Hôm nay,  

TÀO LAO

5/7/202215:00:00(View: 3765)

Tạp bút

 

nonsense



Việc lớn thì chẳng ra sao,

Việc tào lao hay chú ý.

(Ca dao)

 

Dưới cái nắng như thiêu như đốt, tôi cố gắng cắt cho xong bãi cỏ trước nhà. Mồ hôi nhễ nhại, tôi đẩy cái máy cắt cỏ một cách nặng nề, nhẫn nại. Cái máy cứ như muốn ì ra dưới sức đẩy của tôi mỗi lúc một yếu dần đi. Mệt bá thở! Chưa cắt cỏ xong, tôi đã phải nghĩ ngay tới việc phải tìm chỗ để đổ đống cỏ vừa cắt, rồi rải thêm phân bón, tưới thêm nước cho cỏ mọc lên được xanh tươi, và để rồi tuần sau lại vác máy cắt cỏ ra cắt. Nếu lười hay quên, ông hàng xóm sẽ đem máy cắt cỏ của ông ta để ngay trước cửa nhà tôi nhắc khéo.

 

Đã bao năm nay tôi cứ lặp đi lặp lại cái công việc nặng nhọc và nhàm chán này một cách cần mẫn, nghĩa là tốn phí tiền của lẫn công sức nuôi cỏ cho lớn lên xanh tươi rồi cắt nó đi, rồi lại nuôi, rồi lại cắt một cách đều đặn. Nếu công việc này xảy ra vào những ngày mát mẻ thì chẳng nói làm gì, nhưng hôm nay dưới cái nóng bỏng của "cái nóng nung người, nóng nóng ghê" (Nguyễn Khuyến) thế này thì tôi chợt nhận ra, trong công việc của mình có cái gì mang vẻ "tào lao". Nó tào lao ngang với cái luật thành phố San Jose, nơi chúng tôi đang cư ngụ, cấm hủy bỏ hay làm chết bãi cỏ xanh trước nhà vì muốn bảo tồn vẻ đẹp của thành phố. Vào những năm hạn hán, thành phố muốn giữ cỏ xanh tươi, đồng thời lại đòi hỏi cư dân phải hạn chế tối đa hay cấm dùng nước tưới cỏ. Nếu tôi không tuân thủ? Phạt. Tào lao thế đấy!

 

Chuyện tào lao như thế thì cứ "khối" ra đấy, không phải là chuyện của trẻ con đâu mà là chuyện của cả người lớn.

 

Tào lao như câu cửa miệng của dân Việt ta ngày nay:

 

Sáng đúng chiều sai,

Sáng mai lại đúng.

Lúng túng, sáng đúng chiều lại sai,

Lai rai, chiều sai sáng mai lại đúng.

 

Tào lao như cụ Tản Đà viết thơ hỏi vợ trên trời:

 

Tình riêng trăm ngẩn mười ngơ,

Ngồi buồn lấy giấy viết thơ hỏi trời.

Xem thơ trời cũng bật cười,

Cười cho hạ giới có người “tào lao”(1)

 

Tào lao như anh nói khoác:

 

Ta con ông Cống, cháu ông Nghè,

Nói có trên trời dưới đất nghe,

Sức khoẻ Hạng Vương cho một búng

Cờ cao Đế Thích chấp đôi xe.

Nhẩy ùm xuống biển lôi tầu lại

Nhảy tót lên non dắt cọp về.

Độ nọ vào chơi trong nội phủ,

Ba nghìn công chúa phải lòng mê.

 

Tào lao như những câu chuyện đầu môi của mấy ông thợ cạo ở nước ta. Với những ông này, tào lao là một điều kiện tất yếu không thể tách rời ra khỏi nghề nghiệp của ông. Bỏ tào lao đi, ông chỉ còn biết cạo trọc đầu thiên hạ. Ta hãy tính thử xem có bao nhiêu nghề nghiệp cần đến tào lao như thế, nhiều lắm, mà đặc biệt, nghề làm chính trị. Các chính khách, lãnh tụ, đứng về phương diện nào đó để thành công, tào lao đã trở thành điều kiện “ắt có” không thể thiếu được.

 

Tào lao như bảng thống kê thăm dò ý kiến của viện Harris Poll bỏ tiền của và công sức ra để hỏi về giới tính (sex) của Thiên chúa; hay lý do những người đàn ông Mỹ ra khỏi giường vào ban đêm, kết quả cho thấy: 35% vào toilet, 15% đi làm việc ca đêm, 50% mặc quần áo đi về nhà mình.

 

 Cứ dựa vào những điều tôi vừa kể thì tào lao, đứng về phương diện trà dư tửu hậu, là những câu chuyện nói cho sướng miệng, cho giết thì giờ, cho câu chuyện thêm vui, thêm tức, hoặc nói cho qua rồi bỏ; đứng về phương diện việc làm hay hành động thì tào lao là những việc làm có tính cách vô bổ, ruồi bu, vớ va vớ vẩn hay ngớ nga ngớ ngẩn chẳng đâu vào đâu hoặc chẳng đâu ra đâu cả. Có khi nó còn trở thành trống đánh xuôi, kèn thổi ngược mà cái hậu quả của nó khiến người ta cứ tức mình anh ách. Không nhịn được nhau sẽ có thể xảy ra chuyện lớn: đánh nhau vỡ đầu hoặc có chiến tranh.

 

Những sự việc tào lao hay có vẻ tào lao xảy ra không ít, nó bao trùm trong mọi lãnh vực kể cả vật chất lẫn tinh thần, tâm linh lẫn văn hóa, chính trị... của loài người. Cũng có khi tào lao được diễn ra ở bình diện quốc gia lẫn quốc tế như khi ông Tổng thống cường quốc nọ đem quân đi đánh nước kia vì nghi nước đó có bom hóa học. Đánh xong thì mới "OOPS !!!", cả thế giới xúm lại tìm, chẳng thấy bom đâu. Ông hùng hồn tuyên bố cuộc chiến xảy ra là vì vấn đề dân chủ, dân quyền, nhất định không phải là vì dầu hỏa hay bom. Tào lao chăng? Thật khó hiểu. Tìm hiểu sự thật, âu đôi khi cũng là chuyện tào lao.

 

Tào lao còn được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau tùy thời điểm, nơi chốn hay đối tượng nữa. Mức độ tào lao cũng tùy vào hoàn cảnh chủ quan hay khách quan của sự việc. Tào lao có tính chất tương đối, cả về ý niệm, như chuyện tào lao lúc này trở thành chuyện không tào lao lúc khác, và ngược lại chuyện không tào lao lúc nọ lại trở thành chuyện tào lao lúc kia. Những chuyện như thế phải kể đến câu chuyện của nhà “bác vật” Gallilée, trong khi cả nhân loại tin là quả đất hình vuông, riêng ông cho là quả đất hình cầu nên ông chết thảm vì nhân loại tưởng ông tào lao. Nói lên sự thật không đúng lúc, đúng người, đúng hoàn cảnh hay thời đại, âu đó cũng là chuyện tào lao chết người vậy.

 

Cũng thế, ta cũng cứ tưởng Đức Phật tào lao khi ngài nói: “Ta thuyết pháp trong khoảng bốn mươi chín năm mà ta chưa từng nói một lời nào”. Hay trong kinh, ngài dậy: “Cái gọi là Phật pháp, tức chẳng là Phật pháp, nên gọi là Phật pháp . . . Phật nói chúng sinh, tức chẳng phải là chúng sinh, cho nên mới gọi là chúng sinh”. Tưởng ngài tào lao mà lại chẳng phải tào lao, tưởng tào lao chỉ vì ta không hiểu ngài thôi. Như “Kinh thượng thừa” phải là kinh “vô tự”, bám vào “tự” ta sẽ lạc lối về, ngài dặn: “Kìa đệ tử hãy xem theo ngón tay ta mà thấy mặt trăng, nhưng nên nhớ, ngón tay ta không phải là mặt trăng”.

 

Và vì tính chất uyển chuyển, đa dạng của tào lao nên ít ai nghĩ đến chuyện cần phải "cải sửa" tào lao như người ta cố cải sửa việc làm xấu để trở thành người tốt cả. Cải sửa bản tính tào lao đôi khi lại cũng trở thành công việc của tào lao.

 

Có những chuyện tào lao ảnh hưởng đến một người, một nhóm người, hay cả nhân loại. Như cái tào lao không tưởng của Karl Max, đã bị một đám người vận dụng lý thuyết ấy để nhận chìm một phần nhân loại xuống bẩy từng địa ngục. Cũng may nhân loại văn minh đã sớm bức tử nó.

 

Tào lao là chuyện dài "bất tận", vui buồn... lẫn lộn.

 

Tôi nói tào lao một chút cho vui và để các bạn đừng nhăn mặt, nhăn mũi về những điều tôi nói tôi làm. Trong Thánh kinh có một câu chuyện kể về một người đàn bà phạm tội bị đám đông đem đến trước mặt Đức Chúa Jesus xin ngài xử tội ném đá người đàn bá ấy. Đức Chúa Jesus hỏi lại: “Trong tất cả mọi người ở đây, ai là người chưa từng làm tội lỗi thì có quyền ném viên đá đầu tiên”. Khi nghe lời phán ấy, đám đông bỏ đi. Các bạn nghĩ sao về câu chuyện này mỗi khi kết tội tôi là kẻ tào lao.

 

Tôi hỏi lại các bạn, “Có bạn nào chưa một lần tào lao thì có quyền ném vào tôi viên đá đầu tiên!” Chưa nói hết câu, cô hàng xóm nhà tôi nhặt hòn đá ném vào đầu tôi cái cốp, rồi đứng cười ngặt nghẽo. Tôi hỏi tại sao cô ném. Cô trả lời tỉnh bơ: “Ném cho bõ ghét!” Đúng là câu trả lời lãng nhách, tào lao.

 

Gân cổ lên để cãi đúng sai về một câu chuyện đã được xác định là “chuyện Tào Lao” như đề tựa bức thư này, ấy mới chính thật là ĐẠI TÀO LAO.

 

Nghĩ cho cùng, có bao nhiêu chuyện trên đời này là không tào lao nhỉ? (Cười).

 

– Nguyễn Giụ Hùng

 

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Sân trường nhà thờ Thánh Tâm vang lên những tiếng nói cười, la hét rộn rã của các em nhỏ vừa học xong các lớp Việt ngữ cuối tuần. Tôi loay hoay thu xếp sách vở và bước ra ngoài cùng với các em. Vừa ra đến cửa lớp thì tôi cũng thấy cô Thư Hương, hiệu trưởng của trung tâm Việt ngữ Thánh Tâm bước đến. Chúng tôi cười nhẹ và chào nhau bằng ánh mắt. Không ai bảo ai, cô Thư Hương và tôi cùng bước đi song song, mắt nhìn chừng các em học sinh đang vừa nô giỡn, vừa xem chừng cha mẹ mình đến chưa.
Police Officer Brezik không viết giấy phạt cô Kambia về tội lái xe bất cẩn. Khi nhìn thấy hai đứa trẻ ngây thơ, con của vợ chồng cô Kambia, ông chợt nghĩ đến các con của mình. Và quyết định quyên góp từ bạn bè của mình ở Garland Police Department để giúp gia đình bốn người này. Nhờ tấm lòng của Brezik và đồng nghiệp của ông, hai ngày sau, vợ chồng cô Kambia Hart nhận được một gift card $450.00 để đi chợ Walmart, một khoảng tiền mặt đủ để vợ chồng Cô trả tiền thuê nhà tháng 7, và mấy món đồ chơi cho hai đứa con còn nhỏ của Cô từ Sở Cảnh sát Garland.
Trên thế gian này trong đời sống hàng ngày, ai cũng có những lúc thăng trầm trong đời sống riêng tư của mỗi người, lúc gian nan khốn khó, lúc thành công hay thất bại, lúc hạnh phúc hay đau khổ, nhưng nhờ vào những vị ân nhân có lòng bác ái, giúp đỡ lẫn nhau một cách trực tiếp hay gián tiếp, để cùng nhau vượt qua được những sự gian nan thử thách trên trần gian này, rồi cùng nhau tiến tới sự thành công trong tương lai mà không một ai có thể biết trước được. Do đó, không ai trong chúng ta là không có những vị ân nhân giúp đỡ chúng ta, nếu không về vật chất thì cũng về tinh thần, ít nhất cũng phải là một lần trong đời chúng ta nhận được sự giúp đỡ này.
Mỗi lần nhớ lại NhaTrang, tôi nhớ con đường Alexandre De Rhodes đượm mùi hoa sứ, có bóng mát và tiếng sóng rì rào của biển, con đường đưa tôi đến trường Kim Yến hàng ngày. Mỗi lần nhớ lại NhaTrang, tôi nhớ Doãn, người bạn cùng lớp, một gã thư sinh đam mê văn chương, triết học và âm nhạc. Doãn mang đôi kính cận dày cộm, một thoáng Doãn trông giống Jean Paul Satre. Doãn rất đam mê đàn dương cầm và một chút tham lam tình yêu...
Kỷ niệm nhớ nhất của tôi là bay trực thăng với Cảnh Sát tư pháp bắt đầu từ city ở miền Nam bay lên miền Bắc của Orange County rồi bay xuống hướng Nam với những cánh rừng mênh mong bát ngát, bay lên miền Bắc với Disneyland với rừng người như đi trải hội, người về từ khắp nơi trên thế giới.
Từ cửa sổ trên lầu, nhìn chuyến xe lửa chạy chầm chậm trong màn mưa xám đục, không thể nào bà Loan không nhớ lại hình ảnh của Khiết – người yêu đầu đời của bà khi bà còn là một nữ sinh trung học – đang chồm người, một tay vịn vào thành cửa sổ của toa xe, một tay vẫy vẫy về phía Loan trong khi con tàu đang từ từ lăn bánh, rời ga xe lửa Dalat. Vừa nhìn theo Khiết, Loan vừa đưa ngón tay quẹt nước mắt, cố nén vào lòng nhiều nỗi nhớ thương.
Từ tháng 7 năm ngoái, khi bệnh Alzheimer của ông Steve Daniel trở nặng ở tuổi 66, bà Mary Daniel không còn lựa chọn nào khác hơn là phải đưa chồng vào sống ở Memory Care Center Rosecastle at Deerwood (Assisted Living and Alzheimer) thuộc thành phố Jacksonville, Florida. Mỗi ngày bà vào thăm ông vào buổi chiều tối. Hai vợ chồng cùng coi TV như những ngày ông còn ở nhà. Rồi bà cho ông uống thuốc an thần, sửa soạn giường ngủ cho ông, giúp ông đi vào giấc ngủ của một người tâm trí đã bị hao mòn nhanh hơn độ tuổi; trước khi trở về nhà.
Út Cọt tợp ly đế quốc lủi nghe kêu cái ót, mắt lim dim, thóp bụng, phồng ngực lấy hơi ca:” …Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn, đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành…”. Thằng Dĩ nhà kế bên lập tức đấu liền:”…lá rơi đắp mộ cuộc tình…”. Thằng Thuận nhà đối diện cũng “Đắp mộ cuộc tình” theo. Hai đứa hăng máu, thằng Dĩ tăng âm một nấc nữa thì thằng Thuận tăng hết cỡ luôn. Hai đứa thi nhau “đắp mộ cuộc tình”, đắp hoài mà vẫn không xong. Bên này rên rỉ róng riết thì bên kia năm nỉ ỉ ôi, khi thì âm tress chói lói, lúc thì âm bass thì thụp muốn bể cả tim. Hai đứa chơi cái giàn loa karaoke kẹo kéo, suốt ngày tra tấn lỗ nhĩ bà con trong con hẻm này. Thằng nào cũng gầm ghè nhau, người ta nói “ Con gà tức nhau vì tiếng gáy” là vậy.
Pháo bông rực rỡ trên bầu trời, phản chiếu đẹp lung linh trên dòng sông Hudson River chạy dọc theo “thành phố trái táo”, xứng đáng là trung tâm thương mại, văn hóa của thế giới. Thị trưởng Bill de Blasio và ban tham mưu của ông khéo léo ngăn chận tụ tập đông người ở nơi "phồn hoa đô hội", có mật độ dân số rất cao bằng cách chỉ cho đốt pháo mỗi 5 phút ở một địa điểm khác nhau trải dài theo thành phố lớn nhất nước Mỹ. Địa điểm đốt pháo cũng không được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông như thường lệ . Quyết định rất thông minh này đã giữ cho New Yorkers an toàn, không có số bệnh nhân tăng vọt như các thành phố khác ở Mỹ sau lễ Độc lập .
Hai mươi ba tháng Chạp. Hình như năm nay Tết sắp về mà không ai đợi chờ. Sài Gòn bây giờ đang sống trong những ngày mới mẻ. Một cái mới lạ lùng, khó chịu, vì thành phố và cả miền Nam đang ngột ngạt trong một nếp sống lạ lẫm sau ngày phần còn lại của đất nước đã lọt vào tay chính quyền miền Bắc. Người lớn nhìn nhau bằng cặp mắt lo âu, thì thầm trao đổi với nhau những lời lẽ bi quan trước viễn cảnh đen tối của dân tộc. Nhưng tuổi trẻ dường như không bị chi phối bởi thế giới rắc rối của người lớn. Giọng nói, tiếng cười của chúng vẫn ròn rã, trong vắt, không gợn chút ưu tư. Gần như hầu hết bầy trẻ trong cả cư xá đang rộn ràng chuẩn bị cho các tiết mục văn nghệ cuối năm. Thuý và Bảo cũng bị cuốn hút vào không khí tưng bừng đó.
Câu chuyện nhỏ, do cơ duyên, xảy ra đã lâu, dường như lâu tới hơn hai thế kỷ! Lâu vậy, mà như không lâu, câu chuyện, ngỡ bình thường mà lại không bình thường nếu người trong cuộc không có tên là Thomas Jefferson. Đó là một buổi chiều mùa đông lạnh giá tại miền Bắc Virginia. Con đường hun hút không một bóng người, dẫn tới bờ sông dòng nước hung hãn chảy xiết là nỗi tuyệt vọng của một lão ông đơn độc, đang nhìn thấy thần chết mỗi lúc mỗi đến gần. Không có phương tiện nào để qua sông trong mùa này. Lão ông biết vậy, nhưng không thể biết hết những bất ngờ mà ông lại phải trở về nhà ngay, đành cố lết tới bờ sông, hy vọng ai đó có phương tiện qua bên kia, sẽ giúp đỡ. Lão ông đã ngồi đó, từ khi mặt trời đứng bóng và bây giờ, mặt trời đang lặn ở phương tây.
Đã tự nhủ lòng không xem giờ, nhưng thỉnh thoảng con mắt vẫn cứ liếc nhìn vào cái góc màn hình, thời gian trôi qua sao mà chậm dễ sợ, cứ như rùa bò sên chạy. Hải lấy mảnh giấy nhỏ dán lên góc màn hình, che con số hiển thị để khỏi phải uể oải sốt ruột. Thời gian trong hãng dài lê thê, dù chỉ là giờ hành chánh chứ có phải làm thêm chi đâu, những lúc bận bịu thì còn đỡ, công việc khoả lấp thời gian, những lúc rảnh rỗi thì thời gian chẳng biết làm gì cho hết. Người ta thường lý luận: "Thời gian tâm lý không khớp với thời gian vật lý” là vậy. Không ngờ Hải laị “nếm vị" của nó một cách thấm thía như thế.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.