Hôm nay,  

Tuổi Ngọc Cho Nàng Nơi Xứ Người

10/01/202213:19:00(Xem: 2987)

Truyện ngắn

 

DTChinh_1
Tranh Đinh Trường Chinh.

 

Tháng Giêng, nàng rời Việt Nam, khi đang năm cuối Đại Học Sư Phạm, Sài Gòn. Từ đó, mỗi tháng đầu năm nơi xứ người, nàng bồi hồi đếm. Lại thêm một mùa xuân tha hương. Năm nọ, khi hai mẹ con ngồi nói chuyện như hai người bạn, nàng bồi hồi tâm sự:

 

– Năm nay, thời gian mẹ ở Đức cũng bằng thời gian mẹ ở Việt Nam đó.

 

Thằng nhóc, vờ nhẩm tính. Dù rất rành rẽ ngày tháng năm sinh của Mẹ, năm nào cũng quà cáp, chúc tụng chu đáo, thằng nhóc cười hóm hỉnh:

 

– À, vậy là Mẹ ở Đức 30 năm rồi phải không? Mẹ phải uống Doppelherz Gingseng đó nghe.

 

Ghẹo mẹ cho vui, chứ cu cậu cũng “tâm lý” lắm. Cu cậu mở album cũ, xem hình nàng chụp trong sân trường vài ngày trước khi rời Việt Nam, rồi khen:

 

– Trong hình này Mẹ 22 tuổi. Mà thấy trẻ như mấy đứa con gái nhỏ trong trường của con.

 

Ngày ấy, nàng hầu như không còn hy vọng được xuất ngoại, mặc dầu người anh ở Đức xin được giấy phép nhập cảnh cho gia đình đã vài năm. Thật bất ngờ, thật tình cờ, gia đình nàng biết tin được phép rời Việt Nam. Từ lúc biết tin cho đến khi lên máy bay chỉ vài tuần lễ. Giữa những bận rộn hoàn tất thủ tục xuất ngoại, lòng nàng ngổn ngang buồn. Bạn bè trong lớp của nàng chuyền tay nhau cuốn tập vở. Ngày cuối nàng đến trường, chào thầy cô, bạn bè, cuốn tập vở đã đầy kín những tâm tình. Dẫu thì giờ ngắn ngủi nơi sân trường, nàng vẫn dành cho mình đôi phút với cuốn lưu bút viết vội của bạn bè. Mắt nàng đã dừng lâu hơn khi đọc những dòng chữ, bài thơ, đoạn văn ngắn, anh bạn cùng lớp viết cho nàng. Anh bảo, để nàng đọc cho đỡ buồn. Bởi vì, sẽ không có báo Tuổi Ngọc trên đất nước của Goethe. Nàng bỗng thấy mình lệ sầu tràn mi*. Nàng bỗng nghe mình bước đi nhưng chưa nỡ rời*. Vậy mà, cho đến ngày lên đường, nàng chẳng có dịp nào nói với anh đôi câu từ giã. Bao năm sau đó, xa khỏi Việt Nam, nàng cũng chẳng có cớ, tỏ đôi lời hứa hẹn bâng quơ. Nhưng hầu như năm nào, nàng cũng ít nhất một lần đem cuốn lưu bút ra ngắm, đọc. Mỗi khi mở cuốn tập, đã vàng ố màu giấy cũ, nàng như thấy lại cô sinh viên đang những bước tập tành làm cô giáo nhỏ.                        

Năm nay nàng thật sự sống ba thập niên nơi xứ người. Chứ không phải lời nói đùa của con trai cách đây mấy năm. Nàng đã bước hẳn vào ngưỡng cửa tuổi tác của tri thiên mệnh. Bạn bè nàng đã nhiều người lên chức nội ngoại. Những tiếng “chào cô” đang dần được thay thế bằng “chào bác”, “chào bà”. Khách quan mà xét, nàng sắp sửa hội đủ điều kiện để trở thành hội viên của các hội cao niên đó đây. Vậy mà, rất nhiều khi, nàng tưởng mình vẫn là cô bé ở tuổi đôi mươi. Ngước lên thấy trời xanh, mây hồng. Cúi xuống thấy cỏ biếc, hoa tươi. Mặc cho yếu tố thời gian, không gian chẳng thuận lợi, nàng vẫn dùng dằng, nấn ná ở tuổi mộng mơ, tuổi hoa, tuổi hồng.                             

Tháng Giêng lại về, nàng đang nghiêng đầu lật vài trang lưu bút cũ. Mời bạn cùng nàng đọc bài báo ngày xưa.

 

Nàng                                

 

Nàng có cái trán gồ. Người có trán gồ thường là người bướng bỉnh. Tôi cũng có trán gồ, nên tôi cũng bướng bỉnh quá trời. Lũ con gái trong lớp lại bảo nàng có đôi mắt đẹp như hai vì sao. Có những vì sao đã tắt ánh sáng từ lâu rồi, nhưng vẫn nhìn thấy được trên bầu trời. Lạy trời cho lũ con gái trong lớp không so sánh đôi mắt nàng với những vì sao ấy. Nàng không có hộ khẩu ở thành phố. Nghĩa là nàng không có 250 gờ – ram đường mỗi tháng như tôi. Không trách được nàng thiếu sự ngọt ngào. Nàng có cái kiểu nói chua như chanh và cay như ớt. Tôi nhủ thầm: “Cũng chẳng sao. Chanh có nhiều sinh tố C, rất cần cho một đứa con trung thành của nhà ăn tập thể như tôi.” Sinh tố A thường có trong những trái cây chín đỏ. Thật lạ lùng, trong mấy năm học đầu, tôi không chú ý gì đến nàng. (Quý vị cũng có thể không chú ý gì đến một cô gái đẹp ở gần nhà, khi cô ta còn là một đứa trẻ nít). Tôi không hiểu nàng đã xuất hiện ở lớp tôi như thế nào. Một hôm, cô bạn cùng lớp, hỏi: “Sao bác lại chú ý đến bạn cháu?” Tôi lúng túng trả lời: “Bởi vì bác có cảm giác là bác đang muốn cầm dao tự đâm vào trái tim mình.” Tôi chưa hề làm nghề mổ heo. Tôi cũng đi hỏi vợ mấy lần ở nhà quê, nhưng thất bại vì không biết làm gà, làm vịt. Nhưng tôi tin chắc sẽ đâm trúng trái tim mình, vì tôi biết nó nằm chỗ nào.

 

Hôm đi thực tập ở Hóc Môn, nàng đã kê bàn ghế, giường tủ đầy ắp mồm tôi, làm tôi không còn hơi sức đâu thưởng thức bữa cơm thịnh soạn mà quý vị phụ nữ lớp bạn chiêu đãi. Trở về trường học, nàng rụt rè đưa cho tôi một cuốn tiểu thuyết để đọc. Lúc đó nàng lại dễ thương hết sức. Chiều hôm đó, tôi đã lập tức đến nhà thờ xưng tội, vì đã nghĩ xấu về nàng. Sau đó, tôi gởi biếu nàng một con dế gáy. Sáng hôm sau, nàng tươi cười bảo tôi rằng, nàng đã cho nó lên thiên đàng. Tôi nhìn đôi bàn tay xinh đẹp của nàng, mà lo sợ cho lũ gà, vịt, ngỗng... ở nhà nàng. Chắc là nàng bẻ cổ chúng nó tơi bời hoa lá.

 

Một hôm, một tên bạn của nàng bảo rằng, nàng giống như một con mèo. Tôi dại dột cãi lại, bảo, nàng là một con cọp. Lập tức, nàng trợn mắt nhìn tôi. Ôi, đôi mắt kinh khủng quá trời! Nàng thật nóng nảy như một cái bếp lò. (Thưa quý vị, điều này cũng không có gì khó hiểu. Nếu quý vị bay vào vũ trụ bao la, đến gần hai vì sao, quý vị cho là đẹp nhất, quý vị sẽ thấy chúng như hai quả cầu rực lửa, vậy thôi!). Nhưng nói cho cùng, nàng thật dễ thương. Ở dưới nước, nàng giống như một con cá vàng. Ở trên bờ, nàng giống như một con mèo khoang. (Tên bạn của nàng thật có mắt tinh đời!) Nàng cười khì khì thật giống một đứa trẻ con. Nàng tính toán y hệt một bà già. Nàng là con nít, nhưng cũng là người lớn. Nàng nghịch ngợm như con trai, nhưng dịu dàng thật là con gái. Tóm lại, có cả chim, cả cá, cả mèo, cả cọp, có cả già, cả trẻ, cả trai, cả gái trong con người nàng. Đứng trước mặt nàng, tức là đứng trước một cái ngã bẩy. Nếu quý vị thấy nàng ngồi một mình gặm bánh mì thịt thì thật là tuyệt vời. Tôi cầu trời cho nàng không bao giờ bị sún răng. Tôi lại lẩm cẩm tự hỏi, ở đất nước của Beethoven không biết có bánh mì thịt như ở Việt Nam chăng? Có rau má 50 xu, có chè thập cẩm, có sữa đậu nành, sữa đậu phộng, có cà phê kho, có trà đá, có khoai mì, có trăm nghìn món ăn, mà đồng bào tôi nghĩ ra để đánh lừa bao tử của mình. Nếu được phép khuyên nàng một câu, tôi khuyên nàng không nên ăn nhiều bơ sữa, bởi vì tôi sợ nàng sẽ mập như... cháu gái tôi. Lớp tôi có một băng xì– trum. Nhưng tôi tin rằng, nàng không bao giờ là thành viên của băng này, vì nàng thiếu tiêu chuẩn về kích thước, chiều rộng cũng như chiều dài.                               

 

Hôm thứ Ba đến trường học, người ta báo tin ngày mười bốn nàng rời Việt Nam. Tôi buồn rầu hết sức. Buổi chiều về, tôi vét hết tiền trong túi để mua vé số. Tôi hy vọng sẽ vớ được một món tiền kha khá. Tôi muốn tặng nàng cái đàn tranh, để nàng có dịp thi thố tài nghệ với con cháu của Bach, của Brahms. Nhưng ông trời hình như cay cú với tôi. Tôi đành để nàng đi và nghĩ rằng tôi hà tiện. Dù sao, tôi phải chia vui với con cháu Einstein, sắp được đón tiếp nàng. Tôi chúc nàng khoẻ. (Con gái chỉ cần khoẻ, không cần mạnh.) Tôi chúc nàng vui và yêu đời. (Không yêu ai càng tốt.) Tôi chúc nàng thông minh, để hạ đo ván đám Đức con trong lớp học. Tôi lậy trời cho những ai xúc phạm đến nàng bị điện giật chết tươi! (Tôi vốn sống hiền lành như con chim bồ câu, nhưng khôn ngoan như con rắn.) Bây giờ đã 11 giờ khuya. Tôi buồn ngủ và cũng không dám viết tiếp vì sợ hết giấy, hết mực. Cây bút của tôi đã bơm mực năm, bẩy lần rồi. Tôi ước gì mình có một tô phở. Ở dưới đường, thằng bé bán lạc rang rao hàng như một con dế gáy cô đơn. Tôi lên giường đọc kinh và đi ngủ. Không biết phải cầu nguyện cho ai, tôi bèn cầu nguyện cho tất cả người bán lạc rang trên thế giới. Tôi tự hỏi, không hiểu nàng có thích ăn lạc rang chăng?

 

Con Dế Gáy –  Quên đời

 

Tặng em con dế nhỏ

Bởi vì em tóc dài

Như dòng sông nước chảy

Trên bờ vai sớm mai

 

Không là con sâu đo

Bởi đời cần ngang dọc

Không là con bọ xít

Con dế gáy đơn sơ

Cho quên đời nhọc mệt

 

Hà hơi cho dế thở

Thì xin em thật thà

Tặng em con dế nhỏ

Nhưng lòng anh bao la

Nhìn dòng sông chảy qua

Ngỡ hồn mình ở đó

Không là cánh chim cao

Đành làm thân cỏ bọ

Như ngày xưa nghịch ngợm

Bẻ đầu con dế mái

Nhử mồi con dế trai

Anh xòe tay gầy guộc

Tính sổ đời hôm mai

Đời anh nhiều lận đận

Nên nào anh yêu ai!

 

Vì em là con gái

Vì anh là con trai

Nên em thường mắc cỡ

Anh quá đỗi ngây ngô

 

Tim anh không biết giận

Nên thường yêu vu vơ

Tim anh chưa lận đận

Nên nào tính hơn thua

Nhà anh xa phố chợ

Nên nghèo hơn năm xưa

Lo đời anh vất vả

Anh buồn nên làm thơ

                                        

Anh về nhà làm thơ

Chiều nghe con dế gáy

Anh lại buồn vu vơ

 

Anh hay buồn vu vơ

Chắc yêu em dạo nọ

Nên thường buồn vu vơ

(H. Văn)

 

Bạn mến, dù ở tuổi nào, dù ở nơi nao, chẳng phải Việt Nam, nàng mong rằng, cũng như nàng, bạn sẽ sống lại đôi phút Tuổi Ngọc khi đọc đoạn văn, bài thơ này, bạn nhé.

 

Hoàng Quân

 

* Giấc Mơ Hồi Hương, nhạc sĩ Vũ Thành

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Người ta nói: “Hết quan là hoàn dân” và chỉ mong có vậy, đừng hết quan hoàn…tàn phế” thì buồn quá! Hôm nay lão Dụng đã tự ngồi dậy được. Lão không nhớ là mình đã nằm như khúc gỗ mục, bất động bao lâu rồi! “Mới đó mà đã lại sang một năm mới. Thời gian bây giờ có nghĩa gì đâu chứ!”: Lão lẩm nhẩm một mình!...
Trong một căn phòng motel nhỏ sạch sẽ gọn gàng chăn ga gối trắng, trên giường phủ một tấm trải lớn có thể dùng làm chăn đắp màu lông chuột, một người phụ nữ nằm khóc, và người đàn ông đang ra sức dỗ dành. Cô gái mếu máo “Anh à, anh X đã bỏ đi rồi!”...
Những ngày cuối tháng tư quân trường Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung vẫn đang cắm trại, chồng tôi chưa về, nhưng trước khi đi anh đã bảo tôi ở nhà có gì thì bám theo cha mẹ và các em để đùm bọc lẫn nhau. Gia đình cha mẹ tôi ở gần nên hai nhà như một...
Tôi bồn chồn liếc mắt nhìn đồng hồ, rồi lại nhìn chừng về phía hội trường đầy ấp hơi người và ồn ào tiếng cười nói. Đã hơn tám giờ mà chương trình vẫn chưa bắt đầu. Chưa bao giờ tôi thấy khó chịu về chuyện giờ giấc như lúc nầy. Thấp thoáng trong đám đông, tôi thấy Khánh đang chạy đôn đáo chừng như kiểm điểm sự có mặt của một số khách “nồng cốt”, để bắt đầu chương trình...
Tiếng hát Cẩm Vân trong trẻo, vút cao, nghèn nghẹn đầy xúc cảm. Tôi buông thả Mi7 và chuyển vội La thứ như chưa muốn ngừng những âm vang cuối. Nốt dứt đoạn ngân dài, tất cả lặng yên, bên ngoài có tiếng gió đêm Sài Gòn vội về, bất chợt...
Tố Như tiên sinh đã để lại cho hậu thế câu thơ tháng ba đẹp như tranh trong truyện Kiều, “cỏ non xanh tận chân trời/ cành lê trắng điểm một vài bông hoa…” Đọc xong câu thơ thì nửa số người đọc đã nhắm mắt lại để hình dung ra bức tranh mùa xuân vẽ bằng thơ; với hai màu xanh, trắng vào tay hoạ sĩ, chúng ta có bức tranh chiêm ngưỡng bằng mắt, nhưng với nhà thơ chúng ta có bức tranh trong trí tưởng tuyệt vời… Tôi nói với ông bạn mê thơ đang ngồi chung bàn cà phê mà mọi người đang nói chuyện thời sự nên không phù hợp với một sáng tháng ba trời mát lạnh vì mưa đêm qua rả rích tới sáng, anh em rủ nhau ra ngoài trời ngồi uống cà phê cho mấy ông bạn còn hút thuốc được thỏa mãn thú tính. Thế là những ông đã giã từ làn khói mỏng bị những ông còn hút thuốc giận cho, rồi cãi nhau.
Đầu tháng Tư, hoa tulip đã vội gõ cửa mọi nhà sau giấc đông miên ngắn ngủi. Mùa Xuân cũng theo hoa tulip trở về, mở ra khúc giao mùa. Trong gió Xuân đầu mùa còn lạnh, ngoài xa trên cánh đồng rừng quê muôn vạn búp non đang nẩy lộc đâm chồi. Cỏ non, cây rừng già vẫn mạnh mẽ vươn lên tràn đầy sức sống. Đàn cá hồi thức giấc bắt đầu vượt thác trở lại quê hương nguồn cội...
Một thời gian ngắn sau Hiệp Định Genève tháng 7, 1954, gia đình chúng tôi rời Phủ Cam dọn vào ở trong khuôn viên trường Đồng Khánh. Măng chúng tôi dạy môn Nữ Công Gia Chánh, và có lẽ vì là một quả phụ với 6 con, nên được Bà Hiệu Trưởng Nguyễn Đình Chi, ưu ái giúp đỡ cho gia đình được sống trong 2 căn phòng trên lầu Ba (bên phải, nếu từ cổng trước nhìn vào). Cùng ở trên lầu Ba sát cạnh gia đình chúng tôi là gia đình của bà quả phụ Trần Thi, mà chúng tôi thường kêu là Dì Hoàn vì Dì là bạn của Măng tôi từ khi 2 người học chung với nhau tại trường Đồng Khánh trong thập niên 30. Gia đình Dì cũng đông không kém gia đình tôi – 7 người. Dì ít cười và có vẻ nghiêm khắc. Các nữ sinh nghỉ trưa tại trường rất sợ gặp “Bà Thi”, dễ bị Bà la rầy hay cho “kỷ luật”, nhất khi bị bắt gặp đi lang thang trong hành lang thay vì phải ở trong phòng học.
Hạo chỉ có cậu Tân là người cậu duy nhất. Mẹ Hạo là chị cả trong gia đình có bốn người con. Mẹ, dì Hiên, cậu Tân và dì út Hậu. Cậu Tân vốn là một nông dân chính hiệu. Hình như cậu học mới qua bậc tiểu học là cậu bỏ cây bút để cầm cái cày, cái cuốc. Đến năm cậu trên bốn mươi, cậu đã có bảy người con, bốn trai, ba gái. Có lẽ cậu thấy cuộc sống làm một người nông dân quá cực hay sao mà cậu nhảy ra tham gia chánh quyền. Cậu được bầu làm xã trưởng...
Những chuyến xe ngập ngừng, chậm chạp lăn trên con đường gập ghềnh để chuyên chở đoàn người đi thăm cha, anh, em, con, chồng ở khắp nơi trong những trại tù, nơi mà lớp người mới gọi là "Trại Học Tập Cải Tạo" nghe ngược ngạo, chua chát nhiều đắng cay. Từ Quốc Lộ 1, phải đi khoảng chừng 2 cây số, trên một con đường mòn, xuyên qua rừng cây gỗ quý cẩm lai là đến trại tù cải tạo Hàm Tân...
Cuộc hôn nhân ngắn ngủi vài năm của Bình với người vợ cũ tan vỡ. Mộng Điệp là người phụ nữ vật chất, đứng núi này trông núi nọ, tính nết đanh đá chua ngoa luôn có những lời nặng nhẹ chê bai chồng không biết kiếm tiền giỏi như người ta...
Chuỗi dài thời gian của quá khứ ta còn giữ được. Giữ được mãi mãi cho đến khi trí đã mòn sức đã kiệt. Giây phút hiện tại coi như chẳng có gì. Nó vuột khỏi tay ta từng sát na rồi cũng tan biến vào quá khứ đề xếp hàng cùng với chuỗi thời gian đã qua. Tương lai là điều chưa có, chưa đến nên ta cũng chẳng làm chủ được gì của những điều ở cõi xa thẳm diệu vợi...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.