Hôm nay,  

CƯỜI

04/05/202220:51:00(Xem: 2280)

Tạp bút

 

baby-laugh

 


Ôi thôi, trên dải đất cong hình chữ S của đất nước ta, từ Bắc chí Nam, chỗ nào cũng vang lên những tiếng cười. Cười từ thành thị tới thôn quê, từ chỗ cao sang quyền quý tới chỗ nghèo hèn và từ trẻ tới già. Cười là một phần đời sống tinh thần thật phong phú và tinh tế. Nó chiếm một chỗ đứng có nhiều ưu thế trong văn hóa và văn học nước ta. Cười của ta đa dạng lắm vì nó có đủ khả năng diễn tả mọi trạng thái hỉ, nộ, ái, ố, cũng như sự biến đổi tâm lý phức tạp trong mọi tình huống của đời sống hằng ngày. Cười biến hóa khôn lường như rồng bay, ẩn hiện trong mây. Ta chỉ cần thay đổi một chút âm điệu tức thay đổi một chút cung bậc, cường độ của âm thanh là ý nghĩa của "tiếng cười" thay đổi hẳn. Mà cung bậc âm thanh của cười, cũng chẳng khác cung bậc âm thanh trong âm nhạc, nó biến hóa vô cùng, nên ý nghĩa của cười cũng theo đó mà biến đổi với thiên hình vạn trạng. Đấy là chưa kể đến sự diễn tả tinh tế trên nét mặt hay thân thể khi cười. Cũng có khi cười chẳng cần đến âm thanh, nghĩa là không thành tiếng, mà nó vẫn có khả năng diễn tả đầy đủ ý nghĩa của cười một cách hữu hiệu. Do đó, chẳng ai dám tự nhận mình có thể hiểu hết được cái cười của người Việt Nam, dù được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất ấy.

 

Cười không phải chỉ để diễn tả sự hoan lạc không thôi, nó còn mang một triết lý sâu xa của văn hóa, trong đó sự biến động của lịch sử và xã hội đã đóng góp vào cười một phần không nhỏ. Chính vì thế, theo tôi nghĩ, cái cười của một dân tộc chịu nhiều thử thách và thăng trầm như dân tộc ta, ắt hẳn tiếng cười ấy phải có những nét đặc thù và giầu có lắm kể cả về mặt số lượng lẫn ý nghĩa mà nhiều dân tộc khác không thể có được.

 

Cười cũng được sử dụng thay tiếng nói để gửi gắm tâm tư hay tình cảm của mình cho người khác hay cho chính bản thân mình. Tiếng cười của ta mang tình thương yêu, hoan lạc nhưng cũng có khi để bầy tỏ sự chịu đựng hay phẫn nộ, hoặc đấu tranh quyết liệt lẫn ngang tàng kể cả sự hèn hạ lẫn đểu cáng, hay chỉ để "cười cười" vô nghĩa.

 

Cái cười của dân ta thì phong phú như thế. Trong khi đó, trong buổi thuyết trình của ông Đỗ Thông Minh, một nhà báo sống ở Nhật nhiều năm, với đề tài "Văn Hóa Nhật" được tổ chức ở San Jose, ông nói người Nhật lo ngại sau này sẽ dần dần mất đi tiếng cười của họ. Dù câu nói đó có thể chỉ là câu nói đùa hoặc có tính cường điệu của ông, nhưng khi tôi có dịp đi thăm nước Nhật gần đây, tôi thấy câu nói ấy không hẳn là không có căn cứ. Và như thế, tôi có cảm tưởng như văn hóa của ta đứng về mặt "cười" có thể "phồn thịnh" hơn, không những so với người dân Nhật mà kể cả so với nhiều dân tộc khác trên thế giới nữa.

 

Các cụ ta có câu "một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ". Nếu ta hiểu nghĩa thang thuốc bổ ấy như những liều "thuốc bổ thận" của các vị vua chúa bên Tầu ngày xưa hay toa thuốc bổ "Minh Mạng" được truyền tụng trong dân gian thì hẳn dân ta phải "sung sức" lắm vì cười. Ta cứ nhìn vào sự tăng trưởng dân số của dân ta thì biết, nhà nhà đều "con đàn cháu đống" cả đấy do tác dụng cực mạnh của liều thuốc bổ (thận) này.

 

Để tránh sự lo ngại của cụ Tú Xương, “Phố phường chật hẹp người đông đúc/ Bồng bế nhau lên nó ở non” thì tốt nhất là ta phải trị liệu tận gốc bằng chính sách "cấm cười" hoặc bắt "tịt cười". Cấm cười như thế thì thật khó quá vì không ai có thể "nhịn cười" mãi được.

 

Và nếu ta hiểu nghĩa "một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ" như những liều "thuốc bổ chống béo" (diet) thì ta hãy nhìn vào vóc dáng của dân ta, với dáng người thon nhỏ đến gầy gò như thiếu ăn thì đủ hiểu cái cười của ta chính là liều thuốc "diet" rất tốt vậy. Và nếu như thế, cái cười của ta chẳng hóa ra đang hợp với thời trang thế giới đó ru? Mau mau hãy xuất cảng cái cười ra nước ngoài thay vì xuất cảng lao động hay lao nô. Dân ta sẽ giầu to, vừa có tiền lại vừa truyền bá được cái văn hóa cười của dân tộc, một dân tộc có truyền thuyết xuất phát từ bọc trứng trăm quả, những quả trứng vàng. Chẳng ai cấm người ta sử dụng tiếng cười như những liều “thuốc bổ thận" và “thuốc bổ chống béo" cùng một lúc, nghĩa là người vừa thon thả lại vừa "sung sức". Như thế tiếng cười của ta quả đúng là liều thuốc bổ ngoại hạng trong thời đại của khoa học tân kỳ này.

 

Không phải cười chỉ là những liều thuốc bổ mà nó còn là những “dược liệu” quý báu để chữa bệnh nữa đấy, y khoa đã chứng minh điều ấy nên xin không kể ở đây. Và nhất là đặc biệt chúng được dùng để chữa bệnh tâm thần dành cho những chàng suốt ngày ca câu “Đời tôi yêu ai cũng dở dang/ Đời tôi yêu ai cũng không thành(1); hay “Rưng rưng tôi gục xuống bàn rưng rưng(2),  vì nỗi nhớ thương, thương nhớ cô hàng xóm; hay dành cho những cô hàng xóm luôn than thở, thở than cho duyên kiếp của mình “Buồn rầu, buồn rĩ, buồn nỉ, buồn non, Buồn vì một nỗi sớm con muộn chồng” (ca dao).

 

Ta hãy quay trở lại với cười qua danh sách "tiếng cười" của nhà văn Nguyễn Tuân đã sưu tầm. Tôi dựa trên bảng liệt kê của cụ và thêm thắt ít chữ tự sưu tầm được, rồi thử phân loại chúng theo những hình thức khác nhau. Tôi biết sự phân loại này không mấy chính xác vì tiếng cười đôi khi được hoán chuyển qua lại, lẫn lộn với nhau tùy theo từng trường hợp mà người sử dụng muốn dùng nó vào mục đích nào.

 

– Tiếng cười được diễn tả dựa theo âm thanh: Cười hề hề, cười hà hà, cười ha hả, cười hì hì, cười hô hố, cười hăng hắc, cười hềnh hệch, cười khanh khách, cười khúc khích, cười sằng sặc, cười the thé, cười giòn giã.

 

– Tiếng cười được diễn tả với sự biến đổi trên khuôn mặt: Cười nheo mắt, cười chảy nước mắt, cười mép, cười mũi, cười ruồi, cười trâu, cười híp mắt, cười tít mắt, cười nheo mắt, cười phổng mũi, cười hở lợi, cười chúm chím, cười ra nước mắt, cười nửa miệng.

 

Tiếng cười được diễn tả với thân thể: Cười nôn ruột, cười lăn cười bò, cười ngả ngớn, cười vãi đái, cười bò lăn bò càng, cười đau cả bụng.

 

Tiếng cười được diễn tả khi vui: Cười vang, cười ngất, cười phá, cười ngặt nghẽo, cười giòn giã, cười hả hê, cười ha hả, cười khúc khích, cười phào.

 

Tiếng cười được diễn tả khi không được vui hay khi buồn: Cười gượng, cười chua chát, cười nhạt, cười khẩy.

 

 – Tiếng cười diễn tả khi không vui mà cũng không buồn: Cười khì, cười xòa, cười xí xóa, cười cười.

 

Tiếng cuời diễn tả khi tức giận hay khi không vừa lòng: Cười gằn, cười mỉa, cười mỉa mai, cười khẩy, cười khinh khỉnh, cười cộc lốc.

 

Tiếng cười có tính cách giao tế: Cười đón cười đưa, cười theo, cười cầu tài, cười lấy lòng, cười xã giao, cười thơn thớt, cười nịnh, cười cầu hòa, cười giả lả.

 

Tiếng cười dùng cho vấn đề trai gái: Cười tình, cười nụ, cười hoa, cười ba lơn, cười động cỡn, cười bù khú, cười đú đởn, cười nham nhở, cười dê, cười duyên.

 

Tiếng cười diễn tả về uy quyền: Cười trịch thượng, cười Thái sư.

 

Những tiếng cười nêu trên chỉ có tính cách liệt kê chứ không mang tính chất giới hạn vì chắc chắn ngoài những tiếng kể trên, còn nhiều tiếng cười khác nữa vì có những tiếng chỉ được dùng cho từng địa phương mà thôi không phổ biến rộng rãi.

 

Tiếng cười cũng có đời sống của nó, có nhiều tiếng mới đựơc sinh ra và cũng có nhiều tiếng nay ít người dùng hay không còn được dùng nữa, chúng đã trở thành "tử ngữ". Có những tiếng cười đôi khi chỉ được dùng cho một người, có khi chỉ dùng cho nhiều người, hay chỉ cho con trai hoặc chỉ cho con gái… mà không thể dùng lẫn cho nhau được. Có những cái cười như cười tủm tỉm, cười chúm chím, cười mỉm, cười ruồi, nói chung là "cười cười" thì thật khó mà suy đoán được ý nghĩa thực của nó, nghĩa là không hiểu nổi cái thông điệp mà người cười muốn gửi đi. Lúc đó ta phải nhận diện thêm những yếu tố khác như sự diễn tả trên nét mặt, âm điệu hay tình huống xẩy ra cái cười ấy. Trong trường hợp khó khăn như thế ta chỉ nên cười góp và có khi sự cười góp một cách ngớ ngẩn lại mang họa vào thân. Khó thật!

 

Ngoài ra ta còn có một loại cười đứng riêng biệt, đó là cười thầm. Cười thầm thì không thể phát ra tiếng được dù là rất nhỏ mà nó chỉ là trạng thái "cười ngầm trong bụng". Tuy cười một mình, không thành tiếng, nhưng nó lại không thuộc loại cười mỉm, cười ruồi, hay "cười cười" đâu nhé, vì cười thầm không mang tính chất diễn tả mà thông thường nó chỉ mang tính chất ẩn ý như để chê bai hay không đồng ý về một điều gì đó nằm trong ý nghĩ, cũng có khi là một ý nghĩ ngộ nghĩnh, hóm hỉnh kín đáo riêng tư của mình.

 

Để hiểu được tiếng cười của dân ta thì thật vô cùng khó khăn và gian nan. Cụ Nguyễn Văn Vĩnh có ý chê trách dân ta cái gì cũng cười, vui cũng cười mà buồn cũng cười nên đôi khi làm mất vẻ trang nghiêm. (Dân An Nam ta gì cũng cười, nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang.) Chê trách như thế cũng có phần đúng, nhưng cũng có thể cụ hơi khắt khe với cái cười của dân ta chăng? Và cũng có thể cụ chưa để ý xét hết cái cá tính đặc thù của người mình qua những câu của các cụ ta xưa kia để lại, như "khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười", đấy là chưa kể đến "vô duyên chưa nói đã cười" hay cười chỉ là động tác để "cười hở mười cái răng" mà thôi.

 

Cười, nói chung không phải chỉ được diễn tả bằng những "tiếng cười" mà còn được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau trong đời sống như sinh hoạt xã hội và cả trong văn học nghệ thuật nữa. Riêng trong văn học, qua văn chương từ bình dân cho tới bác học, cười đã đóng góp vào đó một cách sâu xa và đáng kể. Cười được thể hiện qua những câu ca dao tục ngữ dân gian dí dỏm, những truyện tiếu lâm truyền khẩu hay thành văn, hoặc những bài văn thơ trào phúng, tự trào, cũng như châm biếm, mà mỗi khi đọc lên ta không thể không cười, dù nhiều hay ít.

 

Qua một vài nhận xét thô thiển trên, tôi thấy cái cười của dân ta thật phong phú làm sao. Cười còn thì dân tộc Việt Nam còn và Việt Nam còn thì cái cười ắt hẳn phải càng ngày càng phong phú hơn. Chúng ta đã may mắn được sinh ra trong một đất nước có nhiều tiếng cười như thế, đương nhiên nó phản ảnh rõ tinh thần lạc quan, đa dạng trong cuộc sống của dân ta. Vui cũng cười, buồn cũng cười, dù hoàn cảnh khó đến đâu ta cũng cố cất tiếng cười hay để trên môi một nụ cười, có thể dù chỉ là cười gượng. Cười thường là nguồn hoan lạc đem đến cảm giác dễ chịu cho mình và cho mọi người chung quanh. Từ đó ta suy ra được cái cười của dân ta cũng còn phản ảnh được nếp sống văn hóa lấy nhân bản làm gốc, vì mình và cũng vì người.

 

Nguyễn Giụ Hùng

 

(1)  Bản nhạc “Đời Tôi Cô Đơn” của Đài Phương Trang.

(2)  Bài thơ “Bướm Trắng” của Nguyễn Bính.

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trời xanh lơ, dịu dàng. Chơi vơi đôi ba cánh ưng chao liệng tìm mồi. Rừng thông bát ngát xanh kín rặng núi trùng điệp xa xa. Con đường đất từ ngôi nhà ra đến khu rừng chỉ vừa hai người đi lọt, cỏ tranh mọc um tùm hai bên. Đến bìa rừng, con đường bỗng doãng ra thành khu đất trống, trên đó trơ trọi một mái nhà nhỏ cũ kỹ làm toàn bằng thân gỗ thông trông như nơi trú ẩn của những người liều mạng đi khai phá đất đai, tìm vàng thuở miền đất này còn hoang vu, yên ắng...
Từ muôn đời nay tình yêu là một giấc mộng đẹp giữa đời thường cuộc sống. Có tình yêu, cuộc sống của con người ý nghĩa hơn vì mọi hỷ, nộ, ái, ố cũng như... thất tình sẽ "được" tình yêu mang đến cuộc sống của chúng ta một cách nhanh chóng và "đầy đủ"...
Cơn mưa đột ngột buổi chiều vào ngay giờ cao điểm đông xe, đông người trên phố. Trở lại công việc ngay mùng Ba Tết, bữa nay thì phải chạy giao hàng từ sáng sớm, tôi mệt mỏi tách chiếc ‘cánh én’ cà tàng của mình ra khỏi luồng xe, tấp đại vô một mái hiên. Một chiếc hai bánh khác cũng tấp theo và một cặp trai gái hối hả bỏ xe chạy vô đứng cạnh tôi...
Từ mấy ngày nay, chợ Đầm đã rộn rịp cho bốc thăm, chia lô để làm chợ Tết. Năm nay, theo lệnh nhà nước, Tết đến sớm hơn mọi năm một tháng. Như để nhắc nhở, lịch năm mới được bày nhan nhản khắp các cửa tiệm. Đặc biệt là các cửa hàng quốc doanh thì lại chẳng có cuốn lịch nào, vì lịch đã chui ra ngoài cả rồi. Lịch năm nay trông tiến bộ lắm, thôi thì các tài tử tha hồ mặc đủ loại áo quần thời trang từ nước ngoài gửi về, nghiêng bên này, liếc bên kia, õng ẹo không kém gì các minh tinh màn bạc Hồng Kông. Có cô còn cầm trên tay một trái táo đỏ nhập theo hàng hoá của các tàu buôn chở đến, ra cái điều sung túc lắm. Ngự Chiêu và Thư Hương nắm tay nhau đi thơ thẩn qua các cửa hiệu, vừa chỉ trỏ các cô tài tử trên lịch, vừa cười khúc khích phê bình vô tội vạ. Thư Hương cười đến suýt ngất khi thấy hình một cô gái miền Bắc mặc áo dài cổ cao thật là cao kiểu một ngàn chín trăm... hồi đó!
Sáng hai mươi tám tết, tôi đạp xe xuống quán cà phê Quỳnh Giao ở gần nhà. Quỳnh Giao học sau tôi hai lớp ở trường trung học vài năm trước, nay thì mức độ nổi tiếng của cô ấy như vết dầu loang ra khỏi vùng ngoại ô, lên tới cổng trường đại học bên Sài gòn vì nhan sắc hơn người. Quỳnh Giao đẹp rực rỡ trong mấy chị em gái đều xinh xắn, nhưng tính nết dễ gần của cô được lòng người lớn kẻ nhỏ hơn chị em trong nhà có quyền thế trước biến cố lịch sử. Họ cắn răng chịu đựng cuộc đổi đời hơn là thả lỏng để hoà vào cuộc sống đã đổi thay nhiều như Quỳnh Giao.
Vài cái Tết thuộc những năm người dân cả nước ‘ăn độn’ trong thập niên 1970 thế kỷ trước đã để lại trong tâm khảm tôi dư vị rất chua chát. Nay ngồi chợt nhớ lại mà không khỏi chạnh lòng, vừa sượng sùng vừa tội nghiệp chính mình...
Thật ra mỗi năm đến Tết Ba Má đều xếp vàng bạc để cúng và đặc biệt nhớ tới ông bà và cha mẹ, chứ mình không có tin dị đoan con ạ! Người chết là hết, vàng bạc đối với họ đâu có ý nghĩa gì! Ý nghĩa là với người sống thôi! Sống sao cho đẹp, đó là mình đã làm cho họ vui lòng.
Chị Bông gọt sát vỏ bưởi vỏ chanh, nấu nước lấy tinh dầu gội đầu. Xem mấy Youtube và bạn bè chỉ dẫn chị Bông đã từng làm theo, từ dễ cho đến khó: nào gội đầu bằng baby shampoo ít hóa chất để bảo vệ da đầu trẻ em thì cũng tốt cho da đầu người lớn, nào hạn chế nhuộm tóc, hạn chế gội đầu xấy tóc thường xuyên, nào massage đầu với dầu ô liu, nào massage đầu với dầu dừa rồi quấn khăn lại ủ tóc 15 phút, công phu và khó chịu như thế chị Bông cũng kiên nhẫn làm đến hết chai dầu ô liu xong hết cả hũ dầu dừa organic cũng chẳng thấy kết quả gì mà hình như tóc càng rụng thêm...
Tôi còn nhớ một cái Tết năm xưa, tôi lái xe đưa gia đình từ Seattle xuống Tacoma một thành phố lân cận để đến lễ đầu năm tại một ngôi chùa và chọn cho đúng hướng xuất hành năm mới. Ngôi chùa này và nhà sư trụ trì còn trẻ, lại là một nhà thơ mà tôi đã nghe một người bạn nhắc đến và đây là lần đầu chúng tôi đến lễ...
Dù có nao nức đợi chờ hay hững hờ thờ ơ, dù có mong mỏi hay chẳng cầu vọng thì mùa xuân vẫn hiển hiện trong đất trời, trong lòng người. Nhớ ngày xưa còn bé, như muôn vạn đứa trẻ khác trên đời này, gã cũng mong chờ, nao nức tết để được lì xì, được mặc áo mới, được đi chơi thoải mái mà không bị la, được nghỉ học và không phải học bài…
Gần nửa thế kỷ rồi, mà giờ đây, nhắc tên Nguyên, trong trí nàng hiện lên hình ảnh nhà Hường, êm đềm, thân thiết. Lệ thường, khi nàng đến, Hường lôi tuồn tuột nàng vào phòng học. Ngang qua phòng khách, “giang sơn” của bạn bè anh Hưng, nàng liến thoắng chào hỏi các anh...
Ông bóc tờ lịch cuối cùng của năm 2023. Giao thừa bước vào 2024 đã qua năm phút, ông hồi hộp chờ chuông điện thoại reo. Từ năm Canh Thìn 2000 đến nay Giáp Thìn 2024, đã hai mươi bốn năm, mỗi năm ông đều nhận được hai cuộc điện đàm từ Paris vào giao thừa tây lịch và giao thừa âm lịch...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.