Hôm nay,  

Biếc -- Niềm Biếc

14/04/202220:10:00(Xem: 3516)

Tùy bút

 

 hquan 1

Thơ và tranh thư pháp của thi sĩ Trụ Vũ.

 

Đọc, nghe câu thơ hay, thấy thích, tôi học thuộc ngay, và đưa vào “kho dữ liệu” của mình. Đôi lúc sơ suất, tôi không biết tên tác giả. Bởi thế, khi trích dẫn, tôi đành xem những câu thơ ấy là của kho tàng “văn học dân gian”. Trong cái rủi, có cái may. Do lầm lẫn, ghi sai tên tác giả bài thơ trong một truyện ngắn của tôi, tôi được quen với thi sĩ Trụ Vũ và An Hòa, con gái của ông. Chẳng những thế, sau khi nghe tôi trình bày sự việc đã xảy ra, thi sĩ Trụ Vũ viết bài thơ khoán thủ với họ tên của tôi và tựa đề của truyện ngắn Khi Mười Bảy Tuổi.

 

Từ đó, tôi liên lạc với thi sĩ Trụ Vũ qua An Hòa. Mối quan hệ của chúng tôi, dù chỉ trong điện thư, ngày càng thắm thiết, đậm đà. Dẫu chưa hề gặp nhau, chưa hề nghe giọng nói của nhau, nhưng chúng tôi cảm thấy rất gần nhau, và có sự đồng cảm rất lớn. An Hòa nhắn, “Ba em nói, truyện của chị, rất ‘ngộ’. Vui, duyên dáng và cuốn hút người đọc. Qua những câu chuyện độc giả có thể nhận ra một cây bút dí dỏm, thông minh, trong sáng pha lẫn chút nghịch ngợm.”

 

Thư từ của An Hòa luôn đem đến cho tôi niềm vui nhẹ nhàng. Thỉnh thoảng, An Hòa chuyển cho tôi vài bài thơ của bác Trụ Vũ. Tôi rất yêu bài thơ Tri Âm, trích trong quyển thơ Biếc của thi sĩ Trụ Vũ.

 

Có một bạn tri âm

Như có vầng trăng sáng

Có đôi bạn tri âm

Cả ngân hà lai láng

 

Cố công tìm, tôi vẫn chưa được đọc các vần thơ ảo diệu khác trong quyển thơ Biếc. Tự lúc nào, trong tâm tưởng tôi, “biếc” có chỗ đứng rất đặc biệt. “Biếc” là một trong những chữ đẹp nhất của tiếng Việt. Tôi thương chữ “biếc” quá thể.

 

Một hôm, tôi nhận được email của An Hòa, kèm theo hình chụp bài thơ được viết thư pháp. An Hòa kể, “Sau khi đọc xong một số truyện của Hoàng Quân, Ba em cảm tác phóng bút làm bài thơ và mang giấy cọ viết thư pháp của bài thơ tặng o gái Huế đây”. 

 

Ngọc Thúy,

niềm biếc của quê hương…

Niềm huyện Phong (*)
            phong phú diệu thường…
Cô gái Huế ngàn năm
           Hoàng Thị

Cõi địa đàng như thị
           thiên chương…

(Trụ Vũ - 2018)

(*) huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế

 

Bác Trụ Vũ đánh dấu hoa thị ở chữ “niềm huyện Phong” và cắt nghĩa “huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế”. Bài thơ đẹp quá. Bài thơ không những gói trọn tên họ của tôi, mà còn nhắc đến quê nội, quê ngoại của tôi. Lúc mới liên lạc với bác Trụ Vũ, nghe bác gốc Huế, tôi “khoe” với bác, huyện Phong Điền là nơi Ba Mạ tôi đã sống.

 

Tôi đọc không biết bao lần bài thơ. Ô, quả là sự tình cờ diệu kỳ. Tôi tìm “biếc” nhưng chưa gặp. Nay bác Trụ Vũ đem niềm biếc tặng tôi. Đây là “biếc” của riêng tôi. Tôi cảm động rưng rưng.

 

Tôi ngắm không biết bao lần bức tranh thư pháp. Nét bút cọ của bác Trụ Vũ, của đôi bàn tay đang bước vào tuổi chín mươi, là rồng bay, là phượng múa.

 

Tôi ước mong Ba Mạ tôi còn trên đời. Tôi sẽ đọc cho Ba Mạ nghe bài thơ. Tôi mời Ba Mạ cùng chiêm ngưỡng bức tranh thư pháp. Nơi chín suối, Ba Mạ vui mừng cho con may mắn, gặp mối duyên văn nghệ đáng quý, thăng hoa cuộc sống tinh thần.  

 

Chữ Biếc

 

Tôi là bạn chị Hoàng Nga. Chị Hoàng Nga là bạn anh Nguyễn Nam An. Theo suy diễn tam đoạn luận nửa vời của tôi, tôi đương nhiên thành bạn anh An. Trong liên lạc email qua lại với bạn bè, anh Nguyễn Nam An đã ưu ái “gắn” tên tôi vào nhóm. 

 

Bởi thế, tôi nhận email có văn thơ của thi sĩ Nguyễn Nam An và thân hữu của anh ấy. Để đáp lễ, vui tay, tôi chuyển vài truyện cười giải trí. Một người trong nhóm bạn của anh An, anh Lê Hân, hỏi thăm tôi và muốn đưa những truyện cười lên trang nhà của anh, trang Saigonocean. Bản tính thích cười và ưa nghe tiếng cười, tôi lí lắc gởi tiếp vài truyện tiếu lâm đến anh. Để thay đổi không khí, tôi mời anh Lê Hân đọc một truyện ngắn của tôi, truyện Nhớ Tiếng À Ơi. Tôi như nghe tiếng anh reo vui trong email... “Bài viết hay quá. Hồi ấy, tôi đọc bài này trong Thế Kỷ 21. Anh của tôi, anh Luân Hoán cộng tác với Thế Kỷ 21... Bây giờ đọc bài này do tác giả gởi, cũng như là mới, và vẫn thấy hay như lúc đọc ở Thế Kỷ 21...

 

Năm 2010, khi đến San Jose họp bạn, tôi liên lạc anh Hân. Hẹn tới lui, trật vuột suốt, lại thêm lạc đường. Bởi thế, chúng tôi chỉ vỏn vẹn vài câu chào hỏi cập rập. Tôi nhấp nhỏm, chạy cho kịp giờ đến chỗ họp mặt bạn cũ ở Milpitas. Dẫu gặp nhau chớp nhoáng, tôi vẫn cảm nhận tình thân ái anh Lê Hân dành cho tôi. Từ đó, tôi gởi bài đều đặn đến anh Lê Hân và trang mạng của anh. Những lần đi chơi California, nếu ghé San Jose, tôi sắp xếp gặp anh Lê Hân. Cùng chị tôi, chị Thanh Tâm, chúng tôi được trò chuyện với anh Hân trong ngôi nhà ấm cúng, thanh lịch. Anh cho chúng tôi xem một số sách báo của Nhân Ảnh xuất bản.

 

Nghe tôi kể lể những gian truân khi xuất bản tập truyện đầu tay Bông Hoa Trên Phím, anh Song Thao “rỉ tai”, phần lớn những đứa con tinh thần của anh Song Thao chào đời từ nhà Nhân Ảnh. Tôi dạ dạ, cám ơn. Nhưng phân vân, con cái anh Song Thao xuất thân là... danh gia vọng tộc. Còn con mình… Không khéo thành… đỉa đeo chân hạc. Tôi đắn đo, chẳng biết mở lời thế nào. Tôi tưởng như mình đi qua, đi lại nhiều lần trước nhà xuất bản Nhân Ảnh. Dùng dằng đứng lại, tôi rón rén gõ cửa. Trái với những lo ngại của tôi, anh Lê Hân niềm nở, ân cần: “Được mà. Thúy gởi bài theo word file, phần còn lại, nhà xuất bản Nhân Ảnh lo hết”. Thế là tập truyện Nhớ Tiếng À Ơi ra đời trong vòng tay bảo bọc của Nhân Ảnh.

 

Anh Lê Hân cho tôi cảm tưởng mau chóng thành người nhà của Nhân Ảnh. Bản thảo Đứng Ngẩn Trông Vời vừa xong, cánh cửa của Nhân Ảnh mở rộng chào đón. Anh Lê Hân cùng các thân hữu trong nhóm Nhân Ảnh làm việc thật kỹ lưỡng, mà lại nhanh chóng. Anh Lê Hân rất chu đáo. Anh cho tôi được ngắm nghía đứa con tinh thần của mình trong từng công đoạn, bắt đầu bìa sách đến ruột sách và bản trình bày hoàn chỉnh trước khi đưa qua nhà in. Anh gởi bài thơ, bảo, tặng tác giả Đứng Ngẩn Trông Vời. Món quà nhỏ của anh Lê Hân cho tôi niềm vui lớn.

 

Hương Sách

(Tặng tác giả Đứng Ngẩn Trông Vời)

 

“đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư

câu thơ Huy Cận đẹp đến chừ

“mỹ nhân như thể câu thơ cổ

thơ của Nguyên Sa vẫn còn như

 

đời sống tuyệt vời nhờ mỹ nhân

xưa, sau mãi mãi dáng tuyệt trần

tâm hồn tinh khiết cùng hương sắc

chắp cánh thơm tình áng thơ văn

 

càng lộng lẫy thêm trang giấy hoa

trang đài tay lụa mở thiết tha

nuôi chữ biếc xanh nồng tâm ý

đến với nhân gian nỗi đậm đà

 

“đứng ngẩn trông vời ai trong văn

nắng trời vàng óng, ánh đêm trăng

tôi dường như thấy lòng người đọc

khựng lại bâng khuâng trước ngọn đèn

 

hoa nở đâu đây thoảng mùi hương

không gian bàng bạc chút hoang đường

áng thư sách mở từng hơi thở

đời sống giàu thêm những yêu thương.

(Lê Hân)

 

Tôi tháo sợi nơ gói món quà của anh Lê Hân... chữ biếc xanh nồng tâm ý... Ô, tôi thấy những khoảnh khắc hạnh phúc vây quanh. Tôi lại được gặp “biếc” của mình.

 

Sóng Nước Biếc

 

Là la la lá, lá la là là la la lá… Tiếng nhạc phong cầm tươi tắn len lỏi giữa dòng người lũ lượt tràn ra những cổng xe của nhà ga xe lửa Frankfurt West. Tôi không quẹo sang cổng số hai để lên xe lửa về nhà, mà đi thẳng đến góc đường hầm, nơi người nhạc công đang say sưa chơi phong cầm. Lâu lắm rồi, tôi mới nghe lại bài hát xưa như trái đất này. Tôi dừng chân bên người nhạc công, lẩm nhẩm hát theo. Kisses for me/ Save all your kisses for me/ So long honey so long/ Hang on baby hang on... Người nhạc công chuyển sang chơi Türkischer Marsch, rộn ràng. Chuyến xe về Bad-Nauheim đã rời bến. Tôi quyết định nhanh chóng. Mình sẽ đón chuyến sau. Chẳng gì phải vội. Ở đây thưởng thức trình diễn live, lại được “ghế danh dự”, sát rạt sân khấu. Nhạc công dừng tay đàn, ngước lên, cười hiền hậu. Tôi khen ông chơi hay, sehr schön gespielt, ông nhướng nhướng mày chưa hiểu, tôi bảo beautifully, so well. Ông cười nhẹ, thank you, thank you.

 

Chiều đi làm ra, tôi thỉnh thoảng thả lỏng vài chuyến xe, la cà ở khu Frankfurt West, nghe người nhạc công chơi nhạc. Sau nhiều lần nói chuyện, vài chữ tiếng Anh, đôi chữ tiếng Đức, tôi được biết nhạc công tên Vladislav, người Ukraine. Ở quê nhà, có lẽ ông là thầy giáo dạy nhạc hoặc chơi trong các ban nhạc hòa tấu cổ điển. Ông kể, ông chơi dương cầm, vĩ cầm, vài nhạc cụ dân tộc ở xứ ông. Ông đến Đức như du khách, chơi phong cầm ở nhà ga, kiếm tiền độ nhật. Cứ mỗi hai tháng ông phải rời nước Đức, rồi mới trở lại cho đúng thủ tục.   

 

Có lần, tôi muốn hỏi, ngày hôm qua ông chơi đàn ở đâu, mà tôi không gặp. Ông chỉ bắt kịp mỗi chữ yesterday. Thế là ông nâng đàn, chơi bài Yesterday, bảo: “for you”. Lúc khác, tôi kể, tôi đang on the way đi nha sĩ. Thế là ông tặng tôi bài My Way. Tuy vội, tôi “sắp xếp” thì giờ thưởng thức trọn bài My Way.

 

Ông đàn bài nào cũng hay, cũng du dương. Nhà ga Frankfurt West đông nườm nượp. Ai nấy tất tả, vội vàng. Có người chỉ kịp thảy vội đồng tiền vào thùng đàn, rồi co giò chạy cho kịp chuyến tàu. Tôi nghĩ, đành rằng, ông chơi nhạc để kiếm tiền. Nhưng chắc hẳn ông sẽ vui hơn, nếu người ta đôi phút lắng nghe tiếng nhạc của ông, trước khi góp chút tiền. Ban đầu, ông gật nhẹ đầu, nói “Danke”, “thank you”, khi tôi đặt tiền vào hộp đàn. Về sau, vừa thấy tôi đưa tay mở túi xách lấy tiền, ông dừng đàn, lắc đầu nguầy nguậy, “no, no”, “nein, nein”. Có lẽ, ông muốn tôi thưởng thức tiếng đàn như những khán, thính giả của ông ở quê nhà. Chứ ông không muốn tôi như những người khác, bỏ tiền vào thùng đàn với chút lòng trắc ẩn. Quen ông hơn, tôi bắt đầu nghĩ đến chương trình “nhạc yêu cầu”. Tôi hỏi Célèbre Valse, Autumn Leaves. Ông nâng đàn, đắm hồn trong tiếng nhạc của chính mình.

 

Năm nọ, khi người bạn dẫn đi dạo trong công viên ở Oslo, Na Uy vào mùa đông, nghe người nhạc công đường phố chơi bài Waves of the Danube, tôi như thấy được những đợt sóng. Dẫu lúc ấy, tuyết trắng xóa ngút ngàn. Từ đó, tôi càng thương bài Sóng Nước Biếc. Tôi hỏi, ông có thể đàn Waves of the Danube. Ông không hiểu. Tôi đổi qua tiếng Đức Donauwellen. Ông có vẻ bối rối, vẫn chưa hiểu. Tôi hát nhỏ vài câu của bài Sóng Nước Biếc. Một giòng sông sâu cuồn cuộn sóng trôi về nơi đâu... Ông mừng rỡ okay, okay. Đã nhiều lần, chiều tôi đi làm ra, nếu còn gặp ông Vladislav, tôi chẳng ngại những con mắt trần gian, nhìn nhìn thắc mắc, tôi vui ca theo tiếng đàn của ông Vladislav. Đang chơi vơi, đang chơi vơi, sóng lan mọi nơi… Khi thấy tôi từ xa, dẫu đang chơi Hungarian Dance No 5, ông Vladislav ngưng ngang, nâng đàn tặng tôi, sóng lớp lớp, sóng lớp lớp, sóng đem nguồn vui… Tôi về nhà, trong lòng rộn ràng niềm vui ấm áp cuối ngày.

 

Giờ đây, chốn này, mùa đông đã qua, những chồi biếc của cây cỏ khoác tấm áo mùa xuân cho đất trời quanh tôi.

 

Niềm biếc của thi sĩ Trụ Vũ, chữ biếc của thi sĩ Lê Hân, sóng nước biếc của người nhạc công đường phố cho lòng tôi rộn ràng hương xuân qua bốn mùa. Ôi chao! Sao tôi thương quá chữ biếc đẹp vô vàn của tiếng nước tôi.

                                                  

-- Hoàng Quân

 

Viết thêm:

 

Mùa xuân 2020, khi nước Đức bắt đầu có những biện pháp ngăn sông cấm chợ để ngăn ngừa đại dịch, tôi không đi xe lửa đến chỗ làm. Từ đấy, tôi hết gặp ông Vladislav. Tôi băn khoăn mãi, người nhạc công ấy sẽ như thế nào. Ông có kịp về quê nhà, khi những quy định đi lại giữa các nước ngày càng nghiêm ngặt, gắt gao. Giờ đây, nghe những tin tức, hình ảnh về cuộc xâm lăng tàn khốc của Nga trên đất nước Ukraine, tôi lại nghĩ nhiều đến ông Vladislav. Nguyện cầu ông và người thân của ông được an lành. Nguyện cầu hòa bình sớm về trên đất nước Ukraine.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ca dao bình dân thì đơn giản hơn nhưng cũng rất tha thiết: ”Gió đâu gió thổi sau lưng/ Dạ đâu dạ nhớ người dưng vô cùng”. Rõ ràng cái nhớ thiết tha biết bao, tưởng chừng “Người dưng” rất xa lạ, mơ hồ nhưng lại nhớ không quên.
Mấy tháng trước đây chúng tôi đã gặp một cặp chồng Mỹ vợ Việt tại nhà thờ Saint Patrick trong buổi lễ tang của một bà đồng hương già trên 95 tuổi. Bà Th. trước 75 làm sở Mỹ có chồng lính Mỹ là người sớm nhất đến thành phố chúng tôi đang ở. Những người Việt đến sau như tôi thường đến tá túc một vài tháng đầu tiên tại nhà bà. Lễ tang của bà tập họp gần như đầy đủ người Việt đã từng quen biết bà trong đó có cặp chồng Mỹ vợ Việt nầy đến từ một thành phố khác.
Sống thế nào và sống với nhau ra sao, không dễ. Cả một quá trình tập luyện kiên trì… Ai cũng biết giữ cho “thân hình thon gọn” vừa “đẹp” vừa tốt cho sức khỏe, nhưng mấy ai có thể ăn uống kiêng khem, vận động hằng ngày năm nầy qua năm khác. Hay bước tới trước một bước thì bước lùi sau hai bước!
Thời gian gia đình còn kẹt lại Việt Nam, tuy tuổi đời còn non dại, Nga đã nhìn đời bằng tâm thức của một thiếu nữ trưởng thành. Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, Phong được nuông chiều, cho nên, Phong rất vô tư. Thấy Nga không tỏ vẻ háo hức về tin chàng có xe mới, Phong hỏi lơ chuyện khác: -Sáng nay ai đưa Nga đến trường? -Ông xe “bus”. -Từ nay có xe mới, anh sẽ đưa và đón em thường xuyên. -Cảm ơn anh. -Đi, đi với anh ra xem xe mới. -Thôi, anh lấy xe vào đón Nga đi! -Ok, “sir”! Nhìn theo dáng người dong dỏng cao của Phong, Nga thở dài, nghĩ đến Huân – người anh xa vắng của nàng. Hình ảnh Huân đang chờn vờn trong tâm tưởng của Nga thì chiếc xe thể thao màu đỏ dừng sát lề đường. Phong chồm ra, cười. Đối với một sinh viên vừa thoát khỏi “đáy địa ngục” của cộng sản Việt Nam (csVN) vào thời bao cấp – như Nga – thì chiếc xe này phải là một giấc mơ không tưởng! Thế mà Phong không hiểu tại sao Nga vẫn tỏ vẻ dững dưng.
Chị ôm chầm lấy con. Tí giờ đây cao lớn hơn mẹ nhiều, đã ra dáng thanh niên. Nhưng Tí vẫn là đứa con bé bỏng trong vòng tay của chị. Đứa con ước ao một món quà thuở nhỏ, mà mãi đến giờ, và sẽ không bao giờ, chị có thể tặng cho con. Lòng chị dâng lên niềm thương yêu con vô bờ. Chị nghe tiếng mình thầm hứa với con: - Ba mẹ luôn luôn gần nhau để con vui mãi, nhé con yêu.
Em nhìn lên trăng qua khung cửa sổ. Đêm nay trăng đã tròn. Trăng chiếu vào nơi Bà Ngoại ngồi. Em thấy nhớ Bà Ngoại quá! Chú Cuội, Chị Hằng đi vắng rồi! Chỉ còn vầng trăng trải một màu thương nhớ. Bỗng em nghe tiếng Mẹ thì thầm. Em lắng nghe. Mẹ ở trong phòng. Mẹ đang nói chuyện điện thoại với Ba. Tiếng của Mẹ nghe khác lạ. “Có gì thì anh về nhé!”
Thiên đạp xe hết tốc lực, cái sức một thằng bé mười lăm tuổi đang nhổ giò phát lớn cộng với sự háo hức chờ mấy ngày qua, chẳng mấy chốc là đến nhà nội. Nhà nội Thiên ở quê, cách thị trấn chừng ba cây số, ngôi nhà nằm giữa một vườn cây xanh mát nào là mít, ổi, xoài, chanh, khế… ra khỏi vườn cây là đến rẫy mía phía sau nhà.
Ngày cuối tuần tôi theo đám trẻ đi rước đèn tháng Tám. Đàn em bé ca hát rộn ràng những bài hát Trung Thu của Sài Gòn ngày trước. Những cái đèn giấy đủ mọi hình dạng. Có thật nhiều đèn cá chép. Những con cá chép mập ú, tròn quay, có ngọn nến lung linh mờ ảo bên trong. Đám rước chỉ thiếu những chiếc đèn làm bằng giấy bóng kính trong suốt. Những chiếc đèn đủ sắc màu. Lũ trẻ một tay níu tay mẹ, tay bà, tay bố, tay anh, tay chị; một tay cầm khúc que ngắn với chiếc đèn treo ở đầu. Ríu rít theo chân nhau đi dọc theo đoạn đường ngắn ngủn bọc quanh ngôi chùa, dưới ánh đèn đường nhạt nhòa. Những chiếc đèn trung thu, bầy trẻ nhỏ, những câu hát quen, giọng trẻ thơ ê a đưa tôi về những ngày thơ ấu.
Trong một dịp cùng đi hướng dẫn thực tập Chánh Niệm (Mindfulness) cho một liên đoàn hướng đạo ở Quận Cam, tôi có tâm sự với anh bạn trẻ Bạch Xuân Phẻ rằng có lẽ một trong những nơi thanh thiếu niên cần thực tập chánh niệm nhất chính là Việt Nam. Ước gì những buổi hướng dẫn chánh niệm như thế này được tổ chức rộng rãi ở những đoàn thể của thanh thiếu niên Việt Nam trong nước. Ước muốn được thì làm cũng được. Trong một chuyến về Việt Nam năm 2018, tôi liên lạc trước với chị T., một người bạn thân lâu năm của gia đình. Chị T. là Giám Đốc Điều Hành của WWO Việt Nam, một tổ chức phi chính phủ Hoa Kỳ chuyên giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Chị là một người có đầu óc cởi mở, thích học hỏi cái mới. Dưới tay chị là một đội ngũ nhân viên trẻ, hàng ngày phải đối mặt với những hoàn cảnh đáng thương trong xã hội. Tôi nói với chị T. là muốn có một buổi hướng dẫn thực tập chánh niệm cho nhân viên WWO, vì điều này có thể đem lại lợi lộc cho các bạn trong môi trường làm việc mà tâm lý dễ bị
Một ngày nọ Chàng Lười Peter hay biết có một ngôi làng đang tổ chức hội chợ. Chàng ta biết chắc rằng nhiều dân quê sẽ tới đây để bán ngựa, bò và những gia súc khác và thế nào họ cũng có nhiều tiền. Mặc dù rất cần tiền nhưng chàng ta có thói xấu là không chịu làm việc để kiếm tiền. Chàng ta, đầu đội chiếc mũ đỏ ba cạnh, tìm cách mò đến ngôi làng.
Tiếng trống thì thùng vang khắp xóm chợ, xóm chùa, xóm đình… Âm thanh trống lân giục giã đầy hào hứng tỏa đến từng nhà, lọt vào lỗ nhĩ thằng Tí. Tiếng trống kích thích nó, làm cho nó và cơm thật lẹ, đoạn nó chan canh vào chén để húp cho xong, dường như nó nuốt chứ hổng có nhai. Cô Hai nhìn nó rồi đưa mắt cho chú Hai: - Thường ngày đâu có vậy, nó ăn nhơi nhơi cả buổi hổng hết chén cơm, vậy mà bữa nay nó ăn nhanh như lân ăn bắp cải.
Buổi sáng định mệnh đó, thầy giáo lớp 5 của Max, nhận được một cú điện thoại. Max còn nhớ khuôn mặt thầy tái đi sau cú điện thoại đó, Thầy bảo Max thu dọn cặp sách lên ngay văn phòng của trường. Max kinh ngạc nhưng vâng lời Thầy thu xếp ra về. Ở cửa văn phòng, Mẹ của Max đứng đó, khuôn mặt nhợt nhạt, thất thần còn hơn cả Thầy giáo. Cho đến tận bây giờ, mỗi khi có ai đó nói với Max "chúng tôi rất tiếc, ba của bạn đã qua đời", người đàn ông 30 tuổi đã buồn bã trả lời "Không, ông bị giết chết bởi không tặc."
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.