Hôm nay,  

Chuyện con chuột răng

8/14/202221:06:00(View: 3331)
Truyện thiếu nhi

hoangq
Mẹ con -- Tranh Nguyễn Đức Tuấn Đạt.



Lần đầu Bê thay răng sữa, Bê đã làm náo loạn “hoàng cung“ của ông bà Ngoại. Bê đang ráp máy bay Lego. Mô hình này khó lắm, dành cho người lớn từ tám tuổi trở lên. Tụi con Thiên Hương, con Cốm thấy Bê ráp như vậy phục lắm. Tụi nó coi một lúc rồi cũng chán, rủ nhau đi chơi búp bê Barbie. Càng tốt, khỏi có mấy câu hỏi rắc rối. Đột nhiên Bê cảm thấy vị mặn trong miệng, ủa, có gì cứng cứng vậy cà. Bê đưa tay lên nhả ra. Trời đất ơi, máu và cái răng. Bê vừa chạy ra phòng khách, vừa la khóc:

 

- Mẹ ơi, Mẹ ơi. Kêu xe Notarzt (bác sĩ cấp cứu) tới chở con vô bịnh viện ngay.

 

Cả nhà vây quanh Bê. Mẹ ôm Bê dỗ dành:

 

- Từ từ để Ba coi sao.

 

Ba lấy khăn giấy lau tay cho Bê, gói răng rồi chạy xuống bếp. Bê mếu máo:

 

- Thiếu một cái răng làm sao mà ăn.

 

Cậu Kem cười ré lên:

 

- Tưởng gì. Lấy bớt mấy hũ Hipp của cu Bờm cho Bê ăn. Hay là Bê nhịn bớt, nhẹ người, đá banh chạy cho lẹ.

 

Bà Ngoại gạt ngang:

 

- Cậu Kem đừng chọc cháu nữa. Cháu đang sợ mà. Bà Ngoại cũng hết hồn luôn đó.

 

Cậu Kem còn ráng thọt thêm một câu:

 

- Bê đừng cười nhiều nghe. Chỗ đó trống, gió lọt vô là đau bụng đó.

 

Mẹ gắt nhẹ:

 

- Nói tầm bậy. Cháu tưởng thiệt làm sao?

 

Mẹ vuốt tóc Bê:

 

- Cậu Kem nói giỡn thôi con. Cái răng rụng đó là răng sữa. Thay răng chứng tỏ là con lớn thêm tí nữa. Bây giờ con là học trò lớp một rồi mà. Răng mới sẽ mọc ở đó.

 

Bê vẫn còn thút thít:

 

-Mai nó đã mọc chưa?

 

Ba giảng giải:

 

- Mai chắc là chưa. Có thể tuần tới.

 

Bê phụng phịu:

 

- Vậy mấy đứa tưởng con là thằng tí sún sao.

 

Thiên Hương và Cốm vội vàng đồng ca:

 

Ê, cái thằng Tí sún, Tí sún. Nhe cái răng nham nhở chổi cùn. Vì nó lười đánh răng sớm tối. Lại nhai kẹo suốt ngày không thôi...

 

Mẹ vuốt má Bê:

 

- Răng mới này con phải giữ kỹ. Chớ để sâu răng là thành Tí sún thiệt đó. Cái răng rụng con để nơi bệ cửa sổ. Ban đêm có con chuột răng đi qua, nó thấy con giữ răng tốt, không chừng có quà.

 

Nghe tới chữ quà, Bê sáng rỡ con mắt:

 

- Ba ơi, cho con cái răng để tối nay con đưa con chuột coi.

 

Ba kêu Mẹ xuống bếp. Lúc Bê la khóc um sùm, Ba đã quýnh quáng ném cái răng vô thùng rác. Ba Mẹ trải mấy tờ báo ra, mằn mò một hồi. Cuối cùng, tìm được răng cho Bê.

 

Món quà đầu tiên chuột răng tặng cho Bê là con khủng long màu xanh, lông của nó mịn ơi là mịn. Đó là con Brachiosaurus, có cái cổ dài ngoằng. Nó hiền lành lắm. Chỉ ăn cây cỏ chớ không hung dữ, ăn thịt như con Tyrannosaurus Rex. Bê thương nó nhứt trong họ hàng khủng long. Lúc đó Bê đang mê khủng long quá trời đất. Bê có cái đèn ngủ hình Triceratops, đồng hồ báo thức hình Dimetrodon. Hôm sinh nhật, Bê được rất nhiều quà có hình khủng long: một bộ Memory, một bộ bút màu và bao nhiêu là sách. Mẹ tạm ngưng đọc truyện Con Ong Maja, chuyển qua đọc sách khủng long cho Bê.

 

Sau đó, các răng sữa của Bê lần lượt rụng. Chuột răng mang quà đến cho Bê khá đầy đủ. Nếu ngày nào cũng có răng rụng, ngày nào cũng có quà. Vậy thì quá đã. Nhưng không được. Hôm trước, Mẹ đọc trong tờ Medizini cho Bê nghe, thường thường người ta chỉ có 32 cái răng mà thôi. Bê nghĩ, phải chi mình có một ngàn cái răng, có lý vô cùng.

 

Có lần Mẹ đi làm xa. Bê buồn, vì tối không có ai đọc sách. Bê chỉ thích chơi lăn với Ba, chớ Ba đọc sách, Bê hay ngủ liền lắm. Bê không câu giờ được. Lần đó, Bê bị rụng răng, Bê để cái răng lên cửa sổ như thường lệ. Sáng ra, không thấy quà, Bê khóc bù lu, bù loa. Mém chút Bê bị Ba cho ăn đòn. Bê giận con chuột răng lắm. Trên đường tới trường, Bê còn tấm tức, con chuột kỳ cục, hung dữ, mau quên. Tại sao nó không biết là Bê mới rụng thêm cái răng nữa chớ. Ba phải la Bê:

 

- Con cứ cằn nhằn như vậy nó nghe được, nó thấy như vậy là không ngoan. Nó giận, không bao giờ đem quà tới nữa đó.


Tối đó Bê gọi điện thoại cho Mẹ. Bê cũng vẫn còn giận con chuột. Bê nói nho nhỏ cho

Mẹ nghe, sợ tới tai con chuột răng. Lỡ nó giận, nó đi luôn, Bê buồn lắm. Mẹ nhẹ nhàng trong điện thoại:

 

- Có thể chuột răng không biết chắc cái răng của ai. Tối nay con đem cái răng để trên bệ cửa, rồi viết trên tờ giấy: Đây là răng của Bê.

 

- Mà con viết tiếng Việt hay tiếng Đức đây Mẹ?


Rồi Bê tự trả lời:

 

- Con viết hai thứ tiếng cho chắc ăn.

 

- Ừ, vậy được đó. Để Ba chỉ cho con viết. Chúc Bê của Mẹ ngủ ngon. Mẹ nói chuyện với Ba chút nghe.

 

Lần đó, Bê được bộ ba ông tài xế cho Lego Technik. Con chuột răng hay thiệt. Nó biết Bê đang thích, đang cần mấy ông tài xế. Bê có nhiều Lego Technik lắm, nào là xe đua, xe gắn máy, xe cần câu... Nhiều xe mà không có ai lái cả. Chờ tới sinh nhật đến bảy tháng lận, Giáng Sinh thì phải sáu tháng nữa. Chuột răng ơi, Bê cám ơn chuột răng nhiều lắm, Bê thương chuột răng nhiều nhiều.

 

Sau lần đó, Bê luôn có thư kèm cho chuột răng. Lúc đầu Bê viết hai thứ tiếng. Về sau Bê chỉ viết tiếng Việt mà chuột vẫn hiểu. Càng lúc Bê càng thương chuột răng. Quà nào cũng đúng ý Bê cả. Nào là truyện tranh Asterix, Lucky Luke, cuốn Atlas bự ơi là bự. Bây giờ Bê đã vào lớp ba. Bê tự viết thư cho chuột được rồi. Thỉnh thoảng Bê còn vẽ tranh tặng chuột. Có khi mấy tháng Bê mới rụng một cái răng. Bê cũng biết là mình sắp hết răng sữa rồi. Tháng trước chuột răng tặng cho Bê cái nón có phù hiệu của FC Bayern. Đó là đội banh ruột của Bê cũng như của cả đám bạn Bê.

 

Sáng nay, một cái răng của Bê rụng. Có tí xíu máu mà thôi. Bây giờ Bê cool lắm. Không những Bê chẳng sợ mà Bê còn vui vì sắp được quà. Chiều về, Bê nắn nót viết thư cho chuột. Bê chưa bao giờ xin chuột món quà gì, mà chuột lúc nào cũng như đọc được ý Bê. Lần nay Bê hy vọng chuột cho Bê dĩa CD Get Down của Backstreet Boys, tuần rồi nghe ở nhà Xavier thích lắm. Sáng ngủ dậy, Bê chạy vội lại cửa. Chắc Bê sẽ xin Mẹ cho Bê nghe một lần trước khi đi học. Tuần này Mẹ bịnh, không đi làm. Bác sĩ dặn Mẹ phải tịnh dưỡng, nghỉ ngơi. Hãng Ba lại nhiều việc bất ngờ, nên Ba đi sớm, về trễ. Buổi sáng Bê tự lo cho Bê đi học. Trên bệ cửa còn cái răng và lá thư. Ủa, sao kỳ cục cậy. Bê cảm thấy thất vọng nhưng không khóc.

Mẹ nhỏ nhẹ:

 

- Con chuẩn bị đi học kẻo trễ. Mẹ sẽ liên lạc với con chuột để biết lý do tại sao.

 

Chiều hôm đó Bê quên lửng chuyện chuột răng. Ở Kinderhort (lớp bán trú ) làm bài tập ở nhà xong, David và Bê xem hình các cầu thủ nổi tiếng của Đức. Hai đứa đổi hình với nhau. Bê phải đưa cho David hai hình, một của Oliver Kahn, một của Mathias Sammer, để đổi chỉ một hình của Andreas Koepke, đệ nhất thủ môn của đội tuyển quốc gia Đức. Bê thích làm thủ môn, vì thủ môn rất quan trọng, và vì Bê thấy thích, tự nhiên thích mà thôi. Chuyện này có lần Ba Mẹ bàn cãi khá sôi nổi. Ngày xưa Bê rất mê McDonald’s. Khoai tây chiên là món khoái khẩu của Bê, các loại nước shakes cũng hấp dẫn vô cùng. Big mac thì Bê chỉ được Ba cho cắn môt tí thôi. Mẹ dứt khoát không bao giờ cho Bê trọn một cái big mac. Cuối tuần trời đẹp, Ba rủ Bê đi coi xe hơi. Mẹ ở nhà viết thư cho bạn bè. Bê đi theo mà không cằn nhằn đòi về. Gần tiệm xe hơi có tiệm McDonald’s, Bê sẽ xin Ba cho qua chơi cầu tuột trước cửa tiệm một chút. Sẵn dịp, Ba ghé mua cho Mẹ ly sữa dâu, cho Bê một túi thiếu niên Junior Tüte  và cho Ba như thường lệ, một cái big mac. Sau khi thanh toán xong khoai tây chiên, một cái hamburger và ly cola, Bê mân mê món quà kèm trong túi. Ba đẩy qua cho Bê một góc của cái big mac:

 

- Ba để phần cho Bê đó.

 

Bê reo lên mừng rỡ:

 

- Cám ơn Ba, chiến quá. Big mac là ngon nhứt trong trái đất.

 

Mẹ không vừa ý:

 

- Bê ăn như vậy là quá nhiều. Ba cho thêm làm chi nữa. Đồ ăn của McDonald’s chỉ béo mà không bổ.

 

Ba chống chế:

 

- Ừ, thì biết vậy rồi. Mà lâu lâu mới ăn một lần, đâu đến nỗi nào. - Rồi Ba giỡn.- sống ở đời ăn miếng big mac, chết xuống âm phủ biết có hay không?

 

Mẹ nghiêm mặt:

 

- Ba không để ý đó chớ. Mẹ mua quần cho Bê, vừa chiều dài thì bụng thiếu cả mấy tấc.

Quần cho Bê mặc cứ phải cắt chiều dài bỏ đi cả nửa thước.

 

- Thì cũng tiện. Khúc vải dư để dành đắp lên đầu gối. Chứ Bê đá banh quần rách đầu gối liền tù tì. -Ba tỉnh bơ.

 

Mẹ cao giọng:

 

- Nói chuyện đá banh Mẹ càng lo thêm. Bê chỉ thích làm thủ môn mà thôi. Chắc tại hơi

nặng cân, nên lười chạy chứ gì? Hồi mấy năm trước, Bê nói với Mẹ, Bê thích làm cảnh sát, rất là oai. Nhưng Bê không làm cảnh sát rượt ăn trộm, mất công chạy nhanh. Bê làm cảnh sát ghi giấy phạt xe đậu bậy, chỉ đi tà tà mà vẫn ngon lành như thường.

 

- Đó là chuyện hồi xưa. Bây giờ con không thích làm cảnh sát nữa đâu.- Bê xen vào.

 

- Con nít thích nghề này, nghề kia là chuyện bình thường.- Ba gục gặc đầu.

 

- Thì đúng vậy. Nhưng khi con nít thích những nghề ít hoạt động là do có vấn đề với

trọng lượng cơ thể.

 

- Mẹ quan trọng hoá vấn đề quá. Bê có hơi tròn trịa thiệt, nhưng đâu đến nỗi nào. - Ba

lắc đầu.

 

- Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Ngày xưa bà Ngoại kỷ luật sắt với Mẹ, mấy dì, mấy cậu

lắm đó.

 

- Ba sẽ nhớ để ý hơn trong vấn đề ăn uống của Bê. - Ba cầu hoà, rồi quay sang Bê.- Từ

nay mình sẽ bớt đi McDonald’s nghe Bê.

 

Bê chỉ hình người của đồ chơi Toy Story:

 

- Ăn thì con chỉ thích sơ sơ thôi. Con thích nhứt là đồ chơi kèm theo thôi.

 

- Vậy thì thay vì đi ăn, Ba Mẹ mua đồ chơi cho Bê nghe.


*


Bê về đến nhà, Mẹ đang nằm ở ghế dài trong phòng khách. Bê cởi giày, cởi áo khoác, thưa Mẹ xong Bê vội vàng chạy vô phòng tính soạn mấy tấm hình mới đổi được để dán vào cuốn Album đá banh. Bê chợt nhớ hôm nay Mẹ bệnh, nghỉ ở nhà. Bê chạy ra phòng khách. Mẹ ngồi dậy:

 

- Hôm nay đi học vui không con?

 

- Dạ vui lắm. Mẹ còn bệnh nhiều không? Con đấm lưng cho Mẹ nghe?

 

- Cám ơn Bê. Mẹ còn bệnh, đừng lại gần. Mẹ sợ lây cho con. -Mẹ xua tay.

 

Bê xuýt xoa:

 

- Tội nghiệp Mẹ quá chừng. Con pha nước chanh với mật ong cho Mẹ nghe. Nước

chanh có nhiều sinh tố lắm đó Mẹ. Mẹ nằm nghỉ chờ con một chút nhe.

 

Bê chạy xuống bếp. Gì chứ pha nước chanh, nước cam là nghề của Bê. Mẹ chỉ việc cắt

chanh, cam mà thôi. Bê nói với lên phòng khách:

 

- Mẹ cắt chanh cho con đi. Hay bữa nay Mẹ cho con cắt thử nghe?

 

Tiếng Mẹ nhỏ:

 

- Con coi trong tủ lạnh còn trái chanh lẻ nào không? Nếu không, Mẹ xuống cắt cho.

 

Bê mở tủ lạnh, hên quá! Có nửa trái chanh. Bê để ly nước lên bàn:

 

- Mời Mẹ uống. Con chơi trong phòng. Mẹ có cần chi thì kêu con.

 

Mẹ dịu dàng:

 

- Cám ơn con. Bê của Mẹ dễ thương quá. Con ngồi bên ghế nói chuyện chơi với Mẹ

chút xíu đi. Bê mấy tuổi rồi con?

 

- Mẹ biết mà. Con gần chín tuổi rưỡi rồi. -Bê láu táu. Con cao tới lỗ tai Mẹ đó. Mẹ

đứng dậy đo đi.

 

Mẹ chậm rãi:

 

- Ừ, Mẹ nhớ. Tuần rồi hai mẹ con mình mới đo mà. Con có nhớ cái răng con để trên bệ

cửa sổ tối hôm qua không?

 

Lúc đó Bê mới nhớ đến chuột răng:

 

- Mẹ, nó có đem quà tới hả Mẹ?

 

- Không, nó không đem quà tới. Con có tưởng tượng con chuột nó ra sao không?

 

- Nó dễ thương hết sức. Nó cho con những món quà rất là chiến. Mà nó mạnh lắm nên

nó mới khiêng nổi cuốn Atlas bự cho con chứ.


- Con chuột răng nó thương con lắm. Nó để ý coi con thích gì, rồi nó mua sẵn, để khi

con có rụng răng là nó có quà cho con.

 

Bê làm ra vẻ hiểu biết:

 

- Dạ, đúng rồi. Chứ đêm khuya đâu có tiệm nào mở cửa cho nó mua quà đâu.

 

Mẹ cười nhẹ:

 

- Có khi con chuột đi xa, nó không kịp biết Bê có rụng răng.

 

Bê ngẫm nghĩ:

 

- Vậy kỳ này chắc nó cũng đi xa. Bữa nào nó về con mới có quà, Mẹ há!

 

- Kỳ này nó chưa mua quà sẵn, mà không phải nó đi xa. Nó ở đây, hiện nó đang bị bệnh.- Mẹ lắc đầu.

 

- Tội nghiệp nó quá. Con mong cho nó hết bệnh. Nó khoẻ lại là con vui. Thôi để con

viết thư nói nó khỏi mua quà cho con nữa. Không sao đâu Mẹ, con mượn cái dĩa Get Down của Julian để Ba thâu cũng được. - Bê xuýt xoa.

 

Mẹ nhìn Bê, ánh mắt tràn ngập yêu thương:

 

- Bê của Mẹ dễ thương quá. Chuột răng vui lắm, chắc chuột sẽ mau lành bệnh.

 

Bê chợt hiểu, Bê muốn chạy lại ôm lấy Mẹ:

 

- Con biết rồi, con biết rồi, con chuột răng đang ở đây với con. Con thương con chuột

răng thêm một triệu lần nữa.

 

Lúc đó, cửa nhà xịch mở. Ba về. Bê vội vàng chạy lại Ba:

 

- Ba ơi, bữa nay con gặp chuột răng rồi. Ba có muốn làm quen với chuột răng không

Ba?

 

Ba treo áo lên móc, chậm rãi:

 

- Ba quen chuột răng lâu lắm rồi, quen thân lắm. -Ba quay qua Mẹ.- Mẹ có vẻ khoẻ

hơn hôm qua đó.- Ba nhìn Bê.- Ba thương chuột răng lắm! Còn con có thương chuột răng không?

 

- Dạ có, triệu triệu lần. -Bê dang rộng hai tay làm dấu.

 

Ba lục lọi trong túi:


- Bữa nay Ba phải ra sớm để ghé qua tiệm nhạc. Chuột răng nhờ Ba mua cái dĩa

Backstreet Boys. Ngoài tiệm có nhiều dĩa của nhóm này. Ba lựa một dĩa, hy vọng là trúng.

 

Mẹ cười nhỏ:


- Đó là món quà nhỏ hai vợ chồng chuột tặng cho con đó, vì con ngoan, con dễ thương

quá chừng.

 

Bê ôm lấy Ba:

 

- Bê thương vợ chồng chuột răng qua khỏi mặt trăng tới mặt trời luôn. Mai Mẹ hết

bệnh con sẽ ôm Mẹ, hôn Mẹ một ngàn cái nghe Mẹ, nghe Mẹ.

 

-- Hoàng Quân

 

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Chúng tôi cùng cười vui vẻ tìm đường ra khỏi cổng chùa Thiên Trù tức “chùa Ngoài” để rồi tiếp tục cuộc hành trình vào chùa Hương Tích tức “chùa Trong”...
Anh nhớ rõ buổi sáng hôm đó, anh đang chăm chú theo dõi viết bài bài thi Dictée Francaise do thầy Trương Thành Khuê đọc, bỗng nhiên ngửi thấy mùi cứt, cả lớp ngẩng đầu nhìn qua bệ cửa sổ thấy có 4 người tù đẩy một chiếc xe có hai thùng phân của nhà lao Phan Rang, theo sau là môt tên lính mang súng và tay cầm roi da. Cả thầy Khuê và các bạn đều nhìn ra cha của anh, một trong 4 người tù ấy. Anh cúi xuống và tiếp tục viêt bài thi. Cuối giờ thi, nước mắt anh hoen ố bài Dictée. Thấy vậy thầy Khuê lấy tờ giấy chậm (buvard), chậm khô bài thi Dictée. Cha của anh cũng là giáo viên, có thời ông là bạn láng giềng thân thiết của thầy Khuê. Đến lúc ra về, các bạn Long Địch Trạnh, Trần Nhât Tân, Trần Văn Thì... đang đứng đợi anh bên ngoài véranda, các bạn đến an ủi và vổ về khích lệ khuyên anh cứ tiếp tục thi.
Hai đứa cùng lớp từ tiểu học. Nhà Quỳnh Lâm ở gần sân vận động. Nhà tôi ở đường Quang Trung, gần trường Chấn Hưng. Hai đứa đến trường Nữ Tiểu Học từ hai hướng khác nhau. Vậy mà vẫn cứ đi vòng, để cùng đến lớp. Hai đứa vẫn thường tắm chung trước khi rời nhà. Quỳnh Lâm mặc mấy áo đầm kiểu trong báo Thằng Bờm, Thiếu Nhi. Ba tôi bảo thủ, cho tôi diện những kiểu đầm xưa lắc, xưa lơ. Có năm, kiểu áo đầm xoáy, tay cụt rất thịnh hành. Chị Thanh Tâm xin Mạ ra tiệm Ly Ly may cho tôi một áo. Nhưng Ba bắt phải cải biên, tức là phải dài quá gối (đâu còn thuộc họ mini jupe nữa đâu), và tay phải dài che cùi chỏ.
Người con gái ngồi bất động như thế đã từ lâu lắm; dễ chừng có cả tiếng đồng hồ rồi. Trời biếc xanh, lác đác những khóm mây bông gòn trắng nõn, biển xanh thẫm phía trước, sóng dạt dào xô nhau vỗ vào ghềnh đá tung bọt trắng xóa dưới chân. Tất cả như cùng cuốn hút nàng vào cái bao la mịt mùng bí mật. Ở một góc nhìn từ bên sườn dốc đá, thấy nàng nhạt nhòa trong nắng như một phần của núi non đã hóa thạch từ ngàn năm trước. Người con gái, như tượng đá, mong hoài một điều không bao giờ xảy ra; một ước mơ không bao giờ thành sự thực; hay nàng đứng chờ trông một người đã mịt mù bóng chim tăm cá?
Ngày Hiền Phụ hay là Ngày Lễ Cha (Father’s Day) rơi vào ngày Chủ Nhật thứ 3, tháng 6 hàng năm tại Hoa Kỳ, được Tổng Thống Lyndon Johnson chính thức công nhận là ngày lễ quốc gia từ năm 1966, sau đó Tổng Thống Nixon ký thành luật, ban hành năm 1972. Theo lịch sử Hoa Ký, vào năm 1909, bà Sonora Smart Dodd lúc đó 27 tuổi, sau khi nghe diễn thuyết về ngày Lễ Mẹ tại đền Spokane tiểu bang Washington, bà nảy sinh ý muốn có một ngày đặc biệt để tôn vinh người cha, vì cha cũng xứng đáng được tôn vinh như mẹ. Tư tưởng này xuất phát từ lòng can đảm, sự hy sinh và tình thương dành cho các con của cha bà là ông William Smart. Vợ chết ngay khi sinh đứa con thứ 6 vào năm 1898, ông William Smart đã ở vậy, một mình nuôi 6 đứa con ở một nông trại miền Đông tiểu bang Washington Hoa Kỳ.
Tình yêu không phải là thứ ngôn ngữ nói ra, mà là ngôn ngữ để giữ kín! Tôi đã chôn kín hình ảnh đẹp nhất một đời người. Bây giờ người con gái năm xưa đang ở đâu, sống ra sao trong vạn nẽo đường trần hệ lụy. Có còn nhớ cơn mưa bong bóng chiều nào nơi hiên ngôi chùa nhỏ? Có còn tìm thấy những cơn mưa bong bóng bên đời? Hay tất cả đã phôi pha, đã trôi theo những giọt mưa bong bóng một thời đã mất?
Sau khi đội chiếc mũ beret đen lên đầu ông Hậu bước ra ngoài, thấy lòng thoải mái hẳn ra, ở trong nhà này toàn là “luật lệ” ăn cơm đúng giờ, đi ngủ đúng giấc, con dâu “kiểm tra” ông từng tí một “Ủa hôm nay sao ba tắm trễ, tắm vào buổi tối dễ bị cảm lạnh đó ba.” Con trai cũng “để ý” ông từng tình huống: -“Tối qua ba thức khuya quá, 12 giờ đêm con dậy đi tiểu thấy phòng ba còn sáng đèn. Ba nên ngủ sớm dậy sớm tốt cho sức khỏe”. Ông có niềm vui với computer lúc đọc báo xem tin tức, xem you tube mọi đề tài, lúc nghe nhạc, lúc vào group trò chuyện với bạn bè gần xa, ngồi với computer cả ngày cũng chưa chán. Thế mà con cũng… phê phán.
Ờ ờ thì số này đây, nhà này đây, lúc trước kia ông đã lên vài lần mà, ông đâu có lầm, mà nay sao thấy là lạ… hình như chúng đã phá bỏ cây hoa bông giấy phía trước, thay vào đó là một hàng rào thưa trống vắng… đúng là số nhà đó mà. Ông săm săm mạnh bạo đẩy cổng… thì bất chợt hai đứa cháu nội, Hiền và Nghĩa, cũng bật tung cánh cổng chạy ùa ra đón ông, vừa đón ông, vừa như chúng ngăn lối vào, mỗi đứa nắm cứng một bên tay ông, giữ lại, miệng lắp bắp: Nội, nội lên Sài Gòn sau không báo tụi con? - Nội, nội đừng vô nhà, bị… bị má con đi vắng!
Thị trấn ấy vô cùng nhỏ bé. Một con đường chính viền hàng cây phong với vài ba ngã tư đèn xanh đèn đỏ. Từ đó mọc lan ra những con đường nhỏ, quanh co vào những khu xóm thưa người. Vì vậy khu rừng sau nhà là nơi tôi lui tới thường xuyên. Một tấm bảng với hai chữ “Dead End” gắn trên cây cột gỗ chôn ở bìa rừng. Một lối mòn vắt trên cỏ dại, bò quanh co giữa những tàng cây cao và bụi rậm với dây leo chằng chịt. Tôi thường mò mẫm một mình trên lối mòn ấy cho đến khi đám dây leo vắt ngang, chặn mất lối đi và cỏ dại xóa hết lối mòn. Dọc lối mòn quanh co ấy, thỉnh thoảng có một tảng đá nằm trơ trọi giữa cỏ cây rậm rạp, như thể ai đó đặt sẵn chỗ nghỉ chân cho những kẻ rong chơi. Và rải rác đó đây một loài hoa lạ. Loài hoa có bốn cánh mở ra vào ban mai và khép lại khi chiều xuống. Những bông hoa phảng phất mùi quế. Loài hoa lạ lùng dường như chỉ mọc trong cánh rừng ấy
Có lẽ mưa đã đổ xuống thành phố Paris vào lúc ban khuya nên khi tôi choàng tỉnh dậy lúc năm giờ sáng, ra khỏi giường để bước tới cửa sổ vén màn che nhìn ra ngoài thì thấy trời vẫn còn mưa...
Thời gian qua mau trên những trang nhật ký đọc vội dưới ánh sáng hoàng hôn. Những dòng tình cảm của quá khứ sống lại trong từng con chữ...
Đúng vậy, đời này chẳng có con người nào hoàn hảo, mà cũng chẳng có cuộc hôn nhân nào hoàn hảo, ai cũng có những điểm tốt điểm xấu, miễn sao điểm tốt nhiều hơn điểm xấu, thì coi như... hôn nhân thành công. Câu này đã có ai nói chưa nà, nếu chưa, thì coi như tôi là người... phát minh ra, nghen! Vậy là tôi an tâm, kể chuyện tốt của anh xã mình cho bà con nghe chơi, theo đúng như lời dạy của ông bà mình “tốt khoe xấu che”. Dại gì vạch áo cho người xem lưng.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.