡ kể nhau nghe tình hình chuẩn bị thanh lọc. Tôi chợt nhớ chị Liễu và hỏi thăm, chị Ngao lắc đầu:

 

– Kết cục buồn lắm em ơi.

 

– Có chuyện gì xảy ra hở chị?

 

Chị Ngao thở dài:

 

– Vợ ông Sỹ ở Việt Nam bị xe đụng chết, ổng chưa có kết quả thanh lọc nhưng vẫn quyết định ghi danh hồi hương về Việt Nam an ủi và chăm sóc mấy đứa con mồ côi.

 

– Em cũng thấy tội cho ông Sỹ, và mừng vì ổng là một người cha có tình thương với con cái. Còn chị Liễu, đã sẵn sàng giấy tờ thanh lọc chờ ngày đoàn tụ chồng chưa?

 

Chị Ngao xua tay, lắc đầu:

 

– Nếu được vậy thì nói làm chi nữa.

 

– Chị nói vậy là sao? Có gì chị nói ra hết một lần cho em nghe, chớ đừng nhỏ giọt úp úp mở mở, nóng ruột bắt mệt.

 

– Thì em cứ nhảy vào họng chị liền liền, có cho chị nói đâu nà! Mới tuần trước, chồng con Liễu gửi thư qua thú tội, hồi mới đến Mỹ, cũng vì cô đơn xứ người mà có người đàn bà khác, có một thằng con trai với nhau rồi. Khi con Liễu và thằng Tí tới trại, ổng âm thầm làm giấy bảo lãnh, gửi thư gửi tiền hàng tháng. Nào ngờ con mụ kia mới phát hiện ra, ghen ngược, không cho liên lạc và huỷ luôn giấy tờ bảo lãnh.

 

– Có chuyện đó nữa à?

 

– Thì bởi! Con Liễu khóc hết nước mắt, rầu thúi ruột. Tiền bạc không có thì cơm Cao Uỷ nuôi cũng đủ no, nhưng cái vụ giấy tờ gãy gánh, sợ nó bị rớt thanh lọc, u ám lắm.

 

– Chị về khuyên chị Liễu đừng thất vọng. Khi đi thanh lọc, cứ mang hết hôn thú, thơ từ hình ảnh gia đình, giấy bảo lãnh, cũng như lá thư cuối cùng thú tội, nói chung là “có sao khai vậy người ơi”, em tin rằng chị Liễu sẽ đậu thanh lọc vì chính sách nhân đạo.

 

Chị Ngao mừng rỡ:

 

– Em nghĩ là có hy vọng sao?

 

– Đúng vậy, dù gì thì còn thằng con, nó phải đoàn tụ ba nó, người ta nhân đạo mà chị.

– Ừ, để chị lựa lời an ủi cho con Liễu lên tinh thần.

 

Tôi tính bước đi, chị Ngao bỗng níu tay tôi:

 

– Kỳ này dứt khoát chị phải kêu con Liễu đưa địa chỉ chồng nó cho chị đó nghen.

Tôi nhăn mặt:

 

– Chi nữa?

 

Chị Ngao mỉm cười, đắc thắng:

 

– Để chị viết thư chửi cái con đờn bà cướp chồng kia một trận, em đừng có cản nha!

 

Thời gian trôi qua thật mau, mới đây đã gần ba mươi năm. Tôi vừa liên lạc được với chị Ngao trên Facebook, và bất ngờ hơn là chị đang ở chung thành phố Everett tiểu bang Washington với chị Liễu. Chị mở màn cuộc nói phone với giọng hồ hởi:

 

– Vui lắm em ơi! Thực ra hồi đó thằng chồng con Liễu sau khi gửi lá thư thú tội, đã kiên quyết tranh đấu với vợ mới, tiếp tục gửi tiền tiếp tế và giấy cam kết bảo trợ thằng Tí, nên hai mẹ con nó được đậu thanh lọc qua Mỹ. Rồi ổng ra điều kiện với vợ mới, là ổng phải có trách nhiệm lo cho thằng Tí ăn học thành tài, nên kêu con Liễu dọn về Everett này, cách nhà ổng bên Seattle nửa tiếng lái xe. Còn gia đình chị ban đầu qua định cư ở Arizona, rồi con Liễu kéo lên đây cùng mở tiệm Nails cho tới giờ.

 

– Vậy thì quá vui rồi, còn chị Liễu thì sao, có lập gia đình khác không?

 

– Thì cũng phải có chớ. Chồng mới của Liễu hiền lành, làm công nhân trong hãng máy bay Boeing cũng khá, hai vợ chồng có đứa con gái, đang học lớp 12. Còn thằng Tí, giờ đã trên ba mươi, sau khi ra trường nghành Tâm Lý, đang làm cho nhà thương quân đội chính phủ liên bang Mỹ, sắp cưới vợ.

 

– Đúng là một kết thúc có hậu, như trong phim.

 

– Chị chưa nói xong thân bài mà em đã kết luận là sao?

 

– Ủa, còn nữa hở chị?

 

– Sao không?! Vài tháng trước, ông chồng cũ của con Liễu bất ngờ bị stroke khi bà vợ đi Việt Nam lo tang cha chưa kịp về, một tay con Liễu chăm lo cho ổng ở bệnh viện, cũng may là ổng mau chóng bình phục. Khi bà vợ về tới, ổng họp mặt “gia đình”, đầy đủ vợ cũ vợ mới, con trước con sau, một lần nữa dốc hết tâm tư ruột gan. Rằng vì hoàn cảnh đất nước, chúng ta chạy trốn cộng sản liều thân vượt biển tìm đất mới tự do. Từ đó xảy ra chia lìa, cách ngăn, và ổng đã yếu lòng mà làm tổn thương hai người phụ nữ và hai đứa con máu mủ. Nhờ ơn trên, nhờ nước Mỹ cưu mang, mọi người đã vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, có những thành công cũng như lòng bao dung như ngày nay. Ổng đã bàn bạc với vợ, để di chúc chia đều cho thằng Tí và thằng em cùng cha khác mẹ của nó số tiền trong 401K của ông hơn tám trăm ngàn dollars (tiền ổng dành dụm mấy chục năm làm kỹ sư hãng Microsoft). Căn duplex ở Everett đang cho thuê, cũng chia cho hai thằng con. Hai vợ chồng ổng chỉ giữ lại căn nhà đang ở tại Seattle, khi về hưu dưỡng già cùng một số tiền khác trong ngân hàng.

 

– Wow!! Chị cho em kết luận được chưa nà? Ba thằng Tí thiệt là người đàn ông có lương tâm đạo đức, thương con hết mình và đoạn kết câu chuyện đẹp hơn mơ ước. Coi như bấy lâu nay chị thất nghiệp hen?

 

Chị Ngao thắc mắc:

 

– Em nói gì chị không hiểu? Gia đình chị từ trại qua đây chỉ ăn welfare và food stamps một hai năm đầu, rồi cùng Liễu mở tiệm nails, bây giờ tách ra riêng, mỗi người làm chủ hai tiệm, chưa bao giờ ế khách, ngoại trừ thời gian tránh dịch Covid, sao gọi là thất nghiệp?

 

Tôi cười lớn:

 

– Ý của em là hai gia đình cũ, mới của chị Liễu đều hạnh phúc ấm êm, không xào xáo, nên chị mất cái job “ghen giùm” như hồi ở trại á.

 

Chị Ngao hiểu ra, trước khi cúp phone còn kịp quở tôi:

 

– Quỷ sứ! Lúc nào cũng giỡn được à!!

 

Kim Loan

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tư Tưởng ghé ngang hậu cứ, dẫn ba thằng em: Bắc Hà, Th/úy Trọng và tui đi nhậu ở quán Thuỷ Tiên, gần Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn ngày xưa, trước khi dời vô Phi trường Vĩnh Long...
Trên đường đến phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật của Gertrude Stein, tôi bước đi với tâm trạng phấn khích của một người sắp gặp Ernest Hemingway. Nắng chiều Paris phản chiếu từ cửa sổ những quán cà phê xuống con đường đá cũ tạo thành bóng râm dài phía trước. Tiếng reo hò chen lẫn tiếng đàn từ mấy quán bar nhỏ nơi góc phố gây nên bầu không khí sôi động dội vào tâm trí tôi...
Tôi bán hàng giải khát trước cổng nhà máy, khách hàng là những công nhân, bộ đội và cán bộ trong nhà máy. Tôi là “mụ” bán hàng “phản động” luôn tơ tưởng đến chuyện vượt biên. “tri kỷ” của tôi có chị Ky buôn bán ở xa cảng miền Tây, nghề mới của chị sau cuộc đổi đời 1975, trước kia chị là nhân viên một ngân hàng quận Gò Vấp. Chị Ky là hàng xóm, hôm nào ghé quán tôi không chỉ để uống ly đá chanh, uống ly cà phê mà cũng là dịp cùng tôi tâm tình than thở cuộc sống dưới thời xã hội chủ nghĩa, mơ ước chuyện vượt biên...
Mạ xếp hạng chuyện học hành của con cái là quan trọng hàng đầu. Với tiệm sách và quán cà phê, Mạ đã quán xuyến, lo cho gia đình có cuộc sống sung túc, thoải mái một thời gian dài...
Nghe tin chú Nghĩa sắp cưới vợ, bà con trong khu phố xôn xao nửa tin nửa ngờ. Chuyện lập gia đình ai trưởng thành chả thế! Ấy vậy mà với chú Nghĩa thì chuyện này hơi lạ. Đến khi chú đem thiệp đi mời hẳn hoi vậy chắc chắn là sự thật rồi không còn nghi ngờ gì nữa!
Từ ngày về hưu non, hai vợ chồng tôi cứ lục lọi hết website này đến website khác để tìm nơi đẹp đi du lịch; sợ rằng sự hào hứng của tuổi trẻ sẽ không còn nữa, nên phải đi hết những chỗ mình ao ước từ hồi nhỏ đã đọc sách mà không có thì giờ và phương tiện để thực hiện...
Cơn mưa nhỏ lướt qua bầu trời từ bình minh cũng đã chấm dứt; một tia nắng vàng lách qua lùm cây sồi chui vào góc chuồng cừu lớn. Những chú cừu đực ngập trong rơm rạ của máng ăn buổi sáng vừa ngẩng đầu về phía tia nắng và kêu be be...
Bây giờ, việc đi về giữa Mỹ và Việt Nam thật dễ dàng. Nhưng vào thập niên 80, 90 người đi kẻ ở tưởng chừng là biệt ly mãi mãi. Bạn đã nói với tôi như thế trong nước mắt. Và với sự ngăn cấm của gia đình, với tuổi trẻ khờ dại nông nổi, họ đã lạc mất nhau. Để rồi suốt phần đời còn lại, nỗi đau vẫn còn là vết thương rưng rức. Tôi xin ghi lại câu chuyện tình của bạn, như là một lời đồng cảm...
Ngạn rời căn nhà đó và xuống đây theo đơn xin đi làm trong hảng thịt bò. Ngày Ngạn đi cũng buồn tẻ ảm đạm như ngày anh rời đất nước. Người vợ và hai đứa con tiễn anh ở bến xe buýt ''Con chó rừng''...
Chiếc ghe vượt biển nhỏ xíu, mỏng mảnh của chúng tôi vậy mà chất lúc nhúc đến hơn 80 thuyền nhân, chẳng khác nào một cái lá lạc loài trên đại dương mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Đoàn người rời bỏ quê hương tụm năm tụm ba, rải rác khắp thuyền, co ro trong cái lạnh ngoài khơi xa tít tắp, đầu óc hoang mang với trăm ngàn ý nghĩ...
Hôm ấy, trên facebook Group của nhóm cựu thuyền/ bộ nhân ty nạn Thailand, có xuất hiện bài post của Đức, chụp hình vợ chồng Đức đang tiễn con gái tại sân bay Tân Sơn Nhất đi qua Dallas Hoa Kỳ định cư theo chồng mới cưới. Ôi, chàng Đức chung chuyến tàu của tôi. Nhiều người quen cũ vào để lại những comments chúc mừng, cũng là những người tôi biết mặt biết tên, tôi liền vào tham dự, góp vui...
Người ta nói: “Hết quan là hoàn dân” và chỉ mong có vậy, đừng hết quan hoàn…tàn phế” thì buồn quá! Hôm nay lão Dụng đã tự ngồi dậy được. Lão không nhớ là mình đã nằm như khúc gỗ mục, bất động bao lâu rồi! “Mới đó mà đã lại sang một năm mới. Thời gian bây giờ có nghĩa gì đâu chứ!”: Lão lẩm nhẩm một mình!...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.