Hôm nay,  

Con Mắt Xanh Của Bầu Trời Mùa Hạ

26/11/202100:00:00(Xem: 1975)
 
Người đàn ông ngồi trên ghế đá, đầu cúi gập ra trước, bẻ thân hình thành một góc vuông ở cổ. Ông ta nhìn chăm chú nền xi măng xám xịt. Ông ta đang cố gắng giải mã điều gì đó trên mặt đất.

Mớ tóc muối tiêu bồng lên dù trời không có gió. Tôi rảo bước trên lề đường về phía ông ta. Bất chợt ông ta ngước lên, nhìn thẳng vào tôi. “Tôi cần nói chuyện với cô.”
 
Tôi giật mình, luống cuống nhìn ông ta. Hai vũng quầng thâm dưới mắt khiến ông ta giống con chồn Bắc Mỹ. Trong chớp mắt, tôi lục lọi trí nhớ. Người đàn ông này tôi có quen không?
 
Tôi ngập ngừng, “Xin lỗi, tôi... bận.”
 
“Khi nào cô hết bận, làm ơn cho tôi nói chuyện với cô.”
 
Tôi không thể bước xuống đường nhập vào dòng xe cộ để tránh ông ta. Tôi thoáng nghĩ tôi sẽ không gặp lại ông ta. Tôi là người qua đường. Ông ta là người xa lạ. Dễ gì gặp lại, thành ra tôi vững bụng gật đầu, quả quyết, “Vâng.”
 
Và tôi rảo bước.
 
“Đừng để tôi chờ lâu. Lỡ tôi chết mất!” Người đàn ông nói với theo, và lại cúi gập đầu, nhìn chăm chăm xuống nền xi măng xám xịt.
 
Tôi vội vã đếm bước. Dự báo thời tiết bảo hôm nay trời sẽ lạnh. Và trời lạnh thật. Cứng cả người. Hôm nay tôi phải ra tòa. Chuyện vụn vặt. Hôm trước đi chơi với con bạn, tôi lái xe của nó. Chưa quen tay lái, tôi không để ý vận tốc, thế là bị phạt.
 
Cái lạnh hỗn xược xoáy vào da thịt. Tôi nhìn quanh, trong đám người lũ lượt chung quanh. Ai cũng bó chặt thân hình bằng những chiếc áo mùa đông dầy cộm. Ai cũng xù xì như những con gấu Bắc Cực. Bầu trời xám trên cao hạ thấp xuống gần như chạm vào những mái nhà của thành phố. Dường như chỉ mình tôi là mặc không đủ ấm. Ban nãy, lúc tôi bước ra khỏi cửa chung cư cái lạnh quấn lấy tôi. Cái lạnh vạch mép áo mùa thu và luồn vào dưới lớp áo sơ mi và áo lót tôi mặc. Cái lạnh vuốt ve suồng sã lên ngực tôi. Đã lâu không ai cho tôi cảm giác ấy. Tôi vòng hai tay trước ngực che gió và giữ ấm cho chính mình. Tôi ngại những trận cúm mùa đông. Cảm giác ấm áp lan tỏa trên da dù cái lạnh vẫn gai gai trên mặt.

Xe buýt đến trễ. Tôi bước lên. Người tài xế có vẻ hấp tấp. Vội vã chuyện gì vậy, tôi tự hỏi. Ông ta có đi đâu khác để mà sợ đến trễ. Tôi có thể đến trễ, người nào đó có thể đến trễ nhưng ông tài xế thì không. Ông ta chỉ cần lái xe từ trạm này đến trạm kia. Ngừng khi có người giật chuông nhắc ngừng, hoặc khi thấy có khách chờ ở trạm bên đường. Ông ta không bao giờ bị trễ vì bất cứ chuyện gì. Thế thì tại sao ông ta lại cau có và không nói năng gì hết khi tôi trả tiền. Tôi cảm ơn và đón lấy mảnh giấy chuyển xe. Ông tài xế hãm tài! Ông tài xế xấu xí! Tôi rủa thầm.
 
Tôi vịn từng lưng ghế, men về phía sau xe. Tất cả mọi chỗ đều có người ngồi, tôi bám lấy cây cột cho khỏi ngã nhào vào người khác. Một gã đàn ông nhìn tôi và không có vẻ gì chứng tỏ là anh ta sắp sửa đứng lên để nhường chỗ cho tôi. Một ngày xấu xí. Những con người xấu xí. Những cử chỉ xấu xí! Tôi thầm nghĩ.
 
Rồi tôi tự nhủ đừng để những chuyện lặt vặt ảnh hưởng đến một ngày mới của mình. Và để giảm đi cái bực bội, tôi cố không nhìn mặt của bất cứ người nào trên xe buýt. Tuy nhiên sự xấu xí của ngày đầu mùa đông này bám lấy đầu óc tôi. Một người đàn ông có râu mép và đầy nếp nhăn trên mặt bật ho sù sụ. Hai người đàn bà trẻ thay phiên nhau nói chuyện. Một người liên tục quang quác trong khi người kia ngặt nghẽo cười. Một lát, họ đổi vai cho nhau. Một ông già nhắm mắt, làm như đang ngủ say. Tôi nhìn qua khung kính cửa sổ. Xe cộ di chuyển nối đuôi nhau như những con bọ hung khổng lồ. Đèn giao thông xanh đỏ lạnh lùng chớp tắt. Những người đi bộ tất tả chạy đua với đèn giao thông.
 
Tôi cố nghĩ đến điều gì khác phấn khởi hơn. Và tôi nghĩ đến câu nói của người đàn ông trên ghế đá gần trạm ngừng xe buýt ban nãy tôi gặp. Đừng để tôi chờ lâu, lỡ tôi chết mất. Cái cổ dài gẫy gập thành góc vuông. Cái cổ không giữ nổi cái đầu đầy những tóc muối tiêu.
 
Tôi không cần phải kéo sợi dây để yêu cầu xe buýt ngừng. Có người nào đó đã kéo rồi. Tôi bước xuống đường. Gió lạnh lại quấn lấy tôi. Tôi luồn lách trong đám đông. Một tên thanh niên vượt qua trước mặt tôi để chạy đua với cái đèn giao thông đang chớp. Anh ta xô tôi thật mạnh. Suýt nữa thì tôi buột miệng chửi thề. Nhưng tôi ngưng lại kịp lúc bởi có chửi thì anh ta cũng chẳng nghe được trong tiếng ồn ào của xe cộ.

Tòa đã bắt đầu. Tôi bị trễ nhưng vụ của tôi thì chưa được gọi. Tôi liếc nhìn tờ danh sách dán ở cửa phòng xử để biết chắc tên mình có ở đó, và để khơi lại niềm hy vọng là tên tôi không có ở đó để người ta phải hủy bỏ phiên xử. Vô vọng. Tên tôi có trong danh sách. Tôi nhận tội. Cái tội chạy sáu mươi lăm kilômét ở chỗ cho phép năm mươi. Bốn mươi lăm đồng tiền phạt. Cũng không tệ lắm. Để xong cho rồi. Khỏi mất công biện hộ trước tòa. Khi mà cảnh sát thì có ra-đa và quan tòa thì lúc nào cũng xuôi tai khi nghe cảnh sát cung khai trước vành móng ngựa. Tôi trả tiền phạt và rời tòa án. Tôi nên vui mới phải. Bởi vì tôi đã làm giảm tiền phạt xuống được một nửa.
 
Sứ mạng hoàn tất. Ra khỏi tòa, tôi bỗng thấy mình như đi lạc. Không biết đi đâu bây giờ. Tôi lang thang. Sân tòa án rộng thênh thang. Những vòi nước phun từ những lỗ nhỏ trên nền xi măng, tung những hạt bụi nước đóng băng trong không khí. Giờ này người ta vẫn chưa tắt vòi nước phun. Trời đã lạnh băng. Sân tòa vắng vẻ. Có lẽ vì còn sớm quá và cũng vì trời lạnh. Tôi đi bộ dọc theo bức tường của tòa án. Một bầy bồ câu đen đứng ủ rũ bên nhau. Cổ rụt lại, mắt nhắm, lông xù trông như khoác trên mình lớp áo dầy.

Tôi đứng lại nhìn. Bảy tám con bồ câu. Tất cả đều màu đen. Tất cả đều co ro như đang ngủ. Không để ý gì tới chung quanh. Những con chim làm lòng tôi lao xao cảm giác kỳ lạ. Chúng đã kịp chuẩn bị cho mùa đông chưa? Chúng có thể sống sót được qua mùa đông này không? Rồi chúng tìm đâu ra thức ăn? Tôi muốn ôm chầm lấy tất cả những con chim ấy. Những con bồ câu tội nghiệp. Tôi chậm rãi bước về phía chúng. Tôi rón rén bởi không muốn làm cho chúng giật mình. Tôi không muốn làm cho chúng hoảng sợ. Tôi đến thật gần chúng nó. Nếu tôi đưa tay ra, tôi có thể chạm vào người chúng nó.

Nhưng tôi không chạm vào người lũ bồ câu. Tôi chỉ đứng nhìn. Một chú bồ câu giật mình mở mắt, lơ đãng nhìn, rồi lại nhắm mắt. Một vài khách bộ hành đi qua liếc nhìn tôi, rồi tiếp tục rảo bước. Buổi sáng sớm trong một ngày mà thời tiết bắt đầu thay đổi, dưới bầu trời xám và nặng nề, chắc hẳn hình ảnh một đứa con gái đứng bên cạnh lũ bồ câu xám tối gợi lên cái vẻ gì đó đầy u uất trong mắt họ.

Trí tưởng tượng đưa tôi đến một vùng đất xa xôi nơi chim chóc không bị săn đuổi bởi bão tuyết. Tôi nghĩ đến lũ chim thiên di bay hàng ngàn dặm về phương Nam, nơi mặt trời chói sáng và thực phẩm rơi rớt không bị chôn vùi dưới lớp tuyết dày. Những con bồ câu tội nghiệp này không thể bay xa. Đã xa rồi cái thời mà người ta buộc vào chân chim những tin nhắn, những lá thư để chúng đưa tin. Tôi thầm nghĩ không biết lũ chim này có còn khả năng làm những kẻ đưa thư đáng tin cậy? Thế giới đổi thay. Tất cả mọi sự. Những bản năng nhạt dần, những thói quen biến mất.
 
Tôi nghĩ đến tổ tiên mình, những người đã lê bước trên mặt đất này hàng trăm hàng nghìn năm trước; những người không có phương tiện vận chuyển như tôi hôm nay, nhưng họ đã nối liền lục địa, đã chinh phục đại dương. Tôi nhìn đám bồ câu. Chúng vẫn co ro sát vách tường tòa án. Khi nào thì chúng nó bắt đầu đi tìm thức ăn? Và chúng sẽ tìm được thứ gì trong cái thành phố lao xao tiếng động của người và xe cộ này?
 
Tôi lẩm bẩm câu từ giã lũ bồ câu áo đen bên vách tường tòa án. Tôi rảo bước về phía góc sân.
 
Và tôi giật mình khi thấy người đàn ông ban nãy. Khi nhận ra ông ta thì tôi đã đến sát bên chiếc ghế đá người ta vẫn đặt gần những trạm ngừng xe buýt. Nhưng mà tôi nhớ rõ ràng ban nãy ông ta ngồi ở trạm khác chứ đâu phải cái trạm gần tòa án này.
 
Vẫn cái đầu cúi gằm nhìn chăm chăm nền xi măng, cái lưng còng và cái cổ khẳng khiu không đỡ nổi cái đầu cồng kềnh trĩu nặng. Và cũng bất ngờ - như đã chuẩn bị sẵn - ông ta ngẩng đầu lên nhìn tôi.
 
Hello! Tôi biết cô sẽ trở lại.”
 
Tôi lúng túng, “Vâng...”
 
“Mùa đông đã về.” Ông ta lẩm bẩm.
 
Tôi lập lại câu nói của ông ta và bối rối liếc về phía trạm ngừng xe buýt.
 
Ông ta gật đầu, “Vâng, mùa đông đã về và tôi vẫn còn sống.” Rồi ông ta mỉm cười. Nụ cười méo mó làm khuôn mặt nhăn nhúm, vẹo đi như mặt nạ một anh hề.
 
Câu nói của ông ta làm tôi tò mò. “Vẫn còn sống?” Tôi hỏi.
 
“Vâng, vẫn còn sống.”
 
“Dĩ nhiên, ông vẫn còn sống,” tôi nói.  
 
“Nhưng ai biết là sẽ còn được bao lâu.” Người đàn ông hạ giọng, nói nhỏ như sợ ai nghe thấy, “Tôi nói chuyện với cô một chút được không, please?”
 
Cái giọng nài nỉ làm lòng tôi chùng xuống. Tôi rón rén ngồi xuống ở đầu kia ghế đá. Cái lạnh buốt trên mặt ghế xi măng luồn qua vải, thấm vào da thịt làm tôi rùng mình. Nhưng tôi không để ý đến cái lạnh ấy nữa. Lối nói chuyện và câu kệ của người đàn ông này cuốn hút tôi.
 
“Ông okay chứ?” Tôi hỏi.
 
Người đàn ông lại nhìn xuống nền xi măng, “Cô muốn nghe chuyện của tôi không?”
 
“Ồ, tôi…” Tôi ngập ngừng.
 
“Bác sĩ tâm thần,” người đàn ông ngắt lời tôi. “My shrink, cô biết chữ đó mà, phải không? Ông ấy nói là nếu tôi chia sẻ câu chuyện của tôi với người nào khác thì tôi sẽ phục hồi nhanh hơn.”
 
“Vậy sao?”
 
“Vâng. Cảm ơn cô. Cô có biết cái nhìn trong mắt của nó làm tôi phát điên không?”
 
“Nó… ơ… là ai?”
 
“Làm sao tôi biết được,” người đàn ông gằn giọng.
 
Ông ta đặt hai bàn tay trên đùi trong một cử chỉ của đứa học sinh cần cù, ngoan ngoãn. Tôi liếc nhìn bàn tay ông ta. Những ngón tay sần sùi. Tôi nhận thấy những đầu ngón tay run rẩy.
“Lại một ca tâm thần,” tôi nghĩ. “Nhưng chắc không nguy hiểm.” Tôi tự trấn an. Bằng cách lắng nghe ông ta nói tôi có thể giúp ông ta hồi phục, và giúp tôi xóa bớt cái nhàm chán của cuộc sống, buổi sáng sang mùa. Tôi dựa sát vào lưng ghế, bên cạnh người đàn ông lạ, không còn nhấp nhổm sẵn sàng tuông chạy như lúc đầu.

“Hắn ta có thể là một sinh viên, một công nhân, hay là một thanh niên thất nghiệp,” ông ta bắt đầu câu chuyện bằng giọng nói đều đều. Tôi chăm chú lắng nghe.
 
Hai con mắt nâu của người đàn ông nhìn đăm đăm vào khoảng trống trước mặt. Nơi xe cộ và khách bộ hành vùn vụt lướt qua. Giọng khàn đục nhưng sôi sục như con nước lao vào vũng xoáy, 

“Tôi không biết nhiều về hắn ta. Nhưng ngày hôm sau, báo chí đưa tin về hắn tôi mới biết. Sáng hôm ấy tôi đi làm như thường. Hôm ấy tôi làm ca ngày. Mọi chuyện đều suôn sẻ. Tôi đã làm cái nghề ấy mười lăm năm rồi. Mặc dù mấy cái chuyện như thế xảy ra cho tôi một vài lần nhưng tôi vẫn không làm sao quen cho được. Ngày hôm đó chuyện lại xảy ra. Cái điều duy nhất khác biệt với những lần trước là gã thanh niên này nhìn tôi. Và tôi nhìn hắn ta vào đúng cái khoảnh khắc ấy. Giống như một ánh chớp. Và hắn ta biến mất. Tôi cố gắng tránh cái giây phút khủng khiếp ấy nhưng tôi không làm được. Tiếng rít chói tai, trời đất rung chuyển rầm rộ. Chuyện xảy ra như một tia chớp đánh thẳng vào người tôi. Tôi không bao giờ quên được cái khoảnh khắc tôi với hắn nhìn nhau. Có cái gì đó trong mắt hắn. Sự tuyệt vọng không thể đo lường. Một hy vọng xa vời. Một nỗi buồn không nguôi. Sự cảm ơn câm nín. Pha trộn của rất nhiều thứ đầy ắp trong mắt nhìn. Trời ơi, tôi vẫn còn nhớ con mắt xanh của hắn. Thật là xanh, xanh như bầu trời mùa hạ. Góc phải của miệng hắn nhếch lên một chút xíu như thể hắn ta muốn nói một điều gì đó, hoặc cũng chỉ là một cái cười nửa miệng. Tôi không hiểu tại sao tất cả mọi sự xảy ra trong tích tắc như vậy mà khuôn mặt và cái nhìn trong mắt hắn lại thật rõ nét trong trí nhớ của tôi.” Người đàn ông ngưng nói để thở. Rồi ông ta xoay qua, nhìn chằm chặp vào mắt tôi. “Bây giờ nói chuyện với cô, tôi vẫn trông thấy khuôn mặt xanh xao, vẫn trông thấy con mắt xanh biếc thật rõ nét. Tôi cần ai đó giúp tôi xóa đi cái hình ảnh đó khỏi trí nhớ nếu không thì tôi sẽ điên lên mất.”
 
Một cơn ho ngắt lời người đàn ông. Lần đầu tiên tôi kiên nhẫn ngồi nghe một câu chuyện dài lê thê mà không ngắt lời người kể. Người đàn ông nói liên tục, cái giọng râm ran làm tôi buồn ngủ.
 
Dứt cơn ho, cái giọng rì rầm tiếp tục, “Tôi trông thấy hắn khắp mọi nơi. Hắn ám ảnh tôi bất kỳ lúc nào. Tôi không thể làm gì được. Hắn đã quấy rầy tôi đến mức tôi muốn giết hắn ta càng sớm càng tốt.”
 
Tôi bật người lên khi nghe chữ giết. Tôi vừa mới ra khỏi tòa và bây giờ người đàn ông lạ thố lộ với tôi là muốn giết ai đó.
 
“Tôi muốn chính tay tôi giết hắn,” ông ta thì thầm.
 
“Xin lỗi ông,” tôi nhắc lại. “Tôi phải đi, tôi có một…” Tôi lẩm bẩm, cố gắng moi ra một lý do hợp lý để không làm ông ta phật lòng. “Tôi có hẹn với bác sĩ. Tôi phải đi.”
 
Người đàn ông bừng tỉnh.
 
“Chờ một chút. Để tôi kể hết cho cô nghe. Please!”
 
Tôi đứng dậy.
 
Người đàn ông ngồi thẳng người, ngước lên nhìn tôi. Nét van nài trong ánh mắt. Tôi đứng lặng. Người đàn ông gật đầu. Và câu, chữ tuôn ra khỏi miệng của ông ta như thác lũ, “Chuyện xảy ra nhanh quá. Tôi trông thấy hắn ta trong đám đông, tôi thấy hắn ta nhào về phía trước. Và trong một tích tắc hai cái nhìn của chúng tôi gặp nhau. Và hắn ta đâm nhào xuống đường rầy xe điện ngầm. Tôi kéo gấp tay thắng. Nhưng mà chỉ có trời mới cứu được hắn ta. Suốt mười lăm năm làm nghề lái subway, những chuyện như thế xảy ra với tôi một vài lần, nhưng đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy anh mắt của một người tự tử. Con mắt xanh như bầu trời mùa hạ. Ngày hôm sau báo đăng tin, báo nói hắn bị bạn gái phản bội. Cảm ơn cô đã lắng nghe. Bây giờ tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Cảm ơn cô! Chúc cô một ngày an lành!”
 
24 tháng 12, 2019 
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi may mắn hơn nhiều người Việt sống bên ngoài Việt nam là được sống trong một thành phố không cần biết tiếng Anh vì mọi dịch vụ đều có người Việt phục vụ đồng hương. Dịch vụ mới nhất tôi nghe được trong chiều ba mươi từ người bạn bị mất việc hôm tháng trước, anh giao hết cho dịch vụ trương bảng nhận khai thuế nhưng có làm thêm dịch vụ xin tiền thất nghiệp, nghĩa là lo khâu xin việc mỗi tuần ở những hãng xưởng khác nhau theo yêu cầu của Sở thất nghiệp TWC để được hưởng tiền thất nghiệp hàng tuần nhưng bảo đảm không ai gọi đi làm đâu mà sợ. Tiền thất nghiệp cứ chuyển vào tài khoản nhà băng người thất nghiệp mỗi tuần, không phải lo gì hết ngoài việc trả cho dịch vụ vài chục bạc. Nghe xong không biết nên vui hay buồn với cộng đồng mình vào một chiều cuối năm ở hải ngoại.
Trong buổi họp chuẩn bị cho ngày liên hoan Tết năm ấy, cô giáo trẻ sung sức là tôi, cao hứng giao cho nhóm lớp trưởng lớp phó lo phần trang trí, mua bánh kẹo, nước uống, còn tôi sẽ nấu một nồi chè bà ba và một hũ đậu phộng rang...
Kể từ năm 1558, con ông Nguyễn Kim là chúa Nguyễn Hoàng vào cai trị Thuận Hóa, gọi là Đàng Trong. Đàng Ngoài là ngoài Bắc vẫn thuộc quyền của chúa Trịnh. Họ chia đôi đất nước, lấy sông Gianh làm giới tuyến. Rồi Trịnh Nguyễn đánh nhau suốt 200 năm vẫn không phân thắng bại, con sông Gianh oan nghiệt là đề tài cho bao nhiêu đau thương, bao nhiêu than vãn...
Bà vợ của Martsa đã ra khỏi phòng với thằng bé, còn lại tôi đối mặt với Martsa, không khí trong phòng như cô đặc lại. Toàn bộ sự chú ý của tôi tập trung vào bàn tay phải, tôi nắm chặt cây dao găm. Tôi xua hết ý nghĩ trong tâm trí, chỉ còn trong đầu một ý kiến: giết Martsa để trả thù cho chàng Khampa và cha anh ta...
Đã gần đến Tết. Trời vẫn rét căm căm nhưng có lẽ mùa đông năm nay Seattle không có tuyết. Nhiều năm giờ này băng giá đã phủ kín các cành cây khẳng khiu trụi lá. Toàn cảnh như một cánh rừng bằng pha lê lóng lánh, trông đẹp như trong cảnh thần tiên, nhưng bước ra ngoài trên mặt đất giá băng lại rất nguy hiểm. Trượt té gẫy xương là chuyện thường...
Mấy ngày nay John cứ như một cái xác vô hồn, vẫn ăn uống, vẫn đi làm như mọi người nhưng John chỉ làm theo quán tính; toàn bộ mọi hoạt động và nói năng cứ như thể lập trình sẵn trong người máy chứ không hề có mộtc cảm xúc gì về việc mình làm. Đâu phải chỉ tuần này, đã lâu rồi, cái tình trạng này trong John tiếp diễn khi thì lên cao lúc xuống thấp. John thấy đời mình vô vị và vô nghĩa quá, chẳng biết sống để làm gì...
Không có đồng hồ đeo tay nên tôi chẳng biết Oanh đã vào chợ được bao lâu rồi. Con nhỏ định để tôi chết đứng ở đây. Trời đã trưa, khu chợ vắng dần. Ôm cặp, áo dài trắng đứng trước chợ giờ nầy, chướng ơi là chướng. Tôi cúi mặt, không dám nhìn ai vừa rủa thầm con nhỏ...
Có lời bái hát xưa nào đó mà tôi còn nhớ loáng thoáng trong đầu, “ngoài kia tuyết rơi đầy, sao em không đến bên tôi chiều nay…” chỉ nhớ mỗi câu ấy thôi nên ngân nga cho đỡ buồn khi mỏi mắt nhìn ra cửa sổ… ngoài kia tuyết rơi đầy. Dù sao cũng đỡ nản hơn nhìn vào chỗ làm là những hàng bàn làm việc dài im lặng, những hàng ghế ngồi có bánh xe xếp ngay ngắn; tiếng nói cười của đồng nghiệp hoà quyện vào âm thanh phát ra từ máy móc đã lui về quá khứ như một triều đại huy hoàng đã lụi tàn. Mọi thứ chưa đóng bụi thời gian đã thành phế tích của nền kinh tế đã chết trước cả chính quyền điều hành nó là thực tế nước Mỹ.
Tôi lái xe về nhà, trong lòng nặng trĩu nỗi buồn, thương cho Vi và giận chồng của Vi quá, tôi đâm xe thẳng vào garage và xồng xộc đi vào nhà, chồng tôi có lẽ vẫn đang lúi húi trong bếp nên không thấy tôi. Thay quần áo, nằm lăn trên giường, tôi nghĩ đến những lời Thu nói, nếu như tôi lấy phải một người chồng như của Vi?
Đêm đầu tiên về Saigon vì trái giờ nên khoảng 3 giờ sáng tôi đã thức giấc. Háo hức muốn tìm hiểu cuộc sống ban đêm ở Sài Gòn hoa lệ. Tôi trang bị nhẹ với máy ảnh đi lang thang một mình trên đường phố vắng. Ban đầu hơi ái ngại, tôi chỉ định rảo bộ quanh khách sạn ở Q1 cho an toàn. Ra ngoài khách sạn khoảng trăm thước, tôi thấy mấy chị đạp xe chở hàng có lẽ để bán lẻ ở đâu đó trong thành phố...
Trong tận thâm tâm tôi, thầy là một vì sao sáng, một hiền nhân vô cùng tôn kính giữa nhân gian này. Tôi chưa từng diện kiến hay bái sư nhưng toàn tâm ý của tôi thì thầy là thầy tôi từ quá khứ xa xưa chứ chẳng phải chỉ mỗi kiếp này...
Nằm trên giường tôi vươn vai duỗi chân thật thoải mái làm sao ấy, nhìn lên đồng hồ trên bàn đã 9 giờ sáng, bên ngoài trời Montreal tuyết nhè nhẹ bay trắng xóa thật đẹp. Hôm nay thứ hai đầu tuần, mọi người hàng xóm xung quanh đi làm hết, cả khu nhà yên ắng đến lạ thường, tôi mỉm cười thỏa mãn “mình về hưu rồi mà, phải tự sướng chứ!”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.