Hôm nay,  

Tay Lái Lụa

1/16/202219:42:00(View: 5118)

Phiếm


tailailua 

Ngày xưa ở Việt Nam, tôi rất “chì”, đã trị nhiều con ngựa sắt dữ dằn. Đi học, tôi cưỡi xe đạp “cuộc” sườn ngang cao ngất. Mỗi lần xuống xe, tôi chỉ cần tìm lề đường cao, là có thể... hạ cánh an toàn. Nếu “hạ tầng cơ sở” không đầy đủ, tôi nghiêng nghiêng xe, chủ động phóng xuống, trước khi bị ngã ngựa… sắt. Thỉnh thoảng, mượn được xe Honda của chị tôi, tôi vi vút đúng điệu anh hùng xa lộ. Để tiết kiệm năng lượng, tôi cho hai đứa bạn chạy xe đạp níu tay hai bên, mà vẫn vững tay lái, chạy vù vù lên, xuống cầu Trương Minh Giảng. Ấy, đấy là chuyện vào những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, thuở Sài Gòn đang “xuống hố cả nút”, đường sá Hòn Ngọc Viễn Đông tiêu điều, xơ xác. Xe gắn máy hãy còn là động vật hiếm quý.

 

Chiếc xe “cuộc” của tôi bị mất cắp, mặc dù tôi đã gởi ở bãi giữ xe của Đại Học Sư Phạm. Mất xe đạp, mất cả gia tài, tôi thất kinh hồn vía, mếu máo báo tin cho chị em trong nhà. Chị tôi trấn an, không sao, mất xe đạp, ít nữa đi xe hơi. Ai dè, chị nói trúng phóc. Mấy năm sau, chị em tôi xuất cảnh qua Tây Đức, giấc mơ xe hơi trong tầm tay với.

 

Dù sắp sửa tốt nghiệp đại học quê nhà, tôi phải lùi xuống trung học xứ người. Nước Đức không công nhận bằng cấp sau 1975 của Việt Nam. Thế là tôi khoác áo thư sinh, vào lớp 11, tiếp tục mài đũng quần nhà trường của Tây Đức vài năm. Bước chân đến ngôi trường ở Wolfhagen, làng nhỏ ở trung Đức, học trò nào cũng toàn tâm, toàn trí, vẽ vời “tiền đồ” bằng cấp của mình. Muốn tậu bằng tú tài Đức, phải miệt mài đèn sách, ít nhất ba năm, nếu học đâu, đậu đó. Cho nên, năm đầu ở trường nội trú, đa số các học trò người Việt, lo tậu bằng lái xe dằn túi. Các hàn nho sẵn sàng nhịn ăn, nhịn mặc, đầu tư vào mảnh bằng không đòi hỏi nhiều chữ nghĩa này. Chỉ tốn vài tháng, vài trăm đức mã*, chút tài nghệ điều khiển xế hộp, cộng thêm chút may mắn trong kỳ thi lý thuyết lẫn thực hành lái xe. Trước khi đại đăng khoa tú tài, học trò chúng tôi an ủi, tự phong mình “dân khoa bảng”, nếu có cái bằng lận lưng, dù chỉ là bằng lái xe.

 

Hai trường dạy lái xe có máu mặt ở làng Wolfhagen là trường ông Bodin và trường ông Günther. Ông Bodin có tật câu giờ. Ông năn nỉ học trò lấy thêm giờ, hoặc “đì” không chịu đăng ký cho học trò đi thi. Bù lại, ông rất nhẹ vía. Đám thí sinh Việt rất mê tín dị đoan. Dựa theo thống kê không chính thức, số lượng thi rớt của trường Bodin rất thấp. Nghe đâu, có người còn được chánh chủ khảo du di, mặc dù đang thi, chạy trong thành phố, dám lấn đường ưu tiên. Những người đã được “nâng cấp” thành tài xế truyền kinh nghiệm lại cho “hậu thế”. Trước mùa thi, không khí ký túc xá rộn ràng như tết. Dưới sân bóng chuyền, một tay “lão làng” đang vẽ trên đất một tình huống khó khăn cho thí sinh:

 

– Này nhé, chú mày chạy trong này ra, ở đây không có dấu hiệu giao thông. Vậy, chú mày phải áp dụng luật gì đây?

 

Thí sinh đăm chiêu suy nghĩ, rụt rè trả lời:

 

– Nếu không có bảng hiệu giao thông, em phải áp dụng luật bên phải đi trước bên trái...

 

Có chiếc xe hư, ai lén vất ở sân sau của ký túc xá. Thế là, các thí sinh tìm cách phá cửa xe, rồi thay nhau sử dụng xe như thể trong giờ lái. Một người đã biết lái xe, đóng vai thầy giáo, ngồi ra lệnh. Lên xe, thí sinh đầy đủ tuồng tích, vờ mở máy, gài dây an toàn, sửa kiếng chiếu hậu, nhả thắng tay. “Thầy giáo” nói: “Ngã tư tới quẹo trái”. Thí sinh ngoan ngoãn nhá đèn, ngoái cổ nhìn, rất đúng bài bản, như thể sau lưng cả đoàn xe nườm nượp, dù thầy trò đang ngồi yên trong xác chiếc xe như thùng rác.

 

Nghe đâu, có trường hợp trong giờ thi, thí sinh lên xe mở máy xong, quá hồi hộp, xe lăn bánh, mà quên không gài nịt an toàn. Xe chạy đâu được... một mét, giám khảo lạnh lùng:

 

– Điều này cô không được quên. Như thế, có thể nguy hiểm đến tính mạng đấy cô ạ. Thầy giáo đây hướng dẫn cô thêm nữa, mới thi được nhé.

 

Thí sinh mặt mũi nóng ran, vừa quê, vừa đau bụng. Vì trả lệ phí cho lần thi là bay mất hơn nửa tháng học bổng. Những người đi trước phải nghĩ nhiều chiến lược, chiến thuật nâng đỡ người đi sau. Ở bưu điện trong khu phố chính, có hầm đậu xe rất lớn. Thí sinh rất ngán phải đậu xe dưới tầng hầm của bưu điện, mặc dù trong khi học đã tập dợt kỹ càng. Những ngày thí sinh người Việt có lịch thi lái, các tài xế đồng hương tìm cách cứu bồ. Họ năn nỉ mượn xe thầy cô giáo trong trường, chạy xe ra bưu điện, đậu choán những chỗ hiểm hóc nhất, có thể nguy hại đến số phận bằng lái của bạn mình.

 

Như mọi người, tôi hăm hở góp mặt vào trào lưu hiện hành trong ký túc xá. Tôi lân la hỏi chỗ học lái xe, trở thành học trò của ông Bodin. Ngày đầu chạy xe, tôi ngỡ mình sinh ra đã đầy máu tài xế trong huyết quản. Nghe nhiều đàn anh cảnh cáo, chạy xe chưa rành, sang số không ngọt, xe chạy khục khặc như ngựa chứng, hay bị tắt máy. Tôi tấm tắc khen mình, chạy xe dễ ợt như vầy, sao thiên hạ than thở quá trời, có người thi rớt, quả thật... bịnh thiệt. Về lại ký túc xá, tôi hớn hở kể ngay:

 

– Chạy lần đầu ngọt xớt hà. Chạy êm ru. Không tắt máy lần nào cả.

 

Tôi nghĩ thầm, như vầy, không chừng mình chỉ lấy 3 giờ lái, một giờ trong phố, một giờ ngoài xa lộ, một giờ đường làng vào ban đêm, đủ sức đi thi, phá kỷ lục thi lái của con cháu Lạc Hồng trong ký túc xá này.

 

Anh bạn tỉnh bơ:

 

– Chạy lần đầu, ai chẳng vậy. Mình đạp số, thả số, sang số. Nhưng thiệt ra, ông thầy hoàn thành nhiệm vụ hết. Qua giờ thứ hai mới nếm mùi cà giựt.

 

– Ủa, vậy sao. Tôi chưng hửng.

 

Mà thiệt, những giờ sau, chờ đèn đỏ ở con dốc cao, tôi sợ xe tụt lui, “hun” mũi xe sau, tôi đạp thắng nhổng xe. Sợ tắt máy, tôi rú ga như xe đua, ông thầy xót ruột lắm, nhấp nhỏm miết. Mỗi khi sang số, tôi phải liếc liếc xuống cần số. Có khi, lạng tay lái một chút. Ông thầy có lẽ lo cho tính mạng ổng:

 

– Này cô, tôi không để chân cạnh hộp số đâu. Cô khỏi sợ cầm nhầm đầu gối tôi. Cô phải tập sang số, mắt vẫn nhìn phía trước.

 

Tôi nổi bướng, nói ngang:     

 

– Tui chạy được như ông, tui đã mở trường dạy rồi. Okay, nếu vậy tui chạy số một từ đầu tới cuối, khỏi phải bận tâm chuyện sang số.

– Nếu cô muốn có lý do chính đáng để gặp tôi hoài và trả tiền cho tôi, cứ tự nhiên. Còn nếu muốn có bằng lái, cô làm ơn tập tành đi một chút.

 

Trong giờ học, nhiều lần, ông thầy có ý kiến, ý ve:

 

– Sao cô chạy nhanh dữ vậy? Trong phố chớ có phải sân chạy xe đua đâu!

 

Có lúc ông ư ử hát Country roads take me home..., bỗng lên giọng:

 

– Cô làm ơn chạy nhanh thêm một chút. Đường đang trống trơn, sao cô chạy như ốc sên vậy? Cô trả tiền giờ chạy, sao cứ bò như rùa. Đây là Fahrstunde, giờ chạy, không phải Gehstunde, giờ đi bộ.

 

Chiều cuối tuần, chàng của tôi dẫn tôi ra bãi tập xe của ADAC ở gần Rebstockbad, Frankfurt. Muốn tiết kiệm, tập chạy thêm cho giỏi, đỡ phải lấy nhiều giờ của trường. Nhưng có lẽ bụt nhà không thiêng. Hai đứa mất cả nửa ngày, trả tiền mướn bãi mấy chục đồng, tôi chẳng dạn dĩ thêm tí nào. Sau đó, hờn anh, giận em. Anh giận, tại em không biết, mà nói không chịu nghe. Em hờn, tại anh biết, mà không chỉ dẫn rõ ràng.

 

Vốn đầu tư vào bằng lái của tôi sắp sửa lên tiền ngàn Đức Mã*. Không phải hai ba giờ, như tôi đinh ninh, mà đã lên đến hơn 20 giờ. Tôi phải tiếp tục sống “giật gấu vá vai” để dành tiền trả thêm giờ lái. Tôi hỏi xa, hỏi gần ông thầy, xin phép đi thi. Ông ừ hử. Nhưng bảo phải tập dợt thêm. Cuối cùng, tôi hội đủ điều kiện ắt có và đủ để đi thi thực hành lái xe. Mấy phút đầu, tôi chạy trơn tru, suôn sẻ. Tôi bớt run, nghĩ, chắc ngon cơm rồi. Ông thầy bu lu, ba la kể đủ chuyện tầm xàm, bá láp cho ông giám khảo nghe. Chắc ông thầy cố gắng lung lạc tinh thần giám khảo, để ông đừng thấy hết mọi lỗi của thí sinh. Ở làng quê, nếp sống thường êm ả, chầm chậm. Mà sao hôm đó, tôi có cảm tưởng xe cộ khắp nơi đổ về làng, chạy như mắc cửi. Đến ngã tư, tôi giảm dần chân ga, đèn từ vàng chuyển sang đỏ. Nhìn trong kiếng chiếu hậu, xe nườm nượp đàng sau, tự dưng tôi nhả chân thắng. Bánh xe mới lăn nửa vòng, ông thầy thắng két, giọng cáu kỉnh:

 

– Cô có thấy đèn màu gì không?

 

– Đương nhiên màu đỏ. Tui đâu có chạy!

 

– Nhưng cô đã cán lằn rạch an toàn trước đèn.

 

Vừa lúc đó đèn chuyển xanh, ông giám khảo vẫn đều đều ra lệnh, quẹo trái, quẹo phải, dừng ở đây... Tôi mừng thầm, chắc ổng thấy mình hiền lành, nên nhắm mắt làm ngơ. Cuối cùng khi chạy về trường, ông chậm rãi:

 

– Fräulein, này cô, tôi rất muốn cấp cho cô cái bằng lái. Nhưng lỗi lầm này nặng lắm, tôi không thể bỏ qua được.

 

Bây giờ, tôi mới nhìn rõ ông giám khảo. Mặt mày hắc ám như phù thủy. Đã đánh rớt, thì cho tôi về ngay lúc đèn đỏ. Cớ sao bắt tôi tiếp tục chạy lòng vòng, làm tôi mừng hụt. Vậy là, lần đầu tiên trong đời, tôi biết mùi buồn của đậu phải cành mềm. Tôi phải chắt chiu, tiện tặn tiếp, chờ thi đợt sau. Thắt lưng buộc bụng kiểu này chắc eo nhỏ bằng eo của cô Scarlett trong phim Cuốn Theo Chiều Gió. Tôi biết khôn, ngoan hơn, nghe lời hướng dẫn của thầy giáo, không dám cà khịa với ổng nữa. Lần thi này, tôi chạy rất thiện nghệ, sau hơn nửa tiếng đồng hồ biểu diễn chạy trong phố, ra làng, vào xóm, ông giám khảo, chồm lên đưa miếng giấy bìa màu xám, vui vẻ:

 

– Chúc mừng cô có bằng lái. Nhưng tôi lưu ý cô, cô chạy trong phố hơi nhanh. Mà ra ngoài xa lộ lại hơi chậm đấy nhé.

 

Tôi mừng quá, vội vàng đưa tay cầm lấy bằng, sợ ông giám khảo đổi ý. Thật ra, trong giờ thi, tôi cảm thấy căng thẳng tột độ, đâu kiểm soát vận tốc của mình. Mừng rỡ, tôi vội viết, ký tên mình lên bằng lái. Tay run rẩy, lọng cọng. Nhìn bằng lái của tôi, thấy ngay chữ viết như gà bới của mình.

 

Vừa tốt nghiệp trường lái xe, mảnh bằng chưa ráo mực, tôi được dịp trổ tài kỹ năng lái xe. Đến dự đám cưới của cô bạn, chồng tôi được vinh hạnh chở cô dâu chú rể. Tôi chạy xe khác, chở thêm mấy chú bác, bà con của cô dâu, chạy sau xe hoa. Xe hoa chạy chầm chậm, tôi tà tà bò theo. Lần đầu làm tài xế, không có thầy giáo hướng dẫn, tôi khớp lắm. Mời bà con hành khách lên xe xong, tôi đầy đủ thủ tục sửa ghế, chỉnh kiếng trong, kiếng ngoài, rồi nổ máy. Cũng nhìn trái phải, ngoáy đầu lại, tránh góc chết... Chạy đâu chừng ba cây số đến hội trường tổ chức tiệc cưới, tài xế hãnh diện mời bà con, cô bác xuống xe. Lúc đó, tôi giật thót cả người. Nãy giờ, hồi hộp quá, chạy xe mà không nhả thắng tay. Cũng may, chạy chậm, đoạn đường ngắn, chớ không thôi, bố thắng cháy đen, khét nghẹt. Nếu có ông giám khảo đi cùng, ông thu hồi bằng lái của tôi chứ chẳng chơi.

 

Khi Bê, con trai tôi, đang ở vườn trẻ, cùng các bà mẹ khác, chúng tôi thay phiên nhau đưa mấy đứa bé đi tập bơi. Đến trước ngày phiên của tôi chở, Bê ngại bạn bè sẽ “đàm tiếu” tấm bảng ghi “tài xế non tay lái” dán trên đuôi xe, Bê thuyết phục:

 

– Mẹ ơi, con nghĩ, Mẹ chạy xe chiến rồi. Mình không cần bảng Anfänger, người mới chạy xe, nữa đâu. Mình gỡ bảng này ra, để dành cho dì Hiền.

 

Tôi gỡ tấm nhãn hiệu Anfänger cho con yên tâm. Nhưng nghĩ, rồi sẽ gắn lại. Thường thường, trên đường phố, các tay mơ mới vào làng lái rất được “nể nang”. Ai cũng tìm cách nhường đường. Gắn bảng Anfänger, chạy chậm, lạng quạng không bị bấm còi. Thiên hạ chạy giữ khoảng cách, vì các Anfänger dễ bị lạnh cẳng bất ngờ, thắng gấp, hoặc nhá đèn phải, mà quẹo trái... Bê lo xa đó thôi. Tôi đến đón, bầy nhỏ lao nhao, leo lên xe, cười nói rộn ràng. Có đứa nào thắc mắc gì đâu. Vậy đó, tôi đã nhiều lần gọn gàng chở mấy vận động viên đi về bình an vô sự.

 

Nhiều buổi chiều, sau giờ học, tôi chở Mạ tôi và Bê đi chợ. Bê ngồi đàng sau góp ý:

 

– Mẹ ơi, xe vận tải sắp qua mặt mình rồi. Mẹ, Mẹ, chỗ này không cấm chạy nhanh.

 

Có lúc Bê hối:

 

– Mẹ chạy nhanh chút xíu. Chớ không thôi, mình đến nơi, chợ đóng cửa mất tiêu. Bà Ngoại không mua được thịt, là không có thịt chà bông đó.

 

Bàn chuyện xe cộ, Bê vờ hỏi:

 

– Hồi đó Mẹ trúng số Lotto phải không?

 

 Tôi ngạc nhiên:

 

– Mẹ trúng số hồi nào đâu!

 

– Có mà! Cái bằng lái của Mẹ đó.

 

Tôi cốc đầu Bê một cái:

 

– Đừng có lộn xộn. Hồi đó Mẹ đã từng chở Bê và đám bạn Bê đi chơi nhiều lần rồi.  

 

Lâu lâu, nghe ai đó chạy nhanh, bị cảnh sát giao thông “túm”, giam bằng lái vài tuần. Tôi nói, phải chi nhà nước đồng ý, tôi sẵn sàng cho mượn cái bằng lái mấy chục năm tuổi của tôi, lý lịch sạch trơn, chưa một lần đậu bậy, chưa một lần chạy nhanh.

 

Coi vậy, bằng lái của tôi không phải vô dụng. Năm nọ, mua sắm bên Mỹ, tôi trả tiền bằng thẻ tín dụng. Cậu thanh niên bán hàng lịch sự hỏi tôi giấy tờ tùy thân, để so sánh với thẻ tín dụng. Tôi lục lọi xách tay, không mang theo giấy thông hành, thẻ căn cước, chỉ có mỗi bằng lái trong ví. Tôi ngài ngại, nhỏ nhẻ xin lỗi. Cậu ta bảo Driver's license được mà. Bằng lái của tôi toàn tiếng Đức. Cậu ta nhìn hình, nhìn tôi. Đọc tên tôi trên bằng lái. Cố gắng nhìn những chữ lạ lẫm, tìm ra chút xíu gì tương tự tiếng Mỹ. Cậu ta bối rối hỏi:

 

– Cô chỉ hộ tôi ngày sinh của cô ghi ở đâu trên bằng.

 

Tôi chưa kịp chỉ, nghe cậu ta reo lên:

 

– Đây rồi! Tôi thấy rồi, ngày... năm 1984.

 

Cậu ta vui vẻ đưa bằng lái cho tôi, nhanh nhẹn hoàn tất thủ tục tính tiền. Mèn ơi, ô vui quá sá là vui. Năm 1984 là năm bằng lái của tôi chào đời. Chứ tôi chào đời trước đó hơn hai thập niên lận. Ha ha, còn lời khen nào khéo hơn.

 

Nơi khu chung cư nơi chúng tôi ở, mỗi căn hộ chỉ có một chỗ đậu khiêm tốn dưới tầng hầm. Bên phải chỗ đậu xe của chúng tôi là một chiếc xe “con báo” bóng lộn. Chồng tôi nhắc chừng:

 

– Em đậu xe cẩn thận, có gì nhích qua bên trái. Lỡ quẹt chiếc VW, nhẹ tội. Chớ sướt chiếc Jaguar, lủng túi đó.  

 

Xe tôi thường có cái gối, để thêm chút thước tấc cho tài xế. Chồng con tôi đùa, khi tôi ngồi ở ghế tài xế, xe sau tưởng xe mình không có người lái. Ấy, vậy mà thời nay, xe không người lái là đề tài nóng bỏng thiên hạ bàn tán rân ran. Biết đâu, ngày xưa, ông kỹ sư nào đó chạy sau xe của tôi, không thấy tài xế, xe vẫn chạy bon bon. Nhờ đó, ông nảy sáng kiến chế tạo xe không người lái.

 

Ngày con còn nhỏ, tôi ở tỉnh lẻ, lái xe đưa đón con, chạy những đoạn đường đã thuộc nằm lòng. Về Munich, chốn ngựa xe như nước áo quần như nêm, tôi nhát tay lái. Đến ngã năm ngã bảy, nào xe du lịch, xe vận tải, xe buýt, lại thêm lù lù xe điện chạy đường rầy chung vai sát cánh, tôi chỉ có nước tấp đại chỗ nào đậu xe hơi, rồi leo lên xe buýt về nhà. Đi đâu xa, mỗi khi tôi ngỏ ý muốn chạy phụ với chồng, anh ngần ngừ, rồi đề nghị:

 

– Thôi, hôm nào anh khỏe, em hẵng chạy.

 

Hoặc:

 

– Thôi, hôm nào thong thả nhé. Hôm nay mình không nhiều thì giờ.

 

Dần dà, tôi hết thích lái xe. Nhớ thời ở đại học Frankfurt, cô bạn nhận xét về ông giáo sư dạy môn Kinh Tế Quốc Dân:

 

– Ông Professor của tụi mình giỏi ác liệt nhe. Vì giỏi quá, nên ổng có cái dở cũng khủng khiếp. Biết sao không! Ổng không biết lái xe hơi.

 

Cô bạn nói xong cười rinh rích. Ông giáo sư thấy nụ cười đó, chắc quê một cục. Riêng tôi, nghe vậy, thấy man mát trong ruột. Suy bụng người, ra bụng ta. Vậy, chắc mình có cái gì hơi hơi giỏi, nên chi khả năng lái xe của mình lơ tơ mơ như vậy.

 

Ở Đức, xa lộ không thênh thang như ở Mỹ. Đường nhỏ hẹp, nhưng xe chạy khá nhanh. Luật lệ rành rành, ai có ưu tiên, chạy trước. Mấy ai chịu nhường nhịn nhau. Bởi vậy, chạy xe trên xa lộ phải vững tay lái. Những đoạn đường không giới hạn tốc độ, tài xế tha hồ nhấn ga, cảnh sát chẳng phiền hà gì. Nếu đường vắng, xe ngon, chạy trên 200 cây số giờ cũng được. Cho nên, lối chạy xe đủng đà, đủng đỉnh của tôi đôi khi cản trở giao thông.

 

Những tiếng nói có gang, có thép trong kỹ nghệ xe hơi tiên đoán rằng, đến năm 2020, xe không người lái sẽ là sản phẩm hàng loạt cho khách tiêu dùng. Nghe đâu, mới đây hãng Daimler đang thử chiếc xe Mercedes F015, chạy 200 cây số giờ, không cần người lái. Cứ đà này, vài năm nữa, xe không tài xế có thể chạy 500 cây số giờ.

 

Ông Elon Musk, đồng sáng lập viên của hãng xe hơi chạy bằng điện, đã chẳng tuyên bố một câu xanh rờn rồi sao: “20 năm nữa (khoảng năm 2037), sẽ chẳng còn chiếc xe hơi nào có tay lái. Lúc đó mà còn dùng xe tay lái thì giống như có con ngựa vậy”. “There will not be a steering wheel, in 20 years, it [owning a regular car] will be like having a horse” – Elon Musk.

 

Tưởng tượng, lâu lâu cao hứng, tôi đặt mướn chiếc Porsche, Ferrari, hiên ngang, dõng dạc rủ bầy cháu nội ngoại:

 

– Cuối tuần này, bà chở mấy cháu đi chơi nhé. Sáng, bà đưa tụi cháu qua Paris điểm tâm croissant, baguette. Trưa, bà cho tụi bây xuống Playas les Marines, Costa Blanca Tây Ban Nha tắm biển một chút. Tối, bà cháu mình lên Hamburg, bắc Đức, coi tuồng nhạc kịch Vua Sư Tử.

 

Báo chí thời thượng Việt Nam dùng chữ tay lái lụa để diễn tả những tài xế với trình độ lái xe giỏi. Thỉnh thoảng vài ba tờ báo màu sắc lòe loẹt, đăng lên hình bìa cô ca sĩ, tài tử, người mẫu đứng ngả ngớn, kiểu cọ bên chiếc xe hơi bóng lộn, bên dưới có tựa đề Tay Lái Lụa Ca Sĩ XX.

 

Biết đâu, đám cháu nội ngoại của tôi cũng nháy một tấm, tôi lụm khụm bên chiếc Lamborghini vàng choé. Bên dưới tấm hình, đám cháu dễ yêu của tôi ghi hàng chữ: Tay Lái Lụa Bà Nội.

 

 – Hoàng Quân

 

* Ở Đức, ngày 01.01.2002 Euro chính thức là đơn vị tiền tệ. Trước đó, đơn vị tiền tệ là Đức Mã (Deutsche Mark).

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Chị đi bằng xe hàng. Là dân Đà Lạt gốc Huế nên chị gọi xe đò là “xe hàng”. Đi xe hàng, tức là xe đò, là xe chở người và cả hàng chứ không chở riêng hàng. Tiếng Việt hay như vậy đó! Đến Gò Công rồi đi xe lam vào Đồng Nguơn. Ấp Đồng Nguơn. Không phải đây là lần đầu tiên chị được thấy cảnh đồng quê. Đồng quê miền nam hầu như đâu đâu cũng giống nhau. Nhưng có đi nhiều mới thấy mỗi nơi có một chút khác. Phải thế không? Hay chính là cảm giác của chị mỗi lần một khác?
Tôi ước mơ có một ngày nào đó, khi thanh bình thật sự trở về trên nước VN, khi chính thể CS hoàn toàn tan rã, khi con người công chính trở lại làm nền tảng trong xã hội mới, chúng ta sẽ trở về, những ngưới bạn từ thời xa xưa, cùng nhau làm lại một bữa tiệc Tất Niên, mời vong linh các thầy, các bạn, các anh em đồng đội đã chết trong khói lửa chinh chiến, trong các biến cố tang thương của đất nước, trong các trại tù, trên biển…cùng nhập tiệc. Kẻ đang sống cùng người thiên cổ bên cạnh nhau hoài niệm đến một miền thùy dương ngọt ngào nhân tính, một ngôi trường thân yêu giàu truyền thống giáo dục và y đức, một thành phố mến yêu thơ mộng. Để nghe những người quá cố tâm sự về cái chết oan khiên của mình. Được như vậy, hương hồn các vị đó sẽ sớm được siêu thoát và vĩnh viễn an nghỉ chốn nghìn thu. Và chúng ta đây giảm khắc khoải đau thương…
Tôi đã có bốn cái Tết trong trại Panatnikhom và Sikiew, Thailand. Tết đầu tiên thật nhiều kỷ niệm và bất ngờ, vì lúc đó chúng tôi vừa nhập trại trong khi còn hơn một tuần nữa là Tết. Tôi và ba cô bạn đi chung chưa kịp gửi thư cho thân nhân ở nước ngoài để ca bài ca “xin tiền”. Ai lo bận bịu đón Tết thì lo, còn chúng tôi thì lo đi mượn tiền để mua vài vật dụng cần thiết như tấm trải nhựa, tre nứa, dây nilon để làm “nhà” (phải “an cư” mới “lập nghiệp” tỵ nạn được chớ).Khoảng một tuần trước Tết, có một nhóm mấy thanh niên đến thăm vì nghe nói chúng tôi là dân Gò Vấp, nên muốn nhận “đồng hương đồng khói”. Họ là những người trẻ như chúng tôi, nên câu chuyện mau chóng trở nên thân mật và rôm rả
Hỏi thăm ông Hai bán hoa lay-ơn gốc Bình Kiến, nhiều người ngơ ngác hỏi nhau. Tôi lại rảo qua thêm mấy vòng chợ hoa, cũng vừa đi tìm ông Hai, cũng vừa ngắm hoa và ngắm những chậu bonsai bày bán cuối năm, cũng tìm lại mình của gần 20 năm trước, năm nào cũng cứ vào những ngày này, tôi theo ba tôi hóng gió đón sương không hề chợp mắt cùng gian hàng cây kiểng rất bề thế của ba ở đây.
Có lẽ những rộn ràng, hân hoan nhất trong năm không phải là "ba ngày tết", mà là những ngày cận tết. Bắt đầu vào ngày 23 tháng chạp, tối đưa ông Táo về trời. Tất cả mọi sinh hoạt đều hướng về việc chuẩn bị để đón một mùa xuân mới, chào đón nguyên đán và mấy ngày xuân trước mặt. Lúc nhỏ là mùi vải thơm của bộ đồ mới, mùi gạo nếp ngâm cho nồi bánh và hương thơm ngào ngạt cho sàng phơi mứt dừa, mứt bí, mứt gừng ngoài sân. Những đêm ngủ gà ngủ gật ngồi canh bên nồi bánh tét cùng với má, với gia đình xúm quanh. Mùi bếp lửa, mùi khói hương, mùi áo mới lan tỏa của tuổi thơ ngan ngát những ngày xa...
Người ta được nuôi lớn không chỉ bằng thức ăn, mà còn ở lời ru, tiếng hát, và những câu chuyện kể. Chú bé cháu của bà thích được bà ôm vác, gối đầu lên vai bà. Có khi bà mở nhạc từ chiếc nôi cho chú nghe thay cho lời hát, chiếc nôi chú bé đã nằm khi mới lọt lòng mẹ. Có khi bà hát. Bà không ru à ơi, nhưng âm điệu dân gian len vào trong từng lời hát. Chú bé mãi rồi ghiền nghe giọng hát của bà.
Lóng rày tôi hay tẩn mẩn viết về những hồi tưởng tuổi thơ, nhất là những côn trùng ngày xa xưa đó như chuồn chuồn, bươm bướm, ve sầu, dế mèn…Nhiều lúc ngồi nghĩ lẩn thẩn: tại sao vậy? Chắc đó là tâm trạng của người tuổi sắp hết đếm số, tiếc nuối những khi còn cắp sách tới trường. Cắp sách tới trường không phải là chuyện vui nhưng tuổi học trò thì vui thật. Lúc nào, khi nào, chỗ nào cũng toàn thấy chuyện vui chơi. Bạn chơi là người nhưng nhiều lúc là những côn trùng quanh quẩn bên người. Một ông bạn mới gặp nhướng mắt hỏi tôi viết về những bạn chơi nhiều hơn hai chân nhưng chưa thấy nhắc tới bạn của ông ấy. Đó là bọ ngựa. Ông này thuộc loại rắn mắt. Tôi không chung tuổi thơ với ông nhưng chắc ông cũng thuộc loại phá làng phá xóm. Ông kể chuyện ăn me chua trước mấy ông lính thổi kèn trong hàng ngũ khiến mấy ông thợ kèn này chảy nước miếng thổi không được. Tôi thuộc loại hiền nên không có bạn không hiền như bọ ngựa. Ông ta thì khoái bọ ngựa.
“Mày có vợ hồi nào vậy?” chưa kịp chào, mẹ đã ném ra câu hỏi bất ngờ. Tôi lặng thinh. Cục nghẹn trong cổ họng. Tiếng mẹ đã khàn nhưng nghe vẫn quen, vẫn gần gũi, nhưng đặm chút ngạc nhiên và thấp thoáng chút phiền muộn. Hệt như lần hỏi tôi mười mấy năm trước rằng Sao con trốn học. Đường dây điện thoại chợt kêu ù ù, như thể có máy bay hay xe vận tải cơ giới hạng nặng chạy qua chỗ mẹ đứng. Cũng có thể tại tai tôi ù. Tôi cũng không chắc lắm. Giọng nói mẹ chìm vào khối tạp âm hỗn độn. Mẹ lặp lại câu hỏi trong tiếng động cơ rì rầm. Rồi tất cả im vắng bất ngờ. “Hở con?” Mẹ nói.
Bê, con trai của Mẹ, đã theo Mẹ đến giảng đường từ thuở còn trong bụng Mẹ. Suốt thời gian đại học của Mẹ, Bê có nhiều đóng góp khác nhau theo từng thời kỳ. Khi Mẹ làm bài kiểm tra môn Đầu Tư và Tài Chính trong lục cá nguyệt đầu tiên, Bê mới ba tháng tuổi. Mẹ nhẩm tính, bài thi một tiếng rưỡi, đi về từ nhà đến trường thêm một tiếng rưỡi. Như vậy, Bê phải xa Mẹ ít nhất ba tiếng đồng hồ. Mẹ biết tính Bê, mỗi hai tiếng đồng hồ Bê oe oe đòi bú sữa Mẹ. Bê xấu đói lắm, đòi mà không được, Bê nhăn nhó um sùm. Ngày hôm đó, dì Thành đến giữ Bê. Dì Thành rất hồi hộp. Dì chưa có em bé, chẳng biết phải làm sao cho đúng ý Bê. Mẹ thi xong, phóng ra xe về nhà. Mẹ bắt đầu sốt ruột. Mẹ xa Bê đã hơn ba tiếng đồng hồ. Giờ này Bê chắc Bê đã thức giấc. Hy vọng Bê chịu khó nhâm nhi món trà thảo dược cho trẻ sơ sinh trong khi chờ Mẹ về. Thời đó chưa có điện thoại di động. Bởi vậy, có lo cũng để bụng, chứ Mẹ chẳng biết làm sao. Mẹ ba chân bốn cẳng chạy ba tầng lầu. Vừa đến cửa đã nghe tiếng Bê khóc ngằn ngặt.
Khi chơi những bản nhạc hay, Khang khóc theo giai điệu. Mước mắt chảy, tay kéo tình xuống lên, thân hình diệu dẻo theo cảm hứng. gần như mê cuồng, không biết mình là ai. Tôi cảm nhận được cái hay xuất thần nhưng không hiểu. Khang nói: -- “Cậu Út biết không, cái hay của âm nhạc làm cho lòng sung sướng nhưng cái đẹp của âm nhạc làm cho hồn cảm động. Khi món quà quá lớn, quá sức yêu, không thể cười, chỉ có thể khóc.” Tôi nghĩ, những lúc như vậy, Khang không chơi đàn, mà múa với hồn oan.
Tôi làm việc giữ xe cho một casino ở ngoại ô Toronto, gọi là parking attendant. Đó là nghề mà thanh niên ít chịu làm, phần vì lương thấp, mức tối thiểu, hồi đó 5 đồng một giờ, nhưng lý do chính là vì nó buồn. Bãi đậu xe nằm dưới hầm tối, không nhìn thấy người qua lại, nếu ở ngoài trời cũng sau lưng nhà cao tầng. Không ai làm chỗ đậu xe ở khung cảnh xinh đẹp, nơi ấy dành cho hàng quán. Đi học ban ngày, tôi làm thêm ban đêm là việc thích hợp, có thể thỉnh thoảng ngồi học bài. Nhân viên trong phiên gác trước tôi là cô gái bằng tuổi hoặc cùng lắm lớn hơn một hai tuổi, nhưng không hiểu sao cô vẫn có thói quen gọi tôi là em và xưng chị.
Anh cho xe dừng lại nơi góc đường rồi đi bộ về phía căn nhà. Tuyết đang rơi dầy đặc trắng xóa cả bầu trời, đúng là một White Christmas như nhiều người mong muốn. Những ánh đèn màu trang hoàng trước sân các nhà nhấp nháy vui tươi như đang mừng đón Chúa Hài Đồng giáng trần. Anh bước lên bậc thềm gỗ, bước rón rén đến cửa sổ nhìn qua tấm rèm mỏng, hơi giật mình sựng lại khi thấy ba mẹ con cô ấy đang dọn bữa ăn đêm Noel. Hẳn là họ vừa đi lễ về, anh thầm nghĩ. Nhìn đứa con trai mười ba tuổi và đứa con gái mười một tuổi giúp mẹ sắp xếp bày biện thức ăn trên bàn, anh thoáng chút xúc động và an tâm vì các con đã lớn, có thể đỡ đần mẹ trong nhiều việc nhà, anh cũng thấy bớt đi mặc cảm tội lỗi của mình.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.