Hôm nay,  

Tuổi Ngọc Cho Nàng Nơi Xứ Người

10/01/202213:19:00(Xem: 2929)

Truyện ngắn

 

DTChinh_1
Tranh Đinh Trường Chinh.

 

Tháng Giêng, nàng rời Việt Nam, khi đang năm cuối Đại Học Sư Phạm, Sài Gòn. Từ đó, mỗi tháng đầu năm nơi xứ người, nàng bồi hồi đếm. Lại thêm một mùa xuân tha hương. Năm nọ, khi hai mẹ con ngồi nói chuyện như hai người bạn, nàng bồi hồi tâm sự:

 

– Năm nay, thời gian mẹ ở Đức cũng bằng thời gian mẹ ở Việt Nam đó.

 

Thằng nhóc, vờ nhẩm tính. Dù rất rành rẽ ngày tháng năm sinh của Mẹ, năm nào cũng quà cáp, chúc tụng chu đáo, thằng nhóc cười hóm hỉnh:

 

– À, vậy là Mẹ ở Đức 30 năm rồi phải không? Mẹ phải uống Doppelherz Gingseng đó nghe.

 

Ghẹo mẹ cho vui, chứ cu cậu cũng “tâm lý” lắm. Cu cậu mở album cũ, xem hình nàng chụp trong sân trường vài ngày trước khi rời Việt Nam, rồi khen:

 

– Trong hình này Mẹ 22 tuổi. Mà thấy trẻ như mấy đứa con gái nhỏ trong trường của con.

 

Ngày ấy, nàng hầu như không còn hy vọng được xuất ngoại, mặc dầu người anh ở Đức xin được giấy phép nhập cảnh cho gia đình đã vài năm. Thật bất ngờ, thật tình cờ, gia đình nàng biết tin được phép rời Việt Nam. Từ lúc biết tin cho đến khi lên máy bay chỉ vài tuần lễ. Giữa những bận rộn hoàn tất thủ tục xuất ngoại, lòng nàng ngổn ngang buồn. Bạn bè trong lớp của nàng chuyền tay nhau cuốn tập vở. Ngày cuối nàng đến trường, chào thầy cô, bạn bè, cuốn tập vở đã đầy kín những tâm tình. Dẫu thì giờ ngắn ngủi nơi sân trường, nàng vẫn dành cho mình đôi phút với cuốn lưu bút viết vội của bạn bè. Mắt nàng đã dừng lâu hơn khi đọc những dòng chữ, bài thơ, đoạn văn ngắn, anh bạn cùng lớp viết cho nàng. Anh bảo, để nàng đọc cho đỡ buồn. Bởi vì, sẽ không có báo Tuổi Ngọc trên đất nước của Goethe. Nàng bỗng thấy mình lệ sầu tràn mi*. Nàng bỗng nghe mình bước đi nhưng chưa nỡ rời*. Vậy mà, cho đến ngày lên đường, nàng chẳng có dịp nào nói với anh đôi câu từ giã. Bao năm sau đó, xa khỏi Việt Nam, nàng cũng chẳng có cớ, tỏ đôi lời hứa hẹn bâng quơ. Nhưng hầu như năm nào, nàng cũng ít nhất một lần đem cuốn lưu bút ra ngắm, đọc. Mỗi khi mở cuốn tập, đã vàng ố màu giấy cũ, nàng như thấy lại cô sinh viên đang những bước tập tành làm cô giáo nhỏ.                        

Năm nay nàng thật sự sống ba thập niên nơi xứ người. Chứ không phải lời nói đùa của con trai cách đây mấy năm. Nàng đã bước hẳn vào ngưỡng cửa tuổi tác của tri thiên mệnh. Bạn bè nàng đã nhiều người lên chức nội ngoại. Những tiếng “chào cô” đang dần được thay thế bằng “chào bác”, “chào bà”. Khách quan mà xét, nàng sắp sửa hội đủ điều kiện để trở thành hội viên của các hội cao niên đó đây. Vậy mà, rất nhiều khi, nàng tưởng mình vẫn là cô bé ở tuổi đôi mươi. Ngước lên thấy trời xanh, mây hồng. Cúi xuống thấy cỏ biếc, hoa tươi. Mặc cho yếu tố thời gian, không gian chẳng thuận lợi, nàng vẫn dùng dằng, nấn ná ở tuổi mộng mơ, tuổi hoa, tuổi hồng.                             

Tháng Giêng lại về, nàng đang nghiêng đầu lật vài trang lưu bút cũ. Mời bạn cùng nàng đọc bài báo ngày xưa.

 

Nàng                                

 

Nàng có cái trán gồ. Người có trán gồ thường là người bướng bỉnh. Tôi cũng có trán gồ, nên tôi cũng bướng bỉnh quá trời. Lũ con gái trong lớp lại bảo nàng có đôi mắt đẹp như hai vì sao. Có những vì sao đã tắt ánh sáng từ lâu rồi, nhưng vẫn nhìn thấy được trên bầu trời. Lạy trời cho lũ con gái trong lớp không so sánh đôi mắt nàng với những vì sao ấy. Nàng không có hộ khẩu ở thành phố. Nghĩa là nàng không có 250 gờ – ram đường mỗi tháng như tôi. Không trách được nàng thiếu sự ngọt ngào. Nàng có cái kiểu nói chua như chanh và cay như ớt. Tôi nhủ thầm: “Cũng chẳng sao. Chanh có nhiều sinh tố C, rất cần cho một đứa con trung thành của nhà ăn tập thể như tôi.” Sinh tố A thường có trong những trái cây chín đỏ. Thật lạ lùng, trong mấy năm học đầu, tôi không chú ý gì đến nàng. (Quý vị cũng có thể không chú ý gì đến một cô gái đẹp ở gần nhà, khi cô ta còn là một đứa trẻ nít). Tôi không hiểu nàng đã xuất hiện ở lớp tôi như thế nào. Một hôm, cô bạn cùng lớp, hỏi: “Sao bác lại chú ý đến bạn cháu?” Tôi lúng túng trả lời: “Bởi vì bác có cảm giác là bác đang muốn cầm dao tự đâm vào trái tim mình.” Tôi chưa hề làm nghề mổ heo. Tôi cũng đi hỏi vợ mấy lần ở nhà quê, nhưng thất bại vì không biết làm gà, làm vịt. Nhưng tôi tin chắc sẽ đâm trúng trái tim mình, vì tôi biết nó nằm chỗ nào.

 

Hôm đi thực tập ở Hóc Môn, nàng đã kê bàn ghế, giường tủ đầy ắp mồm tôi, làm tôi không còn hơi sức đâu thưởng thức bữa cơm thịnh soạn mà quý vị phụ nữ lớp bạn chiêu đãi. Trở về trường học, nàng rụt rè đưa cho tôi một cuốn tiểu thuyết để đọc. Lúc đó nàng lại dễ thương hết sức. Chiều hôm đó, tôi đã lập tức đến nhà thờ xưng tội, vì đã nghĩ xấu về nàng. Sau đó, tôi gởi biếu nàng một con dế gáy. Sáng hôm sau, nàng tươi cười bảo tôi rằng, nàng đã cho nó lên thiên đàng. Tôi nhìn đôi bàn tay xinh đẹp của nàng, mà lo sợ cho lũ gà, vịt, ngỗng... ở nhà nàng. Chắc là nàng bẻ cổ chúng nó tơi bời hoa lá.

 

Một hôm, một tên bạn của nàng bảo rằng, nàng giống như một con mèo. Tôi dại dột cãi lại, bảo, nàng là một con cọp. Lập tức, nàng trợn mắt nhìn tôi. Ôi, đôi mắt kinh khủng quá trời! Nàng thật nóng nảy như một cái bếp lò. (Thưa quý vị, điều này cũng không có gì khó hiểu. Nếu quý vị bay vào vũ trụ bao la, đến gần hai vì sao, quý vị cho là đẹp nhất, quý vị sẽ thấy chúng như hai quả cầu rực lửa, vậy thôi!). Nhưng nói cho cùng, nàng thật dễ thương. Ở dưới nước, nàng giống như một con cá vàng. Ở trên bờ, nàng giống như một con mèo khoang. (Tên bạn của nàng thật có mắt tinh đời!) Nàng cười khì khì thật giống một đứa trẻ con. Nàng tính toán y hệt một bà già. Nàng là con nít, nhưng cũng là người lớn. Nàng nghịch ngợm như con trai, nhưng dịu dàng thật là con gái. Tóm lại, có cả chim, cả cá, cả mèo, cả cọp, có cả già, cả trẻ, cả trai, cả gái trong con người nàng. Đứng trước mặt nàng, tức là đứng trước một cái ngã bẩy. Nếu quý vị thấy nàng ngồi một mình gặm bánh mì thịt thì thật là tuyệt vời. Tôi cầu trời cho nàng không bao giờ bị sún răng. Tôi lại lẩm cẩm tự hỏi, ở đất nước của Beethoven không biết có bánh mì thịt như ở Việt Nam chăng? Có rau má 50 xu, có chè thập cẩm, có sữa đậu nành, sữa đậu phộng, có cà phê kho, có trà đá, có khoai mì, có trăm nghìn món ăn, mà đồng bào tôi nghĩ ra để đánh lừa bao tử của mình. Nếu được phép khuyên nàng một câu, tôi khuyên nàng không nên ăn nhiều bơ sữa, bởi vì tôi sợ nàng sẽ mập như... cháu gái tôi. Lớp tôi có một băng xì– trum. Nhưng tôi tin rằng, nàng không bao giờ là thành viên của băng này, vì nàng thiếu tiêu chuẩn về kích thước, chiều rộng cũng như chiều dài.                               

 

Hôm thứ Ba đến trường học, người ta báo tin ngày mười bốn nàng rời Việt Nam. Tôi buồn rầu hết sức. Buổi chiều về, tôi vét hết tiền trong túi để mua vé số. Tôi hy vọng sẽ vớ được một món tiền kha khá. Tôi muốn tặng nàng cái đàn tranh, để nàng có dịp thi thố tài nghệ với con cháu của Bach, của Brahms. Nhưng ông trời hình như cay cú với tôi. Tôi đành để nàng đi và nghĩ rằng tôi hà tiện. Dù sao, tôi phải chia vui với con cháu Einstein, sắp được đón tiếp nàng. Tôi chúc nàng khoẻ. (Con gái chỉ cần khoẻ, không cần mạnh.) Tôi chúc nàng vui và yêu đời. (Không yêu ai càng tốt.) Tôi chúc nàng thông minh, để hạ đo ván đám Đức con trong lớp học. Tôi lậy trời cho những ai xúc phạm đến nàng bị điện giật chết tươi! (Tôi vốn sống hiền lành như con chim bồ câu, nhưng khôn ngoan như con rắn.) Bây giờ đã 11 giờ khuya. Tôi buồn ngủ và cũng không dám viết tiếp vì sợ hết giấy, hết mực. Cây bút của tôi đã bơm mực năm, bẩy lần rồi. Tôi ước gì mình có một tô phở. Ở dưới đường, thằng bé bán lạc rang rao hàng như một con dế gáy cô đơn. Tôi lên giường đọc kinh và đi ngủ. Không biết phải cầu nguyện cho ai, tôi bèn cầu nguyện cho tất cả người bán lạc rang trên thế giới. Tôi tự hỏi, không hiểu nàng có thích ăn lạc rang chăng?

 

Con Dế Gáy –  Quên đời

 

Tặng em con dế nhỏ

Bởi vì em tóc dài

Như dòng sông nước chảy

Trên bờ vai sớm mai

 

Không là con sâu đo

Bởi đời cần ngang dọc

Không là con bọ xít

Con dế gáy đơn sơ

Cho quên đời nhọc mệt

 

Hà hơi cho dế thở

Thì xin em thật thà

Tặng em con dế nhỏ

Nhưng lòng anh bao la

Nhìn dòng sông chảy qua

Ngỡ hồn mình ở đó

Không là cánh chim cao

Đành làm thân cỏ bọ

Như ngày xưa nghịch ngợm

Bẻ đầu con dế mái

Nhử mồi con dế trai

Anh xòe tay gầy guộc

Tính sổ đời hôm mai

Đời anh nhiều lận đận

Nên nào anh yêu ai!

 

Vì em là con gái

Vì anh là con trai

Nên em thường mắc cỡ

Anh quá đỗi ngây ngô

 

Tim anh không biết giận

Nên thường yêu vu vơ

Tim anh chưa lận đận

Nên nào tính hơn thua

Nhà anh xa phố chợ

Nên nghèo hơn năm xưa

Lo đời anh vất vả

Anh buồn nên làm thơ

                                        

Anh về nhà làm thơ

Chiều nghe con dế gáy

Anh lại buồn vu vơ

 

Anh hay buồn vu vơ

Chắc yêu em dạo nọ

Nên thường buồn vu vơ

(H. Văn)

 

Bạn mến, dù ở tuổi nào, dù ở nơi nao, chẳng phải Việt Nam, nàng mong rằng, cũng như nàng, bạn sẽ sống lại đôi phút Tuổi Ngọc khi đọc đoạn văn, bài thơ này, bạn nhé.

 

Hoàng Quân

 

* Giấc Mơ Hồi Hương, nhạc sĩ Vũ Thành

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi còn nhớ một cái Tết năm xưa, tôi lái xe đưa gia đình từ Seattle xuống Tacoma một thành phố lân cận để đến lễ đầu năm tại một ngôi chùa và chọn cho đúng hướng xuất hành năm mới. Ngôi chùa này và nhà sư trụ trì còn trẻ, lại là một nhà thơ mà tôi đã nghe một người bạn nhắc đến và đây là lần đầu chúng tôi đến lễ...
Dù có nao nức đợi chờ hay hững hờ thờ ơ, dù có mong mỏi hay chẳng cầu vọng thì mùa xuân vẫn hiển hiện trong đất trời, trong lòng người. Nhớ ngày xưa còn bé, như muôn vạn đứa trẻ khác trên đời này, gã cũng mong chờ, nao nức tết để được lì xì, được mặc áo mới, được đi chơi thoải mái mà không bị la, được nghỉ học và không phải học bài…
Gần nửa thế kỷ rồi, mà giờ đây, nhắc tên Nguyên, trong trí nàng hiện lên hình ảnh nhà Hường, êm đềm, thân thiết. Lệ thường, khi nàng đến, Hường lôi tuồn tuột nàng vào phòng học. Ngang qua phòng khách, “giang sơn” của bạn bè anh Hưng, nàng liến thoắng chào hỏi các anh...
Ông bóc tờ lịch cuối cùng của năm 2023. Giao thừa bước vào 2024 đã qua năm phút, ông hồi hộp chờ chuông điện thoại reo. Từ năm Canh Thìn 2000 đến nay Giáp Thìn 2024, đã hai mươi bốn năm, mỗi năm ông đều nhận được hai cuộc điện đàm từ Paris vào giao thừa tây lịch và giao thừa âm lịch...
Tôi may mắn hơn nhiều người Việt sống bên ngoài Việt nam là được sống trong một thành phố không cần biết tiếng Anh vì mọi dịch vụ đều có người Việt phục vụ đồng hương. Dịch vụ mới nhất tôi nghe được trong chiều ba mươi từ người bạn bị mất việc hôm tháng trước, anh giao hết cho dịch vụ trương bảng nhận khai thuế nhưng có làm thêm dịch vụ xin tiền thất nghiệp, nghĩa là lo khâu xin việc mỗi tuần ở những hãng xưởng khác nhau theo yêu cầu của Sở thất nghiệp TWC để được hưởng tiền thất nghiệp hàng tuần nhưng bảo đảm không ai gọi đi làm đâu mà sợ. Tiền thất nghiệp cứ chuyển vào tài khoản nhà băng người thất nghiệp mỗi tuần, không phải lo gì hết ngoài việc trả cho dịch vụ vài chục bạc. Nghe xong không biết nên vui hay buồn với cộng đồng mình vào một chiều cuối năm ở hải ngoại.
Trong buổi họp chuẩn bị cho ngày liên hoan Tết năm ấy, cô giáo trẻ sung sức là tôi, cao hứng giao cho nhóm lớp trưởng lớp phó lo phần trang trí, mua bánh kẹo, nước uống, còn tôi sẽ nấu một nồi chè bà ba và một hũ đậu phộng rang...
Kể từ năm 1558, con ông Nguyễn Kim là chúa Nguyễn Hoàng vào cai trị Thuận Hóa, gọi là Đàng Trong. Đàng Ngoài là ngoài Bắc vẫn thuộc quyền của chúa Trịnh. Họ chia đôi đất nước, lấy sông Gianh làm giới tuyến. Rồi Trịnh Nguyễn đánh nhau suốt 200 năm vẫn không phân thắng bại, con sông Gianh oan nghiệt là đề tài cho bao nhiêu đau thương, bao nhiêu than vãn...
Bà vợ của Martsa đã ra khỏi phòng với thằng bé, còn lại tôi đối mặt với Martsa, không khí trong phòng như cô đặc lại. Toàn bộ sự chú ý của tôi tập trung vào bàn tay phải, tôi nắm chặt cây dao găm. Tôi xua hết ý nghĩ trong tâm trí, chỉ còn trong đầu một ý kiến: giết Martsa để trả thù cho chàng Khampa và cha anh ta...
Đã gần đến Tết. Trời vẫn rét căm căm nhưng có lẽ mùa đông năm nay Seattle không có tuyết. Nhiều năm giờ này băng giá đã phủ kín các cành cây khẳng khiu trụi lá. Toàn cảnh như một cánh rừng bằng pha lê lóng lánh, trông đẹp như trong cảnh thần tiên, nhưng bước ra ngoài trên mặt đất giá băng lại rất nguy hiểm. Trượt té gẫy xương là chuyện thường...
Mấy ngày nay John cứ như một cái xác vô hồn, vẫn ăn uống, vẫn đi làm như mọi người nhưng John chỉ làm theo quán tính; toàn bộ mọi hoạt động và nói năng cứ như thể lập trình sẵn trong người máy chứ không hề có mộtc cảm xúc gì về việc mình làm. Đâu phải chỉ tuần này, đã lâu rồi, cái tình trạng này trong John tiếp diễn khi thì lên cao lúc xuống thấp. John thấy đời mình vô vị và vô nghĩa quá, chẳng biết sống để làm gì...
Không có đồng hồ đeo tay nên tôi chẳng biết Oanh đã vào chợ được bao lâu rồi. Con nhỏ định để tôi chết đứng ở đây. Trời đã trưa, khu chợ vắng dần. Ôm cặp, áo dài trắng đứng trước chợ giờ nầy, chướng ơi là chướng. Tôi cúi mặt, không dám nhìn ai vừa rủa thầm con nhỏ...
Có lời bái hát xưa nào đó mà tôi còn nhớ loáng thoáng trong đầu, “ngoài kia tuyết rơi đầy, sao em không đến bên tôi chiều nay…” chỉ nhớ mỗi câu ấy thôi nên ngân nga cho đỡ buồn khi mỏi mắt nhìn ra cửa sổ… ngoài kia tuyết rơi đầy. Dù sao cũng đỡ nản hơn nhìn vào chỗ làm là những hàng bàn làm việc dài im lặng, những hàng ghế ngồi có bánh xe xếp ngay ngắn; tiếng nói cười của đồng nghiệp hoà quyện vào âm thanh phát ra từ máy móc đã lui về quá khứ như một triều đại huy hoàng đã lụi tàn. Mọi thứ chưa đóng bụi thời gian đã thành phế tích của nền kinh tế đã chết trước cả chính quyền điều hành nó là thực tế nước Mỹ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.