Hôm nay,  

Nguyễn Đình Toàn. Mưa Hà Nội

16/09/202210:55:00(Xem: 2604)
Tản mạn

toan
Lê Chiều Giang &
Nguyễn Đình Toàn (10/2021).

 






 

     Mổ trái tim.

     Xem:

     Không gì trong đó

     Mở đôi bàn tay

     Những thứ chẳng còn…

     [LCG] 





Mưa rơi trong màn hình laptop, tôi thèm nghe tiếng mưa. Đêm nay. Mưa Cali hiếm hoi, cứ như chẳng bao giờ muốn có. Nhưng dù đã cố gắng cách mấy, tôi vẫn không thể nhận ra cái rì rào ướt át, chút rét mướt của gió đêm, qua những giọt “mưa giả”, ” mưa máy móc”, “ mưa trong computer”.

 

Tôi mong, tôi ước ao tìm cho ra cái sướt mướt của anh Nguyễn Đình Toàn, nỗi nhung nhớ về những đêm mưa Hà Nội, dù là đêm mưa nho nhỏ, mưa bão bùng, hay mưa dầm suốt hết cả đêm thâu.

 

Có ai tìm ra “mưa” của những năm xưa Hà Nội trong một Sài Gòn vừa bước đến, một Sài Gòn còn lạ xa? Sài Gòn không ấp ủ những cơn mưa mơ màng tuổi mới lớn, khi Anh Toàn bỏ Hà Nội ra đi. Mưa Sài Gòn sầm sập, chấp chới trong ánh sáng kinh đô. Mưa ào ào, mưa bạt mạng như tiếng reo vui giữa lòng thành phố với trăm ngàn ánh đèn rực rỡ, yêu kiều. Mưa Sài Gòn chỉ đủ cho Nguyễn Đình Toàn, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo… xót xa, tiếc nhớ thêm về những dấu yêu xưa, những kỷ niệm cũ thời sống với Hà Nội.

 

Nhưng Sài Gòn là của tôi, nơi sanh ra, ngày mới lớn. Sài Gòn những chiều Thứ Năm. Thoáng trong gió xa xăm có tiếng nói của Nguyễn Đình Toàn dặt dìu, ấm áp như thơ. Âm vang nhẹ rơi trong chút mơ màng của nắng chiều sắp tắt. Sài Gòn Thứ Năm, bàng bạc văn chương Nguyễn Đình Toàn với “Nhạc Chủ Đề”. Nhạc như hương thơm rải trong lòng thanh thoát. Chúng tôi, những cô học trò nhỏ, đã thả hồn mơ theo mưa chiều, nắng sớm. Mắt nồng nàn đếm những chiếc lá vàng lao xao rơi rụng trước sân trường.

 

Sài Gòn mưa vui, nắng hắt. Sài Gòn líu lo. Sài Gòn. Chết.

 

Năm 1978, Khánh Vân, cô bạn rất đẹp của tôi ra Thanh Đa ngồi than thở. Chúng tôi nói về những lửa than của đời sống khó khăn, bên những bàng hoàng không tưởng, những biến động bất ngờ nhất của quê hương… Có thêm chị Nguyễn Thị Thụy Vũ và anh Nguyễn Đình Toàn. Bữa cơm chiều với tô canh đổ thêm nhiều nước lã, đã vui hơn. Khánh Vân như góp thêm chút cười nói, chút rộn rã, xôn xao…

 

Cafe Thanh Đa, chúng tôi không thể bỏ sót dù trời đang mưa. Chị Vũ, Khánh Vân và tôi đội nón lá. Anh Toàn và Nghiêu Đề đi với đầu tóc ướt và luôn cả áo ướt. Những ánh chớp sáng, với ầm ì tiếng sấm vang vọng, cũng không làm chúng tôi sợ hãi. Chị Thuỵ Vũ luôn bước những bước dài vội vã, làm anh Toàn phải réo theo: “Có phải Thuỵ Vũ sợ Tô Thùy Yên đang rượt sau lưng, đuổi bắt lại đó không?” Chúng tôi cười đua cùng với tiếng mưa rơi và sấm trời vang động.

 

Khánh Vân có chút ước ao lạ lùng, xin được ngồi giữa trời với cafe ướt át. Khánh Vân muốn hai đứa tôi tìm lại chút… tuổi thơ. Thuở bé bỏng với những nỗi buồn mông lung, khờ dại. Chúng tôi cứ hay buồn ngang xương, buồn một cách khơi khơi, buồn vô tội vạ mà tưởng như mình sắp chết. Những mơ màng vẩn vơ, cũng có khi chỉ vì đã có một chiều Thứ Năm nào đó, lỡ nghe qua Đài phát thanh Sài Gòn, có lời “xúi dại" của Nguyễn Đình Toàn. Lời thiết tha bay theo mưa gió và nắng ấm của đời: “Hỡi em yêu dấu”.

 

Mọi người xếp bàn ghế ngồi hết ngoài trời, dù mưa làm run lạnh. Chị Vũ mượn guitar, nhưng chủ quán không bằng lòng vì sợ mưa làm hỏng đàn. Tôi hát với mưa, tiếng mất tiếng còn bên gió lộng. Vân còn bày đặt đốt điếu thuốc xin từ anh Nghiêu Đề. Thuốc không cháy, tôi hít hà mùi khét khét, nồng nồng khói của đêm thơm.

 

Nếu một mai

Không còn ai đứng bên kia đời

Trông voi vói…

[Phạm Duy]

 

Nỗi buồn xuýt chút nữa đã rớt xuống trầm sâu, uẩn ức, nếu không có tiếng thở dài vội vã của anh Toàn: “Trời ơi, thôi đi chứ, mưa ướt và lạnh đến điên người. Hai bạn mà cứ đi tìm “tuổi thơ” cái kiểu này, thì đúng là hai bạn đã giết chết, đã làm mất tiêu chút thoi thóp của ‘tuổi già’”. Nhưng tiếng hát vẫn nỉ non, vẫn ngậm ngùi cùng đêm tối.

 

...Có hay chăng là

Mưa rơi vì chúng ta

Mưa rơi. Và còn rơi

Mưa rơi bạc đầu ai…

[Phạm Duy]

 

Mưa Hà Nội âm u, mưa Sài Gòn bạc bẽo không màu, trắng xoá.

 

Cuối cùng gia đình chúng tôi đành vượt thoát khỏi quê hương, vất vả tìm tới San Diego, nơi có chút màu lam chiều thanh tịnh. Nhưng chỉ sau 14 năm, Anh Nghiêu Đề vội vã bỏ hết mọi thứ vui buồn, bỏ luôn cả cuộc đời, ra đi. “Sống một mình”, chắc chắn phải là người vững vàng và đầy can đảm. Nhưng tôi lơ mơ, lại thêm chút vụng dại, cộng với cả vội vàng. Loay hoay chút xíu cho “có lệ” với thế gian, cuối cùng tôi đã rời San Diego theo một nhân duyên mới. Tôi bỏ đi rất xa, tôi đi thật xa và trong 17 năm dài, tôi đã sống ở một nơi… xa lắm.

 

Anh Nguyễn Đình Toàn nhắn tôi về Cali trước khi… quá muộn. Từ nơi xa xôi, biết về thăm rất khó, tôi hứa đại 6 tháng nữa. Anh rên rỉ: “Cái hẹn 6 tháng mới trở lại Cali, đã là cái hẹn lãng mạn nhất, với đầy đủ sự trễ tràng, có khi còn cộng thêm luôn cả lời thất hứa”.

 

Nhưng có gì đâu, 5 năm rồi. Và tôi đã nhiều lần ghé thăm Anh. Con đường dẫn đến nhà Anh đã chẳng ai cần thay tên, đổi họ. California không như Sài Gòn sau 1975. Sài Gòn, nơi “Họ” đã quyết liệt đổi hết tên của những con đường, đổi luôn cả những phố phường xôn xao nhiều quán xá. Lặng lẽ nhưng đầy tiếc nuối với sự đổi thay liên miên tên của những góc phố, những đường xưa. Anh Nguyễn Đình Toàn chỉ còn biết phàn nàn, buồn bã thở than trong nhạc. Anh Hồ Trường An đã phải nhớ thuộc lòng bản nhạc này trong những tối ngồi với bạn bè bên Làng Báo Chí. Khi lên máy bay rời Việt Nam năm 1977,  Hồ Trường An mang theo món quà của Nguyễn Đình Toàn gửi tặng hết cả những ai đã phải từ bỏ quê hương, ra đi.

 

Người đầu tiên hát “Sài Gòn niềm nhớ không tên” tại Paris là Jenny Mai, và bản nhạc đã phổ biến rộng rãi ngay trên các đài phát thanh VOA và BBC. Thời gian đó, khi chúng tôi còn quanh quẩn ở Sài Gòn, biết anh Toàn đã nhiều lần bị công an mời lên làm khó dễ.

 

Sài Gòn ơi

Đâu những chiều

Vui, buồn khoác áo đi

Tay cầm tay

Nói nhỏ những gì

Những quầy hoa

Quán nhạc đêm về…

[Nguyễn Đình Toàn]

 

California khi trở lại, tôi đã chẳng “Lạc lối tìm”. Vẫn những bảng đường quen xưa, ngõ cũ, nơi có Chị Thu Hồng và Anh ấm áp đợi chờ mỗi lần tôi hẹn ghé thăm. Vẫn căn nhà xưa, với những hoa cúc rực rỡ vàng trong sân nắng. Anh và tôi luôn cười vang sau những lần Anh buông lời đanh đá, có khi còn nhuốm thêm chút khắc nghiệt, chút chì chiết với đời. Anh nói xéo, nói thẳng, ghét khơi khơi. Anh bất mãn kinh niên với hết cả loài người và tất cả mọi điều trên thế giới. Mắng mỏ đời mà vô cùng sâu sắc, mỉa mai hết cả và thiên hạ nhưng lại vô cùng dí dỏm, có duyên. Những câu chuyện chỉ có Nghiêu Đề, Duy Trác, Nguyễn Đình Toàn, Thuỵ Vũ mới thấm thía, mới cay đắng đủ để cùng nhau cười tung cười toé, cười thú vị trong suốt hết cả những năm dài.

 

Tôi viết như phục sinh lại chút hình bóng của người đã ra đi, những Nghiêu Đề, Trần Quang Lộc, Nguyễn Đức Sơn, Trần Tuấn Kiệt, Bùi Giáng, Văn Cao, Trương Đình Quế, Ngọc Dũng, Đinh Cường… Viết cả cho những người còn đang thở. Dù thở dốc, thở hơi dài, hay hơi ngắn: Nguyễn Thị Thuỵ Vũ, Duy Trác, Phạm Thiên Thư. Sài Gòn của tôi, mờ mờ những kỷ niệm đang dần xa, đang vật vờ chìm khuất.  Nhưng Sài Gòn vẫn giữ lại hết những chập chờn, những lung linh sáng của rất nhiều gương mặt bàng bạc như chuyện cổ tích, những năm xưa.

 

Duy nhất Anh Nguyễn Đình Toàn. Tôi viết gửi Anh trong phút cuối của đời, khi mà không ai còn đoán ra, không ai còn kịp thấy, đâu là ranh giới của một chấm hết nghiệt ngã. Rất lạnh lùng, lẫn cả tối tăm:

 

Phút lãng đãng giữa ra đi, và ở lại.

 

Cali không mưa nhiều như tôi hằng mong đợi. Nhưng đêm nay San Diego mưa, mưa nỉ non, mưa thầm thì, mưa to nhỏ. Mưa mang theo những não nùng, những giá lạnh của khói hương xưa.

 

Tôi đang tìm lại giùm Anh những ướt át hắt hiu, chút âm u buồn, lặng câm và ảm đạm.

Giữ lại hết cả những lo âu, những sợ hãi đầy hoài nghi về nỗi chết.

 

Cố thắp cho anh một ngọn đèn

Dù chẳng còn trông mong gì nữa…

[Nguyễn Đình Toàn]

 

Tôi buông lời réo gọi những cơn mưa trút nước, mưa như điên, mưa bạt mạng của Sài Gòn. Nhưng tôi giữ lại giùm Anh chút mưa gió lê thê, mang mang cái giá rét âm u đầy thơ mộng của những đêm mưa phùn ngày xa xưa. Hà Nội.

 

Lê Chiều Giang

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Một con cú to lớn màu trắng, đột nhiên quay đầu nhìn Steven, đôi mắt nó tròn đen như hai hột nhãn, cứ như ai đó gắn vào cái mặt bẹt của nó, cái nhìn lạnh tanh mà xoáy vào lòng người ta. Steven nổi da gà, nỗi sợ bắt đầu len lỏi từng tế bào, luồng sóng lạnh lan tỏa từ thần kinh trung ương đi khắp thân. Steven thoáng nghĩ: ”Con cú nhồi bông không thể cử động được? mình đã nhìn nó bao nhiêu năm nay rồi cơ mà”.
Buổi chiều mưa rây rây. Thành phố lạ. Nhà hàng có cái tên quen. Chúng tôi vào, náo nức gọi món ăn. Sau gần một tuần lễ rong ruổi núi đá chênh vênh, với thác nước tung bọt trắng, với mặt hồ biếc xanh, với vô vàn những con dốc cheo leo, chúng tôi về thành phố. Cả tuần lễ ăn toàn đồ Tây, hôm nay ai cũng thèm món Á châu. Vừa ngồi vào ghế, âm thanh nhốn nháo đã kéo tôi ngước nhìn màn hình ti vi trước mặt. Khung cảnh quen thuộc từ ký ức nào đó bỗng dưng chói lòa. Lũ người chen chúc nhau bu quanh chiếc máy bay khổng lồ đang lăn bánh trên phi đạo. Mắt tôi dán lên màn hình. Ngực tôi thắt lại. Tôi không dám nhìn. Tôi nhắm mắt. Tôi cố không nghe. Nhưng hình ảnh và những âm thanh ấy vẫn còn. Thật rõ nét. Dù tôi chỉ tình cờ bắt gặp.
Bà Tám Niệm chết hai ngày rồi, nhà chưa lo được đủ bộ ván hòm. Thằng con Út ở nông trường về chiều hôm qua đã không biết làm gì để tiếp giúp mọi người, chỉ ngồi đầu giường mà khóc. Đầu hôm, có người này người nọ, đi ra đi vô cũng đỡ trống lạnh. Khuya lại, âm u thấy mà ghê. Nhà ngoài còn hai người, ông Xã Miễng và thằng Cu Ngọng ngồi đánh cờ tướng. Cái chái lợp bằng tàu dừa, không có vách vừng, gió thổi u u mà bốn năm đứa nhỏ nằm trên bàn ngủ ngon lành.
Ánh trăng bàng bạc phủ khắp sơn hà, gió thổi qua tàng lá cây quanh vùng làm cho ánh sáng loang loáng rơi trên mặt đất, tạo ra những mảng sáng tối xen kẽ nhau. Dòng ánh sáng chảy từ đỉnh Stone Mountain xuống trông cứ như những dòng sữa từ biển Hương Thủy. Stone Mountain không phải là núi lớn, nó chỉ là một hòn đá liền khối khổng lồ. Người ta ước tính nó đã hai trăm năm mươi triệu tuổi rồi. Nó đã chứng kiến biết bao dâu bể của xứ sở này. Đêm nay cũng như hàng vạn đêm trăng khác, lặng lẽ, tịch mịch đến vô cùng. Chợt có tiếng chuông từ đâu đó ngân lên, làn sóng âm thanh lan tỏa khắp đất trời. Dòng ánh sáng của trăng chảy từ trên xuống hòa vào dòng âm thanh bay lên lay động cả ngân hà. Tiếng chuông loang như những vòng sóng âm tan vào không gian cả một vùng ngoại thành đang yên ả ngủ. Thằng Jeffrey lẩm bẩm: - Quái lạ nhỉ? Giờ này sao lại có tiếng chuông? Mà tiếng chuông cũng không ngân nga thánh thót như chuông nhà thờ của cha xứ Jame Winston. Tiếng chuông này thỉnh thoảng
Hạnh phúc không phải chỉ được nhìn thấy ở những gì tốt đẹp sẵn có, hanh phúc còn được tìm thấy khi ta chuyển hóa những điều tệ hại đến với ta, thành những điều tốt đẹp. Tư duy về cuộc sống không phải là làm sao sống qua cơn bão tố, mà làm sao ta vẫn thấy được hanh phúc ngay cả khi ta đi dưới cơn mưa rào...
Chợ hoa Bà Kiều im ắng lặng ngắt không một bóng người, những sạp hàng trơ trọi sầu, không một cánh hoa rơi, đến cả một tiếng vo ve của ruồi nhặng cũng không. Ngày thường chợ rất sầm uất, nhộn nhịp, mọi người nhóm chợ từ hai giờ sáng, kẻ bán người mua tấp nập. Hoa từ Đà Lạt xuống, từ miền tây lên, miền trung vào, hoa ngoại từ phi trường đến để rồi từ đây hoa được các mối sỉ chia lẻ cho các mối nhỏ hơn và tỏa đi khắp các quận nội thành, ngoại thành và cả các tỉnh gần xa. Lệnh phong tỏa đã giết chết chợ hoa, mà nào chỉ chợ hoa, tất cả các chợ lớn nhỏ đều bị đóng cửa cả. Chị Hai Thương thốt lên giọng đầy chán nản: - Đóng cửa kiểu này chắc ăn cám heo mà sống. Anh hai Thành, chồng chị cười méo xẹo: - Có cám ăn đã là phước! Không chừng cạp đất mà ăn. Chị Hai vẫn rền rĩ: - Đã mấy tháng nay cà giựt cà thọt, làm ăn bết bát, ai còn lòng dạ nào mà chưng hoa nhưng dù sao cũng còn sống lất lây, giờ cấm chợ ngăn sông thì chết chắc! Mình chết, nhà vườn cũng chết, họ cò
Sau thời công phu khuya vào sáng ngày 16 tháng 8 năm 2021, Thầy trò, Ông cháu chúng tôi lạy Tổ để chuẩn bị sang thăm Tổ Đình Khánh Anh, nơi Ni Sư Thích Nữ Diệu Trạm đang Trụ Trì, thì được Thượng Tọa Trụ Trì Thích Quảng Đạo và Thầy Thích Chúc Thành mời xuống hồ Sen nơi cổng chùa để xem hai đóa Sen đang nở. Theo lời Thầy Quảng Đạo cho biết thì một hoa Sen đã nở đúng vào ngày 8 tháng 8 vừa qua, nhân lễ húy nhật lần thứ 8 của Sư Ông Minh Tâm
Từ ngày chị dâu tôi qua đời cách đây ba năm, tinh thần anh tôi suy sụp thấy rõ. Các con của anh ở Mỹ muốn đưa anh sang Mỹ anh vẫn từ chối. Anh quyết tâm ở lại với chị đến hơi thở cuối cùng. Giờ này anh tôi đã được an vị bên cạnh mộ phần của chị dâu tôi. Và với anh, Việt Nam lúc nào cũng là quê hương. Dù sao đi nữa, Anh tôi đã toại nguyện với chị dâu tôi và sống chết với Nha Trang, với quê cha đất tổ../.
Mùa hè năm 2020 là thời điểm nghiêm trọng nhất trong đại dịch Covid toàn cầu. Cũng như hầu hết các sinh hoạt cộng đồng khác, Khoá Huấn Luyện & Tu Nghiệp Sư Phạm (TNSP) hằng năm của Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California (BĐDCTTVN) không thể thực hiện được như ba mươi mốt lần trước. Phải đợi đến mùa hè năm nay, vào hai ngày cuối tuần thứ Bảy và Chủ nhật, 7-8 tháng Tám, 2021, khi tình hình dịch bệnh đã có phần thuyên giảm nhờ đa số mọi người đã được chích ngừa
Dần dà, cũng từ chiếc xe lăn, cô suy nghĩ lại tất cả những gì đã xẩy ra trong cuộc đời ngắn ngủi của mình. Cô học được điều đầu tiên: sự kiên nhẫn. Với sự kiên nhẫn, cô tin rằng mình có thể học làm được nhiều thứ, dù phải ngồi xe lăn. Kế tiếp, cô học được sự cảm thông với nỗi bất hạnh của người khác. Như cha mẹ cô, gia đình cô đã cảm thông với cô và hết lòng thương yêu cô, trước cũng như sau tai nạn. Nếu cô cứ mãi mãi ngồi xe lăn, không thể làm việc để tự nuôi sống mình, hẳn cha mẹ và gia đình cô cũng sẽ rất vui vẻ lo lắng cho cô suốt đời.
Đang sắp hàng trong tiệm Hamburgers Fuddruckers, bà Dung nghe giọng nữ từ phía sau, hỏi bằng tiếng Anh: -Bà ơi! Tí nữa bà ngồi bàn nào bà làm ơn cho tôi ngồi cùng bàn với. Quay lui, thấy một phụ nữ Á Đông mang “mask”, bà Dung – cũng mang “mask” – có vẻ lưỡng lự, phân vân. Phụ nữ nhìn vào mắt bà Dung với ánh nhìn thiết tha, tiếp: -Bà đừng ngại, tôi chích ngừa Covid-19 rồi.
Cái xóm trọ này ngất ngư trong cơn nắng hạ bao nhiêu năm nay, cái nắng cái nóng có khó khổ mấy cũng còn chịu được. Ai cũng bám trụ để mưu sinh, lo cho con cái và gia đình, nhưng cái nóng hầm hè chống dịch thì tàn nhẫn hơn, nó làm cho người ta cạn kiệt cả vật chất lẫn tinh thần. Ngồi nhà cả tháng, ăn uống dù có tém gọn đến độ không thể nào gọn hơn nữa nhưng vẫn không biết mai này lấy gì ăn, ấy là chưa nói tiền nhà, tiền điện, nước, học hành và trăm thứ hằm bà lằng khác.