Hôm nay,  

Khoảng Cách Vô Hình

11/28/202109:39:00(View: 2911)



Hoang Quan
Khung Cửa Hẹp - Tranh Hoàng Thanh Tâm


“Cơ cấu tổ chức” trong bếp gia đình anh chị có vài thay đổi từ khi chính phủ ban hành những biện pháp phòng ngừa bệnh dịch. Trước đây, chị thường đi làm về trễ. Bởi thế, anh đảm trách khâu nấu nướng. Chị lo bày bàn và dọn dẹp. Bây giờ, cả hai vợ chồng cùng đóng đô ở nhà. Cho nên, chị chuyển sang bầu bạn với ông Táo.

Chiều nay, trong khi chị bận rộn bên bếp, anh bày chén đũa ra bàn. Chị đặt dĩa rau xào xuống. Liếc qua hai cái chén anh dọn sẵn, một trắng, một xanh. Chị nghĩ, con cái đã ra riêng, nhà giờ chỉ còn chóc ngóc hai vợ chồng. Làm gì, cũng cố gắng giống nhau, cho ra vẻ... sắt cầm hảo hợp. Chị đổi chén, để cặp chén... đẹp đôi. Anh hỏi trổng:

-Sao vậy?

Chị cười nhẹ:

-À, thì đào nào, kép nấy đó mà anh.

Anh dường như không để ý đến nụ cười cầu hòa của chị, giọng gay gắt:

-Chớ không phải anh làm gì, em cũng muốn sửa lưng.

Chị cố cứu vãn tình thế:

-Đâu có anh. Chén đũa giống nhau cho có partner look.

Anh khô khốc:

-Bày đặt màu mè.

Chị tưởng như mặt mình ỉu xìu như bánh tráng nhúng nước. Sao lạ vậy! Những khi đứa con về thăm, ngắm mâm cơm chung, nó xuýt xoa khen: “Mẹ bày biện khéo léo, trông ngon lành ghê.” Anh vui vẻ tán thưởng: “Chứ sao, mẹ con là nhất, mẹ con chứ đâu phải ai!”

Anh không nói, không rằng, gắp gắp, lùa lùa. Anh buông đũa, trong khi chị chưa hết nửa chén cơm. Anh đứng dậy, mở tủ lạnh lấy chai Cola, đưa lên miệng. Chị lật đật:

-Anh, anh! Nhớ rót vào ly. Uống như vậy...

Anh cắt ngang, cáu kỉnh:

-Biết rồi, theo như internet, uống thẳng từ chai có nhiều vi trùng bla bla bla...

Anh dứt khoát đưa chai Cola lên tu một hơi dài, xong lẩm bẩm:

-Riết rồi chẳng được tự do làm cái gì cả.

Anh đã rời nhà bếp cùng chai Cola to tướng trong tay. Chị no ngang, nhưng không dám bỏ mứa, sợ tội trời, đành nhơi nhơi cho hết miếng cơm lạt nhách.

Chị tuân thủ triệt để lệnh cấm cung. Với chị, trong tình hình hiện tại, ở nhà vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi. Mình ở nhà, để tránh gây những phiền toái đáng tiếc. Hơn nữa, ở nhà, có thêm thì giờ cho bản thân mình, đúng là điều chị luôn mong muốn. Nhà anh chị ở làng, vườn tược rộng rãi, không được cò bay thẳng cánh, nhưng vẫn đủ chim chóc vui vầy, ca hát líu lo. Lăng quăng trong vườn, đầy đủ thiên nhiên cho mắt thấy tai nghe, chân cẳng thoải mái. Vậy mà, anh cứ nhấp nhỏm, đòi đi ra đường. Thấy anh khoác áo, mang giày. Chị vờ vĩnh:

-Chạy bộ hả anh?

Anh thản nhiên:

-Không! Anh ra chợ.

-Ủa, anh mới đi chợ hôm qua mà. Rau trái tươi mình còn đầy đủ.

Chị xuống giọng như năn nỉ:

-Mình nên hạn chế ra ngoài đường anh ơi.

Anh lạnh lùng:

-Đề phòng là tốt. Nhưng đừng übertreiben quá đáng. Ở nhà hoài, tù túng lắm.

Anh bước ra, đóng sập cửa. Chị đứng cạnh cửa thật lâu, buồn buồn, lo lo. Không biết xử sự như thế nào. Nếu anh cứ tiếp tục như vậy, có lẽ chị phải lập chương trình cách ly giữa hai vợ chồng. Hay là, khi anh về đến nhà, chị cầm sẵn bình nước sát trùng xịt từ đầu đến chân anh, rồi nhắc anh đi rửa tay, trong lúc chị hát hai lần bài Happy Birthday. Nghĩ vẩn vơ vậy thôi, chứ chị biết, bất cứ đề nghị, góp ý gì của chị, anh cũng cho rằng chị muốn ra lịnh, herumkommandieren. Chị đành phó mặc mọi sự cho mệnh trời. Bao lần trước bàn thờ cha mẹ của anh chị, chị lâm râm khấn nguyện, xin bốn đấng sinh thành phù hộ cho toàn thể gia đình được vạn sự an lành. Chị cầu nguyện thêm mẹ của anh, xin bà khuyên nhủ anh bớt tật gàn, chướng. Ngày bà còn sống, bà vẫn tự hào, anh luôn luôn nghe lời mẹ.

Chị để lọ muối nhỏ trong phòng tắm. Lâu lâu chị vào phòng tắm, bật nước ào ào rửa tay, rồi pha một ly nước muối mặn chát súc miệng. Mà phải đúng nguyên tắc ngửa cổ súc cho nước muối chạy sâu xuống cổ họng. Nơi cầu thang, cây chanh mơn mởn hoa, tỏa hương thơm ngát. Mỗi lần đi ngang cây chanh, chị dừng lại, cúi xuống thưởng thức hương chanh. Từ lúc đọc thông tin, người nhiễm bệnh dịch có thể mất khứu giác một thời gian, chị lại càng thường xuyên dừng chân bên cây chanh. Có lúc chị ngồi thụp xuống, hít lấy, hít để, tưởng như niềm vui ùa vỡ trong buồng phổi. Ô, mừng quá, mình vẫn ngửi được hương thơm của chanh. Tức là mình vẫn còn khỏe mạnh.

Ca sĩ Thái Thanh là một trong những ca sĩ chị yêu thích nhất. Rất nhiều bài hát chị chỉ nghe bản thu âm trước 1975, cho dù sau này hòa âm, phối khí có thể chuyên nghiệp hơn. Từ khi nghe tin ca sĩ qua đời, chị hầu như chỉ nghe ca sĩ Thái Thanh hát. Qua giọng hát của ca sĩ Thái Thanh, kỷ niệm của những năm tháng êm đềm hoa mộng trước cuộc đổi đời trở nên sống động trong tâm, trong trí chị. Chị đang mơ màng...

Ôi tình ta đẹp như lời thơ, vấn vương đắm mê mơ màng
Ôi tình ta đẹp như Ngọc Lan ngát hương đượm sương trong trắng
...
Anh đi ngang qua, nói với vẻ bực dọc:

-Đổi nhạc khác được không? Nghe bắt mệt.


Chị ngước nhìn anh, ánh mắt giận dữ. Không trả lời, chị ôm máy vào phòng, đóng sầm cửa. Vừa nghe nhạc, nước mắt chị lưng tròng, cổ họng nghèn nghẹn. Khi anh nghe nhạc “của” anh, có những tiếng hát gây cho chị cảm giác nhộn nhạo, khó chịu, chị chỉ lẳng lặng sang phòng khác. Chị chưa hề yêu cầu anh đổi nhạc, chưa hề chê bai, dè bỉu. Anh phải nhận thấy điều này chứ.

Được ngày nắng, anh bận rộn sơn sửa nhà đậu xe, chị chăm bẳm tỉa lá, cắt cành trong vườn. Xế trưa, chị rủ anh nghỉ tay, nhâm nhi cà phê bánh ngọt. Trong lúc chuẩn bị thức uống, chị nghe The Jimmy Show. Chương trình phỏng vấn các ca, nghệ sĩ của cậu thanh niên nhỏ tuổi hơn con của chị, nhưng những kiến thức của cậu ta về nhạc Việt Nam luôn làm chị ngạc nhiên, thích thú. Vừa bước vào bếp, anh đưa tay tắt phụp cái Tablet. Chị giật mình, sững sờ nhìn anh:

-Tại sao?

Anh nhún vai:

-Làm gì mà em nghe nhạc từ sáng tới chiều!

Mấy chục năm ở với nhau, anh đã quá rõ thói quen nghe nhạc tối ngày sáng đêm của chị. Anh đã chấp nhận tật của chị, mở mắt là mở máy hát, radio. Cả hai như có thỏa thuận ngầm, lúc nào cảm thấy quá sức chịu đựng thì tự bấm nút hai không: không nghe, không thấy. Mà sao bây giờ anh lại phá lệ. Cơn bướng trong chị trỗi dậy. Chị vào phòng lấy cái điện thoại, mở vội một chương trình nhạc và gắn headset vào tai. Chị dọn cà phê, bánh ra bàn, nói lạt lẽo:
-Anh uống cà phê ăn bánh.

Chị biết, ngồi hai người bên bàn ăn mà mang headset rất khó coi, rất bất lịch sự. Nhưng chị muốn cho anh biết, chị thực sự cảm thấy bị xúc phạm. Chị cố giữ vẻ bình tĩnh, uống cà phê, ăn bánh ngọt. Cả cà phê lẫn bánh ngọt đắng nghét.

Theo lời kêu gọi của “bà mẹ” Merkel, bà thủ tướng Đức, khoảng cách quy định nơi công cộng là hai mét. Khoảng cách trong nhà chị tuy vô hình, không đo được, nhưng dường như rộng lắm. Trước đây, mỗi khi có nguy cơ “chiến tranh lạnh”, chị thường ướm ý, nhắn con về thăm nhà, làm sứ giả hòa bình, hoặc rủ rê bạn bè nhóm họp để hâm nóng không gian buốt giá quanh anh chị. Nhưng trong tình hình hiện tại, chị không thể tìm ra giải pháp khả thi.

Mấy hôm nay, anh không còn đòi đi chợ hàng ngày để mua bánh mì nóng nữa. Có hôm, anh xách xe chạy một hồi, rồi về nhà tay không. Anh kể: “Anh đến chợ, thấy đông người, mất hứng. Thôi về, không vô chợ nữa.” Buổi sáng, anh lịch kịch soạn khẩu trang, chai nước sát trùng. Chị đoán, anh đi chợ, nhưng không hỏi. Anh lên tiếng:

-Anh chạy ra Baumarkt mua gỗ, sửa lại hàng rào.

Chị ậm ừ, trong lòng băn khoăn. Đôi lần đi Baumarkt với anh, chị thấy anh thường tán chuyện rôm rả với nhân viên bán hàng hoặc với người mua hàng, trao đổi kinh nghiệm khi do-it-yourself. Chị biết, bây giờ nhắc nhở anh thế này, thế nọ, chẳng giúp được gì, mà còn phản ứng ngược. Rồi chị cười tự diễu mình, ôi, sao mình lẩn thẩn quá. Bây giờ, ai cũng phải mang khẩu trang thì hơi sức đâu mà chuyện với trò.

Anh về, ngoài mấy thanh gỗ, anh hì hục khuân mấy bịch đất to tướng. Anh khoát tay:

-Anh mua sẵn, khi nào em cần là có ngay.

Chị tươi giọng:

-Cám ơn anh. Chợ đông không anh?

Anh lắc đầu:

-Chợ vắng như chùa bà Đanh. Mỗi người cách nhau không phải hai thước mà cả hai chục thước. Cần gì lắm mới ra chợ. Anh cũng keine Lust.

Chị yên bụng. Nay anh “tự nguyện” không muốn đi chợ. Như vậy, chị có điều kiện xích lại gần anh tí nữa đi em. Chị vui vui nhớ đến bài hát “mùi rệu” ngày xưa. Anh theo dõi tình hình bệnh dịch trong các tường thuật trực tuyến của nhiều đài truyền hình nhiều lần trong ngày. Chị chỉ xem mỗi chương trình của đài ARD lúc 8 giờ tối. Buổi chiều, chị đang ngồi đọc sách trong vườn. Anh hí hửng báo tin:

-Em ơi, tình hình ngày càng khá. Hôm nay, chỉ số lây lan, Reproduktionszahl đã xuống dưới 1. Hàng quán, Einkaufszentrum sắp sửa cho mở cửa lại rồi.

Chị reo lên:

-Mừng quá ha anh. Vậy ít bữa mình có đi một vòng thử không anh?

Anh lắc đầu:

-Thôi, ở nhà cho khỏe. Lại làm được khối việc.

Chị nhỏ giọng dò hỏi:

-Mình dựng cổng vòm để trồng hoa hồng nhe anh.

Anh hăng hái:

-Ừ, dựng cổng xong, anh chở em ra nhà vườn mua hoa. Mà vẫn phải đeo khẩu trang, phải cách nhau hai mét đó nghen.

Chị vui quá chừng. Chị chẳng nề hà chi khoảng cách bắt buộc trong chợ, trên phố. Chị nhớ câu nói của xướng ngôn viên trên ti-vi khi bàn luận về tình hình bệnh dịch: “Die Hoffnung stirbt zuletzt”. Niềm hy vọng chết cuối cùng. Ai nấy đều hy vọng cuộc sống sẽ trở lại nhịp độ bình thường trong một ngày gần đây. Trong chị, niềm hy vọng cũng đang vươn lên. Biết đâu, khoảng cách vô hình giữa anh chị sẽ được rút ngắn và biến mất trước khi có lệnh chấm dứt giãn cách xã hội.

Hoàng Quân


Lời bài hát trích trong:
Hương Ngọc Lan, Nhạc: Hoàng Trọng; Lời: Lan Đình, Song Hương
Xích lại gần anh tí nữa đi em, Nhạc: Mặc Thế Nhân


Nghĩa tiếng Việt của những chữ tiếng Đức trong bài:
übertreiben: phóng đại
herumkommandieren: ra lệnh, chỉ huy
Baumarkt: cửa hàng/chợ bán vật liệu xây cất
keine Lust: không thích, không hứng thú làm việc gì
Einkaufszentrum: trung tâm thương mại

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Mọi người như muốn cướp thời gian để vui sống. Họ không chịu ngồi yên nhìn thời gian trôi nhanh vuột khỏi tầm tay. Las Vegas là nơi họ thích đến để “hành lạc” mỗi năm một lần, hay vài ba lần (Có thể họ còn đến những nơi khác để chen vào những kẽ hở của một năm cặm cụi làm việc). Thế nhưng đại dịch đã ngang nhiên xía vào cuộc sống của họ. Nay “xả cảng”, thì họ phải vội vàng “đến bù”.
Một con cú to lớn màu trắng, đột nhiên quay đầu nhìn Steven, đôi mắt nó tròn đen như hai hột nhãn, cứ như ai đó gắn vào cái mặt bẹt của nó, cái nhìn lạnh tanh mà xoáy vào lòng người ta. Steven nổi da gà, nỗi sợ bắt đầu len lỏi từng tế bào, luồng sóng lạnh lan tỏa từ thần kinh trung ương đi khắp thân. Steven thoáng nghĩ: ”Con cú nhồi bông không thể cử động được? mình đã nhìn nó bao nhiêu năm nay rồi cơ mà”.
Buổi chiều mưa rây rây. Thành phố lạ. Nhà hàng có cái tên quen. Chúng tôi vào, náo nức gọi món ăn. Sau gần một tuần lễ rong ruổi núi đá chênh vênh, với thác nước tung bọt trắng, với mặt hồ biếc xanh, với vô vàn những con dốc cheo leo, chúng tôi về thành phố. Cả tuần lễ ăn toàn đồ Tây, hôm nay ai cũng thèm món Á châu. Vừa ngồi vào ghế, âm thanh nhốn nháo đã kéo tôi ngước nhìn màn hình ti vi trước mặt. Khung cảnh quen thuộc từ ký ức nào đó bỗng dưng chói lòa. Lũ người chen chúc nhau bu quanh chiếc máy bay khổng lồ đang lăn bánh trên phi đạo. Mắt tôi dán lên màn hình. Ngực tôi thắt lại. Tôi không dám nhìn. Tôi nhắm mắt. Tôi cố không nghe. Nhưng hình ảnh và những âm thanh ấy vẫn còn. Thật rõ nét. Dù tôi chỉ tình cờ bắt gặp.
Bà Tám Niệm chết hai ngày rồi, nhà chưa lo được đủ bộ ván hòm. Thằng con Út ở nông trường về chiều hôm qua đã không biết làm gì để tiếp giúp mọi người, chỉ ngồi đầu giường mà khóc. Đầu hôm, có người này người nọ, đi ra đi vô cũng đỡ trống lạnh. Khuya lại, âm u thấy mà ghê. Nhà ngoài còn hai người, ông Xã Miễng và thằng Cu Ngọng ngồi đánh cờ tướng. Cái chái lợp bằng tàu dừa, không có vách vừng, gió thổi u u mà bốn năm đứa nhỏ nằm trên bàn ngủ ngon lành.
Ánh trăng bàng bạc phủ khắp sơn hà, gió thổi qua tàng lá cây quanh vùng làm cho ánh sáng loang loáng rơi trên mặt đất, tạo ra những mảng sáng tối xen kẽ nhau. Dòng ánh sáng chảy từ đỉnh Stone Mountain xuống trông cứ như những dòng sữa từ biển Hương Thủy. Stone Mountain không phải là núi lớn, nó chỉ là một hòn đá liền khối khổng lồ. Người ta ước tính nó đã hai trăm năm mươi triệu tuổi rồi. Nó đã chứng kiến biết bao dâu bể của xứ sở này. Đêm nay cũng như hàng vạn đêm trăng khác, lặng lẽ, tịch mịch đến vô cùng. Chợt có tiếng chuông từ đâu đó ngân lên, làn sóng âm thanh lan tỏa khắp đất trời. Dòng ánh sáng của trăng chảy từ trên xuống hòa vào dòng âm thanh bay lên lay động cả ngân hà. Tiếng chuông loang như những vòng sóng âm tan vào không gian cả một vùng ngoại thành đang yên ả ngủ. Thằng Jeffrey lẩm bẩm: - Quái lạ nhỉ? Giờ này sao lại có tiếng chuông? Mà tiếng chuông cũng không ngân nga thánh thót như chuông nhà thờ của cha xứ Jame Winston. Tiếng chuông này thỉnh thoảng
Hạnh phúc không phải chỉ được nhìn thấy ở những gì tốt đẹp sẵn có, hanh phúc còn được tìm thấy khi ta chuyển hóa những điều tệ hại đến với ta, thành những điều tốt đẹp. Tư duy về cuộc sống không phải là làm sao sống qua cơn bão tố, mà làm sao ta vẫn thấy được hanh phúc ngay cả khi ta đi dưới cơn mưa rào...
Chợ hoa Bà Kiều im ắng lặng ngắt không một bóng người, những sạp hàng trơ trọi sầu, không một cánh hoa rơi, đến cả một tiếng vo ve của ruồi nhặng cũng không. Ngày thường chợ rất sầm uất, nhộn nhịp, mọi người nhóm chợ từ hai giờ sáng, kẻ bán người mua tấp nập. Hoa từ Đà Lạt xuống, từ miền tây lên, miền trung vào, hoa ngoại từ phi trường đến để rồi từ đây hoa được các mối sỉ chia lẻ cho các mối nhỏ hơn và tỏa đi khắp các quận nội thành, ngoại thành và cả các tỉnh gần xa. Lệnh phong tỏa đã giết chết chợ hoa, mà nào chỉ chợ hoa, tất cả các chợ lớn nhỏ đều bị đóng cửa cả. Chị Hai Thương thốt lên giọng đầy chán nản: - Đóng cửa kiểu này chắc ăn cám heo mà sống. Anh hai Thành, chồng chị cười méo xẹo: - Có cám ăn đã là phước! Không chừng cạp đất mà ăn. Chị Hai vẫn rền rĩ: - Đã mấy tháng nay cà giựt cà thọt, làm ăn bết bát, ai còn lòng dạ nào mà chưng hoa nhưng dù sao cũng còn sống lất lây, giờ cấm chợ ngăn sông thì chết chắc! Mình chết, nhà vườn cũng chết, họ cò
Sau thời công phu khuya vào sáng ngày 16 tháng 8 năm 2021, Thầy trò, Ông cháu chúng tôi lạy Tổ để chuẩn bị sang thăm Tổ Đình Khánh Anh, nơi Ni Sư Thích Nữ Diệu Trạm đang Trụ Trì, thì được Thượng Tọa Trụ Trì Thích Quảng Đạo và Thầy Thích Chúc Thành mời xuống hồ Sen nơi cổng chùa để xem hai đóa Sen đang nở. Theo lời Thầy Quảng Đạo cho biết thì một hoa Sen đã nở đúng vào ngày 8 tháng 8 vừa qua, nhân lễ húy nhật lần thứ 8 của Sư Ông Minh Tâm
Từ ngày chị dâu tôi qua đời cách đây ba năm, tinh thần anh tôi suy sụp thấy rõ. Các con của anh ở Mỹ muốn đưa anh sang Mỹ anh vẫn từ chối. Anh quyết tâm ở lại với chị đến hơi thở cuối cùng. Giờ này anh tôi đã được an vị bên cạnh mộ phần của chị dâu tôi. Và với anh, Việt Nam lúc nào cũng là quê hương. Dù sao đi nữa, Anh tôi đã toại nguyện với chị dâu tôi và sống chết với Nha Trang, với quê cha đất tổ../.
Mùa hè năm 2020 là thời điểm nghiêm trọng nhất trong đại dịch Covid toàn cầu. Cũng như hầu hết các sinh hoạt cộng đồng khác, Khoá Huấn Luyện & Tu Nghiệp Sư Phạm (TNSP) hằng năm của Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California (BĐDCTTVN) không thể thực hiện được như ba mươi mốt lần trước. Phải đợi đến mùa hè năm nay, vào hai ngày cuối tuần thứ Bảy và Chủ nhật, 7-8 tháng Tám, 2021, khi tình hình dịch bệnh đã có phần thuyên giảm nhờ đa số mọi người đã được chích ngừa
Dần dà, cũng từ chiếc xe lăn, cô suy nghĩ lại tất cả những gì đã xẩy ra trong cuộc đời ngắn ngủi của mình. Cô học được điều đầu tiên: sự kiên nhẫn. Với sự kiên nhẫn, cô tin rằng mình có thể học làm được nhiều thứ, dù phải ngồi xe lăn. Kế tiếp, cô học được sự cảm thông với nỗi bất hạnh của người khác. Như cha mẹ cô, gia đình cô đã cảm thông với cô và hết lòng thương yêu cô, trước cũng như sau tai nạn. Nếu cô cứ mãi mãi ngồi xe lăn, không thể làm việc để tự nuôi sống mình, hẳn cha mẹ và gia đình cô cũng sẽ rất vui vẻ lo lắng cho cô suốt đời.
Đang sắp hàng trong tiệm Hamburgers Fuddruckers, bà Dung nghe giọng nữ từ phía sau, hỏi bằng tiếng Anh: -Bà ơi! Tí nữa bà ngồi bàn nào bà làm ơn cho tôi ngồi cùng bàn với. Quay lui, thấy một phụ nữ Á Đông mang “mask”, bà Dung – cũng mang “mask” – có vẻ lưỡng lự, phân vân. Phụ nữ nhìn vào mắt bà Dung với ánh nhìn thiết tha, tiếp: -Bà đừng ngại, tôi chích ngừa Covid-19 rồi.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.