Hôm nay,  

Nguyễn Đình Toàn. Mưa Hà Nội

16/09/202210:55:00(Xem: 2678)
Tản mạn

toan
Lê Chiều Giang &
Nguyễn Đình Toàn (10/2021).

 






 

     Mổ trái tim.

     Xem:

     Không gì trong đó

     Mở đôi bàn tay

     Những thứ chẳng còn…

     [LCG] 





Mưa rơi trong màn hình laptop, tôi thèm nghe tiếng mưa. Đêm nay. Mưa Cali hiếm hoi, cứ như chẳng bao giờ muốn có. Nhưng dù đã cố gắng cách mấy, tôi vẫn không thể nhận ra cái rì rào ướt át, chút rét mướt của gió đêm, qua những giọt “mưa giả”, ” mưa máy móc”, “ mưa trong computer”.

 

Tôi mong, tôi ước ao tìm cho ra cái sướt mướt của anh Nguyễn Đình Toàn, nỗi nhung nhớ về những đêm mưa Hà Nội, dù là đêm mưa nho nhỏ, mưa bão bùng, hay mưa dầm suốt hết cả đêm thâu.

 

Có ai tìm ra “mưa” của những năm xưa Hà Nội trong một Sài Gòn vừa bước đến, một Sài Gòn còn lạ xa? Sài Gòn không ấp ủ những cơn mưa mơ màng tuổi mới lớn, khi Anh Toàn bỏ Hà Nội ra đi. Mưa Sài Gòn sầm sập, chấp chới trong ánh sáng kinh đô. Mưa ào ào, mưa bạt mạng như tiếng reo vui giữa lòng thành phố với trăm ngàn ánh đèn rực rỡ, yêu kiều. Mưa Sài Gòn chỉ đủ cho Nguyễn Đình Toàn, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo… xót xa, tiếc nhớ thêm về những dấu yêu xưa, những kỷ niệm cũ thời sống với Hà Nội.

 

Nhưng Sài Gòn là của tôi, nơi sanh ra, ngày mới lớn. Sài Gòn những chiều Thứ Năm. Thoáng trong gió xa xăm có tiếng nói của Nguyễn Đình Toàn dặt dìu, ấm áp như thơ. Âm vang nhẹ rơi trong chút mơ màng của nắng chiều sắp tắt. Sài Gòn Thứ Năm, bàng bạc văn chương Nguyễn Đình Toàn với “Nhạc Chủ Đề”. Nhạc như hương thơm rải trong lòng thanh thoát. Chúng tôi, những cô học trò nhỏ, đã thả hồn mơ theo mưa chiều, nắng sớm. Mắt nồng nàn đếm những chiếc lá vàng lao xao rơi rụng trước sân trường.

 

Sài Gòn mưa vui, nắng hắt. Sài Gòn líu lo. Sài Gòn. Chết.

 

Năm 1978, Khánh Vân, cô bạn rất đẹp của tôi ra Thanh Đa ngồi than thở. Chúng tôi nói về những lửa than của đời sống khó khăn, bên những bàng hoàng không tưởng, những biến động bất ngờ nhất của quê hương… Có thêm chị Nguyễn Thị Thụy Vũ và anh Nguyễn Đình Toàn. Bữa cơm chiều với tô canh đổ thêm nhiều nước lã, đã vui hơn. Khánh Vân như góp thêm chút cười nói, chút rộn rã, xôn xao…

 

Cafe Thanh Đa, chúng tôi không thể bỏ sót dù trời đang mưa. Chị Vũ, Khánh Vân và tôi đội nón lá. Anh Toàn và Nghiêu Đề đi với đầu tóc ướt và luôn cả áo ướt. Những ánh chớp sáng, với ầm ì tiếng sấm vang vọng, cũng không làm chúng tôi sợ hãi. Chị Thuỵ Vũ luôn bước những bước dài vội vã, làm anh Toàn phải réo theo: “Có phải Thuỵ Vũ sợ Tô Thùy Yên đang rượt sau lưng, đuổi bắt lại đó không?” Chúng tôi cười đua cùng với tiếng mưa rơi và sấm trời vang động.

 

Khánh Vân có chút ước ao lạ lùng, xin được ngồi giữa trời với cafe ướt át. Khánh Vân muốn hai đứa tôi tìm lại chút… tuổi thơ. Thuở bé bỏng với những nỗi buồn mông lung, khờ dại. Chúng tôi cứ hay buồn ngang xương, buồn một cách khơi khơi, buồn vô tội vạ mà tưởng như mình sắp chết. Những mơ màng vẩn vơ, cũng có khi chỉ vì đã có một chiều Thứ Năm nào đó, lỡ nghe qua Đài phát thanh Sài Gòn, có lời “xúi dại" của Nguyễn Đình Toàn. Lời thiết tha bay theo mưa gió và nắng ấm của đời: “Hỡi em yêu dấu”.

 

Mọi người xếp bàn ghế ngồi hết ngoài trời, dù mưa làm run lạnh. Chị Vũ mượn guitar, nhưng chủ quán không bằng lòng vì sợ mưa làm hỏng đàn. Tôi hát với mưa, tiếng mất tiếng còn bên gió lộng. Vân còn bày đặt đốt điếu thuốc xin từ anh Nghiêu Đề. Thuốc không cháy, tôi hít hà mùi khét khét, nồng nồng khói của đêm thơm.

 

Nếu một mai

Không còn ai đứng bên kia đời

Trông voi vói…

[Phạm Duy]

 

Nỗi buồn xuýt chút nữa đã rớt xuống trầm sâu, uẩn ức, nếu không có tiếng thở dài vội vã của anh Toàn: “Trời ơi, thôi đi chứ, mưa ướt và lạnh đến điên người. Hai bạn mà cứ đi tìm “tuổi thơ” cái kiểu này, thì đúng là hai bạn đã giết chết, đã làm mất tiêu chút thoi thóp của ‘tuổi già’”. Nhưng tiếng hát vẫn nỉ non, vẫn ngậm ngùi cùng đêm tối.

 

...Có hay chăng là

Mưa rơi vì chúng ta

Mưa rơi. Và còn rơi

Mưa rơi bạc đầu ai…

[Phạm Duy]

 

Mưa Hà Nội âm u, mưa Sài Gòn bạc bẽo không màu, trắng xoá.

 

Cuối cùng gia đình chúng tôi đành vượt thoát khỏi quê hương, vất vả tìm tới San Diego, nơi có chút màu lam chiều thanh tịnh. Nhưng chỉ sau 14 năm, Anh Nghiêu Đề vội vã bỏ hết mọi thứ vui buồn, bỏ luôn cả cuộc đời, ra đi. “Sống một mình”, chắc chắn phải là người vững vàng và đầy can đảm. Nhưng tôi lơ mơ, lại thêm chút vụng dại, cộng với cả vội vàng. Loay hoay chút xíu cho “có lệ” với thế gian, cuối cùng tôi đã rời San Diego theo một nhân duyên mới. Tôi bỏ đi rất xa, tôi đi thật xa và trong 17 năm dài, tôi đã sống ở một nơi… xa lắm.

 

Anh Nguyễn Đình Toàn nhắn tôi về Cali trước khi… quá muộn. Từ nơi xa xôi, biết về thăm rất khó, tôi hứa đại 6 tháng nữa. Anh rên rỉ: “Cái hẹn 6 tháng mới trở lại Cali, đã là cái hẹn lãng mạn nhất, với đầy đủ sự trễ tràng, có khi còn cộng thêm luôn cả lời thất hứa”.

 

Nhưng có gì đâu, 5 năm rồi. Và tôi đã nhiều lần ghé thăm Anh. Con đường dẫn đến nhà Anh đã chẳng ai cần thay tên, đổi họ. California không như Sài Gòn sau 1975. Sài Gòn, nơi “Họ” đã quyết liệt đổi hết tên của những con đường, đổi luôn cả những phố phường xôn xao nhiều quán xá. Lặng lẽ nhưng đầy tiếc nuối với sự đổi thay liên miên tên của những góc phố, những đường xưa. Anh Nguyễn Đình Toàn chỉ còn biết phàn nàn, buồn bã thở than trong nhạc. Anh Hồ Trường An đã phải nhớ thuộc lòng bản nhạc này trong những tối ngồi với bạn bè bên Làng Báo Chí. Khi lên máy bay rời Việt Nam năm 1977,  Hồ Trường An mang theo món quà của Nguyễn Đình Toàn gửi tặng hết cả những ai đã phải từ bỏ quê hương, ra đi.

 

Người đầu tiên hát “Sài Gòn niềm nhớ không tên” tại Paris là Jenny Mai, và bản nhạc đã phổ biến rộng rãi ngay trên các đài phát thanh VOA và BBC. Thời gian đó, khi chúng tôi còn quanh quẩn ở Sài Gòn, biết anh Toàn đã nhiều lần bị công an mời lên làm khó dễ.

 

Sài Gòn ơi

Đâu những chiều

Vui, buồn khoác áo đi

Tay cầm tay

Nói nhỏ những gì

Những quầy hoa

Quán nhạc đêm về…

[Nguyễn Đình Toàn]

 

California khi trở lại, tôi đã chẳng “Lạc lối tìm”. Vẫn những bảng đường quen xưa, ngõ cũ, nơi có Chị Thu Hồng và Anh ấm áp đợi chờ mỗi lần tôi hẹn ghé thăm. Vẫn căn nhà xưa, với những hoa cúc rực rỡ vàng trong sân nắng. Anh và tôi luôn cười vang sau những lần Anh buông lời đanh đá, có khi còn nhuốm thêm chút khắc nghiệt, chút chì chiết với đời. Anh nói xéo, nói thẳng, ghét khơi khơi. Anh bất mãn kinh niên với hết cả loài người và tất cả mọi điều trên thế giới. Mắng mỏ đời mà vô cùng sâu sắc, mỉa mai hết cả và thiên hạ nhưng lại vô cùng dí dỏm, có duyên. Những câu chuyện chỉ có Nghiêu Đề, Duy Trác, Nguyễn Đình Toàn, Thuỵ Vũ mới thấm thía, mới cay đắng đủ để cùng nhau cười tung cười toé, cười thú vị trong suốt hết cả những năm dài.

 

Tôi viết như phục sinh lại chút hình bóng của người đã ra đi, những Nghiêu Đề, Trần Quang Lộc, Nguyễn Đức Sơn, Trần Tuấn Kiệt, Bùi Giáng, Văn Cao, Trương Đình Quế, Ngọc Dũng, Đinh Cường… Viết cả cho những người còn đang thở. Dù thở dốc, thở hơi dài, hay hơi ngắn: Nguyễn Thị Thuỵ Vũ, Duy Trác, Phạm Thiên Thư. Sài Gòn của tôi, mờ mờ những kỷ niệm đang dần xa, đang vật vờ chìm khuất.  Nhưng Sài Gòn vẫn giữ lại hết những chập chờn, những lung linh sáng của rất nhiều gương mặt bàng bạc như chuyện cổ tích, những năm xưa.

 

Duy nhất Anh Nguyễn Đình Toàn. Tôi viết gửi Anh trong phút cuối của đời, khi mà không ai còn đoán ra, không ai còn kịp thấy, đâu là ranh giới của một chấm hết nghiệt ngã. Rất lạnh lùng, lẫn cả tối tăm:

 

Phút lãng đãng giữa ra đi, và ở lại.

 

Cali không mưa nhiều như tôi hằng mong đợi. Nhưng đêm nay San Diego mưa, mưa nỉ non, mưa thầm thì, mưa to nhỏ. Mưa mang theo những não nùng, những giá lạnh của khói hương xưa.

 

Tôi đang tìm lại giùm Anh những ướt át hắt hiu, chút âm u buồn, lặng câm và ảm đạm.

Giữ lại hết cả những lo âu, những sợ hãi đầy hoài nghi về nỗi chết.

 

Cố thắp cho anh một ngọn đèn

Dù chẳng còn trông mong gì nữa…

[Nguyễn Đình Toàn]

 

Tôi buông lời réo gọi những cơn mưa trút nước, mưa như điên, mưa bạt mạng của Sài Gòn. Nhưng tôi giữ lại giùm Anh chút mưa gió lê thê, mang mang cái giá rét âm u đầy thơ mộng của những đêm mưa phùn ngày xa xưa. Hà Nội.

 

Lê Chiều Giang

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Năm 1992, tôi là nhân viên của Trung Tâm Người Á Châu, Asian Human Services in Chicago. Tôi được đặc trách làm tư vấn cho học sinh gốc Đông Dương tại các trường cấp ba-high schools- ở trong vùng Uptown-Chicago. Tôi có văn phòng và họp thư riêng ở mỗi trường. Chủ yếu của chương trình là dạy thêm Anh ngữ cho các cháu tị nạn mới qua.
An mơ màng mộng mị, hình ảnh ngồi thu lu ở cái xó gần chỗ nối hai đầu toa xe lửa cứ bập bềnh theo nhịp lắc lư của toa tàu. Mùi khai thối khăm khẳm tưởng đã quen nhưng có lúc vẫn buồn nôn muốn ói. Bên ngoài khung cửa sổ, trời vừa lờ mờ sáng, phố xá con im lìm ngái ngủ, những ngọn đèn hai bên đường vẫn còn tỏa ánh sáng vàng vọt xuống mặt đường.
Nàng chợt nhớ “bất phương trình”: tình- yêu/người-yêu hôm nào đây nàng và chị bạn mằn mò tìm cách giải đáp. Hình ảnh sầu não của chị bạn khi nhắc đến hư hao trong tình cảm hiện rõ trong trí nàng. Phút chốc, nàng thấy mình cũng chông chênh, xiêu vẹo trong nỗi buồn sắp sửa đánh mất niềm yêu. Nàng vẫn mong chàng đứng xa xa bên kia hàng rào, hát hò, thơ thẩn. Bên này, nàng cuống quýt, bâng khuâng nghe tiếng chàng ầu ơ câu ca dao ngọt ngào: “Thò tay mà ngắt ngọn ngò/Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ.” Bỗng nhiên, tai nàng văng vẳng câu ca dao khác, nghèn nghẹn. Nàng cúi xuống, gõ nhẹ bàn phím, những giọt nước mắt lặng lẽ nhỏ xuống bàn. Nếu nàng dùng bút mực như thuở xưa, chàng sẽ thấy câu ca dao bị nhòe nhoẹt vài chữ: “Yêu nhau mà đứng đàng xa/ Con mắt liếc lại bằng ba đứng gần”.
Chủ Nhật tươi hồng, xóm nhỏ nơi tôi ở bỗng rộn ràng, nhộn nhịp, khác hẳn với những Chủ Nhật im ắng thường lệ, là ngày nghỉ ngơi của mọi người. Xóm tôi nằm cuối làng Rất Gần (Rödgen đọc tiếng Đức nghe giống như “Rất Gần”), thuộc thành phố Bad Nauheim, một thành phố nghỉ dưỡng xanh tươi gần Frankfurt am Main, miền trung nước Đức.
Trời vừa khuất bóng, đường phố bắt đầu lên đèn, quán Intermezzo tọa lạc trên con đường sang trọng và đẹp nhất của thành Ất Lăng, ngay góc Peachtree và đường số 10. Đây là một quán cafe của người ý , phong cách bài trí đậm chất thành Rome, những bức tranh hay pho tượng giả cổ theo phong cách nghệ thuật phục hưng, những cái bàn ăn nho nhỏ, mỗi bàn có một lọ hoa và chao đèn màu, ánh sáng dìu dịu vừa đủ để thực khách thấy mà ăn.
Suốt đêm, Sarah bồn chồn, trăn trở như người mất ngủ kinh niên. Nàng hết đi ra đi vào trong căn phòng chật hẹp, ném cái bóng nặng nề thô kệch hắt từ ngọn đèn ngủ đỏ lừ lên vách tường. Những lúc nàng trăn trở, hắn như gã đàn ông không quen đi biển, lật lìa, say sóng. Đứng nhìn ra ngoài khung cửa sổ chán, Sarah lại quay vào nằm xuống trũng mặt nệm, mắt thao láo ngó lên trần nhà. Tuân thiếp đi lúc nào không hay. Rồi đang lúc ngủ say, Tuân giật bắn mình vì Sarah vồ lấy hắn, lắc hung hăng như người ta giũ món đồ ra khỏi túi áo tên ăn trộm.
Thời giữa thập niên 80, gia đình chúng tôi đến Đức được vài năm, tạp chí Độc Lập và Măng Non (sau này đổi thành Văn Nghệ Trẻ) là những món ăn tinh thần quý giá. Học tiếng Đức thật vất vả, trầy vi, tróc vảy. Bởi thế, chúng tôi thèm thuồng món ăn chữ nghĩa Việt ngon ngọt, vừa quý, vừa hiếm này. Nhận được tờ báo tiếng Việt, chúng tôi đọc từ trang đầu đến trang cuối, không bỏ sót mục nào. Đọc xong, chuyền tay qua anh chị em khác.
Chuyện Viễn Mơ Thời Chiến gồm nhiều dật sự. Dật Sự (軼事)là việc xẩy ra không còn tìm biết được nữa. Đó là những câu chuyện xoay quanh Đại Học New Hardy xuất hiện như một huyền thoại tại Nam Thường.
Trời mù sương. Cái lạnh buổi sáng mọc vẩy trên da. Người đàn ông trung niên ngập ngừng trước cánh cửa gỗ to bản khép hờ. Gió vỗ vào tường đá, dội ngược lại thân thể chàng, làm bay phất phơ hai vạt áo choàng mùa thu và đập phành phạch vào hai ống chân chàng. Chùi chân trên tấm thảm nhỏ theo thói quen xong, chàng chậm rãi bước vào tiền sảnh toà dinh thự. Ở đây không khí như keo đặc lại. Cái mùi ẩm mốc lạ lẫm xộc vào mũi chàng.
Trước khi mệnh chung anh đã tự làm cáo phó và dặn dò người vợ mẫu mực là chị Virginia Lê-Xuân Lan: "Đừng bao giờ đưa anh vô bệnh viện. Anh sống như vậy là quá đủ. Hãy để anh ôm giữ lấy em như níu kéo những ngày còn lại trong suốt 54 năm hạnh phúc - thủy chung mà chúng ta có được ..." Và anh Lê Văn đã có một giấc ngủ dài, ra đi trong thanh thản bên vòng tay yêu thương của người vợ hiền.
Với Thầy Giác Thanh, dù thời gian tiếp xúc với Thầy không nhiều, nhưng hình ảnh của Thầy luôn luôn nằm đâu đó trong tiềm thức của tôi, dù là rất nhẹ nhàng, không hề có một ấn tượng nào mạnh mẽ.
Mùa dịch kéo dài với hơn bốn đợt bùng phát trong gần hai năm, ước mong nó mau qua đi và đừng lặp lại, để nó không còn được gọi là mùa trong cái vòng chu kỳ thời gian sống của con người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.